Từ ngày 14-17/2, các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị và học giả đến từ nhiều quốc gia đã quy tụ tại Hội nghị Sáng kiến Toàn cầu về Tránh xung đột và Ý thức Môi trường trong Ấn Độ giáo - Phật giáo (Samvad IV), diễn ra tại Bangkok và Krabi, Thái Lan.
Sự kiện được tổ chức nhằm thúc đẩy đối thoại về các vấn đề cấp bách toàn cầu, bao gồm xung đột địa chính trị và suy thoái môi trường.

Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Liên Hợp Quốc ở Bangkok có sự tham gia của các đại biểu đến từ Bhutan, Ấn Độ, Lào, Nepal và Thái Lan.
Sự kiện do Quỹ Quốc tế Vivekananda (VIF) phối hợp cùng Viện Bodhigaya Vijjalaya 980, Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya (MCU) và Liên minh Phật giáo Quốc tế (IBC) tổ chức.
Tư tưởng của Phật giáo trong giải quyết xung đột
Trong bài phát biểu trực tuyến, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh vai trò của giáo lý Phật giáo trong việc giải quyết xung đột: “Một trong những chủ đề cốt lõi của Samvad là tránh xung đột. Thường thì xung đột nảy sinh từ niềm tin rằng chỉ con đường của chúng ta là đúng, còn tất cả những con đường khác đều sai. Đức Phật đã đưa ra góc nhìn sâu sắc về vấn đề này… Có những người bám chấp vào quan điểm của mình và tranh luận, chỉ nhìn thấy một phía là đúng. Nhưng thực tế, nhiều góc nhìn khác nhau có thể cùng tồn tại về một vấn đề”.
Thủ tướng Modi nhấn mạnh rằng các quan điểm cực đoan thường dẫn đến tranh chấp, khủng hoảng môi trường và những thách thức khác. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới áp dụng “trung đạo” - nguyên tắc cốt lõi của Phật giáo, nhấn mạnh sự điều hòa và cân bằng trong quyết định chính trị.
Ông cũng đề cập đến xung đột giữa con người và thiên nhiên, cho rằng lời giải cho thách thức này nằm trong truyền thống chung của châu Á, dựa trên nguyên lý Dhamma1. Theo đó, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Thần đạo (Shinto) và nhiều truyền thống khác đều dạy con người sống hài hòa với thiên nhiên: “Chúng ta không nhìn nhận mình tách rời khỏi thiên nhiên, mà tất cả chúng là một phần trong đó”.
Phật giáo và Ấn Độ giáo với bảo vệ môi trường
Hội nghị cũng nhấn mạnh vai trò của Phật giáo và Ấn Độ giáo trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Thủ tướng Modi nhắc đến khái niệm Trusteeship (quản lý có trách nhiệm), theo tư tưởng của Mahatma Gandhi, khuyến khích việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm, hướng đến lợi ích của các thế hệ tương lai.
Tổng thư ký Viện Bodhigaya Vijjalaya 980, ông Supachai Veraphuchong, nhấn mạnh rằng Dharma trong Phật giáo và Ấn Độ giáo là kim chỉ nam cho đạo đức lãnh đạo và ý thức bảo vệ môi trường: “Nếu chúng ta cùng có một mục tiêu với tâm trong sáng, chúng ta sẽ không có những ý đồ ẩn giấu… Nhưng chính trị có thể là nguồn gốc của khổ đau, bởi mục tiêu trong lĩnh vực này có thể khác với lý tưởng của chúng ta. Tuy nhiên, tôi tin rằng tất cả các chính trị gia trên thế giới đều có Dhamma sâu trong trái tim họ”.

Ông đề xuất rằng các quốc gia châu Á, đặc biệt là các nước thuộc lưu vực sông Mekong, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể dẫn đầu một phong trào dựa trên nguyên tắc Phật giáo để đối phó với những thách thức toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh thêm: “Không có lực lượng vũ trang nào mạnh hơn đạo quân của Dhamma”.
Ứng dụng tư tưởng Phật giáo trong xây dựng hòa bình
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia, ông Khy Sovanratana, đã nhấn mạnh vai trò của Phật giáo trong quá trình tái thiết đất nước sau xung đột. Ông cho biết: “Khái niệm Dharma-Dhamma mang đến một khuôn khổ vĩnh cửu cho cuộc sống đạo đức và sự chung sống hòa hợp. Trong thế kỷ châu Á của Dharma-Dhamma, chúng ta được kêu gọi để tích hợp những giáo lý sâu sắc này vào cuộc sống hiện đại”.
Ông cũng đề cập đến Chính sách Win-Win của cựu Thủ tướng Hun Sen - một chiến lược đã giúp Campuchia vượt qua xung đột và đạt được hòa bình lâu dài: “Bằng cách thúc đẩy đoàn kết quốc gia, chính sách Win-Win đã giúp Campuchia vượt qua quá khứ chia rẽ, khuyến khích các bên đối lập hợp tác để tái thiết đất nước”.
Nhờ chính sách này, Campuchia đã thu hút đầu tư nước ngoài, nhận được viện trợ quốc tế và phục hồi nền kinh tế.
Thượng tọa Kou Sopheap, Phó Chủ tịch Học viện Phật học Campuchia, cũng nhấn mạnh rằng Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình: “Phật giáo giúp người dân Campuchia hiểu được giá trị của lòng tha thứ và từ bi, điều này đã ngăn ngừa những xung đột mới”.
Hội nghị Samvad IV tái khẳng định giá trị của giáo lý Phật giáo và Ấn Độ giáo trong việc đối phó với những thách thức hiện đại, đặc biệt là trong việc xây dựng hòa bình và bảo vệ môi trường.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo và quốc gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng trí tuệ cổ xưa vào các chính sách toàn cầu, khuyến khích tinh thần đối thoại và hợp tác để xây dựng một thế giới hòa bình và bền vững.
Tác giả: Justin Whitaker
Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên
Theo: buddhistdoor.net
Chú thích: Dhamma (thường được hiểu là Pháp, một thuật ngữ Phật giáo). Dhamma cũng có thể được hiểu: là quy luật, là sự thật, là luật tự nhiên, hoặc mang rất nhiều nghĩa: Tập quán, thói quen, tiêu chuẩn của phép cư xử.
Bình luận (0)