Trang chủ Tình mẹ cha

Tình mẹ cha

Tình cha mẹ trong xã hội được biểu hiện đa dạng với những hành động cụ thể khác nhau. Chúng ta có thể bắt gặp những bà mẹ tảo tần, lặn lội sương gió, yêu thương, che chở và hy sinh cả cuộc đời mình vì con cái; bắt gặp người con hiếu thảo, chăm sóc, bảo vệ mẹ già. Đó đều là hành động minh chứng cho tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp và đáng trân trọng.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Tình cha mẹ trong xã hội được biểu hiện đa dạng với những hành động cụ thể khác nhau. Chúng ta có thể bắt gặp những bà mẹ tảo tần, lặn lội sương gió, yêu thương, che chở và hy sinh cả cuộc đời mình vì con cái; bắt gặp người con hiếu thảo, chăm sóc, bảo vệ mẹ già. Đó đều là hành động minh chứng cho tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp và đáng trân trọng.

Tác giả: TT Th.s Thích Thiện Hạnh
Phó Viện truởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội

Từ khi sinh ra chúng ta đã có tình yêu thương của ông bà cha mẹ, của bạn bè thầy cô…Tình thương đó là mở đầu cuộc sống, đã theo sát bên ta suốt cả cuộc đời. Khi ta còn nhỏ, nó nuôi lớn và chăm sóc cho ta. Khi ta lớn lên một chút, tình thương ấy luôn dạy dỗ cho ta bao bài học bổ ích mỗi ngày. Khi ta khôn lớn, nó sẽ chắp cánh cho những ước mơ hoài bão của ta, nâng ta lên bầu trời rộng lớn, dẫn ta bước tới đúng bến bờ tương lai của mình. Khi ta trưởng thành, tình thương ấy, dần trở thành động lực giúp ta làm việc, thay người vực ta dậy, mỗi khi ta buồn đau thất vọng. Nhưng cũng chính nó, lại giúp ta dần dần bước tới bến bờ của thành công. Có lẽ, tình yêu thương đó là một phép màu diệu kì!

Cho nên trong cuộc sống nhân sinh, con người sống không thể thiếu tình thương, mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết “Tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên… ”. Vì vậy tình thương của cha, tình yêu của mẹ, là thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, là chiếc la bàn giúp ta định vị được những hướng đi đúng đắn trong cuộc sống. Nó không giống như tình cảm bạn bè, cũng không phải là tình cảm khi ta yêu một người nào đó, mà là tình cảm của cha mẹ dành cho con cái. Không ai trong chúng ta không có tình cảm này. Vì lẽ đó mà tình yêu thương của cha mẹ sẽ mang lại một nền tảng ấm áp cho cuộc sống của các con các cháu.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tinh Me Cha 1

I. Tình Thương yêu của cha mẹ

Chúng ta điều biết, thông thường tình cảm bắt nguồn từ các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Riêng tình cảm cha mẹ, đối với con cái là do được khơi dậy từ tình yêu thương tự nhiên. Tình thương yêu ấy là sự tự nguyện hi sinh không điều kiện. Bằng chứng là nó không hề bắt đầu từ một hình thức “hợp đồng” hay “giao kèo” để ấn định sự lời lỗ giữa hai bên cha mẹ và con cái. Con cái bất luận là trai hay gái, bình thường hay mang dị tật, cha mẹ đều yêu thương, nuôi dưỡng, không ngại ngùng công lao cực khổ và tính toán với con cái. Chính vì thế, tình cảm cha – mẹ – con cái và ngược lại, đạo làm con đối với cha mẹ là quan hệ “máu mủ ruột rà”, có ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó nhất của con người. Nó là nền tảng để xây dựng những mối quan hệ tình cảm khác trong xã hội. Cho nên tình yêu thương là chất keo gắn kết tâm hồn.

Cha như mặt trời, mẹ như mặt trăng. Cha tuy đôi lúc lành lùng, cấm đoán, nghiêm khắc với con nhưng những điều đó chỉ mong muốn con trở thành người, cũng như ánh mặt trời vậy, tuy gay gắt, nóng bức và khó chịu, nhưng nhờ mặt trời mà cỏ cây hoa lá hấp thu quang hợp tạo ra khí ôxi, nhờ đó mà ta có ôxi để thở.

Mẹ như mặt trăng, luôn dịu hiền, dìu bước ta qua màn đêm tăm tối, bao dung những lỗi lầm của đứa con thơ dại của mình. Mẹ già hơn trăm tuổi vẫn thương con 80.

Cho nên chúng ta thấy tình mẹ cha, to lớn không gì có thể thay thế được, cho dù đó là thiên nhiên kỳ vĩ. Vì vậy mà Ông cha ta khuyên mỗi người chúng ta phải làm tròn chữ hiếu để bù đắp cho cha mẹ. Cho nên trong kinh Tương Ưng Đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả”. Và trong kinh Phạm Võng có dạy rằng:“Này các Thầy Tỳ Kheo! Nếu người nào biết ơn và đền ơn cho dù ở cách xa Ta ngàn dặm, nhưng ta vẫn xem người đó như đứng hầu gần bên Ta. Còn nếu như người nào không biết ơn và đền ơn, cho dù người đó có đứng hầu gần bên Ta nhưng Ta vẫn xem họ cách xa ngàn dặm”. Vậy khi nhắc đến mẹ đều vô cùng xúc động và bồi hồi. Đó là tình mẫu tử thiêng liêng không gì có thể so sánh được. Mẹ là người đã sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta nên người, mẹ hy sinh tất cả chỉ để con được ấm no. Đức hy sinh của mẹ làm rung động cả trời xanh. Chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết được tình yêu thương bao la và đức hy sinh mãnh liệt của mẹ. Chỉ có những hành động nhỏ của mẹ cũng đủ khiến trái tim ta xúc động mạnh mẽ. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và bất diệt.

Chính vì vậy mà chúng ta vẫn thường gặp những áng văn, bài thơ của các nhà văn, nhạc sĩ viết rất hay, rất chân thực và xúc động về tình yêu thương cao cả của mẹ dành cho con lớn lao thế nào“Lòng mẹ bao la như biển thái bình”. Hoặc là “Tình mẹ cao như mây trời, rộng như biển cả. Mẹ là người có thể thay thế bất cứ ai khác, nhưng không ai có thể thay thế được mẹ. Mẹ là người tuyệt vời nhất trên thế giới này”, tình của mẹ dành cho con cái, sâu thẳm như đại dương, mênh mông như biển cả. Cho nên trong kinh Tâm Địa quán có ghi: “Mẹ hiền còn sống là mặt trời giữa trưa chói sáng; Mẹ hiền khuất bóng là mặt trời đã lặn; Mẹ hiền còn sống là mặt trăng sáng tỏ; Mẹ hiền khuất rồi là đêm tối âm u.” Vậy chúng ta có biết tình thương của mẹ to lớn đến nhường nào? Có lẽ đây là câu hỏi khiến mỗi chúng ta phải suy ngẫm nhiều nhất trước khi trả lời. Cho đến nay, vẫn chưa có ai có thể đưa ra một câu trả lời phù hợp, bởi vì tình thương của mẹ quá bao la không thể nào đong đếm được.

Những tiếng bập bẹ đầu đời, nó luôn gọi tên những người gần gũi với chúng nhất. Đó là cha, là mẹ! Điều tôi muốn nói ở đây là tình cảm của cha mẹ và con cái đã trở thành thứ tình cảm trường tồn, vượt qua không gian, thời gian và những biến đổi của các yếu tố trong xã hội. Chính vì vậy, chúng ta phải biết quý trọng và phải vun đắp tình cảm này, trở nên ý nghĩa và to lớn hơn. Cho nên chúng ta phải biết:

“Công cha như núi Thái Sơn;

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh núi Thái Sơn cao vời vợi và nước trong nguồn vô tận kia được đem ra so sánh với “công cha, nghĩa mẹ”. Cha mẹ sinh ra con, nuôi con khôn lớn để mau thành người. Tấm lòng của cha mẹ dành cho con thật là vô tận, công lao ấy chỉ có thể so sánh với núi sông hùng vĩ và trường cửu mà thôi. Vì vậy, khi ta trưởng thành có thể tự lo cho cuộc sống, ta phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ và luôn luôn đem lại niềm vui cho cha mẹ. Công ơn của cha mẹ như trời biển nên những việc ta làm không thể đền đáp đủ được. Chính vì thế, bằng tình cảm biết ơn cha mẹ tự đáy lòng, ta phải cố gắng hết sức và chân thành tự nguyện phụng dưỡng cha mẹ mình. Đó là một phần bổn phẩn của con cái trong gia đình và là tình cảm của con cái đối với cha mẹ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tam hieu la tam phat hanh hieu la hanh phat 1

II. Công ơn sinh thành

Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, luôn là tình cảm thiêng liêng quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta, cho nên phận làm con, nên ghi lòng tạc dạ để làm tròn chữ hiếu. Tình mẹ cha với tình thương yêu dành cho con cái không hề vơi cạn, mà còn lung linh dịu ngọt, êm đềm bay bổng theo dòng chảy thời gian, để dưỡng nuôi những mầm sống được lớn khôn và trở thành hữu ích trong thế giới con người.

1. Tình cha

Tình cảm cha con thường được xem như là một trong những tình cảm đẹp nhất và thiêng liêng nhất trong cuộc sống. Nó mang lại cho con người cảm giác an toàn, ấm áp và yên bình, cũng là người bảo vệ, và là người cố vấn, người đồng hành trong cuộc sống. Mối quan hệ cha con có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, người có thể đóng vai trò của người bạn, người thầy, là một nguồn động lực giúp con cái hiểu được ý nghĩa của cuộc sống. Đây là một tình cảm chứa đầy sự kiên nhẫn, sự hi sinh, và tình yêu thương vô điều kiện.

Cha lo lắng cho con từng miếng ăn giấc ngủ, chăm sóc con lúc nóng lạnh ấm đầu, dạy dỗ con từ lúc bập bẹ ê a cho đến ngày khôn lớn trưởng thành, cha vẫn mãi lo cho con đến hơi tàn tắt lịm, cả đời cha cặm cụi lao nhọc chỉ vì hạnh phúc của đàn con thân yêu. Vì cuộc sống ấm no trọn vẹn đôi đường tinh thần vật chất của các con, cha hy sinh nào có ngại khổ gì gian nan, cha bươn chải, tảo tần, thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương, dãi dầu mưa gió tìm kế mưu sinh để cho các con theo kịp với người. Mặc dầu bận bịu với tháng ngày lao nhọc, cha vẫn không quên dành thời gian chăm chút, dạy dỗ, hướng dẫn con trong đại học trường đời. Cha nhẹ nhàng dìu bước chân con, nâng con dậy mỗi lần con vấp ngã. Cha rèn luyện cho con ý chí kiên cường và lòng quyết tâm, giúp con ươm xanh những ước mơ và hoài bảo của mình, dẫn dắt con thơ làm quen với sương gió, gian khổ để sau này con dễ hòa nhập và vững bước trên đường đời vạn nẻo khi không còn bóng hình cha bên cạnh.

Tình cảm giữa cha và con là một nguồn cảm hứng vô tận. Tình cảm này đem lại niềm hy vọng và sức mạnh để vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. Những giây phút ấm áp khi được cha ôm vào lòng, những lời động viên và khuyến khích từ người cha sẽ luôn ở trong trái tim con cái mãi mãi. Tình cảm giữa cha và con là một nguồn động lực để con cái phấn đấu trở thành những người tốt hơn, và để cha cảm thấy hạnh phúc khi thấy con cái mình phát triển và thành công trong cuộc sống. Vì vậy, tình cảm cha dành cho con không được thể hiện rõ như tình mẫu tử nhưng nó luôn thường trực, nhưng lại là một mối quan hệ quan trọng và cần thiết đối với mỗi người trong cuộc đời. Cho nên chúng ta cần có tình yêu thương, kính trọng cha mình từ trong tâm hồn để thể hiện tình phụ tử một cách chân thành và đầy ý nghĩa. Tình phụ tử cũng là nền tảng để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha và con.

Nếu ai đó thử trầm mình vào thế giới của cha, thì sẽ khám phá ra một kỳ quan tuyệt hảo nhất là trái tim thương yêu vô bờ bến của cha, một tình thương dạt dào bát ngát như biển trời, chẳng khác nào tình thương của mẹ. Nhưng tình cha hiếm khi biểu lộ ra bên ngoài mà nó biểu lộ bằng sự âm thầm lặng lẽ lại mộc mạc đơn sơ. Chính sự âm thầm lặng lẽ, không lời của cha đôi khi làm cho các con vô tình lãng quên đi sự hiện diện của cha trong cuộc đời mình. Cũng vì thế mà hình tượng người cha hiền kính yêu của chúng ta bị lu mờ bên ánh hào quang rực rỡ của mẹ trong hầu hết các áng văn thơ. Trong kho tàng văn chương của nhân loại, có biết bao áng thơ văn ngợi ca về mẹ với đầy đủ chi tiết hình ảnh, ngôn từ đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất. Đó cũng là niềm kiêu hãnh, là điều diễm phúc của tất cả những người con. Nhưng bên cạnh đó, hình ảnh người cha lại mờ ảo, nhạt nhòa khiến cho cõi lòng một vài người con phải xít xa tê tái. Thử hỏi trong áng văn thơ đã có được bao nhiêu bài nhắc đến tình cha.

>> Mời quý đạo hữu đọc tuyến bài viết chủ đề Vu lan thắng hội

Ngược lại, cha là người luôn chu toàn bổn phận, luôn ngọt ngào, nồng ấm bên cạnh cuộc đời con. Chỉ lặng lẽ bên con như bóng với hình, từng bước chân con đi luôn có bóng hình cha đều bước. Nếu mẹ là lời ru đưa con vào giấc ngủ thì cha sẽ là tiếng đàn giữ cho lời ru thêm ấm mãi. Nếu mẹ là mặt đất ôm ấp đàn con, thì cha sẽ là bầu trời trong xanh cho con vươn mình trong nắng ấm. Cha lo lắng cho con từng miếng ăn giấc ngủ, chăm sóc con lúc nóng lạnh ấm đầu, dạy dỗ con từ lúc bập bẹ ê a cho đến ngày khôn lớn trưởng thành, cha vẫn mãi lo cho con đến hơi tàn tắt lịm, cả đời cha cặm cụi lao nhọc chỉ vì hạnh phúc của đàn con thân yêu.

Tình cha không những lai láng dịu mềm như dòng nước mà nó còn ấm áp, đượm nồng như vầng thái dương, uy nghi sừng sững, oai hùng như núi Thái luôn che chắn bão giông cho con được tắm mình dưới bầu trời quang đãng. Cha âm thầm, lặng lẽ như chiếc bóng theo sát cuộc đời con và che chở con bằng bóng râm mát dịu của đời mình. Vì vậy, dù mai đây trên vạn nẻo đường đời, mong rằng các người con đừng bao giờ lãng quên một điều, cuộc sống của ta có được hôm nay là do sự đắp xây và đánh đổi bằng cả cuộc đời hy sinh thầm lặng của cha, từng nhịp thở, từng bước chân ta luôn có sự hiện diện của cha trong đó. Diễm phúc thay cho những ai còn cha xin hãy cố gắng nâng niu, trân quý, phụng dưỡng, kính thờ để chuỗi ngày dài khỏi hối tiếc ăn năn. Vì vậy, chúng ta cần phải biết lưu giữ bóng hình cha bằng sự thể hiện qua lời nói, ý nghĩ, việc làm tốt đẹp, thì người ấy đã giữ được bên mình suối nguồn tươi mát thiêng liêng nhất của tình cha. Chỉ một việc tưới tẩm cuộc đời con, dù các con có ngoảnh mặt hay hân hoan đón nhận thì tình thương kia vẫn canh cánh bên lòng không một chút lãng xao, luôn âm thầm chở che, dìu dắt và dõi theo từng bước chân bé bỏng của con đang chập chững bước vào đời. Tình cha, tình mẹ sẽ mãi mãi là một bản tình ca muôn đời bất diệt của các con. Cho nên chúng ta đừng quên cái đạo nghĩa làm con và biết trân quý những gì đã và đang thừa hưởng từ cha mẹ.

2. Tình Mẹ

Trong đời sống hàng ngày, một khi nói về công ơn của người mẹ chúng ta thường hay liên tưởng đến câu ca dao: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Nghĩa mẹ” ở đây chúng ta nên hiểu là “Tình thương của mẹ” mà “Suối nguồn tình thương của mẹ” thì không bao giờ vơi cạn. Khi nhắc đến sự hy sinh vất vả của mẹ, cũng là lúc để các con quay trở về bên mẹ. Cuộc đời của mẹ đã lột tả một cách sinh động “Người phụ nữ sinh con trở thành người mẹ”. Mẹ đã ‘mang nặng đẻ đau và khi vượt cạn’ lại thường được ví sánh trong câu buồn: “Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà vượt cạn đơn côi một mình”, ý muốn nói đến sự chịu đựng cơn đau đẻ tách cái ruột rà, máu mủ của ‘cha sinh, mẹ dưỡng’ thành hình hài cho con cái của người mẹ.

Mẹ từ lúc mang thai đến khi về già. Đó là hình ảnh mẹ luôn bên con từ khi con còn nhỏ dại đến khi ta trưởng thành. Đến lúc ta khôn lớn cũng là lúc mắt mẹ yếu, lưng mẹ còng phải dựa vào con. Rồi cũng đến lúc mẹ từ bỏ cõi đời.“Con hãy vững tin trên con đường vì mẹ luôn ở cạnh các con. Mẹ luôn sát cánh bên con dù đường đời còn nhiều gian nan, trắc trở”. Mẹ sẽ đưa con qua giông tố cuộc đời. Mẹ già không quản ngại nắng mưa vất vả ngược xuôi lo lắng cho con ăn học thành tài. Hạnh phúc của mẹ là được nhìn thấy các con khôn lớn.“Trong màn đêm lạnh giá, một ngọn nến sẽ soi sáng và sưởi ấm cho mọi vật. Trong cuộc đời mỗi con người, ngọn nến đó chính là mẹ!”. Có thể thấy, mẹ lúc nào cũng thương con, luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Vì thế những ai còn mẹ thì hãy yêu thương mẹ thật nhiều để bù đắp lại những quãng thời gian mẹ đã lo cho chúng ta. Đối với những đứa con thì mẹ là điều tuyệt vời nhất trong suốt cuộc đời. Dù thời gian bao lâu, dù con người ta già đi thì tình yêu của mẹ dành cho con luôn bao la. Cho nên Phật bảo A-Nan: Công ơn từ mẫu, gồm có mười điều, phàm kẻ làm con, phải lo báo hiếu. Những gì là mười điều?

1. Nhớ ơn mẹ ta, chín tháng mười ngày, cưu mang nặng nhọc.

2. Nhớ ơn mẹ ta, khi sinh lúc nở, đau đớn vô cùng.

3. Nhớ ơn mẹ ta, khi sinh lúc nở, quên cả âu lo.

4. Nhớ lại công ơn, mẹ ăn miếng đắng, lại nhả miếng ngon, dành dụm cho con.

5. Nhớ lại công ơn, chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo xê con.

6. Nhớ ơn mẹ ta, ba năm bú mớm, nuôi nấng thuốc thang, trong khi sài đẹn.

7. Nhớ ơn mẹ ta, giặt diệm hong phơi áo quần dơ dáy, tanh hôi mẹ đành cam chịu.

8. Nhớ ơn mẹ ta, khi đi đâu xa, vì thương nhớ con, trong lòng cầy cậy, một phút chẳng ngơi.

9. Nhớ công ơn mẹ, vì sinh nuôi con, mà mẹ cam lòng tạo bao nhiêu ác nghiệp.

10. Nhớ công ơn mẹ, lòng rất thương con, trọn đời yêu dấu, không phút nào ngơi.

Ai trong chúng ta trên đời này, đều được mẹ sinh ra, mẹ nuôi nấng, quan tâm, chăm sóc và răng dạy chúng ta nên người. Mẹ trong tiềm thức của mỗi người con chúng ta là một người mẹ dịu hiền, yêu thương con, lo lắng cho gia đình. Mẹ sớm hôm vất vả chỉ mong sao con được no ấm, học hành nên người. Vì vậy sự yêu thương và ngưỡng mộ với mẹ, xem mẹ là niềm tin và động lực để có tiến bước hàng ngày.

Trong mắt mẹ, con muôn đời vẫn là con, dù con đã lớn, đã trưởng thành, đã yên bề gia thất, thậm chí, có những người may mắn khi lên tuổi lão vẫn còn mẹ. Tình thương của mẹ là mạch nguồn đổ về cho con cái là vô bờ bến, không dứt. Tình thương đó gắn với trách nhiệm bảo bọc dù bao người mẹ đã quá già bởi thời gian và những nhọc nhằn của đời, nhưng hằn trong tâm trí, sâu thẳm của trái tim nồng nàn, tấm lòng bao dung… mẹ luôn có trách nhiệm với con cái mình. Mẹ vẫn thế, luôn nhắc con cẩn thận khi đi đường, mặc áo ấm khi trời lạnh, đội mũ khi trời nắng… Bỗng nhớ đến bài thơ Con cò của nhà thơ Chế Lan Viên: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi suốt cuộc đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Hình ảnh về mẹ đẹp luôn in đậm trong tâm trí mỗi người. Đặc biệt, với những người con phải tha hương cầu thực, đi làm ăn xa, không có điều kiện ở bên cạnh cha mẹ thì hình ảnh đẹp về mẹ luôn mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng to lớn.

Hình ảnh mẹ thật đẹp, ấm áp và tràn đầy tình yêu thương con cái. Mẹ nhịn ăn, nhịn mặc, quên bản thân mình để giành những điều tốt đẹp nhất cho những đứa con yêu thương của mình. Những kỉ niệm đẹp đẽ bên mẹ những khi được mẹ bế ẵm, ôm vào lòng, được mẹ chở đi chơi, đi học, được mẹ mua quần áo đẹp, được mẹ chải tóc, được mẹ đánh đòn, được mẹ nấu món ngon chờ con mỗi khi con đi học, đi làm về muộn…Dù con có lỗi lầm thì vòng tay mẹ vẫn luôn chào đón con quay về. Dù ngoài kia mưa bão thì vẫn có mẹ dang tay đón con, bao bọc, che chở cho con như còn thơ bé. Đã biết bao người dù đã lên chức ông, chức bà nhưng khi còn cha mẹ già vẫn được bố mẹ yêu thương, chăm sóc, nhường cho miếng ăn ngon, manh áo đẹp. Hình ảnh mẹ yêu thương con tới cuối cuộc đời, tới khi nhắm mắt xuôi tay.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Minh Man Cai hoa bao hieu 2

III. Bông Hồng cài trên ngực áo

Mỗi năm, cứ đến lễ Vu lan hay còn gọi là lễ Phụ thân, Mẫu thân- biết ơn về Cha Mẹ, nhiều người có tín ngưỡng hay không, đều muốn cài bông hồng lên áo của cha mẹ mình như một nghĩa cử của tấm lòng chân thành, yêu quý mẹ- cha. Có lẽ, người cha mẹ nào không vui, không thấy lòng mình ấm lại, không tự hào, không hy vọng từ cái đạo lý của con cái. Nhưng, có đủ chưa hay chỉ là hình thức nếu con cái không thực hiện đạo lý đó trong cách sống của mình.

Cha mẹ, còn là niềm vui, niềm an ủi lớn trong cuộc đời của mỗi con người, khi nhắc đến điều này, với những người không còn cha mẹ, không sao tránh khỏi sự chạnh lòng, rồi đến lúc cũng như mọi người không còn cha mẹ. Những dịp cài hoa trên áo tặng mẹ cha, chúng ta điều chứng kiến những dòng nước mắt nghẹn ngào của những người đã mồ côi cha mẹ khi họ hát, họ ca về tình cha mẹ. Đó là giây phút cảm xúc dâng trào, hình ảnh của người cha già và người mẹ hiện lên trong tưởng nhớ, trong mường tượng, trong tình cảm nhất, thiêng liêng nhất cùng với khát khao, ước muốn và tiếc nuối. Giá như thời gian quay trở lại, chúng ta sẽ không làm cha mẹ buồn, không làm cho cha mẹ lo lắng, khổ tâm, đau lòng… và chúng ta sẽ nghe lời cha mẹ, sẽ làm theo lời cha mẹ, và kính trọng yêu thương, chăm sóc cha mẹ. Nhưng rồi cuối cùng chúng ta nhận lại sự hối tiếc. Dù sao đi nữa, sự hối tiếc với bao điều về mẹ cha cũng nhắc cho chính lòng mỗi chúng ta về nguồn cội, về tâm thiện lành trong đời của những người được cha mẹ sinh ra, chúng ta khi lớn lên, đã biết, đã hiểu thì thời gian đã qua rồi, có những người thì cha mẹ đã đi xa, xa mãi. Vì thế, ai còn cha mẹ hãy biết chân trọng, yêu thương, quan tâm nhiều hơn, giành thời gian nói chuyện nhiều hơn. Vì tuổi cha già mẹ yếu có thể lẫn, có thể quên nhưng tình thương cha mẹ dành cho con thì không bao giờ thay đổi.

Tình cha mẹ trong xã hội được biểu hiện đa dạng với những hành động cụ thể khác nhau. Chúng ta có thể bắt gặp những bà mẹ tảo tần, lặn lội sương gió, yêu thương, che chở và hy sinh cả cuộc đời mình vì con cái; bắt gặp người con hiếu thảo, chăm sóc, bảo vệ mẹ già. Đó đều là hành động minh chứng cho tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp và đáng trân trọng. Tình mẫu tử như một bài ru ngọt ngào, tiếp thêm động lực, sức mạnh cho cả mẹ và con trước bất kì khó khăn, gian khổ nào của cuộc đời. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn không khỏi đau xót và phẫn uất trước tình trạng tha hóa đạo đức khi mẹ ruột nhẫn tâm vứt bỏ con cái của mình, khi con cái đánh đập, bất hiếu với cha mẹ già đã tảo tần hi sinh ngày nào….Họ không phụng dưỡng cha mẹ khi về già, thậm chí là có hành động chửi bới, đánh đập cha mẹ. Thậm chí, có những chà già mẹ yếu, những người con, còn ra tay giết chết máu mủ ruột già của mình, chỉ vì sự nóng giận, ích kỉ. Những hành động đó đã và đang diễn ra một cách trần trụi và nhức nhối, bóp méo đi hai chữ “mẫu tử” thiêng liêng, gây ảnh hưởng xấu đến văn minh xã hội. Những hành động đó gây ra những tổn thương tâm lý và làm hỏng mối quan hệ giữa cha mẹ và con. Điều này cũng khiến cho tình phụ tử không còn được trân trọng và giá trị như trước đây. Chính vì vậy, chúng ta cần có giải pháp kịp thời để ngăn chặn hành vi đi trái với đạo đức đó, cưu mang, cứu giúp kịp thời những hoàn cảnh đáng thương của sự suy đồi về nhân cách của con người.

Chúng ta là những người con đều mắc nợ cha mẹ mình. Cái nợ đó chính là trong sự hối tiếc, của lương tâm con người trong thân phận làm con. Nợ đó chẳng có người mẹ nào đòi nhưng lương tâm của con cái mà ai cũng phải biết và sẽ mãi mãi không bao giờ trả được. Cái nợ của tình yêu quá lớn lao trong cuộc đời này.

Đạo làm con đối với cha mẹ là tâm hiếu. trong nhà Phật dạy rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật – Hạnh hiếu là hạnh Phật” Nghe tưởng chừng như đơn giản ấy mà không phải thế. Nghe tưởng chừng như dễ thực hiện thế mà không phải như vậy. Con cái phải có hiếu – ai cũng nói được nhưng không phải ai cũng sống có hiếu được. Bao nhiêu câu chuyện kể, bao nhiêu tích chuyện ở đời, bao nhiêu cảnh thực của đời… liên quan đến chữ hiếu mà người đi trước dùng để răn dạy cho người đi sau (con chái cháu chắt của chính mình). Thế mà, chữ hiếu cứ phải nhắc đi nhắc lại trong đời sống của con người đối với con cái qua bao nhiêu đời vẫn không sợ thiếu, vẫn không dư thừa. Vì vậy, chúng ta cần nhận thức rõ tình mẫu tử và thể hiện nó bằng những hành động cụ thể để bảo vệ, tôn trọng, yêu thương mẹ mình. Việc thể hiện tình cảm với cha mình không chỉ giúp bản thân ta trưởng thành mà còn giúp gia đình ta luôn tràn đầy tình yêu thương và hạnh phúc.

IV. Kết luận

Mùa Vu Lan dù sẽ đi qua, nhưng hương sắc của mùa hoa hiếu hạnh không chỉ dừng lại ngay đó mà nó luôn vun bồi và hằng đắp trong mỗi phút giây thực tại của cuộc sống, chính vì thế, một người con có thành nhân là nhờ sự thừa hưởng hài hòa giữa tình cha tình mẹ. Thiếu một trong hai yếu tố ấy thì người con đã mất đi phân nửa cuộc đời.

Cho nên, tình cha sẽ mãi mãi hiện hữu trên bước đường của những người con đang trực diện quay về, ngay trong từng tâm niệm của chúng ta, để cho hương thơm của hoa hiếu hạnh ngàn đời vẫn luôn tỏa rạng, cho đạo lý từ bi từ đây được khai hoa kết trái trong vườn ươm đạo lý nhiệm mầu giải thoát.

Tác giả: TT Th.s Thích Thiện Hạnh
Phó Viện truởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường