Tác giả: Diệu Hỷ Vickyle Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) là một tổ chức tôn giáo có quy mô lớn, thời gian tồn tại và phát triển lâu dài ở giai đoạn cận và hiện đại. Năm 2021, kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (7/11/1981- 7/11/2021) thì đức đệ tam Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ thuận lý vô thường thâu thần nhiếp hóa làm tăng, ni, phật tử không khỏi bồi hồi xúc động! Như vậy, tính trong thời gian 40 năm kể từ ngày thành lập, đã có 3 vị Pháp chủ lãnh đạo, nhìn lại những đạo sư tiêu biểu này để thấy được bề dày lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm cho tương lai của tổ chức.
Đại lão Hòa Thượng Thích Đức Nhuận (1897 - 1993)
Là vị Pháp chủ đầu tiên của GHPGVN, ngài là người đã có công đứng ra cùng Chư tôn đức vận động thành lập nên Giáo hội 40 năm trước, ở một quốc gia đa sắc tộc, hệ phái mà thống nhất được cả 9 hệ phái và cả Nam tông, Bắc tông cùng tụ hội dưới một mái nhà chung thì quả là bậc có nhân duyên, uy đức hiếm có!
Tại Đại hội thành lập GHPGVN, sau 3 lần khước từ chức vụ Pháp chủ, Ngài đành nhận mệnh tăng sai với yêu cầu thực hiện các yêu cầu thiết yếu của Phật giáo lúc bấy giờ như:
1. Được mở Trường Cao cấp Phật học tại ba miền Nam, Trung, Bắc và các Trường Cơ bản Phật học tại các Tỉnh;
2. Tăng, ni được phép xuất gia tu học tại các cơ sở tự viện;
3. Tín đồ phật tử được tự do đi chùa lễ bái, sinh hoạt tín ngưỡng tại các cơ sở tự viện trong cả nước.
Khi bế mạc Đại hội, vào yết kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Trưởng lão lập lại ba đề nghị trên và đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng chấp thuận, sẽ thực hiện theo tôn ý và nguyện vọng của Hòa thượng cũng như của giáo đồ Phật giáo Việt Nam.
Dưới sự chứng minh của Ngài và lãnh đạo của Trung ương Giáo hội, đến năm 1988 Nhà nước cũng thay đổi chính sách về tăng, ni nên bộ mặt chung của GHPGVN đặc biệt tại miền Bắc có nhiều cải thiện rõ rệt. Không chỉ giai đoạn sau năm 1981, Ngài mới đóng góp cho Phật giáo mà từ thập niên 1950 ngài đã cùng Chư tôn đức lèo lái con thuyền Phật giáo ở miền Bắc trong giai đoạn có nhiều khó khăn.
Đối với các Tông phái Phật giáo, Ngài và các môn đồ cũng có công rất lớn trong việc gìn giữ duy trì các Tổ đình thiền phái Tào Động tại Hà Nội như Hòe Nhai, Quảng Bá, Phổ Giác, Thiên Trúc, Ngũ Xã… Về phương diện Pháp môn tu hành Ngài hoằng dương cả 2 Pháp môn như Tu Phản Văn - pháp tu rất uyên áo thâm sâu từ kinh Thủ Lăng Nghiêm và cả pháp môn Tịnh độ gần gũi với các hàng căn cơ. Đức Đệ Nhất Pháp chủ không những là hành giả Phật giáo lỗi lạc, nhà tu hành nổi tiếng mà đặc biệt ngài còn dạy được rất nhiều đồ đệ nổi tiếng trong phương diện tu tập như các Hòa thượng: Thích Trung Quán, Thích Tâm Châu, Thích Tuệ Đăng, Thích Thanh Khánh, Thích Phúc Trí,.. Ni trưởng Hải Triều Âm.. đây cũng là việc hết sức hiếm có trong thời cận hiện đại.
Đúc kết đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, xin trích mấy vần thơ trong điếu văn của Trung ương GHPGVN tại tang lễ ngài năm 1993 do Hòa thượng Thích Phổ Tuệ bấy giờ là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp bút:
“Việc làm ích nước lợi dân Cao Tăng Đinh Lý Lê Trần tái sinh”
Thực vậy cuộc đời phạm hạnh với các công hạnh lớn của Ngài như phản chiếu hình ảnh các cao tăng từ Đinh-Lê-Lý-Trần hồi Phật giáo còn thịnh trị, các bậc ấy như còn “tái lai” để giúp đỡ Phật giáo Việt Nam qua được những giai đoạn thăng trầm trong tiến trình phát triển.
Đức Đệ nhị Pháp chủ Thích Tâm Tịch (1915- 2005)
Ngài giữ ngôi vị Pháp chủ giai đoạn 1997 – 2007, là vị sư đạo hạnh khiêm cung, ít được quần chúng biết đến vì giai đoạn đó truyền thông xã hội chưa phát triển. Nhưng cuộc đời Ngài nổi bật lên một điểm, đó là gắn bó với các sơn môn Tổ đình lớn. Ngài xuất gia tại Quán Sứ với chứng minh Tổ Vĩnh Nghiêm Thiền gia Pháp chủ Thích Thanh Hanh, sau đó được Pháp chủ cho Thượng tọa Thích Thái Hòa dẫn về Hà Nam gặp Tổ đệ tứ Tế Xuyên Thích Doãn Hài (1874-1958) hay còn gọi Tổ Tế Cát, sau đó Tổ lại cho đến bái Tổ Cao Đà Thích Thiện Bản (1884-1962), là người thừa hưởng truyền thừa của cả hai sơn môn Tổ đình danh tiếng bấy giờ là Bồ Đề (Gia Lâm Hà Nội, chùa này vốn do Tổ Thích Nguyên Biểu (1836- 1906) từ Vĩnh Nghiêm đến khai sáng và Tổ đình Tế Xuyên.
Năm 1958, Thượng thủ Tăng già bấy giờ là Hòa thượng Tuệ Tạng Thích Tâm Thi (1889-1959) giao cho Ngài làm Giám tự ở lại trông coi chùa Quán Sứ khi Thượng thủ về Nam Định dạy học tại chùa Vọng Cung.
Năm 1962, khi bản sư viên tịch, ngài về kế đăng chùa Cao Đà.
Năm 1979, khi Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải viên tịch sơn môn tôn Ngài làm trụ trì chùa Bồ Đề, huyện Gia Lâm thành phố Hà Nội ngày nay.
Năm 1981, đức Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận lại giáo sắc cho ngài làm trụ trì chùa Quán Sứ.
Năm 1997, Đại lão Hòa thượng Thích Thông Ban Trưởng sơn môn Tế Xuyên viên tịch, ngài được sơn môn suy cử làm Trưởng sơn môn, viện chủ chùa Tế Xuyên.
Cả cuộc đời của Đại lão Hòa thượng như ta đã thấy gánh vác trọng nhiệm đứng đầu cùng lúc nhất nhiều tổ đình, sơn môn lớn ở miền Bắc hay cả trụ sở chùa Quán Sứ.
Đây là hình ảnh tiêu biểu như gợi nhớ các nhà sư cuối Lê và Nguyễn đã nương tựa nơi sơn môn truyền thống hệ phái làm nòng cốt!
Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ (1917-2021)
Đức Đệ tam Pháp chủ lãnh đạo chứng minh GHPGVN giai đoạn 2007 – 2021. Đây là giai đoạn phát triển bùng nổ của kinh tế, văn hóa xã hội và truyền thông nên hình ảnh của Ngài được quần chúng biết đến nhiều nhất và có lẽ cũng không cần điểm qua tiểu sử của Ngài! Nhưng rất kỳ lạ là ngay ở giai đoạn mà sự cung dưỡng của xã hội dành cho nhà chùa rất nhiều thì chúng ta lại có một vị Pháp chủ ẩn cư nơi thôn dã và sống cuộc đời rất giản dị của một nông tăng.
Ở Hòa thượng Thích Phổ Tuệ chúng ta cũng thấy tình cảm gắn bó với truyền thống sơn môn pháp phái nhưng mà không lãnh đạo hay duy trì cả cùng lúc nhiều hệ thống sơn môn Tổ đình như Pháp chủ đệ nhị Thích Tâm Tịch. Sự gắn bó của ngài là sự bền bỉ bám trụ với một ngôi chùa với những gì còn sót lại của một đạo tràng danh tiếng.
Cuộc đời của đức Đệ tam Pháp chủ gắn bó với ruộng đồng tự cày cấy mưu sinh, kham nhẫn vượt qua thời kỳ chiến tranh, quá độ để giữ gìn nghiệp tu hành, đến khi xã hội thịnh vượng vẫn cố giữ nếp thanh bần thủ đạo. Đó là hình ảnh thân giáo rất quý cho đồ chúng.
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ trong xã hội lên tiếng phàn nàn về cuộc sống xa hoa, se sua ở đâu đó thì hình ảnh giản dị của sư cụ Phổ Tuệ như nhắc nhở về sự kiệm phúc để tu hành, không chôn vùi công đức thiện nghiệp, không ham danh lợi gây phản cảm với dư luận quần chúng.
Với thì Tương Lai thì phải nhận định trong 40 năm qua về mặt hình thức GHPGVN rất phát triển về cơ sở vật chất, đội ngũ, chùa chiền xây dựng nhiều, nhiều nơi rất hưng long… cũng là nhờ đời sống dân chúng được tăng lên, đó tạm gọi là Thịnh! Nhưng ở đời thì đâu phải hưng thịnh mãi mãi? lẽ Vô Thường thì nhà chùa phải thấm đẫm hơn ai cả! Pháp chủ Thích Phổ Tuệ có thể nói là hành giả lỗi lạc trong truyền thống “Bách Trượng Thanh Quy” cũng được ví von như “Thọ Xương Chung Thân Lực Canh”(như lời Hòa thượng Thích Đức Nghiệp). Sở dĩ có truyền thống này một phần cũng từ câu chuyện thịnh suy bĩ thái vô thường ở đời, xã hội Trung Hoa xưa Phật giáo nhiều lúc phát triển đỉnh thịnh nhưng sau khi được lợi dưỡng rất nhiều thì xảy ra các suy thoái do gặp pháp nạn mà người ta hay gọi là Tam Vũ Nhất Tông (pháp nạn gây bởi 4 vua tà ác Bắc Ngụy Thái Vũ Đế, Bắc Chu Vũ Đế, Đường Vũ Tông và Hậu Chu Thế Tông) hay như vua Lãng Đạt Ma tại Thổ Phổn, Hồ Qúy Ly ở Đại Việt cũng tương tự. Tổ Bách Trượng với tầm nhìn xa đã thấy trước sự hưng suy mà ẩn cư, tự nuôi sống nên tránh được nạn.
Ngày nay đất đai ruộng vườn do nhu cầu phát triển dùng để xây nhà, đổ bê tông làm bãi để xe, làm vườn cảnh… nhưng phi nông bất ổn, lúc loạn lạc tính sao? Thế nên hình ảnh sư cụ Phổ Tuệ với ngôi chùa giản dị giữa đồng vườn xanh mướt, tự cày cấy trong những năm kháng chiến hay hòa bình cũng chính là bài học quý báu! Tuy hạnh của Bồ tát, Tổ sư khó làm nhưng ít ra đó cũng cho thấy nó không nằm trong sách vở mà xuất hiện đời thực, người thực, và người vẫn có thể sống tốt, tu hành tốt với cách đó với điều kiện như thế đó.
Nói vậy không phải để bi quan hay suy diễn, cá nhân tôi cũng tin GHPGVN sẽ vững bền dưới sự chứng minh lãnh đạo của Chư tôn đức nhưng quả thật bài học thân giáo quý báu của cụ Phổ Tuệ khiến chúng ta phải suy nghĩ, đó chính là Cư An Tư Nguy. Ngay cái lúc còn đang thịnh vượng đây hãy suy nghĩ và trù bị cho những hoàn cảnh đặc biệt có như thế mới không bị động và cơ đồ càng bền chặt hơn!
Qua hình ảnh ba vị Pháp chủ đáng kính - các nhà sư giản dị đã từng lãnh đạo GHPGVN qua chặng đường tròn 4 thập kỷ, ở các Ngài chúng ta như thấy hình ảnh đại diện nối tiếp quá khứ hào hùng từ thời Đinh-Lê-Lý-Trần Phật giáo phát triển hưng thịnh, có nhiều cao tăng thiền sư công hạnh vĩ đại kỳ bí, đến thời Hậu Lê, Nguyễn với hình ảnh những sơn môn, chốn Tổ pháp phái truyền thừa, quy củ sinh hoạt… qua những thời kham nhẫn gian khó đến cả tầm nhìn Cư An Tư Nguy cho tương lai…
Tác giả: Diệu Hỷ Vickyle Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022 ***TÀI LIỆU THAM KHẢO: [1]. Vũ Ngọc Định (2017), “Truyền thống nhập thế và vai trò của Phật giáo Việt Nam trong giải quyết các vấn đề xã hội”, Hội thảo Quốc tế Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, Nxb ĐHQG Hà Nội, tr.270-282]. [2]. Nguyễn Duy Hinh (1981) “Tìm hiểu ý nghĩa xã hội của phái Trúc Lâm thời Trần”, in trong cuốn “Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần”, Nxb Khoa học xã hội, tr.640. [3]. Nguyễn Lang “Việt Nam Phật giáo sử luận”, Nxb Văn học, Hà Nội 2000, tr.335.
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hoa-thuong-pho-tue-chiec-khan-la-vuong-miencua-toi.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ve-noi-tu-hanh-cua-duc-phap-chu.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/le-suy-ton-su-to-vinh-nghiem.html
Bình luận (0)