Trang chủ Bài viết nổi bật Khảo lược một số bài thơ Thiền – Phật của chúa Trịnh Cương

Khảo lược một số bài thơ Thiền – Phật của chúa Trịnh Cương

Chúa Trịnh Cương được đánh giá là một vị chúa mẫu mực trong mối quan hệ ứng xử với vua Lê, một vị chúa hiền minh của nhà Trịnh, một hồn thơ tài hoa giàu suy tưởng...

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Chúa Trịnh Cương được đánh giá là một vị chúa mẫu mực trong mối quan hệ ứng xử với vua Lê, một vị chúa hiền minh của nhà Trịnh, một hồn thơ tài hoa giàu suy tưởng…

Tác giả: Đặng Việt Thủy
Nhà 35, hẻm 120/4/3, ngõ 120, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội

Trịnh Cương sinh năm 1686, được nối nghiệp chúa lúc 24 tuổi. Ông là vị chúa lên nắm quyền ở độ tuổi 20, khác với các bậc tiên tổ do hoàn cảnh đặc biệt.

Trịnh Cương là con trưởng Trịnh Bính, cháu đích tôn Trịnh Vịnh, chắt đích tôn Định vương Trịnh Căn.

Chúa Trịnh Căn (1682 – 1709) vốn sáng suốt về việc cai trị đã sớm lo liệu, rèn luyện người nối nghiệp. Con trưởng của ông là Trịnh Vịnh mất sớm lúc 28 tuổi. Con trưởng của Trịnh Vịnh là Trịnh Bính được chọn làm thế tử kế nghiệp cũng mất sớm. Lúc này các cháu của Trịnh Căn và con của Trịnh Vịnh có nhiều, ít nhất là 7 người làm chức vụ cao cấp trong triều đình. Nhưng Trịnh Căn lắng nghe ý kiến của triều thần, đã lựa chọn chắt đích tôn là Trịnh Cương, còn có tên là Trù, lập ngôi thế tử để giữ nghiêm phép tắc.

Tương truyền, Trịnh Cương tuy nhỏ tuổi nhưng có tài năng văn võ nên được các quan triều thần ủng hộ. Năm 15 tuổi, ông được theo việc quân, giữ tước Phả An hầu. Năm 17 tuổi được thăng chức Đô đốc Phả quận công. Năm 18 tuổi, được giao nhiệm vụ Khâm sai Tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh, hàm Thái úy, tước Phả quốc công, mở phủ Kinh quốc, được tham dự việc triều chính với Trịnh Căn.

Năm Kỷ Sửu (1709), Trịnh Căn mất, Trịnh Cương được nối nghiệp chúa, được phong Đại nguyên soái Tổng quốc chính An Đô vương. Năm Giáp Ngọ (1714) được tiến phong Đại nguyên soái tổng quốc chính Thượng phụ An vương. Nhân dịp tiến phong, Trịnh Cương vào bái yết Thái Miếu và chầu vua Lê ở điện Vạn Thọ. Đây là cử chỉ tỏ ra Trịnh Cương là người biết giữ mối quan hệ vua Lê chúa Trịnh, không lấn quyền như các chúa trước. Đáp lại, vua Lê Dụ Tông kính trọng Trịnh Cương khác thường, cho tấu sớ không phải đề tên.

An vương Trịnh Cương chăm lo việc triều chính, chỉnh đốn kỷ cương phép nước chặt chẽ hơn các đời trước, có nhiều cải cách có lợi cho dân, khiến đất nước vững bền, thịnh trị. Chúa trọng dụng các đại thần rất trẻ và có tài như Lê Anh Tuấn, Nguyến Công Cơ, Nguyễn Công Hãng…

Cùng với các vị quan này, chúa Trịnh Cương bàn định và ban hành hàng loạt cải cách về thuế khóa. Sử ghi rằng, có lần nửa đêm, nghĩ đến việc cải cách, chúa sai người đánh thức hai quan tể tướng là Công Hãng và Anh Tuấn mời vào phủ bàn việc. Có lúc làm việc kéo dài đến quá trưa.

Trong phát triển kinh tế, chúa thực hiện chế độ thuế điền thổ, giảm bớt nỗi khổ cho dân nghèo, ban lệnh chia ruộng đất cho nông dân xiêu tán để họ an cư lạc nghiệp. Cấp ruộng cho lính làm nhiệm vụ quân ngũ. Ra lệnh triệt phá các trang trại lớn của quan lại phú hào, ngăn ngừa quan lại cậy quyền ức hiếp dân, mua rẻ, chiếm đoạt ruộng đất của dân để làm trang trại. Lập sổ đinh, điền rõ ràng.

Song song với việc phát triển nông nghiệp, chúa Trịnh Cương chú ý đến phát triển việc khai thác mỏ vàng, đồng, kẽm, quy định chặt chẽ việc mộ phu khai thác mỏ của chủ thầu.

Về quân sự, Chúa ban hành chỉnh đốn lại quân đội, ra lệnh giải tán các đội quân riêng của các thân vương, tướng lĩnh thân thuộc với chúa. Tất cả hợp thành một lực lượng thống nhất  thuộc quyền cai quản của phủ chúa, nhằm đề phòng những cuộc nội chiến giành giật ngôi vị, quyền lợi giữa những kẻ có quyền lực.

Về văn hóa, giáo dục, chúa ban hành lệnh cấm uống rượu say, cấm đánh bạc. Chỉnh đốn việc thi cử, trừng trị nạn tham nhũng trong thi cử. Có cuộc thi xong, chúa ra lệnh bắt thi lại, đánh hỏng 28 người, trong đó có con của quan Tham tụng đứng đầu Phủ Liêu, con các quận công, Nội giám… (những kẻ này học kém đã dựa vào uy thế cha ông được đỗ kỳ thi trước), xử phạt các quan có trách nhiệm trong cuộc thi.

Về hành chính, tổ chức, chúa cho thành lập đầy đủ Lục phiên bên cạnh phủ chúa để tăng cường hiệu lực công việc Lục bộ của triều đình. Chú trọng việc bổ dụng các quan lại trẻ có tài năng vào các chức vụ, chăm lo làm trong sạch đội ngũ quan lại, cho phép dân chúng yết bảng tỏ bày ý kiến về quan lại địa phương, đồng thời ban dụ kẻ nào khen chê bậy bạ sẽ bị tội…

Về ngoại giao, chúa Trịnh mềm mỏng nhưng kiên quyết đòi triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) phải trả lại mỏ đồng Tụ Long rộng trên 40 dặm, đòi xóa bỏ lệ cống người vàng có từ thời trước của triều Minh. Chúa còn ban lệnh quy định chặt chẽ khu vực cư trú làm ăn của người nước ngoài, không cho tùy tiện đi lại.

Về quan hệ với vua Lê, chúa Trịnh Cương tỏ ra khiêm nhường cung kính, tôn trọng vua là bậc chí tôn, mình là người phụ tá. Do đó vua Lê Dụ Tông càng trọng vọng ông, triều thần tin phục ông.

Chúa Trịnh Cương coi trọng Phật giáo, ủng hộ việc xây dựng chùa. Điển hình như năm 1724, chúa đã cấp tiền cho thiền sư Như Nguyệt trùng tu chùa, đồng thời cấp cho chùa này thêm 50 mẫu đất. Năm 1727, chúa cho lập chùa Tây Thiên ở làng Sơn Bình, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên và chùa Độc Tôn ở làng Cát Nê, huyện Phổ An, tỉnh Thái Nguyên để khi chính sự rảnh rỗi chúa lên nghỉ tại đó.

Năm 1714 và năm 1735 chúa Trịnh Cương và Thái phi xuất tiền cho trùng tu, đúc đại hồng chung, đúc khánh, tô tượng cho chùa Hàm Long (Thăng Long) và cấp cho chùa thêm 30 mẫu ruộng phường Hồ Khẩu. Năm 1719, chúa dùng sức dân ba huyện Gia Định, Lương Tài và Quế Dương để trùng tu lại chùa Phúc Long (Bắc Ninh) và miễn thuế một năm cho dân ba huyện này.

Chúa Trịnh Cương còn cho xây dựng đền Cổ Loa từ năm 1708 đến 1717 với quy mô to lớn có đôi rồng đá lớn chạm khắc tinh vi, xây dựng chùa Quỳnh Lâm, năm 1727 xây tháp Tịch Quang, xây dựng Hành cung Cổ Bi, dựng 25 bia đá ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đến năm 1717 thì hoàn thành. Hiện nay Cổ Bi vẫn còn 2 voi đá, 2 hổ đá, 2 kỳ lân đá to lớn, chạm trổ tinh vi…

Phật giáo dưới thời Trịnh Cương, có vị trí quan trọng trong đời sống nhân dân và chính quyền đương thời. Những chính sách tiến bộ ưu ái trọng dụng tăng sĩ nói riêng, Phật giáo nói chung của các chúa Trịnh đã góp phần không nhỏ vào cục diện ổn định xã hội thời Lê Trung Hưng trong lịch sử trung đại Việt Nam.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Khao luoc bai tho Thien Phat chua Trinh Cuong 1

Tháng 10 năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718), chúa Trịnh Cương viếng thăm chùa Pháp Vũ (chùa Đậu) ở huyện Thường Tín, ông làm bài thơ “Pháp Vũ tự thi”. Nguồn: St

An Đô vương Trịnh Cương là vị chúa duy nhất trị vì trong một giai đoạn thái bình toàn phần, không hề có nạn binh đao cả ở trong nước lẫn ngoài biên ải. Vị chúa thứ sáu của dòng họ Trịnh mặc dù chỉ là người được mặc nhiên kế vị sự nghiệp của cha ông nhưng lại rất biết tu thân dưỡng tính để xứng đáng với ngôi vị cao và lòng mong mỏi của trăm họ.

Ông cũng là người hay chữ, yêu thơ và làm thơ. Chúa tặng thơ cho đình thần, các quan họa lại, rồi đặt ra những cuộc thi… tạo nên một không khí hòa đồng gần gũi giữa chúa và bề tôi trong sinh hoạt văn chương,  điều này gần gũi và có lẽ ảnh hưởng của thời vua Lê Thánh Tông. Chúa Trịnh Cương còn đưa cả chữ Nôm vào thi cử.

Ngày nay đọc lại những bài thơ Nôm của chúa Trịnh Cương, được ghi lại trong tập “Lê triều ngự chế quốc âm thi”, có thể thấy rõ hơn một tấm lòng và một trí tuệ của một đấng vương công luôn đau đáu nỗi niềm thương dân ái quốc.

Ngoài ra, ông còn có nhiều bài thơ được chép trong các sách “Lịch triều tạp ký”, “Đại Việt sử ký tục biên”… và được khắc tên (trên bia đá, biển gỗ, vách núi) ở một số di tích, danh lam thắng cảnh… Có thể nói Trịnh Cương hiện diện trong lịch sử văn học dân tộc Việt Nam với tư cách là một nhà thơ tiêu biểu thời Lê – Trịnh.

“Lê triều ngự chế quốc âm thi” là một tuyển tập thơ và ký viết bằng chữ Nôm do chúa Trịnh Cương viết mỗi khi ông đi tham quan, thưởng ngoạn các chùa và danh lam thắng cảnh ở phía Bắc Việt Nam. Tuy những bài thơ và ký trong tập này đều là những bài vịnh cảnh nhưng qua đó đã thể hiện rất rõ nét tấm lòng của tác giả hướng tới một đất nước bình yên.

“Lê triều ngự chế quốc âm thi” có 46 bài thì có khoảng 20 bài được tác giả viết về cảnh chùa chiền. Ông thực sự say mê với thắng cảnh ở đây, bởi không gian đậm chất lịch sử, góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Từ sự giao cảm với thiên nhiên, Trịnh Cương gửi gắm tâm hồn mình vào cảnh chùa chiền và một lòng hướng thiện. Phong cảnh thiên nhiên không chỉ là niềm vui, là thi liệu giúp tác giả giãi bày cảm xúc mà còn để nâng cao tri thức cũng như nhãn quan của mình.

Trong tập thơ xuất hiện nhiều danh lam thắng cảnh, đặc biệt các địa danh gắn liền với chùa chiền như: chùa Tiên Tích, chùa Phúc Long, chùa Hưng Long, chùa Phả Lại, chùa Nhạc Lâm, chùa Nguyệt Đường, chùa Thiên Phúc…

Thơ của chúa Trịnh Cương có nhiều bài ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, mang vẻ đẹp màu nhiệm ở chốn Thiền môn. Năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) đến chùa Nhạc Lâm, chúa Trịnh Cương viết “Bài thơ chùa Nhạc Lâm” (Nhạc Lâm tự thi):

Mảng vui thiên phúc cảnh Thiên Thành,
Ngoạn thưởng âu đây thích tính tình.
Than thán nhân cơ trông vời vợi,
Đùn đùn dạo ngạn bước thênh thênh.
Trời xuân vặc vặc hoa kề cửa,
Gió thụy hiu hiu nguyệt giải mành.
Trong thuở tỉnh phương buồm thuận tới,
Tiệc vầy ngâm ngợi khúc long bình”.

Bài thơ này được khắc ở một tấm bia trước cửa chùa Nhạc Lâm (nay thuộc Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội). Như vậy bài thơ “Nhạc Lâm tự thi” được ghi lại ở hai văn bản khác nhau, trên bia và trong sách (Lê triều ngự chế quốc âm thi).

Năm 1714, chúa Trịnh Cương nhân đi kinh lý ghé vãng cảnh chùa Nguyệt Đường, phát tâm cúng dường cho chùa và làm bài thơ “Nguyệt Đường tự thi”, phong cảnh nơi đây được viết nên bởi niềm tự hào trong cảm hứng ca tụng công đức vô lượng của nhà Phật:

“Danh lam từng trải đã hay danh
Trình độ này âu hợp chuẩn trình
Pháp giới chăm chăm tuyên Phật  pháp
Kinh lâu rỡ rỡ diễn chân kinh
Công nhiều nhờ bởi công vô lượng
Thế hợp vầy nên thế hữu tình
Ngán tục chẳng hề mùi tục lụy
Lòng thiền tu cẩn chốn thiền quynh”.
(Nguyệt Đường tự thi)

Hoặc ở bài thơ viết về chùa Hưng Long:

“Đức từ bi công tế độ.
Anh linh và có sức uy linh”.
(Hưng Long tự thi)

Tác giả ca tụng giáo pháp nhà Phật, thiên nhiên trở nên linh thiêng, màu nhiệm:

“Cõi pháp nhơn nhơn phù kính tín
Rừng thiền lộng lộng vốn quang minh
Gió đưa cửa trúc xuy lòng đạo
Nguyệt dãi song mây tỏ án kinh”.
(Hưng Long tự thi)

Hay là:

“Ngẫm sức an bài mầu nhiệm ấy
Trời Nam đệ nhất thú thanh kỳ”
(Dục Thúy sơn phong cảnh thi)

Không gian, thời gian ở đây thật yên bình:

“Khuya dẫn chân kinh tan tiếng tục
Sớm khua lòng đạo ruổi hồi chuông”
(Hán Triền tự thi)

Sự thanh tịnh của chốn Thiền môn là nơi rất thích hợp, là “nơi đích thực” để các phật tử tu hành:

“Tượng còn nẻo trước dấu khai thành,
Riêng chiếm yên hà mấy bức tranh.
Sương tạnh am thông mầu điểm bạc,
Nguyệt nhòm cửa trúc vẻ phi xanh.
Nền xây bàn thạch cao ngàn đạo,
Đỉnh quải vân tiêu rợp án kinh.
Ngẫm sức an bài bao xiết ngợi,
Nơi nơi đích thực chốn tu hành”.
(Yên Tử sơn thi)

Thiên nhiên trong thơ của chúa Trịnh Cương còn ẩn chứa những triết lý uyên thâm của nhà Phật. Chẳng hạn những triết lý về nghiệp báo – nhân quả:

“Rộng rãi cửa thiền quyền phúc quả
Dập dìu đường khách về phồn hoa”
(Nguyệt Đường tự thi)

Trịnh Cương còn chú trọng đến việc dựng “cõi phúc”, tạo “nền nhân”:

“Cõi phúc thênh thênh phô gấm sắc,
Nền nhân thớn thớn  rũ trần duyên”.
(Tiên Tích tự thi)

“Nhân cơ vững đắp nên kia gác
Phúc chỉ cao xây mới nọ chiền”
(Đồng Niên thi)

Những bài thơ vịnh cảnh, vịnh địa danh của chúa Trịnh Cương không những thể hiện tâm hồn “thi nhân” nghệ sĩ của nhà chúa mà còn biểu hiện một ý chung là tái hiện cảnh thái bình, thịnh trị của triều đại mình, triều đại của một vị chúa giỏi văn thơ và am hiểu, thẩm thấu các triết lý màu nhiệm của Phật giáo. Chẳng hạn:

“Băng trông bỡ ngỡ tượng thiên nhiên,
Trong thế chu tuyền vẫn vẹn toàn.
Tháp Nhạn chữ bày câu ứng phúc,
Cửa từ đường chật kẻ cầu duyên.
Chăm chăm lão hạc ngong kinh bối,
Thảo thảo thần long lãng giáo thần.
Khắp trần gian danh lợi khách,
Răn lòng vật ngã mới nên khen”.
(Tiên Tích tự thi)

Chùa Tiên Tích ở Cửa Nam thành Thăng Long được xây dựng trong thời Lê làm nơi lễ Phật cho các phi tần cũng được thể hiện trong bài thơ trên.

Vẻ đẹp thanh tịnh chốn thiền môn giúp con người giữ được thân tâm trong sạch, tránh xa những cám dỗ, dục vọng của cõi tục lụy:

“Ngõ rộng thênh thênh vây thọ vực
Đường thông thán thán sạch trần duyên”
(Đồng Niên thi)

“Ngán tục chẳng hề  mùi tục lụy
Lòng thiền tu cẩn chốn thiền quynh”
(Nguyệt Đường tự thi)

Thơ chúa Trịnh Cương tuy là thơ tức cảnh, chứa rất nhiều bài học về lý lẽ làm người, làm quan:

“Yên vui bởi dân thuần cổ
Ý xưa sau sở thích cầu”.
(Thơ vịnh thắng cảnh Bồ Đề)

“Có danh ắt thể công nên,
Gấm lại thêm hoa rất sẵn nền.
Lý xử đắc trung càng tử tế
Dịch dùng hợp thích khéo tinh nghiên”
(Thơ đáp lại nỗi hoài vọng)

Cảnh đẹp thiên nhiên nơi chùa chiền được Trịnh Cương ví như ở chốn bồng lai tiên cảnh:

“Mở lề tuần tỉnh dầu du thưởng,
Phương trượng Bồng Lai lọ phải cầu”
(Bồ Đề thắng cảnh thi, hựu thi)

Trong thơ còn chất chứa niềm tin về một đất nước thanh bình cùng vương triều thịnh trị nhờ được Phật giáo bảo hộ:

“Linh ứng cũng nhờ công bảo hựu
Quang lâm nhiều đội đức từ chân”
(Đại Lữ thi)

Hoặc là:

“Vui thay nhân quảng ân thi,
Nhu hoài vốn những vỗ về gần xa”.
(Hưng Long tự thi)

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Khao luoc bai tho Thien Phat chua Trinh Cuong 2

Những câu thơ tả cảnh của chúa Trịnh Cương luôn chan chứa tình, như khi ông viết về chùa Nhạn Tháp:

“Ghẽ ghẽ danh thành áng trí nhân
Nơi nơi tĩnh cảnh lạt hồng trần
Mấy lần bảo thụ oanh kim giới
Một áng liên đài áng thụy vân.
Chấp chới yên hà in thức gấm,
Đầm hâm hoa thảo đượm hơi xuân.
Tiết lành vây hợp thênh thênh bước
Phới phới cùng vui cõi Diệu Chân…”.

Tháng 10 năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718), chúa Trịnh Cương viếng thăm chùa Pháp Vũ (chùa Đậu) ở huyện Thường Tín, ông làm bài thơ “Pháp Vũ tự thi”, sau này được viết trên biển gỗ, sơn son thếp vàng treo ở chùa:

“Vô biên công đức dậy lừng danh,
Phơi ngỏ hồ thiên cảnh tứ thanh
Ngọc thỏ một vầng in địa trục,
Bàn long đòi thế mở đồng tranh.
Cầm thông gió quyến khi tuyên pháp,
Hoa báu mưa rây thuở diễn kinh,
Tiết gặp thăng bình nhân thưởng ngoạn,
Tuệ quang hay được khí chung linh”.
(Pháp Vũ tự thi)

Thơ của chúa Trịnh Cương mang tính hàm súc, đa dạng, linh hoạt về giọng điệu, hào sảng, vui tươi ngập tràn cảm hứng, ngôn ngữ thơ mang đậm tính truyền cảm, ý tại ngôn ngoại. Giọng thơ có lúc nghiêm trang, chất ngất nghĩa khí, có lúc lại nhàn tản, nhẹ nhàng, lung linh đầy  cảm hứng. Thơ của ông cũng sử dụng bút pháp tả thực, triết luận tức bút pháp sử dụng ngôn ngữ trực tiếp, ngôn ngữ sống động của đời sống để mô tả và tái hiện sự vật, hiện tượng hoặc diễn đạt các lập luận, triết lý.

Tác giả còn bộc lộ sự khéo léo, tinh tế  trong việc đưa các điển cố, điển tích vào thơ làm cho câu thơ thêm cô đọng, hàm súc, đa nghĩa và tạo nên hình ảnh sinh động, phong phú, thể hiện sự uyên thâm của người cầm bút.

Chúa Trịnh Cương được đánh giá là một vị chúa mẫu mực trong mối quan hệ ứng xử với vua Lê, một vị chúa hiền minh của nhà Trịnh, một hồn thơ tài hoa giàu suy tưởng…

Năm Kỷ Dậu (1729), Trịnh Cương đi vãn cảnh chùa Phật Tích và Như Kinh rồi bị bệnh và mất tại đó, quan quân bí mật đưa về phủ chúa phát tang. Vị chúa có nhiều tâm huyết với công cuộc cải cách đã mất ở tuổi 44, ở ngôi chúa 20 năm. Miếu hiệu là Hy Tổ Nhân vương.

Tác giả: Đặng Việt Thủy
Nhà 35, hẻm 120/4/3, ngõ 120, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội

***

Tài liệu tham khảo:
– “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long” (Tập I), Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội – 2007.
–  Phạm Khang, “Chúa Trịnh”, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội – 2008.
– Bình Di – Quang Vũ, “Họ Trịnh và Thăng Long”, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội – 2008.
– Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, “Các triều đại Việt Nam”, Nxb Thanh niên, Hà Nội – 2006.
– Và các tài liệu khác.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường