Tác giả: Nguyễn Ngọc Trinh NCS Khoa Triết, trường Đại học KHXH & NV, ĐHQG Tp.HCM
Nội dung
1. Khái niệm về thập nhị nhân duyên và luân hồi 2. Các chi phần của mười hai nhân duyên 3. Một số tính chất của mười hai nhân duyên 4. Lộ trình thuận nghịch của mười hai nhân duyên 5. Ứng dụng vào đời sống tu học
Duyên khởi là một trong những giáo lý chủ đạo xuyên suốt của đạo Phật, nói lên thực tính của các pháp, giải thích sự hiện hữu của con người và thế giới. Như trong kinh Thánh cầu thuộc kinh Trung bộ, đức Phật dạy rằng: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý y tính duyên khởi pháp; sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sinh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn”[1].
Do vì con người cứ mãi đắm chìm trong năm dục; cuốn mình theo những tư tưởng sai lạc các tôn giáo khác về sự tồn tại vĩnh cửu của linh hồn, tự ngã; để rồi mãi khổ đau triền miên. Đức Phật bằng tuệ giác chứng ngộ đã chỉ ra nguồn gốc khổ đau và con đường chuyển hoá khổ đau của chúng sinh. Một trong những nguyên nhân đưa đến khổ đau của con người, được đức Phật thuyết giảng đó chính là giáo lý thập nhị nhân duyên.
1. Khái niệm về thập nhị nhân duyên và luân hồi
1.1. Thập nhị nhân duyênThập nhị là mười hai. Nhân là nguyên nhân, nhân tố quyết định sự sinh khởi của một sự vật, hiện tượng. Duyên là xúc tác hỗ trợ cho nhân sinh khởi.
Ví dụ như một hạt cam (nhân) đem gieo trồng, bón phân, tưới nước, nhổ cỏ,… (duyên) gặt lấy kết quả là cây cam, trái cam. Vậy nhân duyên là chỉ cho các vật nương tựa nhau mà sinh khởi.
Trong Phật học thường thức, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã giải thích rằng: “Thập nhị nhân duyên là phép tu hành của Duyên giác thừa, phép này chủ yếu quán sát tất cả các sự vật, cho đến luân hồi, đều do nhân duyên mà phát khởi, nhân duyên hội họp thì gọi là sinh, nhân duyên tan rã thì gọi là diệt, sự thật vốn không có cái gì sinh, cái gì diệt cả”[2].
Còn trong kinh Phật tự thuyết thuộc kinh Tiểu bộ, đức Phật sau bảy ngày ngồi kiết già, thọ hưởng lạc giải thoát, ra khỏi định, khéo thuận chiều tác ý lý duyên khởi: “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sinh, cái kia sinh. Tức là duyên vô minh, có các hành; duyên các hành, có thức; duyên thức, có danh sắc; duyên danh sắc, có sáu xứ; duyên sáu xứ, có xúc; duyên xúc, có thọ; duyên thọ, có ái; duyên ái, có thủ; duyên thủ, có hữu; duyên hữu, có sinh; duyên sinh, có già, chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn này”[3]. Do mải mê tham đắm trong con đường tà đạo (thuận chiều sinh khởi mười hai nhân duyên) dẫn dắt con người nói riêng và tất cả chúng sinh trôi lăn mãi trong biển khổ sinh tử luân hồi.
1.2. Luân hồiTheo Từ điển Phật học Huệ Quang cho rằng: Luân hồi (S. Saṃsāra, C. 輪迴) còn gọi là tăng sa lạc, sinh tử, sinh tử luân hồi, sinh tử tương tục, luân hồi chuyển sinh, luân chuyển, lưu chuyển. Thuật ngữ “luân hồi” đã được bà la môn giáo định nghĩa như sau: “Chúng sinh tạo nghiệp chết ở kiếp này, rồi lại sinh vào kiếp khác, cứ quay vòng như vậy mãi mãi trong ba cõi”. Từ khái niệm này, Phật giáo đã phát triển luân hồi gắn kết với nghiệp báo, nhân quả; đồng thời chỉ ra nguyên nhân khiến chúng sinh luân hồi khổ đau là tham lam, sân hận và si mê[4].
2. Các chi phần của mười hai nhân duyên
2.1. Vô minh (Avijja): Vô minh là không sáng suốt, tâm thức mê mờ, không hiểu biết như thật các pháp tứ đế, nhân quả, duyên khởi,… Vì vô minh nên con người không tỏ ngộ được chân tâm, không nhận chân được thực tướng của vạn pháp là do duyên sinh, nên không quán chiếu được lẽ vô thường, khổ đau và vô ngã của cuộc đời và tự thân mình. Vì vô minh mê lầm mà gương trí tuệ bị lu mờ, chúng ta không rõ được nguồn gốc sinh khởi của mình từ đâu đến.
2.2. Hành (Sankhara): Hành là nghiệp lực chuyển tải nơi thân, khẩu và ý. Đồng thời, hành còn được hiểu như là các tính hạnh thuộc hoạt động của tâm lý.
2.3. Thức (Vinnana): Trong kinh Tương ưng, đức Phật giải thích rằng “thức” chính là suối nguồn của kiến thức, nhưng vì trong có mặt vô minh và hành; nghĩa là có mặt tham, sân, si, nên cái biết có sự phân biệt, đắm trước và đưa đến khổ đau cho con người. Thức làm khởi sinh danh sắc và các thành tố khác của duyên khởi, là chủ thể của nhận thức, có mặt trong thân hành, khẩu hành và ý hành. Ngoài ra, thức trong vòng tái sinh là kết sinh thức (dị thục thức), tâm thức thọ sinh kiếp mới.
2.4. Danh sắc (Nàma - Rùpa): Danh là thế giới nội tâm (tâm lý), sắc chính thân (sinh lý) gồm có bốn đại (đất, nước, gió , lửa) và tất cả những gì do bốn đại sinh. Với con người, sắc là cơ thể vật chất và các cơ quan như mắt, tai, mũi, lưỡi (sắc tức là sắc uẩn), Danh là tâm ý thể hiện qua xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư (hoặc là thọ, tưởng hành và thức uẩn). Như vậy, danh sắc chính là năm thủ uẩn.
2.5. Lục nhập (Chabbihàna): Lục nhập hay sáu xứ, tức là sự tương tác giữa sáu căn hay sáu quan năng (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp trần). Khi căn và trần tiếp xúc nhau thì thức xuất hiện, trong đó đã bao hàm vô minh và khổ đau.
2.6. Xúc (Phassa): Xúc là sự giao thoa, tiếp xúc của căn, trần và thức. Xúc là sự tiếp xúc giữa chủ thể nhận thức, đối tượng nhận thức và nội dung nhận thức. Như vậy, xúc là sự biểu hiện của thức, vô minh hay khổ đau.
2.7. Thọ (Vedàna): Thọ là cảm giác hay các phản ứng tâm lý phát sinh như mắt tiếp xúc với hình sắc gọi là thọ do nhãn xúc sinh, tai nghe tiếng thì thọ do nhĩ xúc sinh,.... Có ba loại cảm thọ thường gặp đó là cảm thọ hạnh phúc (thọ lạc) khiến tâm con người thường phát sinh lòng tham ái; ngược lại với cảm thọ khổ đau (thọ khổ) thì con người luôn luôn sân hận; và với cảm thọ không vui không khổ (thọ xả) là mầm mống nuôi dưỡng chất liệu si mê. Thế nên, thọ là cội nguồn của tham, sân, si; là nhân tố dẫn dắt con người trôi lăn trong sinh tử và khổ đau.
2.8. Ái (Tanhà): Ái tức là sự tham ái, sự khao khát, bám víu vào đối tượng ưa thích. Ái có ba loại: Dục ái (sự tham muốn vị ngọt của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp); Hữu ái (mong muốn tồn tại ở một cảnh giới tốt đẹp hơn); Vô hữu ái (mong muốn không có mặt, vì nhàm chán sự hiện hữu). Con người chúng ta sinh ra thường hướng đến sự mong cầu hạnh phúc và lạc thú từ sáu trần. Nhưng mọi lạc thú đều bị vô thường chi phối, biến dịch trong từng sát na. Con người mãi rong duỗi tìm cầu, lửa dục vọng hừng hực bốc cháy khiến sầu khổ càng tăng. Điều này chứng tỏ tham ái chính là cội gốc của khổ đau.
2.9. Thủ (Upàdàna): Sự chấp thủ, bám víu của tâm thức vào một đối tượng. Nhân của Thủ chính là tham ái và vô minh. Sự bảo thủ đó khiến phát sinh ra ý thức sai lầm về ngã và tự ngã, chấp thủ cái thấy biết, chấp thủ các giới điều và chấp thủ các lý thuyết hữu ngã, đồng thời làm tăng trưởng vô minh và khổ đau.
2.10. Hữu (Bhava): Hữu có ba loại là Dục hữu (thế giới mà con người ưa thích, tham đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp trần); Sắc hữu (nơi chúng sinh tham đắm các sắc tế nhị, tham đắm sự hiện hữu và tồn tại); Vô sắc hữu (thế giới con người nhàm chán dục lạc và sự hiện hữu). Như vậy, Hữu chính là biểu hiện của lòng khát ái diễn ra trong tâm thức của mỗi chúng sinh.
2.11. Sinh (Jàti): là sự ra đời, xuất hiện. Sinh ở đây muốn nói đến sự sinh khởi các hiện tượng tâm lý, vật lý; tức là sự cấu thành năm uẩn, các tri giác,…
2.12. Lão tử (Jarà - marana): Lão tử là kết quả của sinh, được thể hiện qua sự suy nhược, tàn lụi, tan rã, tiêu mất. Vạn vật bị vô thường chi phối, kể cả con người nên khi con người già yếu thì răng long, tóc bạc, mắt mờ, tai điếc da nhăn,... rồi chết đi. Lão tử chính là khổ đau vì hủy diệt mọi hiện hữu duyên sinh, trái với lòng tham muốn của con người.
3. Một số tính chất của mười hai nhân duyên
3.1. Tính mắt xích
Một chuỗi mắt xích từ vô minh đến lão tử tạo thành vòng dây tương tục của khổ đau. Mỗi một chi phần trong mười hai chi là sự có mặt của mười một chi còn lại. Khi một chi phần sinh khởi thì toàn bộ khổ đau cùng sinh khởi; sự đoạn diệt của một chi phần cũng có nghĩa là sự đoạn diệt hoàn toàn mười hai chi phần hay khổ đau cũng đoạn diệt, không một chi phần nào có thể sinh khởi hay tồn tại một mình. Khi vô minh, ái, thủ, tập khởi thì toàn bộ khổ đau cùng tập khởi, đây là con đường sinh tử, là tà đạo. Ngược lại, khi vô minh diệt, ái diệt hay thủ diệt thì toàn bộ khổ đau cũng không còn, con đường đoạn tuyệt này là chính đạo, là Niết Bàn.
Như vậy, mười hai chi phần duyên khởi tương tác lẫn nhau, không cái nào có trước, cái nào có sau mà tiêu chuẩn chỉ là một cụm duyên khởi. Biết rõ sự thật này, đức Phật đã dạy rằng: "Này A Nan, chính vì không hiểu rõ, không thâm nhập giáo lý duyên khởi mà chúng sinh hiện tại bị rối loạn như tổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ Munja và lau sậy Babaja, không thể ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử”[5].
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/thap-nhi-nhan-duyen.html3.2. Tính nhân quả
Trước hết nói về tam thế lưỡng trùng nhân quả: nhân quá khứ (vô minh, hành) và quả hiện tại (thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái); nhân hiện tại (thủ, hữu) và quả tương lai (sinh, lão tử). Đây chính là hai cặp nhân quả khổ đế và tập đế. Vì bản chất của mười hai nhân duyên là vòng tròn sinh hoá, nó luân chuyển liên tục trên cùng một tâm thức. Sự phá vỡ cấu trúc “quán hoàn diệt”, cơ cấu của mười hai nhân duyên sẽ bị đổ vỡ, tức đạt được giác ngộ. Chính vì thế, cấu trúc vòng tròn này không phụ thuộc vào thời gian của mối tương quan nhân quả.
