Thích Nhật Tấn Học viên cao học khóa II, Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2023

Tiếp theo Kỳ I Số tháng 1/2023 (178)

4. Vai trò các kỳ kết tập kinh điển

4.1. Chuẩn hóa và thống nhất chung về nội dung kinh tạng Phật giáo để người sau có được lộ trình tu tập.

Ví như con đường đến đích với nhiều ngã rẽ phức tạp, nhờ có người dẫn đường thông thạo mà khách bộ hành có thể đi đến nơi. Kinh tạng cũng như thế, nó như một quyển sách hướng dẫn ghi lại nhiều pháp môn phù hợp với mỗi người để thực hành theo. Nếu không trùng tuyên lại kinh điển, thì làm sao có kim chỉ nam đúng đắn cho các đệ tử và giáo đồ căn cứ tu tập. Như vậy, đối với hàng phật tử, đặc biệt là hàng ngũ xuất gia, không có gì ý nghĩa hơn lời dạy đức Phật được lưu giữ lâu bền, để thế hệ tiếp theo có cơ sở tư tưởng chính thống trên lộ trình thực hành đạo giải thoát.

4.2. Tránh sự ngộ nhận về kinh luật về sau

Từ lần kết tập đầu tiên thì hệ thống kinh luật đã được hoàn chỉnh. Các bộ kinh luật này là nguyên thủy của lời đức Phật dạy, chưa có phân chia bộ phái Tiểu thừa hay Đại thừa, do vậy không thể nói rằng kinh điển của trường phái này hay trường phái kia. Khi trong tăng đoàn có sự nhiễm ô từ thế tục, giới luật bị xem nhẹ, kỳ kết tập lần thứ hai diễn ra để giúp cho tăng đoàn thống nhất pháp và luật như thời Phật còn tại thế. Đến thời đại đế vua Asoka, do sự trà trộn của ngoại đạo vào hàng ngũ tăng đồ, pháp và luật của Phật một lần nữa gián đoạn, không được duy trì trong một thời gian dài, từ đó làm mất niềm tin cho những người tu chân chính và hàng phật tử tín tâm. Ở kỳ kết tập lần ba, được sự hỗ trợ của Asoka trong việc thanh lọc đồ chúng, giới và luật của Phật một lần nữa được tuyên dương từ các bậc trưởng lão có sở tu sở chứng uy tín… Qua đó có thể thấy được các kỳ kết tập đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc giữ gìn giới pháp của Phật cũng như giúp cho các hàng đệ tử Phật tránh được sự nhìn nhận sai lầm mà hiểu và hành không đúng với chính pháp.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 3.2023 Vai Tro Cua Cac Ky Ket Tap Kinh Dien 3

4.3. Giữ gìn và bảo tồn ngôn ngữ Phật giáo

Như chúng ta đều biết, ba kỳ kết tập kinh điển đầu tiên chỉ kết tập dưới hình thức tụng đọc nhiều lần để thống nhất lại nội dung của kinh và luật tạng mà chưa có văn bản. Dĩ nhiên ngôn ngữ để đọc tụng tại ba kỳ kết tập này cũng dễ nhận diện ra và các trường phái nào cũng đã chấp nhận. Kỳ kết tập đầu tiên chắc chắn là sử dụng tiếng Magadhi, vì tất cả các thành viên của hội đồng đều là những vị chân truyền lời dạy từ kim khẩu của đức Phật. Ở kỳ kết tập thứ hai, các trưởng lão lớn tuổi từ miền Tây và miền Đông đều là đệ tử của tôn giả Ananda và Anuraddha, nên tiếng Magadhi chính ngôn ngữ chính trong kỳ kết tập này. Kỳ kết tập lần thứ ba được tổ chức tại Hoa Thị Thành nên tiếng Magadhi tiếp tục được sử dụng. Riêng ba kỳ kết tập tiếp theo, ngôn ngữ được sử dụng là Pāli, một thứ ngôn ngữ đặc trưng của Thượng tọa bộ Tích Lan nói riêng và cả thệ thống Phật giáo Theravada nói chung. Cho đến ngày nay, kinh tạng bằng ngôn ngữ Pāli trở thành nguồn tư tưởng đáng tin cậy, được nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới đương thời công nhận. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống kinh điển ít ỏi bằng hệ ngôn ngữ Sanskrit cổ của Phật giáo phát triển, không những góp phần bảo tồn kho tàng ngôn ngữ cổ qua kinh điển mà còn là dấu ấn đặc trưng ghi nhận sự tồn tại của Phật giáo từ quá khứ đến hiện tại và hậu lai.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 3.2023 Vai Tro Cua Cac Ky Ket Tap Kinh Dien 1

