Từ 1957 đến 1964 thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam (Theravada)”. Từ 1964 đến 1981 mặc nhiên với tên gọi “Phật giáo Nam tông”. Năm 1981, Phật giáo Nam tông cùng các tông phái khác sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Thanh Mai Giảng viên Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh. ThS. Nguyễn Ngọc Hùng Giáo viên trường THCS Chi Lăng, Q.4, TP.Hồ Chí Minh. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt: Năm 1981, Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh là một bộ phận cùng với tám thành viên tạo dựng ngôi nhà tâm linh chung cả nước: Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bài chuyên khảo này xin giới thiệu khái quát quá trình du nhập và tồn tại của Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh từ 1938– 2020, với những biến đổi thăng trầm trong tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt vai trò tham gia trí lực của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam trong pháp nạn 1963 và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (1964) cũng như năm 1981 góp phần trong việc vận động thành lập và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ khóa: Theravāda, du nhập, quá khứ và hiện tại, Việt Nam.

DẪN NHẬP

Năm 1938, gia đình chủ đất Bùi Ngươn Hứa hiến cúng 3ha đất cho ông Nguyễn Văn Hiểu, Văng Công Hương, Nguyễn Văn Quyến, Đoàn Văn Hường nhằm mục đích xây ngôi Tam bảo Nguyên thủy đầu tiên tại ấp Gò Dưa, xã Tam Bình, Thủ Đức với tên gọi sau đó: Bửu Quang tự (Nay 171/10 Quốc lộ 1A Phường Bình Chiểu, Thành phố Thủ Đức, Việt Nam).1 Bên cạnh đó, lần lượt còn có bốn vị Tăng sĩ truyền vào Việt Nam Phật giáo theo truyền thống Nam tông, đó là ông “Ngô Bảo Hộ, sau xuất gia năm 1937, pháp danh Thiện Luật; Hồ Văn Viên, xuất gia năm 1938, pháp danh Huệ Nghiêm; Phạm Văn Tông, xuất gia 19-7-1940, pháp danh Bửu Chơn; Người thứ tư, Lê Văn Giảng, xuất gia 15-10-1940, pháp danh Hộ Tông2. Từ đó, Phật giáo Nguyên thủy từng bước không ngừng phát triển chùa tháp như năm 1945, ông Nguyễn Văn Tịnh, ông Dương Văn Thêm từ Campuchia học Pháp quay về Việt Nam tạo lập chùa Giác Quang ở bến Bình Đông cùng nhiều vị cư sĩ thuần thành.3 Đây là ngôi tự viện Phật giáo Nguyên thủy sau chùa Bửu Quang.4 Sau ngôi tự viện Giác Quang, chùa Kỳ Viên lập ngày 19-6-1922 (610 Phan Đình Phùng, Sài Gòn, VN) trở thành ngôi Tam bảo Phật giáo truyền thống Nam tông thứ 3.

Ngày 17-02-1952, Tỳ khưu Hộ Tông và sư Cả trụ trì chùa Mahàmontrey, Campuchia chứng minh buổi lễ kiết giới Sima tại bổn tự.5 Ngôi tự viện thứ 4 là chùa Bửu Long.6 Năm 1957, thiện nam Võ Hà Thuật cúng dường Giáo hội khu đất này nhân khi Giáo hội Tăng già Nguyên thủy thành lập.

Cơ sở thờ tự thứ 5, chùa Phổ Minh, xây dựng năm 1934, dâng cúng năm 1957, người thọ nhận đầu tiên ngôi chùa này là Tỳ-khưu Thiện Luật.7 Năm 1958, chùa Pháp Quang do Tỳ-khưu Hộ Giác cùng Tỳ-khưu Thiện Luật xây dựng, sau đó trở thành Phật học Viện Pháp Quang đầu tiên của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, do Ngài làm Viện trưởng, đào tạo Tăng sinh qua 3 cấp học theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và được Hội Phật giáo Thế giới công nhận: Sơ đẳng, Trung đẳng và Cao đẳng Phật học. Hòa thượng Tịnh Giác, Hòa thượng Minh Giác, Hòa thượng Thiện Nhân, Hòa thượng Bửu Chánh, Thượng tọa Giác Trí… đều xuất thân từ ngôi trường này.8 Năm 1953, Phật lịch 2497, tại miền Trung, Trung phần, Tổ đình đầu tiên tại Đà Nẵng là chùa Tam Bảo tại 119c Đại lộ Phan Chu Trinh,9 được thành lập bởi Tỳ-khưu Giới Nghiêm cùng thiện nam Hà Thúc Diếu, Vĩnh Cơ10… Ngày 15-03- 1963 (Phật lịch 2507), Trung ương Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam tổ chức lễ Kiết giới Sima, tham dự có Ngài Narada, sư Hộ Giác, sư Tịnh Sự, sư Ẩn Lâm, sư Tối Thắng, sư Giác Quang, sư Dũng Chí…

Năm 1956, Tỳ-khưu Giới Nghiêm, Tỳ-khưu Bửu Chơn, Tỳ-khưu Thiện Luật, Tỳ-khưu Hộ Nhẫn… tạo dựng ở Huế ngôi Tổ đình có tên là Tăng Quang Tự, tên tiếng Pàli: Sangharànsyaràma11. Từ đây Phật giáo Nguyên thủy tại Huế lan rộng: chùa Định Quang ở Giạ Lê, tạo lập năm 1958…Từ năm 1938 đến 1957, Phật giáo Nguyên thủy với tên gọi Đạo Phật Thích Ca. Từ 1957 đến 1964 thành lập “Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam (Theravada)”. Từ 1964 đến 1981 mặc nhiên với tên gọi “Phật giáo Nam tông”. Năm 1981, Phật giáo Nam tông cùng các tông phái khác sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 2010 trở đi, để phân biệt với Phật giáo Nam tông Khmer, Giáo hội Phật giáo Việt Nam văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh gọi với danh xưng “Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh”.

Phật giáo Nguyên thủy có thể phân kỳ thành các giai đoạn: 1.

Giai đoạn 1955 – 1964, từ Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam (1958) đến thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (1964); 2. Giai đoạn 1964 – 1981, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam ly khai khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và hồi sinh Phật giáo Campuchia sau họa diệt chủng Ponpot 1979; 3. Giai đoạn 1981 – 2020, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam trong cuộc vận động cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay.

I. GIAI ĐOẠN 1955 – 1964, TỪ GIÁO HỘI TĂNG GIÀ NGUYÊN THỦY VIỆT NAM (1958) ĐẾN THÀNH LẬP GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT (1964)

Tại chùa Tam Bảo (Đà Nẵng), Tỳ-khưu Giới Nghiêm cùng các thiện nam Vĩnh Cơ, Hà Thúc Diếu nộp đơn xin chính quyền đương thời thành lập: Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam Trung phần.

“Ngày 21-10-1955, ông Nguyen Đon Duyen, Đại biểu Chính phủ tại Trung Việt, ra Nghị định số 3716/ND/PC, cho phép Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam được phép thành lập”,12 lấy chùa Tam Bảo, Đà Nẵng, làm trụ sở Trung ương hoạt động trên toàn cõi Trung Phần Việt Nam.

Khi ban hành nghị định có kèm theo Điều lệ Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam Trung Phần, gồm 9 chương 19 điều.

“Ban Quản trị Trung ương gồm: 1 vị Pháp chủ; 2 vị cố vấn tinh thần; 1 Hội trưởng; 1 Phó Hội trưởng; 1 Tổng Thư ký; 2 Kiểm soát; 1 thủ quỹ; 2 liên lạc và lễ nghi.

Ban Quản trị cấp Tỉnh, Thành đặt tại tỉnh thành gồm:1 vị cố vấn tinh thần; 1 Hội trưởng; 1 Phó Hội trưởng; 1 Tổng Thư ký; 1 Phó Thư ký; 1 Thủ quỹ; 1 Liên lạc và Lễ nghi; 1 Kiểm soát. “Ban Quản trị Chi hội đặt tại xã, thôn Trung Việt gồm có: 1 vị Cố vấn tinh thần; 1 Chi trưởng; 1 Thư ký; 1 Thủ quỹ; 1 Liên lạc và Lễ nghi; 1 Kiểm soát (Chương năm điều XI)”13. “Cơ cấu tổ chức của Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam tại Sài Gòn bao gồm Tổng hội với Ban Quản trị Trung ương điều phối, Tỉnh hội và Chi hội. Tỉnh hội và Chi hội quản lý giống với cơ cấu Ban Quản trị Trung ương. Nhiệm kỳ Ban Quản trị các cấp là 2 năm, người được chọn bằng các lá phiếu đã chuẩn bị kín trước đó.

Điều lệ Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam gồm 10 chương 40 điều, nội dung chủ yếu nói đến sinh hoạt của các tín đồ hội viên một cách lành mạnh, thuần túy giáo lý Nguyên thủy (Theravāda)”14. Ngoài điều lệ, Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam lưu hành nội bộ nội quy gồm 5 chương 41 khoản.

“Ngày 20-02-1957, ‘…đơn xin phép thành lập một Hiệp Hội lấy tên là Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam’ được Ban Chưởng Quản Giáo hội tạm thời nộp chính quyền sở tại.” “…Ngày 18-12- 1957, Bộ Trưởng Nội vụ ông Vũ Tiến Huân thừa lệnh Tham Lý Nội An đóng dấu ký duyệt cho Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam hoạt động theo đạo dụ số 10”15. Tại chùa Kỳ Viên, vào lúc 14g ngày 11, 12, 13-7-1958 (25, 26, 27-5, Mậu Tuất), Phật lịch 2502, Tăng Thống nhiệm kỳ thứ nhất (1958 – 1961), được bỏ phiếu kín bầu chọn, kết quả: “1. Đại đức Hộ Tông đắc cử Tăng thống; 2. Đại đức Bửu Chơn đắc cử Phó Tăng Thống nhứt; 3. Đại đức Thiện Luật đắc cử Phó Tăng Thống nhì; 4. Đại đức Kim Quang đắc cử Tổng Thư ký; 5. Đại đức Giới Nghiêm đắc cử Phó thư ký; 6. Đại đức Tối Thắng Cố vấn; 7. Đại đức Giác Quang Cố vấn.”16

Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam sinh hoạt trong khuôn khổ điều lệ gồm 8 chương 29 điều. Ngoài điều lệ, còn lưu hành nội quy gồm 27 điều, viết tại Sài Gòn ngày 12-7-1958, Phật lịch 2502.

Hệ thống tổ chức Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được quản lý bởi Ban Chưởng quản Giáo hội đảm nhiệm gồm: 1 Tăng thống; 2 Phó Tăng thống; 1 Tổng thư ký; 1 Phó thư ký; 2 cố vấn (Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, Chương 3, điều 7, tr. 4). Ban Chưởng Quản nhiệm kỳ đầu tiên là 4 năm (1958-1961), nhiệm kỳ thứ hai trở đi chỉ còn hai năm (do sửa đổi).

“Tuy nhiên, đến nhiệm kỳ thứ 2, đời Tăng thống thứ 2 năm 1962 điều 7 bản sửa đổi Ban Chưởng Quản từ 2 vị Phó Tăng thống giảm chỉ còn 1 vị. Từ 1 vị Phó Thư ký tăng lên 2 vị. Có điểm mới là có thêm 2 vị Kiểm soát, kèm thêm quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của kiểm soát”.17 Năm 1963, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam cũng không thoát khỏi chính sách kỳ thị tôn giáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (1954-1963). Công điện 9195 triệt hạ cờ Phật giáo ngày 6-5-1963 là đỉnh điểm của chính sách kỳ thị làm bùng nổ phong trào tranh đấu của Phật giáo Việt Nam thành cao trào mạnh mẽ, quyết liệt. Trong phong trào tranh đấu của Phật giáo Việt Nam năm 1963, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam ngay từ đầu đã tham gia cùng tranh đấu tích cực cho đến khi Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (1954-1963) sụp đổ, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cuối năm 1963 đầu năm 1964. Ngày 1-11-1963, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (1954-1963) bị quân đội lật đổ, Giáo hội tăng già Nguyên thủy Việt Nam kết thúc giai đoạn tranh đấu bất bạo động. Tại chùa Xá Lợi, từ ngày 31-12-1963 đến ngày 4-01-1964, đại diện các hệ phái Bắc tông, Nam tông… họp thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Kể từ thời gian này Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam cùng hệ phái Bắc tông tích cực điều hành Giáo hội.

Tỳ-khưu Pháp Tri hoan hỷ phát biểu trong lễ thành lập Giáo hội, (đại diện Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam): “…Thống nhất Phật giáo chẳng qua thống nhất về mặt pháp lý – chớ mọi ý chí, hành động đã thống nhất từ lâu.”18

Thượng tọa Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa Đạo hoan hỷ viết về Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam 1963: “Pháp nạn năm 1963, Phật giáo Nam tông Việt Nam rất tích cực đóng góp cho Đạo pháp.”19

Cả hai Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo, đều có chư Tăng tham gia điều hành. Tại Viện Tăng thống Hòa thượng Tối Thắng được suy tôn Phó Tăng thống. Thượng tọa Giới Nghiêm, Phó Thư ký.20

Tại Viện Hóa đạo Thượng tọa Pháp Tri được đề cử Phó Viện trưởng. Đại đức Hộ Giác, Ủy viên truyền bá vụ, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp; Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Xã hội; Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ.

Ngày 20-1-1964, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam cử đại diện ký hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất gồm:

Đại đức Giới Nghiêm, Trưởng đoàn Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

Đạo hữu Nguyễn Văn Hiểu, Trưởng đoàn Hội Phật giáo Nguyên thủy.21

II. GIAI ĐOẠN 1964 – 1981, GIÁO HỘI TĂNG GIÀ NGUYÊN THỦY VIỆT NAM LY KHAI KHỎI GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT VÀ HỒI SINH PHẬT GIÁO CAMPUCHIA SAU HỌA DIỆT CHỦNG PONPOT 1979

Sau thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đầu 1964, Phật giáo Việt Nam chứng tỏ trưởng thành hơn giai đoạn 1951 về tổ chức, về nội dung hoạt động. Song giai đoạn 1964 – 1967, Phật giáo Việt Nam đầy gian nan thử thách, biến đổi về cả lượng và chất. Chư tăng Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam bị cuốn hút vào vòng xoáy chính trị ngày càng nhiều, “ngày 1-7-1964, Nguyễn Khánh ký Sắc luật 224/QP thành lập nha Tuyên úy Phật giáo trong Quân đội Sài Gòn.”22 Tỳ-khưu Hộ Giác được đề cử chức vụ Phó Giám đốc Nha Tuyên Úy Phật giáo Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhằm hộ độ cho binh sĩ Quân đội Sài Gòn theo Phật giáo Nguyên thủy. Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có sự phân hóa thành hai khối, cho nên “Năm 1967, Hòa thượng Giới Nghiêm nhận thấy kể từ ngày tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, các hoạt động của Phật giáo Nguyên thủy không phát triển tốt, chư Tăng không tinh tấn tu hành, có xu hướng tham gia chính trị - xã hội nhiều quá. Do đó, Ngài cùng các vị Trưởng lão xin rút Phật giáo Nguyên thủy ra khỏi tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trở về sinh hoạt như tổ chức Giáo hội Tăng già Nguyên thủy xưa”23.

Tỳ-khưu Hộ Giác (1928-2012)

Đầu tháng 1-1967, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam “…họp thường niên lúc 22g30 ngày 1-1-1967 đã tự ý bỏ thăm rút lui ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.”24 Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam ly khai cũng chỉ nhằm mục đích tu hành nghiêm mật theo giới luật Nguyên thủy, chư Tăng phải tu Giới Định Tuệ, có tam y quả bát và không tham gia thế sự. Tuy nhiên Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam rút lui khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã không được sự ủng hộ tuyệt đối 100% của toàn thể Tăng già 300 người và đông đảo tín đồ. Như Tỳ-khưu Thiện Luật, Tăng trưởng chùa Pháp Quang, Gia Định viết: “…chúng tôi là trụ trì và toàn thể chư Tăng, Sa-di và thiện tính chùa Pháp Quang… không chấp nhận sự biểu quyết… trong Đại hội trên.”25

Về mặt tổ chức Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đã ly khai khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhưng về cá nhân vẫn có một số Tăng sĩ như Tỳ-khưu Hộ Giác, Tỳ-khưu Pháp Tri, Tỳ-khưu Thiện Luật… tiếp tục hoạt động.26 Chính lực lượng này cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đấu tranh chống sự chia rẽ của “nền đệ nhị cộng hòa”, gây phân hóa, mất đoàn kết trong nội bộ Phật giáo cho đến 1975 thống nhất hai miền Nam - Bắc của Tổ quốc.

Ngày 29-1-1967, đức Tăng thống Giới Nghiêm và tám thành viên trong Ban chưởng quản Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam: Tỳ-khưu Tối Thắng, Tỳ-khưu Thiện Căn, Tỳ-khưu Thiện Quả, Tỳ-khưu Pháp Tri, Tỳ-khưu Giác Quang, Tỳ-khưu Ẩn Lâm, Tỳ-khưu Pháp Quang, Tỳ-khưu Pháp Lạc - đồng ký tên giữ vững lập trường rút Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ðây là một quyết định táo bạo, khá phức tạp nhưng đúng đắn gây dư luận và bất ngờ cho các vị lãnh đạo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.27

Các ngày 26, 27, 28-9-1967, Tỳ-khưu Thiện Luật cùng phái đoàn trong hàng giáo phẩm cao cấp và 500 Tăng, Ni đến cửa Dinh Độc Lập thỉnh nguyện thư hủy bỏ sắc luật 23/67 gây chia rẽ nội bộ Phật giáo.28 Như vậy, từ năm 1963 đến năm 1967, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đã nhập thế đồng hành cùng dân tộc nhưng từ sau 1967 thì chấm hết vai trò lịch sử của mình, không tham gia chính sự đương thời, trở về “bản thể chân tâm” khép mình tu hành giải thoát, thực hành giới luật truyền thống Nam tông.

Sau năm 1967, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam tập trung vào củng cố tổ chức, kiến tạo thêm chùa tháp những nơi hữu duyên, hoằng dương chánh pháp. Tính đến ngày 29-12-1976, tổng số chùa và tự viện trên toàn quốc là 44 ngôi. “Một số chùa được trả lại cho giáo hội quản lý như Phước Hải, Tam Bảo, Thích Ca Phật Đài… Một số chùa tháp được xây dựng thêm trong tỉnh Đồng Nai như chùa Thiền Quang I, Thiền Quang II, Quảng Nghiêm, Tam Phước, Ngọc Đạt, Y Sơn, Phước Hộ, Cồ Đàm, Bửu Đức, Linh Phú, Từ Thiện, Thái Hòa, Quang Minh, Phước Huệ… Đặc biệt Thượng tọa Viên Minh tạo lập Thiền viện Viên Không tại Núi Dinh, Bà Rịa – Vũng Tàu với ý định xây dựng thành làng thiền của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.”29 Sau 1975, thống nhất hai miền Nam Bắc, cả nước bước vào xây dựng Tổ quốc. Do tình hình khó khăn chung hoạt động hoằng pháp của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam cũng không tránh khỏi, nhưng vẫn duy trì đều đặn các thời tụng kinh sáng chiều, thuyết pháp, hành thiền, các lễ hội hàng năm tháng Giêng, tháng Tư Đại lễ Tam Hợp, tháng Sáu An cư mùa mưa… và lễ Kathina. Trong 10 năm 1975-1985, chư Tăng Phật giáo Nguyên thủy sinh hoạt tâm linh khiêm tốn do cấm vận kinh tế và sau 1986 đất nước mở cửa, kinh tế cả nước khởi sắc từng ngày, sự khó khăn của nhà chùa cũng từ đó giảm dần theo. Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đã cử Sư Bửu Chánh, Sư Tường Quang, Sư cô Liễu Pháp… du học Ấn Độ; Myanmar cử Sư Minh Tấn, Liễu Nguyên, Huyền Châu…; Thái Lan chọn Sư Tường Phát, Sư Tường Nhân… Trong lĩnh vực hoằng pháp bên cạnh chư Tăng có phương pháp thuyết giảng hay, thuyết phục, thu hút trăm ngàn tín đồ cả Nam và Bắc tông tham dự như Pháp sư Thông Kham, Pháp sư Hộ Giác (trước 1981).30 Giai đoạn 1979, Phật giáo Campuchia bị chế độ Pôn Pốt buộc tất cả chư Tăng hoàn tục. Sau khi Campuchia được quân tình nguyện Việt Nam giải phóng đất nước. Nhà nước và Phật Việt Nam cử đoàn chư Tăng gồm 12 thành viên sang Campuchia truyền giới, phục hồi Tăng tướng cho chư Tăng Campuchia, Trưởng đoàn do Hòa thượng Bửu Chơn và Phó đoàn do Hòa thượng Giới Nghiêm.

Ngày 19-9-1979, lễ truyền giới, phục hồi Tăng tướng do Thượng toạ Siêu Việt làm Yết ma truyền giới cho bảy vị Tăng sĩ Campuchia. Vị thấp tuổi nhất là 50 có 3 vị (Ngài Ken Von; Dinh Sa Rum; Tep Von), có Ngài Cot Vai cao tuổi nhất: 80 tuổi, còn lại là 60 tuổi có 2 vị (Ngài Ich Sim, Non Nget); và Ngài Bru Dit: 70 tuổi.31 Từ thời gian đó, Phật giáo Nguyên thủy Campuchia từng bước phát triển đến nay vẫn là nước lấy Phật giáo là Quốc giáo.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam tích cực vận động sáng lập ngôi nhà chung cùng 8 tổ chức đoàn thể Phật giáo đồ Việt Nam. Hòa thượng Giới Nghiêm - Phó Trưởng ban trong Ban Vận động thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phái đoàn đại diện Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam tham dự hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981 gồm: 1. Thượng toạ Siêu Việt (Trưởng đoàn); 2. Tỳ-khưu Pháp Lạc (Phó đoàn); 3. Tỳ-khưu Thiện Tâm (Thư ký); 4. Tỳ-khưu Kiểm Tâm; 5. Tỳ-khưu Viên Minh; 6. Tỳ-khưu Hộ Chánh; 7. Tỳ-khưu Ẩn Minh.32 Như vậy, Phật giáo Việt Nam thêm một lần nữa trưởng thành sau 2 lần hình thành tổ chức 1951, 1964, định hướng bền vững cho quần chúng, tín đồ Phật tử sống an lạc, tốt đời đẹp đạo.

III. GIAI ĐOẠN 1981-2020, GIÁO HỘI TĂNG GIÀ NGUYÊN THỦY VIỆT NAM TRONG CUỘC VẬN ĐỘNG CÙNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐẾN NAY

Từ sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam hòa vào Phật giáo Việt Nam trong tất cả mọi hoạt động, toàn tâm toàn ý vì sự phát triển chung. Các hoạt động Phật sự và điều phối Giáo hội gồm nhiều vị giáo phẩm của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam tham gia tích cực như: “Thiền sư Giới Nghiêm đảm nhiệm chức Phó hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặc trách hệ phái Nam tông. Pháp sư Siêu Việt, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tỳ-khưu Thiện Tâm, Tổng thư ký Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. HCM”.33 Năm 1984, Pháp sư Siêu Việt kiêm nhiệm nhiệm vụ Phó Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt trách hệ phái Nam tông do Thiền sư Giới Nghiêm viên tịch. Từ khi đó Pháp sư Siêu Việt giữ các nhiệm vụ “Phó Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. HCM kiêm tăng trưởng hệ phái Nam tông Việt Nam.”34 Từ 1981 trở đi, chư Tăng Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam tham gia điều hành, đóng góp trí tuệ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giữ các chức vụ trong Thường trực HĐCM, Thường trực HĐTS, Hội đồng Trị sự và các Ban Ngành viện trực thuộc Trung ương trong các nhiệm kỳ (1981-2022).

“Nhiệm kỳ I (1981-1987)

Thường trực HĐCM: - HT. Ẩn Lâm: Phó pháp chủ (TP.HCM) Hội đồng Chứng minh: - HT. Ẩn Lâm (TP.HCM); - HT. Giới Nghiêm (TP.HCM)

Thường trực HĐTS: - HT. Giới Nghiêm: Phó chủ tịch.

Hội đồng Trị sự: - HT. Giới Nghiêm (TP.HCM); - TT. Siêu Việt (TP.HCM); - Tỳ-khưu Thiện Tâm.”35

“Nhiệm kì II (1987-1992), Thượng tọa Siêu Việt, được Giáo hội giao phó các Phật sự như:

- Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh kiêm Tăng trưởng Phật giáo Nam tông.

- Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Phó Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Phó Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cuối năm 1987, tại chùa Kỳ Viên, trụ sở Trung ương của hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh trao quyết định bổ nhiệm trụ trì cho Thượng tọa Siêu Việt.

Năm 1988, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh mời Thượng tọa Siêu Việt tham gia làm ủy viên Ủy ban.

Năm 1989, “Ban Tôn giáo của Chính phủ, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Hào ấn ký ngày 4-11-1989 quyết định cho hệ phái Nam tông thành lập Ban trợ lý…

1. Cố vấn: Hòa thượng Pháp Lạc; 2. Cố vấn: Hòa thượng Thiện Thắng; 3. Cố vấn: Hòa thượng Kim Minh; 4. Trợ Lý: Ngài Bửu Phương; 5. Thư ký 1: Đại đức Minh Giác; 6. Thư ký 2: Đại đức Thiện Nhân”.36 Sau khi Ban Trợ lý hoạt động, năm 1990, Thắng tích Thích Ca Phật Đài khánh thành 1963 tại Núi Lớn – Bà Rịa Vũng Tàu được Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội giao lại Thượng tọa Siêu Việt và cử Ngài kiêm trụ trì cơ sở Phật giáo này.37 Từ thời gian này chư Tăng Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh có thêm trú xứ tu tập và tái lập lại Thánh tích đã đi vào lịch sử tranh đấu 1963 mà sự đóng góp của hệ phái không hề nhỏ.

“Nhiệm kỳ III (1992 – 1997) Thượng tọa Siêu Việt, giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch (TP.HCM) Thường trực Hội đồng Trị sự; Hội đồng Trị sự: Thượng tọa Siêu Việt (TP.HCM).”38

“Nhiệm kỳ IV (1997-2002) Hội đồng Chứng minh: - HT. Kim Minh (Bà Rịa - Vũng Tàu); - HT. Hộ Nhẫn (Huế); - HT. Pháp Lạc (Tiền Giang).

Thường trực HĐTS: - HT. Hộ Nhẫn: phó chủ tịch (TP. Huế).

Hội đồng Trị sự: - HT. Hộ Nhẫn; - Tỳ-khưu Thiện Tâm.”39

“Nhiệm kỳ V (2002 – 2007), Thường trực HĐCM:

- HT. Kim Minh: Phó Pháp chủ.

Hội Đồng Chứng Minh: - HT. Kim Minh.

Thường trực Hội đồng Trị sự: - Tỳ-khưu Thiện Tâm: Ủy viên thường trực HĐTS.

Hội đồng Trị sự: - Hòa thượng Vô Hại; - Tỳ-khưu Thiện Tâm.”40 “Nhiệm kỳ VI (2007 – 2012), Tỳ-khưu Thiện Tâm, Ủy viên Ban thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”41 “Nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), Tỳ-khưu Thiện Tâm, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Thượng tọa Bửu Chánh, Ủy viên thường trực, Ban thường trực thành viên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Hòa thượng Viên Minh, thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng thiền Nguyên thủy, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM. Tỳ-khưu Thiện Minh - Ủy Viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó ban Từ thiện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”42

“Nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022)

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự: - Hòa thượng Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế TƯ.

Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Bửu Chánh; Thượng tọa Thích Giác Trí; Thượng tọa Pháp Cao; Hòa thượng Thiện Tâm; Hòa thượng Hộ Chánh; Hòa thượng Minh Giác; Thượng tọa Thiện Hạnh; Thượng tọa Thiện Minh; Thượng tọa Pháp Tông.

Hội đồng Trị sự (dự khuyết - Khối Trung ương hải ngoại): Tỳ- khưu Tường Quang.

Ban Thường trực Hội đồng CM: Hòa thượng Viên Minh.

Hội đồng CM: Hòa thượng Viên Minh.”43

“Các Ban Ngành viện:

Ban Hoằng pháp: 1. Thượng tọa Thiện Tâm: Phó ban; 2. Đại đức Bửu Chánh: Ủy viên; 3. Đại đức Thiện Minh: Ủy viên.

Ban Từ thiện: 1. Đại đức Thiện Minh: phó ban; 2. Đại đức Thiện Pháp: ủy viên.

Ban Văn hóa: 1. Đại đức Tăng Định: ủy viên; 2. Đại đức Bửu Chánh: ủy viên.

Ban Phật giáo quốc tế: 1. Thượng tọa Thiện Tâm: ủy viên; 2. Đại đức Bửu Chánh: ủy viên; 3. Đại đức Tăng Định: ủy viên.

Ban Nghi lễ: 1. Thượng tọa Thiện Tâm: Phó ban; 2. Đại đức Tăng Định: ủy viên; 3. Đại đức Pháp Chất: ủy viên.

Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam: 1. Thượng tọa Viên Minh: ủy viên kiêm Phó ban Thiền học; 2. Thượng tọa Thiện Tâm: ủy viên kiêm Phó ban Phật học chuyên môn; 3. Đại đức Bửu Chánh: ủy viên kiêm Phó ban kinh tế; 4. Đại đức Bửu Hiền: ủy viên kiêm Phó văn phòng; 5. Đại đức Thiện Minh: ủy viên kiêm Phó thư ký Ban Dịch thuật.

Ban Kinh tế tài chánh: 1. Đại đức Thiện Hạnh: ủy viên.

Ban Hướng dẫn nam, nữ Phật tử: 1. Thượng tọa Hộ Chánh: ủy viên; 2. Đại đức Tăng Định: ủy viên.”44

“Về đối ngoại, tham gia các hoạt động trong Ban Phật giáo quốc tế, đóng góp chung cho Phật giáo Việt Nam. Chư Tăng Hệ phái Nam tông Kinh hoạt động tích cực như Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Siêu Việt, Tỳ-khưu Thiện Tâm, Hòa thượng Hộ Pháp, Thượng tọa Tăng Định, Thượng tọa Bửu Chánh, Thượng tọa Minh Giác, Thượng tọa Thiện Minh, Thượng tọa Pháp Chất…”45 “Khoảng năm 1990, Thượng tọa Hộ Pháp đã gửi 8 Tăng sinh sang Myanmar, 2 Tăng sinh sang Thái Lan tu học. Cùng thời gian này Thượng tọa Thiện Tâm cùng phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi dự các hội nghị Phật giáo quốc tế tại Đài Loan và Thái Lan. Thượng tọa Tăng Định cũng sang Myanmar sau đó nghiên cứu pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ.

Năm 2000, Tỳ-khưu Thiện Minh nhập hạ, tu học tại Trung tâm Phật giáo Amaravati thuộc trụ sở giáo hội Tăng già Anh quốc, nổi tiếng nước Anh.”46

KẾT LUẬN

Kể từ 1938, Phật giáo Nam tông được truyền bá vào Việt Nam đến nay (2020), Phật giáo Nam tông Việt Nam đã từng ngày, từng ngày phát triển về chùa tháp, chư Tăng, tu nữ và hiện nay trên cả nước có: “106 chùa Nam tông Kinh, 1.100 chư Tăng, 654 Tu nữ”. (Danh mục tham luận của các diễn đàn hội thảo trong và ngoài nước, năm 2019)

Với tư tưởng Phật giáo truyền thống Nam tông như từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha, Phật giáo Nam tông Kinh đã nhanh chóng dung hòa vào văn hóa ngàn năm của dân tộc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của tộc người Việt làm đa dạng và phong phú nền văn hóa vốn ảnh hưởng sâu đậm văn hóa phương Bắc.

Từ 1938, du nhập Việt Nam, Phật giáo Nam tông Kinh có vai trò rất lớn, góp phần vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong hai thời kỳ thành lập: 1963 và 1981. Vì Đạo pháp và Dân tộc, đó là mục tiêu và chương trình hành động của toàn hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh.

Phật giáo Nam tông Kinh có những biến đổi rất lớn, đó là hòa chung vào dòng chảy thăng trầm, thịnh suy, hợp tan, tan hợp của dân tộc, đồng hành cùng dân tộc từ chống chính sách bất bình đẳng về tôn giáo của chính quyền Đệ nhất Cộng hòa (1954-1963) đến thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (1964), đặc biệt là năm 1981 tham gia tích cực trong việc vận động thành lập và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ một nhóm đoàn thể hoạt động tâm linh ở Campuchia, Sài Gòn lan rộng tới Huế và hình thành tổ chức Giáo hội mạnh, sau đó hòa vào tổ chức lớn hơn trở thành thành viên của tổ chức đó, một đoàn thể không còn mang danh nghĩa Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam mà chỉ là tên gọi phân biệt Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh. Đó chính là sự biến đổi thăng trầm lịch sử của một tổ chức Giáo hội một thời đã qua và là minh chứng cho triết lý tùy duyên của đạo Phật!

TS. Nguyễn Thị Thanh Mai Giảng viên Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh. ThS. Nguyễn Ngọc Hùng Giáo viên trường THCS Chi Lăng, Q.4, TP.Hồ Chí Minh. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM ***

CHÚ THÍCH

1 Tiểu sử Ông Nguyễn Văn Hiểu, 1971, tr. 5. 2 Sổ hội viên chùa Bửu Quang. 3 Nay là số 47 Lương Văn Can, Q.8, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. 4 Thích Đồng Bổn, 1995, tr. 721. 5 Tiểu sử Ông Nguyễn Văn Hiểu, 1971, tr. 6. 6 Nay là số 81, Nguyễn Xiển, Ấp Thái Bình I, phường Long Bình, Q.9, gần cầu Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. 7 Nay là số 02 Thiên Hộ Dương, phường 1, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. 8 Thích Đồng Bổn, 1995, T1, tr. 632; T 2, 2001, tr. 302. 9 Nay là 323 Phan Châu Trinh, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. 10 Thích Đồng Bổn, 1995, tr. 721. 11 Thích Đồng Bổn, 1995, sđd. 12 Văn thư, 1955. 13 Thích Nhật Từ (chủ biên) (2020), Phật giáo Nam tông tại vùng Nam bộ, Nxb Hồng Đức, tr. 59. 14 Sđd. 15 Sđd. 16 Biên bản buổi nhóm đại hội của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, bản đánh máy, lưu tại chùa Bửu Quang, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. 17 Thích Nhật Từ (chủ biên) (2020), Phật giáo Nam tông tại vùng Nam bộ, Nxb Hồng Đức. 18 UBLPPGVN (1963), Chương trình và diễn văn Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Đoàn sinh viên Phật tử Việt Nam ấn hành tại nhà in Đông Nam Á, Sài Gòn. 19 Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN xb. 20 Nguyên Hậu Kusalapacchā (2015), Tổ chức Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh 1938– 2014, Tạp chí Nguyên thủy. Nguồn https://budsas.blogspot.com/2017/12/to-chuc-he-phai- phat-giao-nam-tong-kinh.html (truy cập ngày 30-08-21). 21 Trung Tâm Lưu Trữ quốc gia II, Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 29367. 22 Lê Cung (2014), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1964-1968), Nxb Thuận Hóa, tr. 46. 23 Trung Tâm Lưu Trữ quốc gia II, Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 30395. 24 Sđd. 25 Sđd. 26 Sđd. 27 Trung Tâm Lưu Trữ quốc gia II, Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 30395 28 Lê Cung (2014), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1964-1968), Nxb Thuận Hóa, tr. 177. 29 Nguyễn Văn Sáu (2007), Bước đầu tìm hiểu Phật giáo Nam tông Việt Nam, Nxb Tôn giáo Hà Nội, tr. 36. 30 Sđd. 31 Thiện Minh (1997), Lịch sử Phật giáo Nam tông Việt Nam, tr. 57, 58. 32 Thiện Minh (1997), Sđd, tr. 36. 33 Thiện Minh (1997), sđd, tr. 60. 34 Thiện Minh (1997), sđd, tr. 61. 35 Danh sách Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ 1 (1981-1987). 36 Thiện Minh (1997), Lịch sử Phật giáo Nam tông Việt Nam, tr. 63. 37 Sđd. 38 Danh sách Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ III (1992-1997). 39 Danh sách Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ III (1992-1997). 40 Tlđd. 41 Danh sách Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ V1 (2007-2012). 42 Danh sách Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ VI (2012-2017). 43 Danh sách Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 44 Nguyễn Văn Sáu (2007), Bước đầu tìm hiểu Phật giáo Nam tông Việt Nam, Nxb Tôn giáo Hà Nội, tr. 39-40. 45 Nguyễn Văn Sáu (2007), sđd, tr. 67-68. 46 Sđd. TÀI LIỆU THAM KHẢO Biên bản buổi nhóm đại hội của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, bản đánh máy, lưu tại chùa Bửu Quang, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Điều lệ Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam (Theravada), Sài Gòn, 1958. Hộ Tông (1943), Luật tu xuất gia, Sài Gòn. Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, Sài Gòn (1958), Điều lệ Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam (Theravāda), Sài Gòn, tr. 1-2. Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, Sài Gòn (1958), Điều lệ Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, Sài Gòn. Lê Cung (2014), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1964- 1968), Nxb Thuận Hóa, tr. 46. Nguyễn Văn Sáu (2007), Bước đầu tìm hiểu Phật giáo Nam tông Việt Nam, Nxb Tôn giáo Hà Nội, tr. 36. Sổ hội viên chùa Bửu Quang. Thích Nhật Từ (chủ biên) (2020), Phật giáo Nam tông tại vùng Nam bộ, Nxb Hồng Đức, tr. 59. Thích Nhật Từ (chủ biên) (2020), Phật giáo Nam tông tại vùng Nam bộ, Nxb Hồng Đức, tr. 61. Thích Nhật Từ (chủ biên) (2020), Phật giáo Nam tông tại vùng Nam bộ, Nxb Hồng Đức, tr. 65. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN xuất bản. Thiện Minh (1996), Lịch sử Phật giáo Nam tông Việt Nam, Luận văn cử nhân Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, tr. 57, 58. Trung Tâm Lưu Trữ quốc gia II, Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 29367. Trung Tâm Lưu Trữ quốc gia II, Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 30395. Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014) Phật giáo Nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại. Nxb Hồng Đức, tr. xviii. Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014) Phật giáo Nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại. Nxb Hồng Đức, tr. xviii. Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014) Phật giáo Nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại. Nxb Hồng Đức, tr. 551. UBLPPGVN (1963), Chương trình và diễn văn Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Đoàn sinh viên Phật tử Việt Nam ấn hành tại nhà in Đông Nam Á, Sài Gòn. Văn thư Nghị định số 3716/ND/ PC, cho phép Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, Trung Phần, được phép thành lập 1955. Bản gốc (xem tài liệu cấp 1 đính kèm) tên ông Nguyen Đon Duyen không ghi dấu nên tác giả để nguyên, nguồn chùa Tam Bảo. Phỏng vấn sư Giới Hỷ 2014. https://phatgiao.org.vn/danh-sach-thanh-vien-hoi-dong-tri-su- ghpgvn-nhiem-ki-iv-1997-2002-d9587.html. Truy xuất 2-2- 2012. https://phatgiao.org.vn/danh-sach-hoi-dong-tri-su-ghpgvn- nhiem-ki-iii-1992-1997-d9586.html. Truy xuất 2-02-2012. https://phatgiao.org.vn/danh-sach-thanh-vien-hoi-dong-tri-su- ghpgvn-nhiem-ki-vii-2012-2017-d9584.html. Truy xuất 02-12- 2012. https://phatgiao.org.vn/danh-sach-thanh-vien-hoi-dong-tri-su- ghpgvn-nhiem-ky-viii-2017-2022-d29270.html. Truy xuất 17- 12-2017. https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=tai-lieu- hinh-anh-hoi-nghi-tong-ket-ghpgvn-nam-2019/bao-cao-tong- ket-cong-tac-phat-su-nam-2019-cua-giao-hoi-phat-giao-viet- nam-1102.html. Truy xuất 14-12-2019. https://phatgiao.org.vn/danh-sach-thanh-vien-hoi-dong-tri-su- ghpgvn-nhiem-ki-vi-2007-2012-d9590.html. Truy xuất 2-02- 2012.