Tứ Diệu Đế

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Pháp Vương Tử

1. Tứ Diệu Đế là bốn điều kỳ diệu, chân thật giúp con người thoát khổ được vui. Đây là bản kinh do đức Phật Thích Ca tuyên thuyết nên cũng được gọi là Tứ Thánh đế.

Bản kinh Tứ Diệu Đế này liệu có phải là bản kinh đầu tiên được đức Phật tuyên thuyết sau khi thành đạo? Trong Phật giáo hiện nay vẫn tồn tại hai quan điểm khác nhau về bản kinh đầu tiên!

Theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền (Mahayana) thì bản kinh đầu tiên Thế tôn tuyên thuyết sau khi thành đạo là kinh Hoa Nghiêm (Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh) với hội chúng gồm các vị Đại Bồ Tát và vô số Chư Thiên nơi cội Bồ Đề. Nhưng theo Phật giáo Nam truyền (Theravada) thì kinh Chuyển Pháp luân – giáo lý về con đường trung đạo chính là Bát chính đạo sau đó đức Phật mới thuyết giảng về giáo lý Tứ Diệu Đế. Do đó có thể coi Tứ Diệu Đế là nội dung cốt tủy của kinh Chuyển Pháp luân – Bát chính đạo.

Những điều “dị biệt” giữa hai truyền thống lớn của Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền này cũng khiến người ta dễ nhận ra khi nghiên cứu Kinh – Luật – luận, Lịch sử của Phật giáo.

Tuy nhiên những bất đồng ấy được xem như không đáng kể, và những người học Phật nói chung thường tuân thủ truyền thống của mình đồng thời luôn tôn trọng những quan điểm của truyền thống khác. Thế nên, Tứ Diệu Đế được biết đến trong vai trò tổng thể như là một cấu trúc nền tảng của Phật giáo, bởi hết thảy các giáo lý và thực hành giáo lý của đạo Phật đều được trình bày trong nội dung của bốn chân lý này, đó là:

Thứ nhất: Sự thật về khổ đau.
Thứ hai: Sự thật về nguồn gốc khổ đau.
Thứ ba: Sự thật về sự chấm dứt khổ đau.
Thứ tư: Sự thật về xin đường diệt khổ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu Dieu De 1

2. Người ta cũng có thể hiểu Tứ – đế ngắn gọn cho dễ nhớ như trong Bát Nhã Tâm Kinh là: Khổ – Tập – Diệt – Đạo. Và để nhận thức Tứ Diệu Đế một cách sâu sắc cần hiểu về Bát chính đạo, vì Bát chính đạo là thước đo của sự tu hành. Tu hành ở đây mang một ý rộng, cởi mở, đó là sự “tự sửa mình” chứ không hẳn nói tới hai giới tu là tu xuất gia và tu tại gia!

Bát chính đạo là con đường tám nhánh để thâm ngộ đạo Phật, mà con đường đó được bắt đầu bằng CHÍNH KIẾN, tức cái “thấy” chính xác về cuộc đời, cuộc sống nơi thế gian và vũ trụ. Là con đường của trí tuệ thường nghiệm chứ không phải là con đường của “đức tin” như rất dễ bị hiểu lầm.

Sự thật, hay chân lý đầu tiên trong Tứ đế là KHỔ; vì thế không ít người đã lầm tưởng đạo Phật là … đạo khổ, hoặc đạo Phật là đạo “cứu khổ ban vui” mà sự thật cũng chẳng có ai “cứu” và cũng chẳng có ai “ban” cả. Đạo Phật chỉ ra con đường trí tuệ là TỰ CỨU, vì thế cả hai nhận thức trên đều không phải cái thấy của Chính kiến.

Thông thường thì con người ta luôn có khuynh hướng chạy chốn khổ đau và đi tìm hạnh phúc bởi tự thân mỗi con người luôn luôn tham muốn, luôn thấy sự bất toàn, thiếu thốn, bất an. Tiếng Phạn gọi là du-kha-bất toại nguyện (khổ) vì thế luôn tìm kiếm một cái gì khác nữa, những khốn khổ này nằm trong phạm trù khổ đế, là sự thật đầu tiên trong Bốn sự thật của Phật giáo. Không chỉ có vậy, trong sâu xa hơn con người còn tham muốn vĩnh cửu (amata), hạnh phúc (sukha), chỗ nương tựa tối thượng (parayana), toàn hảo (tấn), bất khả diệt (akkhara), tuyệt đối thanh tịnh (visuddha), tối thượng (anuttara), không biến đổi theo thế gian (asamkhata)… đây là những từ trong kinh điển Nam tông để chỉ NIẾT BÀN, thực tại tối hậu – đích đến của mọi kiếp người. Những tính chất của thực tại tối hậu này nằm trong sự thật thứ ba là Diệt – đế. Ngày nào con người chưa biết mình thực sự ham muốn điều gì thì con người vẫn tìm kiếm sự thỏa mãn trong những cái vô thường, hữu hạn, bất toàn, sẽ hoại diệt, không thanh tịnh, biến đổi theo thế gian (đối lại với những tính chất ở trên…), thì ngày đó con người còn tiếp tục bất toại nguyện (Dukha), bồn chồn và khổ đau. Cần nói thêm rằng, Phật giáo không chỉ nêu lên vấn nạn về thân phận con người (khổ đế – sự thật về khổ đau) và mục đích cuộc đời, cách giải quyết tối hậu (Diệt đế – sự thật về chấm dứt khổ đau) cho con người, mà còn cho con người thấy đâu là nguyên nhân của những vấn nạn về thân phận con người (Tập đế – Sự thật về nguồn gốc khổ đau) và trình bày rất nhiều phương pháp, hệ thống thực hành (Đạo đế – Sự thật về con đường diệt khổ, để làm một cuộc đổi đời, một cuộc cách mạng thân – tâm cho chính mình.

Cho dù, những hệ thống triết học mà nhân loại đã có chỉ là NHỮNG Ý NIỆM, không có phương pháp thực hành để cách mạng thân tâm. Đức Phật dạy rằng, muốn làm cuộc cách mạng xã hội thì trước hết phải làm cuộc cách mạng bản thân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa. Cho nên, những hệ thống triết học mà nhân loại đã có, cũng chỉ là những tư duy của một thời quá khứ; nên khi nói đến TRIẾT HỌC người ta thường xem nó như là cái gì đã thuộc về LỊCH SỬ – lịch sử triết học. Khác hẳn những hệ thống triết học giả định của tư tưởng mà Phật giáo không chỉ là những tư tưởng, những ý niệm mà hơn thế là những phương pháp thực hành xác minh cho những tư tưởng ấy. Đó là những THỰC NGHIỆM CHUYỂN HOÁ cách mạng thân tâm vẫn hiện hữu hơn 25 thế kỷ nay bởi… nó là một lối sống, một cách sống để đem lại hạnh phúc trường cửu cho con người.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu Dieu De 2

3. Trong Đại tạng kinh Việt Nam, Tăng Chi bộ III, chương 8, phẩm Lớn, phần Các cấu uế, trang 553 có nói tới 8 sự cấu uế… Tuy nhiên cấu uế lớn nhất và chi phối mạnh mẽ nhất đối với mọi lĩnh vực hoạt động của con người đó là VÔ MINH. Chính sự si ám, không sáng suốt, thiếu tuệ giác là cội nguồn của tham ái, chấp thủ và cấu uế. Thế nên, mọi khổ đau của chúng sinh được bắt nguồn từ vô minh. Vì thế, đoạn trừ vô minh để khai mở tuệ giác là trọng tâm của sự tu tập. Do vậy, phương châm tu học của Nhà Phật luôn là “Duy tuệ thị nghiệp” (Kinh Bát đại nhân giác). Chữ “Nghiệp” trong lời kinh này không phải là nghề nghiệp để mưu sinh, mà chữ NGHIỆP ở đây là Nghiệp (Karma), một thuật ngữ Phật học chỉ hành vi có tác ý (ý nghiệp) thông qua những hoạt động của thân miệng ý gọi là Tam nghiệp.

Thực ra sự vô minh luôn có trong mỗi con người. Y cứ vào Giáo lý duyên khởi, một giáo lý quan trọng bậc nhất mà cả hai bộ phái Đại thừa và Tiểu thừa đều y cứ tu tập. Vì duyên khởi là sự thật mở ra đạo Phật, là suối nguồn của các giáo lý Phật giáo, bởi nó bao trùm cả Tứ đế và Nhân quả… Nói rộng hơn: Duyên khởi – Nhân quả – Ngũ uẩn – Tứ đế thực chất chỉ là một. Bởi nó được trình bày theo VẬN HÀNH NHÂN QUẢ; “nó là 12 nhân duyên của đời người. Hay còn gọi là toàn bộ khổ uẩn sinh” (tương ứng Bộ kinh II trang 1 và 2) và cũng từ giáo lý này, con người nơi thế gian đã có được câu trả lời: Con người có phải do Thượng Đế Phạm Thiên sinh ra? Thưa không! Muôn sự muôn vật do nhân duyên sinh. Con người hiện hữu trên trái đất này cũng từ “Duyên” mà sinh, ấy là duyên… vô minh. Vô minh sinh ra vọng động và vọng tâm đối cảnh sinh ra vọng thức. Vọng tâm và vọng thức cả hai đều thuộc về Nghiệp (Karma). Vì thế phải tu để chuyển nghiệp rồi đi tới mục đích cuối cùng là sạch nghiệp. Phật dạy: “Con người là chủ nhân của Nghiệp, vừa là kẻ thừa tự của Nghiệp” (Kinh Tăng Chi Bộ II). Chấp nhận sự thật của đời sống có nguyên nhân liên quan trực tiếp với bản thân, thừa nhận trách nhiệm của bản thân là MỘT TUỆ GIÁC LỚN. Sách Đạo đức Kinh – chương 13, Lão Tử (579 – 471 trước Công nguyên), được cho là nhân vật chính yếu trong triết học cổ Trung Hoa, viết: “sở dĩ ta mắc tai họa lớn vì ta có cái thân này, nếu ta không có cái thân này thì làm gì có tai hoa” (Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả/Vi ngô hữu thân/Cập ngô vô thân/Ngô hữu hà hoạn). Do vô minh sinh nên có Hành sinh/do Hành sinh, nên có Thức sinh… Ấy là sự vận hành của giáo lý Duyên khởi. Như vậy duyên sinh của CON NGƯỜI khởi từ Vô minh. Phật nói lời kinh là lời chân thật, bởi “từ Vô minh hướng về cực lạc” (Lửa từ bi -thơ Vũ Hoàng Chương). Cũng vậy, từ khổ đau ta mới tìm cầu hạnh phúc, mà hạnh phúc luôn là kết quả của một nguyên nhân mà nguyên nhân ấy chính là tâm thức vô minh nên nhất thiết phải tự kiềm chế để không phạm vào những hành vi xấu ác, là nguyên nhân sinh khởi khổ đau. Người nào hiểu được điều đó thì họ có khả năng tạo ra hạnh phúc, vì hạnh phúc là do khổ đau mà có, như bùn nhơ có vai trò cần thiết để tạo bông sen thơm ngát. Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh đã cho ta “ngộ” ý, này trong thơ ông: “Khi mê bùn chỉ là bùn/Ngộ ra mới biết trong bùn có sen/Khi mê sen chỉ là sen/Ngộ ra mới biết trong sen có bùn”. Thế nên, người trí, có hiểu biết không chạy trốn khổ đau, chấp nhận sự bất toàn như một phần tất yếu của con người. Khổ đau, với muôn mặt trong đời sống, nhưng khi ta quán chiếu nó (gọi là nhìn sâu) thì thấy “nó” không do bên ngoài sinh mà do tâm sinh. Tâm sinh muôn sự khổ và tâm cũng sinh muôn Pháp lành. Tâm bám chấp tham danh lợi sẽ khổ. Vì tham danh lợi nên phải che dấu điều xấu ác đã làm nên khổ sở lắm. Còn như sống thực, làm lành thì có đâu nỗi lo sợ. Nguyên nhân của khổ đâu phải vì… nghèo, “Người giàu cũng khóc” là tên một bộ phim của điện ảnh phương Tây nói về cái khổ của người giàu có. Nhà văn Victor – Hugo (1892 – 1885), một nhà văn có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Pháp đã tài tình phản ánh cái khổ với muôn mặt của nó trong các bộ tiểu thuyết đồ sộ của ông, như: Vì nghèo mà khổ trong tác phẩm Những người khốn khổ. Vì tình yêu mà khổ trong Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà. Vì quyền lực mà khổ trong cuốn Người đàn ông có bộ mặt cười. Những dấu ấn về cái khổ đau trong những tác phẩm văn học ấy đã đem cho người đọc cái nhìn đa diện về nỗi khổ đau của con người.

Và cũng từ một vài thí dụ ấy, ta thử tìm MẪU SỐ CHUNG của cái “khổ”… Phải chăng nó được bắt nguồn từ CÁI MUỐN?

Nhà văn Nguyễn Tuân (1910 – 1987) được cho là bậc thầy về thể loại “tùy bút”. Trong tác phẩm Chén trà trong sương sớm đã để một nhân vật nói lời chắc nịch rằng “Đã muốn là khổ!”. Thực ra MUỐN không phải là chuyện xấu và cũng không hẳn là nguyên nhân của “khổ”!

Dục – là muốn. “Dục thần túc”, là sức mạnh của ý muốn; thậm chí phải… muốn thật nhiều mới thành công. Hơn thế, Dục cũng là một sức mạnh tâm linh đức Phật Thích ca trước khi giác ngộ thành đạo, Ngài đã có một lòng ham muốn đó thôi; Ngài ham muốn thật mãnh liệt đó là sự giải thoát những vô minh tăm tối. Về mặt lịch sử, ta biết rằng, đức Phật sinh ra cũng là một người bình thường giống như chúng ta. Ngài lớn lên như một Hoàng tử, kết hôn và có một con trai. Rồi sau khi quan sát những khổ đau của kiếp người, Ngài đã hoàn toàn chán lìa đời sống thế tục… và chính sự ham muốn kia đã thúc đẩy Ngài rời bỏ cung cung vàng điện ngọc cùng những tình ái thê nhi, xuất gia tìm đạo, tinh tiến qua nhiều kiếp tu tập, vượt qua muôn ngàn trở ngại. Trong tiếng Pali – chữ TANTHA có nghĩa là “luyến ái” và chữ CHANDA, được dịch là “tác ý”. Trong trường hợp của Đức Phật, lòng ham muốn ấy bao gồm: Đức tin – Tuệ giác và Từ bi – gọi là NGUYỆN. Trong Bát chính đạo, tức con đường tám nhánh để thâm ngộ đạo Phật có nói tới con đường Chính tư duy, nghĩa là phải có suy nghĩ chân chính nhất. Cho nên lòng ham muốn lành mạnh, có ích cho mình, cho người là cần thiết. Đồng thời cũng luôn cảnh giác với sự ham muôn thái quá, trở thành sự cám dỗ được gọi là DỤC VỌNG. Học Phật, tu Phật là nhằm khai sáng trí tuệ, diệt đi cái ham muốn thái quá ấy thôi, vì đã là con người thế gian ai chẳng có những ham muốn… này kia. Còn như “đã muốn là khổ” trong tác phẩm văn học của cụ Nguyễn Tuân hẳn là cái “muốn” thái quá, trở thành dục vọng nên mới khổ thôi.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu bi thoi chua du can co tri tue dan dat 2

4. Trong Tứ thánh đế, thì KHỔ lại là thánh đế đầu tiên; và có lẽ chỉ duy nhất đạo Phật mới dũng mãnh nói lên sự thật này, và còn nhấn mạnh: Khổ đau là cần thiết cho sự khai mở tuệ giác nữa – là bởi, chỉ có từ trong khổ đau, con người mới có sự quán chiếu cái khổ đau mà chính mình đang tự đeo bám, để từ đó nhận chân ra nó, tức nhận ra cái nguyên nhân, bản chất của khổ đau để tìm lối thoát khổ mà đạo Phật gọi là GIẢI THOÁT. Vì đây là sự thật căn bản, là chân lý mà mỗi con người phải đối diện, và “nó” không phụ thuộc vào lòng tin của ai cả; đức Phật cũng xác quyết điều này: “Dù đức Phật có ra đời hay không ra đời thì chân lý ấy cũng vận hành như thế!” (Tương Ưng Bộ Kinh, chương I. Phẩm II trang 51). Ý này cho ta thấy, đức Phật không hề tạo dựng chân lý mà chỉ là người “thấy” chân lý, rồi từ đó chỉ ra con đường trí tuệ để ai ai cũng thấy mà nỗ lực tự vượt thoát mọi ràng buộc do vô minh của chính mình – mà Phật giáo cho là cội nguồn của mọi khổ đau.

Điều này giải thích, tại sao Phật giáo không giống như Do Tháo giáo và Cơ đốc giáo ít đề cập một cách nôn nóng đến việc “Trở nên tốt đẹp” mà lại chú trọng đề cập đến việc “Trở nên trí tuệ!” và quan tâm tới lòng từ bi, vốn có khác một chút so với việc “trở lên tốt đẹp”

Việc “thấy khổ” là một cái gì có thật, từ đó mới ý thức để chuyển hóa nó trở thành hạnh phúc. Thế nên, trong Tứ Đế, ta thấy có hai cặp nhân quả:

1. Vì có TẬP nên có KHỔ
2. Vì có ĐẠO nên hết KHỔ

Nói cách khác, khổ đau là QUẢ, và nguồn gốc của khổ đau là NHÂN. Tương tự: Sự chấm dứt khổ đau là Quả và con đường (đạo) dẫn đến sự chấm dứt khổ đau là Nhân. Không gì tồn tại độc lập, tất cả đều nương vào nhau mà hiện hữu: Một tấm huân chương cũng có mặt phải, mặt trái; mọi sự đoán định đều có đúng sai, ngắn dài đo nhau mà thể hiện tự tính muôn sự muôn vật được tạo ra bởi các nguyên nhân đều là “y tha khởi” nghĩa là nó phụ thuộc vào các nhân duyên và do đó phải chịu sự thay đổi và phân rã. Điều này rất gần với sự giải thích của các nhà vật lý học hiện đại về tự nhiên, về tính chất ngắn ngủi không thường tồn của mọi hiện tượng. Và đó cũng chính là ý nghĩa tinh tế của giáo lý Vô thường, Vô ngã của đạo Phật. Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890- 1969) danh dân văn hóa thế giới đã lạc quan thể hiện điều ấy trong thơ của Người: “Hết mưa là nắng hửng lên rồi/Hết khổ là vui vốn lẽ đời!”. Lẽ đời, ấy là chân lý. Nhận thức được “lẽ đời” là chấp nhận sự bất toàn, thấy được sự vận hành của khổ – vui đều là kết quả của những gì chúng ta đã tạo ra. Như thảm họa của thế kỷ 21 này là đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối 2019 đến nay đã trở thành nỗi ám ảnh toàn cầu vì thế nó cũng đang là cuộc chiến toàn cầu đẩy lùi đại dịch. Đất nước ta cũng không ngoại lệ. Vì thế, ngoài những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo quyết liệt đẩy lùi dịch bệnh là những hợp tác quốc tế mau lẹ trong chiến lược “Ngoại giao vắc-xin”, và cũng trong BIẾN CỐ THẾ KỶ này, thế giới lại nhìn Việt Nam với sự cảm phục khác, đó là những sáng tạo tinh thần, tương thân tương ái, xẻ chia và đùm bọc lẫn nhau để cùng vượt qua khó khăn, khi nỗi SỢ HÃI là sự phản ứng tự nhiên đối với một sự đe dọa có thật của CÁI CHẾT. Và sợ hãi cũng là một NỖI KHỔ, vì ngoài nỗi sợ hãi, con người còn cảm thấy bất an, hoang mang và tìm kiếm một cách tuyệt vọng chỗ dựa trước việc phải đối mặt với thảm họa kinh hoàng sẽ thình lình xảy ra bất cứ lúc nào… nhưng rồi cuộc chiến chống đại dịch của Việt Nam ta đã uyển chuyển qua âm nhạc, rồi được thực tế hóa bằng các “Siêu thị hạnh phúc O đồng”; những chiếc máy ATM gạo do anh Hoàng Tuấn Anh sáng chế đầu tiên được đặt tại quận Tân Phú (Tp.HCM), từ đó lan tỏa trong cả nước đã làm cho mùa dịch bệnh bớt đi phần u ám…

Tâm sinh ra muôn sự khổ và cũng sinh ra muôn pháp lành là vậy hãy giữ tâm bình giữa cuộc đời, để ngay NƠI ĐỜI CÓ ĐẠO, ngay nơi ĐẠO CÓ TÂM… Rồi khổ nào cũng chỉ là khổ vô – thường!

“Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em” (Trịnh Công Sơn)

Tác giả: Pháp Vương Tử – Hà Nội

BÀI CÙNG TÁC GIẢ:

Bát Chính Đạo

Bao giờ ông Bụt hiện lên?

Nhận thức cuộc sống vô thường qua giáo lý tứ đại ngũ uẩn

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường