Trực chỉ

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: KS.Minh Bình

Trực chỉ nghĩa là Chỉ thẳng, không quanh co, không thứ lớp. Đó là cách nói đơn giản nhất trong giao tiếp giữa người với người, và là cách nói mang tính cởi mở, tin tưởng, không dấu giếm thông tin, trong sinh hoạt hàng ngày giữa bạn bè với nhau.

Trong nhà Phật, trực chỉ thường được hiểu là cách dạy đạo chỉ thẳng cốt lõi chứ không phải dạy pháp tu đối trị. Vào đầu thế kỷ VI, khi sư Thần Quang từ bỏ sự nghiệp của một giảng sư tài ba, lên non Thiếu Thất cầu đạo với nhà sư già người Ấn Độ đang nhập định trong một hang động, sư đã đứng trước hang cả đêm, tuyết rơi ngập hai chân. Đến sáng hôm sau, sư ông Bồ Đề Đạt Ma ở trong hang mới quay mặt lại hỏi:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Bo De Dat Ma Truc Chi 1

– Ông muốn cái gì?

Vị giảng sư tài ba liền thưa:

– Bạch thầy, tâm con không an, xin dạy cho con pháp an tâm.

Câu hỏi vừa dứt, sư ông Bồ Đề Đạt Ma đáp ngay, có vẻ như vấn đề được hỏi rất đơn giản:

– Ông đưa tâm ra đây, ta an cho!

Thần Quang im lặng tìm tâm, có quá nhiều tâm mà hơn ai hết một giảng sư đã biết chúng chỉ là thọ – tưởng – hành – thức chứ không phải là chủ thể, nên sư bối rối đáp:

– Con không tìm được.

Bấy giờ Bồ Đề Đạt Ma liền buông một câu rất giá trị:

– Vậy đã an tâm rồi!

Nghe lời gợi ý Thần Quang chợt giác ngộ được tâm, vốn không có gì phiền phức. Câu chuyện này quá nổi tiếng, hầu như ai cũng đã nghe rồi. Vấn đề đặt ra là tại sao khi không tìm kiếm thì lại an tâm rồi? Tức là Bồ Đề Đạt Ma khích lệ Thần Quang thừa nhận cái sẵn có chứ có gì đâu. May sao Thần Quang có thiện căn hơn người, ngay đó liền hiểu được ý thầy!

Điều đó nói nôm na là “Dừng chân thì bóng chẳng theo!”. Thần Quang đi cầu pháp chăng? Đúng là nhà sư ấy vẫn mãi đi tìm kiếm, khi đã lên tới non Thiếu Thất cầu đạo. Còn sư ông Bồ Đề Đạt Ma truyền pháp chăng? Không, nếu kể rằng ngài Bồ Đề Đạt Ma nói: “Ta đã an tâm cho ông rồi.” thì không đúng. Cả hai thầy trò đều xả ly vạn pháp, sống trực tiếp, tự tin tâm mình là Phật, chứ họ không phải là hạng gánh phân hốt rác như Kinh Pháp Hoa đã mô tả.

Trong Kinh Pháp Hoa, đức Phật Thích ca đã ví những ai không tin tự tâm là hạng gánh phân hốt rác. Đó là hạng người hầu, không phải là ông chủ, trong khi những người tin tự tâm là những người làm chủ cuộc sống của mình, cuộc sống trong muôn đời ngàn kiếp. Người làm chủ là người không nô lệ cho pháp nào, dù là pháp đời, pháp đạo, pháp Tiểu thừa hay pháp Đại thừa, pháp Tịnh nghiệp hay pháp Thiền tâm gì cả…

Vậy Trực chỉ trong nhà Phật thường được hiểu cụ thể hơn là Trực chỉ chân tâm, là Chỉ thẳng tâm thật. Cái hay suy nghĩ và hay ham muốn mà mọi người thường bảo là tâm vốn được nhà Phật xem là vọng tâm, là tâm giả. Đặc điểm giả của nó là chợt thế này chợt thế nọ, là bất ổn khi vui khi khổ lẫn lộn, là không có căn bản. Do những đặc điểm vô thường – khổ não – vô ngã của tâm ấy nên được ghi nhận là đồ giả. Mà hơn hết, chính vì có cái chân thật nên đã khẳng định kia là đồ giả.

Cái tâm thật ở Thánh không thêm, ở phàm chẳng bớt. Nhận ra tâm thật là công quả chính, là từ địa vị người phàm bước tiến xa trên con đường của chư Phật. Sự thành tựu đó từ xưa đã được đức Thích ca khen ngợi:

Dù là vua cõi đất
Dù là chúa cõi trời
Cũng không sao bì được
Quả vị Tu-đà-hoàn!

Kẻ mê lấy pháp làm tâm, người trí đơn giản là sống với cái tâm có sẵn từ thuở nào. Mà trong các pháp, thân thể – body là cái ghê gớm nhất, là ma ảnh che mờ người ta suốt bao nhiêu đời kiếp. Và tư tưởng cũng là biết bao pháp ám ảnh người ta không thôi…

Gạt qua một bên hết, trở về là căn bản! Dừng chân thì bóng chẳng theo, quay đầu là bờ, phản quang tự kỷ bổn phận sự, đứng lại, hồi quang phản chiếu, quên đời quên đạo, buông xuống v.v… đều cùng một nghĩa. Nó chẳng nhất định là một pháp nào. Có vượt qua được pháp đối trị thì mới đến với tâm, nên các ngài tùy nghi chỉ tâm cho kẻ học, để khi biết tâm thật rồi thì kẻ học sẽ biết vận dụng pháp thích hợp mà tu sửa cho tốt đẹp. Phật pháp nói chung là vậy, trong khi biết bao nhiêu nhà Phật tử xưa nay cứ lo bàn cãi nhau về pháp này pháp nọ, thật trái ngược với đạo!

Xưa có một nhà sư rất tin tự tâm, theo lời Phật đã dạy. Niềm tin của sư được mạnh mẽ là do một lần sư hỏi thầy:

– Bạch thầy, Phật là gì?

Thầy đáp:

– Thần lửa tìm lửa!

Nhà sư ấy mừng rỡ cho rằng tâm mình chính là Phật lại đi hỏi Phật là gì, khác nào thần lửa tìm lửa! Và sư mãi sống vui vẻ hân hoan với niềm tin trong sáng ấy, còn vị thầy của sư không nói gì, ông biết chưa đến lúc. Mấy năm sau sư đến một đạo tràng khác, vị thầy ở đó đọc được tâm niệm của sư, biết sư chưa thật ngộ nên ngài tìm cách khai thị cho sư. Một lần ngài hỏi sư:

– Phật là gì?

Sư đáp ngay:

– Thần lửa tìm lửa.

Thầy nghiêm nghị nói:

– Không phải!

Sư băn khoăn quá, không biết sai ở chỗ nào. Hôm sau sư đến đảnh lễ thầy thưa hỏi:

– Bạch thầy, vậy chớ Phật là gì?

Ngài ôn tồn đáp:

– Thần lửa tìm lửa!

Lời nói vừa dứt tâm sư chợt sáng, không gian tan vỡ, thời gian ngừng trôi, thế giới Ta-bà kham khổ hiển nhiên là cõi Tịnh độ trang nghiêm của đức Thích ca! Nhà sư thật thà ấy đã giác ngộ, không phải chỉ là hiểu trên lý thuyết như lúc trước.

Tác giả: KS.Minh Bình

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường