Tượng Phật, pháp khí Phật giáo hoàn toàn không chỉ mang tính giá trị vật chất thông thường, giá trị tâm linh cần được tôn trọng dưới góc nhìn văn hóa xã hội, không chỉ là góc nhìn tôn giáo chỉ dành riêng cho tín đồ hay tăng, ni.
Ngành khảo cổ, bảo tàng có quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm, khai quật và bảo tồn hiện vật Phật giáo cổ, trong đó có những hiện vật vô cùng quý không chỉ bởi chất liệu, nghệ thuật, mà còn là dữ liệu tin cậy cho nhiều chuyên ngành trong đó có ngành lịch sử phật giáo.
Các bảo tàng ở Việt Nam và trên thế giới hiện lưu giữ, trưng bày số lượng lớn tác phẩm điêu khắc, hội họa, các hình thức thể hiện pháp khí liên quan đến Phật giáo, tư liệu Phật giáo có giá trị tâm linh và cả giá trị vật chất rất cao.
Dưới nhãn quan khoa học, các nhà nghiên cứu, quản lý có thể không nhìn hiện vật Phật giáo như cách nhìn của tu sĩ và phật tử, cũng như khách tham quan cũng đa dạng thành phần, có thể họ có cách nhìn giống và khác với tín đồ của đạo Phật trong việc tiếp cận khi thăm quan, tìm hiểu và chiêm bái các tôn tượng, pháp khí Phật giáo.
Quan sát ở bảo tàng Lịch sử Tp.HCM trong khuôn viên Thảo Cầm Viên cũng như bảo tàng địa phương ở Bạc Liêu nhận thấy khách quan khi đến trước các tượng Phật, pháp khí Phật giáo có thái độ không khác khi đứng trước các hiện vật lịch sử có nội dung khác như binh khí, trang phục, tác phẩm nghệ thuật… Nếu là con nhà Phật thuần thành, tất có suy nghĩ là chưa được trang nghiêm?
Ở Bảo tàng lịch sử Tp.HCM có tượng Phật kích thước lớn, số lượng nhiều và khá phong phú, các hiện vật trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.
Bản thân tác giả bài viết, khi đến trước các tôn tượng đều cung kính đảnh lễ và thể hiện thái độ trang nghiêm. Đương nhiên, không ai cực đoan đòi hỏi phải hành lễ, thực hiện các nghi thức tôn giáo trước tượng Phật như ở Chùa hoặc nơi thờ tự. Nhưng, sự cung kính là cần thiết, mang tính văn hóa, sự hiểu biết, tôn trọng một tôn giáo có bề dày lịch sử lâu dài.
Ở những nước có truyền thống Phật giáo như Thái Lan, vấn đề có lẽ không như ở nước ta, hình ảnh người thăm quan bảo tàng chắp tay chào nhau theo cách con nhà Phật, chuyện cung kính trang nghiêm trước tôn tượng Phật là không phải bàn. Nhưng, ở Việt Nam thì để thể hiện cung kính như vậy hơi khó khăn, cần quá trình nắn chỉnh nhận thức mang tính văn hóa trong cộng đồng.
Với con nhà Phật thì bất luận ở đâu, hình ảnh đức Phật đều là thiêng liêng và tôn kính, vì vậy khi đi thăm quan, chiêm bái và thấy các pháp bảo Phật giáo, tôn tượng Phật ở bảo tàng thể hiện sự cung kính là người có niềm tin và có đạo đức. Vì tượng Phật, pháp khí Phật giáo không chỉ là giá trị vật chất thông thường, mà còn là giá trị tâm linh cần được tôn trọng trong văn hóa cộng đồng, trước hết là từ các nhà quản lý trong cả việc bài trí, sắp xếp các tôn tượng, pháp khí khi trưng bày.
Đây là một vấn đề về văn hóa ở các bảo tàng khi trưng bày các tôn tượng, pháp khí Phật giáo.
Nguyễn Thành Công tỉnh Bạc Liêu
Bình luận (0)