Tịnh độ Phật A-súc-bệ chính là gắn kết niềm an vui giải thoát của mỗi người vào sự giải thoát an vui của tất cả mọi người. Khi nội tâm an lạc, không loạn động, cõi Diệu Hỷ hiện ngay trước mắt. Ngược lại, khi tâm thức muộn phiền, buồn giận, oán trách, thế giới Diệu Hỷ không thể mở bày.
Tác giả: Sương Hồng Số 66/72 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.21, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM
Tóm tắt: Tư tưởng tịnh độ phát triển mạnh vào giai đoạn phát triển và phân phái Phật giáo Đại thừa. Vô số quốc độ trang nghiêm của chư Phật được giới thiệu từ hệ thống kinh điển đến các luận thư, từ nghiên cứu đến giảng giải đã tạo nhiều động lực, niềm tin cho hành giả tịnh độ. Tuy vậy, trong trào lưu xiển dương pháp môn tịnh độ, cõi nước cực lạc phương Tây của đức Giáo chủ A Di Đà nhanh chóng được tiếp nhận và lan tỏa, trong khi quốc độ chư Phật ở các hướng Thượng, Hạ, Đông, Nam lại ít được biết đến. Bài viết “Tịnh độ của Phật A-súc-bệ” nhằm giới thiệu thêm pháp môn hành trì hướng về tịnh độ của đức Phật A-súc-bệ. Qua đó, hành giả tịnh độ có thêm tư liệu tìm hiểu về lịch sử pháp môn tu tập cũng như tiến trình phát triển của tịnh độ qua các giai đoạn khác nhau.
Từ khóa: Tịnh độ, Phật A-súc, Phật A-súc-bệ, an lạc, giải thoát.
Dẫn nhập
Cùng với vị Phật kiếp tương lai Di Lặc Bồ-tát (S. Maitreya) - chủ quản cõi trời Đâu Suất, đức Phật A-di-đà (S. Amitabha, Amitayus) - giáo chủ phương Tây, giáo chủ nước Diệu Hỷ (S. Abhirati) ở phương Đông là Phật A-súc-bệ hay A-súc hay A-sơ (S. Aksobhya) hiệp thành ba tư tưởng tịnh độ nổi bật trong hệ thống kinh điển Đại thừa[1] thời Ngài Long Thọ (S. Nāgārjuna).[2] Đây cũng là điều học giả Kimura Taiken nhấn mạnh trong Đại thừa Phật giáo Tư tưởng luận: “tư tưởng A Sơ này, tuy đã tản mát trong các kinh, nhưng đến khi Chi Lâu Ca Sấm dịch kinh A Sơ Phật Quốc, và Bồ Đề Lưu Chi dịch Hội Bất Động thứ 6 trong kinh Bảo Tích, thì nó mới được biên tập thành hệ thống”.[3]
1. Nguồn gốc Phật A-súc-bệ
Trong A-súc Phật quốc kinh, có viết: “東方去是千佛剎有世界名阿比羅提。其佛名大目如來無所著等正覺。為諸菩薩說法及六度無極之行者乎。時有比丘。從坐起正衣服。右膝著地. 向大目如來。叉手白大目如來言。唯天中天。我欲如菩薩結願學所當學者爾時其菩薩摩訶薩。用無瞋恚故。名之為阿閦。用無瞋恚故住阿閦地。其大目如來無所著等正覺佛語舍利弗。爾時其大目如來無所著等正覺。授阿閦菩薩無上正真道決。汝為當來佛。號阿閦如來無所著等正覺”。
Nghĩa là “ở thời quá khứ, cách đây một nghìn cõi Phật về phương Đông, có thế giới A-tì-la-đề. Lúc bấy giờ, đức Đại Mục Như Lại xuất hiện. Ngài vì các Bồ-tát mà nói sáu độ. Sau khi nghe pháp, có một vị Bồ-tát phát tâm vô thượng đạo, nguyện đoạn dứt sân hận, dâm dục cho đến chứng thành chính giác. Đức Như Lai Đại Mục hoan hỷ, ban cho đức hiệu A-súc. Phật A-súc ngự tại thế giới A-tì-la-đề ở phương Đông và đang thuyết pháp nơi đó”.[4]
Kinh Pháp Hoa ghi lại là trước khi thành Phật, Đại Thông Trí Thắng Như Lai có mười sáu người con trai. Mười sáu vị này, trong nhiều tiền kiếp đã từng cúng dường chư Phật, tu hành phạm hạnh thanh tịnh, cầu đắc thành đạo quả. Trong kiếp hiện tại, các vị xuất gia làm Sa-di, nghĩa là quyết chí dứt bỏ phiền não, cầu đạo tịch tĩnh. 16 vị Sa-di ấy đều tu hành thành Phật, hiện đang thuyết pháp ở mười phương. Trong đó, có vị làm Phật ở phương Đông, tên là A-súc ở nước Hoan Hỷ.[5]
A-súc Phật cũng chính là con trai tên là Mật-tô của Vua Vô Tránh Niệm[6] tu hành thành Phật, hiệu là A-súc, giáo chủ nước Diệu Lạc ở tại phương Đông được lưu lại trong kinh Bi Hoa. Thái tử Mật-tô đã từng có tiền kiếp đối trước chư Phật, phát nguyện tu tập đến ngày viên mãn. Ở hiện tại kiếp Thái tử cũng tiếp tục phát đại nguyện chứng thành Phật quả. [7]
2. Ý nghĩa Phật hiệu A-súc-bệ
Trong Kinh A-súc-bệ Phật có đoạn: A-súc Phật hiệu là Vô Sân Nhuế, ở nước A-tỳ-la- đề phương Đông.[8] A Súc Bệ là biểu thị trí tánh sẵn có bất động, tự nhiên.[9]
Theo Mật tông, “Akshobhya (tiếng Phạn: अक्षोभ्य, Akṣobhya) có nghĩa là người bất động, thoát khỏi mọi sân hận. Phật A-súc là một trong năm vị Phật ở Kim cương giới, tượng trưng cho Đại viên Cảnh Trí”.[10]
Phật Quang Đại từ điển có viết: “A Súc Phật 阿 閦 佛, Phạn là Akṣobhya Buddha, là danh hiệu Đức Phật hiện tại ở phương Đông. Gọi tắt là A-súc, còn được gọi là A-súc-bệ Phật, A-sô-tì-da Phật, Á-khất-sô-tì-da Phật. Dịch ý là Bất động Phật, Vô động Phật, hoặc là Vô nộ Phật, Vô sân Phật”.[11]
China Buddhism Encyclopedia định danh: “Akshobhya means a Buddha said to be lord of the land of joy, located in the east. Akshobhya means immovable, hence this Buddha is also known by the name Immovable. [12] (tạm dịch: A-súc-bệ là vị Phật cai quản vùng đất Hỷ lạc ở phương Đông. A-súc-bệ có nghĩa là không động, nên Phật A-súc còn được gọi là Phật Bất Động).
Đại sư Ấn Thuận viết rằng, trong thế giới chư Phật, Phật A-súc (Akṣbhya-Buddha) ở thế giới Đông Phương Diệu Hỷ (Abhirati) và Phật A-di-đà (Amitābha-Buddha) ở Tây Phương Cực Lạc (Sukhāvatī) phổ biến nhiều hơn chư Phật ở các quốc độ khác.[13]
Như vậy, Phật A-súc-bệ có nghĩa là Phật Bất Động, Phật Vô Động, Phật Vô Sân. Tịnh độ của Đức Phật A-súc-bệ ở phương Đông và có tên là Diệu Hỷ (Abhirati).
3. Đặc trưng cõi nước Diệu Hỷ
3.1. Cõi công đức của Phật
Trong kinh Duy Ma Cật, Đức Phật đã thuyết giảng cho đại chúng như thế này: “các ông hãy xem, cõi nước Diệu Hỷ, Phật Vô Động Như Lai, nước đó trang nghiêm tốt đẹp, chúng Bồ-tát hạnh thanh tịnh, hàng đệ tử toàn trong sạch”.[14] Cũng trong Duy Ma Cật, nước Diệu Hỷ của Phật A-súc còn được miêu tả rất thù thắng. Đó là cõi nước “hoa sen quý có thể làm Phật sự trong mười phương, ba đường thềm báu từ cõi Diêm-phù-đề đến cõi trời Đao-lợi. Do thềm báu này, chư thiên đi xuống để làm lễ cung kính Đức Vô Động Như Lai và nghe thọ kinh pháp, người ở cõi Diêm-phù-đề cũng lên thềm báu đó mà đi lên cõi trời Đao-lợi để ra mắt chư thiên kia. Cõi nước Diệu Hỷ thành tựu công đức vô lượng như thế”.[15] Lại nữa, “từ cõi Phật này, đến cõi Phật khác, cúng dường chư Phật, lắng nghe, giữ gìn chánh pháp, đắc Đà-la-ni, tu hành như điều đã giảng nói, đều được thành tựu trí tuệ không thể nghĩ”.[16]
Kinh Đại Bát Nhã còn ghi nhận thêm về cõi tịnh của Đức Phật A-súc tốt đẹp như sau: “bằng năng lực thần thông làm cho chúng đều thấy Như Lai Bất Động Ứng Chánh Đẳng Giác, với đại chúng Thanh văn, Bồ-tát vây quanh tuyên thuyết chánh pháp cho đại hội như biển lớn chẳng động, và thấy tướng nghiêm tịnh của cõi kia. Thanh văn Tăng cõi đó đều là A-la-hán, các lậu đã sạch, không còn phiền não, được chơn thật tự tại, tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn, như ngựa khôn được điêu luyện, cũng như rồng lớn, việc đáng làm đã làm xong, đã vứt bỏ gánh nặng, đạt được lợi ích cho chính mình, dứt các kiết sử, chính trí giải thoát, đạt đến tâm tự tại rốt ráo đệ nhất. Bồ-tát Tăng ở cõi đó, tất cả đều là những vị mà mọi người đều biết. Các ngài đã đắc Đà-la-ni và vô ngại biện, thành tựu vô lượng công đức vi diệu, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể đo lường”.[17]
3.2. Cõi nước trời người phát nguyện tái sinh
Trong kinh Thậm Thâm Đại Hồi Hướng, đức Phật dạy rằng, sau khi Ngài thuyết pháp môn sâu dày, có trăm ngàn trời, người nguyện vãng sinh về cõi nước Diệu Lạc của Phật A-súc.[18]
Cõi Diệu Hỷ của Phật A-súc, không chỉ riêng trưởng giả Duy Ma Cật sẽ tái sinh sau khi mạng chung mà có vô người người phát nguyện sinh về được đức Thế Tôn xác chứng trong bản kinh Duy Ma Cật.
Bát Nhã Ba La Mật ghi lại lời đức Phật dạy như sau: “Này A Nan! Hằng Già Bà Đề nầy sẽ thành Phật ở đời vị lai trong kiếp Tinh Tú, hiệu là Kim Hoa Phật. Này A Nan! Nữ nhơn nầy sau khi chết sẽ thọ thân nam tử, sinh về nước Diệu Hỷ của Đức Phật A-súc. Ở nước Diệu Hỷ đó tu phạm hạnh thanh tịnh”.[19]
Như vậy, cũng như thế giới cực lạc phương Tây, cõi Diệu Hỷ phương Đông của Phật A-súc cũng là nơi phàm thánh đồng cư. Chư vị thánh, phàm phát nguyện tái sinh nơi tịnh độ Phật A-súc để tiếp tục tu hành đến ngày thành tựu.
4. Pháp môn tu tập về tịnh độ Phật A-súc-bệ
Đại Bảo Tích có đoạn “ở nước Diệu Hỷ, các Bồ-tát an trụ ở chân thật cũng như vậy, các Bồ-tát thanh tịnh ấy, nay ông cần phải biết. Này Xá-lợi-phất! Các Bồ-tát ở nước Diệu Hỷ hoặc đã sinh, đang sinh, hoặc sẽ sinh, tất cả đều thực hành nhất hạnh, đó là an trụ nơi Phật hạnh”. Ngoài đoạn kinh vừa dẫn, Đại Bảo Tích còn ghi lại nhiều phương pháp tu luyện để được tái sinh cõi Diệu Hỷ của đức Phật A-súc như sau:[20]
- Lúc hành Bồ-tát, phát thệ lớn rồi nguyện sinh về nước Diệu Hỷ. - Mỗi khi thực hành Bố thí, Giới hay Tuệ Ba-la-mật-đa, đều đem hồi hướng Vô thượng Bồ-đề. - Thực hành thiền định viên mãn. - Rời bỏ tâm Nhị thừa. - Thường niệm Phật, Pháp và Tăng. - Hồi hướng căn lành Bát-nhã ba-la-mật-đa đến Đức Như Lai Bất Động. - Quán tưởng cảnh phương Đông có chư Phật thuyết pháp, rồi phát nguyện chứng thành Phật quả như Phật A-súc.
Như vậy, thông qua các điều kiện để vãng sinh về cõi tịnh độ của Phật A-súc ghi nhận trong kinh Đại Bảo Tích, một điều nhận thấy rất rõ là người thực hành cần phát nguyện hồi hướng về nước Diệu Hỷ. Yếu tố “nguyện” được xem là tất yếu cho tất cả hành giả Tịnh độ tông, và đây cũng là triết thuyết “hữu cầu tất ứng” mà Đại thừa Phật giáo mở bày cho tín độ quy ngưỡng về Phật pháp.
Bên cạnh đó, hành giả phát nguyện về nước Phật A-súc còn thực hành Bồ-tát hạnh như thuyết pháp, bố thí, trì giới, v.v. Điều này cũng được khẳng định trong Luận sử Tịnh độ: quốc độ của Phật A-súc “có công đức vô lượng, nếu có ai muốn vãng sanh đến quốc độ Diệu Hỷ thì phải tu hạnh Bồ-tát Lục độ và Bát-nhã Không quán, niệm thánh hiệu của các đức Phật”.[21]
Những điều kiện vãng sinh về nước Diệu Hỷ còn được ghi nhận trong kinh Bát Nhã. Một trong những điều được Bát Nhã đề cập là nếu so với cõi Cực Lạc phương Tây của Đức A-di-đà, thì phương diện lý tưởng hóa, phương diện đạo đức, xã hội và văn hóa ở cõi Diệu Hỷ phương Đông của Phật A-súc mang sắc thái đặc thù hơn. Hành giả Phật Diệu Hỷ thực hành “quán không” trong kinh Bát-nhã làm trọng yếu, là nền tảng tự lực vãng sinh, không phải cầu tha lực.
Như vậy, việc tu tập theo để đến được cõi tịnh độ của Đức Phật A-súc đã mở ra nhiều pháp môn tu học cho hành giả Tịnh độ, đặc biệt là hành sáu hạnh Bồ-tát: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
Lời kết
Rõ ràng, khi nội tâm an lạc, không loạn động, cõi Diệu Hỷ hiện ngay trước mắt. Ngược lại, khi tâm thức muộn phiền, buồn giận, oán trách, thế giới Diệu Hỷ không thể mở bày. Với tâm hồn an vui, hoan hỷ, thanh tịnh, hành giả đã đặt chân vào tịnh độ Phật A-súc. Không dừng lại việc chỉ lo an vui cho riêng mình, hành giả tịnh độ Phật A-súc còn hóa độ chúng sinh thông qua nhiều hoạt động thiện nguyện, thuyết pháp, bố thí,... Tịnh độ Phật A-súc-bệ chính là gắn kết niềm an vui giải thoát của mỗi người vào sự giải thoát an vui của tất cả mọi người.
Tác giả: Sương Hồng Số 66/72 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.21, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM *** CHÚ THÍCH[1] Xem thêm Buddhist Thought in India: Three Phases of Buddhist Philosophy của Edward Conze do Ann Arbor Paperbacks ấn hành năm 1962, hoặc Indian Buddhism: A survey with Bibliographical notes do Hajime Nakamura viết, Motilal Banarsidass Publishers phát hành tại Delhi năm 1987, hoặc Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận do Kimura Taiken viết, Thích Quảng Độ dịch, Nxb. Tôn giáo ấn hành năm 2012. [2] Kimura Taiken, Thích Quảng Độ (dịch), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb. Tôn giáo, 2012, tr. 86. [3] Sđd., tr. 87-88. [4] Đại tập 45, A-súc Phật quốc, Thích Tịnh Hạnh (dịch), Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 313-320 [5] Kinh Pháp Hoa, H.T Thích Trí Tịnh (dịch), Nxb. Tôn giáo, 2001, tr. 217-258. [6] Vua Vô Tránh Niệm là một trong những tiền kiếp của Đức Phật A-di-đà. [7] Kinh Bi Hoa, Nguyễn Minh Tiến (dịch và chú giải), Nguyễn Minh Hiển (hiệu đính Hán văn), Nxb. Tôn giáo, 2011, tr. 432-480. [8] Đại Tập 132, Kinh A Di Đà Sớ, Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 212. [9] Như Hòa (dịch), Di Đà hợp giải, Nxb. Phương Đông, 2007, tr. 364. [10] Xem thêm “Bardo Hành trình Liễu sinh thoát tử: Hộ niệm người lâm chung” của Drukpa Việt Nam do Nxb. Tôn giáo ấn hành năm 2016. [11] Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại từ điển, Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, 1999, tr. 68b-69a. [12] http://www.chinabuddhismencyclopedia.com/en/index.php/Akshobhya [13] Ấn Thuận, Thích Quảng Đại (biên dịch), Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn độ, Nxb. Dân Trí, 2020, tr. 149. [14] Duy Ma Cật, Thích Huệ Hưng (dịch), Nxb. Thiền viện Tập Thành, 1951, tr. 116. [15] Sđd., 1951, tr. 115-116. [16] Đại Tập 69, Thậm Thâm Đại Hồi Hướng, Thích Tịnh Hạnh (dịch), Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 525. [17] http://anphat.org/book/index/-quyen-565:-pham-trong-can-lanh-02-+-pham-pho-chuc-+-pham-kien-bat-dong phat/1304/5042/7031/7232 [18] Đại Tập 69, Thậm Thâm Đại Hồi Hướng, Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 525. [19] Bát Nhã Ba La Mật, Thích Trí Tịnh (dịch), Nxb. Thời đại, 2012, tr. 346. [20] Đại Tập 42, Đại Bảo Tích, Quyển 20, Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 433. [21] http://www.tuvienquangduc.com.au/tinhdo/78luansutongtinhdo01.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO Ấn Thuận, Thích Quảng Đại (biên dịch), Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn độ, Nxb. Dân Trí, 2020. Đại Tập 42, Đại Bảo Tích, Quyển 20, Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000. Đại Tập 45, A-Súc Phật Quốc, Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000. Đại Tập 69, Thậm Thâm Đại Hồi Hướng, Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000. Đại Tập 132, Kinh A Di Đà Sớ, Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000. Kimura Taiken, Thích Quảng Độ (dịch), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb. Tôn giáo, 2012. Bát Nhã Ba La Mật, Thích Trí Tịnh (dịch), Nxb. Thời đại, 2012. Kinh Bi Hoa, Nguyễn Minh Tiến (dịch và chú giải), Nguyễn Minh Hiển (hiệu đính Hán văn), Nxb. Tôn giáo, 2011. Duy Ma Cật, Thích Huệ Hưng (dịch), Nxb Thiền Viện Tập Thành, 1951. Kinh Pháp Hoa, H.T Thích Trí Tịnh (dịch), Nxb. Tôn giáo, 2001. Robert E. Buswell Jr. & Donald S. Lopez Jr., Princeton dictionary of Buddhism, Princeton University Press, 2014. T.W. Rhys David & William Stede, Pali-English dictionary, PTS. Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại từ điển, Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, 1999. Drukpa Việt Nam, Bardo Hành trình Liễu sinh thoát tử: Hộ niệm người lâm chung, Nxb. Tôn giáo. Edward Conze, Buddhist Thought in India: Three Phases of Buddhist Philosophy, Ann Arbor Paperbacks, 1962. Hajime Nakamura, Indian Buddhism: A survey with Bibliographical notes, Motilal Banarsidass Publishers, 1987.
Bình luận (0)