Tích truyện Pháp cú – Phẩm 17 – SÂN HẬN
Tập "Tích truyện Pháp cú" này được dịch theo bản Anh ngữ "Buddhist Legends" của học giả Eugène Watson Burlingame. Nhà học giả này đã căn cứ trên nguyên tác Pháp Cú Sớ Giải ( Dhammapada Commentary) bằng tiếng Pàli.
1. Sân Hận Tàn Phá Dung Nhan Bỏ phẫn nộ, ly mạn ... Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật ở tại rừng Banyan, liên quan đến Rohinì, thiếu nữ Sát-lợi.
A. Cô Gái Bị Mụn Ðỏ Trên Mặt Một thuở nọ, Tôn giả A-nậu-lâu-đà trở về thành Ca-tỳ-la-vệ với năm trăm Tỳkheo tùy tùng. Hoàng tộc họ Thích nghe tin đều đến tinh xá đón chào, trừ cô em Rohinì. Tôn giả hỏi: - Rohinì đâu? - Thưa Tôn giả, còn ở nhà. - Sao không đến? - Thưa Tôn giả, công nương bị nổi mụn nhọt đầy người, nên xấu hổ khi đi ra ngoài. - Hãy gọi Rohinì đến ngay. Rohinì được gọi, che mặt dưới một lớp vải và đi đến. Khi nàng tới, Tôn giả hỏi: - Sao cô không đến trước? - Thưa Tôn giả con bị nổi mụn trên mặt, nên xấu hổ không dám đi đâu. - Vậy sao không làm việc công đức? - Thưa Tôn giả, con có thể làm gì? - Hãy xây cất một giảng đường. - Việc ấy tốn kém bao nhiêu? - Cô có một bộ nữ trang nào không? - Thưa, con có. - Trị giá bao nhiêu? - Khoảng mười ngàn. - Tốt lắm, đem chi dùng trong việc xây cất. - Ai sẽ xây cất cho con? Tôn giả nhìn những hoàng thân đang đứng gần và nói: - Ðây là bổn phận các vị. - Nhưng, bạch Tôn giả, còn Ngài sẽ làm gì? - Tôi ở đây, các vị đem vật liệu xây cất đến cho Rohinì. - Thưa, vâng. Và họ mang vật liệu đến, Tôn giả đưa ra đồ án xây cất, bảo Rohinì: - Hãy cho xây cất một tòa nhà hai tầng, và khi tầng trên đã xong xuôi, cô đứng ở tầng dưới dọn quét sạch sẽ, chuẩn bị thức ăn và rót nước đầy các bình. - Thưa, vâng.
Rohinì vâng lời, nàng bán toàn bộ nữ trang để lấy tiền xây cất. Khi tầng trên vừa xong, nàng đích thân dọn dẹp để đón chư Tỳ-kheo, ngay khi đó các mụt nhọt lặn hết. Khi tòa nhà hoàn thành, nàng mời chư Tăng được đức Phật dẫn đầu đến ngồi đầy nhà. Nàng dâng cúng thức ăn chọn lọc cả cứng và mềm. Phật thọ trai xong, hỏi: - Ai cúng dường hôm nay? - Thưa, cô Rohinì, em của Ngài, bạch Thế Tôn. - Hãy gọi đến đây. Nàng không muốn đi ra, nhưng Phật vẫn cho gọi nữa. Khi Rohinì đến, đảnh lễ Phật và ngồi, Phật hỏi: - Rohinì, sao cô không đến trước? - Bạch Thế Tôn, con bị nổi mụn nhọt khắp người nên xấu hổ không dám đi. - Cô có biết nguyên nhân nào khiến mụn nhọt lan đầy người không? - Thưa không. - Chính vì lòng sân hận gây nên. - Tại sao vậy, con đã làm gì? - Hãy nghe đây! Phật kể chuyện:
B. Bà Hoàng Ganh Tỵ Với Nữ Vũ Công Thời quá khứ, có một hoàng hậu của vương quốc Ba-la-nại sanh tâm đố kỵ với một vũ nữ của hoàng gia, bà thầm nghĩ: "Ta sẽ làm cho nó đau khổ". Bà liền tìm thật nhiều mày ghẻ đã khô, nghiền nát thành bột và cho gọi cô vũ nữ đến chỗ bà, bí mật sai người rắc bột ghẻ lên giường, ghế và khăn áo của cô. Rồi làm như đùa cợt, bà tung một ít bột lên mình cô. Lập tức cô gái nổi mụn nhọt khắp mình, nó lở loét trông rất ghê tởm, cô vừa đi vừa cấu khắp mình. Khi về nằm trên giường, bột ghẻ lại dính chặt vào da, cô bị đau đớn đến tột cùng. Bà hoàng ấy là Rohinì ngày nay. Phật kể xong chuyện quá khứ, Ngài dạy: - Rohinì, đó là hạt giống xấu mà cô đã gieo. Giận hờn hay ganh ghét, tuy ít bao nhiêu cũng không phải là điều chánh đáng. Ngài nói kệ: (221) Bỏ phẫn nộ, ly mạn, Vượt qua mọi kiết sử, Không chấp trước danh sắc, Khổ không theo, vô sân. Nghe xong, nhiều thính chúng chứng Sơ quả, Nhị quả, Tam quả. Rohinì cũng chứng Sơ quả. Ngay khi ấy toàn thân cô trở nên vàng óng.
C. Thiên Nữ Xinh Ðẹp Rohinì sau khi mạng chung, tái sanh lên cõi trời Ba mươi ba ngay giao điểm các ranh giới của bốn thiên tử. Cô gái đẹp đến nỗi sau khi nhìn thấy cô, cả bốn vị trời đều tranh nhau: - Nàng thuộc về ranh giới của ta. - Nàng tái sanh trong phạm vi của ta. Họ kéo nhau đến chỗ Ðế Thích nhờ phân xử: - Thiên chủ! Chúng tôi tranh cãi nhau về thiên nữ này, xin quyết định dùm. Vừa nhìn thấy Rohinì, Ðế Thích cũng ước ao. Ngài hỏi: - Khi các ông nhìn thấy nàng, cảm tưởng của các ông ra sao? Vị thứ nhất nói: - Tim tôi đập vang dội như trống chầu. Vị thứ hai nói: - Ý tưởng của tôi dồn dập như thác chảy. Vị thứ ba nói: - Vừa thấy nàng mắt tôi muốn nổ tung. Vị thứ tư nói: - Tim tôi hớn hở như lá cờ bay. Ðế Thích kết luận: Các vị vui thích nhất thời, còn tôi nếu không có nàng tôi sẽ chết. - Ồ thiên chủ! Ngài cần gì phải chết! Họ trao nàng cho Ðế Thích và lui về. Từ lúc ấy nàng rất được Ðế Thích sủng ái, nàng muốn dạo chơi nơi nào Ðế Thích liền chiều theo.
2. Thọ Thần Và Thầy Tỳ Kheo Ai chặn được phẫn nộ ... Câu chuyện này được kể lại khi đức Thế Tôn ở tinh xá Aggàlava liên quan tới một vị Tỳ-kheo. Từ sau khi đức Phật cho phép các Tỳ-kheo được sống ngoài tinh xá, các vị Trưởng giả thành Vương Xá bận rộn cất thất cho các thầy. Một Tỳ-kheo ở Alavi muốn cất thất riêng cho mình, thầy thấy một thân cây thích hợp, bèn bắt đầu đốn xuống.
Trên cây ấy, có một nữ thọ thần, bà ẵm đứa con nhỏ của mình, hiện ra trước thầy năn nỉ: - Thưa thầy, xin đừng phá nhà con, con sẽ phải lang thang không chỗ trú ẩn với đứa con dại. - Ta không thể tìm ra cây nào khác giống như cây này.
Thầy không chú ý đến lời cầu xin của nữ thần. Bà nghĩ thầm: "Nếu thầy thấy con ta, chắc sẽ ngừng tay. Bà bèn đặt đứa bé lên nhánh cây. Tuy nhiên, thầy Tỳ-kheo đã vung rìu với đà quá mạnh, chặt mất cánh tay đứa bé. Nữ thần nổi giận vươn đôi tay định vặn chết thầy Tỳ-kheo, nhưng trong khoảnh khắc bà tự nghĩ: "Thầy Tỳ-kheo này là một bậc hiền thiện, nếu ta giết thầy, ta sẽ rơi xuống địa ngục.
Hơn nữa, nếu các thần cây khác thấy các Sa-môn đốn cây của họ, sẽ bảo nhau: "Một thần cây đã giết Sa-môn trong trường hợp như thế..", họ sẽ theo gương ta giết các Sa-môn. Thầy Tỳ-kheo này còn có thầy, ta sẽ thuật chuyện cho bổn sư của thầy". Bà bỏ tay xuống, vừa đi vừa khóc đến chỗ đức Phật, đảnh lễ và đứng qua một bên.
Phật hỏi: - Có chuyện gì thế, thọ thần? - Bạch Thế Tôn, đệ tử của Ngài làm như thế, như thế. Con đã định giết thầy ấy, nhưng kịp nghĩ lại và đến đây. Bà thuật lại câu chuyện cho Phật nghe, Phật dạy: - Lành thay! Lành thay! Ngươi đã cư xử rất tốt khi kìm hãm cơn giận như thắng chiếc xe lao nhanh. Ngài nói kệ: (222) Ai chặn được phẫn nộ, Như dừng xe đang lăn, Ta gọi người đánh xe, Kẻ khác, cầm cương hờ. Nghe xong, nữ thần chứng Sơ quả, hội chúng cũng được lợi ích. Nhưng sau đó, nữ thần vẫn đứng khóc. Phật hỏi: - Có chuyện gì thế? - Bạch Thế Tôn, nhà ở của con bị phá, con phải làm sao bây giờ? - Thôi đừng sầu khổ, Ta sẽ cho một chỗ ở.
Ngài chỉ một cây ở gần hương thất của Ngài tại Kỳ Viên, và bảo nữ thần đến ở. Vì cây ấy là quà tặng của Như Lai, nên dù vị thần nào có uy lực lớn lao cũng không thể lay chuyển được. Nhân chuyện này, Phật ra lệnh cho các Tỳ-kheo giữ giới "Không được chặt đốn cây cối".
3. Người Nghèo Và Cô Con Gái Lấy không giận thắng giận ... Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Trúc Lâm sau khi thọ trai tại nhà Uttarà, liên quan đến nữ cư sĩ Uttarà. A. Punna Ðược Công Ðức Tại Vương Xá, có một người nghèo tên Punna sống bằng nghề làm thuê cho Trưởng giả Sumana. Punna có một người vợ và một con gái tên là Uttara, đều là nô tỳ của Trưởng giả. Ngày nọ, lệnh truyền khắp thành Vương Xá tổ chức lễ hội trong bảy hôm. Sáng hôm lễ, Trưởng giả Sumana thấy Punna đến, bèn hỏi: - Các người làm thuê cho ta đều nghỉ lễ, còn ngươi nghỉ hay làm? - Thưa chủ, nghỉ lễ chỉ dành cho người giàu. Phần tôi không đủ cơm ăn cho ngày mai, tôi nghỉ lễ làm gì. Tôi sẽ dắt bò đi cày. - Tốt lắm, thôi đi cày đi! Punna bắt một cặp bò mạnh khỏe và lấy cày, nói với vợ: - Mình ạ, mọi người trong thành đều nghỉ lễ, nhưng nhà mình nghèo quá tôi vẫn phải đi làm, mình đem hai phần cơm hôm nay cho tôi nhé. Và Punna ra đồng.
Hôm ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi nhập định bảy ngày, thầm nghĩ: "Hôm nay, ta sẽ ban phước đến cho ai?" Nhận thấy Punna có duyên với mình, Tôn giả tự hỏi: "Liệu ông ấy có đủ niềm tin và dâng cúng cho ta?" Quan sát tiếp thấy Punna tín thành, hỷ cúng và còn được hưởng số gia tài lớn, Tôn giả đắp y, mang bát đi đến cánh đồng Punna đang cày, dừng lại bên đường và nhìn chăm chú một bụi cây.
Punna thấy Tôn giả, bỏ cày, đến đảnh lễ năm vóc sát đất, và tự nhủ: "Chắc Tôn giả cần tăm xỉa răng". Ông đem tăm đến cho Tôn giả. Tôn giả trao đãy lược nước và bình bát cho Punna. "Chắc Tôn giả cần nước", Punna nghĩ thế cầm lấy đãy lược, lược nước đầy bát và đem trao Tôn giả. Tôn giả nghĩ: "Người này ở ngôi nhà sau cùng, nếu ta đi tới cửa vợ ông ta sẽ không thấy. Ta sẽ đợi đúng lúc bà ta mang cơm ra cho chồng".
Tôn giả đứng đợi giây lát, khi thấy bà vợ Punna bắt đầu ra đến đường, Ngài bước đến. Người vợ thấy Tôn giả, tự nghĩ: "Một lần ta có thức ăn thì không gặp, lần khác gặp Ngài thì ta lại không có gì để cúng. Hôm nay ta vừa gặp Ngài lại có thức ăn. Ngài có ban phước cho ta chăng?".
Bà đặt giỏ thức ăn xuống, đảnh lễ Tôn giả năm vóc sát đất và bạch: - Thưa Tôn giả, xin Ngài đừng nghĩ rằng thức ăn ngon hay dở, xin hãy ban phước cho kẻ tôi tớ này.
Tôn giả đưa bình bát ra, bà sớt cơm vào bát, được phân nửa, Tôn giả bảo: "Ðủ rồi!" Và Ngài lấy tay che miệng bát. Người vợ thưa: - Bạch Tôn giả! Một phần ăn không thể chia làm hai. Xin Ngài ban phước cho con đời này và đời sau. Con muốn cúng dường Ngài tất cả. Bà sớt cơm vào bát Tôn giả với lời ước nguyện: - Xin cho con được dự vào pháp vị mà Ngài đã chứng. - Con sẽ được như thế.
Tôn giả đọc câu kệ hồi hướng, và ngồi xuống một nơi mát, sạch, thọ trai. Người vợ nông phu về nhà nấu cơm khác. Punna đã cày hết nửa mẫu đất, đói bụng quá bỏ cày, ngồi xuống gốc cây trông chừng về phía đường. Khi người vợ mang cơm đến, thấy chồng ngồi trông, bà nghĩ: "Ông ấy bị đói dữ dội đang đợi ta kìa, ông sẽ trách ta đến trễ, lấy gậy đập ta, khiến cho việc ta vừa làm không có kết quả, chi bằng ta nói trước".
Và bà kêu lên: - Mình ạ, hãy kiên nhẫn một chút và đừng làm mất hết thành quả của việc tôi mới làm. Sáng sớm tôi đem cơm cho mình gặp Tôn giả Xá-lợi-phất và đã cúng dường hết, về nấu cơm khác nên hơi lâu. Chắc mình hài lòng chứ? - Bà nói gì? Sau khi nghe xong chuyện lần thứ hai, Punna bảo vợ: - Mình đã làm việc tốt khi dâng cơm cho Tôn giả. Tôi cũng đã đem tăm và nước súc miệng đến cho Tôn giả sáng nay.
Với nỗi vui mừng khi nghe vợ kể chuyện, hơi mệt vì đã nhịn ăn từ sáng sớm, Punna gối đầu lên chân vợ và ngủ. Bấy giờ, tất cả đất được cày lên từ sáng đều biến thành vàng, sáng lấp lánh như hoa Kanikàra. Punna thức giấc, nhìn thửa ruộng bảo vợ: - Mình nhìn xem, dường như đất biến thành vàng! Hay là tôi bị chóa mắt vì đã nhịn cơm trưa nay? - Tôi cũng thấy như vậy. Punna đứng dậy, bước xuống ruộng lượm một miếng đất lấy cán cày đập thử và thấy nó là vàng. Ông kêu: - Ôi! Chúng ta cúng dường Tôn giả Xá-lợi-phất và phước báo đến ngay ngày hôm nay. Nhưng chúng ta không thể dấu hết chừng ấy vàng để xài riêng.
Thế là ông lấy cái giỏ của bà vợ chất đầy vàng đem đến cung vua, tâu: - Tâu Ðại vương, hôm nay đất tôi cày đều biến thành vàng. Số vàng ấy có phải nhập kho không? - Ngươi tên gì? - Punna. - Hôm nay ngươi đã làm gì? - Sáng sớm hôm nay tôi dâng Tôn giả Xá-lợi-phất nước và tăm xỉa răng, vợ tôi dâng phần cơm của tôi cho Ngài. Nhà vua giải thích: - Ðó chính là quả phước do việc cúng dường. Ta phải làm gì đây? - Xin hãy đưa vài ngàn chiếc xe đến để chở vàng về kho.
Khi người của nhà vua nhặt vàng, họ nói: - Ðây là tài sản của nhà vua. Vàng trong tay họ liền biến thành đất. Họ trở lại tâu vua. Vua hỏi: - Các ngươi nói gì khi nhặt vàng? - Chúng tôi nói nó là tài sản của đại vương. - Ta mà là ai? Hãy đi và nói rằng đây là tài sản của Punna, rồi nhặt vàng.
Họ làm theo lời vua dặn, lập tức đất trong tay họ biến thành vàng. Họ chở hết số vàng này về sân cung điện, và chất thành đống cao tám mươi cubit. Nhà vua cho vời các thị dân đến và hỏi: - Có ai trong thành có nhiều vàng như thế này chăng? - Tâu đại vương, không. - Ta nên tặng gì cho ông ấy? - Xin cho một cây lọng báu. - Hãy gọi ông ấy là Ðại Phú Gia, Trưởng giả Bahudhana. - Ðại vương, tôi sống nhờ nhà người, xin cho tôi một nơi để ở. Nhà vua chỉ khoảnh đất của nhà một Trưởng giả trước đây, nói: - Nhìn đây, có khoảng cây rậm rạp và ông hãy dọn sạch, cất nhà ở đấy.
Punna cất nhà xong, tổ chức lễ khánh thành, cúng dường trai tăng suốt bảy hôm. Ðức Phật thuyết pháp cho ông, sau bài pháp cả Punna, vợ và cô con gái Uttarà đều chứng quả Dự lưu.
Thời gian sau, vị Trưởng giả thành Vương Xá muốn hỏi Uttarà cho con trai mình, Punna từ chối, Trưởng giả Vương Xá bảo: - Ðừng làm thế, chúng ta là hàng xóm, ông giàu có và địa vị cao. Hãy gả nó cho con trai tôi. - Con ông theo ngoại đạo. Con gái tôi tin Tam Bảo. Tôi không gả được. Nhiều nhà vọng tộc, phú hào, quyền chức đã khuyên Punna đừng làm mất tình thân của Trưởng giả kia. Cuối cùng, Punna nhận lời, vào ngày trăng tròn tháng Asalhi, gả Uttarà.
B. Uttarà Và Sirimà Từ khi về nhà chồng Uttarà không có dịp gặp gỡ chư vị Tỳ-kheo Tăng Ni, hoặc cúng dường, hoặc nghe pháp. Hai tháng rưỡi trôi qua, nàng hỏi người hầu. - Mùa an cư còn bao lâu? - Thưa phu nhân, nửa tháng nữa. Uttarà nhắn tin về cha nàng: "Tại sao lại nhốt con trong cái nhà như vậy? Thà là đánh con, chửi con hơn gả con cho một gia đình như thế. Từ ngày về đây, con không được gặp một vị Sa-môn nào, chẳng có dịp làm một công đức nhỏ".
Cha nàng được tin, buồn bã nói: - Ôi! Con ta bất hạnh quá! Ông gởi cho nàng mười lăm ngàn kèm theo lời nhắn tin: "Trong thành này có cô kỹ nữ tên là Sirimà, một đêm một ngàn. Với số tiền này, con đưa cô ấy về cho chồng con, để thay con. Và con sẽ có thời giờ làm việc phước".
Uttarà gọi Sirimà đến, cho tiền, đề nghị làm bạn với chồng mình. Chồng của Uttarà cũng say mê nhan sắc của Sirimà nên đồng ý, để Uttarà tự do đi cúng dường và nghe pháp. Uttarà thỉnh chư Tăng và đức Phật: - Bạch Thế Tôn, bắt đầu ngày nay xin thọ trai ở nhà con. Ðược Phật nhận lời, nàng vui sướng nghĩ thầm: "Từ ngày mai trở đi cho đến ngày Tự Tứ, ta được dịp hầu hạ đức Phật và nghe pháp". Và nàng bảo nhà bếp chuẩn bị thức ăn cần thiết: "Hãy nấu món này, hãy làm bánh này".
Một hôm, vào ngày trước lễ Tự Tứ, chồng Uttarà đứng ở cửa sổ phòng mình nhìn vào nhà bếp, nghĩ thầm: - Cô vợ khùng này đang làm gì kìa?
Khi thấy Uttarà đi tới đi lui, mình mẩy đẫm mồ hôi, dính đầy tro bụi mồ hóng.. y nói thầm: "A, ở một chỗ như nhà mình mà con nhỏ đó không thích xa hoa, tiện nghi, chỉ thích nấu nướng cúng kính các thầy tu trọc đầu", y bật cười rồi bỏ đi. Sirimà đứng gần đó thấy vậy, tự hỏi: "Ông ấy thấy ai mà cười?".
Nhìn qua cửa sổ thấy Uttarà, Sirimà ghen tức "Chỉ vì thấy bà ta thôi, giữa họ vẫn còn tình tứ lắm" (Dù Sirimà sống nửa tháng trong nhà ấy như một nàng hầu, chóa mắt vì sự xa hoa lộng lẫy, nàng quên mình chỉ là nàng hầu mà tưởng mình là nữ chủ). Sirimà cảm thấy ghét Uttarà muốn làm cho nàng khổ sở đau đớn. Cô chạy xuống lầu, đi vào nhà bếp, đến bên chảo bánh, múc một muỗng bơ đang sôi tiến về phía Uttarà.
Uttarà thấy cô đi tới nhưng vẫn nói: - Cô bạn đã giúp tôi rất nhiều. Trái đất này có thể nhỏ hẹp, cõi trời Phạm có thể chấp, nhưng lòng tốt của cô lớn lao hơn nhiều. Nhờ cô, tôi được rảnh để cúng dường và nghe pháp, nếu tôi nổi giận với cô tôi sẽ bị cháy bỏng. Nếu không, nó không làm hại tôi.
Nói như thế, và Uttarà hướng tâm thương yêu về phía đối thủ. Khi Sirimà tạt muỗng bơ đang sôi lên đầu nàng, nói giống như nước lạnh. Sirimà múc luôn muỗng thứ hai.. Các bà gia nhân của Uttarà thấy thế, la lên: - Cút đi! Ðồ ngu! Mày có quyền gì mà chế bơ vào đầu chủ tao. Họ xúm lại đánh đập, đá thoi, xô Sirimà xuống đất. Uttarà cố gắng can ngăn mà không được. Nàng đứng chắn trước Sirimà, đẩy gia nhân ra, hỏi han Sirimà: - Sao cô hành động hung bạo thế?
Nàng đỡ Sirimà dậy, tắm rửa bằng nước nóng, lấy dầu loại quý thoa cho. Lúc ấy, Sirimà mới chợt nhớ mình chỉ là nàng hầu, tự nhủ: "Thật là một hành động thô bỉ khi ta đổ bơ nóng lên đầu nàng chỉ vì chồng nàng cười với nàng. Và nàng, thay vì ra lệnh cho gia nhân trói ké ta lại, nàng lại đuổi họ đi khi họ đánh đập ta, rồi hết sức chăm sóc ta. Nếu ta không xin lỗi nàng, đầu ta sẽ bể làm bảy mảnh".
Sirimà quỳ dưới chân Uttarà nói: - Phu nhân, hãy tha lỗi cho tôi. Uttarà trả lời: - Tôi là con của cha tôi, nếu cha tôi tha lỗi cho cô, tôi sẽ tha lỗi. - Lành thay, phu nhân. Tôi sẽ xin lỗi cha nàng, Trưởng giả Punna. - Punna là cha thế gian của tôi. Nếu người cha xuất thế gian của tôi tha lỗi cho cô, tôi sẽ tha lỗi. - Nhưng ai là cha xuất thế gian của nàng? - Là đức Phật, bậc Giác Ngộ Vô Thượng. - Tôi không dám tin vào Phật sống. - Tôi sẽ làm cho nàng tin. Ngày mai đức Phật sẽ đến đây với chư Tỳ-kheo, hãy chuẩn bị đồ cúng dường và đến đây xin sám hối. - Thưa vâng, phu nhân.
Sirimà trở về nhà, bảo năm trăm tỳ nữ chuẩn bị sẵn sàng theo cô. Nàng sắm nhiều loại thức ăn ngon, hôm sau mang đến nhà Uttarà. Không dám đặt phẩm vật cúng dường vào bát của Phật và chư Tăng, nàng đứng đợi. Uttarà bèn nhận phẩm vật và tùy nghi dâng lên.
Phật thọ trai xong, Sirimà và đoàn tỳ nữ quỳ dưới chân Phật, Ngài hỏi: - Con đã gây tội gì? - Bạch Ngài, hôm qua con đã làm như thế.. Nhưng người bạn này đã ngăn gia nhân không cho đánh con. Nàng rất tốt nên con xin nàng tha thứ, nàng nói nếu Thế Tôn tha thứ, nàng sẽ tha thứ. - Uttarà, đúng vậy không? - Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Uttarà thuật lại những gì lòng nàng nghĩ về Sirimà, lúc ấy, Phật khen ngợi: - Lành thay! Lành thay! Uttarà! Ðó là cách đúng nhất để dập tắt cơn giận. Từ bi có thể xóa sạch hận thù. Dùng không mắng chửi để thắng mắng chửi, dùng bố thí thắng xan tham, dùng thật ngữ thắng vọng ngữ. Ngài nói kệ: (223) Lấy không giận thắng giận, Lấy thiện thắng bất thiện, Lấy thí thắng xan tham, Lấy chơn thắng hư ngụy.
4. Việc Thiện Nhỏ Ðưa Ðến Thiên Giới Nói thật, không phẫn nộ ... Câu chuyện này được kể lại khi Phật ở Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Ðại Mụcliên.
Một hôm, Tôn giả Mục-liên đi dạo nơi cung trời, thấy một vị trời có thần lực rất lớn đang đứng trước cung điện của mình. Thiên thần ấy đến chào Tôn giả, Tôn giả hỏi: - Này thiên thần, ông có uy lực lớn, ông đã làm gì mà được như thế? - Ồ! Bạch Ngài, xin đừng hỏi tôi. (vị trời này chỉ làm một việc thiện nhỏ, nên xấu hổ không muốn nói). Tôn giả cứ hỏi lại, yêu cầu nói cho nghe, cuối cùng thiên thần nói: - Thưa Tôn giả, tôi không hề cúng dường, tôn kính hay nghe pháp. Tôi chỉ nói thật mà thôi.
Tôn giả đến cung điện khác, hỏi một vài thiên nữ khác. Họ cố giấu việc mình làm nhưng không qua được Tôn giả, một người nói: - Thưa Tôn giả, tôi không bố thí hay làm việc về tôn giáo, nhưng vào thời Phật Cadiếp tôi là đầy tớ của một ông chủ tàn bạo hà khắc. Ông ta chỉ có đánh đập. Nhưng khi tư tưởng sân hận nổi lên tôi tự an ủi mình rằng: "Ông ấy là chủ mình, có thể bắt giam mình, hoặc xẻo mũi mình, hay xẻo bất cứ nơi nào. Ðừng giận dữ". Như thế, tôi làm lắng dịu lòng mình, chỉ có thế, tôi được phước quả này.
Người khác nói: - Thưa Tôn giả, khi tôi đang canh chừng ruộng mía, tôi có cúng một cây mía cho một Sa-môn. - Tôi cúng một timbaràsaka. - Một elàluka. - Một phàrusaka. - Tôi cúng một nắm củ cải. Tất cả đều kết luận: "Bằng cách ấy chúng tôi đạt được quả phước". Tôn giả trở về bạch Phật: - Bạch Thế Tôn, có phải người được sanh cõi trời chỉ vì đã nói thật, hay đã chế ngự cơn giận, hay bố thí một nắm đậu.v.v..? - Vì sao ông hỏi ta điều ấy? Tất cả thiên thần đã chẳng kể rõ cho ông sao? - Thưa vâng, con tin rằng chỉ vài điều thiện nhỏ như thế cũng đủ sanh thiên. Phật dạy: - Này Mục-liên, chỉ với lời nói thật, chỉ với việc chế ngự cơn giận, hay tặng một quà nhỏ, người được sanh thiên. Ngài nói kệ: (224) Nói thật, không phẫn nộ, Của ít, thí người xin, Nhờ ba việc lành này, Người đến gần thiên giới.
5. Bà La Môn Ðón Phật Như Con Bậc hiền không hại ai ... Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật ở Anjanavana gần Sàketa, liên quan đến câu hỏi của chư Tỳ-kheo. Một hôm, đức Phật cùng chư Tăng đi vào Sàketa khất thực, một người Bà-la-môn ở trong thành nhìn thấy đấng Thập Lực đang đi vào cổng thành, ông ta quỳ xuống ôm chân Phật kêu lên: - Con thân yêu! Bổn phận con cái là chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, sao lâu quá chúng ta không gặp con? Ðây là lần đầu cha mới gặp, hãy về thăm mẹ con đi.
Phật đi theo, ông lão đưa Phật về nhà, ngồi vào chỗ soạn sẵn, với chư Tăng. Vợ người Bà-la-môn đến gặp Phật, gieo người dưới chân Ngài nói: - Con ơi! Bấy lâu nay con ở đâu? Không ai chăm sóc cha mẹ khi tuổi già. Bà kêu con trai, con gái ra chào Phật và nói: - Hãy đi chào anh con. Vui mừng hân hoan, người Bà-la-môn và vợ cúng dường thức ăn cho Phật và Tăng chúng, thỉnh cầu; - Bạch Thế Tôn, hãy thọ trai ở đây suốt đời. Phật trả lời: - Chư Phật không bao giờ thọ trai ở một nơi cố định. - Như thế, xin Ngài cho chúng con biết được người nào mời thọ trai. Từ đó, đức Phật bảo người đến thỉnh Ngài thọ trai rằng: "Hãy bảo cho Bà-la-môn đó".
Và họ đến nói với ông: - Ngày mai chúng tôi thỉnh Phật thọ trai. Người Bà-la-môn sẽ đem cơm canh từ nhà mình đến chỗ nào có đức Phật. Khi không ai mời, Phật dùng bữa tại nhà ông. Cả hai vợ chồng thường xuyên cúng dường Phật và nghe pháp, qua thời gian đều chứng Tam quả. Các Tỳ-kheo bàn tán ở Pháp đường: - Chư hiền, người Bà-la-môn biết chắc chắn rằng phụ thân đức Như Lai là vua Tịnh Phạn, và mẹ Ngài là hoàng hậu Ma-da. Dù vậy, cả hai ông bà đều gọi Như Lai là "Con chúng ta" và Phật chấp nhận lối xưng hô ấy. Chuyện này là thế nào?
Ðức Phật nghe việc này, Ngài dạy: - Này các Tỳ-kheo, hai vợ chồng Bà-la-môn đều có ý xem Ta như con khi họ gọi Ta là con. Ngài nói về quá khứ: - Thời quá khứ, Bà-la-môn ấy là cha của Ta trong năm trăm kiếp, là chú của Ta trong năm trăm kiếp, là ông nội của Ta năm trăm kiếp, bà vợ là mẹ của Ta năm trăm kiếp, là dì của Ta năm trăm kiếp, bà ngoại của Ta năm trăm kiếp. Ta được nuôi dưỡng suốt một ngàn năm trăm kiếp bên người chồng và một ngàn năm trăm kiếp bên người vợ.
Ðể giải thích việc ba ngàn đời là con cháu của họ, Phật nói kệ: Khi ý tưởng hân hoan, Và trái tim tin tưởng, Ta có thể tin vào, Người mới gặp lần đầu. Qua liên hệ quá, hiện, Lòng yêu thương khởi lên, Như sen nhô trên nước.
Ba tháng ở tại Sàketa, đức Phật thường lui tới nhà Bà-la-môn ấy để thọ trai, sau ba tháng, họ chứng quả A-la-hán và nhập Niết-bàn. Mọi người tỏ vẻ kính trọng thi hài họ, đặt lên giàn cây khiêng đi. Nghe tin rằng họ đã là mẹ và cha của đức Thế Tôn, dân chúng đi theo đám tang rất đông. Ðức Phật đến một giảng đường gần nơi hỏa táng, chờ ở đấy.
Mọi người đến đảnh lễ Phật thưa rằng: - Bạch Thế Tôn, xin đừng buồn vì song thân qua đời. Họ tìm cách an ủi Ngài. Thay vì quở họ đừng nói thế, đức Thế Tôn quan sát tâm tư mọi người và nói bài pháp tương ứng với trường hợp đặc biệt này, đọc kinh Jarà như sau: Ðời sống thật ngắn ngủi. Một trăm năm chưa qua, Người ta đã phải chết. Dù ai có sống lâu, Rồi cũng sẽ chết già.
Các Tỳ-kheo, không biết rằng người Bà-la-môn và vợ đã nhập Niết-bàn, hỏi Phật: - Bạch Thế Tôn, họ sẽ tái sanh nơi đâu? - Này các Tỳ-kheo, trường hợp của các A-la-hán thánh nhân như họ không có kiếp sau. Họ đã đạt đến Ðại Niết-bàn, cõi bất tử, vĩnh hằng. Ngài nói Pháp Cú: (225) Bậc hiền không hại ai, Thân thường được chế ngự, Ðạt được cảnh bất tử, Ðến đây, không ưu sầu.
6. Có Phải Người Tặng Quà Làm Nên Quà Tặng? Những người thường giác tỉnh ... Câu chuyện này được kể lại khi đức Thế Tôn ở tại núi Linh Thứu, liên quan đến Punna, đầy tớ gái của Trưởng giả thành Vương Xá.
Có một ngày, Punna phải giã gạo rất nhiều từ sáng sớm đến tối mịt, đốt đèn lên làm cũng không hết việc. Cuối cùng mệt quá, cô bước ra ngoài nghỉ một lát, thân thể ướt đẫm mồ hôi. Bấy giờ thần Dabba the Malla có nhiệm vụ đưa chư Tỳ-kheo về chỗ nghỉ.
Sau khi nghe pháp, ông dùng thần thông làm ngón tay sáng lên như một ngọn đèn và đi trước dẫn đường, các Tỳ-kheo theo sau. Ánh sáng khiến Punna chú ý đến các Sa-môn đang đi trên đường núi. Cô nghĩ thầm: "Mình làm thân ở đợ nên giờ này còn chưa được ngủ. Còn các Tỳ-kheo tôn kính kia sao không ngủ được?" Và cô đi đến kết luận: "Chắc có thầy nào đau ốm hay bị rắn cắn gì đây?".
Sáng sớm hôm sau, Punna lấy một ít cám, nhồi với nước lạnh, nắn bánh và đem nướng. Sau khi nướng xong, cô đem bánh, nước uống, đi ra bờ sông tắm, dự định sẽ ăn bánh trên đường đi. Lúc ấy, đức Phật cũng đi trên đường ấy, vào làng để khất thực.
Punna thấy Ngài, thầm nghĩ: "Có mấy hôm gặp Phật, ta không có gì để cúng dường, hoặc có thức ăn lại không gặp Phật. Hôm nay gặp Phật lại là lúc mình có sẵn bánh đây. Nếu Ngài không để ý bánh ngon hay dở, mình sẽ cúng dường Ngài".
Và cô đặt bình nước xuống bên đường, chào đức Phật và thưa: - Bạch Thế Tôn, xin nhận phẩm vật đơn sơ này và ban phước cho con. Phật nhìn sang A-nan, Tôn giả cầm bát vốn là quà tặng của một đại vương, trao cho Phật. Phật đưa bát và nhận bánh cám nướng. Punna đảnh lễ Phật, năm vóc sát đất và bạch: - Bạch Thế Tôn, xin cho chân lý Ngài chứng ngộ, con cũng được dự phần. - Con sẽ được như vậy.
Và đứng ngay tại chỗ, Thế Tôn nói lời chúc phúc. Nhưng Punna vẫn nghĩ: "Mặc dù Thế Tôn ban phước cho ta khi Ngài nhận bánh nhưng chắc Ngài không ăn. Chắc Ngài cầm nó đi một quãng đường rồi ném cho quạ, cho chó. Rồi Ngài đến nhà một ông hoàng hay vị đế vương nào đó, nhận thức ăn thượng vị".
Ðức Phật biết Punna nghĩ như thế nên Ngài nhìn A-nan, tỏ dấu muốn ngồi. Tôn giả trải tọa cụ, đức Phật ngồi xuống ngoài cổng thành và ăn bánh nướng. Chư thiên các tầng trời bèn đổ mật ong (thức ăn thích hợp cho cả trời lẫn người trên khắp các cõi nước) vào chiếc bánh khô cứng của Punna. Punnà đứng nhìn Ngài thọ thực. Khi Thế Tôn ăn xong, A-nan dâng nước. Vào cuối bữa ăn sáng này,
Thế Tôn quở Punnà: - Này Punna, tại sao người phỉ báng đồ đệ Ta? - Bạch Thế Tôn, con đâu có. - Vậy ngươi nói gì khi thấy họ? - Bạch Thế Tôn, con nghĩ đơn giản rằng: "Con bị bắt buộc làm việc nên không đi ngủ được, còn các Sa-môn tôn kính kia vì sao không ngủ? Có thể một vài vị bị bệnh hoặc rắn cắn chi đây?" Thế Tôn nghe xong, dạy Punnà: - Này Punnà, trường hợp ngươi khổ sở vì không được ngủ. Nhưng các đệ tử của Ta luôn luôn tỉnh giấc nên không ngủ. Ngài nói kệ: (226) Những người thường giác tỉnh, Ngày đêm siêng tu học, Chuyên tâm hướng Niết-bàn, Mọi lậu hoặc được tiêu. Nghe xong, Punnà liền chứng Sơ quả, hội chúng cũng được lợi ích.
Thế Tôn về đến tinh xá, các Tỳ-kheo bàn tán về việc ban sáng như sau: - Chư hiền, chắc đấng Thế Tôn đã ăn sáng khó nuốt lắm với chiếc bánh của Punnà làm bằng bột cám và nước bằng than. Thế Tôn đến gần, hỏi các thầy: - Các Tỳ-kheo, các ông tụ họp ở đây nói chuyện gì thế? Khi nghe kể lại, Ngài nói: - Này Tỳ-kheo, đây không phải là lần đầu Ta ăn như thế, sự việc này cũng đã xảy ra vào thời quá khứ.
Ngài nói kệ: - Cỏ thừa ngươi thường ăn, Váng cháo tấm ngươi uống Ấy thức ăn ngày trước Sao giờ ngươi chẳng ăn? - Chưa rành giòng dõi xuất thân, Thưa Ngài váng cháo tấm ăn no lòng. Còn con, ngựa giống ngựa nòi Ngài, con đều biết, cháo kia đâu thèm. (Trích đoạn của truyện tiền thân) Và Ngài kể lại chuyện tiền thân Kundakasimdhavapotaka.
7. Không Có Gì Quá Nhiều, Quá Ít. A-tu-la nên biết ... Câu chuyện này xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến nam cư sĩ Atula. Atula (Tu-lại) là một thiện tín sống ở Xá-vệ, và có một nhóm bạn năm trăm Phật tử. Một ngày nọ ông dắt cả năm trăm người đi đến tinh xá nghe pháp. Ðầu tiên họ đến bên Tôn giả Ly-bà-đa (Revata), cung kính đảnh lễ và ngồi một bên. Tôn giả là người ưa độc cư, yêu thích cô độc như một con sư tử yêu thích cô đơn, nên Ngài không nói gì với họ.
Tu-lại nghĩ thầm: "Tôn giả chẳng nói năng chi". Cả nhóm đứng dậy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, và cung kính đứng bên. Tôn giả hỏi: - Các ông đến gặp ta có chuyện gì? Tu-lại thưa: - Bạch Tôn giả, con đưa các bạn đi nghe pháp và đã gặp ngài Ly-bà-đa. Nhưng Ngài chẳng nói gì, nên con bất mãn và đến đây. Xin Tôn giả thuyết pháp cho chúng con. - Tốt lắm. Các ông hãy ngồi xuống.
Và Tôn giả Xá-lợi-phất giảng giải về A-tỳ-đàm tràng giang đại hải. Tu-lại nghĩ thầm: "A-tỳ-đàm rất khó hiểu, Tôn giả chỉ giảng giải pháp ấy cho ta quá dài, điều ấy đâu có ích lợi gì?" Và ông bực bội dẫn chúng bạn đi đến chỗ Tôn giả Anan. Tôn giả hỏi: - Có việc gì thế cư sĩ?
Tu-lại thưa: - Thưa Tôn giả, chúng con đến chỗ Ngài Ly-bà-đa mong được nghe pháp. Tôn giả chẳng nói lời nào. Chúng con đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, và Ngài dạy quá nhiều về Atỳ-đàm với tất cả chi tiết. Chúng con chẳng hiểu gì cả và buồn bực Tôn giả ấy, nên đến đây.
Xin Tôn giả thuyết pháp cho chúng con. - Tốt lắm, hãy ngồi xuống và lắng nghe. Tôn giả nói pháp cho họ, ngắn gọn và dễ hiểu. Nhưng họ cũng bực tức, bỏ đi và đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ rồi lui ngồi một bên. Phật hỏi: - Vì sao các ông đến đây? - Bạch Thế Tôn, chúng con nghe pháp. - Nhưng các ông đã nghe rồi. - Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ly-bà-đa chẳng nói lời nào, Tôn giả Xá-lợi-phất giảng dạy quá nhiều, Tôn giả A-nan lại nói ngắn quá, chúng con không vui nên đến đây.
Phật nghe xong và quở: - Này Tu-lại, từ xưa đến nay, người ta luôn chê bai. Người không nói, người nói nhiều, người nói ít đều bị chê, không ai hoàn toàn được khen, cũng không ai hoàn toàn bị chê. Ngay cả các bậc Ðế vương cũng được người khen kẻ chê. Ngay cả đại địa, mặt trời, mặt trăng, ngay cả một vị Phật, ngồi giữa tứ chúng mà thuyết pháp cũng có người khen kẻ chê. Lời khen chê của người ngu không quan trọng. Nhưng khi người học thức, thông minh khen hay chê, đó mới là đích thực.
Ngài nói kệ: (227) A-tu-la nên biết, Xưa vậy, nay cũng vậy, Ngồi im, bị người chê, Nói nhiều, bị người chê, Nói vừa phải bị chê, Làm người không bị chê Thật khó tìm ở đời. (228) Xưa, vị lai và nay, Ðâu có sự kiện này, Người hoàn toàn bị chê, Người trọn vẹn được khen. (229) Sáng sáng, thẩm sát kỹ, Bậc có trí tán thán, Bậc trí không tỳ vết, Ðầy đủ giới, định, tuệ. (230) Danh sáng như vàng ròng, Ai dám chê vị ấy? Chư thiên phải khen thưởng, Phạm thiên cũng tán dương.
8. Lục Quần Tỳ Kheo Giữ thân đừng phẫn nộ ... Câu chuyện này xảy ra khi Thế Tôn ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Lục quần Tỳkheo. Ngày nọ, nhóm Lục quần Tỳ-kheo mang guốc gỗ, hai tay cầm gậy khua lóc cóc, đi lên đi xuống rầm rầm trên một phiến đá. Phật nghe tiếng lốp bốp, mới hỏi Ngài A-nan: - Này A-nan! Tiếng gì thế? Tôn giả thưa: - Bạch Thế Tôn, Lục quần Tỳ-kheo mang guốc gỗ, đi tới đi lui nên gây ra tiếng ấy. Nghe thế, Phật dạy: - Một Tỳ-kheo phải kiểm soát tư tưởng, lời nói, và hành động của mình.
Ngài nói kệ: (231) Giữ thân, đừng phẫn nộ, Phòng thân, khéo bảo vệ, Từ bỏ thân làm ác, Với thân, làm hạnh lành. (232) Giữ lời, đừng phẫn nộ, Phòng lời, khéo bảo vệ Từ bỏ lời thô ác, Với lời, nói điều lành. (233) Giữ ý đừng phẫn nộ, Phòng ý, khéo bảo vệ, Từ bỏ ý nghĩ ác, Với ý, nghĩ hạnh lành. (234) Bậc trí bảo vệ thân, Bảo vệ luôn lời nói, Bảo vệ cả tâm tư, Ba nghiệp khéo bảo vệ.
* -Hết phầm 17 – ✿✿✿
Bình luận (0)