Chùa Sắc Tứ Trường Thọ tọa lạc tại 791 Phan Văn Trị, phường 7, Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập vào năm 1720 (Canh Tý) với tên là Vĩnh Trường tự, là một trong những ngôi chùa thuộc dòng LâmTế Liễu Quán đầu tiên ở Gia Định.

Đại Nam Nhất Thống Chí chép rằng: “Chùa Pháp Vũ ở thôn Hòa Mỹ huyện Bình Dương, từ trước không rõ là ai dựng, năm Gia Long thứ 7, Hòa thượng Nguyễn Công Thắng sửa chữa, năm Minh Mạng thứ ba cho tên là Pháp Vũ Tự”. Đến thời vua Tự Đức đổi tên là Sắc Tứ Trường Thọ Tự.

Thời Pháp thuộc chiến tranh loạn lạc, chùa phải di dời đến ba lần, từ vùng Đa Kao quận 1 về quận 12 rồi đến Gò Vấp vị trí hiện tại. Chùa Sắc Tứ Trường Thọ ở Gò Vấp năm xưa cũng có quy mô lớn, chùa có tăng đường (đông lang, tây lang) nhưng nay chỉ còn một dãy nhà hai khối kết vào nhau làm theo lối cổ truyền với kèo cột đơn sơ. Tuy nhiên trong ngôi chùa nhỏ bé lụp xụp này lại bảo tồn rất nhiều các giá trị lịch sử văn hóa trong suốt thời kỳ hình thành, phát triển Phật giáo và dân tộc trên vùng đất Gia Định xưa.

Trong khuôn viên chùa trước đây có hai ngôi tháp tổ, bên trái là tháp của Hòa thượng Ấn Tông (đời thứ 37 dòng Tế Thượng Chính Tông), bên phải là tháp của Hòa thượng Tâm Thông (đời thứ 38 dòng Tế Thượng Chính Tông). Nhưng nay diện tích chùa thu nhỏ vì các hộ dân đến ở và có con đường hẻm cắt ngang giữa tháp tổ với khuôn viên chùa.

Trong các tự viện chúng ta thường thấy một kiến trúc độc lập vươn lên theo chiều cao, gọi là tháp. Tháp, hay tháp - ba là danh từ phiên âm từ tiếng Phạn Stoupa, tiếng Pali là Stupa, còn được gọi là Túy – đổ - bà, Chi đề hay Phù đồ.

Theo lịch sử phát triển, thì bảo tháp ở Á Đông được bắt nguồn và biến thể từ tháp Ấn Độ, còn được gọi là phù đồ1. Từ khi vua A Dục (Asoka) cho xây 84.000 tòa phù đồ để ghi dấu tích Phật rải rác khắp nơi trên Ấn Độ, thì từ đó kiến trúc này trở thành căn bản trong các tự viện Phật giáo và được biến thể dần thành các bảo tháp Á Đông bây giờ2. (xem hình 1).

Bảo tháp Phật giáo lúc đầu là dùng để kỷ niệm, tưởng nhớ đức Phật, bên trong tàng chứa xá lợi đức Phật và những di vật như bình bát, tích trượng, y ca sa, kinh sách, chú Đà la ni…. Về sau tháp cũng được dựng lên để lưu xá lợi hay kim thân của các vị tổ sư đắc đạo. Dần dần các vị xuất gia tu hành khi viên tịch cũng tùy theo quả vị tu chứng và phẩm vị mà được dựng tháp. Thông thường tháp Phật được xây từ 11 đến 16 tầng, tháp của các vị thanh văn thì từ 2, 3, hay 4 tầng. Riêng người xuất gia thì các vị Tổ sư chứng quả xây tháp cao từ 5 đến 7 tầng (đế và vòm (nóc tháp) cũng kể là tầng), các vị Hòa thượng viên tịch thì xây tháp từ 2 đến 5 tầng. Các Thượng tọa thì phải là người thật đạo hạnh mới được xây tháp, còn lại các vị nhỏ hơn thì không xây tháp. Như vậy là để người đời sau nhìn vào tháp mà phân biệt được bên trong tháp là tổ sư, hòa thượng, thượng tọa hay cấp bậc nhỏ hơn, và khi phật tử làm lễ thì chỉ kính lễ tháp có 2 tầng trở lên.

Trong nhiều kinh điển, đức Phật cũng có dạy cho môn đệ của mình về cách xây dựng tháp theo thứ tự của cấp bậc tu chứng như: kinh Niết Bàn quyển 41 có đề cập đến cách xây tháp “Tháp để thờ xá lợi Phật thì cất 13 tầng, tháp thờ Bích Chi Phật có 11 tầng, tháp của vị A La Hán thì xây 4 tầng, tháp của vị Chuyển luân vương thì chẳng nên xây tầng vì vị Chuyển luân vương vẫn chưa thoát khỏi các mối khổ trong tam giới”3

Kinh Thập Nhị Nhân Duyên: “Tháp của Như lai 8 tầng sắp lên, Bồ tát 7 tầng, Duyên Giác 6 tầng, La Hán 5 tầng, A Na Hàm 4 tầng, Tư Đà Hàm 3 tầng, Tu Đà Hoàn 2 tầng, Chuyển luân vương 1 tầng.”4

Theo kinh Trường A Hàm thì chỉ có 4 bậc sau đây được phép dựng tháp: “Phật, Bích Chi, Thanh Văn, Luân Vương”. Ngoài ra các vị tăng thường cũng được phép dựng tháp, nhưng không có mái hiên và phải dựng ở chỗ khuất tịch. Các vong nhân khác theo Phật giáo cũng được dựng tháp, nhưng nóc tháp phải bằng, không được dùng nóc tròn như tàng dù chúp xuống. Sở dĩ như thế là để phân biệt tàn cốt trong tháp là của kẻ phàm hay bậc thánh.5

Phật giáo Nguyên thủy cũng chia ra 4 thứ tháp: Tháp thờ Phật (Dhatu-Stupa), Tháp thờ vật dụng của đức Phật, Tháp Pháp (Dhamma-Stupa); Chỗ khắc những câu kinh để mọi người chiêm bái và hành theo; Tháp thờ kim thân (cốt Phật) (Uddesika-stupa).6

Tháp tổ chùa Sắc Tứ Trường Thọ hiện tại chỉ có hai ngôi mộ tháp 3 tầng của Hòa thượng Tâm Giác trong khuônviên chùa và Hòa thượng Tâm Thông bên ngoài nội tự. Lịch sử truyền thừa chùa Sắc Tứ Trường Thọ trải qua 8 đời, nhưng do chùa di dời nhiều lần nên mộ tổ theo đó cũng thất lạc nhiều. Trong tài liệu “Lược sử chùa Sắc Tứ Trường Thọ” của phật tử Kiều Nguyên Trung Thắng viết năm 1994, đang được lưu giữ tại chùa có đoạn nói lại lời kể của sư Tâm Giác: “Hồi khoảng năm 1930 – 1940, tôi thường theo thầy tôi về thăm viếng và sửa chữa các cổ tháp gồm 4 cái tất cả vào những dịp Tết Nguyên đán hằng năm, hai cái đặt tại chợ Đa Cao, hai cái chỗ giữa đài hoa sen và nhà thờ Tân Định”. Theo như tư liệu này thì có 4 tháp Tổ tại khu vực Đa Kao quận 1, tức là nơi chùa có tên là Vĩnh Trường. Trong hồ sơ di tích chùa Sắc Tứ Trường Thọ có đoạn ghi rõ; “Trước cổng chính chùa có ba ngôi tháp cốt của Hòa thượng Hải Phước (hiệu Liễu Kiện), Trừng Giáo (hiệu Quảng Tuyên), Thanh Hiện (hiệu Tâm Thông)”7. Trên khu vực quận 1, Đa Kao có 4 tháp, ở chùa trường Thọ thời sư ông Tâm Giác có ba cái vậy là tổng cộng 7 cái rất đúng với lịch sử truyền thừa của các vị trụ trì tại chùa đến đời sư ông Tâm Giác là 8 vị. Như vậy, thời gian chùa có chuyển về Quận 12 ở khu vực Chợ Cầu (1766 – 1788) thời gian chỉ 12 năm nên không có mộ tháp tổ sư tại nơi này?

Tháp của Hòa thượng Tâm Thông, vị tổ trụ trì thứ 5 của chùa Sắc Tứ Trường Thọ, dòng Lâm Tế Chính Tông đời 41. Tháp cao 4,70 mét, kiến trúc có rào bao quanh tháp.

Tháp được xây bằng hỗn hợp xi măng, cát, đá và gạch thẻ… Nền tháp rộng 5,07 mét, dài 3,33 mét. Hàng rào cũng theo kiểu lục giác, được thiết kế dạng có bia lớn phía sau tháp, tấm bia sau tháp cao 1,90 mét, trên bia xây diềm mái nhỏ với 10 hàng ngói ống. Bia khắc nổi và sơn màu trang trí hình ảnh cây cảnh, hoa lá, chim hạc và mây trời. Hàng rào xây uốn cong theo kiểu đường parabol (hình ống) điểm cao nhất bắt đầu từ trên đầu tấm bia, kéo xuống thấp nhất tại điểm 0,90 mét và tiếp tục uốn lên chạm cột trụ (tầm 1,45 mét) tại điểm 1 mét. Bốn cột trụ trong rào tháp đều cao 1,45 mét và hình dáng như nhau. Trụ hình vuông, cổ trụ chạy chỉ ba vòng, đầu trụ là một búp sen, bốn cột trụ này đặt ở mỗi cạnh lục giác phía sau hàng rào, trước rào là cổng tháp, hai trụ hai bên cổng cao hơn và được nối với nhau bằng một mái xây bê tông giả ngói lưu ly. Đỉnh mái trang trí một đài hoa sen hai bên góc mái là cảnh mây uốn sóng biển. Cổng tháp rộng 1,22 mét, cao 2,58 mét. Hai trụ cột tháp hình vuông có viết hai câu đối: “Tháp tiền sơn điểu truyền Phật xướng; Môn ngoại lâm hoa giải thiền cơ” (nghĩa là: Trước tháp chim núi truyền diệu Pháp; Ngoài cửa hoa rừng ứng thiền cơ). Phía trước cổng tháp là một khu đất nhỏ đều được làm rào chắn, đó là sân tháp rộng 5,71 mét, dài 6,20 mét.

Trong hình dáng bên ngoài tháp gồm có ba tầng cách nhau bằng những vành mái nhỏ, mỗi mặt, mỗi tầng đều khắc hình trang trí hoa quả, tượng và chữ khác nhau, nhưng màu đã nhạt. Đỉnh tháp được gắn một búp sen tô màu hồng. Toàn tháp được quét vôi trắng, và màu xanh dương ở những ô trang trí, đường gờ chỉ to, nổi lên những hàng ngói ống giả màu đỏ nâu. Chân tháp cao 60 cm, chia làm ba cấp nhỏ, không có hoa văn.

Tầng 1: Có mặt quay về hướng Nam, sáu mặt đều kín, có trang trí hoa cảnh trên mỗi mặt. Mặt phía tay phải từ tấm bia nhìn ra trang trí hình ảnh hai quả đào và cành lá trên nền màu xanh dương. Mặt kế tiếp là cành hoa mai với lá xanh cũng trên nền màu xanh dương. Mặt tiếp theo cũng lặp lại màu nền như trước như là hai bông hoa màu hồng phấn. Mặt tiếp nữa là một cành lựu xanh tươi uốn cong lên bầu trời với hai trái lựu nhỏ xinh, trái hướng lên trên, trái thòng xuống đất. Mặt thứ 5 là hình ảnh hai con chim đang bay vờn trên một cành lá. Mặt chính diện là bia tháp dài 60 cm, ngang 32 cm, bằng đá xanh, gắn liền vào mặt tháp. Mặt bia khắc chìm hàng chữ Hán ở giữa từ trên xuống: “ 敕賜長寿寺 三十八世號達旦上心下通和尚, Sắc tứ Trường Thọ tự tam thập bát thế hiệu Đạt Đán thượng Tâm hạ Thông hòa thượng”. Cạnh mái 1,16 mét. Mái xây giả 7 hàng ngói ống, bốn góc mái đều có gắn trang trí đầu rồng.

Tầng 2: Các mặt tháp đều kín, cạnh mái nhỏ hơn tầng 1, mỗi cạnh 1 mét với 6 hàng ngói ống giả. Mặt tháp khắc lõm hình chữ nhật, bẻ một vòng cong nhỏ ở bốn góc cạnh, nền màu xanh dương. Mặt trước trang trí hình tượng sư tổ Đạt Ma vai mang tích trượng quãi 1 chiếc hài phía sau, phía trước tích trượng treo sợi chuổi, Ngài cưỡi trên cành cây đang băng qua sông. Tuy nhiên thoáng nhìn vào chúng ta sẽ dễ lầm đó là Phật Di Lặc, vì hình tướng từ bụng cho đến y phục thì giống Phật Di Lặc hơn. Mặt tiếp theo chiều kim đồng hồ là một vị Thánh tăng mặc áo màu hoại sắc, tay cầm bảo bối, ngồi kiểu chân co chân duỗi, an nhiên tự tại trên đám mây. Mặt tiếp thứ ba là vị Thánh tăng mặc áo màu nâu, cũng ngồi an nhiên trên đám mây, chân phải xếp bằng, chân trái co lên, hai tay đặt trên hai đầu gối. Mặt tiếp thứ tư là vị Thánh tăng mặc áo vàng nâu, vị tăng này khá đặc biệt, áo hở bụng như Phật Di Lặc. Cũng ngồi trên mây nhưng co hai chân, hai tay dơ lên khoe bụng bị lõm vào trong và giữa chỗ lõm có một khối tròn nhô lên. Mắt Ngài hơi nhìn lên phía trên. Mặt tiếp thứ 5 là vị Thánh tăng mặc áo màu hồng cũng ngồi trên mây, xếp bằng chân phải, chân trái co lên tay phải để trong gần bụng, tay trái cầm chuổi đặt trên đầu gối. Mặt tiếp thứ 6 là vị Thánh tăng mặc áo hoại sắc cũng ngồi trên mây theo kiểu như các vị tăng bên, nhưng tay trái để ngửa trên gối, tay phải cầm viên trân châu có con chim đậu trên cánh tay của Ngài.

Tầng 3: Mặt tháp cắt lõm hình chữ nhật, nền cũng màu xanh dương, chiều cao tầng ba tín luôn đỉnh tháp là 1,70 mét, và cạnh nhỏ dần, 80 cm, chỉ còn 5 hàng ngói. Mỗi mặt khắc lồi mỗi chữ, sáu mặt sáu chữ Hán “Nam Mô A Di Đà Phật”. Tháp được xây ngay sau khi hòa thượng Tâm Thông thị tịch, tức là năm 1924. Như vậy tháp có niên đại đầu thế kỷ XX.

Tháp tổ Tâm Thông mang dáng dấp kiến trúc cổ kính tháp miền Á Đông, bia cũng viết bằng chữ Hán theo dạng cổ. Ảnh hưởng Trung Hoa với bình đồ lục giác và trang trí nhiều hoa văn, màu sắc. Ngoài ra bình đồ lục giác còn thể hiện cho lục tự Di Đà được khắc rõ trên tháp, đề cao pháp môn tu tịnh độ. Lục giác còn gợi lên yếu tố lục độ, lục hòa, lục căn, lục thức, lục trần… trong giáo lý đạo Phật. Chúng ta nhìn tổng thể các họa tiết hoa văn được trang trí trên tháp, từ hình ảnh của thiên nhiên hoa trái, đến các vị Thánh tăng với mây trời tự tại, có vị cầm sợi chuổi, đến cả sư tổ Đạt Ma là vị tổ đầu tiên của Thiền tông Trung Hoa trên cây tích trượng ngài khoác trên vai khi vượt biển qua Đông Độ cũng có mang sợi chuổi. Lại thêm hai câu thơ trước cổng “Tháp tiền sơn điểu truyền Phật xướng; Môn ngoại lâm hoa giải thiền cơ”, hai chữ “Phật xướng” được dịch là “diệu pháp” nhưng cũng có thể hiểu là tiếng niệm Phật, câu này có thể hiểu là “trước tháp có tiếng chim núi chuyền nhau niệm Phật”. Chim núi niệm Phật, hoa rừng ứng thiền cơ. Tất cả đều gợi cho ta một ý nghĩa thâm sâu về pháp môn Thiền Tịnh song tu. Trên mặt bản thể Thiền và Tịnh độ đều không tách rời nhau.

Phía sau khuôn viên tháp là đường hẻm số 7, phía trước và hai bên quanh tháp được bao bọc bởi nhà dân. Trong sân tháp nằm về góc phải, phía đông có một ngôi tháp nhỏ chỉ một tầng, cũng hình lục giác, cao 1,35 mét, cạnh 84 cm. Bia tháp xoay sát vào trong vách rào, và không còn nhìn thấy chữ. Đây là ngôi tháp vọng, an trí tạm tro cốt của Hòa thượng Trừng Giáo.

Tháp tổ Tâm Thông nhìn giống tháp Tổ Thiện Thuận ở chùa Giác Lâm. Tuy nhiên tháp tổ Tâm Thông chỉ có một nét mới mang dáng dấp phương Tây đó là hàng rào mang hình ống (Parabol) và bốn cột trụ là hình vuông. Còn tháp Tổ Thiện Thuận xây dựng sau nên có nhiều chi tiết của phát triển chỉ vươn theo một chiều cao mà không phát triển nơi chân bệ và phần thân tháp như ở Ấn Độ và các nước thuộc Phật giáo Nam tông. Tháp chia thành năm tầng (tính luôn bệ và đỉnh tháp) là một số lẽ, chiều cao được nhấn rõ bởi mỗi tầng mái, tầng mái thì thu nhỏ đều dần là ảnh hưởng kiến trúc những tầng lầu Trung Hoa.

Bình đồ lục giác, hình ảnh chạm khắc trang trí cũng có yếu tố chữ Hán là chính. Tuy nhiên bên cạnh đó tháp cũng ghi rõ dấu ấn của vùng đất Nam bộ qua mô típ trang trí là những cành hoa mai, hoa hồng, trái đào lộn hột, trái đu đủ, cánh cò… là những hoa trái đặc trưng của vùng Gia Định.

Tháp tổ Tâm Thông có tuổi đời từ đầu thế kỷ XX, nằm trong ngôi chùa cổ thành phố Hồ Chí Minh, nên ngôi tháp đã trở thành một hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa, nơi đây có thể tìm thấy được quá trình giao lưu văn hóa giữa vùng đất Nam bộ với các dấu ấn phương Tây hơn. Tháp tổ Tâm Thông hình lục giác, kiến trúc tháp cổ của miền Á Đông.

Hình 2: Tháp tổ Tâm Thông, Chùa Sắc Tứ Trường Thọ, Tp.HCM. Nguồn: Thư Viện Huệ Quang.

Tác giả: Đinh Thị Yến (Thích nữ Hiền Nghĩa) Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2020

-------------------

CHÚ THÍCH: 1. “Phù đồ là hình dung từ thời tiền sử, là những nấm mồ của các tù trưởng, vua chúa đắp hình vòm cầu, rồi phát triển thành những đài kỷ niệm. Và được Phật giáo sử dụng làm như vật tiêu biểu chính và làm trung tâm của những chốn thờ tự”¬_ Nguyễn Bá Lăng (1972), Kiến trúc Phật giáo Việt nam, nxb Viện Đại Học Vạn Hạnh, TP. HCM, tập 1, tr 26. 2. “Trên vòm cầu có cắm cây lọng tiêu biểu cho sự tôn kính. Chung quanh lọng làm hàng rào quanh bốn mặt, kiến trúc kỷ niệm này còn gọi là Phù - đồ, có lẽ danh từ Boudda do Trung Hoa phiên âm ra. Stoupa hay Phù – đồ sau làm đế và thân đều cao dần lên. Cây lọng bên trên nguyên có ba tầng tàn như ở Sanchi, sau cũng tăng dần lên thành nhiều tầng. Khi loại kiến trúc này vượt biên giới xuất cảng sang các nước Đông Nam Á như Miến Điện, Nam Dương, Thái Lan, thì vòm cầu biến thành hình chai lọ, chân thắt vai nở. Cây lọng nay thành cổ lọ có nhiều đốt nhưng mang một cây tàn được làm bằng kim khí chạm trổ tinh vi và trên đỉnh có gắn một trái cầu. Sang tới Trung Hoa thì biến thành cây tháp kiến trúc vươn lên theo chiều cao, chia ra làm nhiều tầng. Hình dáng khác hẵn tòa phù đồ nguyên thủy, nhưng đôi khi vẫn còn giữ lại vòm bán cầu và cây lọng làm vật trang trí ở trên chóp tháp. Phần này có khi gồm một bảo bình trên cắm một cây lọng năm tầng tàn vò và ở trên tận cùng đỉnh gắn một quả cầu sắt. Cây tháp hay Phù đồ nhiều tầng tuy hình dáng biến đổi nhưng công dụng vẫn là tầng chứa xá lợi, bảo vật Phật giáo”. _ Nguyễn Bá Lăng (1972), Kiến trúc Phật giáo Việt nam, nxb Viện Đại Học Vạn Hạnh, TP. HCM, tập 2, tr 134. 3. Đoàn Trung Còn, từ điển Phật học, nxb Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, tr 1118. 4. Hành Trụ, Lê Phước Bình dịch (1974), sơ đẳng Phật học giáo khoa thư, Sài Gòn, tr 26. 5. Trần Hồng Liên (2008), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử -văn hóa, Nxb Khoa Học Xã Hội, TP. HCM, tái bản lần thứ nhất, tr 47- 48. 6. Trần Hồng Liên, Sđd, tr 48. 7. Nguyễn Thị Minh Lý (1999), Hồ sơ di tích Chùa Sắc Tứ Trường Thọ, Sở Văn Hóa Thông Tin TP.HCM – Ban Quản Lý Di Tích và Danh lam Thắng Cảnh, tr 4.