4.4. Duy trì sự tồn tại và phát triển của Phật giáo qua các thời kỳ

4.4.1. Duy trì sự tồn tại của Phật giáo qua việc làm trong sạch hóa tăng đoàn

Giá trị chân chính của một tôn giáo ưu việt nằm ở hệ thống giáo lý và giới luật, nhưng sức mạnh thật sự của hệ thống này chỉ có thể đo lường ngang qua tổ chức của nó. Nghĩa là, đời sống tu hành của mỗi cá nhân và tập thể phản ánh sự hùng mạnh hay yếu kém của nó. Kết tập kinh điển lần 3 đã đem tăng đoàn Phật giáo trở lại sự trong sạch vốn có của nó, nếu như không vậy thì tăng đoàn ngày nay cũng theo đó mà có sự thanh nhiễm lẫn lộn, gây mất niềm tin nơi phật tử, đạo Phật sẽ không thể tồn tại và phát triển lâu dài trong đời sống con người.

4.4.2. Duy trì sự tồn tại của Phật giáo qua yếu tố giới luật

Tạng Luật được xem là pháo đài vững chắc để bảo tồn thành lũy giáo hội trong những cơn phong ba bão táp của lịch sử. Cũng có thể nói rằng, giới luật là thọ mạng của Phật giáo, người tu hành giữ giới sẽ là tấm gương sáng cho các người khác noi theo, kẻ ngoại đạo thấy vẻ uy nghi của người tuân thủ giới luật sẽ dễ dàng có thiện cảm với đạo Phật, và khi có thiện cảm thì người đó sẽ dễ dàng quy y tam bảo. Phật giáo ngày càng được duy trì và phát triển, bằng ngược lại sẽ suy tàn. Vì vậy, khi trùng tuyên tạng luật qua các kì kết tập sẽ góp phần duy trì sự tồn tại và phát triển của Phật giáo.

4.4.3. Phát triển Phật giáo qua yếu tố truyền giáo

Qua kết tập lần 3, đạo Phật đã được truyền sang các nước châu Á, châu Phi và châu Âu, kinh điển, thánh vật cũng được mang theo, Phật giáo được phát triển và mở mang. Khi Hồi giáo xâm chiếm và tiêu hủy kinh tạng và tàn phá thánh tích tại Ấn Độ, thì kinh tạng vẫn còn được lưu giữ tại các quốc gia mà Phật giáo được truyền sang, có thể nói chính yếu tố truyền giáo này đã bảo tồn được kinh điển của Phật giáo. Qua yếu tố truyền giáo thì Phật giáo đã trở thành tôn giáo mang tính toàn cầu.

4.4.4. Phát triển Phật giáo qua việc phân chia bộ phái

Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ là nền tảng của cuộc kết tập lần 2, nhưng dưới quan điểm của một số học giả ngày nay, thì việc phân chia này đã mang đến cho Phật giáo sự phát triển toàn diện có tính chất bổ sung cho nhau và nói lên tính chất lịch sử của yếu tố phát triển Phật giáo, tuy giáo lý được phân làm hai truyền thống: Truyền thống Nguyên thủy và truyền thống Phát triển.

Sử dụng từ ngữ Nguyên thủy và Phát triển nói lên tính xuyên suốt của cây đại thọ, giáo lý đạo Phật, mà phần gốc, rễ là Nguyên thủy. Phần thân ngọn cành lá chỉ cho Phật giáo Phát triển. Không một cây nào có thể gọi là cây khi không có gốc hay ngọn. Sự nhất quán trong hệ thống giáo lý phải được thiết lập và không ra ngoài hai hệ thống Nguyên thủy và Phát triển. Những tư tưởng Phật giáo Phát triển đều phải mang tính kế thừa giáo lý Nguyên thủy, nếu không thì giáo lý Phát triển sẽ mất đi giá trị của nó. Sự hình thành các bộ phái là do việc đáp ứng nhu cầu của thời đại, của căn cơ chúng sinh, yếu tố phát triển Phật giáo phải nằm trong sự đáp ứng của đạo Phật vào thời đại, nếu không thì đạo Phật sẽ không thể phát triển được.

5. Một vài nhận xét

Hiện nay, ba tạng Kinh, Luật, Luận bằng tiếng Pāli thuộc Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy, hầu như còn được bảo tồn hoàn chỉnh. Thánh điển Hán ngữ do nhiều bộ phái truyền lại, nhưng đều không hoàn chỉnh. Vì thế, các học giả thường chú tâm vào nghiên cứu Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy. Điều này vô hình chung, biến Thánh điển bằng tiếng Pāli (chỉ mang tính chất bộ phái) đóng vai trò là nhân tố duy nhất, quan trọng nhất trong việc bảo tồn kinh điển Phật giáo. Vì vậy, để thấy được giá trị lời Phật dạy, người nghiên cứu ngoài lấy tạng Pāli của Thượng tọa bộ Tích Lan làm căn sở, còn phải mở rộng đối tượng nghiên cứu, so sánh đối chiếu từ các bộ phái khác như lời nhận định của Hòa thượng Ấn Thuận: “Hiện nay còn có người cho rằng nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy, mà không bắt đầu từ Thánh điển Pāli thì không thể được. Có người lấy danh nghĩa là Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy, nhưng thật ra chỉ mang ý nghĩa là Thánh điển Pāli. Cần phải bỏ qua lập trường bộ phái, sử dụng tất cả các Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy hiện còn làm đối tượng nghiên cứu, tiến hành so sánh đối chiếu để tái hiện quá trình thành lập Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy, mới là phương châm nghiên cứu lịch sử hình thành Thánh điển Phật giáo.” [3,tr95]

Như chúng ta đều biết, giáo pháp của đức Phật trong một thời gian dài được bảo tồn bằng các hình thức khẩu truyền. Trên thực tế, việc bảo tồn theo hình thức này vẫn sẽ bị thất bản là điều không thể tránh khỏi sau nhiều thế hệ tụng đọc. Tuy vậy, việc diễn ra các cuộc kết tập đối với kinh tạng Phật giáo đã giúp cho giáo pháp chính thống truyền từ kim khẩu của Phật được truyền thừa xuyên suốt theo cách tối ưu nhất có thể. Từ đó, triết lý giải thoát vẫn còn hiện hữu đến ngày nay dù đã cách xa thời Phật. Ngoài ra, đừng về khía cạnh ngôn ngữ, qua nhiều kỳ kết tập đã giúp Ấn Độ bảo tồn được nhiều loại hình ngôn ngữ đã từ lâu không còn như Sanskrit hay Pāli cổ.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 3.2023 Vai Tro Cua Cac Ky Ket Tap Kinh Dien 2

Các kỳ kết tập Thánh điển Phật giáo còn giúp cho độc giả đời sau thấy được những cung bậc thăng trầm của lịch sử Phật giáo Ấn Độ trong ngần ấy thế kỷ, soi sáng sự thật của Phật giáo lúc thịnh, lúc suy trong mỗi thời đại. Từ đó, các thế thệ sau có được góc nhìn lịch sử một cách khái quát, trung thực và tránh được thực trạng tệ lậu trong quá khứ của tăng đoàn đã gặp phải.

Kết luận

Trải qua bao cuộc thăng trầm lịch sử chính trị xã hội, Phật giáo cũng ngần ấy thời gian hưng thịnh suy tàn. Tuy nhiên, may mắn có những vị Trưởng lão Thánh Tăng từng thời kỳ đã mang trách nhiệm, quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy nền đạo pháp. Do đó, những thời kỳ kết tập kinh điển ra đời để bảo tồn các lời dạy của đức Phật. Vì điều này, chúng ta nhớ ơn thật nhiều đối với những tâm huyết thiêng liêng, những nỗ lực không mệt mỏi, những trí nhớ phi thường của những tu sĩ và những bậc Tỳ kheo trưởng lão ngày xưa, những người đã gìn giữ, truyền thừa và làm sống mãi những lời dạy của đức Phật, kể từ khi Người viên tịch cho đến tận mai hậu.

Đọc hết nội dung bài viết, người đọc cũng phần nhiều hình dung ra được thực trạng lịch sử của Phật giáo Ấn Độ nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung. Từ đó, thấy được vị trí của các kỳ kết tập đóng vai trò quan trọng như thế nào ở mỗi giai đoạn suy vi của Phật giáo. Nhờ các thời kỳ kết tập này, mà nội bộ Phật giáo chuẩn hóa và thống nhất được nội dung kinh tạng, giúp người sau có được lộ trình tu tập rõ ràng. Bên cạnh đó, giúp các hàng đệ tử về sau tránh được sự ngộ nhận về giáo pháp, giữ gìn và bảo tồn ngôn ngữ Phật giáo. Từ đó duy trì sự tồn tại và phát triển của Phật giáo qua nhiều thế hệ sau này và mãi về hậu lai.

Thích Nhật Tấn Học viên cao học khóa II, Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2023 ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO: [1] Thích Thanh Kiểm (2020), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB Lao Động,Hà Nội. [2] Thích Đồng Thành (2022), Giáo trình Sự hình thành và phát triển kinh điển Phật giáo, lưu hành nội bộ. [3] Ấn Thuận (2015), Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên Thủy, Thích Phước Sơn, Thích Hạnh Bình cùng các học viên dịch, NXB Phương Đông, HCM. [4] Ấn Thuận (2020), Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Thích Quảng Đại dịch, NXB Dân Trí, Hà Nội. [5] Viên Trí (2018), Ấn Độ Phật giáo sử luận, NXB Hồng Đức, Hà Nội. [6] https://www.budsas.org/uni/u-ngan/lichsuket.htm Tỳ kheo Thiện Minh (2003)