Nếu một bậc thầy trong Phật giáo thiếu những kinh nghiệm của văn - tư - tu thì khó có chính niệm, tỉnh giác và như vậy thì những cảm xúc bất thiện, sân hận, ngã mạn vẫn còn tràn ngập trong tâm, giới nguyện dễ bị lơ là. Nếu bậc thầy không có từ bi và Bồ Đề tâm thì sẽ không thể bao giờ khai mở cho người đệ tử những gì nên làm và không nên làm. Giáo Pháp mà họ giảng dạy dù có vẻ sâu xa và kỳ diệu nhưng không chút pháp vị giải thoát, mà chỉ đem lại lợi ích cho những mối bận tâm thông thường của cuộc đời thế tục.
Trong Phật giáo, vai trò của bậc thầy là vô cùng quan trọng, bởi bậc thầy có thể dẫn dắt người đệ tử tìm lại được trí tuệ và “vị thầy bên trong” của mình. Nếu học Phật chỉ vì mục đích nghiên cứu, vì muốn phát triển sự hiểu biết của mình về Phật pháp, nếu chỉ học Phật pháp mang tính học thuật, chỉ ở mức độ tri thức thì có thể chỉ cần nghiên cứu qua kinh sách, tầm quan trọng của bậc thầy và mối liên hệ giữa thầy với đệ tử không được đề cao. Cũng giống như một sinh viên đến học tại trường đại học vậy, họ học với những vị thầy khác nhau, những giáo sư khác nhau và cứ thế họ có thể tiến bộ về mặt tri thức và tư duy. Nhưng nếu thực sự muốn dấn thân hành trì theo Phật pháp để vượt thoát luân hồi khổ đau, đạt tới an lạc đích thực thì vai trò của bậc thầy dẫn dắt là rất quan trọng.
Người thực hành Phật giáo cần biết cách thức tận trừ những tri kiến hạn hẹp về bản thân và thế giới, nuôi dưỡng những phẩm chất giải thoát nơi thân tâm; cần biết đâu là những nhân gây nên khổ đau, bất mãn trói buộc mình trong vòng luân hồi sinh tử. Nói cách khác, người thực hành cần những nguồn cảm hứng trong đời sống thực tế. Giải thoát, giác ngộ không phải là một ý niệm trừu tượng hay một đối tượng để tranh biện, bàn luận cho thỏa mãn niềm vui tri thức, mà là một phẩm chất, một trạng thái có thể chứng đạt nơi mỗi người. Thêm nữa, phần lớn người phàm phu như chúng ta dễ dàng bị ảnh hưởng bởi điều kiện, hoàn cảnh và môi trường xung quanh. Đó là lý do tại sao chúng ta cần nương theo một vị Thầy, một thiện hữu tri thức. Trong truyền thống Phật giáo nói chung, nguồn cảm hứng đó chính là bậc thầy, người hướng đạo tâm linh cho đệ tử.
Bậc thầy bên ngoài và bậc thầy nội tâm
Bậc thầy có nhiều mức độ ý nghĩa khác nhau. Bậc thầy bên ngoài chỉ cho người đệ tử bằng nhiều cách, làm thế nào để khám phá sự toàn vẹn của chính mình. Nhưng trên phương diện sâu xa hơn, bậc thầy chính là trí tuệ, những phẩm chất từ bi, nhẫn nại, kỷ luật nơi thân tâm mỗi người.
Cùng một lời dạy, cùng một bậc thầy, nhưng sự tiếp nhận người nghe không giống nhau. Có người không hiểu giáo lý ngay cả trên bình diện tri thức; có người hiểu được nhưng không thể thâm nhập sâu sắc vào lý nghĩa. Nhưng cũng có người vượt ngoài danh từ khái niệm, hoàn toàn hòa nhập với từ bi và trí tuệ của bậc thầy. Những sự tiếp nhận ấy đều do mỗi người có trình độ, căn cơ khác nhau. Trên thực tế, bậc thầy tương đối bên ngoài dù nỗ lực bao nhiêu cũng không bảo đảm cho mỗi người có được sự thực chứng. Nhưng bậc thầy bên trong, trí tuệ sáng suốt nơi mỗi người lại là sự đảm bảo vững chắc. Thông thường, mặc dù mỗi người ai ai cũng có tiếng nói nội tâm của trí tuệ, nhưng chúng ta không biết lắng nghe. Ta lại còn không biết đến nguồn trí tuệ ấy bởi vì luôn luôn bận tâm tới những tư tưởng, ý niệm nhị nguyên trong tâm. Nhờ có sự chỉ dạy của bậc thầy bên ngoài, người thực hành dần đoạn tuyệt với dòng tư tưởng thô trược và trở về với trí tuệ bản lai.
Nhưng nói thế không có nghĩa là vị thầy bên ngoài không quan trọng. Đức Phật giảng giáo lý Tứ đế từ hơn hai ngàn năm trước, nhưng không dễ để những tư tưởng thâm diệu của giáo lý là thực hữu đối với mỗi người. Giáo lý ấy chỉ trở thành hiện thực đối với người thực hành khi họ đã thực chứng giáo lý, nhờ gặp được một vị thầy có thể khai thị một cách rõ ràng.
Bởi thế bậc thầy bên ngoài thật vô cùng quan trọng. Người thực hành Phật giáo cần những tấm gương về một con người như chính mình nhưng đã vượt trên những giới hạn đời sống thế tục, vượt trên ngã chấp, không còn bị những được mất, hơn thua, danh vọng phù phiếm chi phối, biết bằng lời nói, trí tuệ và sự tận hiến cho niềm an lạc của con người, xã hội, chúng sinh, khi ấy người thực hành dễ dàng khởi phát niềm tin chắc mình cũng có thể đạt tới được những phẩm chất như thế. Nếu không có những tấm gương như thế, nếu chỉ nhìn cuộc đời, con người toàn tham lam, thù hận thì tri kiến về bản thân và mục đích cuộc đời, mục đích sự tu tập sẽ vô cùng hạn hẹp và sai lệch.
Một tấm gương sáng là điều quan trọng, điều này không chỉ đúng với con đường thực hành Phật pháp mà đúng với hầu khắp các lĩnh vực đời sống xã hội.
Bậc thầy trong Phật giáo cần những tiêu chuẩn nào?
Trong Phật giáo để xác định một bậc thầy có đủ năng lực truyền trao giáo pháp hay không, được đức Phật dạy rất rõ ràng: “Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa và y trí bất y thức.” Như thế Chân lý, giới luật mới là tầm quan trọng. Người thực hành phải luôn ghi nhớ rằng, bậc thầy chân thực phải là hiện thân của chân lý. Chỉ có nhờ khát ngưỡng thực hành giáo pháp, thoát ly luân hồi khổ đau mà ta mới tìm cầu và theo học từ các bậc thầy. Người thầy là ai? Người thầy phải là hiện thân của chân lý, trí tuệ nơi mỗi người. Sợi dây gắn kết giữa người thầy và người đệ tử phải là tâm nguyện cao quý và sự thân giáo thực hành xả ly luân hồi, từ bi tâm, mong nguyện đạt giải thoát cho mình và cho người.
Trước hết, người thầy phải giữ gìn tinh nghiêm giới luật. Đây là kết quả của nỗ lực, tinh tiến rèn luyện thuần thục và làm chủ các giới luật thân, khẩu, ý;
Tâm tĩnh tại do giành nhiều thời gian rèn luyện thiền; biết điều phục các phiền não và những trở ngại do rèn luyện tuệ giác;
Thông tuệ hơn những đệ tử trong các chủ đề mình truyền trao; Người thầy phải có đức tính nhẫn nại, tinh tiến và hoan hỷ khi truyền trao giáo pháp;
Bậc thầy cũng cần là một kho tàng tri thức nội điển; phải có sự nội quán sâu sắc và trí tuệ tính không, vô ngã, để thiện xảo khi truyền trao giáo pháp và có tâm từ bi rộng lớn;
Và khi gặp đệ tử có căn cơ hạn chế, Thầy không miễn cưỡng truyền pháp hay làm việc lợi lạc cho họ.
Đức Lạt ma Tshongkapa từng dạy, nếu một bậc Thầy không có đủ tất cả những phẩm hạnh như trên thì có một số những phẩm hạnh như trên cũng được, quan trọng là thông tuệ hơn người đệ tử, và có tâm từ bi rộng lớn. Nếu có Từ bi và Bồ Đề Tâm, bậc thầy sẽ làm bất cứ những gì tốt nhất cho đệ tử trong đời này và cho những đời tương lai, và việc họ đi theo bậc thầy không thể mang lại điều gì khác ngoài sự lợi ích giác ngộ giải thoát. Đối với một bậc thầy tâm linh thì sự an vui của người khác, của chúng sinh phải là mối quan tâm duy nhất của thầy, trái tim bậc thầy phải tràn đầy lòng bi mẫn. Thầy phải không còn bị những lo lắng thế tục chi phối bởi đã xả ly được những bám chấp vào tầm thường, vô nghĩa và mộng huyễn của cuộc đời thế tục. việc tầm thường của cuộc đời này. Thấu rõ được cõi sinh tử luân hồi chỉ là khổ đau, bậc thầy phải có kinh nghiệm xả ly buông bỏ và biết khích lệ người đệ tử những trải nghiệm như thế.
Theo gương bậc thầy
Một khi người tìm cầu giáo pháp gặp được vị Thầy tâm linh cao quý, là người có được tất cả những phẩm hạnh cần thiết, thì hãy theo chân thầy mà không cần phải quan tâm tới bất kỳ một sự an nguy nào khác người đệ tử phải quyết tâm đạt cho bằng được những phẩm hạnh y hệt như của Thầy, hay tối thiểu thì cũng gần giống được bất kỳ phẩm hạnh nào mà bậc Thầy có. “Bất kỳ người nào trước tiên khéo léo quán sát vị Thầy, sau đó khéo léo theo chân của thầy, và cuối cùng khéo léo noi gương sự chứng ngộ và hành động của thầy, thì người ấy sẽ luôn luôn ở trên con đường chân chính, dù có thế nào đi nữa.”
Khi đã tìm cầu được bậc thầy thì có nhiều cách làm hài lòng và phụng dưỡng bậc thầy. Cách tốt nhất được biết đến là cúng dường công phu hành trì, bao gồm việc đưa vào thực hành bất kỳ điều gì bậc thầy đã dạy bảo với sự quyết tâm bất chấp mọi gian khổ. Ngoài ra người thực hành cần biết cách phụng sự bậc thầy bằng thân, khẩu, ý.
Bậc thầy trong Mật tạng- Kết nối thân, khẩu và ý với bậc thầy
Truyền thống Mật Tạng có pháp thiền quán kết nối với Thân, Khẩu, Ý bậc thầy (Guruyoga- Thiền quán về bậc thầy). Bản chất của phương pháp này là thiền quán về tâm từ bi, trí tuệ của bậc thầy, về những công hạnh lợi tha của bậc thầy để dần chuyển hóa thân, khẩu, ý phàm phu, nuôi dưỡng những phẩm chất cao quý vốn sẵn có nơi người thực hành. Các bậc thầy là hiện thân của giới luật, trí tuệ, chân lý, những người vẫn đang hiện diện mà người đệ tử có thể gặp gỡ, trực tiếp học hỏi. Các bậc thầy là niềm cảm hứng cho người đệ tử về đức hy sinh, hỷ xả, nghiêm cẩn trong tu tập, những người đặt sự xả bỏ tham lam, sân hận, coi trọng xả ly, sự giải thoát luân hồi lên trên hết. Bởi vậy nhờ luôn nhớ nghĩ đến cuộc đời tận tụy của bậc thầy đối với tha nhân, không chút ngã ái, cũng như nghĩ đến nhiều công hạnh lợi tha khác nơi bậc thầy, người thực hành có thể thấm nhuần những đức tính cao quý nơi mình. Khi pháp thực hành kết nối, hợp nhất với thân, khẩu, ý bậc thầy một cách trực tiếp và đầy năng lực giúp đem mỗi người khỏi tâm phàm phu và nhanh chóng thể nhập vào bản tâm thanh tịnh. Nhiều thế hệ bậc thầy đã kinh nghiệm rằng thực hành những pháp thiền quán ấy, đồng thời buông bỏ ngã chấp, mang lại một sự rung động sâu xa, chuyển hóa được tri thức khô khan thành tuệ giác.
Như thế niềm tin kính và sự học hỏi nơi bậc thầy không phải là từ bỏ hết trách nhiệm với bản thân, không phải là sự sùng kính mê muội, mù quáng mà thực tế là tâm rộng mở, khiêm hạ để đón nhận chân lý, từ bi trí tuệ. Niềm kính phục, tri ân dựa trên nền tảng trí tuệ giúp người học trò nhận ra và nuôi dưỡng những phẩm chất cao quý nơi chính mình, giúp điều phục bản ngã, sự kiêu ngạo, lười biếng, học tính can đảm và khiêm hạ thể phát khởi lòng từ bi và trí tuệ để bản thân có thể thấu hiểu ý nghĩa của khổ đau và chuyển hóa nó, mong được sự bình an, năng lực trí tuệ và bản chất tâm tuyệt đối. Đây là lý do tất cả các truyền thống Mật tạng đều coi đây là pháp thực hành nền tảng trong mọi pháp thực hành.
Pháp Quán đỉnh trong Mật tạng
Quán đỉnh là cánh cửa bước vào Mật tạng. Người có tư cách để quán đỉnh duy chỉ có bậc thầy. Bởi vậy, tu học Mật pháp, cần phải tìm được bậc thầy hữu duyên, không thể tự tu được. Thụ nhận pháp quán đỉnh hay gia trì là cốt để đánh thức tiềm năng tuệ giác nơi người thọ pháp. Nhờ thiết lập một tương quan mật thiết với bậc thầy, giúp truyền trao năng lực, kinh nghiệm tu tập từ một hệ truyền thừa không gián đoạn tới người đệ tử. Pháp quán đỉnh không phải là truyền trao quyền năng hay thần bí, thọ nhận một thứ gì đó may mắn, lạ lùng hay chỉ là những nghi thức tụng đọc, lắc linh trống mà có ý nghĩa thâm sâu rộng lớn. Sự thành tựu của quán đỉnh phụ thuộc vào mức độ tu tập của người thầy và sự mở lòng của người đệ tử.
Điều quan trọng ở đây là người đệ tử nhận ra được rằng trí tuệ, từ bi và phương tiện thiện xảo vốn sẵn có nơi mình. Không phải nhờ quán đỉnh, gia trì ban cho họ những phẩm chất, năng lực đó.
Giáo lý Phật pháp xác quyết rằng trong mỗi người có sẵn đầy đủ một nguồn năng lượng vô song của tuệ giác, từ bi rộng lớn. Điều cần thiết là phải biết nhận ra, khai phát và nuôi dưỡng những tiềm năng cao quý đó nơi chính mình. Như thế thụ nhận quán đỉnh bản chất là giúp cho người đệ tử hóa giải tâm nhị nguyên, bất mãn và cuồng tín. Những đệ tử thì phải biết làm phát sinh một thái độ khoáng đạt, và để tâm mình trong trạng thái sẵn sàng đón nhận. Nếu quá bám vào sự vật giác quan, hoặc vướng sâu ngã ái, hoặc chấp chặt tướng ngoài của sự vật, xem chúng là thực hữu, thì sẽ không có chỗ cho thực chứng len vào tâm thức. Nhưng khi đã luyện tập đầy đủ Bồ đề tâm và chính kiến về tính không, thì đệ tử sẽ dễ dàng cởi bỏ những thành kiến để mở lòng đón nhận sự trao truyền tuệ giác.
Phẩm chất của bậc thầy trong Mật tạng
Các dòng Mật tạng rất coi trọng sơn môn, dòng tu, coi trọng sự truyền thừa giáo pháp từ bậc thầy tới bậc thầy bởi vì một dòng truyền thừa đảm bảo cho sự duy trì chân xác, thuần tính của giáo pháp. Trong Mật tạng thì việc thân cận và phụng sự bậc thầy là gốc của đạo. Người đệ tử có thể học hỏi và thấu hiểu một người thầy qua tìm hiểu về các vị thầy của thầy, thông qua cách bậc thầy ứng xử, phụng sự, học hỏi giáo pháp từ các vị thầy của mình. Đây không phải là một nghi lễ mang tính truyền thống mà thực sự là một sự truyền thừa từ giới luật sang giới luật, từ trí tuệ sang trí tuệ, thuần tịnh, không pha tạp qua nhiều thế hệ. Những người thầy từ bi, trí tuệ thân giáo truyền trao bất kỳ năng lực nào mà mình học hỏi, rèn luyện được từ những người thầy trước của mình tới đệ tử, các ngài không vì lợi ích riêng, không vì danh tiếng, luôn khiêm hạ, nỗ lực phụng sự đạo pháp.
Tuy nhiên bậc thầy trong Mật tạng cũng phải có những phẩm chất nhất định. Tác phẩm Bồ đề đạo thứ luận có viết: Nếu lời nói, hành động của thầy phù hợp với Phật pháp, đó là bậc thầy tôn kính, có thể dạy dỗ được đệ tử. Nếu lời nói và hành động của thầy không đúng với Phật pháp, trước tiên cần trao đổi, nếu không cần tránh xa vị thầy đó. Phải chăm chỉ quan sát những hành vi, cử chỉ của thầy, thêm đó sau khi lựa chọn theo lý tính, cần phải xem việc thân cận với thầy quan trọng hơn cả chính mình, thậm chí còn phải tuân theo sự giảng dạy của thầy, dựa theo sự chỉ dạy của thầy để tu hành. Tốt nhất là hành thiện, trừ ác, để khiến thầy hài lòng.
Bậc thầy trong Mật tạng phải trì giữ tinh nghiêm ba loại giới nguyện – giới nguyện bên ngoài của Biệt Giải Thoát, giới nguyện bên trong của Bồ Tát, và giới nguyện của Kim Cương Thừa. Thầy phải có trí tuệ thấu suốt Mật điển, Kinh điển và Luận, không hề sai sót. Đối với chúng sinh vô biên, trái tim Ngài phải tràn đầy lòng bi mẫn. Quan trọng nhất là bậc Thầy có dòng tâm vô cùng an định, không bị những cảm xúc và tư tưởng bất thiện quấy rối làm chủ hoàn toàn và tự tại với thân, khẩu, ý của mình. Bậc thầy phải thuộc một dòng truyền thừa không gián đoạn, phải thông thạo cách thực hành các nghi lễ – Tam Tạng kinh điển, và nội điển là bốn cấp độ của Mật điển. Ngài phải rộng lượng, ngôn từ dễ nghe, dạy dỗ chúng đệ tử theo căn cơ của họ, và phải hành động phù hợp với những gì đã giảng dạy.
Có một ẩn dụ rất hay về tầm quan trọng và lợi ích của việc nương nơi bậc thầy trí tuệ, đạo hạnh trong Phật giáo. Trong một khu rừng đàn hương, khi một thân cây bình thường đổ xuống, gỗ của nó được thấm đẫm dần dần mùi hương dịu dàng của cây đàn hương. Sau vài năm, thân gỗ tầm thường đó có mùi thơm dịu như những cây đàn hương quanh nó. Cũng tương tự như thế, nếu một người biết sống và tu học dưới sự hướng đạo của một vị Thầy toàn hảo có đầy đủ những phẩm hạnh tốt lành, người đó sẽ được thấm nhuần hương thơm của những phẩm tính tốt lành, cao đẹp giống như các bậc thầy.
Tác giả: Kiến Thường Văn tổng dịch Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2020
Bình luận (0)