Trang chủ Bài viết nổi bật Thêm một số ý kiến về phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam bộ đầu thế kỷ XX

Thêm một số ý kiến về phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam bộ đầu thế kỷ XX

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX chưa đạt được những mong muốn như kỳ vọng ban đầu, tuy nhiên những đóng góp về phương diện giáo dục của Hội Nam Kỳ Phật học, của Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã có nhiều cống hiến quan trọng cho sự hình thành nền giáo dục tân học Phật giáo...

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX chưa đạt được những mong muốn như kỳ vọng ban đầu, tuy nhiên những đóng góp về phương diện giáo dục của Hội Nam Kỳ Phật học, của Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã có nhiều cống hiến quan trọng cho sự hình thành nền giáo dục tân học Phật giáo…

TS Trần Hữu Thắng
Giảng viên Khoa lý luận Chính trị, Trường đại học Công nghiệp, Tp.HCM

Tóm tắt. Đầu thế kỷ XX, Việt Nam dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến sâu sắc. Trong bối cảnh đó đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân cũng có nhiều thay đổi cần được tiếp tục nghiên cứu và trao đổi thêm. Bài viết tập trung làm rõ những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bùng nổ của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ cũng như nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan những nguyên nhân cơ bản khiến phong trào chấn hưng Phật giáo không lan rộng và đủ khả năng tạo ra những đổi thay để đưa Phật giáo thoát khỏi khủng hoảng, suy vi đạt được những thành tựu như mong ước của các bậc cao tăng và đông đảo những người chịu ảnh hưởng của Phật giáo đương thời. Từ đó, hy vọng góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề về phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Từ khóa. Chấn hưng Phật giáo, Hoà thượng, Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học, Từ Bi Âm, Kinh sách.

1. Đặt vấn đề

Phật giáo có tầm ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh đối với một bộ phận khá lớn của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, Phật giáo còn có tầm ảnh hưởng cả trong đời sống văn hóa, xã hội, đặc biệt trong thời kỳ đất nước ta bị thực dân Pháp nô lệ, Phật giáo là nơi khởi phát và tập hợp lực lượng hưởng ứng nhiều phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Nam Bộ cuối thế kỷ 19 trở đi trải qua nhiều biến động chính trị, xã hội lớn. Sự có mặt của thực dân Pháp và cùng với chính sách cai trị bạo lực, hà khắc đã thúc đẩy hình thành nhiều phong trào yêu nước, nhiều tôn giáo mới lần lượt ra đời, tạo được sức ảnh hưởng lớn, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng và góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng đất nước độc lập, hướng tới xã hội văn minh, hướng thiện và đa văn hóa.

Dưới thời Pháp thuộc nhân dân Nam Bộ bị chính quyền thực dân áp bức về các tín ngưỡng, tôn giáo và các nét sinh hoạt phong tục tập quán truyền thống. Mặc dù chính quyền thuộc địa vẫn có chính sách phát triển tôn giáo, tuy nhiên đó là động tác xoa dịu làn sóng đấu tranh của dân tộc ta, vì thế thực dân Pháp chỉ thừa nhận các tổ chức tôn giáo có lợi nhằm phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của chúng.

Như vậy, đầu thế kỷ XX, ở Nam Bộ có nhiều tổ chức tôn giáo ra đời với nhiều mục đích khác nhau. Trong đó phần nhiều các tôn giáo đều hướng đến tập hợp lực lượng để chống thực dân Pháp như đạo Cao Đài (1926), Phật giáo Hòa Hảo (1939). Trong xu thế đó phải kể đến hai tổ chức Phật học, đó là: Hội nghiên cứu Phật hội Nam Kỳ và Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Đây là hai tổ chức Phật giáo tập họp nhiều cao tăng với nhiều hoài bão trong hoạt động phục hưng Phật giáo Việt Nam và truyền bá tư tưởng yêu nước đến với chúng sinh thông qua con đường hành đạo.

Công cuộc vận động để chấn hưng Phật giáo tại lục tỉnh Nam Bộ nói riêng trên phạm vi cả nước ta nói chung trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX đã được một số nhà nghiên cứu đề cập ở những phương diện khác nhau. Tuy nhiên, khi tiếp cận với một số công trình nghiên cứu, bài viết có nội dung liên quan đến công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ đã được công bố, chúng tôi cho rằng, vẫn còn đó, những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, để làm rõ. Chẳng hạn, vì sao ngay sau chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc (1914 -1918), phong trào chấn hưng Phật giáo lại bùng phát mạnh mẽ ở Nam Bộ và Bắc Bộ, còn trên lãnh thổ các tỉnh Trung Bộ vấn đề chấn hưng gặp không ít khó khăn?

Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa dân quốc, Sri Lan ca (Tích Lan), Nhật Bản, Ấn Độ có phải là một trong những nhân tố mang tính quyết định dẫn đến sự bùng nổ của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng đầu thế kỷ XX như một số công trình đã đề cập hay không?. Vì sao, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ không đạt được những kết quả như mong muốn của chính những người khởi xướng và đông đảo tăng, ni, phật tử cũng như những người có cảm tình với Phật giáo? Đây là những câu hỏi cần có sự lý giải thấu đáo nhằm góp phần làm sáng tỏ thêm về phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ một thời chấn động.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phong trao chan hung phat giao o Nam bo dau the ky XX 1

2. Những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX

GS.TS Lê Mạnh Thát, trong công trình: “Lịch sử Phật giáo Việt Nam”, tập 1, cho rằng Phật giáo được Thiền sư Phật Quang, truyền dạy cho Chử Đồng Tử, tại chùa Quỳnh Viên, thuộc núi Long Ngâm, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, từ thời Hùng Vương dựng nước. Chử Đồng Tử và Tiên Dung trở thành những Phật tử đầu tiên ở nước ta [7].

Theo dòng thời gian, Phật giáo nhanh chóng lan toả đến hầu khắp các vùng miền của cả nước và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hoá vật chất, tinh thần của mọi giai tầng trong xã hội, nhất là từ thời nhà Đinh (968 – 980) đến thời nhà Trần (1225 -1400). Năm 1698, khi vùng đất Gia Định nằm dưới sự quản lý, điều hành của chúa Nguyễn, thì Phật giáo đã có lịch sử hình thành, phát triển từ nhiều thế kỷ trước và có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của các thế hệ cư dân tiếp nối trên vùng đất rộng mênh mông, trù phú thuộc hạ lưu sông Cửu Long. Sắc sắc, không không, vật đổi sao dời, đến thế kỷ XIX, lịch sử dân tộc nói chung, dòng chảy lịch sử – văn hoá Phật giáo nói riêng trên toàn bộ lãnh thổ của nước ta chịu nhiều tác động, đổi thay.

Trong đó, có hai vấn đề lớn, trực tiếp ảnh hưởng đến Phật giáo là:

Thứ nhất, cuộc chiến tranh xâm lược toàn bộ lãnh thổ vương quốc Đại Nam của người Pháp (01/9/1858 – 6/6/1884) mà hậu quả là vương triều nhà Nguyễn đã không thể bảo vệ được độc lập dân tộc như các triều đại quân chủ trước đó.

Thứ hai, theo gót chân của lực lượng viễn chinh Pháp, ngay sau khi ép buộc triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Giáp Tuất năm 1874, người Pháp đã thiết lập bộ máy thống trị ở Nam Kỳ lục tỉnh. Mọi đặc quyền, đặc lợi về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội,… thuộc về tay người Pháp. Tiếp đó, sau Hòa ước Harmand (1883) và Patenôtre (1884) chính phủ Pháp gấp rút áp đặt cả một hệ thống cai trị trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Chính sách cấm đạo, sát đạo Thiên chúa mà vương triều Nguyễn thực thi từ đầu thế kỷ XIX không còn tồn tại. Ngược lại, Thiên chúa giáo bước vào thời kỳ hưng khởi trên cả ba xứ là Nam Bộ, Trung Bộ và Bắc Bộ. Minh chứng cho điều đó chính là việc bộ máy chính quyền ở Đông Dương tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và đưa vào hoạt động hàng trăm nhà thờ Thiên chúa giáo từ Sài Gòn – Chợ Lớn, Biên Hoà – Đồng Nai, Cần Thơ, Quy Nhơn, Hội An, Đà Nẵng,… Quảng Bình, Hà Tĩnh, Vinh – Bến Thuỷ, Thanh Hoá, Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng,… Số lượng tín đồ Thiên chúa giáo ở Nam Bộ, Trung Bộ và Bắc Bộ cũng tăng lên nhanh chóng từ những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX cho đến khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ và kết thúc. Phạm vi hoạt động của Thiên chúa giáo từ làng xã, thôn ấp đến các thành phố, đô thị từ cuối thế kỷ XIX đến những thập kỷ đầu của thế kỷ XX không ngừng được mở rộng.

Trong khi đó, Nho giáo bước vào thời kỳ: “Nho tàn học cũng tàn theo”, hệ thống trường tư, trường công, số người theo học Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử,… lều chõng dự các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ cũng thưa dần và chính thức khép lại vào năm 1918 tại trường thi hương Nghệ An, và khoa thi hội cuối cùng tổ chức tại Huế vào năm 1919. Riêng ở Nam Bộ từ khi Pháp chiếm Lục tỉnh thì cánh cửa trường thi Hương đã khép lại với hàng ngàn học trò, hình ảnh ông đồ lều chõng, bút nghiên vào trường thi lùi dần vào dĩ vãng.

Trong cùng một không gian địa lịch sử – văn hoá chính sự hưng khởi của Thiên chúa giáo trên vùng đất Nam Bộ từ sau năm 1874 cho đến những thập kỷ đầu của thế kỷ XX đã trực tiếp ảnh hưởng đến Phật giáo. Bức tranh Phật giáo ở các tỉnh Trung Bộ và Bắc Bộ cũng nằm trong bối cảnh chung đó. Vấn đề chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ lục tỉnh nói riêng trên toàn bộ lãnh thổ nước ta nói chung càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tình thế càng trở nên cấp thiết hơn bởi vì: từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực trạng Phật giáo ở nước ta đang tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nếu không nói là bước vào giai đoạn suy vi, khủng hoảng. Minh chứng rõ nét cho điều đó là: Tăng đoàn không còn tìm được tiếng nói chung như thời kỳ nước nhà còn độc lập, tự chủ; đạo hạnh và sự học của Tăng ni, Phật tử nhiều bề sa sút. Thậm chí, không ít Tăng ni còn công khai công kích lẫn nhau,… Trên địa bàn các tỉnh thuộc xứ Nam Kỳ và cả nước, không ít ngôi chùa bị xuống cấp, hư hỏng không có kinh phí để sửa chữa, các hoạt động liên quan đến Phật giáo không còn thịnh hành như trước, số Tăng ni, Phật tử cũng giảm dần theo thời gian,…

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các trường học do người Pháp đầu tư, xây dựng, trực tiếp quản lý, điều hành ở Nam Kỳ Lục tỉnh, ở cả phía Bắc, miền Trung dẫn đến việc hình thành một tầng lớp trí thức Tân học ngày càng đông đảo ở Nam Bộ, nhất là ở Sài Gòn – Gia Định nói riêng và cả nước nói chung. Trong bối cảnh văn hoá – văn minh Pháp ngày càng được truyền bá sâu rộng vào xứ Đông Dương thuộc địa, sự ra đời của các tờ báo tiếng Pháp, tiếng Việt cùng các nhà in ở Sài Gòn – Gia Định và một số thành phố mới được người Pháp thành lập như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh – Bến Thuỷ,… từng bước làm thay đổi diện mạo kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội ở nước ta. Trong đó, đáng chú ý là sự phân hoá sâu sắc của giai cấp nông dân ở làng xã, thôn ấp, sự hình thành giai cấp công nhân, giai cấp tư sản và tầng lớp tiểu tư sản trí thức ở các thành phố, đô thị, các đồn điền và các hầm mỏ. Ngoài địa chủ, hào phú, quan lại địa phương, nông dân làng xã, thợ thủ công truyền thống, thì giờ đây, ngay trong lòng xã hội Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng còn có nhiều tầng lớp, giai cấp khác mà Phật giáo cần phải hướng tới. Những đổi thay trong đời sống chính trị – xã hội đã và đang đặt Phật giáo Việt Nam trước những thách thức chưa từng có, đòi hỏi các bậc cao tăng phải có câu trả lời dứt khoát, đó là, tiếp tục giữ nguyên bức tranh Phật giáo như bao thế kỷ trước và chấp nhận quá trình khủng hoảng, suy vi tiếp tục kéo dài hay thay đổi để đưa dòng chảy lịch sử – văn hoá Phật giáo Việt Nam thoát ra khỏi tình thế khó khăn, tiếp tục khẳng định được vị thế, tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội như trước?.

Ngoài tôn giáo, tư tưởng con người Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến lớn trước sự ồ ạt du nhập của văn hóa Tây phương. Vấn đề này được thể hiện rõ nhất là trong lĩnh vực báo chí có thể kể đến nhiều tờ báo đã ra đời và có tiếng vang như: tờ Đại Nam Đăng cổ tùng báo xuất bản tại Hà Nội (1907) kế thừa tờ Đại Nam Đồng văn nhật báo, “Mang hơi thở của phong trào Đông kinh nghĩa thục, tờ báo có những lời hô hào thực nghiệp, chống những thói hủ tục, mê tín dị đoan, kêu gọi hợp quần hợp tác” [2]; Báo chí thời kỳ này không còn là của riêng chính quyền thực dân nữa mà đã xuất hiện nhiều tờ báo tư nhân của cả người Pháp và người Việt. Những tờ báo về giới, báo chuyên biệt cũng đã xuất hiện: Nam Kỳ địa phận (1908), Nữ Giới Chung (1918)….

Từ 1865 đến cuối năm 1918, có khoảng hơn 20 tờ báo tiếng Việt xuất bản trong cả nước, gồm các tờ như: Gia Định báo (1865-1910), Thông loại khóa trình (1888-1889), Đại Nam Đăng cổ tùng báo (1892-1907), Phan Yên báo (1898-1899), Nông cổ mín đàm (1901- 1924), Đại Việt tân báo (1905-1908), Lục tỉnh tân văn (1907-1944), Nam Kỳ địa phận (1908-1943), An Hà nhật báo (1917- 1933), Đông Dương tạp chí (1913-1919), Trung bắc tân văn (1913-1941), Công luận báo (1916-1939), Nam trung nhật báo (1917-1921), Nam Phong tạp chí (1917-1934), Nam Việt tế gia nhật báo (1917-1918), Đại Việt tập chí (1918-1918), Nữ Giới Chung (1918-1918), Quốc dân diễn đàn (10/1918-10/1919), Đèn nhà Nam (1918-1919).v.v.v.[8].

Hoạt động xuất bản, báo chí, văn học diễn ra sôi nổi là các nhà in cũng được thành lập để đáp ứng nhu cầu in ấn. Trong đó phải kể đến một số nhà in có tiếng tăm ở Sài Gòn như: nhà in Joseph, Tín Đức thư xã (37 – 38 đường Sabourain – nay là đường Lưu Văn Lang, Quận 1, TP.HCM), nhà in C. Ardin, nhà in và nhà bán sách A. Portail.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Hoa Thuong Khanh Hoa 2

Hòa thượng Khánh Hòa

Từ phương diện tiếp cận liên ngành chúng tôi cho rằng: chính những đổi thay trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX mà trực tiếp là sự bùng nổ của các phong trào yêu nước theo xu hướng dân tộc dân chủ trên vùng đất phương Nam  ngay từ những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, tiếp đó, là phong trào đấu tranh theo xu hướng cách mạng vô sản của đông đảo công nhân và mọi giai tầng khác trong xã hội ở Nam kỳ lục tỉnh và cả nước cũng chính là một trong những nhân tố thúc đẩy các bậc cao tăng ở khắp ba miền phải gấp rút tiến hành công cuộc chấn hưng Phật giáo.

Dòng chảy lịch sử – văn hoá Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến đầu thế kỷ XX luôn hoà quyện với dòng sông lịch sử – văn hoá của dân tộc Việt Nam. Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ đứng tách sang bên lề xã hội, mà luôn Nhập thế và Xuất thế để cùng mọi tầng lớp giai cấp trong xã hội giải quyết những yêu cầu bức thiết mà lịch sử đặt ra. Nhưng, để có thể khẳng định được vị thế của mình trong sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc, Tăng, ni, phật tử và hết thảy những người chịu ảnh hưởng của Phật giáo cần phải thay đổi, chứ không thể đứng im để lịch sử vượt qua.

Nói cách khác, những đổi thay nhanh chóng trong đời sống chính trị – xã hội ở Nam Kỳ lục tỉnh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã tạo tiền đề cho công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam bộ. Trong đó, đáng chú ý là một bộ phận công chức, viên chức người Việt nặng lòng với Phật giáo nước nhà trong bộ máy chính quyền sở tại ở Nam Kỳ và những cao Tăng có uy tín lớn như: Hoà thượng Lê Khánh Hoà, hoà thượng Từ Phong, Hoà thượng Huệ Quang, Hoà thượng Thiện Chiếu,… không thể không tìm mọi cách để sớm phục hưng Phật giáo trước những đổi thay của thời cuộc. Từ những trăn trở, nghĩ suy, các bậc cao tăng này, trước sau nhất tâm dồn toàn đức, toàn tài cho công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung, cho dù họ nhận thức một cách sâu sắc rằng: Công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ rộng hơn là trên phạm vi cả nước đã/đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức và khó có thể đạt được những thành tựu viên mãn trong một khoảng thời gian ngắn, khi mà bộ máy chính quyền đương đại không đứng về phía họ.

Cội nguồn sâu xa dẫn đến sự phản ứng mang tính hệ thống của bộ máy chính quyền thống trị ở Đông Dương nói chung Nam Kỳ nói riêng đối với những đề nghị hết sức khẩn thiết về một cuộc chấn hưng Phật giáo của các bậc cao tăng đầu thế kỷ XX là: Thống đốc và bộ máy thống trị do người Pháp xây dựng ở Nam Kỳ nói riêng và toàn bộ bộ máy thống trị ở Liên bang Đông Dương nói chung, không chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo như bộ máy chính quyền của các vương triều quân chủ ở nước ta trước đây. Thậm chí, chính phủ Pháp và chính quyền thuộc địa ở Đông Dương không ngần ngại công khai việc thay thế, thậm chí là xoá bỏ hoàn toàn những giá trị văn hoá – văn minh truyền thống của người Việt, thay vào đó là văn hoá phương Tây, lấy văn hoá – văn minh Pháp làm trọng tâm, nhằm duy trì lâu dài nền thống trị của người Pháp ở xứ thuộc địa giàu có này. Việc người Pháp nhanh chóng triển khai chương trình giáo dục Việt – Pháp, chấm dứt nền giáo dục Hán học truyền thống của người Việt vào năm 1919, tiến hành cải cách Hương chính, mở đường cho Thiên chúa giáo phát triển,… góp phần minh chứng rõ hơn cho điều đó.

Dưới con mắt của các nhà cai trị, hệ thống giáo dục khoa cử Nho học từng được người Việt xây dựng và duy trì từ năm 1075 đến năm 1919 và cả hệ thống chùa chiền được xây dựng cùng với các hoạt động của Phật giáo ở khắp các làng xã suốt từ Nam chí Bắc có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với mọi tầng lớp nhân dân chính là một trong những trở ngại lớn đối với việc duy trì nền thống trị lâu dài của người Pháp trên toàn bộ lãnh thổ của vương quốc Đại Nam cũ. Việc người Pháp xây dựng trường Hậu bổ ở Huế, buộc những người trưởng thành qua giáo dục khoa cử Nho học vào học trước khi được cất nhắc, bổ dụng vào bộ máy chính quyền, hay việc tuyển dụng các trí thức Tân học tham gia vào bộ máy chính quyền cũng như từ chối những đề nghị khẩn thiết của các bậc Cao tăng ở Nam Bộ cho phép thành lập một cơ quan nghiên cứu Phật học ở Nam Kỳ từ năm 1926 đến năm 1930 chính là hiện thực lịch sử chứng minh cho điều đó.

Cần phải nhấn mạnh thêm rằng, sự ra đời của đạo Cao Đài vào năm 1926, chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy các bậc cao tăng và một số công chức, viên chức người Việt ở Nam Kỳ chịu ảnh hưởng của Phật giáo gấp rút tiến hành công cuộc chấn hưng Phật giáo. Trên thực tế, chỉ sau khi thành lập, một thời gian ngắn, đạo Cao Đài đã thu hút được một số lượng đông đảo tín đồ ở Sài Gòn – Chợ Lớn và nhiều tỉnh khác ở Nam Kỳ. Năm 1926 khi mới thành lập đạo Cao đài chỉ mới 247 tín đồ nhưng đến năm 1930, số lượng tín đồ đã lên tới 500.000 người, nhiều Thánh thất được lập ra ở Chợ Lớn, Cần Giuộc, Lộc Giang (hiện nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), Tân Định (nay thuộc Quận 1, TP.HCM), Chợ Gạo (Tiền Giang), Thủ Đức, Cầu Kho (nay thuộc Quận 1, TP.HCM), Tây Ninh, Bến Tre, Tân An [1]. Thậm chí đạo Cao Đài được du nhập và ảnh hưởng khá lớn vào đất nước Campuchia, nơi Phật giáo được coi là quốc giáo. Đạo Cao Đài được phổ biến sang Campuchia rất sớm đó là từ năm Đinh Mão (1927). Ngày 22/5/1937, lễ khánh thành long trọng Thánh Thất Nam Vang được tổ chức. Đến năm 1947, người Việt ở Phnôm Pênh đã khánh thành Thánh thất Kiêm Biên. Vậy, đây là một bước tiến khá dài được đánh dấu, kiều bào Nam Vang có nơi sùng bái Chí Tôn và quây quần học Đạo. Tuy nhiên, Phật giáo Campuchia khiếu nại với nhà Vua xin trục xuất Hội Thánh Cao Đài và không nhìn nhận tổ chức mới này, vì giáo thuyết Cao Đài không hợp với tinh thần dân chúng, làm hại cho phong hóa cổ truyền của Quốc vương. Cuối 1947, nhà Vua ban bố cho rằng đạo Cao Đài là tà đạo, nhưng đạo này truyền giáo dưới sự bảo vệ của chính phủ nước Pháp, Thánh thất Kiêm Biên vẫn tồn tại đến ngày nay.

Từ những trình bày mang tính khái quát trên có thể thấy, đến đầu thế kỷ XX, đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá – xã hội ở Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung có nhiều biến động, đổi thay, trong khi Phật giáo đã/ đang tiếp tục đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Đây chính là những nguyên nhân chính yếu đòi hỏi các bậc cao tăng, Phật tử và những người chịu ảnh hưởng của Phật giáo sớm bắt tay vào công cuộc chấn hưng Phật giáo nhằm giải quyết những yêu cầu cấp thiết đã/đang đặt ra. Theo thiển ý của chúng tôi: Làn sóng cải cách Phật giáo ở Trung Hoa dân quốc, Tích Lan (Sri Lanka) và một số nước lân cận chỉ là nhân tố khách quan góp phần thúc đẩy công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ và Việt Nam mà thôi.

3. Nguyên nhân phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam không phát triển rộng khắp ở vùng Nam Bộ (1931 -1945)

Trên thực tế, mong ước về một phong trào chấn hưng Phật giáo trên toàn bộ nước ta nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng mà Phật giáo đã/đang đối mặt từ cuối thế kỷ XIX đã manh nha hình thành ngay từ đầu thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XX. Nhưng, vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau mà các bậc cao tăng và những người nặng lòng với Phật giáo đã không đủ điều kiện để thực hiện mong ước của mình trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ngay khi chính phủ Pháp và chính quyền thuộc địa ở Đông Dương triển khai chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai với quy mô lớn trên toàn bán đảo Đông Dương (1919-1929) thì vấn đề chấn hưng Phật giáo lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Không chỉ có các bậc cao tăng ở Nam Bộ mà chính các bậc cao tăng ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã nhận thức một cách sâu sắc vấn đề đó. Điều đáng tiếc là ngay tại Nam Bộ, mặc dù Hoà thượng Khánh Hoà đã có rất nhiều nỗ lực trong việc vận động các tăng ni có uy tín sớm tham gia vào công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ, nhưng mãi đến năm 1923, với sự tham dự của các bậc tôn túc như: Huệ Quang, Chí Thiền, Trí Thiền, Từ Phong, Chánh Quả, An Lạc, Huệ Định, Diệu Pháp, v.v…thì Hội Lục hoà liên hiệp mới được thành lập, với nguồn kinh phí 400 đồng Đông Dương, do cai tổng Nguyễn Văn Nhiên làm thủ quỹ [5].

Với nguồn kinh phí hạn hẹp đó, thật khó lòng để các bậc cao tăng có thể bắt tay thực thi những mong ước tốt đẹp của mình. Tình hình lại càng khó khăn hơn, khi mà chuyến đi ra Bắc đầy kỳ vọng của Thiện Chiếu để gặp Thiền sư Tâm Lai nhằm bàn bạc việc xúc tiến thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam không mang lại kết quả như mong đợi. Cơ hội để thành lập được Tổng hội Phật giáo Việt Nam nhằm thống nhất Tăng tài trên phạm vi cả nước, hoạch định chủ trương, chương trình hành động, v.v…cả trước mắt lẫn lâu dài để đưa Phật giáo Việt Nam sớm thoát khỏi khủng hoảng không thành hiện thực.

Trong bối cảnh đó, phong trào chấn hưng Phật giáo với quy mô lớn trên cả ba miền nói chung, Nam Bộ nói riêng lại phải đối mặt thêm nhiều khó khăn. Minh chứng cho điều đó, chính là việc thống đốc Nam Kỳ nhiều lần tìm cách khước từ những đề nghị khẩn thiết của các bậc cao tăng như: Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Từ Phong, Huệ Quang, Khánh Anh, Bích Liên,… suốt từ năm 1926 đến năm 1930. Phải đến ngày 26/8/1931, Thống đốc Nam kỳ J. Krautheimer mới duyệt y bản Điều lệ của Hội và cho phép Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (Association pour l’etude et la conservation du Bouddhisme en Cochinchine), được thành lập, theo số quyết định số 2062 [3].

Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học chọn Chùa Linh Sơn ở số 149 đường Douaumont (nay là số 149 đường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) được lấy làm trụ sở. Cơ cấu tổ chức ban đầu của Hội bao gồm: Ban hội viên danh dự với các thành viên như Thống đốc Nam Kỳ Khrautheimer (Chánh hội trưởng danh dự), Đốc lý Thành phố Sài Gòn Rivoal (Phó hội trưởng danh dự); Hội viên: bà Karpelès -Trưởng phòng Khảo cứu Phật giáo Lào và Campuchia, ông Robert – Đốc học Đông Pháp Trung Pháp học đường và bà Lê Thị Ngởi; Ban Trị sự do Hòa thượng Lê Khánh Hòa (Chánh hội trưởng), Nguyễn Trí Thiền (Phó nhất hội trưởng), Phó nhì hội trưởng là cụ Trần Nguyên Chấn, Hòa thượng Từ Phong và Huệ Quang làm cố vấn; Thủ quỹ là Trần văn Khuê – trưởng thử quỹ, Lê Văn Phổ – phó thủ quỹ [4]

Thông qua danh sách lãnh đạo Hội được công bố năm 1931 dễ dàng nhận thấy rằng: một là, thành phần Ban hội viên có ông Thống đốc Nam Kỳ và nhiều công chức chính quyền thuộc địa, vì thế họ có đủ quyền lực chính trị để chi phối các hoạt động của hội, kể cả về mặt tư tưởng; hai là, thành phần Ban trị sự từ người Chánh hội trưởng cho đến cố vần đa số cũng là người có địa vị trong bộ máy chính quyền thực dân ở Nam Kỳ, số ít còn lại là nhà sư thuần túy như Hòa thượng Khánh Hòa. Bởi lẽ đó, sẽ không có sự thống nhất trong tư tưởng và hành động của hội, nếu các hoạt động và biện pháp được triển khai đều phải nhắm vào lợi ích của chính quyền thuộc địa, lâu dần hội sẽ bị chính trị chi phối. Như vậy, hội đã đi ngược với mục đích đã đề ra. Một hội Phật giáo mà thành phần ban tổ chức phần đông là quan chức, công quyền của chính quyền thực dân thì chẳng khác nào tạo cơ hội để cho những người này làm tai, mắt cho mật thám Pháp. Trong lúc đó, Hòa thượng Khánh Hòa, sư Thiện Chiếu là những cao tăng tiến bộ thường xuyên liên lạc và che chở cho nhiều chí sĩ yêu nước khắp nơi đang bị mật thám Pháp theo dõi. Đây có phải là một trong những nguyên nhân dẫn tới Hòa thượng Khánh Hòa và một số sư khác bỏ hội và làm cho Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học nhanh chóng tan rã?

Như vậy, Sự hiện diện ngay từ đầu của Thống đốc Nam Kỳ và một số thành viên khác trong Ban Hội viên thực sự là một thử thách lớn đối với các vị Hoà thượng trong Ban Trị sự của Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học khi hoạch định chương trình hoạt động của hội. Việc Hòa thượng Khánh Hòa và một số Hòa thượng khác đã rút khỏi hoạt động của hội vào năm 1933 và những năm sau đó do bất đồng quan điểm về cách vận hành của hội, là minh chứng rõ nét cho điều đó [6; tr.47].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Dong gop cua ni gioi trong qua trinh phat trien tap chi Tu Bi Am 6 1

Một vấn đề quan trọng khác mà Hoà thượng Khánh Hoà, Hoà Thượng Từ Phong, Thiền sư: Bích Liên, Liên Tôn, Pháp Hải, Chí Thành, Liễu Như,… khó lòng duy trì hoạt động của Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học, xuất bản tạp chí Từ Bi Âm, tiến hành dịch thuật và xuất bản kinh sách, mở lớp đào tạo Tăng tài ở Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh khác ở Nam Kỳ chính là vấn đề tài chính. Nguyên nhân chính yếu là Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào về mặt tài chính từ phía chính quyền sở tại. Trong khi đó, những đóng góp từ phía các nhà hảo tâm cho công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ là rất khiêm tốn so với chương trình hành động của các bậc cao tăng. Việc hoà thượng Khánh Hoà và hoà thượng Huệ Quang, thành lập Liên đoàn Phật học xã tại Trà Vinh (1933), tổ chức được hai khoá đào tạo tăng tài, đến khoá thứ ba đành phải dừng lại vì thếu tài chính đã minh chứng cụ thể cho điều đó. Một ví dụ khác là Lưỡng Xuyên Phật học do chính hoà thượng Khánh Hoà, Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải thành lập vào năm 1934, mở được lớp đào tạo tăng tài, nhưng rốt cục đến năm 1939 cũng phải đóng cửa vì thiếu tài chính [5; tr.639-641].

Đến đây, có thể thấy rằng, ngay trong quá trình vận động chấn hưng Phật giáo trên phạm vi cả nước nói chung Nam Bộ nói riêng và cả khi Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học được thành lập đã xuất hiện nhiều khó khăn thách thức nội tại cũng như khách quan. Vì bất đồng quan điểm các bậc cao tăng ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ không tìm được tiếng nói chung. Trong khi, sự hiện diện trực tiếp của thống đốc Nam Kỳ và các viên chức trong bộ máy thống trị sở tại đã làm mất đi niềm tin, thậm chí buộc hoà thượng Khánh Hoà và những bậc cao tăng trong Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học lần lượt rời khỏi hội chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Nền tảng cho sự hưng khởi của phong trào chấn hưng Phật giáo ngay từ đầu đã ẩn chứa đầy mâu thuẫn, thách thức. Phong trào chấn hưng Phật giáo khó có thể phát triển rộng khắp ở Nam Bộ và cả nước trong thực tế lịch sử nằm ngoài sự mong đợi đó.

Phong trào chấn hưng Phật giáo vùng Nam Bộ được duy trì từ năm 1931 đến năm 1945, trong một thực tế nằm ngoài sự mong đợi của các bậc cao tăng chính là sự thiếu thống nhất, thậm chí là bất đồng quan điểm ngay trong nội bộ của Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học. Những khảo cứu của Nguyễn Lang và một số nhà nghiên cứu khác đã khẳng định điều đó. Theo chúng tôi, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ không hội đủ các yếu tố cần thiết để phát triển rộng khắp địa bàn các tỉnh, thành phố và có thể đạt được những thành quả lớn hơn.

4. Nhận xét và kết luận

Phong trào chấn hưng Phật giáo vùng Nam Bộ nói riêng cả nước nói chung đầu thế kỷ XX đã gióng lên hồi chuông cảnh báo sự khủng hoảng, suy vi của Phật giáo Việt Nam vốn có bề dày lịch sử hàng ngàn năm trước. Những đổi thay trong đời sống chính trị – xã hội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chính là nguyên nhân sâu xa để các bậc cao tăng ở Nam Bộ và cả nước dồn toàn tâm trí với hy vọng có thể tạo ra những đổi thay mang tính căn bản để Phật giáo thoát khỏi thời kỳ suy vị, tiếp tục khẳng định giá trị, tầm ảnh hưởng và vị thế của mình trong một hình thái kinh tế – chính trị – xã hội mới. Nhưng, khác với nhiều thế kỷ trước đó, toàn bộ hệ thống chính trị mà người Pháp thiết lập ở Nam Bộ, Bắc Bộ và Trung Bộ đã không còn là chỗ dựa để các bậc cao tăng và những người nặng lòng với Phật giáo có thể đạt được ước nguyện của mình. Nhìn toàn cuộc, ngay từ đầu phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ và cả nước đã thiếu đi những nhân tố cần thiết để có thể trở thành một phong trào sâu rộng thu hút đông đảo mọi giai tầng trong xã hội tham gia, hưởng ứng. Từ Sài Gòn – Gia Định đến nông thôn, bên cạnh tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ và chiếc áo cà sa của các bậc tăng ni ngày càng có nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo cùng hàng trăm cơ sở của đạo Cao Đài và một số tôn giáo, tín ngưỡng khác. Trước nhiều khó khăn, thách thức quá trình vận động dẫn đến sự bùng phát của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ và cả nước trong một thời gian dài đã để lại nhiều bài học hữu ích để các bậc cao tăng cùng hàng triệu phật tử và đông đảo những người chịu ảnh hưởng của Phật giáo từng bước đưa Phật giáo thoát khỏi khủng hoảng, tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân trong những giai đoạn tiếp theo.

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ và cả nước chưa đạt được những thành quả như mong ước của Hòa thượng Khánh Hoà cùng bao hoà thượng, cư sĩ, phật tử và những người chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nhưng ảnh hưởng của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ cũng như cả nước đối với dòng chảy lịch sử – văn hoá Phật giáo nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung rất đáng được khảo cứu, nhìn nhận, đánh giá một cách hệ thống, khách quan và toàn diện hơn.

Mặc dù, phong trào chấn hung Phật giáo ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX chưa đạt được những mong muốn như kỳ vọng ban đầu, tuy nhiên những đóng góp về phương diện giáo dục của Hội Nam Kỳ Phật học, của Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã có nhiều cống hiến quan trọng cho sự hình thành nền giáo dục tân học Phật giáo – một nền tảng căn bản để tạo nên diện mạo của nền giáo dục Phật giáo Việt Nam như hiện nay. Điều này được minh chứng cụ thể qua việc đầu tư đất đai, của cải để xây dựng hệ thống trường lớp một cách bài bản; qua sự hình thành các cấp học, từ tiểu học, trung học cho tới đại học; qua nội dung các học phần trong chương trình đào tạo; qua việc tổ chức các cuộc khảo thí, sát hạch đầu vào và đầu ra; qua các buổi khai giảng, bế giảng và chu cấp học bổng cho các học tăng; hay là việc tuyển chọn các học tăng có thành tích tu học tốt để cử đi đào tạo nâng cao… Sự hình thành Ban Quản lí Phật học đường nhằm theo dõi và đảm bảo cho các chương trình đào tạo được triển khai một cách đồng bộ trong toàn hệ thống giáo dục của các Hội Phật học. Nếu thoạt nhìn thì sẽ thấy đây là những hoạt động rất đỗi quen thuộc với môi trường của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh lúc bấy giờ thì để làm được những công việc như vậy quả là một bước đột phá về mặt tư duy và hành động với mục tiêu đào tạo nhân tài mà cụ thể ở đây là đào tạo tăng tài, bảo đảm nguồn nhân lực cho Phật giáo nước nhà về sau [9].

Qua tham khảo nhiều tài liệu chúng tôi nhận thấy rằng: trước lúc có phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ, đối với Phật giáo, Tam tạng Thánh điển với những lời dạy của Đức Phật, của chư Tổ là cốt tủy Đạo Phật, mỗi người cần phải nghiên cứu, học hiểu và hành trì. Nếu như trước đây Tăng Ni, Phật tử đều phải tụng đọc kinh điển chữ Hán thì trong giai đoạn này chữ Quốc ngữ đã ra đời ở Việt Nam. Vì vậy, biên dịch kinh sách ra chữ Quốc ngữ là một nhiệm vụ trọng yếu giới tu sĩ, cao tăng nhà Phật. Vậy, cũng chính nhờ đó mà đã dấy lên trào lưu dịch kinh Phật ra chữ Quốc ngữ, xuất bản Tạp chí để viết bài bằng chữ Quốc ngữ. Với các hoạt động như vậy, các Hội Phật học đã cổ vũ sự phát triển của chữ Quốc ngữ trong xã hội. Để thực hiện được mục tiêu chung này, các Hội Phật giáo đều tập trung nhân lực tham gia công tác biên dịch kinh sách và mỗi ấn phẩm tạp chí đều dành một chuyên mục quan trọng đăng các bản Kinh, Luật, Luận được dịch thuật. Trong đó cư sĩ vẫn là những người đóng góp số lượng rất lớn các dịch phẩm, các công trình nghiên cứu Phật học như: Lê Đình Thám, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Hữu Kha, Trần Huỳnh, Trần Nguyên Chấn, Đỗ Phước Tâm… đều là những nhà dịch thuật nổi tiếng, uyên thâm Phật học.

TS Trần Hữu Thắng
Giảng viên Khoa lý luận Chính trị, Trường đại học Công nghiệp, Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH:
[1]. Gabriel Gobron (1948), Lịch sử đạo Cao đài, Nguyễn Văn Hồng dịch, NXN Paris: Dervy, tr. 33, tr. 39-40, Website của daocaodai. Info, khai thác 15/10/2022.
[2]. Dương Quảng Hàm (1996), Việt Nam văn học sử yếu, NXB Hội nhà Văn, Hà Nội, tr.45.
[3]. Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1932), Tạp chí Từ Bi Âm, kỷ thứ nhất tr.1.
[4]. Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1932), Tạp chí Từ Bi Âm, kỷ thứ tư, tr.42-44.
[5]. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn Học, Hà Nội, tr.630, tr. 639-641.
[6]. Dương Thanh Mừng (2015), Các tổ chức Phật giáo trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước năm 1945, Tạp Chí Nghiên Cứu Tôn Giáo, số 5 (143), tr. 47, tr.
[7]. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, t1, Nxb Thuận Hoá, Huế, tr. 19-29.
[8]. Tác giả tổng hợp từ nguồn internet.
[9]. Tác giả tổng hợp từ các bài nghiên cứu của tác giả Dương Thanh Mừng trong các bài viết về Phong trào chấn Phật giáo ở Việt Nam đầu TK XX.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Gabriel Gobron (1948), Lịch sử đạo Cao đài, Nguyễn Văn Hồng dịch, NXN Paris: Dervy, tr. 33, tr. 39-40, Website của daocaodai. Info, khai thác 15/10/2022.
2. Dương Quảng Hàm (1996), Việt Nam văn học sử yếu, NXB Hội nhà Văn, Hà Nội, tr.45.
3. Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1932), Tạp chí Từ Bi Âm, kỷ thứ nhất tr.1.
4. Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1932), Tạp chí Từ Bi Âm, kỷ thứ tư, tr.42-44.
5. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn Học, Hà Nội, tr.630, tr. 639-641.
6. Dương Thanh Mừng (2015), Các tổ chức Phật giáo trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước năm 1945, Tạp Chí Nghiên Cứu Tôn Giáo, số 5 (143), tr. 47, tr.
7. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, t1, Nxb Thuận Hoá, Huế, tr. 19-29.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường