Xuân về, tiết trời chớm lạnh, cỏ cây hoa lá ươm mình dưới sâu đất mẹ dường như cũng đang âm thầm tự mình vươn cao để cùng đón chào thời khắc thiêng liêng của năm mới - Năm 2025, Xuân Ất Tỵ.
Với sự xoay chuyển của đất trời, thì gần tròn một tháng nay, Khánh An cũng đã có nhiều điều mới mẻ, có nhiều biểu hiện tinh khôi, nhiều biểu hiện tròn đầy nơi tu viện. Và những biểu hiện ấy không từ nơi khác, không bắt đầu từ sự thay đổi mà là từ công phu “làm mới” của Tăng thân cho khung cảnh thiền môn nơi tu viện, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho mùa xuân - một mùa xuân hạnh phúc, một mùa xuân ấm áp đến tất cả mọi người.
Nếu ai đã từng đến tu viện vào một dịp nào trước đó, có lẽ lúc này khi trở lại mọi người sẽ thấy Khánh An như khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới - một diện mạo đầy oai nghiêm, đầy vững chãi nhưng vẫn có đủ sự bình an và đầy niệm thương nơi ngoại ô của Sài thành. Và đặc biệt hơn hết, một sự làm mới mang nhiều cảm xúc nhất trong dịp này, chính là cuộc “dời đô”của khối đá cao hơn sáu mét và nặng hơn ba mươi tấn làm bảng hiệu khắc tên “Tu viện Khánh An”, vừa để tôn vinh bảng hiệu đồng thời cũng tạo diện mạo mới cho sân tu viện thoáng đãng hơn.
Tấm bảng hiệu được xem là điểm tựa hồn thiêng, là chứng vật lịch sử kể từ ngày tu viện được tạo dựng trùng tu cho đến giờ.
Trải qua hơn hai thập kỷ, chứng kiến biết bao sự đổi thay, trụ đá vẫn uy nghiêm, sừng sững giữa góc trời tu viện. Người ta cứ cho rằng cái thứ “vô tri, vô giác” đó thì đâu cảm nhận được điều gì của cuộc đời? Thì dẫu biết “Trăm năm bia đá vẫn mòn” nhưng “Trăm năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Thiết nghĩ, nhờ sự vô tri vô giác ấy lại chính là dấu ấn lưu niệm tất cả công cuộc chuyển biến về sự sống nơi tu viện Khánh An.
Vậy, trụ đá vô tri hay đang trầm mặc?
Qua bao thăng trầm, thịnh suy của cuộc đời, bằng một sức mạnh nào đó, trụ đá vẫn đứng đó, bất chấp sự huyên náo, ồn ào, thay đổi của ngoại cảnh, của không gian và thời gian, mà dũng mãnh thể hiện mình, làm tròn vai trò và sứ mệnh của mình, đã thể hiện được phong cách của một Khánh An thiên thu tuyệt tác, hướng mọi người đến chân trời mới trong đời sống tỉnh thức, làm cho chính pháp được vận hành và truyền bá đến với bao tâm hồn hướng thiện.
Trong một lần thăm Huế, chúng tôi có đến Huyền Không Sơn Thượng - một ngôi chùa thuộc hệ phái Nam tông - có thiện duyên được gặp Hoà thượng viện chủ Thích Giới Đức. Chúng tôi đã được thỉnh pháp từ Hoà thượng và hơn hết điều làm chúng tôi ấn tượng nhất là cách sắp xếp và bài trí thật tuyệt hảo trong vườn cảnh nhà thiền. Hòa thượng dạy: “Từng viên đá, gốc cây khi đặt để ở mỗi trị trí nào cũng đều phải mang hơi thở thiền. Mỗi chi tiết nghệ thuật phải nói lên ngôn ngữ của sự tĩnh lặng, thanh cao, bình dị, thì lúc đó thiên nhiên không cần ồn ào, cảnh vật không cần phô trương, mà vẫn toát lên vẻ đẹp huyền diệu, sắc màu thinh lặng tự tại. Người tu hành cũng vậy, không cần tìm kiếm bên ngoài, mà phải quay về với sự tĩnh lặng trong tâm, để có thể nhận ra vẻ đẹp thật sự của cuộc sống, của chính mình”.
Thiền, với người tu rất quan trọng. Thầy vẫn thường dạy: “Cái bảo tòa kim cang chói lọi nhất của ông thầy tu chính là chiếc bồ đoàn”.
Mỗi ngày, thực tập ngồi chơi với hơi thở, an nhiên từng bước chân là chúng ta đã bước vào cõi thiền, nơi đó pháp lạ tự nhiên được hiển bày. Không cần mơ tưởng một cảnh giới cực lạc xa xôi, mà ngay nơi đó cảnh giới cực lạc có mặt đích thực trong phút giây hiện tại.
Ý thức trọn vẹn bằng năng lượng chánh niệm, tỉnh thức là hạnh phúc có mặt, thần thông có mặt, cực lạc hiện tiền. Chỉ cần nuôi dưỡng hạt châu báu định lực được sáng chói trong từng phút giây là đang kiến tạo nên hình ảnh của người tu sĩ thật đẹp, đạo pháp được trường thịnh.
Để đứng được ở vị trí đó, trụ đá Khánh An cũng không phải là “dạng vừa”. Tại sao cũng là đá, và trong muôn vàn bia đá, cùng chất liệu, cùng hình tướng, hay và cả cùng nơi khai thác… mà trụ đá được khắc bốn chữ “Tu Viện Khánh An” oai hùng ấy lại được đặt ở vị trí bề thế đến vậy?
Ngẫm kỹ, một hòn đá thô kệch, tí hon nằm ven dại bên vệ đường, dòng người đi qua thì chỉ coi đó là một tảng đá bình thường, cũng chỉ là thứ phụ họa tô điểm cho một thứ gì đó. Nhưng bức tượng hùng vĩ đó, đã chịu biết bao lưỡi cưa khắc nghiệt, vết cắt nứt của các mũi dao để được hình thù mà ai cũng cho là tuyệt đẹp mỹ thuật.
Cũng vậy, Thầy vẫn luôn nhắc nhở cho chúng tôi về việc hành trì: “Làm người, nhất là người tu phải có chí khí, đừng ngại khó khăn, chính khó khăn sẽ tôi luyện ta thành người”. Muốn đi một con đường lớn, người tu cần phải có ý chí nguyện lực lớn thì “đạo” mới thành tựu. Người ta cho rằng thành công là phải đạt đến điểm đích cuối, nhưng nếu trong từng khoảnh khắc, bước chân ta đi đều chánh niệm, đều vững chãi an lạc trước khó khăn thì lúc đó thành công đã có mặt và biểu hiện ngay rồi.
Như núi đá vững chắc
Không bị gió lay chuyển
Lời tán dương phỉ báng
Chẳng động bậc trí hiền
(Pháp cú 81, Phẩm Hiền Trí)
Trong mỗi khung trời, tất cả những sự hiện hữu đều góp phần kiến tạo nên một bức tranh toàn diện và hoàn mỹ. Tôi nhận ra rằng, dù đó là một tảng đá to lớn, thô kệch hay một hòn sỏi nhỏ bé, đều có một vị trí phù hợp và mang trong mình một giá trị nhất định góp mặt cho cuộc đời xinh đẹp này. Nhìn lại một đời người, chúng ta thấy sự hiện hữu của mình cũng không khác những viên sỏi đá với hình dáng đầy phong phú đó. Từ hình ảnh “hòn đá lăn trên đồi” mang trong mình sự hồn nhiên, vô tư và dại khờ, rồi biến đổi theo quy luật vô thường của thời gian, có hòn đá hóa thành tuyệt tác để tô điểm cho đời; nhưng cũng có hòn đá trở thành một biểu tượng hiên ngang và dũng mãnh giữa bao la đại ngàn… Đó cũng là sự làm mới, làm mới bởi vũ trụ, làm mới từ điều đã có nên tất cả đều thân thương.
Xuân 2025 đã đến những ngày đầu năm mới đánh dấu sự chuyển mình của tu viện trong diện mạo và trong cả tâm hồn. Nếu như năm qua, có những đám mây xám che mờ ngôi nhà tâm linh, thì năm nay sẽ là những sự lớn mạnh của chánh pháp từ việc nuôi dưỡng và chuyển hóa khổ đau thành chân hạnh phúc, “Cái gì là lõi cây cái đó tồn tại lâu dài” (Yo sàro so thassati). Chân lý vẫn tồn tại, pháp Phật vẫn xương minh.
Cuộc sống trao cho chúng ta cơ hội để lựa chọn từng bước đi trong hành trình nhân sinh. Mỗi bước đi đều mang theo một ý nghĩa, dẫn dắt ta đến những trải nghiệm, những bài học và sự trưởng thành. Cuối cùng, dù chúng ta là một viên sỏi bé nhỏ hay một tượng đá vững chắc, giá trị đích thực nhất vẫn là cách ta chọn sống luôn làm mới mình và cống hiến cho đời.
Tác giả: Tuệ Tâm
(Nguồn link: https://www.facebook.com/share/p/1NaMnk3KMX/?mibextid=wwXIfr)
Bình luận (0)