Hoạt động từ thiện nhân đạo của Phật giáo ở các cấp độ thiết thực thể hiện trong thực tế đời sống vai trò phục vụ chúng sinh, phục vụ số đông vì hạnh phúc của con người theo phương châm "phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”, hành tập đời sống đạo đức Phật giáo trong đời sống xã hội. Đường hướng như vậy, song mỗi cơ sở Phật giáo, mỗi địa phương chư tăng, ni và phật tử có những cách thức, mô hình từ thiện nhân đạo phù hợp theo phương cách riêng.
Tác giả: Nguyễn Thành Công
Công tác từ thiện nhân đạo là một hoạt động thường xuyên, liên tục của các cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từng tăng, ni, phật tử đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của toàn xã hội, cùng chung tay góp phần giải quyết các vấn đề đói nghèo, bất hạnh, an sinh chung ở cộng đồng và những nơi gặp thiên tai địch họa.
Hoạt động từ thiện nhân đạo của Phật giáo ở các cấp độ thiết thực thể hiện trong thực tế đời sống vai trò phục vụ chúng sinh, phục vụ số đông vì hạnh phúc của con người theo phương châm "phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”, hành tập đời sống đạo đức Phật giáo trong đời sống. Đường hướng như vậy, song mỗi cơ sở Phật giáo, mỗi địa phương chư tăng, ni và phật tử có những cách thức, mô hình từ thiện nhân đạo phù hợp riêng, như thực tế ghi nhận được ở Bạc Liêu.
Trong mùa an cư kiết hạ, may mắn được gặp Đại đức Thích Minh Hải ở Tinh thất An Hải tọa lạc phường Hộ Phòng, Thị xã Giá Rai, Bạc Liêu. Nói “may mắn”, vì mới nhìn thấy Đại đức trong hình chụp chung chư tôn đức trong ngày khai hạ ở Chùa Long Phước ở Bạc Liêu, ngỡ Thầy vẫn còn nhập hạ vậy mà lễ Phật lại được vấn an bậc xuất gia tại tịnh thất, trong mùa an cư cấm túc này, gặp trụ trì bên ngoài trường hạ đúng là một nhân duyên.
Nhân cơ hội, phỏng vấn nhanh Đại đức về mô hình xe bánh mì từ thiện, theo đó ngày Rằm trong tháng nào cũng phát miễn phí bánh mì chay cho bà con nghèo, Đại đức chia sẻ: Hoạt động đã lâu từ nguồn tài chính đóng góp của phật tử, đạo tràng. Hình ảnh bậc xuất gia đứng bên xe bánh mì và hàng dài bà con nghèo chờ nhận bánh thực đẹp. Được chút lọt dạ cho ngày mới, sự trợ giúp này rất thiết thực. Trong dãy xếp hàng, nhận thấy có cụ già, người bán vé số, người khuyết tật.
Những hàng dài hơn như vậy có ở căng tin bệnh viện đa khoa Giá Rai đã nhiều năm nay, bà con chờ nhận không chỉ bánh mì mà những hộp cơm chay do bếp ăn từ thiện Tịnh thất Pháp Quang (Tân Phong, Giá Rai, Bạc Liêu) tổ chức vận động, nấu, phân phát. Những người bệnh nghèo điều trị nội trú, thân nhân chăm nuôi, đã đuối vì các khoản chi phí điều trị, từng hộp cơm chay miễn phí thực ấm lòng biết bao.
Tại tịnh thất Pháp Quang tựa ở cánh đồng rộng trên đường Hộ Phòng đi Chủ Chí, Đại đức Thích Thiện Nhẫn trụ trì chia sẻ về quá trình hình thành, hoạt động của bếp ăn, những khó khăn trong quá trình tổ chức. Thầy nêu các tấm gương của các nhà hảo tâm kiên trì đóng góp công sức, tiền của để duy trì từng suất cơm cho đồng bào chẳng may lâm cảnh bệnh hoạn ốm đau.
Bếp ăn của Tịnh xá Bửu An do Thượng tọa Thích Giác Tạng trụ trì đã nhiều năm giữ lửa, cung cấp số lượng lớn các suất cơm chay cho bà con nghèo đang điều trị, chăm nuôi bệnh nhân ở bệnh viện.
Trực tiếp quản lý bếp ăn từ thiện ở Tịnh xá, Sư cô Liên Thành kể những tấm huyết của Thượng tọa trụ trì và chư tăng, ni phật tử, các nhà hảo tâm đã chung sức giữ gìn liên tục một hoạt động từ thiện hỗ trợ công tác điều trị của bệnh viện.
Trả lời câu hỏi về hoạt động này, Đại đức Thích Huệ Thường, Trưởng Ban trị sự Phật giáo Hòa Bình cho biết: Ngoài bếp ăn, tịnh xá Bửu An còn hỗ trợ các trường hợp đặc biệt lâm trọng bệnh, nghèo khó, cung cấp một xe cứu thương cho bệnh viện. Không dễ để làm được như vậy ở vùng đất còn nhiều nghèo khó này.
Một phong bì hiện kim, vài thùng mì, chút gạo…đùm bọc đồng bào, chuyện thấy ở khắp nơi, lá lành đùm lá rách theo đạo lý Thánh hiền. Duy trì một hoạt động thường xuyên liên tục như vây trong thời gian dài, chuyện không hề đơn giản, đòi hỏi khâu tổ chức điều phối hiệu quả, nhiệt tâm lớn, kiên trì của số đông.
Mở đầu mùa an cư kiết hạ, viết về vài mô hình hay trong công tác từ thiện nhân đạo của Phật giáo Bạc Liêu, phản ánh phần nào tấm lòng chư tăng, ni, phật tử địa phương với cộng đồng, xã hội.
Tác giả: Nguyễn Thành Công
Bình luận (0)