Câu hỏi: Tôi là Phật tử đã được 10 năm. Trong suốt 10 năm qua tôi vẫn thường tụng kinh Phật tại nhà, nhà tôi có thờ Phật. Sauk hi Quy y tam bảo, nương tựa vào Phật pháp, tôi luôn thực hành giữ gìn 5 giới cơ bản của đạo Phật, và thực hành nghiêm chỉnh giữ gìn thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý.

Tôi ăn chay 8 ngày/ tháng vào các ngày 1,5,14,15,23,28,29,30. Dạo gần đây tôi có nghe nói rằng muốn tụng kinh được nhiệm màu, được tốt thì phải ăn chay trường, có một số kinh như Kinh Pháp Hoa, Kinh A Di Đà là bắt buộc ăn chay trường mới linh nghiệm, như vậy là có đúng hay không? Vậy việc tôi ăn chay 8 ngày/ tháng suốt 10 năm qua là vô nghĩa hay sao?

Nguồn: st
Nguồn: st

Trả lời:

Chào bạn, bạn là một phật tử, luôn giữ gìn 5 giới tại gia, giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý trong cuộc sống và phát nguyện ăn chay 8 ngày/tháng là rất đáng quý. Trước tiên, về số lượng ngày ăn chay, việc này tùy theo mong muốn của mỗi cá nhân phát nguyện. Dựa theo tất cả kinh sách đạo Phật, không có kinh điển nào ghi chép về quy định số ngày ăn chay trong một tháng hay việc bắt buộc ăn chay trường sau khi Quy y Tam bảo hay trong khi tụng bất kỳ loại kinh sách nào thuộc giáo lý đạo Phật. 

Ngày nay khi nói đến ăn chay, đa phần người phật tử Việt theo truyền thống Phật giáo Bắc tông thường nghĩ rằng ăn chay là thọ dụng những thực phẩm thuần thực vật, không ăn thịt cá và các gia vị cay nồng như hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu. Tuy nhiên, vào thời Thế Tôn quan niệm chay tịnh chỉ mang ý nghĩa ăn trước giờ Ngọ và được ăn các thứ thịt thanh tịnh (Tam tịnh nhục), tức ba thứ thịt thanh tịnh mà các Tỳ-kheo được phép thọ dụng, Thế Tôn đã minh định:

Này Jivaka, những ai nói như sau: Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình, những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt không được thọ dụng. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng”. Kinh Jivaka (Trung Bộ II, số 55)

Kinh Jivaka (kinh Trung bộ, số 55), Đức Phật dạy: “Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi vì mình mà giết. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt không được thọ dụng. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi vì mình mà giết. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng”.

Nguồn: st
Nguồn: st

Kinh Àmagandha (kinh Hôi thối, kinh Tập, Tiểu bộ I) ghi lời Phật Kassapa dạy về việc “Ăn thịt không phải thối”. Theo kinh văn, đồ ăn hôi thối (àmagandha) không phải là cá thịt mà chính là sự ô uế của thân tâm. Chính sự cấu uế này đã hủy hoại đạo đức của một người chứ không phải vì ăn thịt cá:

Sát sinh và hành hình
Ðả thương và bắt trói
Trộm cắp và nói láo
Man trá và lừa đảo
Giả bộ kẻ học thức
Ði lại với vợ người
Ðây là đồ ăn thối
Ăn thịt không phải thối”.

Kinh Àmagandha đã cho thấy rằng ăn thịt không phải là vấn đề; chuyển hóa và vun bồi thiện nghiệp mới thực sự quan trọng.

Như vậy, dựa theo kinh sách có thể thấy rằng, việc mỗi phật tử ăn gì không quan trọng bằng việc sau khi chúng ta ăn những thức ăn đó, thì trong lòng chúng ta có nổi lên tham sân si, tạp niệm, thọ dụng các thức ăn như thịt, cá,…mà tâm không tham trước, không tham đắm, không đam mê, thấy rõ các tai họa, ý thức rõ rệt sự xuất ly hay không. Mặt khác, sự khiếm khuyết về đạo đức, luân lý nơi mỗi cá nhân còn nghiêm trọng hơn là việc ăn thịt.

Người phật tử, sau khi quy y Tam bảo được chư Tăng khuyến khích lập nguyện thực hành ăn chay một tháng ít nhất là hai ngày, người nào phát tâm ăn chay nhiều ngày hơn thì càng tốt. Còn vấn đề đọc tụng kinh Phật, ngoài tác dụng thanh tịnh ba nghiệp thì tụng kinh cốt để hiểu lời Phật dạy mà ứng dụng tu học trong đời sống hàng ngày nhằm thiết lập an vui, tịnh lạc. Đây mới chính là điều “linh nghiệm” đích thực của việc tụng kinh.

Tất nhiên, những Phật tử ăn chay trường mà tụng kinh thì rất tốt, còn những ai ăn chay kỳ như bạn thì vẫn tụng niệm các bộ kinh Phật (như kinh Pháp hoa, Địa Tạng…) bình thường, không có gì trở ngại cả. “Linh nghiệm” hay không là do nơi Văn (đọc, nghe kinh) - Tư (suy nghiệm lời kinh) - Tu (thực hành những điều kinh dạy để được an lạc) chứ không phải là do ăn chay trường hay chay kỳ bạn nhé! 

Nguồn: Báo Giác ngộ