Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Vai trò của các kỳ kết tập Kinh điển

Vai trò của các kỳ kết tập Kinh điển

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nhật Tấn
Học viên Cao học Khóa II, Học viện PGVN tại Huế
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

Tóm tắt: Phật giáo có mặt trên thế gian này từ thế kỷ thứ VI trước Tây lịch. Hơn 26 thế kỷ đã trôi qua, để đứng vững và phát triển trong ngần ấy thời gian, Phật giáo đã phải trải qua biết bao biến cố thăng trầm cùng nhân loại, sự tồn tại ấy quả là một điều kỳ diệu. Sự diệu kỳ ấy không đến từ uy quyền hay sức mạnh mà đến từ triết lý giúp chúng sinh vượt thoát khổ đau, tìm thấy được lối về tự do cho chính mình. Những triết lý ấy, sở dĩ được bảo tồn và lưu giữ mãi đến ngày nay cũng nhờ vai trò của các bậc cao tăng qua các kỳ kết tập kinh điển.
Từ khóa: các kỳ kết tập kinh điển, vai trò các kỳ kết tập…

Trong suốt những năm hành đạo, đức Phật thuyết pháp cho đủ hạng người, từ vua chúa quan lại cho đến các hàng thứ dân bần tiện, từ trí thức cho đến bình dân… mỗi đối tượng, tùy theo căn cơ, trình độ, hoàn cảnh mà Ngài có phương cách hóa độ phù hợp. Tuy số lượng pháp nhiều như vậy nhưng tất cả những lời dạy chưa từng được ghi thành văn tự. Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, các vị đệ tử của Ngài trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau đều muốn bảo tồn những Lời dạy của đức Thế Tôn qua việc kết tập kinh điển.

Việc nghiên cứu về lịch sử kết tập kinh điển Phật giáo hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều tác phẩm, tại nước ta, có nhiều đầu sách đề cập đến lịch sử các kỳ kết tập như cuốn Lược sử Phật giáo Ấn Độ của cố HT.Thích Thanh Kiểm biên khảo năm 1963, cuốn Ấn Độ Phật giáo sử luận của TT.Thích Viên Trí biên soạn năm 2005 tái bản năm 2018, cuốn Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy của HT.Thích Ấn Thuận được dịch Việt bởi HT.Thích Phước Sơn, TT.Thích Hạnh Bình vào năm 2015, hay cuốn Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ cũng do HT.Ấn Thuận được dịch Việt bởi TT.Thích Quảng Đại năm 2020…

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Vai Tro Cua Cac Ky Ket Tap Kinh Dien 1

1. Quan điểm về ngôn ngữ của đức Phật

Hơn hai mươi sáu thế kỷ trôi qua kể từ ngày đức Thích Ca Mâu ni khai sáng đạo Phật, giáo pháp của Ngài mãi được lưu truyền, phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ như thế là nhờ việc chú trọng vào ngôn ngữ diễn đạt đơn giản, gần gũi với nhiều vùng địa phương khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau. Tuy nhiên, việc truy tìm ngôn ngữ chính mà đức Phật sử dụng để thuyết pháp cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất chung giữa các nhà nghiên cứu. Vậy đức Phật dùng ngôn ngữ nào để nói pháp?

Trong Vinayapitaka Cullavagga (tạng luật, tiểu phẩm,V,33), nhân có hai vị tỷ-kheo Yamelu và Tekula xin Phật chuyển dịch ngôn ngữ Phật giáo sang Phạn ngữ như kinh Vệ-đà, đức Phật cũng nêu ra quan điểm của ngài:

“Vào lúc bấy giờ, hai Tỳ kheo tên Yamelu và Tekula là hai anh em xuất thân dòng dõi Bà la môn có lời nói nhã nhặn với âm điệu ngọt ngào. Họ đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đánh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các Tỳ kheo ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

Bạch Ngài, hiện nay các Tỳ kheo có tên gọi khác nhau, có dòng dõi khác nhau, có giai cấp khác nhau, có gia tộc khác nhau đã xuất gia. Các vị ấy đang làm hỏng Lời dạy của đức Phật bằng tiếng địa phương của chính họ. Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của đức Phật sang dạng có niêm luật”.

Phạn văn là ngôn ngữ của thượng cấp Bà la môn, một thứ ngôn ngữ hàn lâm chứa đựng những quy tắc niêm luậtphức tạp màgiới thường dân không thể nào tiếp cận được. Như thế sẽ đi ngược lại với mong muốn mang ánh sáng chân lý đến tất cả mọi người, đức Phật mong muốn tất cả mọi người đều nghe và hiểu được.

Đức Phật cũng dạy các Tỳ kheo nên dùng ngôn ngữ riêng của từng địa phương mà trình bày để mọi tầng lớp được tiếp cận dễ dàng:

“Này những kẻ rồ dại kia, vì sao các ngươi lại nói như vầy: Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của đức Phật sang dạng có niêm luật? Này những kẻ rồ dại kia, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, và làm thay đổi niềm tin.

Này các Tỳ kheo, không nên hoán chuyển lời dạy của chư Phật sang dạng có niêm luật, vị nào hoán chuyển thì phạm tội dukkata (đột-kiết-la). Này các Tỳ kheo, ta cho phép học tập lời dạy của đức Phật bằng tiếng địa phương của chính họ”.

Từ lời khẳng định trên của đức Thế Tôn, về sau các học giả lại nêu ra nhiều quan điểm khác nhau xung quanh “ngôn ngữ địa phương” mà Phật đã từng sử dụng.

Theo Buddhaghosa, Ngài cho rằng saka nirutti là tiếng Magadhi, là ngôn ngữ được dùng bởi đức Phật và đức Phật không cho phép tỷ kheo chuyển tải giáo lý bằng tiếng Phạn (chandasa).

Đến thế kỷ XIX, học giả Rhys Davids và Oldenberg, hai chuyên gia nghiên cứu Pali, đã dịch Cullavaga rằng: “ta cho phép các thầy, này các Tỳ kheo, học những lười Phật dạy bằng phương ngữ của mỗi người”, tức là mỗi người xuất gia đều có thể tiếp nhận Phật pháp bằng chính ngôn ngữ bản địa của mỗi vùng. Quan điểm trên được đa số các học giả đồng tình. Ngược lại, học giả Geiger và Mauli Prasad ủng hộ quan điểm ngôn ngữ Magadhi của ngài Buddhaghosa.

Riêng học giả B.c.Law, trong tác phẩm Lịch sử Văn học Pali của mình, ông cho rằng ngài Buddhaghosa đã thiếu căn cứ khi xác định chữ Chandasa là tiếng Phạn và Saka nirutti nghĩa là tiếng Magadhi. Theo ông, ngôn ngữ tiếng Phạn chia thành hai dòng là tiếng Phạn Vệ đà và tiếng Phạn thông dụng. Tiếng Phạn mà Phật cấm sử dụng trong kinh điển là Phạn Vệ đà chứ không phải là tiếng Phạn được dùng phổ biến.

Lin li-kouang và Edgerton lại cho rằng, vì sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa trên lãnh thổ Ấn Độ cổ đại, cộng với tinh thần tự do cởi mở và dân chủ của Phật giáo nên việc sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau để diễn dịch ngôn ngữ của phật pháp là hoàn toàn có cơ sở. Trong thực tế, trong suốt thời gian hoằng pháp, đức Phật đã đến nhiều vùng văn hóa khác nhau như Vaisali, Kausambi, Mathura, Ujayini…để xoay chuyển bánh xe pháp và lẽ dĩ nhiên, với sự thông ngôn mà ngài đã được đào luyện từ nhỏ thì việc dùng ngôn ngữ ở mỗi vùng khác nhau là hoàn toàn thiết thực. Trên cơ sở đó, học giả Edgerton cho rằng các tiếng Pali, Buddhist Hybrid Sanskrit, Prakrit là ngôn ngữ phổ biến của từng địa phương và cũng là nhóm ngôn ngữ chính của cộng đồng Phật giáo.

Đức Phật đến với cuộc đời này, giác ngộ ở thế giới này cũng chỉ vì mục đích làm lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người. Tuy mỗi học giả đều có cách kiến giải khác nhau về ngôn ngữ Phật nói, nhưng suy đến cùng, ngôn ngữ mà đức Phật muốn hướng đến chính là ngôn ngữ để cho tất cả mọi người đều được nghe hiểu, ngôn ngữ ấy phải là ngôn ngữ của số đông, phải là ngôn ngữ của từng địa phương mà Phật giáo muốn truyền bá.

2. Truyền thống khẩu truyền kinh tạng Phật giáo

Văn hóa khẩu truyền của người Ấn Độ cổ đại đã có bề dày lịch sử lâu đời. Trong truyền thống Bà la môn giáo, hình thức khẩu truyền này cũng đã có từ lâu với việc trì tụng các bộ Veda. Cách học của các vị Bà la môn là ngồi dưới chân thầy (upanisad), lãnh hội tất cả những lời thầy dạy và phát huy tối đa khả năng ghi nhớ những điều mà thầy đã truyền đạt. Đức Phật cũng đã sử dụng truyền thống này để giảng dạy cho các hàng đệ tử. Sau khi Phật diệt độ, hàng đồ chúng của Ngài cũng sử dụng hình thức này để bảo tồn những lời dạy của người suốt mấy trăm năm trước khi có văn bản chữ viết. Khi nói đến truyền thống khẩu truyền kinh tạng Phật giáo, chúng ta thấy có những đặc điểm lưu ý như:

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Vai Tro Cua Cac Ky Ket Tap Kinh Dien 2

Phương pháp

Để truyền thừa một cách nhanh chóng và hiệu quả, đòi hỏi giữa vị thầy và đệ tử phải có sự thống nhất với nhau trong cách truyền dạy cũng như ghi nhớ. Đối với vị thầy, khi truyền dạy ý pháp phải có cấu trúc thứ tự rõ ràng. Về hình thức, sử dụng tổng hợp thơ ca, sử thi và nghệ thuật văn xuôi thời đức Phật. Đối với hàng để tử, khi được thầy giảng dạy phải tập trung nghe thấu, vận dụng trí tuệ để biết cách sắp xếp, phân chia nội dung diễn đạt của thầy một cách logic, dễ hiểu.

Mục đích

Lưu trữ, truyền thừa những pháp mà Phật đã thành tựu, chứng đắc, diễn thuyết (pháp) và những nguyên tắc đời sống hành trì cộng trú của chư tăng (luật). Ngoài ra, còn phục vụ cho việc tụng đọc hằng ngày. Việc trì tụng này hướng đến cảm xúc tôn giáo, cảm nhận phật pháp ngày càng tăng trưởng. Càng trì tụng thì càng tiếp xúc được ý pháp và làm cho nội tâm mỗi ngày một sáng tỏ hơn.

Vai trò của người tụng đọc (Ananda)

Xâu chuổi lại nhiều tình tiết nội dung để hình thành một bố cục mạch lạc. Đức Phật đến đâu, gặp đối tượng nào, ở trong nhân duyên nào thì Ngài thuyết như thế. Tuy nhiên, vai trò của người ghi nhớ, người biên tập lại thì cần phải có định hướng và có ý riêng để diễn đạt theo trí tuệ của mình. Theo đó, điều chỉnh dài ngắn sao cho phù hợp những đề mục pháp, những đề kinh. Phần nào cần bỏ thì nên lượt bớt, phần nào quan trọng thì nhất quyết giữ lại. Tiếp đó, đặt tựa đề theo mỗi ý pháp hay theo mỗi bài kinh và những tựa đề đó có thể thay đổi. Khi Phật nói pháp, Ngài nói thẳng vào nội dung mà khi biên tập lại sẽ căn cứ vào nội dung để đặt tựa đề sao cho phù hợp nhất. Và cuối cùng sắp xếp vị trí, thứ lớp trước sau của các bản kinh.

Truyền thống khẩu truyền tụng vào lúc nào

Ngay thời Phật tại thế, chúng ta có thể thấy được việc tụng đọc diễn ra lúc chư tăng có nhân duyên vân tập và có một vị trưởng lão đứng ra trùng tuyên lời dạy của đức Phật. Ngoài ra, còn xảy ra trong bố tát, an cư, khi chư tăng thọ trai hay đi thăm bệnh.

Các yếu tố xác định lời dạy của Phật (kinh Đại Niết bàn thuộc Trường Bộ kinh)

Có năm yếu tố xác định lời Phật dạy: chỉnh từ kim khẩu Phật nói, từ tăng đoàn, từ một số tỳ kheo hữu học tại một trú xứ được học pháp một cách chân chính, thuần túy và có bài bản hoặc một vì tỳ kheo hữu học tại một trú xứ xa xôi hẻo lánh.

Các vấn đề khác

Trong khi ghi nhớ và trùng tuyên pháp có bốn điều có thể xảy ra:

Bất đồng ý nghĩa và văn tự: Tức là ý nghĩa trước và ý nghĩa sau tuy cùng một ý pháp nhưng được trình bày khác nhau theo ý của người nói.

Bất đồng về ý nghĩa nhưng đồng thuận về văn tự: Tức là câu từ và ngôn ngữ giống nhau nhưng ý nghĩa nội hàm lại khác nhau.

Đồng về ý nghĩa mà bất đồng về văn tự: Tức là nghĩa đồng nhau nhưng lời nói trình bày các mỗi vị diễn thuyết lại hoàn toàn khác nhau.

Đồng về ý nghĩa và văn tự: Tức là sự trình bày có hệ thống rõ ràng từ ý nghĩa đến văn tự.

Ba trường hợp đầu nếu gặp phải, đức Phật khuyền rằng nên đến một vị trung gian đến để cùng nối kết với hai vị bất đồng, cùng ngồi lại, cùng xem xét lại để tìm ra điểm đồng thuận cao nhất, tránh gây mâu thuẫn trong cách trình bày và diễn nói pháp của Phật.

3. Đặc điểm các kỳ kết tập kinh điển

3.1. Kết tập kinh điển lần thứ nhất

Sự kiện xảy ra vào mùa hạ ngay trong năm đầu tiên sau khi Phật diệt độ, tôn giả Đại Ca Diếp khởi sự triệu tập đại hội kết tập tại thành Vương Xá. Ban đầu, tôn giả Đại Ca Diếp thống lãnh đại chúng từ thành Vương Xá đến Câu Thi Na (Kuśinagara), chủ trì đại lễ trà tỳ nhục thân đức Phật vừa mới nhập Niết bàn. Tôn giả Đại Ca Diếp phát hiện trong tăng đoàn có người không tuân theo quy luật, có khuynh hướng tự do hành động, do đó khởi sự triệu tập đại hội kết tập. Địa điểm kết tập trong hang Thất Diệp (Saptaparna- guhā) ngoài thành Vương Xá. Thành phần tham gia kết tập có 500 vị Tỳ kheo”. Tôn giả A-nan theo hầu đức Phật suốt 25 năm cho đến lúc Phật nhập Niết bàn, bị loại trừ ra ngoài đại hội kết tập. Đến khi tham gia vào đại hội kết tập, lại bị tôn giả Đại Ca Diếp nêu ra các lỗi lầm giữa đại chúng. Chủ yếu là các vấn đề phụng sự đức Phật không chu đáo, về thái độ đối với người nữ và việc giữ lại hay bỏ đi những giới nhỏ nhặt. Tôn giả A Nan trước đại chúng, vì sự tôn trọng Tăng già, bày tỏ sám hối để giữ gìn sự hòa hợp của giáo đoàn. Khi ấy, tôn giả A Nan tụng kinh, tôn giả Ưu Ba Ly (Upāli) tụng luật, lần kết tập thứ nhất này hoàn thành ngay trong mùa an cư.

