MỞ ĐẦU
Từ xưa đến nay, vũ trụ luôn là vấn đề mang tính thần bí và khoa học, thách thức mọi cái nhìn của các nhà hiền triết tâm linh lẫn khoa học thực nghiệm. Song đối với nhân loại nói chung và các nhà khoa học nói riêng, cho đến nay vẫn là một khái niệm, đây cũng là một đề tài tranh luận và kéo dài lâu nhất ở các giới khoa học như triết học, vật lý học, thiên văn học, toán học,… Khi nói đến vũ trụ thì các nhà khoa học hiện đại thường đề cập tới hai yếu tố cơ bản đó là không gian và thời gian, nhưng cho đến nay quan niệm đó dường như đã lung lay?
Nguồn gốc của thế giới (vũ trụ) được bắt đầu từ đâu? Một câu hỏi ngắn ngọn nhưng đã làm cho các bộ óc vĩ đại của các nhà nghiên cứu thế giới phải đau đầu để tìm tòi, nhưng cho đến nay những lời giải đáp đó chưa được thuyết phục, ngoài ra còn có các tôn giáo lớn trên thế giới cũng có những quan điểm về thế giới (vũ trụ) trong đó có Phật giáo.
Cách đây 2600 năm về trước, đức Phật thị hiện tại vùng đất Ấn Độ với mục đích tìm ra nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ, nhưng với giai cấp thời bấy giờ phân biệt quá khắt khe mà Ngài không thể chấp nhận được, bởi vì xã hội Ấn Độ đã ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo cổ là Ba-la-môn và họ cho rằng họ được sinh ra từ miệng của đấng Phạm Thiên nên họ rất cao quý, đấng Phạm Thiên có quyền tối cao, có thể tạo ra tất cả. Để phá vỡ những suy nghĩ của những vị Bà La Môn kia về sự phân biệt giai cấp, đức Phật đã thuyết kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Aggañña Sutta) để làm sáng tỏ về vấn đề sự hình thành của thế giới và nguyên nhân xuất hiện giai cấp cho các vị đạo Bà La Môn hiểu.
NỘI DUNG
1. Khái quát kinh Trường Bộ
Trong hệ thống kinh Pāli Nikāya gồm 5 bộ, trong đó Trường Bộ kinh (Dīgha Nikāya) thuộc bộ đầu tiên, gồm 34 bài kinh dài, tương ứng với 30 bài kinh trong Trường A-hàm thuộc kinh tạng Hán truyền và có 6 bộ kinh trong Trường Bộ không có kinh tương ứng trong Trường A Hàm: Mahāli Sutta, Jāliya Sutta, Subha Sutta, Mahāsatipaṭṭhāna Sutta, Lakkhana Sutta và Atānatiya Sutta. Trường Bộ là bộ kinh ít số trang nhất trong 5 bộ kinh Pāli.
Vấn đề được đức Phật đề cập trong kinh Trường Bộ là các cuộc đối thoại về tôn giáo và triết học giữa đức Phật và các vị Sa môn và Bà La Môn đương thời, thông qua đó giúp ta hình dung được phong trào tôn giáo và triết học thời Phật, đồng thời cho ta thấy triết học thực tiễn của đức Phật vượt nên trên các tôn giáo hữu thần và vô thần thời đức Phật. Kinh này được chia làm 3 phẩm: 1.Phẩm giới uẩn (Sālakkhandha Vagga Pāli) gồm 13 bài kinh nói về đạo đức (Sīla) chuẩn mực, thanh cao; 2.Đại Phẩm (Mahā Vagga Pāli) gồm 10 kinh đề cập về cuộc đời đức Phật và một số giáo pháp căn bản; 3.Phẩm Ba Lê (Pathika Vagga Pāli) có 11 kinh nói về vũ trụ luận, cách tu của ngoại đạo, trách nhiệm gia đình, xã hội và tâm linh. Hiện nay, kinh Trường Bộ được dịch ra tiếng Anh với nhiều tác giả, bản dịch tiếng Việt thì có HT.Thích Minh Châu và được coi là bản dịch đúng nhất với nguyên tác Pāli.
2. Quan niệm về thế giới quan của các nhà Triết học và tôn giáo
2.1. Quan niệm của các nhà Triết học
Vũ trụ sinh ra từ đâu, phát triển như thế nào và tương lai vũ trụ này sẽ ra sao? Đây là dấu hỏi lớn đối với các nhà hiền triết Đông phương lẫn Tây phương. Theo một số nhà triết học tiêu biểu Tây phương thì quan niệm về thế giới như:
Triết gia Thales sống khoảng 624 TCN – 546 TCN, là nhà triết học duy vật sơ khai, ông giải thích các hiện tượng tự nhiên đều phát xuất từ nước và ông cho rằng nước là khởi nguyên của vũ trụ, thế giới này không gì khác hơn đó là những trạng thái khác nhau của nước[1].
Theo triết gia Anaximenes (588 – 525 TCN), ông nghiên cứu về nhất nguyên luận vật chất chủ trương vạn vật xác định và ông cho rằng khí là khởi nguyên của thế giới.[2]. Còn triết gia Héraclite (544 – 483 TCN), là nhà duy vật, chủ trương vạn vật biến dịch, hư vô, ảo ảnh và bất đồng tính, ông cho rằng lửa là uyên nguyên và là bản nguyên của thế giới.[3]
Còn đối với các nhà triết học Đông Á như Khổng Tử thì ông không quan tâm đến việc giải thích thế giới, không chú ý nhiều đến trời đất, quỷ thần. Ông cho rằng trời đất chẳng qua chỉ là giới tự nhiên, trong đó bốn mùa thay đổi, vạn vật sinh ra. Như vậy, về vấn đề này Khổng Tử chỉ đưa ra những ý kiến lấp lửng, không rõ ràng, dứt khoát.[4]. Ngoài ra, Lão Tử lại cho rằng nguồn gốc của vũ trụ là “một vật mung lung sinh ra trước trời đất lặng lẽ, trống không, độc lập không đổi, chuyển động không ngừng, là mẹ của thiên hạ”. Lão Tử nói đó là đạo, như vậy trời đất quỷ thần cũng do đạo sinh ra.[5].
Không những thế, Trang Tử (369-286 TCN) cho rằng đạo là nguồn gốc của vạn vật, trời đất, thần thánh, nhưng ông lại quá nhấn mạnh tính chất hư vô và tính bất khả thi của đạo. Ông nói: “Lấy lí mà nói thì đạo là cái dường như động mà không động, dường như có hình thể mà lại đổi thay luôn, cho nên đạo ấy vô vi mà không có hình thể nhất định. Vì thế, đạo có thể truyền lại mà không thể nhận được, có thể hiểu được mà không trông thấy, tự nó là nguồn gốc của nó, từ khi chưa có trời đất và từ thời xa xưa nó vẫn tồn tại. Đạo ấy làm ra thần người, thần trời, sinh ra trời đất. Nó có trước cả thái cực mà không cho là cao, dưới sáu bể mà không cho là sâu, có từ trước khi có trời đất mà không cho là cũ, lớn hơn cả thời thượng cổ mà không cho là già”.[6].
2.2. Đạo Bà La Môn
Khoảng 800 năm TTL, trước khi đức Phật đản sinh ở Ấn Độ thì đạo Bà La Môn được hình thành và xuất hiện trên cơ sở Vệ Đà giáo, thờ đấng Brahma là đấng tối cao, tối linh và là linh hồn vũ trụ, tức là đại ngã, là đại vũ trụ, là đại linh hồn (Atman) hay thường gọi là Thượng đế và cho rằng con người, thế giới do Thượng đế sáng tạo và sự phân chia giai cấp cũng từ đây mà ra.
3. Thế giới quan Phật giáo
3.1. Thế giới bắt đầu từ đâu
Đức Phật thị hiện ở thế gian là tìm nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ, là người chỉ đường cho chúng sinh đi đến giác ngộ. Suốt 45 năm thuyết pháp, đức Phật đã mang giáo lý truyền bá khắp nơi, trong suốt cuộc đời hoằng pháp lợi sinh Ngài cũng tùy căn cơ và nhân duyên để giáo hóa. Có những câu hỏi đối đáp Ngài trả lời và có những câu Ngài im lặng vì nó không đề cập đến vấn đề tu tập và giải thoát, mang tính triết lý cao siêu, khó hiểu. Như trong Tiểu kinh Māluṅkya đức Phật đã không trả lời vấn đề mà Māluṅkyāputta đang thắc mắc dù cho người ấy sẽ chết và vẫn không được Như Lai trả lời: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên,…”[7]. Với những quan điểm sai lầm về thế giới và vấn đề mang tính trừu tượng của các Sa môn, Bà La Môn, đức Phật khẳng định như sau:
“Những pháp ấy, này các Tỳ kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể phân biệt…những pháp ấy, những ai chân thật chân chính tán thán Như Lai mới nói đến”[8].
Ngoài ra, kinh Poṭṭhapāda, đức Phật cũng không trả lời cho vị du sĩ ngoại đạo Poṭṭhapāda về vấn đề: “thế giới là thường còn hay thế giới là vô thường; thế giới là hữu biên hay thế giới là vô biên, …”[9] và “Này Poṭṭhapāda, những câu hỏi này không thuộc về mục đích giải thoát, không thuộc về Pháp, không thuộc về căn bản của phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết-bàn, vì vậy Ta không trả lời.”[10].
Cho nên, những vấn đề không mang lợi ích dễ làm hoang mang thì đức Phật sẽ im lặng không trả lời, nhưng khi ta tìm lại trong Đại tạng kinh thì vẫn có những bài kinh đức Phật đã đề cập đến vấn đề thế giới và thế giới được bắt đầu từ đâu? Và đó là câu hỏi mà rất nhiều người đang tìm câu trả lời. Bởi vì, thế giới là vô cùng vô tận, biến hoại không ngừng:
“Này Vaseṭṭha, có một thời, đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển hoại. Trong khi thế giới chuyển hoại, các loại hữu tình phần lớn sinh qua cõi Abhassara (Quang âm thiên).... Này Vaseṭṭha, có một thời, đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển thành. Trong khi thế giới này chuyển thành, một số lớn chúng sinh từ Quang âm thiên thác sinh qua tại đây”[11].
Hay trong Trường A-hàm có đề cập tới thế giới như sau: “Trời đất thủy chung, khi kiếp tận băng hoại, chúng sinh mệnh chung đều sinh lên cõi trời Quang âm”[12].
Ngoài kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Aggañña Sutta) ra thì còn có kinh Phạm Võng (Brahmajāla Sutta) và kinh Ba Lê (Pātika Sutta) cũng đề cập đến thế giới, qua nội dung kinh vừa đề cập trên thì ‘thế giới chuyển hoại’, ‘thế giới chuyển thành’ nó đi theo như một chu kỳ có thành, có hoại hay nói cách khác là đó là nguyên lý vận hành của duyên khởi: sinh trụ dị diệt hay thành trụ hoại không và chúng nối liên tiếp với nhau như một mắt xích, không có điểm đầu và điểm kết.
3.2. Sự hình thành thế giới
Để tìm hiểu về bản chất và sự hình thành của thế giới được vận hành qua từng giai đoạn theo thời gian một cách liên tục không gián đoạn, được đức Phật nêu rõ trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Aggañña Sutta):
“Này Vāseṭṭha, lúc bấy giờ, vạn vật trở thành một thế giới toàn nướ, đen sẫm, một màu đen khiến mắt phải mù. Mặt trăng, mặt trời không hiện ra; sao và chòm sao không hiện ra; không có ngày đêm; không có tháng và nửa tháng; không có năm và thời tiết; không có đàn bà, đàn ông…. Sau một thời gian rất lâu, vị đất tan ra trong nước như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần, cũng vậy đất hiện ra... khi vị của đất đã biến mất... một loại nấm đất hiện ra... khi nấm đất biến mất, cỏ và cây leo hiện ra... khi các loại cỏ và cây leo biến mất, thời lúa xuất hiện.”[13].
Hay trong Trường A Hàm cũng đề cập về vấn đề này như sau:
“Về sau, cõi đất này thảy biến thành nước trùm ngập tất cả. Vào lúc ấy không có mặt trời, mặt trăng, các sao, cũng không có kể ngày đêm, năm, tháng, số tuổi. Duy có một vùng tối tăm bao la. Sau dần dần biển đó lại biến thành cõi đất.”[14].
Cứ như thế, vận hành liên tục, khi thế giới này hoại lại hình thành một thế giới khác tiếp nối, hội đủ nhân duyên, các yếu tố hòa hợp nhau, không thể tách rời nhau được. Cái này có mặt do hội đủ nhân duyên của nhiều yếu tố khác có sinh nên có diệt đó là trùng trùng duyên khởi. Và đức Phật đã khẳng định một điều rằng: “Này Bhaggava, Ta biết về khởi nguyên thế giới, Ta còn biết hơn thế nữa”[15], điều đức Phật đãm khẳng định Ngài biết nhiều hơn những gì mà Ngài nói ra nhưng những vấn đề đó không có mục đích đưa đến sự an lạc, giải thoát, Niết bàn, dễ làm cho hàng đệ tử có những suy luận sai lầm, hoang mang. Để làm rõ vấn đề trên đức Phật đã dạy tiếp:
“Thế Tôn nhặt lên một ít lá Simsapā. Các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo, cái gì là nhiều hơn, một số ít lá Simsapā mà Ta nắm lấy trong tay hay lá trong rừng Simsapā. Thật là quá ít bạch Thế Tôn, một ít lá Simsapā mà Thế Tôn nắm lấy trong tay,và thật là quá nhiều lá trong rừng Simsapā. Cũng vậy, này các Tỳ kheo thật là quá nhiều những gì Ta đã thắng tri mà không nói cho các ông! Thật là quá ít những gì mà Ta đã nói ra!”[16].
Để khẳng định lại một lần nữa về vấn đề siêu hình khi đề cập về thế giới, vì chúng không mang lại lợi ích gì cho sự tu tập giải thoát:
“Này Poṭṭhapāda, những câu hỏi này không thuộc mục đích giải thoát, không thuộc về pháp, không thuộc về căn bản phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, ly tham, đến tịch diệt,…vì vậy Ta không trả lời”[17].
Câu trả lời đem lại sự an lạc và lợi ích mà đức Phật muốn nói cho hàng đệ tử: “Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt và đây là con đường đưa đến khổ diệt.”[18]. Cho nên, đức Phật muốn đem những gì có lợi ích an lạc cho chúng sinh, muốn chúng sinh đi đúng con đường giải thoát, thoát khỏi những ngụy biện, chấp bản ngã và thế giới .
3.3. Bài học từ thế giới quan Phật giáo
Không chỉ đề cập về thế giới mà đức Phật còn đề cập về nhân sinh, để nói nên rằng không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, con người không phải từ Phạm Thiên sinh ra ở vị trí khác nhau rồi gán cho cái tên để phân biệt cao thấp:
“Các loại hữu tình phần lớn sinh qua cõi Abhassara (Quang âm thiên). Ở tại đây, những loại chúng sinh này do ý sinh, nuôi dưỡng bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh và sống như vậy trong một thời gian khá dài.”[19]
Hay trong Trường A Hàm có đoạn đề cập như sau:
“Các vị trời Quang âm đến lúc hết phước, mệnh chung, sinh xuống nơi này. Tuy sinh xuống đó, song vẫn ăn bằng niệm, còn có thần túc bay đi, thân còn tỏa sáng. Chúng sống như thế một thời gian lâu và ai cũng gọi nhau là chúng sinh! chúng sinh!”.[20]
Qua đoạn kinh trên, chúng sinh này là đầu tiên trên thế giới và khái niệm sinh ra là do ý niệm ‘loại chúng sinh này do ý sinh’, do đó không phải do một đấng Thần linh hay do Phạm thiên sinh ra ‘ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ ý tạo’, cho nên ý niệm ở đây đóng vai trò rất lớn và có phải chăng do ý niệm con người đã ảnh hưởng đến sự thành hoại của thế giới “Do kiêu mạn và kiêu ngạo, vị của đất biến mất, nấm đất biến mất, cỏ và cây leo biến mất”[21]. Vì vậy, do lòng tham kiêu ngạo và ý niệm chiếm hữu đã dần hình thành nên một thế giới khác do chính mình làm chủ.
Bởi vì qua u mê, chấp trước sai lầm, không hiểu được giáo lý duyên khởi, sự thành hoại đều có sự hỗ tương cho nhau và biến đổi không ngừng, chính ví đó mà không có gì là trường tồn vĩnh cửu, một khi đã vướng mắc và không hiểu duyên khởi dễ bị vướng vào ngã và ngã sở, sinh ra tà kiến.
“Có thì có tự mảy may Không thì cả thế gian này cũng không Có không bóng nguyệt lòng sông Ai hay không có, có không làm gì”. (Thiền sư Từ Đạo Hạnh)
KẾT LUẬN
Qua những vấn đề đã đề cập trên, đức Phật dạy cho chúng ta rằng những gì mang tính cao siêu huyền bí, không có ích trong việc tu tập giải thoát thì không nên cố chấp, bám víu vào đó. Ngài thị hiện ra thế gian là tìm ra chấn lý để đưa chúng sang thoát khổ, đó là mục đích khai thị cho chúng sinh. Không những thế, qua bài kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Aggañña Sutta): đức Phật muốn phá vỡ khái niệm về sự phân chia giai cấp quá khắt khe của xã hội Ấn lúc bấy giờ, không có ai có quyền sắp đặt cho mình giai cấp hết mà do chính chúng ta vì tâm quá si mê, chấp trước mà tạo nên.
Ngoài ra, Phật giáo luôn đề cao vấn đề giải quyết nỗi khổ niềm đau, đồng thời tìm ra phương pháp để mang lại sự an lạc cho nhân loại. Do đó, là người học Phật khi đã thấu hiểu được giáo lý Duyên khởi thì các vấn đề sẽ được làm sáng tỏ và tự tìm cho mình được câu trả lời. Nhưng ngày nay, xã hội đang trên đà phát triển con người vì thỏa mãn tâm tham, phù hợp với cuộc sống,... mà bất chấp mọi hành vi dẫn đến đạo đức đi xuống, đây là một trong những nguyên nhân làm cho xã hội nói chung và cả thế giới nói chung đang dần đi xuống.
Qua đó, thế giới và con người đều được tạo nên khi hội đủ nhân duyên và hệ thống của luật nhân quả, có sự hỗ trợ cho nhau để hình thành và chúng như một vòng tròn không có khe hở, nối tiếp nhau vận hành không ngừng. Nhờ giáo lý duyên khởi, chúng ta nhận thức được những quan niệm sai lầm và phá trừ được những kiến chấp, những vấn đề cao siêu không mang lại lợi ích cho việc tu tập, giải thoát.
Thích Nữ Huệ Đàm - Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM ------------------ CHÚ THÍCH: [1] Đinh Ngọc Thạch, Triết học Hy Lạp cổ đại, NXB.Chính trị quốc gia, 1999, tr.24. [2] Sđd, tr.28. [3] Sđd, tr.36. [4] Lương Ninh, Lịch sử thế giới cổ đại, NXB.Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.149. [5] Sđd, tr.148. [6] Sđd, tr.154. [7] Thích Minh Châu dịch, “Trung Bộ I”, Tiểu kinh Māluṅkya, NXB.Tôn giáo, 2012, tr.521. [8] Thích Minh Châu dịch, “Trường Bộ”, kinh Phạm Võng, NXB.Tôn giáo, 2013, tr.27. [9] Thích Minh Châu dịch, “Trường Bộ”, kinh Poṭṭhapāda, NXB.Tôn giáo, 2013, tr.172. [10] Sđd, tr.173. [11] Thích Minh Châu dịch, “Trường Bộ”, kinh Khởi Thế Nhân Bổn NXB Tôn Giáo, 2013, tr.548-549. [12] Tuệ Sĩ dịch, “Trường A-hàm I”, kinh Tiểu Duyên, NXB.Phương Đông, 2012, tr.247. [13] Thích Minh Châu dịch, “Trường Bộ”, kinh Khởi Thế Nhân Bổn, NXB.Tôn giáo, 2013, tr.549-551. [14] Tuệ Sĩ dịch, “Trường A-hàm I”, kinh Tiểu Duyên, NXB.Phương Đông, 2012, tr..248. [15] Thích Minh Châu dịch, “Trường Bộ”, kinh Ba-lê, NXB.Tôn giáo, 2013, tr.505. [16] Thích Minh Châu dịch, “Tương Ưng II”, kinh Simsapā, NXB Tôn Giáo, 2013, tr.798. [17] Thích Minh Châu dịch, “Trường Bộ”, kinh Poṭṭhapāda, NXB Tôn Giáo, 2013, tr.173 [18] Sđd, tr.173. [19] Thích Minh Châu dịch, “Trường Bộ”, kinh Khởi Thế Nhân Bổn, NXB.Tôn giáo, 2013, tr.548. [20] Tuệ Sĩ dịch, “Trường A-hàm I”, kinh Tiểu Duyên, NXB.Phương Đông, 2012, tr..248. [21] Sđd, tr.550.TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Minh Châu dịch, Trường Bộ, NXb.Tôn giáo, 2013. 2. Tuệ Sĩ dịch, Trường A-hàm, NXB.Phương Đông, 2012. 3. Thích Minh Châu dịch, Tương Ưng II, kinh Simsapā, NXB Tôn Giáo, 2013. 4. Thích Minh Châu dịch, “Trung Bộ I”, Tôn giáo, 2012. 5. Lương Ninh, Lịch sử thế giới cổ đại, NXB.Giáo dục Việt Nam, 2016. 6. Đinh Ngọc Thạch, Triết học Hy Lạp cổ đại, NXB.Chính trị quốc gia, 1999. 7. Thích Hạnh Bình, Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB.Phương Đông, 2017. 8. Bùi Biên Hòa, Đạo Phật và thế gian, NXB.Hà Nội, 1998. 9. Thích Chơn Thiện, Lý thuyết nhân tính qua kinh Tạng Pāli, 1999. 10. Đinh Ngọc Thạch, Triết học Hy Lạp cổ đại, NXB.Chính trị quốc gia, 1999.
Bình luận (0)