Tác giả: Thích Nữ Hạnh Từ Thạc sĩ khóa V Học viện PGVN tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

Sự thật của con người và thế giới là Duyên khởi, con người và thế giới là do duyên mà sinh, là vô ngã không thuộc về một ai, nó chỉ là sự vận hành của năm thủ uẩn. Như thế cái gọi là lý thuyết nhân tính chỉ là trống rỗng. Tác giả nỗ lực viết luận án này không phải để tìm kiếm một lý thuyết Nhân tính nào qua kinh tạng Pali mà để khảo sát các hoạt động của thân, lời và ý. Đó là sự vận hành của danh sắc, hay sự vận hành của năm thủ uẩn để tìm ra một con đường sống đưa đến hạnh phúc hiện tại và tại đây.

Lý Thuyết Nhân Tính Qua Kinh Tạng Pali là luận án tiến sĩ của Hòa thượng Thích Chơn Thiện. Đây là luận án rất có giá trị cho người học Phật nói chung và các nhà giáo dục nói riêng. Tác phẩm nói lên một lý thuyết nhân tính và giáo dục chỉ cho con người thấy rõ khổ đau, nguyên nhân khổ đau, sự chấm dứt khổ đau, và con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau từ thân năm thủ uẩn ấy. Những giáo lý đó sẽ đánh tan đi những lầm chấp về tư duy hữu ngã và giúp chúng ta có một sự nhận biết sâu sắc bản chất các pháp là duyên sinh. Lý thuyết nhân tính là trọng điểm của ngành giáo dục nói chung, của tâm lý giáo dục nói riêng là cơ sở xây dựng nội dung của giáo dục, các phương pháp giảng dạy và hướng dẫn tâm lý.

Trong tác phẩm này tác giả đề cập đến lý thuyết nhân tính do đức Phật dạy và được kết tập trong kinh tạng Pali. Tác giả tin tưởng chỉ có giáo lý Duyên khởi và năm thủ uẩn đã nói lên rõ sự thật của con người, chỉ rõ con đường giải phóng các vấn đề cá nhân và các khủng hoảng xã hội. Các lý thuyết nhân tính đương thời của Sigmund Freud, Carl Jung, Eric Fromn, Adler, Maslow, Lewin, Sknner, Allport…là nổi tiếng, hữu ích, nhưng rất giới hạn, các lý thuyết ấy không nói lên được bản chất chân thật của con người và cuộc đời, do vì nhìn con người như có ngã tính thường hằng trong khi thực sự con người là vô ngã và vô thường.

NỘI DUNG

1. Sơ lược về tác giả

Trưởng lão HT.Thích Chơn Thiện là một danh tăng lỗi lạc, là một viên ngọc quý của Phật giáo Việt Nam. Ngài tham gia đảm nhiệm nhiều công tác phật sự trong Giáo hội, nhất là công tác giáo dục luôn là mối ưu tư trăn trở của Ngài. Từ năm 1972 đến 1975 Hoà thượng được cử làm nhiều chức vụ quan trọng và tham gia giảng dạy nhiều trường đại học trên thế giới. Hòa thượng cũng đã nghiên cứu, biên soạn nhiều tác phẩm phật học rất có giá trị trong lĩnh vực học thuật, hành trì cho tăng ni và phật tử.

Hòa thượng còn tiêu biểu cho tiếng nói trí tuệ của một bậc chân nhân, thể hiện qua một số công trình nghiên cứu và dịch thuật giá trị, trở thành nguồn tài liệu căn bản cho việc tham cứu học tập và giảng dạy tại các cấp Phật học. Qua 75 năm hiện diện ở đời, với 52 hạ lạp, Hòa thượng đã tận tụy vì đạo pháp và dân tộc. Với trí huệ trong sáng, đức hạnh cao vời, Hòa thượng đã để lại nhiều tiếng thơm cho đạo và cho đời, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng giáo hội vững bền.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tac Pham Ly Thuyet Nhan Tinh Qua Kinh Tang Pali 1

2. Tóm tắt nội dung chính của tác phẩm

Tác phẩm chia năm phần:

Phần I: Giới thiệu tổng quát. Phần II: Giáo lý Duyên khởi. Phần III: Lý thuyết Nhân tính hiển lộ qua Kinh Tạng Pàli. Phần IV: Năm thủ uẩn và các vấn đề cá nhân. Phần V: Kết luận

Một hướng mới cho giáo dục, văn hóa và các giải đáp cho các khủng hoảng. Tác giả nhìn con người là một hiện hữu do duyên mà sinh, một quá trình trở thành, mà không là một thực thể có bản chất thường hằng. Tác giả hi vọng rằng tác phẩm sẽ đem lại một cái gì hữu ích cho thế giới giáo dục.

Qua năm phần của luận án, tác giả đã miêu tả, diễn giải và phân tích Giáo lý Duyên khởi của đức Phật và trình bày một cách hệ thống khái niệm nhân tính trong năm bộ kinh Nikàya mà tác giả xem là căn cứ để phát hiện ra rằng vì con người là một vật hữu thể phải chịu chi phối của luật Duyên khởi nên con người chỉ là một tập hợp năm uẩn vốn là khổ, vô thường và vô ngã. Và như thế, cái gọi là nhân tính không gì khác hơn là một sự vận hành liên tục của năm uẩn và chẳng dính dáng gì đến cái tôi, cái của tôi và cái tự ngã của tôi. Do đó, sự chấp chặt vào một nhân tính bất ổn định và huyễn giả luôn luôn tạo khổ đau và gây phiền hà cho mọi hoạt động của con người. Chính từ quan điểm này, tác giả đề nghị một cái nhìn mới về văn hóa, giáo dục và nêu ra một số giải đáp cho những khủng hoảng hiện nay.

3. Lý thuyết nhân tính được trình bày qua Ngũ uẩn Duyên khởi

Từ ngữ nhân tính có nhiều nghĩa mà các nhà tâm lý học và lý thuyết nhân tính phương Tây sử dụng. Nó được dùng với nhiều nghĩa “kỹ năng xã hội” trong từ ngữ “huấn luyện hay giáo dục các kỉ năng”. Nó cũng được dùng với ý nghĩa “một ấn tượng nổi bật nhất” mà một người đã để lại trong các người khác, nó cũng được dùng trong ý nghĩa chỉ các phương diện tính hạnh của cá nhân. Nhưng trong tác phẩm này nó chỉ mang ý nghĩa con đường chân thật là gì, hay các thành tố cấu hợp thành con người qua sự phân tích rất thực tại và thực tế của đức Phật. Nó là lời tuyên bố về con người chân thật mà đức Phật đã chứng đạt.

Vạn pháp đều do duyên mà có, nếu con người không nhận diện ra mối tương hệ giữa các hiện hữu thì không thể nhận ra sự thật của con người và cuộc đời. Trong tác phẩm này tác giả đã cho chúng ta thấy rất rõ về mối tương duyên đó. Giáo dục cần giúp con người hiểu rõ sự thật của mọi hiện hữu, giáo lý Duyên Khởi và năm thủ uẩn của Phật giáo có thể là những lý thuyết giáo dục bảo vệ con người và môi sinh. Giáo dục hiện tại là do tư tưởng hữu ngã tạo nên, cái tư tưởng không thật do đó rơi vào khủng hoảng. Sự thật Duyên Khởi mà đức Phật chứng ngộ sẽ chỉ rõ con đường đi ra khỏi những khủng hoảng đó.“Tác giả nghĩ rằng chỉ có giáo lý duyên khởi, giáo lý giới thiệu con người thoát ly khỏi dục vọng, tư duy hữu ngã và khổ đau do dục vọng và tư duy hữu ngã gây nên”[1].

Chính giáo lý Duyên khởi đã nói lên sự thật của con người, sự thật về khổ sinh khổ diệt. Thế nên nó có thể xem là suối nguồn của một hướng giáo dục, văn hoá đề bạt một hướng mới cho việc khảo cứu về chân nghĩa của nhân tính. Nói rõ rằng Duyên khởi là ý nghĩa của lý thuyết nhân tính của Phật giáo. Để hiểu biết con người chân thật là gì, chúng ta cần hiểu giáo lý duyên khởi là gì?

Giáo lý Duyên khởi và năm thủ uẩn là nền tảng hình thành lý thuyết nhân tính. Lý thuyết nhân tính này khác hẳn với lý thuyết nhân tính đương thời. Lý thuyết nhân tính đương thời vốn quan niệm con người là một thực thể độc lập với thiên nhiên. Sự thực con người không phải không phải là một thực thể bất biến, không thể tách rời xã hội và môi sinh, không thể hiện hữu ngoài xã hội, hay môi sinh là một phần chính của cơ thể con người.

Theo Duyên Khởi thế giới hiện tượng là do duyên mà sinh là vô ngã rỗng không, con người chỉ là tập hợp của năm thủ uẩn, là vô ngã là rỗng không, con người và thế giới cùng hiện hữu mà không thể tách rời nhau. Nghiệp là hành động cố ý. Hành động cố ý là hành uẩn. Sự vận hành của hành uẩn là sự vận hành của năm uẩn. Con đường của đạo Phật giải thoát sự trói buộc của nghiệp, có nghĩa là giải thoát khỏi sự trói buộc của năm thủ uẩn.

Phật dạy giáo lý Duyên khởi chỉ rõ rằng tư duy con người chỉ là phần hành của Duyên khởi, hay hành uẩn của năm thủ uẩn hoặc của danh sắc, nó thuộc vận hành của vô minh dẫn đến khổ đau. Chính lý do này đã thúc đẩy con người đi tìm nguyên nhân đầu tiên của cuộc đời và bản chất của con người vốn là những thứ không bao giờ hiện hữu. Theo tác giả “bất cứ một sự tìm kiếm nào về nhân tính hay bất cứ một sự tìm kiếm nào về bản chất của sự vật cũng chỉ là một hư tưởng”[2].

Tư duy về các hiện hữu như là có một ngã tính thường hằng, chính tư duy như vậy đã tạo ra nền văn hoá đương thời của nhân loại đầy dẫy phiền não. Nếu con người nuôi dưỡng tư duy hữu ngã và dục vọng của mình sẽ đi xa hơn vào khổ đau. Như đức Phật đã dạy: “này các Tỳ-kheo, ai thấy và biết như thật về mắt, người ấy quán sát sự nguy hiểm, không có ai trước, không bị trói buộc và không có tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Người ấy cảm nghiệm hạnh phúc của thân và hạnh phúc của tâm”[3]. Chúng ta thấy rằng giáo lý trọng tâm của Ngài nhấn mạnh việc thấy rõ Duyên khởi của năm thủ uẩn để được chân hạnh phúc, mà không phải đặt trọng tâm vào việc đi tìm nhân tính như là một thực thể.

Từ sự phân tích năm thủ uẩn và Duyên khởi của Thế Tôn và từ sự vận hành của năm thủ uẩn và của vô minh mà tác giả vừa diễn đạt nhấn mạnh về việc chỉ rõ sự thật khổ đau của con người và cuộc đời. Bản tính chân thật của con người, hay Nhân tính chân thật, thật sự là vô ngã. Theo sự thật Duyên khởi, mọi vật không thể tự nó có mặt mà do duyên mà sinh ra, nó chỉ là sự hiện hữu của các duyên đương tại và tạm thời.

Con người do vì luôn nắm giữ cái ngã, cái thường nên cảm thọ khổ đau ở đời, giữa sự thật vô ngã, vô thường ấy. “Này các Tỳ-kheo, sắc là vô thường. Cái gì vô thường thì khổ đau. Cái gì khổ đau thì vô ngã. Cái gì vô ngã thì không phải là của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi”[4]. Sự thật con người là vô ngã, cái ngã không phải là tự ngã của con người, không phải là của con người, và con người không phải là nó, trong khi đó các nhà lý thuyết nhân tính và các nhà giáo dục đương thời lại cứ mãi đi tìm một cái ngã và xem cái ngã ấy là tự ngã của con người, là của con người, và con người là nó. Chính vì hướng giáo dục đó đã mang lại lầm than cho con người cho xã hội. Như vậy, qua tác phẩm này tác giả đã đưa ra một hướng giáo dục mới, hướng con người đến tư duy hữu ngã, sự thật cuộc đời là khổ, vô thường và vô ngã.

Bhartrihari bảo rằng: “không có giáo dục con người chỉ là cầm thú, giáo dục nâng cao chúng ta lên thành người. Cuộc đời mà không có một nền giáo dục thì nhất định là vô nghĩa và chẳng có giá trị gì”. Hệ thống giáo dục đó phải được xây dựng trên cơ sở một hệ thống triết lý, tâm lý và mẫu người giáo dục lý tưởng. Điều đặc biệt là vấn đề giáo dục quan yếu này theo tác giả phải xuất phát từ một lý thuyết nhân tính lý tưởng nói lên được sự thật của con người và cuộc đời và mối liên hệ không thể tách rời giữa con người và cuộc đời. Nếu chúng ta không nhận ra mối tương hệ giữa các hiện hữu thì không thể nhận ra sự thật của con người và cuộc đời. Giáo lý Duyên Khởi và năm thủ uẩn của Phật giáo có thể là những lý thuyết giáo dục giúp chúng ta nhận ra được mối tương quan tương duyên của vạn pháp.

Hệ thống triết lý giáo dục hiện tại là do tư tưởng hữu ngã tạo nên. Do tư tưởng không thật đó rơi vào khủng hoảng. Sự thật duyên khởi mà đức Bổn sư của chúng ta giác ngộ sẽ chỉ rõ con đường đi ra khỏi những khủng hoảng ấy. Sự vận hành của tư duy vô ngã, hay vận hành của trí tuệ dẫn đến chấm dứt vô minh. Đời sống vật chất càng tân tiến thì đời sống đạo đức càng thụt lùi. Các nước phát triển đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế kinh tế và lợi tức mà bỏ quên sự phát triển hướng sống tâm linh và đạo đức. Chính hướng phát triển này đã ràng buộc với tâm tham ái và chấp thủ của con người. Tác giả cho rằng “sự phát triển kinh tế và kỷ nghệ đòi hỏi đến sự chú trọng giáo dục con người xã hội, trong khi nền giáo dục nhân bản yêu cầu giáo dục con người chính nó”[5]. Con người chính nó là con người phải hiểu sự thật của chính mình và làm thế nào để đạt được hạnh phúc trong hiện tại và tại đây. “Làm sao con người có thể biết được sự thật của vũ trụ khi con người không thể biết được sự thật của chính mình”[6].

Tác giả cho rằng mọi phương tiện của truyền thông của xã hội đương thời vốn làm mạnh thêm tư duy hữu ngã, các ham muốn dục lạc và dục tình cần được điều chỉnh. Mọi phương tiện truyền thông đánh thức tư duy và ham muốn vô ngã cần được duy trì và phát triển. Tác giả cho rằng muốn làm được điều này thì giáo dục phải làm một cái gì không cần xây dựng nên một lý thuyết nhân tính nào, lý thuyết bao hàm một ngã tính, mà cần xây dựng các công trình biên khảo.

Các nhà giáo dục và triết học phương Tây đều tin rằng có một thế giới khách quan độc lập với con người mà con người không bao giờ biết được. đức Phật có nói đến thế giới vô vi, đây là thế giới đoạn tận khổ đau, đoạn tận chấp thủ. Điều này nói lên thế giới mà con người đang thấy và biết là thế giới của chấp thủ, của điên đảo tâm, điên đảo tưởng, điên đảo tình, và điên đảo kiến phát sinh do vô minh “thế giới như thật là thế giới hiện tượng này và vắng bóng chấp thủ, tham ái của con người”[7].

Giáo dục con người là giúp con người tu tập tâm mình để giải thoát khỏi các phiền não, lậu hoặc. Khi tâm thanh tịnh, con người sẽ thấy cái thanh tịnh của thế giới hay thế giới chân thật. Đối với người thanh tịnh ấy, hạnh phúc và chân lý xuất hiện cùng lúc. Không phải là vấn đề giáo dục con người theo một lý thuyết nhân tính hay một mẫu người giáo dục nào. Cũng không phải là vấn đề đi tìm kiếm nguồn gốc của con người hay vũ trụ.

Lời đức Phật dạy trong kinh tạng Pali căn bản tập chú vào việc giới thiệu năm thủ uẩn và con đường xoá tan dục vọng của con người đối với năm thủ uẩn. đây là con đường giáo dục rất thực tế và rất hiện sinh đề bạt cho con người mục tiêu giáo dục. Nội dung giáo dục đó là sự hiểu rõ năm thủ uẩn và con đường dập tắt khổ đau khởi lên từ năm thủ uẩn. Sự tìm kiếm sự thật con người và vũ trụ giờ cần quay trở thành sự nhận rõ ràng năm thủ uẩn.

Điều thứ đến một hệ thống giáo dục cá nhân yêu cầu có các tinh thần giáo dục về trách nhiệm cá nhân, tự chấp nhận, tự nỗ lực. Về tinh thần tự trách nhiệm đức Phật khuyên chúng ta không nên tuỳ thuộc vào quyền lực bên ngoài. Các lời dạy của Ngài nêu cao tinh thần tự trách nhiệm. Vậy tinh thần trách nhiệm cá nhân là một trong những tinh thần căn bản của giáo dục Phật giáo. Ngành giáo dục mới này sẽ cống hiến cho con người một cái nhìn mới mẻ về giá trị và thái độ sống đưa đến sự lắng dịu các dục vọng và sân hận, đưa đến sự đoạn diệt tà tưởng và tà tư duy. Con người sẽ thể nhận ra rằng hạnh phúc không có đòi hỏi con người làm bất cứ điều gì khác hơn là sự dừng lại các ham muốn và thể nhận giừo phút hiện tại là thời điểm con người thực sự giải thoát khỏi các phiền não.

Schumacher cho rằng: “mục tiêu cơ bản của giáo dục phải là giúp con người hiểu rõ sự thật của tự thân, sự thật của thế giới nơi mà người ấy đang sống, thấy rõ hướng đi của đời sống của mình, và chịu tránh nhiệm về mọi hành vi của mình”.

4. Trình bày quan điểm cá nhân về tác phẩm

Đây là một tác phẩm vô cùng giá trị, với lối lập luận chặt chẽ logic tác giả đã giới thiệu sâu sắc giáo lý Duyên khởi của Phật giáo. Tác giả nhấn mạnh lý thuyết nhân tính trong đó con người chỉ là tập hợp của năm thủ uẩn do duyên mà có, vô ngã. Cái được gọi là Nhân tính chính là sự vận hành của năm thủ uẩn, không đi đến một lý thuyết Nhân tính nào xem con người như một thực thể hữu ngã thường hằng. Điểm đáng chú ý tiếp theo đó là tác giả đã đưa ra phương pháp giáo dục cụ thể rõ ràng cho các nhà giáo dục mọi tầng lớp chiêm nghiệm và thực hành theo.

Ưu điểm nổi bật về hình thức của tác phẩm này mà theo người viết đó là cách trình bày của tác giả, sau mỗi mục mỗi chương tác giả đều khéo léo hệ thống tóm tắt lại nội dung một cách ngắn gọn nhất giúp cho đọc giả trong quá trình nghiên cứu rất dễ tìm ra ý chính của mỗi chương và nhanh chóng nắm bắt được nội dung. Sau một chương có đoạn kết và phần gợi mở cho chương tiếp theo, khiến người đọc rất dễ dàng nắm bắt nội dung tiếp nói về vấn đề gì. Sự khéo léo sắp xếp đó đã mang lại một mối liên kết giữa câu này qua câu khác, giữa đoạn này qua đoạn khác. Sau khi đọc giả đọc hết tác phẩm sẽ tự rút ra cho bản thân một phương cách làm một luận văn, luận án chuẩn xác. Bởi vì tác phẩm này đã thể hiện rất rõ sự logic, chặt chẽ, rất đầy đủ từ hình thức cho đến nội dung.

KẾT LUẬN

Qua những lời đức Phật dạy được kiết tập ở kinh tạng Pàli, tác giả đã thảo luận giáo lý Duyên Khởi và sự vận hành của Duyên Khởi. Năm thủ uẩn và sự vận hành của năm thủ uẩn, các tinh thần giáo dục cá nhân của Phật Giáo. Tác giả đã giới thiệu con người là một hiện hữu do duyên mà sinh, và không đi đến bất cứ một lý thuyết nhân Tính nào xem con người như một thực thể có ngã tính thường hằng. Tác giả thiết nghĩ đây là một nét rất đặc trưng hữu ích cho các nhà lý thuyết nhân tính và giáo dục của thế kỷ hai mươi mốt trong việc mở ra một hướng văn hóa, giáo dục mới cho hòa bình và hạnh phúc của nhân loại.

Các nhà lý thuyết nhân tính và giáo dục nên chọn lựa một trong hai chiều: đó là con đường tư duy hữu ngã, là nền tảng xây dựng các giá trị của cuộc sống, và xem sự thỏa mãn dục vọng là phương tiện dẫn đến hạnh phúc của con người. kế tiếp là phát triển con đường tư duy vô ngã là cái nhìn trí tuệ chỉ rõ con đường sống, và chấp nhận sự chế ngự dục vọng là phương tiện dẫn đến hạnh phúc của con người trong hiện tại và tại đây mà không bận lòng đến các khó khăn ở đời con người có thể gặp phải. Như chúng ta thấy con đường tư duy hữu ngã và thỏa mãn dục vọng đã và đang đem lại cho đời nhiều phiền não và khủng hoảng; chỉ có con đường thứ hai là niềm tin và hy vọng cho việc giải phóng các phiền não khổ đau, và các khủng hoảng. Tư duy ngã tính đã tạo ra nền văn hoá đương thời của nhân loại đầy rẫy phiền não. Nếu con người nuôi dưỡng tư duy hữu ngã và dục vọng của mình con người sẽ đi xa hơn vào khổ đau.

Tác giả: Thích Nữ Hạnh Từ Thạc sĩ khóa V Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

[1] Thích Chơn Thiện, Lý Thuyết Nhân Tính Qua Kinh Tạng Pali, Tâm Ngộ dịch (1990), NXB Phương Đông, (2009), tr.14. [2] Sđd.tr.110. [3] Thích Chơn Thiện, Lý Thuyết Nhân Tính Qua Kinh Tạng Pali, Tâm Ngộ dịch (1990), NXB Phương Đông, (2009), tr.231. [4] Sđd. tr.148. [5] Thích Chơn Thiện, Lý Thuyết Nhân Tính Qua Kinh Tạng Pali, Tâm Ngộ dịch (1990), NXB Phương Đông, (2009,tr.9. [6] Thích Chơn Thiện, Lý Thuyết Nhân Tính Qua Kinh Tạng Pali, Tâm Ngộ dịch (1990), NXB Phương Đông, (2009), tr.80. [7] Sđd.tr.82.