3.3. Tính vô thường, khổ, vô ngã
Duyên khởi nói lên sự thật vô ngã, bác bỏ tự ngã nên phủ nhận mọi câu hỏi và câu trả lời về bản chất của các pháp, về nguyên nhân đầu tiên của con người và thế giới. Với duyên khởi, các vấn đề siêu hình bàn về nguồn gốc, tự thể của các hiện hữu đều được xem là lý luận, thuộc tư duy nhị nguyên xa rời thực tại và không đem đến lợi ích thiết thực nào. Theo lời dạy của đức Phật, thực tại chỉ được thấy bằng trí tuệ vô ngã, rời xa ái thủ. Pháp mà đức Như Lai chứng ngộ và tuyên thuyết chính là pháp vượt khỏi tham ái và chấp thủ, pháp ấy là vô ngã tướng, xa lìa hết thảy các tướng. Thế nên, các pháp môn đều phải căn cứ vào niệm giác tỉnh vô ngã tướng của các pháp mới có thể thấy đạo, ngộ đạo và chứng đạo.
Từ sự thật vô ngã của các pháp, duyên khởi mở ra một hướng tư duy mới liên hệ đến các vấn đề như giáo dục, văn hóa, đạo đức, môi trường,... Đây được xem là các vấn đề lớn của xã hội hiện đại mà các nhà tư tưởng, giáo dục và lãnh đạo hằng quan tâm. Các vấn đề này liên hệ mật thiết đến hạnh phúc, sự tồn tại của con người và xã hội, thế nên cần được khảo sát dưới ánh sáng duyên khởi.
4. Lộ trình thuận nghịch của mười hai nhân duyên
4.1. Thuận dòng
Nếu đi thuận chiều từ vô minh đến lão tử thì sẽ dẫn dắt con người chìm đắm vào biển khổ đau, chìm đắm trong dục lạc trần thế, phiền não cứ âm ỉ mãi trong tâm thức, không tìm ra lối thoát để giác ngộ giải thoát. Nhận thức khổ đau mang lại, con người sẽ tự tạo cho mình một đời sống an lạc, hạnh phúc theo ý muốn của mình. Để làm được điều đó, con người phải lội ngược dòng khổ đau của thập nhị nhân duyên.
4.2. Nghịch chiều
Đi ngược chiều của vòng mắc xích mười hai nhân duyên, chúng ta sẽ đoạn trừ khổ đau, sớm chứng được Thánh trí giải thoát. Tiêu biểu như hình ảnh thái tử Tất Đạt Đa ngồi dưới cội Bồ Đề quán nghịch chiều mười hai nhân duyên, giống như hình ảnh chiếc bát trôi ngược trên dòng sông Ni Liên Thiền.
5. Ứng dụng vào đời sống tu học
Nhận thức khổ đau đem lại, tìm cầu sự an lạc trong sự tu tập hằng ngày, hành giả tu tập cần tìm ra một định hướng tu tập, vượt thoát biển khổ đau cũng giống như người bệnh phải biết gốc bệnh mà chữa trị. Vậy làm thế nào vơi bớt khổ đau, vượt thoát luân hồi sinh tử?
Đức Phật từng dạy trong kinh Trung bộ, Đại kinh dụ dấu chân voi rằng: “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi. Những pháp này do duyên khởi lên chính là năm thủ uẩn. Sự tham dục, chấp trước, tham đắm, mê say trong năm thủ uẩn này tức là khổ tập; sự nhiếp phục tham dục, sự từ bỏ tham dục tức là sự khổ diệt”[6].
Chúng ta phải tư duy chân chính, sống đời sống thiểu dục tri túc, sống không tham đắm ngũ dục lạc như trong kinh Tương ưng, chương Tương ưng nhân duyên, phẩm Phật đà: “do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Dọ thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sinh diệt. Do sinh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là đoạn diệt”. Đây chính là chiều hướng đoạn diệt phá vỡ mười hai mắc xích nhân duyên, ngũ uẩn tan rã, con người nói riêng và tất cả chúng sinh nói chung được tiến bước trên con đường an lạc giải thoát.
5.1. Hành
Hành động tạo tác được thể hiên nơi thân, khẩu, ý. Đức Phật cũng từng khuyên chúng sinh hãy siêng làm các điều thiện, không làm các điều ác, giữ tâm ý trong sạch. Một trong những điều thiện đức Phật khuyên được cụ thể nơi pháp thập thiện. Hằng ngày, thân không sát sinh, biết phóng sinh, giúp con người nuôi dưỡng lòng từ bi, thân tướng tốt đẹp, trường thọ,… Không trộm cắp mà còn biết bố thí giúp con người được giàu sang, an vui,…Không tà hạnh mà sống nếp sống thanh tịnh, trì trai giữ giới sẽ khiến nhà nhà hạnh phúc, sáu căn đầy đủ,… Miệng nói lời chân thật, ái ngữ,… sẽ được mọi người tin cậy, lời nói có sự tự tin, không gieo thù chuốc oán cho nhau. Ý không tham ăn sẽ không khiến thân bệnh tật, giảm thọ. Ý không sân giận mà biết nhẫn nhịn sẽ khiến ta kiềm chế hành động, lời nói lại, không gây mất hoà khí nhau, thậm chí đâm chém giết nhau. Không si mê tin theo thuyết ngoại đạo, không phỉ báng luật nhân quả,… mà chúng ta hằng tin theo chính pháp, tin sâu nhân quả, để thân tâm mãi an vui trong tu tập hằng ngày, xây dựng Tịnh độ an lạc giữa chốn hồng trần khổ đau này.
5.2. Thủ
Không chấp thủ là tinh thần rất quen thuộc với hầu hết Phật tử của các bộ phái Phật giáo. Do chấp thủ mà tham ái sinh, sân hận sinh và tà kiến sinh. Chấp thủ được hiểu như là cội gốc của mọi khổ đau ở đời, ngay cả sự chấp thủ giáo lý giải thoát cũng chỉ đem lại sự ràng buộc. Vì thế, đức Phật thường dạy các đệ tử không nên chấp thủ, kể cả những lời dạy của Ngài, để loại bỏ các nguyên nhân gây ra khổ đau cho mình và cho người. Ngài khẳng định: “Pháp Như Lai thuyết giảng giống như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm lấy”[7] (2)
Lời dạy trên như tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh mạnh vào tâm thức của những ai còn nặng về tham ái và chấp thủ, cho rằng pháp do đức Như Lai thuyết giảng là chân lý tuyệt đối nên không hề có ý niệm xa lìa. Thật ra, tất cả các pháp đều là phương tiện, là bất định pháp, do đức Phật tùy căn cơ của chúng sinh mà thuyết giảng. Hơn nữa, những gì phát xuất từ ý niệm thì đều không thật, vì bản thân ý niệm luôn luôn thay đổi cho dù ý niệm đó được hệ thống hóa thành một học thuyết. Những lời dạy của đức Phật chỉ là những tiến trình, những cột số trên lộ trình tiến đến giác ngộ, giải thoát, nếu chấp vào đó thì chẳng khác gì giới cấm thủ Mục tiêu giáo hóa của đức Phật là chỉ cho hành giả phương pháp đoạn tận khổ đau, xa lìa ái thủ đang ngăn che thực tại mà không phải để giải thích thực tại là gì. Mỗi pháp tu có một tác dụng riêng để đối trị với các triền cái, các kiết sử, đưa hành giả đi sâu vào định huệ. Các phương pháp ấy cần phải được xả bỏ một lần với các ác pháp mà hành giả đối trị, nếu không thì chúng cũng đồng nghĩa với ác pháp.
Chiếc bè được đề cập và sử dụng là vì sự có mặt của dòng nước. Cũng thế, giáo lý được nói lên chỉ vì mục đích vượt qua dòng nước của các tưởng, các tư duy, tham ái và chấp thủ. Khi ái và thủ được đoạn tận thì toàn bộ giáo lý cũng được buông bỏ lại sau lưng hành giả, như chiếc bè và dòng sông được để lại nơi bến bờ. Thật tế là có pháp để tu, để chứng nhưng phải thấy là phương tiện, là giả có không thật. Giáo lý Phật giáo, cho dù là giáo lý tối thượng cũng chỉ để dẫn đường cho hành giả giải quyết sinh tử mà không thể tự thân giáo lý giải quyết sinh tử. Do vậy, hành giả cần phải trở về với chính mình để đoạn tận tham ái và chấp thủ trong tâm mình.
Theo lời dạy của đức Phật, hạnh phúc tuyệt đối hay Niết Bàn là loại bỏ hoàn toàn chấp thủ. Hạnh phúc tương đối của con người trong hiện tại và tương lai tùy thuộc vào mức độ loại bỏ các ác pháp ấy. Tinh thần vô chấp chẳng những đem lại an lạc cho cá nhân mà còn đem lại niềm vui cho tha nhân, giải thoát tất cả mọi áp lực, ức chế của đời sống tác động đến tâm lý con người. Đức Thế Tôn dạy: “Sự tham dục, chấp trước, tham đắm, mê say trong năm thủ uẩn này tức khổ tập; sự nhiếp phục tham dục, sự từ bỏ tham dục tức là khổ diệt”[8]. Sự giác ngộ tối thượng của đức Thế Tôn không ngoài con đường đoạn trừ vô minh, tham ái và chấp thủ. Chính các pháp này là yếu tố hình thành nên thế giới vọng tưởng, buộc chặt số phận con người trong cái ngã điên đảo, thấy rằng sự hiện hữu của mình và các pháp là chắc thật. Từ đó sinh tâm chấp thủ, đến lúc nào đó vô thường xảy ra thì tất cả đều hư hoại chỉ còn lại sự bám víu khổ đau.
Tóm lại, mười hai nhân duyên hay duyên khởi chính là giáo lý nền tảng nhất của Phật giáo, được trình bày dưới dạng thức tổng quát “do cái này có, cái kia có”, hay dưới dạng mười hai chi phần đã chuyên chở đầy đủ ý nghĩa thậm thâm nhất và quan trọng nhất. Quan trọng đến độ nếu liễu hội mười hai nhân duyên tức thành tựu sự giác ngộ tối thượng, đức Thế Tôn dạy: “Ai thấy duyên khởi là thấy pháp, Ai thấy pháp là thấy Phật”[9]. Vì giáo lý duyên khởi lập nên pháp, an lập pháp và quyết định pháp nên “thấy duyên khởi là thấy pháp”. Hơn nữa, khi hành giả thấy được dòng chảy của mười hai nhân duyên tức đã thắng tri và liễu tri các pháp, nên vô minh diệt, minh sinh. Do vô minh diệt nên hành diệt, dẫn đến lão tử diệt, giải thoát xuất hiện. Vì thế, không nên ngộ nhận cho rằng duyên khởi là giáo lý được đức Thế Tôn phương tiện thuyết cho hàng Duyên Giác. Thật sự, về mặt giáo lý không có tính chất của các thừa, không có cao hay thấp, chỉ vì căn cơ người nghe mới biểu hiện ra trình độ ngộ nhập cao thấp. Đức Thế Tôn nói pháp là tùy duyên, nhưng mục đích giải thoát thì luôn luôn có mặt trong mọi lời dạy, mọi thời pháp. Mục đích giải thoát vừa có ý nghĩa là bản chất của giáo lý Thế Tôn dạy, vừa xa lìa tham ái và chấp thủ. Tùy theo cấp độ thành tựu trong công phu tu tập của hành giả mà có các tên gọi khác nhau, như Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Trinh NCS Khoa Triết, trường Đại học KHXH & NV, ĐHQG Tp.HCM *** Chú thích và tài liệu tham khảo * Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM trong khuôn khổ Đề tài mã số SĐH2021-03. [1] ĐTKVNNT (2017), Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Thánh cầu, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.218. [2] Tâm Minh Lê Đình Thám (1999), Phật học thường thức, Nxb. Thuận Hoá, tr.69. [3] ĐTKVNNT (2018), Kinh Tiểu bộ, kinh Phật tự thuyết, chương 1: phẩm Bồ đề, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.107. [4] Thích Minh Cảnh (chủ biên, 2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 3, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, tr.2512-13. [5] ĐTKVNNT (2018), Kinh Trường bộ, kinh Đại duyên, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.263. [6] ĐTKVNNT (2017), Kinh Trung bộ, tập 1, Đại kinh dụ dấu chân voi, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.243. [7] ĐTKVNNT (2018), Kinh Trung bộ, tập 1, Đại kinh đoạn tận ái, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.322. [8] ĐTKVNNT (2018), Kinh Trung bộ, tập 1, Đại kinh dụ dấu chân voi, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.243 [9] Kinh đã dẫn, tr.243. (2) HT. Thích Minh Châu - Trung Bộ I - Đại Kinh Đoạn Tận Ái - Viện NCPHVN. 1992 - Tr. 570
Bình luận (0)