Mở đề
Malaysia là quốc gia quân chủ lập hiến liên bang nằm tại phía nam của khu vực Đông Nam Á, có bề dày lịch sử Phật giáo từ thời cổ đại, từ khoảng thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch.
Phật giáo đã đến Malaysia thông qua giao lưu thương mại và văn hoá Ấn Độ, các khu vực Đông Nam Á khác.
Theo thời gian, Phật giáo đã hòa nhập vào cộng đồng xã hội Malaysia, đặc biệt là ở các khu vực như Penang, Kelantan và Perak.
Ngày nay, đạo Phật là một trong những tôn giáo chính ở Malaysia, đạo Phật là một bộ phận đáng kể dân số thực hành tôn giáo, bên cạnh Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Ấn Độ giáo và các tôn giáo khác.
Lịch sử
Lịch sử đạo Phật du nhập vào Malaysia hơn hai thiên niên kỷ trước thông qua thương mại và tương tác văn hóa với các nền văn minh Ấn Độ và Đông Nam Á khác. Phật giáo cũng lan truyền đến miền bắc bán đảo Semenanjung Tanah Melayu, một bán đảo lớn thuộc khu vực Đông Nam Á từ Thái Lan. Trong nhiều thế kỷ sau đó, đạo Phật đã ảnh hưởng đến xã hội, nghệ thuật, văn hóa và chính trị Malaysia. Các nguồn tài liệu viết cho biết rằng, có khoảng 30 tiểu bang Ấn Độ hoá nhỏ đã trỗi dậy và sụp đổ ở bán đảo Bán đảo Malaysia (Semenanjung Tanah Melayu).
Trong nhiều thế kỷ, người dân trong khu vực, đặc biệt là các Vương triều và Hoàng gia, đã tổng hợp các ý tưởng của Ấn Độ và bản địa bao gồm Ấn Độ giáo và Phật giáo Đại thừa, điều này đã định hình nên các mô hình chính trị và văn hoá của họ. Tuy nhiên, Vương quốc Kedah của người Malaysia đã lên án tôn giáo Ấn Độ sau khi Vương triều Chola ( சோழர்), một triều đại của người Tamil, một trong số các triều đại cai trị lâu dài nhất tại Nam Ấn Độ đã tấn công họ vào đầu thế kỷ 11.
Vương quốc Hồi giáo Kedah được thành lập, năm 1474 khi vị vua đầu tiên Vương quốc Hồi giáo Kedah, Phra Ong Mahawangsa cải đạo sang Hồi giáo lấy hiệu là Sultan Mudzafar Shah (ڤدوك سري سلطان مظفر شاه), trong thời kỳ hoàng kim của Vương quốc Hồi giáo Malacca, phần lớn là người Malaysia đã cải đạo sang Hồi giáo.
Qua nhiều thế kỷ, đạo Phật đã khẳng định là một tôn giáo quan trọng ở nhiều vùng khác nhau của Malaysia, ảnh hưởng đến nghệ thuật, kiến trúc và phong tục. Đạo Phật tồn tại song song với các tôn giáo khác, góp phần tạo nên bối cảnh tôn giáo đa dạng của đất nước.
Ngày nay, đạo Phật vẫn tiếp tục hưng thịnh ở Malaysia, với những cơ sở tự viện Phật giáo, nghi lễ và lễ hội đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của những người phật tử.
Các Tông phái Phật giáo
Phật giáo Nguyên thuỷ (Theravāda Buddhism): Trưởng lão bộ (स्थविरवाद, Theravāda). Giáo pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong Kinh điển Pāli trong hơn hai thiên niên kỷ.
Phật giáo Nguyên thuỷ (Theravāda Buddhism) hiện đại xuất phát từ một giáo phái của Sthavira Nikaya của Ấn Độ.
Truyền thống này bắt đầu hình thành tại Ấn Độ từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch. Tại quê hương đức Phật Ấn Độ, Tam tạng Thánh điển Phật giáo hệ ngữ văn Pāli đã được viết ra và các tài liệu chú giải của trường phái này đã phát triển.
Từ Ấn Độ, truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ sau đó lan rộng sang Đông Nam Á.
Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna Buddhism, महायान): Phong trào Phật giáo Đại thừa xuất hiện tại Ấn Độ vào khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch và đến thế kỷ thứ 9 đã ảnh hưởng chủ đạo đối với các nền văn hoá Phật giáo ở vùng Trung và Đông Á, và vẫn duy trì cho đến ngày nay.
Phật giáo Đại thừa nhấn mạnh vào ý tưởng từ bi tâm, trí tuệ và tiềm năng giác ngộ cho tất cả chúng sinh. Phật giáo Đại thừa được người Malaysia gốc Hoa tu học và bao gồm các trường phái như Phật giáo Tịnh độ và Phật giáo Thiền tông. Phong trào này được đặc trưng bởi một vũ trụ quanh hùng vĩ, thường là nghi lễ phức tạp, siêu hình học nghịch lý và đạo đức phổ quát.
Phật giáo Kim Cương thừa (Vajrayāna Buddhism, वज्रयान), một trường phái Phật giáo xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 5 - 6 tại Bắc Ấn Độ, một truyền thống Phật giáo thực hành về Mật tông phát triển ở Ấn Độ thời Trung cổ và lan rộng đến các quốc gia Tây Tạng, Nepal, các quốc gia khác ở dãy Himalaya, Đông Á, một số vùng Đông Nam Á và Mông Cổ, Nga (riêng bộ Vô thượng du-già ‘རྣལ་འབྱོར་བླ་ན་མེད་པའི་རྒྱུད་’ chưa truyền sang Trung Quốc và Nhật Bản).
Phật giáo Kim Cương thừa, nhấn mạnh vào các giáo lý từ bi, trí tuệ Phật pháp và thực hành Mật tông, bao gồm các nghi lễ, trì tụng chân ngôn thần chú và kỹ thuật thiền định. Phật giáo Kim Cương thừa này được cộng đồng người Tây Tạng xem như pháp môn tu chính thống của họ và hiện nay Phật giáo Kim Cương thừa đang phát triển tại Malaysia.
Tổng hội Phật giáo Kim Cương thừa Malaysia (馬來西亞金剛乘佛教總會, Vajrayana Buddhist Council of Malaysia-VBCM) ra đời vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.
Từ năm 2000, Tổng hội Phật giáo Kim Cương thừa Malaysia (VBCM) đã được đưa vào làm thành viên tham gia của Hội đồng tư vấn Phật giáo Malaysia (MBCC). Cuối cùng, VBCM cũng được Văn phòng đăng ký xã hội Malaysia (RoS) công nhận và đăng ký vào ngày 12 tháng 6 năm 2002. Có 20 tổ chức thành viên sáng lập trong VBCM.
Tổng hội Phật giáo Cư sĩ Malaysia (Malaysian Buddhist Kulapati Association, 馬來西亞佛教居士總會) thành lập 2013 và các thành viên gồm các Hội Phật giáo cư sĩ lâm (Chempaka Buddhist Lodage) hiện diện khắp các nơi ở Malaysia.
Người cư sĩ tại gia nên tu học Phật pháp giống như người xuất gia tu sĩ, tập trung vào việc học Phật và tu tập Phật pháp. Khác với người xuất gia tu sĩ, cư sĩ phật tử tại gia đảm nhận trách nhiệm phật sự bố thí và cúng dường, đây cũng là mục tiêu cuối cùng của việc thực hành phúc đức và trí tuệ.
Giáo lý quý báu của đức Phật có những phương pháp khác khau dành cho cư sĩ tại gia và người xuất gia tu sĩ. Lý do các vị xuất gia tu sĩ là những người tu tập toàn thời gian, dùng kinh nghiệm thu được từ việc nghiên cứu Phật học và thực nghiệm Phật pháp để hướng dẫn tất cả chúng sinh đến đại đạo Bồ đề.
Cư sĩ phật tử tại gia, ngoài việc bố thí và cúng dường, quý đạo hữu cũng nên chú trọng đến việc nghiên cứu phật học và thực nghiệm phật pháp. Dùng Phật học làm cơ sở để thâm nhập phật pháp, dùng tu hành làm mục đích đạt đến giải thoát, đây gọi là lộ trình phúc đức và Trí tuệ song tu.
Phật giáo Nhật Liên (Nichiren Buddhism, 日蓮佛教): Một tông phái của Phật giáo Đại thừa dựa trên giáo huấn của Đại sư Nichiren (1222-1282), một vị cao tăng Nhật Bản của thế kỷ 13. Tông phái này dùng Kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa (大乘妙法蓮華經) làm tôn chỉ, bản tôn. Phật giáo Nhật Liên hiện diện trong một số cộng đồng người Hoa tại Malaysia.
Lễ hội Phật giáo
Đại lễ Vesak, kỷ niệm 3 sự kiện lớn trong đời đức Phật: Đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn: Đây là lễ hội Phật giáo quan trọng nhất ở Malaysia. Được tổ chức kỷ niệm hằng năm vào ngày trăng tròn của tháng Vesakha Âm lịch, tương đương với ngày 15/4 Âm lịch (thường là vào tháng 5 Dương lịch), các cư sĩ phật tử đồng vân tập tại các cơ sở tự viện Phật giáo của mỗi địa phương, dâng hương, đăng quả phẩm để cầu nguyện, cúng tứ sự cúng dường gồm y phục, thức ăn, đồ nằm, và thuốc men cho đoàn thể Phật giáo thanh tịnh hoà hợp và tham gia vào đại lễ Vesak.
Lễ hội Cửu hoàng đế (九皇爺誕, Lễ hội ăn chay), một lễ kỷ niệm Đạo giáo kéo dài chín ngày bắt đầu vào đêm trước tháng 9 Âm lịch theo lịch Trung Quốc, tổ chức chủ yếu ở các nước Đông Nam Á trong đó có Malaysia. Lễ hội bao gồm chế độ ăn chay nghiêm ngặt, cầu nguyện và các nghi lễ biểu diễn để tôn vinh Cửu hoàng đế.
Vu lan bồn (盂蘭盆): Lễ hội Phật giáo được tổ chức rộng rãi ở Đông Á. Lễ hội này được cử hành vào cuối kỳ an cư mùa mưa của cộng đồng Phật giáo, tức là vào ngày 15 tháng Bảy Âm lịch. Những vong linh được tin sẽ quay trở về nhà vào ngày này; và để tỏ lòng thành kính đối với họ, người ta đặt bày phẩm vật dâng cúng lên bàn thờ, đốt hương và thỉnh mời chư Tăng tụng đọc kinh chú, v.v. (trở thành tập tục trong dân gian – theo truyền thống Phật giáo Đại thừa).
Lễ hội Pchum Ben: “Ngày của Tổ tiên” hay “Ngày lễ chăm sóc người quá cố” là một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo Nguyên thuỷ tại Malaysia.
Lễ hội Pchum Ben tại Malaysia thường kéo dài 15 ngày, từ mồng 1 đến ngày 15 tháng 10, dịp này thường rơi vào cuối mùa an cư của chư tăng Phật giáo Nguyên thuỷ.
Đây là thời điểm các cư sĩ phật tử theo truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ bày tỏ tâm thành kính tưởng niệm và tri ân của họ đến cha mẹ nhiều đời, tổ tiên nhiều kiếp thông qua việc dâng cúng lễ phẩm, vật thực đến tổ tiên ông bà và tích cực hơn nữa trong việc hành thiện nghiệp bố thí, cúng dường để hồi hướng phúc đức ấy cho người thân quá vãng nương nhờ phúc đức ấy mà sinh vào cõi an lành.
Lễ Kathina: Lễ hội Phật giáo Nguyên thuỷ này được tổ chức vào cuối vassa, hay Mùa Chay của Phật giáo, thường là vào tháng 10 hoặc tháng 11. Lễ hội này bao gồm việc lễ dâng y cà sa và các vật dụng cần thiết khác cho chư tôn tịnh đức tăng già thanh tịnh hoà hợp đã hoàn thành khoá tu mùa mưa. Các cư sĩ phật tử tham gia vào các hoạt động tạo công đức và thực hiện các việc bố thí và cúng dường.
Tam tạng Thánh điển Phật giáo
Tam tạng kinh điển Nguyên thủy: Gồm Tam tạng Phật giáo được ghi chép bằng ngữ văn Pali, Kinh Tạng (Nikaya Pitaka - Discourses), Luật tạng (Vinaya Pitaka) và Luận tạng (Abhidhamma Pitaka). Tại Malaysia, các cơ sở tự viện Phật giáo Nguyên thuỷ thường nhấn mạnh nghiên cứu và đọc tụng Tam tạng Pali.
Kinh điển Đại thừa: Kinh điển Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna Buddhism) được chép bằng tiếng Sanskrit. Chúng bao gồm các loại kinh văn căn bản như Bát Nhã Tâm kinh, Kim Cương kinh, Diệu Pháp Liên Hoa kinh và A Di Đà kinh. . . Những người xuất gia và tại gia tu học theo Phật giáo Đại thừa ở Malaysia nghiên cứu tu học những kinh điển này như một phần trong thực hành tôn giáo của họ,thường kết hợp đọc tụng kinh và tu tập thiền định.
Tạng kinh Phật giáo Tây Tạng: Danh sách các văn bản thiêng liêng được nhiều trường phái Phật giáo Tây Tạng công nhận. Tạng kinh bao gồm Kangyur, là những lời dạy được ghi chép lại của Đức Phật, và Tengyur, là những lời bình luận của các bậc thầy vĩ đại về những lời dạy được ghi chép lại của đức Phật. Các cộng đồng Phật giáo Kim Cương thừa Mật tông Tây Tạng ở Malaysia tham gia nghiên cứu các loại kinh điển này, thường dưới sự hướng dẫn của các bậc Đạo sư có trình độ chuyên môn hướng dẫn.
Kinh điển Phật giáo Nhật Liên: Nhật Liên tông do ngài Nhật Liên thành lập vào thế kỷ 12. Tông phái này lấy kinh Pháp Hoa làm căn bản cho tư tưởng và sự thực hành, được các phật tử ở Malaysia đọc tụng và nghiên cứu tu học, đặc biệt là trong các tổ chức Phật giáo Nhật Liên (Buddhism Nichiren).
Những cơ sở tự viện Phật giáo nổi tiếng
Ngôi danh lam Phật địa Kek Lok Si (極樂寺 - Cực Lạc tự) tọa lạc ở Air Itam, hòn đảo Penang xinh đẹp, địa điểm du lịch Malaysia nổi tiếng khắp thế giới, là điểm đến tâm linh của rất nhiều người mến đạo Phật ở Malaysia và cũng là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á.
Ngôi cổ tự Kek Lok Si (Cực Lạc tự) được xây dựng dựa núi có diện tích 12 ha và được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 (1890) do Thiền sư Diệu Liên khai sơn.
Với hàng triệu hình ảnh tuyệt đẹp của đức Phật và hàng trăm bức chạm khắc nghệ thuật Phật giáo có ý nghĩa, tác phẩm điêu khắc và tranh tường trong nội thất và ngoại thất của các gian phòng. Ngôi cổ tự Kek Lok Si không những là một trung tâm văn hóa Phật giáo và giảng dạy Phật pháp, mà còn là một kho tàng di sản duy nhất của Phật giáo Đại thừa và nghi lễ Phật giáo Trung Hoa, hòa nhịp với Phật hóa nhân gian bởi cơ chế bản địa hóa, thành một một tổng thể hài hòa, trong kiến trúc tự viện Phật giáo và các hoạt động hằng ngày trong cuộc sống của Phật giáo đồ.
Khuôn viên chùa được chia thành 3 khu chính. Tại lối vào là các gian hàng bày bán các mặt hàng lưu niệm, tượng Phật và thức ăn phục vụ nhu cầu khách du lịch Malaysia. Khu điện thờ nằm ở trung tâm và khu thờ trên đỉnh núi.
Nơi đây có một loạt các điện thờ cầu nguyện, chùa và khu vườn được thiết kế trông rất đẹp mắt.
Chùa Thean Hou (Thiên Hậu tự) ở Robson Heights, Kuala Lumpur, Malaysia Chùa khởi công xây dựng vào năm 1981 và hoàn thành vào năm 1987. Cấu trúc sáu tầng, trong đó mất sáu năm để xây dựng, chi phí khoảng 7 triệu ringgit (Tiền Malaysia).
Chính thức Lễ Lạc thành vào ngày 03 tháng 9 năm 1989. Đây là một cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa tại Malaysia. Ngôi Chùa Thiên Hậu nổi tiếng với kiến trúc tinh xảo, đồ trang trí phức tạp và tầm nhìn toàn cảnh đường chân trời của thành phố.
Chùa Phật giáo Sri Lanka: Còn được gọi là Chùa Phật giáo Sentul Sri Lanka (Sentul Sri Lanka Buddhist Temple), toạ lạc tại Kuala Lumpur, với vai trò là trung tâm Phật giáo và văn hoá cộng đồng người Sri Lanka tại Malaysia. Nơi đây có kiến trúc truyền thống của Sri Lanka và là nơi tổ chức nhiều nghi lễ Phật giáo và sự kiện khác nhau.
Wat Chaiyamangalaram: Ngôi chùa Phật giáo nguyên thủy, toạ lạc tại Lorong Burma, tiểu bang Penang của Malaysia, ngôi chùa Phật giáo Thái Lan xưa nhất và nổi tiếng với bức tượng Phật nhập Niết bàn, nằm nghiêng về bên phải, chân duỗi thẳng, tay trái đặt trên đùi, tay phải đặt dưới tai, khuôn mặt thoải mái, an nhiên, không vướng âu lo, vô cùng thư thái, một trong những pho tượng lớn nhất thế giới.
Quần thể ngôi chùa bao gồm các bức tranh tường đầy màu sắc, tượng của các vị thần hộ pháp và các gian hàng trang trí công phu. Wat Chayamangkalaram trở thành điểm nhấn cho các lễ hội Songkran, Loy Krathong và Vesak hàng năm trong thành phố.
Chùa Dhammikarama Burmese (ဓမ္မိကာရာမမြန်မာကျောင်း): Một ngôi chùa Phật giáo Nguyên thuỷ, toạ lạc tại thị trấn George Town thuộc tiểu bang Penang, Malaysia, đây là ngôi chùa Phật giáo Myanmar duy nhất trong tiểu bang này, nổi tiếng với kiến trúc truyền thống Myanmar và các điện thờ trang trí lộng lẫy, nơi tổ chức các lễ hội văn hoá thường niên như các lễ hội Nước, Thingyan và Trung thu, cũng như Mùa chay Phật giáo.
Chùa Nam Hoa (南華寺): toạ lạc tại bang Selangor, Malaysia, ngôi chùa thuộc chi nhánh của Phật Quang Sơn Đài Loan. Ngôi chùa có kiến trúc Trung Hoa cổ điển, một Chính điện lớn, một bảo tháp cao chót vót và những khu vườn rộng lớn để tu tập thiền định và thư giãn.
Sāsanārakkha Buddhist Sanctuary (SBS): Một tu viện Phật giáo toạ lạc giữa những ngọn đồi có rừng, Taiping, Perak, Malaysia. Tu viện được thành lập vào tháng 1 năm 2000 bởi Tỳ kheo Aggacitta như một trung tâm đào tạo cho các nhà sư và trung tâm thiền định Phật giáo Nguyên thủy Malaysia. Nơi đây cung cấp các khóa tĩnh tâm, chương trình thiền định và giáo lý Phật pháp trong một bối cảnh thiên nhiên yên bình.
Tình trạng hiện tại
Đạo Phật vẫn là một trong những tôn giáo chính ở Malaysia, được một bộ phận đáng kể dân số thực hành. Trong khi Hồi giáo là tôn giáo chính thức của Malaysia, Phật giáo, cùng với các tín ngưỡng khác, được tự do thờ cúng và được bảo vệ theo hiến pháp.
Các cơ sở tự viện và trung tâm thiền định Phật giáo là trung tâm hoạt động Phật giáo và văn hoá. Chúng đóng vai trò phục vụ văn hoá tín ngưỡng nhân gian, giáo dục và tụ họp cộng đồng, tạo cơ hội cho việc thiền định, giảng dạy Phật pháp và các sự kiện văn hoá.
Việc ứng dụng thực tiễn Phật pháp ở Malaysia cũng chịu ảnh hưởng bởi quá trình hiện đại hoá và toàn cầu hoá, với các Phật giáo đồ tham gia vào hình thức thể hiện tôn giáo đương đại, chẳng hạn như giảng dạy giáo lý Online, hội thảo chính niệm và các sáng kiến phúc lợi xã hội.
Nhìn chung, Phật giáo vẫn duy trì sự hiện diện đáng kể trong xã hội Malaysia, góp phần vào đa dạng hoá và đa tôn giáo của đất nước. Tuy nhiên, giống như các tôn giáo khác, Phật giáo phải đối mặt với những thách thức như sự thay đổi nhân khẩu học, xu hướng thế tục hóa và các diễn biến chính trị xã hội tác động đến vai trò và ảnh hưởng của Phật giáo trong xã hội Malaysia.
Các tổ chức được chính phủ công nhận
Một trong những tổ chức Phật giáo được chính phủ công nhận nổi bật tại Malaysia là Hiệp hội Phật giáo Malaysa (Malaysian Buddhist Association, MBA), còn được gọi là Persatuan Buddhist Malaysia trong tiếng Mã Lai. MBA là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích thúc đẩy Phật giáo, thúc đẩy sự thống nhất giữa các cộng đồng Phật giáo và tham gia vào các hoạt động từ thiện.
Được thành lập vào năm 1959, Hiệp hội Phật giáo Malaysa (MBA) là một trong những tổ chức Phật giáo lâu đời và có uy tín nhất tại một trong những quốc gia biển đảo thu hút đông đảo khách du lịch ở khu vực Đông Nam Á này.
Hiệp hội Phật giáo Malaysa (MBA) được Chính phủ Quân chủ lập hiến Liên bang Đại nghị chế Malaysia chính thức công nhận và đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của phật tử tại Malaysia.
Hiệp hội Phật giáo Malaysa (MBA) hoạt động dưới sự bảo trợ của Hội đồng tư vấn Phật giáo, Thiên chúa giáo, Ấn Độ giáo, Sikh giáo và Đạo giáo Malaysia (MCCBCHST), một tổ chức liên tôn được chính phủ công nhận.
Thông qua các hoạt động khác nhau của họ, Hiệp hội Phật giáo Malaysa (MBA) đóng góp vào việc bảo tồn và truyền bá đạo Phật từ bi, trí tuệ, hùng lực, tự do, bình đẳng, giáo lý quý báu của đức Phật, thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo và phục vụ nhu cầu của cộng đồng phật tử tại Malaysia.
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: ibcworld.org
Bình luận (0)