3.2. Kết tập kinh điển lần thứ hai

Sau khi Phật diệt độ khoảng 100 năm, trong giới Phật giáo đã phát sinh sự tranh luận căng thẳng. Tôn giả Da Xá (Yaśa) là người trì luật, khi du hành đến Tỳ Xá Ly, thấy nhóm Tỳ kheo Bạt Kỳ (Vrji) ở đây, vào ngày bố tát, nhận lấy vàng bạc bố thí của tín đồ. Tôn giả Da Xá cho là phi pháp, bày tỏ ý kiến bất đồng, do đó bị trục xuất ra khỏi nhóm Tỳ kheo Tỳ Xá Ly.

Căn cứ theo hệ thống các bộ luật của Thượng tọa bộ (Sthavira) đề cập, sự phi pháp của nhóm Tỳ kheo Bạt Kỳ lúc ấy gồm có 10 việc, nhưng việc nhận lấy vàng bạc được xem là nguyên nhân chính dẫn đến chia rẽ. Tôn giả Da-xá đi về phía Tây trình bày sự việc, trước hết được sự ủng hộ của Tỳ kheo Ba-lợi-ấp (Pārikhā). Do đó, tôn giả yêu cầu tập hợp các vị đồng quan điểm và được sự tán thán của ngài Tam-bồ-già (Sambhoyo, tức là Thương-na-hòa-tu). Tôn giả lại được sự ủng hộ của tôn giả Ly Bà Đa (Revata) nước Tát-hàn- nhã (Sahaja). Sau đó đã tập hợp được 700 vị Tỳ kheo, và đi đến phía Đông Tỳ Xá Ly.

Theo truyền thuyết, các Tỳ kheo Bạt Kỳ phía Đông cũng đi đến phía Tây, tranh thủ sự ủng hộ của tôn giả Ly Bà Đa, nhưng không thành công; đó là nguyên nhân chính để quyết định sự thành bại sau này của hai phía Đông, Tây. Đại hội nhóm họp tại Tỳ xá-ly, phía Tây đi đến 700 vị, nhưng số Tỳ kheo phía Đông đương nhiên nhiều hơn, nên không tiện cùng nhau bàn luận; do đó hai bên, mỗi nhóm suy cử bốn vị đại biểu để cử hành hội nghị. Kết quả, mười điều gồm việc nhận lấy vàng bạc… của nhóm Bạt Kỳ phía Đông, mỗi mỗi đều bị khẳng định là phi pháp; nhờ thế sự hòa hợp của tăng đoàn được khôi phục lại một thời gian. Đây là một sự kiện rất nghiêm trọng, có liên quan rất nhiều nơi. Sự việc từ lúc phát sinh cho đến khi giải quyết, e rằng không chỉ trong thời gian vài tháng hay một năm.

3.3. Kết tập kinh điển lần thứ ba

Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ ba được tổ chức tại Pataliputta (S. Pãtaliputra), còn được gọi là Kusumapura, nghĩa là “thành phố hoa” (The City of Flower – Hoa Thị Thành), đặt dưới sự bảo trợ của hoàng để Phật tử danh tiếng Asoka. Theo biên niên sử của Tích Lan (Ceylon), kỳ kiết tập này diễn ra sau ngày nhập diệt của đức Phật 236 năm, nghĩa là vào năm 250 Tr.CN146. Tập Mahãvamsa lại ghi ràng, đại hội thứ ba được tổ chức vào năm thứ 17 của triều đại Asoka, bắt đầu giữa tháng 01 năm 247 Tr.CN và kết thúc vào tháng 10 cùng năm147.

Vị vua xứ Maurya đã trị vì từ Ấn Độ đến Kashmir, thung lũng sông Hằng và đến tận Madras ở phía Nam, đã trở thành một phật tử và đã làm hết trong khả năng của mình, để giúp đỡ Phật giáo. Sự bảo hộ của hoàng gia này đã thu hút hàng ngàn những kẻ dị giáo, ngoại đạo giả dạng khoát y vàng để được hưởng nhiều quyền lợi vật chất. Mặc dù ở sống cùng ở các Tỳ kheo, nhưng họ luôn thuyết giảng những giáo lý sai lạc và tạo ra nhiều phức tạp, rối rắm trong tăng đoàn. Vì số lượng của những kẻ dị giáo rất lớn và sự vô kỷ luật của họ, cho nên các Tỳ kheo không thể nào tổ chức các lễ Uposatha (Lễ Bố tát, họp mặt, ôn tập và tụng đọc Giới Luật Tỳ kheo Patimokkha) và cả lễ Pavarana (Lễ Tự Tứ) trong suốt bảy năm trời.

Khi vua Asoka phái một đại thần của mình đi để điều tra sự thật và giải quyết vấn đề này, thì quan chức ngu xuẩn này lại đi giết chết nhiều tu sĩ. Khi nghe được chuyện sai trái này, vua Asoka trở nên vô cùng hối hận và ám ảnh trong tâm rằng chính mình đã gây ra tội lỗi đó. Sau đó, Ngài Moggaliputta Tissa, một bậc A La Hán sống và tu hành ở một nơi ẩn dật trên Núi Ahoganga ở thượng lưu sông Hằng, đã cố giải tỏa cho nhà vua khỏi những ray rứt trong lương tâm của mình. Nhà vua đã thỉnh mời vị A La Hán về tiếp đãi tại Chùa Asokarama trong bảy ngày và nhà Vua đã quỳ xuống để thỉnh cầu và nghe những lời dạy từ vị A La Hán này. Tại đây, rất nhiều kẻ dị giáo đang lẫn lộn trong số Tỳ kheo. Tất cả những Tỳ kheo được chất vấn, kiểm tra về quan điểm giáo lý của mình và những kẻ dị giáo đã bị trục xuất ra khỏi tăng đoàn. Những Tỳ kheo chính thống bắt đầu tổ chức lại các lễ Uposath sau bảy năm đã không được thực hiện.

3.4. Kết tập kinh điển lần thứ tư

Kỳ kiết tập thứ tư được tổ chức ở Tambapanni (Sri Lanka) vào năm 29 (tr.TL) dưới sự bảo trợ của Vua Vattagamani. Lý do chính cho việc triệu tập là do nhận thấy rằng bấy giờ đối với đại đa số các tăng sĩ, họ không thể nhớ được toàn bộ Tam tạng bằng trí nhớ như trường hợp Tôn giả Mahinda và những người theo Ngài ngay sau đó. Do đó, khi việc viết chữ, vào thời điểm đó, về cơ bản đã được phát triển, người ta nghĩ rằng có một bộ đầy đủ trọn vẹn giáo pháp của đức Phật được viết thành chữ là điều thích hợp và cần thiết. Vua Vattagamani ủng hộ ý kiến của chư tăng và một hội nghị được tổ chức để rút gọn lại toàn bộ Tam tạng nhằm viết thành văn bản. Do đó, để Pháp chân thực có thể được giữ gìn lâu dài, Tôn giả Maharakkhita và 500 vị tăng đã tụng đọc lại những lời của đức Phật và sau đó viết chúng trên lá cọ. Công trình đặc biệt này xảy ra ở một hang động có tên gọi là Alokalena, tọa lạc ở khe nứt của một vùng đất lở cổ xưa gần Matale ngày nay. Như vậy mục đích của kỳ kiết tập được thành tựu, và Pháp chân thực được bảo lưu bằng văn bản. Vào thế kỷ XVIII, vua Vijayarajasiha đã cho tạc hình đức Phật tại hang động này.

3.5. Kết tập kinh điển lần thứ năm

Kỳ kiết tập thứ 5 được tổ chức ở Mandalay, hiện nay là Miến Điện, vào năm 1871 dưới triều vua Mindon. Chủ đề chính của kỳ hội nghị này là để tụng đọc lại tất cả những lời dạy của đức Phật và xem xét kỹ lưỡng để xem có điều nào trong đó bị thay đổi, xuyên tạc hay đánh mất không. Hội nghịđượcchủ trì bởi bavị Trưởng lão: Mahathera Jagarabhivamsa, Narindabhidhaja và Mahathera Sumangalasami, cùng với khoảng 2.400 vị tăng. Việc cùng tụng đọc Pháp của họ kéo dài 5 tháng. Cũng chính công việc của hội nghị này đã giúp toàn bộ tam tạng được viết xuống cho hậu thế ở trên 729 phiến đá bằng chữ Miến sau khi việc tụng đọc được hoàn tất và được mọi người đồng thuận. Công việc vĩ đại này được thực hiện bởi khoảng 2.400 vị tăng uyên bác và nhiều thợ thủ công thiện xảo…

3.6. Kết tập kinh điển lần thứ sáu

Đại hội kỳ này cũng được tổ chức tại Miến Điện, bắt đầu từ ngày 7.5.1954 đến ngày lễ Tam Hợp (Vesak) năm 1956, Phật lịch 2500, trong một thạch động vĩ đại tại thủ đô Rangoon (Yangon).

Ngài Nyungan Sayadaw được đại hội suy tôn làm vị chủ tọa. Thủ tướng U Nu của chính phủ Miến Điện tài trợ chi phí cho cuộc kết tập kinh điển kỳ này.

Trong kỳ kết tập này, các Ngài căn cứ theo hình thức kỳ kết tập thứ nhất tại Ấn Độ. Ngài Mahasi Sayadaw được đại hội bầu là vị vấn những vấn đề Tam tạng chú giải, còn Ngài Bhadanta Vicittasāra Bhivamsa sẽ đáp những câu hỏi của Ngài Mahasi. Trong lúc hỏi đáp Tam tạng chú giải như vậy thì Ngài chủ tọa và 2500 vị Tỳ kheo lắng nghe, nếu không đồng ý thì lên tiếng. Đặc biệt Ngài chủ tọa là vị thông thuộc Tam tạng. Ngôn ngữ sử dụng trong đại hội gồm có 3 thứ tiếng: Pāli, Miến Điện, và Anh ngữ.

Trong kỳ kết tập Tam tạng lần thứ sáu này, đại hội sử dụng 729 phiến đá khắc Tam tạng và 1774 phiến đá cẩm thạch khắc chú giải của kỳ kết tập thứ 5 làm căn cứ. Đồng thời các bản kinh cổ của Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên và Hiệp hội Thánh điển Pāli ở Luân Đôn được đem ra nghiên cứu, so sánh và hiệu đính. Sau khi đại hội hoàn mãn, Giáo hội Tăng già Miến Điện cho in ra để phổ biến, tổng cộng là 45 cuốn chính tạng và 92 cuốn chú giải.

3.7. Những cuộc kết tập khác của các bộ phái

Ngoài hai kỳ kết tập chính được tất cả các bộ phái công nhận, các kỳ kết tập tiếp theo diễn ra theo từ bộ phải riêng lẻ và không được Phật giáo các bộ phái công nhận:

3.7.1. Cuộc kết tập của Đại chúng bộ

Đảo sử Tích Lan ghi: “Ác Tỳ kheo Bạt Kỳ bị các Thượng tọa đuổi đi …, tập hợp một vạn người, vì pháp kết tập, nên gọi là Đại kết tập. Cuộc kết tập riêng của các Tỳ kheo này, trái với giáo pháp, phá hoại sự kết tập căn bản. …loại bỏ một phần kinh luật vi diệu, soạn riêng những kinh luật tương tự” [3, tr74]. Theo sự lưu truyền của “Đảo Sử”, dường như cuộc kết tập xuất hiện đầu tiên, là quan điểm của Thượng tọa bộ (Sthavira), có dụng ý chê bai Đại chúng bộ.

3.7.2. Cuộc kết tập của Thuyết Nhất thiết hữu bộ

Trước sau có hai lần kết tập. Lần thứ nhất vào thời vua Asoka. Do dị thuyết về 5 việc của Đai Thiên dẫn đến sự trành luận giữa Tăng già. Sự việc này được đề cập trong “Tam luận huyền nghĩa Kiểm U tập” như sau: “ “Vương phi của vua A-dục có thể lực, ác tâm, sai người dùng thuyền hư chở các vị A La Hán ra giữa dòng sông Hằng. Các vị A La Hán vận dụng thần thông bay lên hư không, đến nước Kế-tân. … Vua A Thâu Kha (A Dục) hỏi mọi người: “Các vị A La Hán hiện giờ ở đâu? Có người đáp: Ở nước Kế Tân. Vua liền phái người đến nghênh đón về nước cúng dường. Đại Thiên đã sửa đổi kinh giáo, làm cho lẫn lộn không còn như trước. Các vị A La Hán bèn tập họp, tụng lại ba tạng. đã được tụng lại ba lần.” [3, tr82]

Lại có truyền thuyết về cuộc kết tập thứ tư: Vào thời vua Ca-ni-sắc-ca (Kaniska), Thuyết nhất thiết hữu bộ tổ chức kết tập Tam tạng tại nước Ca Thấp Di La (Kaśmira). Sự kiện này được “Đại Đường Tây Vực Ký” trình bày: “Do quan điểm của mỗi bộ phái khác nhau, nên vua (A Dục) rất nghi ngờ, nhưng không làm cách nào để loại bỏ sự nghi ngờ. Khi ấy, Hiếp tôn giả nói: ‘Đức Như Lai nhập diệt trải qua thời gian lâu xa, các đệ tử chấp vào bộ phải của mình, thầy trò bàn luận, mỗi người dựa vào kiến giải của mình, sinh ra mâu thuẫn lẫn nhau. Vua nghe thế rất lấy làm bùi ngùi. … (Tôn giả nói tiếp): Tôi nguyện quân sự kém cõi của mình, đúng ra chấn hưng giáo pháp, tùy theo quan điểm khác nhau của các bộ phái mà giải thích ba tạng đầy đủ. … Vua mới truyền lệnh gần xa, triệu tập những bậc tài đức siêu phàm…, gồm 500 vị Hiền Thánh, trước tiên biên soạn mười vạn bài tụng Ô Ba Đề Thước Luận, để giải thích tạng Tố Đát Lãm; thứ đến biên soạn mười vạn bài tụng Tỳ Nại Da Tỳ Bà Sa Luận để giải thích tạng Tỳ Nại Da; sau cùng biên soạn mười vạn bài tụng A Tỳ Đạt Ma Tỳ Bà Sa Luận để giải thích tạng A Tỳ Đạt Ma.” [3, tr84].

Còn nữa….

Thích Nhật Tấn
Học viên Cao học Khóa II, Học viện PGVN tại Huế
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Thích Thanh Kiểm (2020), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB Lao Động,Hà Nội.
[2] Thích Đồng Thành (2022), Giáo trình Sự hình thành và phát triển kinh điển Phật giáo, lưu hành nội bộ.
[3] Ấn Thuận (2015), Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên Thủy, Thích Phước Sơn, Thích Hạnh Bình cùng các học viên dịch, NXB Phương Đông, HCM.
[4] Ấn Thuận (2020), Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Thích Quảng Đại dịch, NXB Dân Trí, Hà Nội. [5] Viên Trí (2018), Ấn Độ Phật giáo sử luận, NXB Hồng Đức, Hà Nội.
[6] https://www.budsas.org/uni/u-ngan/lichsuket.htm Tỳ kheo Thiện Minh (2003)

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường