Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Tinh thần dân chủ trong Tăng đoàn Phật giáo

Tinh thần dân chủ trong Tăng đoàn Phật giáo

Tăng đoàn chính là một cộng đồng xã hội thu nhỏ. Trong cộng đồng ấy, từ thời đức Phật tại thế tinh thần dân chủ đã được thể hiện ở một mức độ cao hơn so với lý tưởng dân chủ ngày nay. Tăng đoàn bảo tồn những giới điều đức Phật đã chế định chính là thể hiện lòng tôn kính và tưởng nhớ bậc Đạo Sư, thể hiện tinh thần hộ trì phật pháp trường tồn.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tăng đoàn chính là một cộng đồng xã hội thu nhỏ. Trong cộng đồng ấy, từ thời đức Phật tại thế tinh thần dân chủ đã được thể hiện ở một mức độ cao hơn so với lý tưởng dân chủ ngày nay. Tăng đoàn bảo tồn những giới điều đức Phật đã chế định chính là thể hiện lòng tôn kính và tưởng nhớ bậc Đạo Sư, thể hiện tinh thần hộ trì phật pháp trường tồn.

Thích nữ Quảng Hiền
Học viên lớp Thạc sĩ Phật học khóa V – Học viện PGVN tại Tp.HCM

Tinh thần dân chủ được con người nói ở mọi nơi, nhất là ở các nước xã hội chủ nghĩa thì tính dân chủ ấy càng được đề cao và coi trọng. Thế nhưng tinh thần dân chủ ấy có từ khi nào? Đây có lẽ là một câu hỏi nhiều học giả muốn tìm hiểu. Theo người viết thì tinh thần dân chủ ấy có từ cách đây gần ba ngàn năm qua hình thức thực tiễn và sinh động – một cộng đồng sống – tổ chức Tăng đoàn Phật giáo.

1. Xã hội dân chủ

Dewey[1] xem dân chủ như là một lối sống hơn là một hệ thống quản trị tốt. Dân chủ không phải là giá trị hành vi hay phương tiện cho con người mà nó là sự tự do hành động như là phương tiện duy nhất cho sự tiến hóa có sẵn nơi mỗi cá nhân. Có nghĩa rằng một lối sống mà con người tự do làm chủ.

Một xã hội dân chủ phải dựa trên thuyết chủ quyền đồng thuận và một nguyên lý quản trị bầu cử có hệ thống công khai và bình quyền. Thể chế chính trị ấy thừa nhận nhân dân là gốc quyền lực thông qua phương pháp bầu cử. Nền dân chủ trong lịch sử chính trị là cai trị theo số đông hoặc cai trị bởi quần chúng. Quyền lực của nhân dân khác với cai trị bởi một người hay nhóm người, mà nó là một quyền lực mà mọi công việc chỉ được quyết định khi mọi thành viên trong tổ chức chính trị ấy đều có quyền bình đẳng và đồng thuận chấp nhận. Mọi người đều có quyền tham gia quyết định chính trị, công dân đều có quyền tiếp cận quyền lực một cách bình đẳng. Đây là định hướng quan trọng để đảm bảo sự tốt đẹp cho xã hội phát triển tự do, văn minh, dân chủ và công bằng.

Dylan Taylor cho rằng dân chủ sẽ luôn hiện diện nếu một chủ thể phi căn tính dám đứng lên tiến hành một cuộc giằng co. Các hình thức dân chủ là những hình thức được hiện thực hóa bởi các cuộc giăng co đã đưa đến kết quả.[2] Như vậy dân chủ chính là kết quả của một quá trình tranh đấu, để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nói cách khác dân chủ có mặt khi không còn đấu tranh.

2. Tinh thần dân chủ trong Tăng đoàn Phật giáo

“Tăng già Phật giáo là một tổ chức hoàn toàn dân chủ, hoạt động dựa trên giáo pháp và giới luật của Đức Phật. Tất cả mọi hoạt động của Tăng già đều phải được tác bạch yết-ma đúng pháp trước sự hiện diện đầy đủ của các thành viên và phải được toàn thể Tăng già biểu quyến trước khi thực hiện. Im lặng là dấu hiệu nhất trí tán thành lời tác bạch. Mọi thành viên của Tăng già đều có quyền lên tiếng phản đối ý kiến tác bạch. Nếu có bất kì thành viên nào phản đối thì lời tác bạch không thành tựu.”[3] Mọi thành viên Tăng đoàn đều có quyền bình đẳng trong việc biểu quyết Tăng sự (yết-ma). Trong thiết chế dân chủ hiện đại thì kết quả được quyết định dựa trên đại đa số, không nhất thiết phải là tất cả. Nhưng Tăng già chủ trương dân chủ đồng thuận tuyệt đối, phiếu biểu quyết phải là toàn thể Tăng chúng hiện diện đồng ý chấp thuận. “Khi pháp yết-ma đã được làm xong, có nghĩa là Tăng chúng đã hoàn toàn (100%) nhất trí quyết định vấn đề đã được đưa ra.”[4]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tinh than dan chu trong tang doan Phat giao 1

Yết-ma là dịch âm từ chữ Kamma (Pāli), có nghĩa là làm, là hành động có tác ý. Hành động này do một tập thể Tỳ-kheo thanh tịnh và hòa hợp biểu quyết nên gọi là Tăng già yết-ma. Yết-ma được hiểu là bỏ phiếu, nghị sự, quyết định, giải quyết các sự việc trong cộng đồng Tỳ-kheo. Ðây là phương pháp tuyên cáo trong khi tiến hành các việc thọ giới, tranh luận, giải quyết các vấn đề của chư Tăng. Pháp yết-ma được xem là thành tựu khi nó có đầy đủ bốn điều kiện: Đủ túc số Tăng (ấn định cho mỗi loại yết-ma), giới trường phải được ấn định rõ ràng đúng luật theo từng pháp yết-ma, hình thức yết-ma được thực hiện đúng, tất cả các thành viên hiện diện đều đồng ý. Điểm này thể hiện tinh thần bầu cử dân chủ và giá trị của mỗi thành viên tham gia. Vị nào cùng trú xứ mà vắng mặt vì có lý do chính đáng thì phải có người đại diện báo cáo và có lời xin tuân theo quyết định của Tăng già.[5] “Nếu có vị tỳ-kheo nào bị bệnh mà không thể tham gia yết-ma thì phải gửi lời thỉnh cầu.”[6]

Đạo Phật không có người đứng đầu chỉ đạo Tăng chúng như thể chế quân chủ. Ngay cả đức Phật cũng không, ngài chỉ là bậc Đạo sư[7], chỉ là người chỉ đường: “Người giỏi về đường sá, này Tissa, là ví cho Như Lai.”[8] “Như Lai chỉ là người chỉ đường.”[9] Ngài khẳng định ngài không phải là người lãnh đạo chúng Tăng “Như Lai không nghĩ rằng: Ta sẽ là vị dẫn đầu chúng Tỷ-kheo, Chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta.”[10] Không vị tỳ-kheo nào được Thế Tôn sắp đặt sau khi ngài nhập diệt sẽ là người lãnh đạo Tăng đoàn: “Này Bà-la-môn, không có một vị Tỷ-kheo nào được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán Chính Ðẳng Giác sắp đặt: Vị này, sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các ông, và các ông sẽ y chỉ vị này.”[11]

Đức Phật đã bày tỏ, thể hiện rõ ràng quan điểm và thái độ không ưng thuận đối với vấn đề người lãnh đạo khi Đề-bà-đạt-đa muốn thay đức Phật dẫn dắt Tăng chúng.[12] Ngay cả việc vị này đưa ra năm điều mà chư Tăng phải làm suốt đời đã bị đức Phật từ chối.[13] Bởi vì đức Phật chủ trương Trung đạo và ngài không bao giờ có suy nghĩ mang tính ép buộc ai. Trong đạo Phật hoàn toàn không có chuỗi thẩm quyền về mệnh lệnh. Đức Phật không bao giờ yêu cầu chúng đệ tử phải làm như này như kia, mà ngài luôn đặt câu hỏi để cho chúng đệ tử tự trả lời và tự nhìn nhận vấn đề. Ngài dạy chỉ có Pháp và Luật là điểm nương tựa cho chúng đệ tử: “Sau khi ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy là đạo sư của các ngươi.”[14]

3. Lời Phật dạy về sự lớn mạnh của cộng đồng

Sự suy giảm của một cộng đồng bắt nguồn tự sự tranh chấp, cộng đồng ấy sống không đồng đẳng về giới thể, người thanh tịnh kẻ cấu uế, không đồng đẳng về lợi dưỡng, tri kiến, bất đồng về quan điểm. Vậy nên, đức Phật khi thành lập Tăng đoàn ngoài việc dạy pháp lục hòa[15] tạo sự tương thân, tương ái, tương kính, đem lại đời sống hòa hợp, nhất trí, thanh tịnh trong Tăng chúng. Ngài còn chế ra bảy pháp diệt tránh[16] để đưa đến chấm dứt, dập tắt và làm cho an tịnh các tranh luận.

Bên cạnh đó, ngài dạy phương thức để Tăng đoàn tồn tại lâu dài là tứ chúng sống phải biết tôn trọng và vâng lời bậc đạo sư, vâng lời pháp, vâng lời chúng Tăng, vâng lời học pháp, vâng lời lẫn nhau.[17] Và Bảy pháp để không làm cho suy giảm bất cứ một cộng đồng xã hội nào[18] là: Mọi người trong cộng đồng ấy thường hay tụ họp với nhau. Mọi người tụ họp, giải tán và làm việc đều trong niệm đoàn kết. Không một ai có quyền ban hành các luật lệ chưa được ban hành và hủy bỏ các luật lệ đã được ban hành, mọi người nên sống đúng với truyền thống vốn có. Mọi người trong cộng đồng ấy tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão và nghe theo lời dạy của các vị này. Toàn bộ phụ nữ và các bé gái phải được tự do và bình đẳng. Mọi người nên đảnh lễ, cúng dường các tự miễu, không bỏ phế các cúng lễ từ trước đúng với quy pháp. Mọi người nên bảo hộ, che chở và hộ trì đúng pháp các vị A-la-hán.

Trong bảy điều trên, người viết chú trọng vấn đề thứ ba. Một trong những điều kiện để cộng đồng được hưng thịnh và tồn tại lâu dài đó chính là không được thêm hay sửa đổi, bỏ bớt các luật đã chế định. Điều này cho người viết liên hệ đến lời di giáo của đức Phật “Này Ānanda, nếu Tăng chúng muốn, sau khi ta diệt độ, có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết.”[19] Quả thật nếu đem so sánh, chúng ta thấy có điểm mâu thuẫn cực lớn.

Nhưng theo người viết, lời di giáo trên chỉ là một lối mở cho Tăng đoàn sau này, đức Phật biết rõ chúng đệ tử luôn mong muốn cho phật pháp phát triển mãi, cũng giống như đứa con thừa kế gia tài tổ tiên để lại. Nó không những bảo vệ, giữ gìn mà còn phát triển, làm lớn mạnh thêm gia tài ấy. Đối với vấn đề này ngài Mahākassapa thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Nếu chúng ta bỏ đi các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng, sẽ có những người nói rằng: các điều học đã được sa-môn Gotama quy định cho các đệ tử đến lúc người được hỏa táng. Khi nào bậc Đạo sư của họ còn tồn tại khi ấy họ còn học Phật các điều học. Bởi vì bậc Đạo sư của họ đã vô dư Niết-bàn nên giờ đây họ không còn học tập các điều học nữa.”[20] Rõ ràng rằng, Tăng đoàn bảo tồn những giới điều đức Phật đã chế định chính là thể hiện lòng tôn kính và tưởng nhớ bậc Đạo Sư, thể hiện tinh thần hộ trì phật pháp trường tồn.

Nói tóm lại, “Một cộng đồng chỉ có thể vận hành một cách hài hòa, tốt đẹp nếu luật lệ, nguyên tắc được chế định và áp dụng một cách dân chủ. Đức Phật đã thật sự nhận chân được lý tưởng này nên tổ chức Tăng đoàn của Ngài được xây dựng và vận hành trên nền tảng tư tưởng dân chủ.”[21] Tăng đoàn chính là một cộng đồng xã hội thu nhỏ. Trong cộng đồng ấy, từ thời đức Phật tại thế tinh thần dân chủ đã được thể hiện ở một mức độ cao hơn so với lý tưởng dân chủ ngày nay.

Thích nữ Quảng Hiền – Học viên lớp Thạc sĩ Phật học khóa V – Học viện PGVN tại Tp.HCM

Tài liệu tham khảo
1. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2006), Kinh Pháp cú, Pháp cú 276, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Tăng chi bộ, Tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Tăng chi bộ, Tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
4. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Trung bộ kinh, Tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
5. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Trung bộ kinh, Tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
6. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Trường bộ kinh, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
7. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Tương ưng bộ, Tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
8. Dylan Taylor, Nguyễn Vương Tuấn, Đào Thị Hồng Hạnh, Trương Hoàng Anh Thư dịch (2021), Phong trào xã hội và nền dân chủ trong thế kỷ XXI, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
9. Tạng Luật, Bộ Hợp phần, Đại phẩm, Tập 1, Tỳ khưu Indacanda dịch (2021), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
10. Tạng Luật, Bộ Hợp phần, Tiểu phẩm, Tập 2, Tỳ khưu Indacanda dịch (2021), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
11. Thích Chơn Thiện (2018), Phật học khái luận, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh.
12. Thích Chơn Thiện (2019), Tăng già thời đức Phật, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh.
13. Thích Tâm Minh (2022), Tổng quan Tam tạng Pāli, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
14. Viên Trí (2016), Ý nghĩa giới luật, Nxb. Phương Đông, Hồ Chí Minh.

Chú thích:
[1] John DeWey, Nguyễn Sỹ Nguyên dịch (2022), Dân chủ và giáo dục, Nxb. Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, tr. viii.
[2] Dylan Taylor, Nguyễn Vương Tuấn, Đào Thị Hồng Hạnh, Trương Hoàng Anh Thư dịch (2021), Phong trào xã hội và nền dân chủ trong thế kỷ XXI, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.187.
[3] Thích Tâm Minh (2022), Tổng quan Tam tạng Pāli, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.213-214.
[4] Thích Chơn Thiện (2018), Phật học khái luận, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, tr.480-481.
[5] Thích Chơn Thiện (2019), Tăng già thời đức Phật, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, tr.100.
[6] Tạng Luật, Bộ Hợp phần, Đại phẩm, Tập 1, Tỳ khưu Indacanda dịch (2021), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 326.
[7] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2006), Kinh Pháp cú, Pháp cú 276, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.76.
[8] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Tương ưng bộ, tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.733.
[9] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Trung bộ, tập 2, Kinh Gaṇaka Moggalāna, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.329.
[10] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Trường bộ kinh, Kinh Đại Bát Niết-bàn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.298.
[11] Trung bộ, tập 2, Kinh Gopaka Moggalāna, sdd, tr.332.
[12] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Tăng chi bộ kinh, tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.716.
[13] Tạng Luật, Bộ Hợp phần, Tiểu phẩm, Tập 2, Tỳ khưu Indacanda dịch (2021), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.216.
[14] Trường bộ kinh, kinh Đại Bát Niết-bàn, sdd, tr.337.
[15] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Trung bộ, tập 1, kinh Kosambiya, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.394.
[16] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Tăng chi bộ, tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.285
[17] Tăng chi bộ, tập 1, sdd, tr.823.
[18] Tăng chi bộ, tập 2, sdd, tr.186-187.
[19] Trường bộ kinh, kinh Đại Bát Niết-bàn, sdd, tr.337.
[20] Bộ Hợp phần, Tiểu phẩm, Tập 2, sdd, tr. 404.
[21] Viên Trí (2016), Ý nghĩa giới luật, Nxb. Phương Đông, Hồ Chí Minh, tr.59.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường