Duy Thức học giải nghĩa trên thế gian này chỉ “duy” nhất có “thức”, tất cả hiện tướng đều giả tạm, không thật sự thật có.
Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang
Lời mở đầu:
Duy Thức học giải nghĩa trên thế gian này chỉ “duy” nhất có “thức”, tất cả hiện tướng đều giả tạm, không thật sự thật có. Duy Thức là bộ môn học khó, nhiều ngôn từ Hán – Việt, cách lập luận phức tạp. Tuy nhiên, Duy Thức học rất hay và rất có ích cho người tu đạo.
Bài viết này của tôi “tối giản hoá” tất cả ngữ nghĩa, lập luận giáo lý cơ bản, giải nghĩa từ vựng theo ngôn từ dễ hiểu nhất, chọn lọc những ý tiêu biểu với mục đích mong muốn đem Duy Thức học tới gần với nhiều người hơn.
Đối với người mới lần đầu tiếp cận Duy Thức học thông qua kinh sách, số lượng từ vựng và cách bố cục nội dung có thể khiến người đọc nản lòng và không thấm nhuần được ý nghĩa.
Dưới đây tôi trình bày những nội dung sơ khai, hi vọng giúp ích được cho nhiều học giả muốn tìm hiểu sâu hơn về Duy Thức.
Phần I. Tổng quan về “Duy Thức học”
1. Tổng quan “Duy Thức”
Khái niệm “Duy Thức” được bắt nguồn từ “Duy Thức tông”, trường phái này là một bộ môn chuyên chỉ phân tích về hành tướng tâm lý. Việc phân tích hành tướng tâm lý này không đơn giản chỉ là những phản xạ, hay phản ứng suy nghĩ cơ bản của con người, mà sự phân tích này cực kì chi tiết, đi sâu vào vi tế, nêu lên từng trạng thái cụ thể của tâm thức.
Trường phái này gọi là “Duy Thức” với ý nghĩa chỉ “Duy” nhất có “Thức” mà thôi, còn lại đều không thật có. Đối với các vị theo tông Duy Thức, họ coi “thức” chính là thứ khi cho là nhỏ, sẽ nhỏ không gì bằng, nhưng nói là lớn thì cũng chẳng còn cái gì lớn bằng, đủ sức bao trùm cả vũ trụ.
Cũng giống như “chân không” vậy, nếu cho vào bất kì cái gì, kích cỡ nhỏ ra sao đều được, nhưng có đi tới tận cùng chân trời góc bể cũng không thoát khỏi chân không. Duy Thức tông coi thức là năng lực vô hình tác động tới mọi thứ, có công năng tạo ra và nhận biết vạn pháp.
Duy Thức tông cho rằng, muôn hình vạn trạng của vũ trụ này đều do tâm thức biến hiện mà thành, không gì là thực sự thật có, chỉ có giả tướng mà thôi. Chữ “Thức” này là “nhận thức” của hiểu biết phân biệt.
2. Nguyên nhân hình thành tông Duy Thức
Một số vị học giả và tu sĩ nghiên cứu cho rằng khoảng sau khi Phật diệt độ 900 năm, có ngài “Vô Trước Đại sĩ” ra đời tại Trung Ấn Độ, tạo ra bộ “Nhiếp Đại Thừa Luận V” dùng nghĩa lý Duy Thức để xiển dương giáo pháp Đại thừa.
Em của ngài tên là Thế Thân, sau đó đã luận giải lại bộ viết của Ngài và sáng tác “Duy Thức Nhị Thập Tụng” cùng “Duy Thức Tam Thập Tụng V”,.... Từ đây Duy Thức học mới được đặc biệt lập riêng thành một tông.
Sau Ngài Thế Thân, có 10 vị Đại sư luận giải chi tiết bộ Duy Thức Tam Thập Tụng để hoàn thành bộ Duy Thức học giúp cho Duy Thức tông ngày càng hoàn thiện hơn.
3. Các bản dịch
Đến đời Đường, niên hiệu Trinh Quán năm thứ ba, có ngài Huyền Trang Pháp sư lưu học tại Ấn Độ, thụ giáo với Tổ Huyền Giám. Sau khi trở về Trung Hoa, ngài Huyền Trang lượm lặt những tinh hoa nhất của 10 vị Đại luận sư, thích giải bộ Duy Thức Tam Thập Tụng, tạo thành một bộ luận Duy Thức gồm 10 cuốn.
Đến đời nhà Nguyên, tông phái Duy Thức rơi vào giai đoạn thất truyền, kinh sách thất lạc, ít người nghiên cứu và có một thời điểm gần như bất mất khỏi Trung Quốc.
Giai đoạn đường biển Trung Hoa tới Nhật được lưu thông trở lại thì Trung Quốc lại lưu truyền lại tông phái Duy Thức nhờ vào sự truyền bá từ Nhật vào, cùng với kinh sách từ Nhật được mang tới.
Sau thời kì này, các bản kinh Duy Thức được lưu truyền trở lại và được dịch qua các nước lân cận theo trường phái Phật giáo Đại thừa.
4. Phân loại nhóm các pháp
Duy Thức tóm gọn tất cả các pháp thế gian thành “100 pháp” được phân loại theo số lượng và vào các đề mục như sau:
Phần II. Luận giải “Tâm pháp”
1. Tâm pháp
Tâm pháp hay còn gọi là “tâm vương”, tức là “vua”. Người thời xưa gọi là tâm vương vì quan niệm thời phong kiến vua là đứng đầu, ra toàn bộ chỉ thị, thì ở đây tâm cũng thế, tâm pháp quyết định mọi lời nói, hành động nên gọi là tâm vua.
Các thành phần trong tâm pháp phối hợp quyết định ra mọi tướng trạng của nghiệp, tên gọi khác chúng ta vẫn hay được nghe là “Bát thức tâm vương”, “Bát tâm”.
Tâm pháp bao gồm: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt-na thức, A-lại-da thức.
2. Luận giải “Tiền ngũ thức”
Tiền ngũ thức bao gồm 5 thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức. Đây là 5 nhận biết của 5 giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Gọi là tiền ngũ thức vì 5 thức này thô sơ, dễ nhận biết và dễ sinh khởi.
Nhãn thức được sinh nhờ nương vào duyên khi mắt xúc chạm thấy sắc (nhìn thấy). Nhĩ thức được sinh nhờ nương vào duyên khi tai xúc chạm với thanh (nghe được). Tỷ thức được sinh nhờ nương vào duyên khi mũi xúc chạm hương (ngửi mùi). Thiệt thức được sinh nhờ nương vào duyên khi lưỡi xúc chạm với vị (ăn, uống). Thân thức được sinh nhờ nương vào duyên khi thân xúc chạm trần (chạm).
Đối với đời sống cơ bản, chúng ta hay nhận lầm mọi dòng chảy suy nghĩ là “ý thức con người”, tuy nhiên trong Duy Thức tông, 5 giác quan cũng có thức, tức có nhận biết của chính căn đó.
Năm thức này nhận biết trong phạm vi của nó, nhỏ hẹp và đơn giản. Khi năm thức hoạt động độc lập, những đối tượng của chúng chỉ xuất hiện đúng nghĩa là “xuất hiện”, chỉ khi có thức thứ 6 (Ý thức) xen vào, chúng ta mới có sự phân biệt, so sánh, đánh giá, suy tư,…
Ví như một người đi đường, nếu 5 thức hoạt động một cách độc lập, người đó chỉ thấy cảnh chung chung như một màn sương mờ, có sự chuyển động, âm thanh ù ù, mùi vị không rõ ràng, thân không thực sự có một cảm giác rõ ràng. Nhưng nếu có ý thức, người đó có thể phân biệt sắc cảnh, đâu là hoa, đâu là lá, đâu là hoa vàng, đâu là hoa đỏ, đâu là hương hoa, đâu là hương quả, đâu là cảm giác thích, đâu là cảm giác ghét,...
3. Luận giải thức thứ 6,7,8 (Ý thức, Mạt-na thức, A-lại-da thức)
Duy Thức tông giải thích ý thức là sự phân biệt pháp trần. Ý thức quyết định cả những việc tạo tác, ý thức tạo nên thiện pháp, ác pháp, chấp pháp.
Mạt-na thức đôi khi được nhiều học giả giải nghĩa đây là “sự chấp ngã vi tế”. Sự chấp ngã của thức thứ 7 mạnh mẽ tới mức khiến xác thân này sống, chết đi sang xác thân mới, là nguồn năng lượng vô hình tạo ra sự luân hồi.
Mạt-na thức cũng có sách ghi tên phiên dịch là “Ý thức”.
Ý thức (thức thứ 6) là nói tới cái thức nhận biết pháp trần, cái thức phân biệt. Giống như nhãn thức nương cái căn là mắt, để sinh ra cái biết, thì thức thứ 6 nương nơi cái căn là “ý”, để sinh ra biết. “Ý căn” của thức thứ 6 chính là thức thứ 7 (Mạt-na).
Ý thức (thức thứ 7) là nói tới cái sinh diệt liên tục không gián đoạn, không ngắt quãng, không có trạng thái ngừng nghỉ nên gọi là “Ý”.
Tại sao gọi thức thứ 7 là ý sinh diệt liên tục không gián đoạn, không ngắt quãng?
Thức thứ 6 có lúc có, có lúc không. Kiểm nghiệm trong cuộc sống, con người có rất nhiều lúc không có ý thức, lúc đầu óc rỗng không, lúc ngủ, lúc bất tỉnh,…
Nhưng, thức thứ 7 là một dạng ý chấp ngã vi tế, chưa bao giờ biến mất. Các nhà khoa học nghiên cứu về bộ não con người để tìm lý do tại sao một người sau khi chết lâm sàng vẫn có thể biết mình là ai, làm gì, ở đâu. Duy Thức học giải thích rằng đó là do thức thứ 7 vẫn chảy liên tục không ngừng nghỉ, sự chấp ngã đó nhắc chúng ta về cái “ta”.
Một người khi ngủ, có thể ngủ rất sâu, vậy lúc ngủ đó ý thức đi đâu? Theo Duy Thức giải thích, khi một người ngủ, hoặc thiền sâu, hoặc bất tỉnh, phần tắt đi chỉ là ý thức của thức thứ 6. Còn bản thể chấp ngã của thức thứ 7 không hề mất đi đâu.
Ngay cả với những trường hợp trải qua tai nạn nghiêm trọng, không còn nhận ra người thân, hoặc mất kí ức, kỉ niệm, thì đó là sự tổn thương thần kinh dẫn tới mất đi một phần “ý thức của thức thứ 6”. Còn họ không hề bị mất nhận biết về cuộc sống của một con người. Đó chính là sự chấp ngã vi tế.
Mạt – na thức chỉ có thể phá tan bằng sự tu tấp để phá chấp, phá từ những thứ thô sơ, như không chấp tiền tài, danh vọng, rồi mới có định lực phát huy công năng phá sâu hơn những thứ vi tế như tư tưởng.
Vì lẽ đó, các nhà Duy Thức học phân biệt hai thức này bằng tên gọi “Ý thức” cho thức thứ 6, và “Mạt – na thức” cho thức thứ 7.
Mạt – na thức được mệnh danh là “truyền tống thức” vì công năng của thức thứ 7 là lưu truyền các pháp hiện hành vào A – lại – da thức và tống đưa các chủng tử đã đủ nhân duyên trổ quả khởi ra hiện hành.
Mạt – na thức duyên Kiến phần (tức cái phần thấy, biết) với A – lại – da thức chấp làm thật ngã và thật pháp.
Thức thứ 8 được sử dụng dưới nhiều cái tên, tuy nhiên có 2 cái tên sau đây được sử dụng nhiều nhất: A – lại – da thức, Đệ bát thức.
-
- A – lại – da thức: Tên này được các tổ Trung Hoa dịch phiên âm là “Tàng thức”. Tàng thức được hiểu như một cái kho chứa, có khả năng chứa đựng tất cả duyên nghiệp, chủng tử nhân duyên mà mình đã từng tạo tác. Vì thế mà được dịch là “Tàng thức” (Thức chứa). "Chứa" là phiên âm cho từ "Tàng".
Công dụng của “thức chứa” là “chứa”, vì lẽ đó mà mang theo 3 ý nghĩa sau:
(1) Năng tàng: Chứa – Công năng này là thức thứ 8 chứa đựng tất cả mọi chủng tử (hạt giống) các pháp.
(2) Sở tàng: Bị chứa – Là chỗ các pháp ứ đọng, nuôi dưỡng tại đó
(3) Ngã ái chấp tàng (Gọi tắt là “Chấp tàng”): Tức cái chấp vi tế của thức thứ 7, thức thứ 7 ái luyến, chấp ngã sâu đậm, chấp “Kiến phần” của thức thứ 8 coi làm bản ngã “Ta”, và những thứ “của Ta”.
- Đệ bát thức: Thức thứ 8.
Tên gọi này chỉ để miêu tả gọi tên dựa trên thứ tự.
Đối với những giấc mơ, mộng du, chúng ta phải hiểu được rằng khi đang ngủ vẫn tạo được ra giấc mơ là do thức thứ 7 hoạt động liên tục không gián đoạn, và một phần công năng của nó chính là khởi lên giấc mơ.
-Nếu giấc mơ là một thứ gì lạ lẫm mà chúng ta không biết, không hiểu đó là gì, thì rất có thể mạt – na thức tạo ra giấc mơ từ những chủng tử (nhân nghiệp) trong a-lại-da thức.
-Nếu giấc mơ là một cảnh đã từng trải qua trong đời này, hoặc có những người mình quen biết, thì đó là nhờ mạt – na thức tạo ra giấc mơ từ ý thức (thức thứ 6) thu nạp trải nghiệm qua đời sống hàng ngày.
Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Duy Thức học, dịch giả: HT. Thích Thiện Hoa, Nxb Tôn Giáo, 2020
- https://thuvienhoasen.org/a7317/duy-thuc-hoc
- https://thuvienphatviet.com/ht-thich-tue-sy-dan-vao-duy-thuc-hoc/
Bình luận (0)