Trang chủ Nguyên thủy Chơn Như Tạo duyên giáo hóa chúng sanh (Phần 4)

Tạo duyên giáo hóa chúng sanh (Phần 4)

“Trở Về Đạo Phật” là một tập sách mỏng, do bác sĩ Trí và Đức Tâm ghi lại từ một cuộn băng cassette, đã được ghi âm buổi tọa đàm của Trưởng lão Thích Thông Lạc với quý tu sĩ tăng, ni Đại Thừa, Thiền Tông và phật tử Thành phố Hồ Chí Minh, tại tu viện Chơn Như.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

PHẦN II – TRỞ VỀ ĐẠO PHẬT

LỜI NÓI ĐẦU

“Trở Về Đạo Phật” là một tập sách mỏng, do bác sĩ Trí và Đức Tâm ghi lại từ một cuộn băng cassette, đã được ghi âm buổi tọa đàm của Trưởng lão Thích Thông Lạc với quý tu sĩ tăng, ni Đại Thừa, Thiền Tông và phật tử Thành phố Hồ Chí Minh, tại tu viện Chơn Như.

“Trở Về Đạo Phật”là một lời khuyên chân thành, với tâm tha thiết, đầy lòng yêu thương của Trưởng lão Thích Thông Lạc với những tu sĩ tăng, ni và phật tử đang tu hành theo Phật giáo.

Chúng tôi thấy những lời khuyên quá thành thật này đối với mọi người có lợi ích rất lớn, nhất là cho những hàng tu sĩ tăng, ni và phật tử có quyết tâm hành trì để tìm cầu sự giải thoát ngay liền.

“Trở Về Đạo Phật” với lời nói nhẹ nhàng, so sánh cụ thể, làm sáng tỏ thiền định của Phật giáo Nguyên Thủy và thiền định của kinh sách phát triển Đại Thừa, khiến cho những ai có kinh nghiệm tu hành thì biết ngay mình đang tu tập những pháp môn của ngoại đạo, mà từ lâu cứ ngỡ rằng mình tu hành theo chánh Phật giáo. Sự đau lòng nhất của chúng ta là bị kinh sách phát triển lừa đảo mà không biết. Cho nên, khi nghe được những lời khuyên dạy này, chúng ta như người mù được sáng mắt, như người đang nằm mộng choàng tỉnh dậy.

Nhờ đọc tập sách “Trở Về Đạo Phật”, chúng tôi thấy con đường Phật giáo mở bày một lộ trình thẳng tắp dẫn đến cứu cánh rõ ràng, cụ thể, chứ không còn mơ hồ, trừu tượng, ảo giác như các pháp môn của kinh sách phát triển.

Thấy sự ích lợi của những lời khuyên nhủ như vậy, nên chúng tôi xin phép Trưởng Lão cho in tập sách này, để mọi người cùng đọc, cùng được lợi ích như nhau mà không còn sợ bị giáo pháp ngoại đạo lừa đảo nữa. (Trước kia, tập sách này được in chung trong Giáo Án Tu Tập Cho Người Cư Sĩ, tập 3)

Với tập sách mỏng này, chúng tôi ước nguyện cho mọi người khi được đọc, nó sẽ mang lại cho tu sĩ tăng, ni và quý phật tử một niềm vui an lạc, với tâm hồn thanh thản và vô sự.

Từ đây, đạo Phật chỉ còn có một con đường duy nhất, đó là con đường Giới, Định, Tuệ mà Trưởng lão Thích Thông Lạc đã khai quang con đường ấy cho chúng ta, và cho bao thế hệ ở ngày mai, khi đến với đạo Phật không còn ngỡ ngàng, lo lắng sai pháp như các thầy, tổ của chúng ta trước kia nữa.

Thay mặt mọi người, chúng tôi xin thành thật biết ơn bác sĩ Trí và Đức Tâm, những người đã ghi chép lại lời dạy này của Trưởng lão Thích Thông Lạc. Nếu trong tập sách này có điều chi sơ sót, xin quý vị vui lòng góp ý và bỏ qua cho. Chân thành cảm ơn quý vị. Chúc quý vị may mắn, trên bước đường tu học sớm thành đạt viên mãn.

Kính ghi

Phật tử Tu Viện Chơn Như

Trở về Đạo Phật

TCNCPH Phatgiaonguyenthuy TaoduyengiaohoachungsinhP4 1

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử! Quí vị đã không ngại đường xá xa xôi, dành những thì giờ quí báu, cùng bỏ những công ăn việc làm để huân tập về tu viện Chơn Như với lòng chân thành ngưỡng mộ sự tu hành của chúng tôi, và cũng để tìm hiểu pháp môn tu hành của chúng tôi có kết quả như thế nào? Và kết quả ấy có lợi ích gì trong đời sống thiết thực của con người hay không? Sự giải thoát, kết quả mà chúng tôi đã tu tập có phải là sự giải thoát của đạo Phật hay không?

Để trả lời những câu hỏi thắc mắc trên đây của quí vị, tức là chúng tôi kể lại sự tu hành của chúng tôi, và chính cũng là giải được mối nghi ngờ trong tâm của quí vị.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử! Từ lâu quí vị đã hướng thân tâm của mình về Phật pháp, từng đi chùa lễ Phật, tụng kinh, bái sám; từng đi nghe thuyết giảng kinh sách; từng để tâm nghiên cứu học hỏi giáo pháp của đức Phật với một lòng chân thành. Nhưng quí vị rất đau lòng và nghi ngờ Phật pháp, vì tận mắt quí vị đã chứng kiến, mắt thấy, tai nghe, quí vị nghe các bậc chân tu mà quí vị đã từng gặp trong cuộc đời của mình.

Các vị ấy là những bậc Thầy, Tổ của quí vị, đã từng hướng dẫn cho quí vị biết Phật pháp, biết tu học Phật pháp, đã từng chỉ dạy cho quí vị biết cách thức tu tập như: niệm Phật, niệm chú, tụng kinh, ăn chay, ngồi thiền, làm các điều lành, và còn dạy cho quí vị biết thiền quán xả tâm, tham thiền nhập định theo Thiền Đông Độ, thiền Yoga v.v…​

Mỗi vị đều đem hết khả năng tu học của mình chỉ dạy cho quí vị, để mong quí vị đạt được sự giải thoát. Nhưng khi ra đi vào cõi Niết Bàn, các vị ấy không giải thoát, phải chịu đau khổ trên giường bệnh, nhức nhối khổ sở trong các cơn đau, mệt mỏi thở chẳng ra hơi, hay lẫn lộn quên trước, quên sau khi tuổi già sức yếu.

Suốt cuộc đời quí vị phật tử đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh trạng đau lòng của những Thầy, Tổ mình, giải thoát đâu không thấy, chỉ thấy toàn một sự đau khổ, thì làm sao quí vị không nghi ngờ Phật pháp được?

Ngược lại, những gì quí vị đã được học trong kinh điển nói về các Tổ và các Thiền sư, tu như thế nào mà khi chết được tự tại, làm chủ sanh tử luân hồi, mà hiện giờ thì không thấy có ai tu tập được. Hay đây chỉ là huyền thoại, để lừa bịp người sau chăng?

–o0o–

Giới, Định, Tuệ

TCNCPH Phatgiaonguyenthuy TaoduyengiaohoachungsinhP4 2

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử! Bây giờ chúng ta trở lại vấn đề chính của buổi nói chuyện hôm nay.

Để trả lời câu hỏi thứ nhất: Pháp môn tu hành của chúng tôi là Pháp môn nào?

Xin trả lời, chúng tôi tu hành theo pháp môn Giới, Định, Tuệ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trước khi chưa tu, là một tăng sinh đang học Phật pháp, chúng tôi đã từng học qua những lời di chúc của đức Phật. Lời di chúc là lời dạy sau cùng của đức Phật trước khi Ngài nhập Niết bàn.

Lời di chúc thứ nhất, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, các con hãy lấy Giới Luật và Giáo Pháp của ta làm Thầy, và làm chỗ nương tựa để tu hành vững chắc khi ta nhập Niết Bàn”. Lời dạy này chúng tôi ghi khắc mãi trong tim, không bao giờ quên và cũng không bao giờ quên ông Thầy của chúng tôi là giới luật và giáo pháp, là chỗ nương tựa vững chắc cho sự tu hành của chúng tôi ngày mai.

Lời di chúc thứ hai, đức Phật dạy: “Giới Luật còn là Phật còn tại thế, Giới Luật mất là Phật mất”. Nhớ lời dạy này, hình ảnh giới luật là hình ảnh của đức Phật, nên chúng tôi nghiêm khắc mình trong giới luật, không để vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Chúng tôi lấy đó làm giai đoạn tu hành thứ nhất của mình.

Lời di chúc thứ ba: “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật, các pháp lành đều nhờ đó mà sanh, các Tỳ kheo hãy nhớ lấy mà tu tập”.

Lời di chúc thứ tư, đó là lời di chúc không lời, khi nhập Niết Bàn, đức Phật nhập từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền, nhập đi nhập lại tới ba lần rồi mới chịu nhập Niết Bàn.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử, ở đây đức Phật muốn nhắc nhở người sau phải ráng dụng công tu tập thiền định này, đừng bao giờ tu tập những loại thiền định nào khác. Vì trong cuộc sống hiện giờ của chúng ta, trong thời đức Phật đã qua và cũng như trong tương lai nhiều thế hệ ở ngày mai vậy, sẽ có biết bao nhiêu thứ thiền mà chẳng có thứ thiền nào đưa chúng ta đến sự làm chủ và giải thoát được thân tâm, nhất là chấm dứt sự tái sanh luân hồi.

Cho nên đức Phật đã xác định rõ, chỉ có thứ thiền này mới làm chủ được sanh tử, tự tại bỏ báo thân và chấm dứt được tái sanh luân hồi mà thôi. Vậy xin quí vị phật tử hãy lưu ý chỗ này. Cho nên khi nhập xuôi nhập ngược ba lần xong, đó là Ngài di chúc cho chúng ta phải nhập Thiền Thứ Tư mới xả bỏ báo thân, và mới nhập vào Niết Bàn.

Thể theo những lời di chúc này, chúng tôi tu tập ngày đêm không biết mệt mỏi, ốm đau quyết không bỏ giờ tu, suốt sáu tháng rưỡi trời trong thất, chịu từng đắng cay gian khổ để chiến đấu với tạp khí thói quen, tật xấu; với nghiệp lực quá nặng nề; với tâm tham ái, dục vọng dẫy đầy. Nhiều khi chúng tôi tưởng chừng không thắng nổi.

Nhưng với sức bền lòng như sắt đá; với tinh thần kiên cường, gan dạ, dũng cảm giữ thân tâm sừng sững như núi đá; với nghị lực, dũng cảm, quyết liệt xông tới như thác đổ, chúng tôi đã chiến thắng giặc sinh tử, làm chủ thân tâm của chính mình, và chứng nghiệm được sự giải thoát của đạo Phật một cách hùng hồn, anh dũng.

–o0o–

Mục đích giải thoát

Để trả lời câu hỏi thứ hai: Sự tu hành của chúng tôi có kết quả như thế nào?

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử! Giới luật là pháp môn tu tập để ly dục ly ác pháp, nên giải thoát được đời sống của con người ra khỏi mọi ham muốn và mọi sân hận, phiền não khổ đau. Chúng tôi đã chứng nghiệm được điều này rất thực tế và cụ thể. Ví dụ, trước kia chúng tôi ăn ngày ba bữa, bây giờ ăn ngày một bữa, không ăn uống lặt vặt phi thời gì hết, cơ thể thì rất khỏe mạnh, ít hay bệnh tật, suốt ngày không lo ăn uống gì cả, tâm ít vọng tưởng, ít ngủ.

Ăn ngày một bữa, chúng tôi tìm thấy giải thoát được hai bữa ăn và đầu óc ít nghĩ bậy bạ, tâm không ham muốn và không ham ngủ. Sự giải thoát chân thật cụ thể này thì quí vị không thể nào phủ nhận được. Cũng từ trong sự tu giới luật này, chúng tôi đã tìm được giải thoát nhiều điều trong đời sống hàng ngày. Nhưng thì giờ có hạn, không cho phép chúng tôi kể dông dài, làm mất thì giờ của quý vị vô ích.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử, thiền định của đạo Phật, từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền là những pháp môn giải thoát, tự tại sanh tử, làm chủ sự sống chết của thân tâm. Chúng tôi nhận biết rõ ràng bằng cách chứng nghiệm rất cụ thể.

Ví dụ, chúng tôi nhập Tứ Thiền suốt một tuần lễ, nửa tháng hoặc một tháng, không ăn uống gì hết, không đi đại tiểu tiện, không mệt nhọc, không có đau khổ và cũng không chết. Xuất định, chúng tôi cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, an lạc. Đó là một bằng chứng rất cụ thể.

Như vậy, về đời sống, sự tu hành của chúng tôi có giới luật làm khuôn mẫu mực cho cuộc sống, nên tâm lúc nào cũng ly dục, ly ác pháp, vì thế thân tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ.

Còn về phần chết, chúng tôi đã có Tứ Thần Túc nên làm chủ được hơi thở một cách dễ dàng. Vì thế làm chủ sự chết không còn khó khăn, nên chúng tôi muốn chết hồi nào cũng dễ dàng chết, và muốn sống hồi nào cũng dễ dàng sống như trở bàn tay; như lấy đồ trong túi áo.

Do tu tập đúng pháp của đức Phật, chúng tôi đã làm chủ sự sống chết theo ý muốn của mình. Quí vị có tin không? Nếu không tin thì quí vị cứ xét qua đời sống giới luật đức hạnh của chúng tôi thì rõ. Nhưng riêng chúng tôi tu hành được giải thoát, làm chủ sự sống chết là mãn nguyện, còn tin hay không tin đó là quyền của quý vị.

Sau khi có đủ năng lực làm chủ thân tâm, chúng tôi dùng năng lực ấy quan sát không gian và thời gian, thọ hưởng an lạc suốt trong tuần lễ chứng đạo. Vì thế, trong thời gian ấy, chúng tôi thực hiện Tam Minh, từ Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh đến Lậu Tận Minh. Lậu Tận Minh là trí tuệ cuối cùng trong sự tu tập của chúng tôi. Đến đây chúng tôi đã có đủ: GIỚI, ĐỊNH, TUỆ theo con đường tu tập mà đức Phật đã vạch ra chỉ dạy từ ngàn xưa.

Sự lợi ích của Phật Giáo

Để trả lời câu hỏi thứ ba, là kết quả ấy có ích lợi, thiết thực giải thoát cho đời người hay không?

Đạo Phật là đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai, nó là đạo đức của loài người trên hành tinh này, nhờ nó mà con người mới thoát ra khỏi bản tính của loài động vật. Vì thế, có lý đâu mà không lợi ích, thiết thực giải thoát cho mọi người.

Tu tập ít có lợi ích ít; tu tập nhiều có lợi ích nhiều. Vì nó là đạo đức nhân bản của loài người; nó là khuôn vàng, thước ngọc đo sự sống của con người, mới xác định con người thật là con người, hay là con người còn mang bản chất của loài cầm thú. Cho nên, làm người cần phải tu học, không thể phủ nhận và từ chối đạo đức này được.

–o0o–

Phạm hạnh

Để trả lời câu hỏi thứ tư: Sự giải thoát đó có phải của đạo Phật hay không?

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử! quí vị hãy vui lòng đọc lại các kinh điển nguyên thủy của đạo Phật, rồi nghiệm lại đời sống của đức Phật và đời sống của chúng tôi.

Đời sống của đức Phật:

1- Ăn ngày một bữa, không ăn uống lặt vặt phi thời.

2- Ngủ ít, thường đi kinh hành suốt đêm. (Đi trong chánh niệm tỉnh giác; đi trong sự quán thân trên thân của Tứ Niệm Xứ để nhiếp phục tham ưu)

3- Không có của cải, châu báu, ngọc ngà, tiền bạc và cũng không có chùa to, Phật lớn sang đẹp.

4- Sống lấy gốc cây làm giường nằm, chết dưới gốc cây (Sa la song thọ).

Hiện giờ chúng tôi cũng sống như vậy: Không ăn uống lặt vặt phi thời; nhà ở bằng cây tầm vông, vách bằng liếp đan; và nếu đủ duyên chúng tôi sẽ sống trong hang núi và cũng chết dưới gốc cây như đức Phật; ngủ ít, đi kinh hành nhiều.

Đó là lối sống của đức Phật và lối sống của chúng tôi đều giống nhau. Cho nên quí vị không thể nào phủ nhận rằng chúng tôi sống và tu sai pháp Phật được.

Phần làm chủ thân tâm thứ hai cũng rất cụ thể. Đức Phật tuyên bố trước mọi người còn ba tháng nữa Ta sẽ nhập Niết Bàn. Điều này đức Phật đã giữ đúng lời hứa. Chúng tôi đã nhập được Tứ Thiền, phá được thọ, tịnh chỉ được hơi thở, cho nên chúng tôi cũng làm được điều này khi chúng tôi muốn dứt bỏ báo thân. Nhờ tu tập đạt được kết quả như vậy, nên chúng tôi rất mãn nguyện với sự tu tập của mình.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử! Chúng tôi có sống và làm khác đức Phật hay không? Ở đây quí vị không thể nào viện một lý do gì bảo rằng chúng tôi tu sai pháp Phật được. Xưa đức Phật đã làm được điều gì thì bây giờ chúng tôi cũng làm được như vậy.

Tuy rằng chúng tôi không giảng kinh, thuyết pháp như các thầy khác, nhưng chúng tôi thân giáo bằng hành động thân, khẩu, ý; bằng sự sống của chúng tôi để hướng dẫn người qua kinh nghiệm tu hành bản thân của mình, hơn là ngôn ngữ. Vì sự hướng dẫn này, theo chúng tôi nghĩ là thực tế và cụ thể hơn là thuyết pháp bằng lời nói suông.

Trên đường tu theo đạo Phật, chúng tôi tu hành như vậy, không còn sợ sai trái với đạo Phật, và không còn sợ mọi ảnh hưởng của các tôn giáo khác đang đồng hóa đạo Phật.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử, khi nghe chúng tôi nói đến đây, quí vị nên nghỉ xả hơi một chút, để ngồi suy ngẫm lại những gì chúng tôi đã nói ra, những kết quả đời sống phạm hạnh của chúng tôi với đời sống của đức Phật có đúng hay sai. Sai thì xin quý vị cho biết thêm những ý kiến, để chúng tôi chứng minh những lời Phật dạy, khiến cho quý vị không còn nghi ngờ nữa.

–o0o–

Giới luật là một vị thầy được Đức Phật di chúc

Sau thời gian nghỉ xả hơi, bây giờ chúng ta lại tiếp tục câu chuyện còn đang dở dang lúc nãy…​

Sau khi được trả lời những câu hỏi mà bấy lâu nay quí vị đã từng ôm ấp trong lòng, hằng chờ đợi đến ngày ra thất của chúng tôi. Nay quí vị đã được giải bày thông suốt. Nhưng chúng tôi biết chắc quí vị còn một điều muốn thưa hỏi, đó là con đường Thiền Đông Độ mà Thầy chúng tôi (HT.TT) đã dày công triển khai và chấn hưng suốt 24 năm nay, kể từ năm 1970 cho đến nay, quá trình thời gian rất dài.

Nhưng nhìn lại trong đó, không thấy có kết quả gì thì mọi người cũng phải nghi ngờ. Thời gian là một xác chứng cụ thể của con đường thiền đó, mà không chứng minh được. Do đó quí vị phải có một mối nghi trong tâm là đúng, nhưng còn e ngại chưa muốn hỏi chúng tôi. Chúng tôi hứa sẽ giải nghi cho quí vị, nếu có đủ thì giờ, bằng không chúng ta phải chờ một dịp khác. Bây giờ, chúng ta trở lại vấn đề.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử, nãy giờ quí vị đã suy ngẫm những gì chúng tôi đã nói. Chúng tôi xin nhắc lại, quí vị đã biết ai là Thầy của quí vị, người đó sẽ dẫn dắt quí vị trên đường tu theo đạo Phật mà không hề sợ lạc lối. Chúng tôi xin hỏi quí vị một lần nữa: Thầy của quí vị là ai? Quí vị cứ trả lời xem, đừng dựa vào huyền sử 33 vị Tổ sư thiền Đông Độ và Trung Hoa, vì đó là sự dựng lên những trang sử không có thật của người sau.

Kính thưa quí vị, nãy giờ quí vị không trả lời là vì quí vị còn dè dặt, để chúng tôi trả lời thay cho quí vị.

Kính thưa quí vị, căn cứ theo kinh sách Nguyên Thủy, thì Thầy của quí vị không phải là chúng tôi. Chúng tôi là những con người bằng xương, bằng thịt như quí vị. Chúng tôi và 33 vị Tổ sư thiền Ấn Độ và Trung Hoa cũng không được đức Phật chỉ định làm người thừa kế, dẫn dắt quí vị trên đường tu học theo đạo Phật. Cho nên, quí vị đừng nương tựa theo chúng tôi, hoặc theo các vị Tổ sư thiền để mà tu hành. Nhất là nương tựa theo chúng tôi tu hành sẽ có nhiều điều bất lợi và khó khăn cho quí vị:

1- Chúng tôi không phải là người thừa kế của đạo Phật, vì thế chúng tôi không đủ niềm tin đối với quí vị. Khi quí vị nghe người ta nói xấu chúng tôi, cho chúng tôi tu hành không đúng đạo Phật, tu theo ngoại đạo, thì chừng đó quí vị còn giữ được niềm tin đối với chúng tôi nữa chăng?

2- Thời điểm hiện giờ Phật giáo suy thoái. Người tu sĩ Phật giáo đắm danh, tham lợi, lòng ganh tị nhỏ nhen, ích kỷ hẹp hòi và tinh thần tỵ hiềm cao độ.

3- Pháp môn tu hành của đạo Phật hiện giờ đã bị lẫn lộn nhiều pháp môn của ngoại đạo, khó phân biệt tà chánh.

4- Các bậc Tôn túc đi trước tu hành sai, người sau không dám sửa đổi vì sợ Thầy, Tổ buồn phiền.

5- Lòng người còn tham danh, đắm lợi, tham mê sắc dục, không muốn rời xa 5 thứ dục lạc của thế gian (danh, lợi, sắc, thực, thùy).

6- Đời người còn lạc hậu, nặng lòng mê tín, thường cầu khẩn, bái lạy, tụng kinh, niệm chú, lấy đức Phật làm chỗ tha lực nương tựa cứu khổ, cứu nạn, chứ không tự lực cứu mình, khiến đạo Phật thành đạo Thần.

7- Ham mê thần thông, bùa chú linh hiển, tin chuyện quá khứ, vị lai.

8- Lòng người bây giờ thiếu thành thật, thường dối Thầy, dối Tổ, dối mình và dối người khác.

9- Tham danh học thức cao, chạy theo cấp bằng này, cấp bằng nọ.

10- Những bậc chân tu không xu hướng chính trị bên này, bên kia, thì bị cô lập mọi cách.

Do 10 điều trên đây, quí vị không nên theo chúng tôi tu hành, vì theo tu hành rất khó khăn cho quí vị và chúng tôi. Vả lại, theo chúng tôi tu hành đông đảo chắc chắn sẽ để lại một trang sử chia rẽ Phật giáo không tốt đẹp. Xưa, Huệ Khả bị giết, lục tổ Huệ Năng bị hành thích. Gần đây, tổ sư Minh Đăng Quang bị bắt cóc mất tích, ông Đạo nằm Nguyễn Văn Thế bị ám sát bắn chết tại chùa.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử, người Thầy của quí vị không phải là chúng tôi, mà chính là Giới Luật. Giới luật là người thừa kế của đức Phật, đã được đức Phật chỉ định trước giờ nhập Niết bàn. Chính chúng tôi tu học cũng từ ông thầy giới luật mà có được như ngày hôm nay.

Vậy, quí vị hãy trở về nương tựa nơi ông Thầy giới luật của quí vị đi. Đừng nương tựa vào ai hết, dù bất cứ ông Thầy nào. Họ là những con mọt kinh sách, chẳng có một chút kinh nghiệm gì trên đường tu tập. Họ chỉ nói bằng miệng, mà cuộc sống tu hành của họ chẳng có ra gì, chỉ có miệng lưỡi. Họ đâu biết rằng kinh sách hôm nay là do tam sao thất bổn, có nghĩa là ba lần sao chép làm kinh mất gốc.

–o0o–

Tăng, ni xem nhẹ Giới Luật

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, vả lại kinh sách còn do tưởng giải của người sau, thêm bớt quá nhiều theo kiến thức hiểu biết của họ rồi cho rằng đúng. Do đó, họ đã làm lệch lạc con đường tu hành của đạo Phật ở đời sau. Họ không dám tu giới luật, lúc nào cũng tìm cách tránh né, viện cớ này, cớ kia, hoặc chạy theo con đường phá giới, phá oai nghi tế hạnh của đạo Phật.

Tóm lại, chẳng nghe ông thầy giới luật nên tình trạng Phật giáo mới ra nông nỗi này:

Họ dám bẻ vụn giới luật, biến Phật giáo thành Thần giáo, ông Phật thành ông Thần. Hiện giờ chùa là nơi cúng bái cầu siêu, cầu an, cầu tài, cầu lợi, xin xăm, bói quẻ, cúng sao giải hạn, coi ngày giờ tốt, xấu, dựng vợ, gả chồng…​ Vì thế, chùa là nơi sinh hoạt mê tín dị đoan;

Họ dám bẻ hỏng giới luật, biến chùa thành nghĩa địa, nhà mồ vì tư lợi nhỏ mọn cá nhân, để phật tử tới lui cúng bái và giỗ chạp làm tuần, làm tự, cúng vong, tiễn linh lúc nào cũng ồn náo, biến thành nơi phục vụ mê tín cho những người phật tử còn lạc hậu;

Họ dám bẻ hỏng giới luật và giáo pháp của Phật, biến chùa thành khu du lịch để làm nơi ăn chơi của phật tử, của khách hành hương tham quan du ngoạn, bắt tăng, ni phục vụ cơm nước để được lòng phật tử, để còn được cúng dường;

Họ dám bẻ hỏng giới luật, biến chùa thành chỗ tổ hợp buôn bán làm tương, làm chao, làm đủ mọi thứ nghề nghiệp, biến tu sĩ thành công nhân sản xuất gia dụng v.v…​ còn đâu có những thì giờ để tu hành, thật là phí uổng một đời người;

Họ dám bẻ hỏng giới luật, biến chùa thành cửa hàng ăn uống, bắt tăng, ni phục vụ, còn gì thể thống đạo đức của người tu. Họ chỉ biết có tiền, có lợi, mà không thấy việc làm của họ đúng hay sai;

Họ dám bẻ hỏng giới luật, biến chùa thành nông trại, tu sĩ thành nông dân, để có miếng cơm, manh áo hằng ngày không đúng tư cách của người tu sĩ. Họ lấy gương Bách Trượng, một ngày không làm một ngày không ăn, sách động tu sĩ lao động để xây dựng chùa to, Phật lớn như cung đình, lao tác quần quật như con ong, và như vậy còn gì là đời tu của tu sĩ;

Họ dám bẻ hỏng giới luật, biến chùa thành cơ quan từ thiện xã hội, nay kêu đoàn phật tử này quyên góp tiền bạc và đồ vật gia dụng đi cứu tế chỗ này, mai kêu đoàn phật tử khác quyên góp tiền bạc và đồ vật gia dụng đi cứu tế chỗ kia. Họ đâu biết rằng, bổn phận của họ là lo giải quyết sanh tử trước mắt thì Phật giáo mới còn, chứ đâu phải làm những việc từ thiện này.

Làm việc từ thiện là của người cư sĩ. Thời đức Phật còn tại thế, ông Cấp Cô Độc là người cư sĩ làm những việc từ thiện này nên mới có tên là Cấp Cô Độc, còn bây giờ tăng, ni là Cấp Cô Độc, là nhà từ thiện, họ không còn là những bậc Thánh tăng và Thánh ni nữa;

Họ dám bẻ hỏng giới luật, biến chùa thành Tuệ Tĩnh đường, trạm y tế, bệnh viện, trạm xá, trường học, biến tu sĩ thành thầy thuốc ta, thuốc bắc, bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, y tá, giáo viên…​ khiến nơi tu hành mất hết vẻ tôn nghiêm, thanh tịnh;

Họ dám bẻ hỏng giới luật, chuyên lo đào đất làm hồ, xây dựng chùa to tháp lớn, biến tăng, ni thành lao công, quanh năm suốt tháng lao động quần quật, còn sức đâu mà tu hành;

Họ dám bẻ hỏng giới luật, đi quyên góp tiền phật tử xây chùa to, tháp lớn như đền đài, cung điện các vua chúa, và tạo cây cảnh, vườn tược đẹp đẽ để quyến rũ phật tử và khách tham quan, biến tu sĩ trở thành những lao công quét dọn công viên và chăm sóc cây cảnh. Những việc làm này ngược lại đạo giải thoát của Phật;

Họ dám bẻ hỏng giới luật, đi khất thực không đúng oai nghi tế hạnh, xin tiền, xin đô la, làm những việc đồi bại như những người ăn mày khất cái. Những hình ảnh này thật là đau lòng cho Phật giáo ngày nay…​

Những điều quí vị đã làm ở trên đều phạm vào giới luật của đức Phật. Vì danh, vì lợi sang đẹp mà quí vị đã bắt chước các tôn giáo khác và người thế tục, những việc làm này không phải là tu sĩ Phật giáo làm. Nếu trong kinh sách của Phật có dạy làm những điều này là do những người sau, họ bị ảnh hưởng của các tôn giáo khác mà thêm vào.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử, những gì quí Thầy đã làm và chúng tôi đã nói ở trên không phải là những gì làm sai đối với thế gian, những người thế tục, nhưng chỉ là sai đối với đạo Phật, lại đúng đối với các tôn giáo khác, cho nên chúng tôi nói Phật giáo chịu ảnh hưởng của các tôn giáo khác là vậy.

Phật giáo chủ trương đường lối buông xả, mục đích của đạo Phật là để tìm giải thoát cho mọi cá nhân ra khỏi sự đau khổ, sanh, lão, bệnh, tử của đời người. Cá nhân được thoát khổ thì xã hội mới an vui. Cá nhân còn đau khổ thì quí vị có giải quyết từ thiện bằng cách nào thì xã hội vẫn còn đau khổ, và còn đau khổ hơn thế nữa.

Tuy rằng trước mắt, tạm thời quí vị an ủi họ một chút mà thôi, vì bản chất dục vọng, tham lam, ham muốn, ganh tị hơn thua, gian dối xảo trá, giết sinh linh, ăn thịt chúng sinh của loài người ngàn đời không bao giờ từ bỏ được. Do nguyên nhân này mà con người bóc lột lẫn nhau bằng mọi thủ đoạn, mánh khóe gian xảo.

Ngoài mặt làm ra vẻ thương yêu bác ái, nhưng còn bên trong toàn là gươm đao, súng đạn. Giai cấp bị bóc lột đứng lên đấu tranh để bảo tồn quyền lợi sống còn của mình, do đó thế giới mới có chiến tranh liên miên, không nước này thì cũng nước khác.

Vì thế, đạo Phật nhắm vào giải quyết cá nhân, giải quyết cá nhân là giải quyết xã hội. Cá nhân tốt thì xã hội mới tốt, cá nhân xấu thì xã hội xấu. Cá nhân hay tập thể làm từ thiện mà trong đó còn có danh cầu từ thiện thì không phải là từ thiện. Làm từ thiện để được tiếng thiện thì còn nghĩa lý gì là từ thiện. Làm từ thiện là do lòng yêu thương trước cảnh bất hạnh của những người khác.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, vì việc làm từ thiện mà cá nhân và gia đình quí vị toàn là gặp đau khổ, không thiện chút nào.

Kính thưa quí vị, những điều chúng tôi nói ở trên, tăng, ni hay là những người từng học giới luật của Phật, họ đều biết rất rõ những điều ngăn cấm này. Nhưng có điều hiện giờ, sự tu hành của họ không có chất liệu giải thoát. Họ chỉ học lý thuyết suông, nên họ phải chuyển qua làm những việc từ thiện này để tiêu thụ cái nợ đàn na thí chủ. Nếu không thì làm sao nuốt trôi được.

Giới luật của Phật còn đó, nó là bậc Thầy của quí vị, nó thường ngăn cấm quí vị làm những điều sai, cớ sao quí vị không nương tựa vào ông Thầy của mình, để sửa những điều sai, để mình trở thành những người tốt, có đạo đức, biết thương yêu sự sống của muôn loài. Ngược lại, không nương vào giới luật mà lại nương tựa vào những Thần, Thánh, Quỉ, Ma, hoặc những đấng sáng tạo ảo giác, để cho Phật giáo bây giờ mới ra nông nỗi này!

Nếu quí vị tu hành đúng giới luật, nghiêm khắc mình trong giới luật, thì đó chính là con đường của đạo Phật, con đường giải thoát thật sự. Hình ảnh và đức hạnh giải thoát của quí vị là quí vị đã chấn hưng Phật giáo, chứ đâu phải cất chùa to tháp lớn mới gọi là chấn hưng.

Đạo Phật không cần những thứ này, chỉ cần những hình ảnh và đức hạnh giải thoát của quí vị là quí vị làm sáng tỏ Phật pháp, chứ đâu cần có tăng, ni cho nhiều mà giới luật chẳng ra gì. Hình ảnh và đức hạnh giải thoát của quí vị là quí vị đã xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn một ngàn lần quí vị làm công tác từ thiện xã hội.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử, đến đây chúng tôi xin quí vị nghỉ xả hơi một chút, để suy ngẫm lại những điều chúng tôi đã nói.

(Còn tiếp)

Tác giả: Trưởng Lão Thich Thông Lạc  Trích sách: Tạo duyên giáo hóa chúng sanh- Nhà xuất bản Tôn giáo

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường