Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Sự tương đồng giữa phương pháp luận nghiên cứu khoa học và “Tứ Diệu Đế”

Sự tương đồng giữa phương pháp luận nghiên cứu khoa học và “Tứ Diệu Đế”

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Ts Nguyễn Hoàng Mạnh
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Bài viết nhằm mục đích góp phần nhận thức về giáo lý của Đạo Phật dưới góc nhìn phương pháp luận nghiên cứu khoa học, hướng đến những giá trị nhân văn – nhân bản trong quá trình phát triển xã hội.

Bài viết chỉ giới hạn ở nội dung so sánh về phương pháp luận (PPL) trong nghiên cứu khoa học (NCKH) và PPL trong bài pháp Tứ Diệu Đế (TDĐ). Bài pháp đầu tiên được đức Phật dạy cho năm anh em Kiều Trần Như sau khi đức Phật chứng ngộ, thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề.

1. Sự tương đồng giữa PPL NCKH & PPL trong Tứ Diệu Đế

1.1. Tổng quan PPL NCKH và trình tự logic tiến hành NCKH

a) Tổng quan PPL NCKH

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cống, khái niệm “phương pháp” được hiểu là cách thức chủ thể tác động vào đối tượng để đạt mục tiêu. Trong nghiên cứu khoa học chủ thể là người nghiên cứu, đối tượng là các luận cứ thuộc đề tài nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu thuộc luận chứng[1].

Theo GS.TS Vũ Cao Đàm, khái niệm “phương pháp luận” chính là “lý luận về phương pháp”[2].

Như vậy, PPL NCKH được hiểu là hệ thống lý luận về cách thức logic tiếp cận, thực hiện một NCKH về một vấn đề cụ thể đặt ra.

b) Trình tự logic tiến hành NCKH

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cống, trình tự logic tiến hành một NCKH gồm 4 bước như sau:

– Bước 1: Phát hiện vấn đề hoặc tìm đề tài nghiên cứu. Đây là bước tìm kiếm để chỉ ra và trả lời câu hỏi nghiên cứu vấn đề gì, thuộc phạm vi nào, từ đâu ra và có ý nghĩa gì.

– Bước 2: Đặt nhiệm vụ nghiên cứu. Đây là bước đặt ra các mục tiêu và các công việc cần thực hiện, các phương pháp được sử dụng và số liệu thu thập để chứng minh.

– Bước 3: Tiến hành nghiên cứu. Đây là quá trình chủ yếu và quan trọng nhất. Đó là việc thu thập và xử lý thông tin, dữ liệu, tìm các cơ sở lý thuyết, đặt ra các giả thuyết nghiên cứu, vận dụng các phương pháp nghiên cứu để đi đến các kết quả mong muốn.

– Bước 4: Kiểm tra, đánh giá. Đây là bước xác định sự đúng đắn và mức độ tin cậy của các lý thuyết, số liệu, phương pháp đã dùng cũng như kết quả đạt được. Đánh giá các giá trị, ý nghĩa và khả năng vận dụng các kết quả nghiên cứu.

Theo GS.TS Vũ Cao Đàm, trình tự logic tiến hành một NCKH bao gồm 6 bước, cụ thể như sau:

– Bước 1: Lựa chọn chủ đề (topic) nghiên cứu và đặt tên đề tài;

– Bước 2: Xác định mục tiêu (objective) nghiên cứu;

– Bước 3: Đặt câu hỏi (question) nghiên cứu;

– Bước 4: Đưa luận điểm, tức giả thuyết (hypothesis) nghiên cứu;

– Bước 5: Nêu các luận cứ (evidence) để chứng minh giả thuyết;

– Bước 6: Lựa chọn các phương pháp (methods) chứng minh giả thuyết.

Nhìn chung, số lượng các bước tiến hành nghiên cứu khoa học có thể khác nhau dựa trên cách tiếp cận của người nghiên cứu (mỗi bước có thể chia nhỏ thành các bước nhỏ hơn hoặc các bước nhỏ có thể gom lại thành các (nhóm) bước lớn). Tuy nhiên, ẩn sau các bước thực hiện là tiến trình có tính logic tiếp cận vấn đề nghiên cứu; theo trật tự từ trong ra ngoài (xuôi dòng) có thể chỉ ra việc tiếp cận vấn đề nghiên cứu có tính logic, khoa học qua 04 giai đoạn tổng quát như sau:

(1) Xác định thực trạng vấn đề; tức xác định và đặt tên vấn đề;

(2) Xác định nguyên nhân dẫn đến thực trạng của vấn đề; tức tìm luận cứ liên quan đến thực trạng vấn đề (để chứng minh luận điểm);

(3) Đặt mục tiêu nghiên cứu; tức ý nghĩa thực tiễn mà nghiên cứu hướng tới, cũng tức là xác định được mục tiêu mang tính khả thi;

(4) Đề ra các giải pháp thực hiện nhằm cải thiện thực trạng của vấn đề theo hướng tích cực; tức sử dụng các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tế nhằm xây dựng giải pháp và lộ trình phù hợp thực hiện để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu Dieu De 2

2.2. Tứ Diệu Đế

a) Tổng quan về Tứ Diệu Đế

– Tứ Diệu Đế là bài pháp căn bản của Phật giáo. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu có ai nói rằng không cần xây dựng tầng dưới của ngôi nhà, tôi sẽ xây tầng trên của ngôi nhà, sự kiện này không thể xảy ra. Cũng vậy, nếu có ai nói rằng không cần giác ngộ Tứ thánh đế, ta sẽ đoạn diệt khổ đau, sự kiện này không thể xảy ra”[3]

– Về nội dung, TDĐ bao gồm bốn chi phân: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế; cụ thể từng chi phần như sau[4]:

+ Khổ đế: Khổ đế là một chân lý, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ. Tóm lại, chấp thủ năm uẩn là khổ”[5]. Như vậy, nỗi khổ là thực trạng mà chúng ta cảm nhận từ lúc sinh ra ở cõi đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay lìa đời, khổ đau bao trùm lên chúng ta. Đức Phật thường ví cõi đời là bể khổ mênh mông.

+ Tập đế: Tập đế là chân lý chắc thật. Tập đế trình bày nguyên nhân của nỗi khổ, nó cho ta biết vì đâu có khổ. Đức Phật dạy, khổ là do tham ái, và do tham ái (sự khao khát) dẫn đến chấp thủ, bám víu vào đối tượng của tham ái.

+ Diệt đế: Diệt đế là chân lý chắc thật. Đức Phật dạy, cuộc đời là đau khổ, nhưng đồng thời cũng xác định có một sự thật khác nữa là an lạc, hạnh phúc (tương đối và tuyệt đối). Như vậy, an lạc và hạnh phúc là mục tiêu của đời người.

+ Đạo đế: Đạo đế là phương pháp thực hiện để đạt được an lạc, hạnh phúc trong đời sống hàng ngày hay hạnh phúc tuyệt đối Niết bàn. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, đây là những phương pháp do ta chứng ngộ và giảng dạy, các con phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập, truyền bá rộng rãi để chính pháp được trường tồn, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Đó là Bốn niệm xứ, Bốn chính cần, Bốn thần túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Tám Thánh đạo phần”[6]. Như vậy, Đạo đế là chân lý, là giải pháp, là con đường lộ trình cần tiến hành để đạt được mục tiêu an lạc và hạnh phúc.

b) Phương pháp luận của TDĐ

Với nội dung tổng quan về Tứ diệu đế cho thấy: TDĐ là bài pháp hoàn chỉnh, là kết quả nghiên cứu tài tình và khoa học về cuộc sống nhân sinh do đức Phật thực hiện (đã chứng) bằng phương pháp quán sát (nội tâm và ngoại cảnh); vấn đề (cuộc sống nhân sinh) đã được tiếp cận nghiên cứu qua tiến trình 04 bước logic như đã nêu, cụ thể ở đây là:

(1) Xác định đời là bể khổ;

(2) Xác định nguyên nhân của khổ;

(3) Xác định mục tiêu diệt khổ (là có thể thực hiện được); và

(4) Xây dựng giải pháp, lộ trình để thoát khổ.

Thiết nghĩ, giải pháp của Phật giáo mang lại sự hạnh phúc, an lạc, giải thoát một cách rốt ráo đối với chúng sinh là vấn đề nghiên cứu lớn nhất, hệ trọng nhất, cao cả nhất và bao trùm nhất đối với đời sống của mỗi chúng sinh con người; không có vấn đề nào trong cuộc sống nhân sinh của con người cao hơn vấn đề này.

2.3. Sự tương đồng giữa PPL NCKH và PPL của TDĐ

Với những nội dung (nêu trên) về PPL NCKH và PPL trong bài pháp TDĐ có thể dễ dàng nhận thấy sự tương đồng đến kinh ngạc giữa PPL NCKH và PPL trong bài pháp TDĐ. Cả hai đều tiếp cận và trải qua tiến trình logic, khoa học bao gồm 04 giai đoạn.

Kết luận

Bài viết đã nêu được sự tương đồng về PPL của NCKH và PPL trong bài pháp TDĐ. Bài viết cũng xin được nêu về lịch sử ra đời; theo đó, bài pháp TDĐ do đức Phật thực chứng và giảng dạy cách nay hơn 2500 năm, trong khi đó, PPL NCKH không rõ được các nhà khoa học công bố vào khi nào nhưng chắc chắn là sau bài pháp TDĐ khá lâu. Ở Việt Nam, PPL NCKH mới chỉ được du nhập và giảng dạy từ đầu những năm ’90s của thế kỷ XX[7].

Từ sự tương đồng (nêu trên), bài học ý nghĩa đối với mỗi người trong cuộc sống và học tập nói chung và với mỗi phật tử trong đời sống tu tập nói riêng như sau:

Thứ nhất, trên quan điểm phát triển, từ cuộc sống của một cá nhân cho đến tổ chức với quy mô nhỏ hoặc lớn, chúng ta luôn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề cần giải quyết nhằm hoàn thiện và cải tạo sự vật hiện tượng nhằm hướng đến mục tiêu thỏa mãn nhu cầu của con người một cách tối ưu. Do đó, yêu cầu đối với mỗi chúng ta là phải tiếp cận sự vật và hiện tượng trên quan điểm khoa học, khách quan, triệt để áp dụng phương pháp luận tư duy tiếp cận 04 bước nêu trên để nhìn nhận đánh giá đúng bản chất và nguyên nhân của sự vật hiện tượng; đồng thời, không ngừng học hỏi bổ sung kiến thức chung từ các lĩnh vực của xã hội trong thời đại cách mạng công nghệ bùng nổ như hiện nay…, từ đó xây dựng những giải pháp phù hợp và khả thi trong việc giải quyết và xử lý công việc của đời sống cá nhân mỗi người cũng như của tổ chức cơ quan, nhằm đạt được những mục tiêu phục vụ cuộc sống cá nhân và đóng góp cho xã hội để ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn trong ngắn và dài hạn, trong cả hiện tại và tương lai.

Thứ hai, đối với người phật tử, cần phải tin tưởng và hiểu sâu sắc những lời Phật dạy để áp dụng vào cuộc sống làm lợi ích cho bản thân và cho cộng đồng xã hội; từng bước lan tỏa tính khoa học, nhưng đầy từ bi quảng đại đến với cộng đồng và chúng sinh nói chung.

PPL trong bài pháp TDĐ nêu trên cho thấy Phật giáo là hoàn toàn khoa học (và trên cả khoa học vì khoa học càng phát triển thì càng làm sáng tỏ giáo lý đạo Phật) vì lợi ích của con người. Do đó, mỗi người phật tử cần dũng mãnh như những chiến sĩ, chiến đấu với những hủ tục và tín ngưỡng dân gian phi khoa học, có hại cho cuộc sống phát triển của nhân loại; thay thế hủ tục là áp dụng triệt để tinh thần nhân quả, khoa học, sáng tạo, cởi mở, bình đẳng và dân chủ trong việc giải quyết những vấn đề thuộc đời sống của cá nhân cũng như các vấn đề của cộng đồng xã hội. Qua đó cùng nhau xây dựng một xã hội phát triển và an lạc, kiến tạo một xã hội tịnh độ ngay bây giờ.

Thứ ba, mở rộng đối với vấn đề truyền bá Phật giáo. Người phật tử cần có tinh thần khoa học, tức là chính bản thân mình thực chứng và đạt được những kết quả tích cực trong cuộc sống từ việc áp dụng những Lời Phật dạy, trên cơ sở đó mới lan tỏa giáo lý Đạo Phật tới cộng đồng.

Trên hết, người phật tử cần xây dựng một cuộc sống đạo hạnh, làm tròn bổn phận với gia đình và xã hội. Đối với Đạo, người phật tử xuất gia cần làm tròn bổn phận hoằng pháp, truyền bá chính pháp; trong khi đó, người phật tử tại gia cần nỗ lực thực hiện bổn phận hộ pháp.

Tất cả cùng nhau hướng đến xây dựng một xã hội tịnh độ ngay tại thế giới Ta bà.

Tác giả: Ts Nguyễn Hoàng Mạnh
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

***
[1] GS.TS Nguyễn Đình Cống, Phương pháp luận Nghiên cứu khoa học và Sáng tạo, NXB Khoa học và Kỹ thuật (2011), Tr. 43;
[2] Vũ Cao Đàm, Giáo trình Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Giáo dục (2011), (Tr. 7).
[3] Thích Nguyên Giác, Phật học cơ bản (Chương trình Phật học hàm thụ) – Tập 1, NXB. Hồng Đức (2014), Tr. 92.
[4] – Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, NXB Tôn giáo (2013), Tr. 355; 
– Thích Nguyên Giác, Phật học cơ bản (Chương trình Phật học hàm thụ) – Tập 1, NXB. Hồng Đức (2014), Tr. 94.
[5] Thích Nguyên Giác, Phật học cơ bản (Chương trình Phật học hàm thụ) – Tập 1, NXB. Hồng Đức (2014), Tr. 94.
[6] Sđd (tr. 100).
[7] GS.TS Nguyễn Đình Cống, Phương pháp luận Nghiên cứu khoa học và Sáng tạo, NXB Khoa học và Kỹ thuật (2011), Tr.23

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường