TS.Nguyễn Quang Khải Nguyên PGĐ Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022
Văn bia “Vạn Phúc đại thiền tự bi” hiện nay ở chùa Phật Tích huyện Tiên Du chỉ còn một nửa. Cuối những năm 30 đầu những năm 40 của thế kỷ XX, trường Viễn đông Bác cổ Pháp ở Hà Nội (EFEO) đã tổ chức in dập các văn bia ở các tỉnh Bắc kỳ, trong đó có Bắc Ninh, khi ấy tấm bia này còn lành lặn. Sau đó, các thác bản được bàn giao lại cho Viện Thông tin Khoa học Xã hội, rồi lại được bàn giao cho Viện nghiên cứu Hán Nôm quản lý.
Năm 2005, EFEO phối hợp với Viện Cao học thực hành Pháp (EPHE) và Viện nghiên cứu Hán Nôm xuất bản thành sách, in nguyên văn chữ Hán (gồm 22 tập, mỗi tập có 1000 trang, khổ 24 x 31,5 cm). Văn bia “Vạn Phúc đại thiền tự bi” có số hiệu 2146- 2147 trong Tổng tập văn khắc Việt Nam, tập 3. Văn bia chứa đựng nhiều tư liệu quý, chúng tôi dịch theo nguyên tác (lược bớt tên người, số ruộng, họ tên thân nhân của Chuyết Chuyết và một số quan chức cao cấp của nhà Trịnh được phối thờ) để giới thiệu với quý bạn đọc.
- Mặt trước: “Từng nghe, hư không chứa đầy khí, trăm đá có hình đẹp, trong khoảng hỗn độn chưa phán ra, một lần biến hóa bắt đầu phân ra thanh đục. Từ đó, tam tài (thiên, địa nhân) bắt đầu xuất hiện, muôn loài sinh ra, có trời đất, có núi sông. Ngửa lên trời thấy có mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú; cúi xuống đất thấy có cỏ hoa; nhìn xuống sông biển thấy có ngao rùa; ngước lên trên núi thấy có ngựa, trâu. Núi Mã chắc không cao quá vài trăm nhẫn, sông Nhĩ Hà chắc không sâu quá nghìn vạn trượng. Tất cả đều có sự linh ứng của vạn vật, chung linh tụ khí của ngũ hành, từ đó mà hào kiệt đĩnh sinh. Đó vốn là anh linh của khí dương.
“Duy Tiên Du thắng địa, Phật Tích danh sơn, ứng trợ phương Càn có núi Phượng, ôm quanh có nước biếc sông Ngưu. Chu Tước làm án nổi lên sừng sững, nước sông Thiên Đức cuồn cuộn ôm quanh, Huyền Vũ hư không cao ngất ngất, núi cao xán lạn xếp trùng trùng, tả Thanh Long nước sông uốn khúc, hữu Bạch Hổ núi trợ trên cao; trong gian nhà, bàn đá, trong điện nghiễm lưu ly sáng chói, trăng sao rộng khắp quảng hàn, hoa lá hồng xanh đủ cả. Chàng Từ Thức được ơn vua ban độ đến chơi tìm đào trong núi. Chàng Vương Chất mến bờ cây tùng đỏ, tìm đến nơi nước biếc cỏ xanh đủ cả vạn cảnh thiên nhiên,...
“Năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057), hoàng đế thứ 3 nhà Lý (Lý Thánh Tông) xây dựng bảo tháp cao nghìn nhẫn, tạo tượng thân vàng 6 thước, tạo thí điền hơn trăm thửa để thí hưởng lâu dài. Không có gì thôi thúc tâm này mà hành đạo này gọi người ta đến.
“Thánh thiên tử triều Lê, văn võ thánh thần, thông minh tài trí, phối thiên địa mà sinh tiết xuân, đưa ánh sáng chiếu soi khắp chốn hài hòa mà thịnh vượng không có gì khác, càng minh sáng, càng có nhiều điều tốt đẹp. Vì vậy cần chép lại sự tích.
“Thực lục Trịnh Thái thượng quốc vương, thụ khí thiêng của long phượng, nương theo ánh sáng của mặt trời; trên theo thiên mệnh, dưới đắc nhân tâm, muốn tạo phúc cho đại thần văn vũ bách liêu, cung tần thái nữ cùng hưởng thái bình, cùng vui dưới trời Nghiêu Thuấn. Vì vậy, thuận theo ý dân, dõi theo vận nước, tôn trọng ngày xuân, tích nhân thọ vực, hỏi rằng cái gì mà không bắt đầu từ đạo. Huống chi, theo lẽ thường tình, hiểu đạo không cần làm điều khác lạ, hành đạo không cần chọn thời. May có vị tam giới đại sư tái xuất, đủ gọi là thủy tổ của Đông thổ.
“Kính thay! Tổ sư húy Viên Văn hiệu Chuyết Chuyết, cụ thụ Thái tổ Minh Bồ tát giới, khổ tiết tinh cần, nghiêm tịnh luật sư, đức quán Đà Đà đại hòa thượng, giữ đủ 250 giới, giữ đủ 84.000 bí mật dương vân thủy tỷ khưu, được tặng phong Phổ Giác Phủ đồ Đại đức thiền sư Nhục thân Bồ tát.
“Ngài vốn người Hải Trừng, Mân Điền nước Minh. Từ nhỏ, xuất gia Phạn hạnh trang nghiêm, vân du Cổ Miên (nước Căm Pu Chia ngày nay) thuyết pháp, khiến cho quốc vương nước đó rất kính trọng. Đến năm Giáp Tuất (1634), từ Thuận Hóa đến kinh sư. Có vương đệ Dũng Lễ công nghe tiếng ngài là bậc đại đạo đức, thỉnh về tham vấn Thiền tông, được giác ngộ tam giáo tinh thông, từ bi. Từ đó, giới hạnh càng viên mãn, bèn lạy tôn làm tổ sư. Thời gian đó, các cung tần, thiện nam tín nữ thập phương đều vân tập đến nghe diễn giảng về giáo lý chân chính. Mọi người hiểu được về luật nhân quả.
“Đến giờ Hợi ngày 15 tháng 7 năm Giáp Thân (1644), nhân duyên đã đủ, ngài bèn quay mặt về hướng Tây truyền y pháp cho các đệ tử. Đến năm Nhâm Dần (1662), nghiêm sư nhục thân được vương phủ đệ nhất cung tần Chiêu nghi Trần Thị, hiệu Pháp Giới tạo bảo tháp phụng tự.
“Đến năm Ất Mão (1675), cùng lập các đạo tràng, để ôn lại những lời dạy của tôn sư để báo ân, để tỏ cái nghĩa không phụ, không quên, được có duyên ngưỡng mộ bậc khai sáng một dòng thiền. Đức lớn của tôn sư đáng dùng vàng của Tây Thiên để đúc thành lời; sự thuyết giảng của tôn sư đủ để lấy nước Tào Khê để chuyên chở; mở Chân Nguyên làm thiện ở Tuyết Long không mỏi, chay tịnh vô cùng.
“Công cao đức dày của Tổ không có gì lớn bằng. Thật là hiển hách, thật là đáng nêu. Tổ cũng là bậc chân trượng phu, thể hiện được đủ ý trời, muôn đời ai mà không muốn làm theo. Vì vậy, từ bậc vương công cho đến người dưới, trong lòng muốn tôn sùng cúng cấp, hương khói phụng thờ. Tổ mãi mãi là bậc siêu việt trong chúng sinh. Bút không hết lời, nói không hết ý. Nhân đó, kính cẩn khắc bài minh vào bia (...)
Tiếp đó, văn bia ghi họ tên 508 người công đức tiền ruộng hoặc công sức vào chùa, trong đó, có vị là Hoàng Thái hậu (Hoàng thái hậu Trịnh Thị, đạo hiệu Pháp Tính), có vị là Hoàng hậu (Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Đăng hiệu Diệu Định), có vị là Quận công (Phổ thân đại phu Thái truyền Kiên Quận công Trịnh Quân, Thiếu truyền Dự Quận công Ngô Hữu Dụng).
Ngày Tỵ tháng 3 nhuận niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 triều Lê (1686) dựng bia.
Sinh đồ xã Phật Tích huyện Tiên Du phụng soạn.
Phật đệ tử Hòa thượng Pháp Ấn xã Đông Phù kính cẩn viết chữ.
Sa di Chân Hòa cung kính hiệu đính.
Mặt sau có tiêu đề: Kiến lập Tam bảo điền tự sự tổ sư Ân Quang tháp bi ký:
“Thường nghe, đạo không truyền ắt không rộng; cúng mà không tế ắt không thông. Vì vậy, truyền đạo ắt trước tiên phải là người có đức; tế tự phải lập ruộng hương hỏa. Xã ta có ruộng tổ sư do thập phương tín thí cúng dàng.
“Tổ sư đản sinh ngày mùng 2 tháng 2, nhập định ngày 11 tháng 7. Nhị sư sở hữu các mẫu ruộng được khai rõ dưới đây”:
Văn bia kê rõ 66 thửa ruộng với tổng diện tích là 11 mẫu 8 sào 14 thước kèm theo họ tên, chức vị người cúng ruộng, tên xứ đồng và thông tin 4 phía của mỗi thửa ruộng giáp ruộng của ai.
Văn bia còn cho chúng ta biết: “Các thửa ruộng đều lưu tại xã Phật Tích và giao cho 84 người (có ghi rõ họ tên) cày cấy lưu truyền vạn đại. Hạn mỗi sào oản bàn 10 thăng cùng với hoa quả, tế xong mỗi người được thừa lộc. Nếu có người nào dựa vào đặc quyền phá bỏ bia đá, đoạt chiếm ruộng thì xin hoàng thiên, chư Phật chu diệt, tán thất nhân thân”.
Tìm hiểu nội dung văn bia, chúng tôi thấy đây là tư liệu rất quý, vì, qua văn bia, người đọc biết được:
- Chùa Phật Tích được xây dựng vào năm 1057, chùa có pho tượng Phật dát vàng cao 6 thước.
- Chùa Phật tích được mở rộng quy mô vào thời Lê - Trịnh với sự hưng công và đóng góp của rất nhiều quan chức cao cấp, của hoàng thân quốc thích, trong đó có cả Hoàng Thái hậu và Hoàng hậu. Người có công mở rộng quy mô chùa là Hoà thượng Chuyết Chuyết. Chính Chuyết Chuyết đã góp phần tạo nên vai trò của Nho giáo trong sinh hoạt Phật giáo ở Bắc Ninh và một số tỉnh lân cận.
- Qua văn bia “Vạn Phúc đại thiền tự bi”, chúng ta cũng biết được tình hình sử dụng ruộng đất thời Lê- Trịnh ở các chùa tỉnh ta như thế nào. Tìm hiểu văn bia ở Bắc Ninh, chúng tôi thấy, ruộng đất ở một số đại danh lam thời đó là rất nhiều, nhiều chùa có hàng trăm mẫu ruộng. Ruộng chùa thời đó không phải đóng thuế nên thế lực kinh tế của một số chùa lớn là rất mạnh. Từ thực tế này có thể là những gợi ý tốt cho chính sách quản lý xã hội cho các thời sau.
- Từ nội dung văn bia, chúng ta cũng thấy sự minh bạch thông qua việc ghi chép diện tích, vị trí từng thửa ruộng và lễ vật thờ cúng trong chùa. Cũng từ nội dung văn bia, chúng ta biết được tầm quan trọng của ruộng đất ở làng xã ngày xưa quan trọng như thế nào.
- Từ lời thề “Nếu có người nào dựa vào đặc quyền phá bỏ bia đá, đoạt chiếm ruộng thì xin hoàng thiên, chư Phật chu diệt, tán thất nhân thân”, chúng ta thấy hiện tượng dựa vào đặc quyền để chiếm hữu ruộng đất ở nông thôn thời đó đã xuất hiện và sự phản ứng của người dân cũng tỏ ra rất quyết liệt. Điều đó chứng tỏ sức mạnh tiềm ẩn của cộng đồng làng xã là một thực tế.
TS.Nguyễn Quang Khải Nguyên PGĐ Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022
Bình luận (0)