Trang chủ Lịch sử - Triết học Tìm hiểu duy thức tính trong Thành Duy Thức Luận

Tìm hiểu duy thức tính trong Thành Duy Thức Luận

Duy thức tính được lập ra, mục đích giúp hành giả nhận thức được bản chất của mọi sự vật hiện tượng, từ đó nỗ lực hành trì, chuyển Thức thành Trí. Đối với các kiến thức đã được lãnh thọ, tùy vào nghiệp lực chi phối và khả năng nhận thức, mỗi hành giả sẽ có cách ứng dụng riêng để đem đến lợi ích thiết thực cho bản thân.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Duy thức tính được lập ra, mục đích giúp hành giả nhận thức được bản chất của mọi sự vật hiện tượng, từ đó nỗ lực hành trì, chuyển Thức thành Trí. Đối với các kiến thức đã được lãnh thọ, tùy vào nghiệp lực chi phối và khả năng nhận thức, mỗi hành giả sẽ có cách ứng dụng riêng để đem đến lợi ích thiết thực cho bản thân.

Tác giả: Đại đức Thích Nhuận Giác
Học viên Thạc sĩ khóa II Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

Dẫn nhập

Duy thức học là môn tâm lý học Phật giáo trình bày thực tướng của vũ trụ nhân sinh. Hành giả khi đi vào nghiên cứu học tập và thực hành môn Duy thức, có thể vượt qua được lớp sương mù ảo ảnh để trở về với thực tại tối hậu chính là chân Duy thức tính.

Sau khi Duy thức trình bày về duy thức tướng, liền trình bày về Duy thức tính, để chúng ta nhận ra bản chất của thực tại. Từ đó, có thể tiến hành tu tập để thể nhập chân lý tối hậu. Duy thức tính được nói đến gồm: Tam tự tính, Tam vô tính và Duy thức thật tính.

Thực ra, thế giới của vọng thức và thế giới của chân tâm chỉ là một. Không cần phải loại bỏ đi thế giới của vọng thức, mà chỉ cần “xoay đầu trở lại”, thì thế giới của chân tâm hiện bày và thế giới của vọng thức ẩn tàng. Để hiểu rõ hơn về Duy thức tính được trình bày trong Thành Duy Thức Luận, người viết xin đi vào phần trình bày chi tiết.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Thành Duy Thức Học

NỘI DUNG

1. Tổng quan quá trình hình thành và phát triển của Duy thức

1.1. Định nghĩa Duy thức

Duy thức, có phiên âm tiếng Phạn gọi là Vijnana hoặc là Vijnapti, có nghĩa là phân biệt, nhận thức, phần chính được dịch là thức. Vijnapti được dịch là thức, có khi được dịch là biểu biệt, tức biểu thị hay hiển thị sự phân biệt.

Thành duy thức luận có bài kệ để giải thích tất cả đều do thức biến:

“Thị chư Thức chuyển biến

 Phân biệt sở phân biệt

 Do thử bỉ giai vô

 Cố nhất thiết duy Thức.”

Do thức chuyển biến, nên sinh ra cái năng phân biệt và sở phân biệt. Chuyển biến phải đầy đủ ba ý nghĩa: (1) nghĩa biến hiện, chỉ cho sự chuyển biến của thức là nhân nơi sự vận chuyển mà biến đổi, nhân nơi biến đổi mà hiện hữu; (2) nghĩa biến dị: biến có nghĩa là sinh khởi, dị có nghĩa chẳng giống, nghĩa là do Tự chứng phần nơi tự thể của thức sinh khởi ra kiến phần và tướng phần, mà kiến phần và tướng phần được sinh ra này chẳng giống với tự thể của thức; (3) nghĩa cải chuyển: Do tự thể của thức cải biến chuyển thành kiến phần và tướng phần, nên có ngã tướng và pháp tướng nhiều vô số.

Năng Phân biệt, là công năng phân biệt để hiểu biết, là chủ thể hiểu biết, tức là chỉ cho kiến phần (phần tác dụng) của các tâm thức. Sở phân biệt, là chỗ phân biệt để hiểu biết, là đối tượng hiểu biết, tức là chỉ cho tướng phần (phần hình tướng) của các pháp.

Lại ‘‘thử’’ ở đây chỉ cho kiến phần năng duyên và tướng phần sở duyên. “Bỉ” chỉ cho căn thân, khí giới, vô số ngã tướng và pháp tướng. Đích thực là vì các tâm thức chuyển biến để hiểu biết, cho nên các năng phân biệt và sở phân biệt đều hiện khởi để có mặt trong thế gian. Nếu như các tâm thức không chuyển biến thì các năng phân biệt và sở phân biệt đều hoàn toàn không có mặt trong thế gian. Cho nên tất cả đều gọi là duy thức.

Thành duy thức viết: duy nghĩa là ngăn chặn ngoại cảnh chẳng phải có, thức là biểu thị tâm tâm sở chẳng phải không. Cho nên, hết thảy các pháp hữu vi hay vô vi, hoặc thật hoặc giả đều không tách rời khỏi thức cho nên gọi là duy thức.

Bên cạnh đó, luận Thành duy thức nói: duy thức là duy cái biết, do cái biết hoặc y nơi cái biết (bỉ y thức sở biến). Duy thức có ba nghĩa: (1) Giản trì: giản là loại bỏ hai loại chấp ngã và pháp, trì là quán Y tha khởi và đạt Viên thành thật; (2) quyết định: vì nhận thức được Y tha khởi nên quyết định có thức tính; (3) hiển thắng: các thức tâm vương rất nhạy cảm và có khả năng biết một cách sáng suốt với thiền định.

Thức có năm nghĩa: (1) thức tự tướng, chỉ cho 8 thức tâm vương; (2) thức tương ưng: chỉ 6 vị tâm sở (51 tâm sở); (3) thức sở biến: hai loại kiến phần và tướng phần; (4) thức phần vị: chỉ 24 bất tương ưng hành; (5) thức thật tính: chơn như thật tính.

Hai nghĩa này luôn có mặt trong nhau tồn tại lẫn nhau nên gọi là duy thức. Lại thức là một trong hết thảy pháp, nhưng thức có năng lực đặc biệt là phân biệt biết được cái khác và tự biết được mình. Nó là chủ lực ở trong mỗi chúng sinh. Các pháp khác không có năng lực này, chỉ có thức mới có năng lực này nên mới nói là Duy thức.

Lại duy nghĩa là giản biệt, ngăn ko có ngoại cảnh. Thức nghĩa là liễu giải, biểu thị có nội tâm. Nói duy thức chính là đưa ra lời khai thị, thức tỉnh mỗi người hãy tự giác, nhìn lại cái thiên biến vạn hóa ở ngay trong mình để gạn lọc nó, trau dồi nó, tu tập chuyển hóa nó thành trí tuệ quang minh, thành duy thức.

1.2. Sơ lược quá trình hình thành và phát triển của Duy thức tông

Khoảng 900 năm sau khi đức Phật nhập diệt, Phật giáo xuất hiện hai nhà tư tưởng là Vô Trước (310 – 390) và Thế Thân (320 – 400). Hai Ngài đã lập ra Duy thức học, trở thành một trong những tông phái lớn của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ.

Khi mới xuất hiện, Duy Thức được gọi là tông Du-già (Yogācārin) – là sự tập quán tư tưởng. Ngài Thế Thân đã thâu tóm quan điểm triết học của Yogācārin và đặt tên cho trường phái này là Duy thức, tức đặt mọi sự hiện hữu của ngoại cảnh nơi Thức.

Sau khi Ngài Thế Thân qua đời, từ cuối thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI (khoảng 200 năm), tư tưởng của Duy thức được nhiều luận sư, tầng lớp trí thức chú trọng và tiến hành nghiên cứu phát triển. Trong đó, phải kể đến các vị đại luận sư như:

Hộ Pháp (439-507), người có công truyền bá Duy thức sau khi Thế Thân qua đời, trung tâm lớn nhất lúc bấy giờ là đại học Na-lan-đà.

Đức Huệ, người sáng lập trung tâm Valabhi, song song với Na-lan-đà, tập trung nghiên cứu Duy thức, được xem là một trong hai trung tâm lớn nhất.

An Huệ (sống vào khoảng thế kỷ thứ tư), ở miền Nam Ấn Độ. Ông đã chú thích bộ Duy thức Tam Thập Tụng để tuyên dương giáo nghĩa của Duy thức. An Huệ có ý muốn dung hòa quan điểm “thực tướng” của Long Thọ với quan niệm “nhất thiết duy tâm tạo” của Duy thức.

Trần – Na và Pháp Xứng là hai luận sư kết hợp Duy thức với Kinh lượng bộ, lập ra môn Nhân minh học nổi tiếng của Ấn Độ và Phật giáo, với cách tranh luận bằng nhân minh để đả phá các học thuyết ngoại đạo và phát triển chính pháp, đây là một phương pháp tranh luận bằng lý luận và lô-gic.

Vào thế kỷ VII đời vua Đường Thái Tông, Ngài Huyền Trang sang du học ở Ấn Độ, trải qua thời gian học tập, Ngài đã thâu tóm toàn bộ giáo lý Duy thức, đặc biệt là Duy Thức Tam Thập Tụng của Thế Thân. Sau khi về nước, Ngài Huyền Trang dịch sang tiếng Hán các tác phẩm của Duy thức đặt dưới tên gọi mới là Thành Duy thức luận, đồng thời viết tác phẩm Bát Thức Quy Củ – trình bày tiến trình diễn biến nhận thức của tâm lý con người thông qua Tám thức. Từ đó, Duy thức tông hay Pháp tướng tông phát triển rực rỡ tại Trung Hoa.

Học trò xuất sắc của Huyền Trang là Khuy Cơ đã dịch Duy thức Nhị thập tụng và Duy Thức tam thập tụng ra chữ Hán, hệ thống hóa lại tư tưởng của Duy thức. Ông viết nhiều bộ luận, tiêu biểu là bộ Thành Duy thức luận thuật ký.

Những kinh luận chủ yếu mà Duy thức học lấy làm căn cứ trực tiếp trong quá trình thành lập trường phái này bao gồm sáu kinh và mười một luận.

Sáu kinh gồm: Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Giải Thâm Mật, Kinh Như Lai xuất hiện công đức trang nghiêm, Kinh A-tỳ-đạt-ma, Kinh Lăng Già, Kinh Hậu nghiêm. Sáu bộ kinh này được Duy thức học lấy làm kinh điển chính.

Mười một bộ luận bao gồm: (1) Du già sư địa luận, Thế Thân tạo, Huyền Trang dịch; (2) Đại thừa bách pháp minh môn luận, Thế Thân tạo, Huyền Trang dịch; (3) Nhiếp đại thừa luận, Vô Trước tạo, Chân Đế dịch; (4) Biện trung biên luận, Thế Thân tạo, Huyền Trang dịch; (5) Đại thừa A – tỳ – đạt – ma tạp tập luận, Vô Trước tạo, Huyền Trang dịch; (6) Đại thừa trang nghiêm kinh luận, Vô Trước tạo, Ba-la-phả-mật-đa-la dịch; (7) Phân biệt Du già luận, Di – lặc thuyết; (8) Hiển dương thánh giáo luận, Vô Trước tạo, Huyền Trang dịch; (9) Duy thức nhị thập tụng, Thế Thân tạo, Huyền Trang dịch; (10) Duy thức Tam thập tụng, Thế Thân tạo, Huyền Trang dịch; (11) Thập địa kinh luận, Thế Thân tạo, Bồ đề lưu chi dịch, 4 quyển.

Trong 6 kinh và 11 bộ luận này, Duy thức lấy Kinh Giải Thâm Mật làm bản kinh gốc và Du già sư địa luận làm bản luận chính yếu.

Trải qua quá trình thịnh suy, Duy thức học vẫn đang tồn tại và phát triển mãi cho đến ngày nay. Nhờ có Duy thức, hành giả mới hiểu sâu về tâm thức, cũng như cơ chế vận hành của nó, làm nền tảng để đoạn trừ các phiền não lậu hoặc.

2. Tìm hiểu về Duy thức tính

Duy thức tông lập ra Ba tự tính, Ba vô tính có mục đích hiển bày Duy thức Trung đạo. Trung đạo của Duy thức có một đặc điểm, đó là kết hợp Tam tự tính, Tam vô tính tại nơi xuất phát. Duy thức cho rằng, muôn pháp trong thế gian đều có Ba tự tính và Ba vô tính. Ba tự tính là nói rõ chẳng phải không. Ba vô tính là nói rõ không chẳng phải có, duy cuối cùng thực tại là Duy thức thật tính.

Thành Duy thức nói: “Thắng nghĩa của các pháp cũng chính là chân như. Chân là chân thật, biểu thị chẳng phải hư dối; như là như thường, biểu thị không biến dịch. Thắng nghĩa này chính là thực tính Duy thức. Tính Duy thức lược có hai thứ: Một là tính hư vọng, hai là tính chơn thật.”

Do vậy, Duy thức tông trình bày tính của thức gồm có tính hư vọng và tính chân thật để giúp người học nắm rõ được tính của thức gồm có vọng và chân. Từ đó tiến hành tu tập để thể nhập chân duy thức tính.

2.1. Tam Tự Tính

Tam Tự Tính có Biến kế sở chấp tính, Y tha khởi tính và Viên thành thật tính.

Biến kế sở chấp tính: Còn gọi là Phân biệt tính, Vọng kế tự tính, Vọng phân biệt tính, Vọng tưởng tự tính, Tự tính giả lập (parikalpita-svabhava).

Luận Thành Duy Thức nói về Biến kế sở chấp tính:

“Do Biến kế nọ kia,

Biến kế chủng chủng vật,

Biến kế sở chấp này,

Tự tính toàn không có.”

So đo chấp trước cùng không mọi thứ, nên gọi là Biến kế. Phẩm loại Biến kế rất nhiều, cho nên nói là nọ kia (kia kia). Đó tức là tính hư vọng phân biệt Năng biến kế. Chính tính hư vọng phân biệt năng Biến kế nọ kia mà chấp trước cùng khắp mọi vật bị biến kế; đó là vọng chấp năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới v.v… là thật có ngã hoặc pháp với tự tính và nghĩa sai biệt của nó.

Tự tính và nghĩa sai biệt ngã pháp được vọng chấp này, chung gọi là Biến kế sở chấp tự tính. Chính tự tính Biến kế chấp đó hoàn toàn không có, vì đem giáo lý suy xét thấy nó không thể có được.

Cái không có thật mà cho là có thật, cho là có những tính chất bất biến thế này thế nọ, đó là vọng tưởng, vọng phân biệt, giả lập, biến kế. Rồi theo nó mà bám chấp, bám luyến, gắn bó, dính chặt. Đó là những đều chúng ta có thể hiểu về Biến kế sở chấp.

Y tha khởi tính (Paratantra-svabhava): còn gọi là Duyên khởi tính, Tương thuộc tính. Y tha khởi: nương vào cái khác mà khởi sinh khởi. Suzuki dịch Y tha khởi tính là cái biết ở phương diện tương đối (paratantra). Đây là tính chất duyên sinh tương thuộc của hiện hữu.

Luận Thành Duy Thức nói:“Tự tính Y tha khởi / Do duyên phân biệt sinh”. Kinh Lăng Già nói: “Y tha khởi tính sinh khởi từ sự phân chia của chủ thể và đối tượng”.

Y tha khởi tính này có hai phần:

(1) Phần nhiễm: Bài tụng “do duyên phân biệt sinh” để chỉ về phần tịnh Y tha. Đối với Phật giáo cái thấy có sinh, có sinh khởi thì chưa hoàn toàn là thật, còn vô minh. Trạng thái hết vô minh để giải thoát được gọi là Vô sinh pháp nhẫn. Do đó trong phần Ba vô tính của Duy để đưa ba tính chất này về thực tại tối hậu là tính Không, Y tha khởi tính được chuyển hóa thành “ sinh vô tính”: tất cả các pháp đều vô sinh.

(2) Phần tịnh: Tức là “ở nơi y tha khởi này” mà không còn những phân biệt vi tế khiến thấy có sinh, thì đây là tính chất thanh tịnh vô lậu của Y tha khởi. Đây cũng chính là Viên thành thật tính.

Một thí dụ: khi không còn thấy hoa đốm giữa hư không, thì chỗ nào trước kia thấy hoa đốm, bây giờ thấy là hư không, là không gian của bầu trời.

Tự tướng Y tha khởi: “Có ý kiến cho rằng hết thảy Tâm và Tâm sở do sức huân tập mà biến ra hai phần kiến và tướng, hai phần này là do duyên sinh, cũng là Y tha khởi.

Trong các Thánh giáo nói chỉ có duy lượng (thức), duy hai (kiến tướng), duy các thứ đó đều được gọi là Y tha khởi (ý đoạn này chính đáng). Lại bốn pháp là tướng, kiến, tự chứng, chứng tự chứng, và 11 thức (thân thức tức năm thức thân, giả thức tức nhiễm ô ý, thọ giả thức tức ý giới v.v… ) trong luận nói đều là Y tha khởi.”

Viên thành thật tính (Parinispana-svabhava): còn gọi là Viên thành tự tính, Đệ nhất nghĩa đế thể tính, Tự tính tuyệt đối.

Viên thành thật nơi đó (nơi Y tha khởi)

Thường xa lìa biến kế trước

Nên nó và y tha

Không khác không chẳng khác

Như tính vô thường không khác không chẳng khác với các pháp vô thường

Thấy tính Viên thành này mới thấy tính Duyên khởi kia.

Kinh Giải Thâm mật nói: “Viên thành thật tính là Chân Như bình đẳng của tất cả các pháp”. Người tu thánh đạo, cứ y nơi các pháp nhân duyên hòa hợp kia (Y tha khởi tính) mà xa lìa các vọng chấp mê lầm ấy (biến kế sở chấp tính), lúc bấy giờ Chơn như thật tính hiển hiện, nên gọi là “Viên thành thật tự tính”.

Trên y tha khởi tính: Khởi mê lầm vọng chấp, thì gọi là “Biến kế sở chấp”; xa lìa được mê lầm, thì gọi là “Viên thành thật”.

Các hạt giống hữu lậu trong tàng thức biến chuyển nối nhau trong từng sát-na, đó gọi là “Y tha khởi tính”. Thức Mạt na khởi vọng chấp cho là thật ngã, nên các hạt giống hữu lậu xuất hiện ngăn che các hạt giống vô lậu, nên gọi là “Biến kế sở chấp”. Khi ý thức tu hai pháp quán không, khiến ngã chấp của Mạt-na thành “vô ngã”, các hạt giống hữu lậu chấm dứt, chỉ còn hạt giống vô lậu, đây gọi là “Viên thành thật tính”.

2.2. Tam vô tính

Tam vô tính là Tướng vô tính, Sinh vô tính và Thắng nghĩa vô tính. Ba vô tính này dựa vào Ba tự tính mà lập ra. Kinh Giải Thâm Mật, phẩm Vô tự tính nói: “các thầy phải lắng nghe thật kĩ, tôi vì các thầy giải thích mật ý tất cả pháp dều không có tự tính, xưa nay, tự tính không sinh không diệt, vắng lặng, phải biết Ta nương vào ba loại tính của Vô tự tính mà mật ý nói. Tất cả pháp đều Vô tự tính, gọi là tính của Vô tự tính, tính của Sinh vô tính, tính của Thắng nghĩa vô tính.” [1]

Như ta đã biết, đức Thế Tôn đề cập Tam tự tính kỳ thật không có cái “tự tính” nào cả. Ba tự tính ấy chỉ là sản phẩm của sự hiểu biết sai lầm, từ ý niệm nhận thức có Ngã có Thường mà sinh ra khổ đau luân hồi, trước vạn pháp vốn dĩ Vô ngã. Đức Thế Tôn nói: “tất cả pháp không tự tính”, đây mới là then chốt, lập trường, là tôn chỉ của giáo lí nhà Phật.

Ba vô tự tính này bởi vì lí do chúng sinh chấp tất cả pháp là thật có, vì phá trừ vọng chấp này, nên đức Phật phương tiện mật ý nói: tất cả pháp đều không có tự tính. Dùng ba loại thuốc này đối trị ba loại bệnh vọng chấp.

Tức y thử tam tính                 Sơ tướng tức Vô Tính

Lập bỉ tam vô tính                 Thứ Vô Tự Nhiên Tính

Cố phật mật ý thuyết            Hậu do viễn ly tiền

Nhất thiết pháp vô tính.        Sở chấp Ngã, Pháp Tính.

Tướng vô tính: tướng này dựa vào tính Biến kế sở chấp mà lập ra. Tự tính Biến kế chấp nằm ở chỗ chúng ta tin vào thường và ngã mà sinh ra. Chính vì vậy mà thành ra có ngã chấp và pháp chấp, cũng tức là tính Biến kế sở chấp, pháp do Biến kế mà ra, cũng như sợi dây mà tưởng nhầm là con rắn, rồi tâm thức sinh ra sợ hãi. Tướng ấy không thật có, vì thế mới gọi là Tướng vô tính. Kinh Giải Thâm Mật nói: “này người nam lành, sao gọi các pháp là Tướng vô tính. Vì tướng Biến kế sở chấp của các pháp. Vì lí do gì, đây là do giả danh đặt tên làm tướng, chẳng do tự tướng đặt tên thành tướng. Đó là lí do nói rõ tính của tướng Vô tự tính.”[2]

Sinh vô tính: đây là dựa vào tính Y tha khởi mà lập ra. Tức là tất cả pháp, do nương tựa vào nhân duyên mà sinh khởi, nên gọi là Y tha khởi. Pháp này dựa vào cái khác mà khởi lên, do nhân duyên hòa hợp mà có, mà đã do nhân duyên hòa hợp thì chắc chắn là Vô ngã. Đã Vô ngã tức không có một thật thể bất biến, chính là duyên khởi tính không. Trong ấy các pháp là không có thật thể, nên gọi là Sinh vô tính. Kinh Giải Thâm Mật nói: “sao gọi là các pháp Sinh vô tự tính? Vì các pháp nương vào cái khác khởi ra tướng. Vì lí do gì? Tướng này do dựa vào sức mạnh của duyên khác, nên có mà không phải tự nhiên có. Đó là lí do nói tính Sinh vô tự tính.”[3]

Tuệ giác về duyên sinh pháp cho thấy, vạn sự vạn vật đều tồn tại trong quan hệ hỗ tương, làm điều kiện cho nhau hình thành và hoại diệt. Thế nên làm gì có thật thể bất biến trong các điều kiện ấy được, do đó không có bất cứ sự vật hiện tượng nào trên đời là vĩnh hằng, thường trụ, thuần nhất và bất biến cả. Kinh Tương Ưng đức Phật dạy: “Này các tỷ kheo, cái gì không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đem lại hạnh phúc an lạc cho các ông. Cái gì khong phải của các ông? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không phải của các ông, vì chúng là do nhân duyên sinh, không có thật, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc cho các ông…” [4]

Nhận ra sự thật của các pháp, đều do các điều kiện nhân duyên mà hình thành, cũng do nhân duyên mà hoại diệt, thì làm gì có một thật thể vĩnh hằng, làm gì có ngã thường trụ bất biến. Thấy rõ tính Y tha, thì biết rõ về tính không của vạn pháp, mà tính không có thật của nó có thể biết được, trong ấy càng không có thật thể, nên gọi là Sinh vô tính.

Thắng nghĩa vô tính: đây là nương vào tính Viên thành thật mà lập ra. Viên thành thật tức là chân như. Chân như là viên (tròn), là thường (luôn luôn có mặt), là thật tính của tất cả pháp hữu vi. Đó là lí thể tuyệt đối, vĩnh hằng, là sự hiển lộ của hai không ngã và pháp. Kinh Giải Thâm Mật nói: “Lại có tướng Viên thành thật của các pháp, cũng gọi là tính Thắng nghĩa vô tự tính. Vì lí do gì? Tất cả các pháp, pháp không có ngã tính gọi là thắng nghĩa, cũng gọi là tính vô tự tính. Đó là sự thật của các pháp thắng nghĩa, là sự hiển lộ của tính Vô tự tính. Do nhân duyên này gọi là tính Thắng nghĩa vô tự tính.” [5]

Luận Thành Duy Thức đề cập Thắng nghĩa đế lược có bốn thứ:

(1) Thế gian Thắng nghĩa: đó là năm uẩn, 12 xứ, 18 giới…

(2) Đạo lí Thắng nghĩa: đó là bốn Diệu Đế.

(3) Chứng đắc Thắng nghĩa: đó là Chân Như được hiển lộ bởi hai không.

(4) Thắng nghĩa thắng nghĩa: đó là pháp giới nhất chân.

Chữ Thắng ở trong bài tụng là chỉ cho Thắng nghĩa thứ tư, vì đây là nghĩa lí của đạo phẩm tối thắng tu chứng, và để giản biệt với ba Thắng nghĩa đầu nên tụng lời đó.

Duy Thức Tông lập ra Ba tự tính, Ba vô tính có mục đích hiển bày Duy thức Trung đạo. Trung đạo của Duy thức có một đặc điểm, đó là kết hợp Ba tự tính, Ba vô tính tại nơi xuất phát. Duy thức cho rằng, muôn pháp trong thế gian đều có Ba tự tính và Ba vô tính. Ba tự tính là nói rõ chẳng phải không. Ba vô tính là nói rõ không chẳng phải có. Đó là lí do Duy thức lập ra Ba vô tính.

Luận Thành Duy Thức, quyển 8 nói: ba loại tự tính đều là pháp không lìa Tâm, Tâm sở. Vì Tâm, Tâm sở và những gì được biểu hiện đều do nhiều duyên sinh ra, giống như ảo thuật chẳng phải có mà dường như có. Những kẻ ngu si lầm lạc, tất cả đều gọi là tính Y tha khởi. Kẻ ngu do đây chấp chặt có ngã, có pháp, có không, một khác… Như bóng dáng hoa dốm giữa hư không, chẳng có tính, tướng, tất cả đều gọi là bị vướng mắc do Biến kế khởi lên từ Y tha. Ngã, pháp bị chấp ấy đều không, cái không này làm hiển lộ chân tính của các thức. Đó là lí do ba tính này không lìa Tâm, Tâm Sở và hiện tượng.

2.3. Duy thức thật tính

Như đã biết, thức không tự nó sinh ra, mà cần có các yếu tố nhân duyên hòa hợp mà thành. Nếu vậy thì thức chỉ là một khái niệm không có thật thể, tùy vào từng trường hợp mà có biểu hiện công năng khác nhau. Như vậy, thật tính của Duy thức là gì? Bài tụng thứ 25 nói rõ vấn đề ấy:

Thử chư pháp thắng nghĩa

Diệc tức thị chân như

Thường như kỳ tính cố

Tức Duy thức thật tính.

Luận Thành Duy Thức nói: “Thắng nghĩa của các pháp cũng chính là chân như. Chân là chân thật, biểu thị chẳng phải hư dối; như là như thường, biểu thị không biến dịch. Thắng nghĩa này chính là thực tính Duy thức. Tính Duy thức lược có hai thứ: một là tính hư vọng, hai là tính chơn thật.” [6]

Chân như trong Phật pháp, là chân lí tối cao, tu tập Duy thức không ngoài dứt sạch hai chấp, hai chướng, chứng được hai không là ngã không và pháp không, chuyển thức thành trí, chứng quả Niết Bàn.

Dựa vào nội dung bài kệ trên, thì Biến kế sở chấp và Y tha khởi trong Ba tự tính đều không phải là thật tính của các pháp. Chỉ có Viên thành thật mới là thật tính của các pháp. Đứng về phương diện Duy thức mà nói, thật tính các pháp này cũng chính là thật tính của Duy thức, cho nên tụng văn nói: “tức Duy thức thật tính.”

Liên hệ trong kinh tạng Pāli, thì vấn đề này được đức Phật đề cập ngay từ thuở ban đầu, trong kinh Tương Ưng, đức Phật dạy: “… này các tỳ kheo, phàm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức gì thuộc quá khứ, vị lai hay hiện tại, hoặc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần. Vị tỷ kheo thấy sắc (thọ, tưởng, hành, thức) chuyên chú, như lý quán sát về sắc (thọ, tưởng, hành, thức). Sắc… thức ấy hiện ra rõ ràng là rỗng không, hiện ra rõ ràng là không có lõi cứng, hiện ra rõ ràng là trống không. Làm sao, này các tỳ kheo có lõi cứng trong sắc… thức.”[7]

Như vậy, gốc rễ của mọi bất hạnh giáng xuống, đều xuất phát từ sự nhận thức sai lầm rằng có một cái tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi trong và ngoài tấm thân ngũ uẩn. Theo tuệ giác Thế Tôn, cái mà chúng ta luôn lầm chấp là tôi, của tôi, thực chất là rỗng không, trống không. Nhận thức về tính duyên sinh có thể thấy rõ tính vô ngã của vạn vật. Vô thường là chìa khóa mở của thực tại về thời gian. Vô ngã là chìa khóa mở của thực tại về không gian. Muốn thức chứng Niết bàn chân như, phải tiếp xúc với thực tại vô thường và vô ngã. Như vậy thật tính của Duy thức cũng chính là “rỗng không” đó vậy.

3. Ứng dụng tu tập

Duy thức tính được lập ra, mục đích giúp hành giả nhận thức được bản chất của mọi sự vật hiện tượng, từ đó nỗ lực hành trì, chuyển Thức thành Trí.

Đối với các kiến thức đã được lãnh thọ, tùy vào nghiệp lực chi phối và khả năng nhận thức, mỗi hành giả sẽ có cách ứng dụng riêng để đem đến lợi ích thiết thực cho bản thân.

Muốn liễu đạt Duy thức thật tính, hành giả cần minh lý Tam tự tính và Tam vô tính. Mặt khác, Tam vô tính được lập ra từ Tam tự tính, gạt bỏ tâm lý chấp có tự tính, giúp hành giả có một cái nhìn tương đối thấu đáo, các hiện tượng, không bị thức dối gạt.

Tuy nhiên, trước mọi hiện tượng sinh diệt biến đổi, để có cái thấy trọn vẹn, chính xác của Duy thức Thật tính, hành giả cần phải huân tu các công hạnh, thông đạt được Tam tự tính.

3.1. Đối với Biến kế sở chấp tính

Con người luôn dùng tâm thái chủ quan của mình để nhìn, nhận xét và phán xét mọi vật, phán xét người khác. Vì thế đời sống của chúng ta phần nhiều gắn với thế giới phân biệt hư vọng.

Dưới sự điều khiển của Tâm thức, tính khách quan trong nhận thức sẽ không được chủ thể thực hiện. Hầu như mọi thực tại mà Tâm nhận thức được đều là một sản phẩm không thật do thức biến hiện, hoàn toàn không phù hợp với bản chất của sự vật.

Trong đời sống đời sống, hầu như chúng ta thường không nhận ra điều này. Ta luôn cho rằng, mọi suy nghĩ và hành động của mình luôn đúng với thực chất của nó, đây chính là nguyên nhân căn bản dẫn đến những nhận thức sai lầm, khổ đau của mỗi người.

Phương pháp tu tập ở đây, là bỏ Biến kế sở chấp trở về với Y tha khởi và Viên thành thật. Biến kế sở chấp có mặt là do sự tin vào thường, vào ngã. Đó là cái thấy thông tục của những người không có tu học, của những người vô minh. Thực tại đối với họ là có thường và có ngã. Thực tại có thường và có ngã là một thực tại mang màu sắc của Biến kế chấp.

Vì vậy người tu học phải sử dụng hai chìa khóa Vô thường và Vô ngã để quán chiếu sự vật và đạt tới cái thấy Y tha khởi.

3.2. Đối với Y tha khởi tính

Để làm hiển lộ Y tha khởi tính hay tính Duyên khởi, chúng ta quán duyên khởi. Chúng ta cần đưa tất cả mọi cái thấy nghe hay biết (mọi hiện tượng, mọi pháp) về trong chân lý của chúng là tính duyên khởi, do đó chúng ta thể nghiệm được sự thật của chúng là vô thường, khổ, không và vô ngã.

“Quán chiếu tính Y tha

Vô minh thành tuệ giác.

Luân hồi và chân như

Tuy hai mà thành một.”[8]

Nếu sống trong chính niệm để có thể thấy được tính y tha khởi trong lòng sự vật thì chúng ta có thể chuyển vô minh thành tuệ giác. Có chính niệm về bản chất tương tức tương nhập của vạn hữu là chìa khóa của sự chuyển hóa.

Đối với những hiện tượng tâm lý hay vật lý của chúng ta cũng như của người khác, ta cũng phải nhìn bằng con mắt quán chiếu Y tha khởi. Nhìn một bông hoa phải nhìn bằng chính niệm để thấy được tự tính Y tha của hoa. Nhìn cha, nhìn mẹ, nhìn bạn bè cũng phải thấy cho được tự tính Y tha của cha, mẹ, bạn bè. Em bé đó học giỏi, em bé đó ngoan là vì sao? Phải thấy cho được gốc rễ của cái giỏi, cái ngoan của em. Khi nhìn vào một em bé hư hỏng, du đãng, khó dạy thì phải thấy được tính Y tha của em. Đó là hoàn cảnh tổ tiên, gia đình, xã hội, học đường của em. Nhìn em mà thấy được như vậy tức là đã nhìn em bằng con mắt quán chiếu Y tha khởi. Bằng không thì chỉ có giận, có buồn, có trách móc, có rầy la thôi. Nếu không thấy được tính Y tha của em, thì sẽ không hiểu em. Mà nếu không hiểu thì không thể nào chấp nhận, thương yêu và chuyển hóa em được.

Một người hay giận, hay buồn và cái giận cái buồn của người đó khiến cho chúng ta không được an lạc lắm, rồi chúng ta trách móc. Nhưng nếu nhìn cái giận, cái buồn của người đó bằng con mắt quán chiếu Y tha khởi thì hiểu được gốc rễ gần xa của tâm trạng người đó. Tự nhiên chúng ta hiểu và không còn trách móc nữa. Ta có thể chấp nhận, thương yêu và giúp đỡ người kia, cả hai sẽ bớt khổ. Kết quả tốt đó xảy ra ngay khi ta có cái thấy Y tha khởi.

3.3. Đối với Viên thành thật tính

Chính niệm, tỉnh giác, quán chiếu liên tục về Vô thường, Vô ngã, hành giả sẽ có được tuệ giác Vô thường, Vô ngã. Khi đó hành giả sẽ thấy được tính cách Y tha khởi của sự vật và tiếp xúc được Viên thành thật tính.

Hành giả cần để tâm chú ý, giáo lý Vô thường và giáo lý Vô ngã chưa phải là tuệ giác về Vô thường, Vô ngã. Chúng ta có thể hiểu rất rõ, nói rất hay về Vô thường, Vô ngã nhưng đó chỉ mới là giáo lý mà thôi. Chỉ khi nào dùng chính niệm mà sống đời sống hằng ngày, quán chiếu sự vật để chứng nghiệm được tự tính Vô thường, Vô ngã thì mới gọi là tuệ giác Vô thường, tuệ giác Vô ngã.

KẾT LUẬN

Mục đích mà Duy thức học muốn đạt đến là một sự chuyển Y, chuyển Thức thành Trí, tức là giúp chủ thể nhận ra được những sai lầm trong quá trình nhận thức. Từ đó đưa ra các phương pháp để hướng dẫn và điều chỉnh các hoạt động trở nên phù hợp, hài hòa với đời sống thực tại.

Duy thức học là một môn học gắn liền với đời sống thường ngày của một hành giả. Tuy những câu từ mang tính triết lý trừu tượng, nhưng nếu học tập một cách nghiêm túc, từ đó ứng dụng hành trì, hành giả sẽ biết rõ được sự vận hành của tâm, thể nhập vào Duy thức thật tính.

Tác giả: Đại đức Thích Nhuận Giác
Học viên Thạc sĩ khóa II Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

***

Chú thích
[1] HT. Thích trí Quang dịch (2018), Kinh Giải Thâm Mật, phần 5, phẩm Vô Tính, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, TP. HCM, tr. 26 – 27.
[2] HT. Thích trí Quang dịch (2018), Kinh Giải Thâm Mật, phần 5, phẩm Vô Tính, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, TP. HCM.
[3] Sđd
[4] ĐTKVN (2000), Tương Ưng Bộ III, chương 1, phẩm Không phải của các ông, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 67.
[5] HT. Thích trí Quang dịch (2018), Kinh Giải Thâm Mật, phần 5, phẩm Vô Tính, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, TP. HCM.
[6] HT. Thích Thiện Siêu dịch và chú, Thành Duy thức luận, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, TP. HCM, tr. 392.
[7] ĐTKVN (2000), Tương Ưng Bộ III, Chương 1, Phẩm Hoa, Phần Bọt Nước, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 252.
[8] Thích Nhất Hạnh, Duy Biểu Học, bài kệ 41, bản PDF.

Tài liệu tham khảo
1. Lê Mạnh Thát (2006), Triết học Thế Thân, Nxb. TP. HCM, TP. HCM.
2. Paramārtha – Chân Đế, Giải Minh dịch (2012), Duy thức triết học, Nxb. Phương Đông, TP. HCM.
3. Thích Nhất Hạnh (1969), Vấn đề nhận thức trong Duy thức học, Nxb. Lá Bối.
4. Thích Thiện Siêu dịch và chú (2006), Thành Duy thức luận, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
5. Vu Lan Ba, Thích Quang Tư dịch (2004), Duy Thức Tam Thập tụng giảng ký, lưu hành nội bộ, Huế.
6. Tuệ Sĩ dịch và chú giải (2009), Luận Thành Duy thức, Nxb. Phương Đông, TP. HCM.
7. ĐTKVN (2000), Tương Ưng Bộ III, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
8. HT. Thích Trí Quang dịch (2018), Kinh Giải Thâm Mật, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, TP. HCM.
9. Thích Nhất Hạnh, Duy Biểu Học, bản PDF.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường