Trang chủ Chuyên đề Từ bùa trùng tang, nghĩ về Mật giáo ở Việt Nam

Từ bùa trùng tang, nghĩ về Mật giáo ở Việt Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Hàn Tấn Quang
Chủ biên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay

1. Dẫn nhập

Trong bài viết “Truyền thuyết về chùa Liên Phái và bùa trùng tang nổi tiếng tại Hà Nội”, đăng trên trang mạng phatgiao.org.com, ngày 24/5/2019, Thiện Ngôn cho biết: “Theo truyền thuyết, lúc còn sinh thời Lân Giác Thượng sư chứng kiến rất nhiều những cái chết liên tiếp trong gia đình và dòng họ trong một thời gian ngắn, ngày nay vẫn gọi là hiện tượng “trùng tang”. Chính vì lo sợ những điều chẳng lành, ngài đã viết ra bộ kinh “Thập nguyện cứu sinh” cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa giải giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang”[1].

Nói đến bùa chú, người ta nghĩ ngay đến Đạo giáo phù thủy, nghĩ đến tín ngưỡng dân gian và thường được xếp vào loại mê tín cần phải bài trừ. Không ít người theo đạo Phật cũng nghĩ như thế. Nhưng họ quên rằng pháp môn tu Mật giáo trong đạo Phật cũng có bùa chú, có cầu phúc trừ họa, có sấm vĩ, phong thủy,… Theo Bách khoa toàn thư mở, “Tư tưởng Mật giáo có từ thời Phật giáo Nguyên thủy, thể hiện qua các câu thần chú trong các bộ luật và trong Kinh Khổng Tước. Nửa sau thế kỷ thứ 7 CN, Ấn Độ giáo đã len lỏi trong các hệ thống học thuyết, kể cả giáo lý Phật giáo mà phục hưng trở lại, từ đó tạo ra sự cạnh tranh mãnh liệt đối với Phật giáo đương thời. Lúc bấy giờ, Phật giáo Đại thừa chỉ giới hạn trong phạm vi “kinh viện triết học”, lý luận học vấn, các phạm trù triết học biện luận… Do vậy, đã tự tách mình ra khỏi phần đông quần chúng trong khi những hiện tượng siêu hình, thần bí có ở khắp nơi trên đất Ấn. Vì thế, để thích ứng với tình thế mới, Phật giáo Đại thừa nhanh chóng và tích cực tiếp cận với Ấn Độ giáo và Bà-la-môn giáo. Ban đầu khi tiếp xúc, phía Phật giáo có những phản ứng khá kịch liệt, có lúc cật lực phê phán những quan niệm nghi chấp về tế tự cầu phúc trừ họa và mật chú. Tuy nhiên vẫn xúc tiến việc hợp lý hóa hoặc Phật giáo hóa theo tinh thần tùy duyên, cuối cùng Mật giáo đã hình thành nên một hệ thống tương đối độc lập trong Phật giáo Đại thừa”[2].

2. Mật giáo và Đạo giáo phù thủy

Theo nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Lang, “Mật giáo chấp nhận sự có mặt của những thần linh được thờ phụng trong dân gian, và như thế khiến cho đạo Phật phát triển rất rộng trong sinh hoạt quần chúng. Ở Giao Châu khuynh hướng này rất phù hợp với sinh hoạt tín ngưỡng và phong tục người Việt, vì vậy cho nên Mật giáo đã trở nên một yếu tố khá quan trọng trong sinh hoạt thiền môn”[3].

Nói đến sinh hoạt tín ngưỡng và phong tục của người Việt không thể không nói tới Đạo giáo phù thủy, bởi tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Đạo giáo phù thủy nên có sự hô ứng từ triều đình xuống đến bách tánh. Bách khoa toàn thư mở cho biết: “Tổ chức Đạo giáo đầu tiên xuất hiện trong thế kỉ thứ hai sau CN, khi Trương Đạo Lăng khởi xướng phong trào Thiên sư đạo tại tỉnh Tứ Xuyên năm 142. Có lẽ Trương Đạo Lăng đã bắt chước theo Phật giáo và thâu nhiếp các thành phần của Toả-la-á-tư-đức giáo (zh. en. Zoroastrianism)… Đạo này chịu ảnh hưởng nặng nề của Vu Giáo (巫教) của dân tộc thiểu số tại Ba Thục”[4].

Vậy Vu giáo là gì?: “Vào thời Xuân Thu, người ta gọi chung những người đồng cốt phù thủy là vu hích (巫覡). Vu hích là những người cổ đại cầu đảo thần minh giáng phúc, là người môi giới giữa con người và thần minh, cũng có thể thay mặt quốc gia mà cầu thần minh phù hộ. (…) Dần dần vu hích trở thành một tệ mê tín phổ biến trong dân gian, và lưu truyền tại Trung Quốc mấy ngàn năm mà không suy thoái.

Đời Thương là thời kỳ đỉnh thịnh của các vu hích. Vu giáo đã phát triển đến mức gần như một tôn giáo. Các vu hích trở thành “vu sử”, giữ chức vụ trọng yếu trong triều đình, vừa có nhiệm vụ về tôn giáo (thông công với thần minh) vừa có nhiệm vụ chính trị. (…) Ngoài công việc chính yếu là bốc phệ, các vu hích dần dần bị phân hóa trên nhiều lãnh vực khác nhau như thiên văn, y học, tôn giáo, chính trị… Một số vu hích lại có nguyện vọng truy cầu sự khang kiện và trường thọ nên rất chú trọng đến y dược và luyện dưỡng. Những vu hích này dần dần tách biệt với vu giáo và hình thành một hệ thống độc lập và được gọi là phương sĩ. Phương pháp luyện dưỡng của họ được gọi là phương thuật, để khu biệt với vu thuật của các vu hích”[5].

Trường phái Đạo giáo của Trương Tử Lăng thuộc trường phái Đạo giáo nhân gian hay Đạo giáo phù thủy, “thờ Lão Tử tôn xưng là Thái Thượng Lão Quân dùng kinh kệ, bùa chú, phương thuật, tế lễ… để thu hút tín đồ, được hậu thế phong là Trương Thiên Sư”[6].

Phóng sự “Những bí ẩn khó tin về “ngôi làng phù thủy họ mưa gọi gió” ở Thái Bình” của Hoài Sơn, đăng trên VTC NEWS, ngày 25/7/2018, có đoạn cho thấy sự “phối hợp nhịp nhàng” giữa Phật giáo và Đạo giáo phù thủy ở xứ ta: “Ông cụ Liễn biểu diễn cho phóng viên xem các loại kết quyết bằng hai bàn tay hoặc hai bàn chân và giảng giải: “Ngoài các quyết của Phật giáo, các thầy phủ thủy ở Song Lãng còn sử dụng đến các quyết của Thái Thượng lão quân. Các quyết này có giá trị như một lệnh mạnh mẽ để phù và chú được thực hiện. Có khi các thầy còn thờ cả tướng trời như… Triệu Công Minh, Tề Thiên Đại Thánh, Na Tra… để gia tăng sức mạnh của bùa chú”[7].

Tại sao có chuyện “phối hợp nhịp nhàng” như thế?

Thích Thiền Tâm cho hay: “Mật tông được hình thành vào khoảng thế kỷ 5, 6 tại Ấn Độ. Mật tông còn được gọi là Mật giáo, Chân ngôn môn, Kim cương thừa hay Mật thừa… Mật tông là một pháp tu bí mật của Phật giáo, dạy về cách “bắt ấn”, “trì chú”… Pháp tu này có tính chất liễu nghĩa (trọn đủ), căn cứ vào nơi tâm pháp bí truyền.

Trong các pháp môn mà Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng sinh nương theo tu tập trong thời buổi “Mạt pháp” sau này, hành môn nào cũng đều có một tôn chỉ thù thắng vi diệu.

Bên Tịnh Độ tông lấy tôn chỉ: “Một đời vãng sanh, được bất thối chuyển” làm tông.

Bên Thiền tông lấy tôn chỉ: “Chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật” làm tông.

Bên Hoa Nghiêm tông lấy tôn chỉ: “Lìa thế gian, nhập pháp giới” làm tông.

Bên Pháp Hoa tông lấy tôn chỉ: “Phế huyền, hiển thật” làm tông.

Và riêng bên Mật tông lấy tôn chỉ: “Tam mật tương ưng, tức thân thành Phật” làm tông… Tam mật là: Thân mật – Khẩu mật – Ý mật

Tóm lại, pháp môn tuy nhiều và tôn chỉ khác nhau, nhưng tựu trung rồi cũng quy về một mục đích duy nhất là giải thoát khỏi sinh tử luân hồi mà thôi”[8].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tu Bua Trung Tang Nghi Ve Mat Giao O Viet Nam 2

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa cho bài viết. Ảnh: St

3. Thiền phái rất có tính cách dân tộc Việt Nam

Theo sách Thiền sư Việt Nam của HT. Thích Thanh Từ, thì Tổ Như Trừng Lân Giác “tên Trịnh Thập, con của Phổ Quang Vương, sanh ngày mùng 5 tháng 5 năm Bính Tý nhằm niên hiệu Chính Hòa thứ mười bảy (1696). Trên trán Sư có góc hình như chữ nhật. Lớn lên, vua Lê Hy Tông gả Công chúa thứ tư cho Sư. Tuy thân sống trong lầu son gác tía, mà tâm hằng gởi gắm trong cửa thiền. (…)

Một hôm, Sư dâng sớ xin xả tục xuất gia, được nhà vua chấp thuận. Ngày ấy, Sư đi thẳng đến huyện Đông Triều lên chùa Long Động trên núi Yên Tử đảnh lễ Thiền sư Chân Nguyên Chánh Giác xuất gia. Thiền sư Chánh Giác hiện giờ đã tám mươi tuổi (…) Năm ba mươi bảy tuổi, Sư ngồi an nhiên thị tịch, thọ ba mươi bảy tuổi. Năm ấy nhằm niên hiệu Long Đức thứ hai (1733). Đồ chúng xây tháp thờ Sư ở ba nơi.

Bình nhật Sư lập chùa Hộ Quốc ở phường An Xá tại bản huyện. Sau lại chọn được Giác Sơn ở Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh tạo ngôi đại già-lam chùa hiệu Hàm Long. Sau này cho đệ tử Tính Dược trụ trì chùa Liên Tông/ Liên Phái, Tính Ngạn trụ trì chùa Hàm Long”[9].

Như vậy, Tổ Như Trừng Lân Giác thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – thiền phái đầu tiên của người Việt do vua Trần Nhân Tông “hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỷ 12 – đó là dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi”[10].

Trong ba thiền phái này, thì thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi đến nước ta sớm nhất (năm 580), sau đó là thiền phái Vô Ngôn Thông (năm 820), cuối cùng là thiền phái Thảo Đường (năm 1069). Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Lang cho rằng: “Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, Tam Luận và Hoa Nghiêm, có khuynh hướng thiên vọng về Mật giáo, theo tinh thần bất lập văn tự nhưng vẫn chú trọng sự nghiên cứu kinh luận, chủ trương thực tại siêu việt không hữu, chú trọng việc truyền thụ tâm ấn, có khuynh hướng nhập thế giúp dân và biết sử dụng các thuật phong thủy, sấm vĩ. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi hầu như chỉ chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ mà ít chịu ảnh hưởng Trung Hoa. Đây là một thiền phái rất có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ”[11].

– Trong Cư trần lạc đạo phú, Phật hoàng Trần Nhân Tông có nhắc: “Lo hoán cốt, ước phi thăng, đan thần mới phục; nhắm trường sinh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đam (Hội thứ nhất), và ở Hội thứ tư, ngài cũng viết: “Tìm đường hoán cốt, chỉn sá hay phục thuốc luyện đơn; hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc”[12]. Ngoài ra, Phật hoàng Trần Nhân Tông còn nhắc tới Tịnh Độ tông: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”[13].

– Điều này, càng cho chúng ta thấy rõ hơn pháp môn tu của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mong muốn tất cả “quy về một mục đích duy nhất là giải thoát khỏi sinh tử luân hồi mà thôi” như Hòa thượng Thích Thiền Tâm đã viết, đã được trích dẫn bên trên, chứ không phân biệt, không chấp trước, chỉ cần nuôi dưỡng chánh niệm như lời Phật dạy: “Chân thật biết thân thật/ Phi chân biết phi chân/ Ai nuôi dưỡng chánh niệm/ Ắt hẳn đạt được chân”[14].

4. Mật chú đã xuất hiện rất sớm trong kinh điển

Nói đến đạo Phật mà nói đến “bắt ấn”, “trì chú”, “kêu gọi quỷ thần”,… nghe cũng lạ tai và cũng chẳng mấy người tin, bởi trong “Kinh Phạm Động số 21 thuộc Trường A Hàm quyển 14 Phật dạy: “như các Sa môn Bà-la-môn tuy ăn của tín thí, nhưng hành pháp chướng ngoại đạo, nuôi sống bằng cách tà vạy, như kêu gọi quỷ thần, hoặc lại đuổi đi, các thứ ếm đảo, vô số phương đạo, làm người khiếp sợ; có thể tụ, có thể tán; có thể làm cho khổ, có thể làm cho vui; có thể an thai, trục thai; hoặc phù chú người ta hóa làm lừa, ngựa; có thể khiến người điếc, đui, câm, ngọng; hiện các kỹ thuật; hoặc chắp tay hướng về mặt trời, mặt trăng; hành các khổ hạnh để cầu lợi dưỡng…”; “…hoặc vì người mà chú đảo bệnh tật, đọc ác thuật, tụng thiện chú; làm thuốc thang, châm chích, trị liệu bệnh tật…”; “…hoặc chú nước lửa, hoặc chú quỷ thần, hoặc chú Sát-lỵ, hoặc chú voi, hoặc chú chân tay, hoặc bùa chú an nhà cửa; hoặc giải chú lửa cháy, chuột gặm; hoặc đọc sách đoán việc sống chết; hoặc đọc sách giải mộng; hoặc xem tướng tay, tướng mặt; hoặc đọc sách thiên văn; hoặc đọc sách hết thảy âm… Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó”.

Kinh Đa Giới thuộc Trung A Hàm quyển 47: “…hoặc có Sa môn Phạm chí, hoặc trì một câu chú, hai câu chú, ba câu chú, bốn câu chú, nhiều câu chú, trăm nghìn câu chú để mong cho tôi thoát khỏi khổ đau, như thế là đi tìm sự khổ, huân tập sự khổ, dẫn đến sự khổ mà cho là hết khổ, trường hợp này không thể xảy ra”[15].

Thế nhưng, nếu ai đã đọc thấu triệt kinh Phật thì sẽ thấy “trong Luật tạng như Tứ Phần Luật quyển 27 và Thập Tụng Luật quyển 46 và một số luật khác của Bộ Phái Phật giáo có nêu việc đức Phật ngài chỉ chọn dùng một số bài chú thích hợp khi gặp trường hợp ăn không tiêu, bị rắn độc cắn, đau răng hoặc đau bụng,… Kinh Đại Hội thứ 19 thuộc Trường A Hàm, đức Phật vì hàng phục chư thiên mà dùng một số bài chú; Kinh Ưu-Ba-Tiên-Na số 252 thuộc Tạp A Hàm, Đức Phật khi nghe trình bày Tôn giả Ưu-Ba-Tiên-Na bị rắn độc cắn, ngài liền dạy cho Tôn giả Xá Lợi Phất bài chú phòng hộ thân, không để rắn độc cắn. Từ đó có thể thấy được rằng, Mật chú và cách sử dụng Mật chú đã xuất hiện rất sớm trong kinh điển thuộc hệ Phật giáo nguyên thủy. Tuy nhiên, nguồn gốc xuất phát của Mật chú có lẽ là từ Bà-la-môn giáo, đến thời đức Thích Tôn thì ngài đã cật lực ngăn cấm không để xuất hiện nhiều trong giáo lý Phật giáo, sau đó ngày càng có nhiều ngoại đạo xuất gia đầu Phật, họ quen sử dụng những câu chú khi bệnh tật mà thôi. Đến thời Phật giáo Bộ Phái như Pháp Tạng bộ tôn sùng ngài Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna), hay nói về chuyện quỷ thần, từ đó chú pháp dần dần thịnh hành.

Thông thường mà nói, tư tưởng Phật giáo Mật tông được manh nha là từ trong Kinh A Hàm, cho rằng việc xướng tụng những kinh văn đơn giản bằng văn Pali trong Luật Tạng và trong Kinh A Hàm, nương vào công đức đó thì phước sẽ đến họa sẽ đi, như thế cũng đã rõ về tín ngưỡng mật chú, với hình thức Mật giáo này được gọi là thời kỳ Tạp Mật. Ngoài ra còn lấy thể cách văn tự và ngữ cú để làm đặc trưng riêng, và có hàm nghĩa vô cùng sâu sắc với việc nhiếp tâm điều tức, mục tiêu đạt đến Đà-la-ni thống nhất tinh thần tức là Nhất Tâm, đây là giai đoạn tối sơ của Tạp Mật”[16].

Như vậy đạo Phật không chỉ nhất nhất “Giáo ngoại biệt truyền/ Bất lập văn tự/ Trực chỉ nhân tâm/ Kiến tánh thành Phật” như ngài Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa Bồ Đề Đạt Ma đã dạy mới là chánh pháp.

5. Tùy căn duyên chúng sinh mà nói pháp

Kinh Hoa Nghiêm có viết: “Bồ tát biết chỗ sở tác của chúng sanh, biết nhơn duyên, biết tâm hành, và ưa thích của chúng sanh mà nói pháp. Với kẻ tham dục nhiều, nên nói pháp bất tịnh; với kẻ giận dữ nhiều, nên nói pháp đại từ; với kẻ ngu si nhiều, nên nói pháp siêng năng, quan sát các pháp; với kẻ ba món độc đều nhiều, nên dạy khiến thành tựu pháp môn trí huệ; với kẻ ưa vui sanh tử, nói pháp ba món khổ; với kẻ đắm chấp các thứ “có”, nói pháp “không tịch”; với kẻ lười nhác, nói pháp đại tinh tấn; với kẻ ôm lòng ngạo mạn, nói pháp bình đẳng; với kẻ nhiều dua dọc, nói pháp Bồ tát tâm; với kẻ tâm tánh chất trực mà ưa vắng lặng, nên rộng vì nói các pháp khiến họ thành tựu Đạo quả”[17].

Ở đời không phải ai ai cũng là thánh hiền mà có kẻ khôn người dại, có kẻ thông minh, có người ngu độn. Dân gian ta cũng có câu nói rất thú vị và chính xác: “Ở đâu cũng có anh hùng/ Ở đâu cũng có kẻ khùng người điên”. Vì nhân thế là vậy nên mới có tôn giáo ra đời, quốc gia nào cũng có luật pháp phù hợp riêng cho quốc gia mình để giúp con người ngày một tốt hơn và luôn có sự điều chỉnh đúng lúc, đúng thời.

Đạo cũng như đời, hiểu hay không hiểu chỉ trong chớp mắt; là thần hay là ma cũng chỉ trong một sát-na. Nhưng thế nào là thần, thế nào là ma khó mà nói rạch ròi, tất cả đều do tâm khởi.

Cuộc sống muôn đời vẫn là như thế. Xác thân dù có được chăm sóc như thế nào cũng không chịu được tuế nguyệt đào thải. Do vậy, nhưng ngày được may mắn làm người ở trần gian thì nên cố gắng để lại chút gì đó có ích cho đời. Không phải vô duyên vô cớ mà Phật dạy: “Pháp thí thắng mọi thí” (Kinh Pháp Cú số 354). Và Tổ Như Trừng Lân Giác đã thật sự “để lại chút gì đó có ích cho đời”, như: “đã viết ra bộ kinh Thập nguyện cứu sinh cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa giải giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang”[18], viết “Phật tâm luận” và nhiều tác phẩm khác được nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát “công bố trong Toàn tập Như Trừng Lân Giác”[19], dù chặng đường hoằng pháp của ngài không dài.

Trải qua cuộc sống vận hành, tôi thấy làm người thì phải có ham muốn, phải cần có cái gì đó để mà bảo hộ; nếu không thì khác gì gỗ, đá. Không dục không cầu đâu còn là con người trần tục. Nhưng với Tổ Như Trừng Lân Giác, ngài không chỉ bảo hộ cho người thân mà còn bảo hộ cho cộng đồng, cho chúng sinh. Đây là chỗ khác biệt giữa tu sĩ một lòng vì đạo vì đời và phàm nhân, rất đáng trân trọng.

Tín ngưỡng dân gian, Đạo giáo phù thủy, Phật giáo Mật tông tồn tại ở nước ta đến ngày hôm nay luôn có cái lý của nó. Cái chung tồn tại trong nhiều cái riêng, khi một cái riêng nào đó mất đi thì những cái chung tồn tại ở cái riêng ấy sẽ không mất đi, mà nó vẫn còn tồn tại ở nhiều cái riêng khác. Trong Bút ký triết học, Lenin viết: “Người nào bắt tay vào những vấn đề riêng trước khi giải quyết vấn đề chung, thì kẻ đó, trên mỗi bước đi, sẽ không sao tránh khỏi những vấp váp những vấn đề chung một cách không tự giác. Mà mù quáng vấp phải những vấn đề đó trong từng trường hợp riêng có nghĩa là đưa ra những chính sách của mình đến chỗ có những sự dao động tồi tệ nhất và mất đi hẳn tính nguyên tắc”[20], nên giải thích hoặc phê phán việc hóa giải bùa trùng tang của Tổ Như Trừng Lân Giác có cách nay gần 300 năm và hiện tại vẫn còn không ít người hướng về, tôi nghĩ không hề đơn giản.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”[21]. Đức Phật cũng dạy: “Đừng tìm về quá khứ/ Đừng tưởng tới tương lai/ Quá khứ đã không còn/ Tương lai thì chưa tới/ Hãy quán chiếu sự sống/ Trong giờ phút hiện tại…”[22].

Hàn Tấn Quang
Chủ biên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay

***

Chú thích:
[1] https://phatgiao.org.vn/truyen-thuyet-ve-chua-lien-phai-va-bua-trung-tang-noi-tieng-tai-ha-noi-d35175.html
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Mật_tông
[3] Nguyễn Lang (20111), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1,2,3, Nxb.Văn học, Hà Nội, tr126.
[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Đạo_giáo
[5] https://vi.wikipedia.org/wiki/Vu_giáo
[6] https://vi.wikipedia.org/wiki/Đạo_giáo
[7] https://vtc.vn/nhung-bi-an-kho-tin-ve-ngoi-lang-phu-thuy-ho-mua-goi-gio-o-thai-binh-ar415616.html
[8] https://phatgiao.org.vn/mat-tong-kim-cuong-thua-la-gi-d43435.html, ngày 31/8/2020
[9] https://thientruclam.info/ht-thich-thanh-tu/thien-su-viet-nam/thien-su-nhu-trung-lan-giac-1696–1733
[10] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thiền_phái_Trúc_Lâm
[11] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr145.
[12] https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/trai-tim-cua-truc-lam-dai-si/cu-tran-lac-dao
[13] https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/trai-tim-cua-truc-lam-dai-si/cu-tran-lac-dao
[14] Kinh Pháp Cú số 12
[15] https://thuvienhoasen.org/a16994/nguon-goc-va-dac-diem-cua-phat-giao-mat-tong,ngày 08/3/2013.
[16] Nguồn gốc và đặc điểm của Phật giáo Mật Tông, đd.
[17] Dương Tú Hạc (2012), Kinh Lời vàng, HT. Thích Trí Nghiêm dịch, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr157.
[18] https://phatgiao.org.vn/truyen-thuyet-ve-chua-lien-phai-va-bua-trung-tang-noi-tieng-tai-ha-noi-ngày 24/5/2019.
[19] Lê Mạnh Thát (2021), Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr11.
[20] VI.Lê nin (1080), Toàn tập, tập 23, Nxb. Tiến bộ, Matxcova, 1980, tr437.
[21] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr64.
[22] Thích Minh Châu (dịch, 2001), Kinh Tiểu Bộ 3, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, tr519.

Tài liệu tham khảo:
1. Dương Tú Hạc (2012), Kinh Lời vàng, HT. Thích Trí Nghiêm dịch, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội
2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Thiền_phái_Trúc_Lâm
3. https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/trai-tim-cua-truc-lam
4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Đạo_giáo
5. https://vi.wikipedia.org/wiki/Mật_tông
6. https://vtc.vn/nhung-bi-an-kho-tin-ve-ngoi-lang-phu-thuy-ho-mua-goi-gio
7. https://vi.wikipedia.org/wiki/Vu_giáo
8. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 0, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội
9. https://thientruclam.info/ht-thich-thanh-tu/thien-su-viet-nam/nhu-trung
10. https://phatgiao.org.vn/mat-tong-kim-cuong-thua-la-gi, ngày 31/8/2020.
11- Lê Mạnh Thát (2021), Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội
12. Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1,2,3, Nxb. Văn học, Hà Nội
13. https://thuvienhoasen.org dac-diem-cua-phat-giao-mat-tong, 08/3/2013.
14. Thích Minh Châu (dịch, 2001), Kinh Tiểu Bộ 3, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM.
15. https://phatgiao.org.vn/truyen-thuyet-ve-chua-lien-phai-va-bua-trung-tang-noi
16. VI.Lê nin (1980), Toàn tập, tập 23, Nxb. Tiến bộ, Matxcova

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường