Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Sự tỉnh thức thật sự của Bụt

Sự tỉnh thức thật sự của Bụt

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Stephen BATCHELOR
Dịch: Huyền Cương Lê Trọng Cường

Stephen Batchelor sinh tại Xcốtlen. Ông đã tu học ở các tu viện pháp Bụt tại Ấn Độ, Thuỵ Sĩ và Hàn Quốc. Ông từng là tu sĩ trong mười năm ở cả hai truyền thống Thiền và Tây Tạng. Mười năm gần đây ông sống trong một cộng đồng Pháp Bụt Không Tông Phái tại Đê Vôn (Devon), Anh Quốc. Ở đó ông viết sách, thuyết giảng và hướng dẫn các khoá tu. Là giám đốc văn phòng nghiên cứu và hướng dẫn đương đại của Pháp Bụt tại đại học Sharpham, Batchelor đã dịch nhiều sách và đã viết bốn cuốn: ‘The Awakening of the West’;‘The Encounter of Buddhism and Western Culture’; ‘Alone with Others’; và ‘An Existential Aproach to Budhism’. Dưới đây trích dịch một số đoạn trong cuốn ‘Buddhism without Beliefs, a Contemporary Guide to Awakening’ (Pháp Bụt Không Tín Điều, Một Hướng Dẫn Đương Đại Đưa Tới Tỉnh Thức).

Chúng ta hãy quay trở lại điểm ban đầu: Sự tỉnh thức của Sĩ-Đạt-Tha Gô-Ta-Ma (Siddhartha Gotama; Tất-Đạt-Đa Cồ-Đàm), còn gọi là đức Như Lai, đức Mâu Ni Thích Ca, Đức Thế Tôn; đó chính là Bụt (Buddha; Người Tỉnh Thức; Phật). Ngài là người đầu tiên chuyển bánh xe pháp. Ngài là người chỉ ra Đường Lối Giữa (Trung Đạo) đúng đắn nổi tiếng. Dấu tích của Ngài là những vết chân mà chúng ta sẽ tìm thấy ở cuối đường mòn.

Chúng ta bắt đầu với bài thuyết giảng đầu tiên của Bụt tại vườn nai, ở Xạc Nát (Sarnath) gần Bênarét (Benares) nơi Bụt đã nói cho năm người bạn tu khổ hạnh trước đây. Nhiều tuần lễ sau khi tỉnh thức (giác ngộ) và do dự sau đó của Ngài về việc có nên nói ra một điều gì đó hay không, lòng thương xót đã giúp Ngài cảm thông với nỗi đau khổ của người khác. Bằng việc quyết định lao vào biển lọc lừa của ngôn ngữ, Ngài ‘Bắt Đầu Chuyển Bánh Xe Pháp’.

Bài thuyết giảng ngắn gọn đầu tiên này có thể được tóm tắt như sau: “Bụt công bố rằng Ngài đã tìm ra Đường Lối Giữa đúng đắn bằng cách tránh cả hai sự quá đáng: ‘sự mê đắm’‘sự tự hành xác’ như thế nào. Rồi Ngài mô tả Bốn Lẽ Thật Sâu mầu: 1/ Nỗi Đau Khổ (Dukkha); 2/ Gốc Rễ hay là Nguyên Nhân của Đau Khổ; 3/ Sự Chấm Dứt Đau Khổ; 4/ Đường Lối Đưa Tới Chấm Dứt Đau Khổ (Khổ; Tập; Diệt; Đạo). Nỗi đau khổ, Ngài nói, đã được hiểu rõ, gốc rễ của nó đã được nhổ bỏ, sự chấm dứt nó đã được thực hiện và đường lối (tu tập) đã được chỉ ra. Và đây chính là những gì Ngài đã làm: Ngài đã hiểu rõ nỗi đau khổ, đã nhổ bỏ tận gốc rễ của nó, đã thực hiện việc chấm dứt và đã vạch ra đường lối thực hiện. Chỉ thông qua việc hiểu biết Lẽ Thật này, biết được phải thực hành như thế nào đối với các Lẽ Thật đó và biết rằng mình đã thực hành đối với chúng, Ngài mới có thể tự cho là mình đã tìm thấy ‘sự tỉnh thức thật sự’.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 9.2016 Giao duc dao duc va nep song thien gia 1

Mặc dù đã có lời kể ngắn gọn của chính Bụt về sự tỉnh thức của mình, sự tỉnh thức đó vẫn cứ bị người ta (ngay cả những người theo pháp Bụt – những Phật tử) miêu tả như một điều gì đó khác hẳn. Sự tỉnh thức đã trở thành một trải nghiệm thần bí, một chốc lát được ‘thiên thần’ mách bảo những điều siêu nghiệm về Lẽ Thật (thiên khải). Sự diễn giải mang tính tôn giáo bao giờ cũng hạ thấp tính phức hợp thành tính đồng nhất, trong khi đó lại nâng sự việc bình thường lên thành điều thiêng liêng, qua thời gian, cùng với việc tăng dần sự nhấn mạnh, sự tỉnh thức của Bụt đã được đưa lên thành một Lẽ Thật Tuyệt Đối Duy Nhất; như là ‘Sự Bất Diệt’, ‘Sự Trống Rỗng’, ‘Sự Vô Điều Kiện’, ‘Niết Bàn’, ‘Bản Thể của Bụt’… hơn là một phức hợp trùng trùng những Lẽ Thật.

Từ đó nét nổi bật đáng quan tâm nhất – mỗi Lẽ Thật cần được thực hành theo cách riêng của nó (hiểu rõ nỗi đau khổ, nhổ bỏ tận gốc nỗi đau khổ, thực hiện việc chấm dứt nỗi đau khổ và miệt mài tu tập theo đường lối này) – đã bị loại hẳn ra bên lề những kiến thức về giáo thuyết chuyên sâu. Có lẽ ngày nay ít người theo pháp Bụt nhận ra được nét nổi bật này.

Cũng do kém làm rõ nét nổi bật này mà bốn lẽ thật để thực hành đã bị biến đổi một cách tinh vi thành bốn nhận định về thực tại để tin vào. Lẽ thật thứ nhất bị đổi thành ‘cuộc đời là đau khổ’ (đời là bể khổ); lẽ thật thứ hai bị đổi thành ‘gốc rễ của nỗi đau khổ là lòng thèm muốn’ (tham)… Nói đúng ra do sự gán ghép này mà pháp Bụt trở thành một tôn giáo và một người theo pháp Bụt trở thành một người chỉ tin theo (tín đồ) bốn nhận định này mà thôi. Một khi đã đánh ngang bằng các lẽ thật thành những điều nhận định buộc người ta phải thừa nhận là đúng (để tin vào) thì người theo pháp Bụt chỉ còn được phân biệt với những tín đồ đạo Cơ Đốc, đạo Hồi, hoặc đạo Hindu ở chỗ họ tin vào một lô nhưng điều nhận định khác mà thôi. Như thế thì bốn lẽ thật sâu mầu đã bị biến thành những giáo điều chủ yếu của hệ thống tín điều có tên gọi là ‘đạo Bụt’ (Buddhism; Phật giáo).

Bụt không phải là một người thần bí. Sự tỉnh thức của Ngài không phải là sự chợt nhìn thấu vào một Sự Thật Siêu Nghiệm nào đó; nó để lộ cho Ngài thấy những điều huyền bí của đấng Sáng Tạo (Đấng Sáng Thế). Bụt không hề tự cho rằng Ngài đã có một chứng nghiệm được ban riêng cho Ngài, một thứ tri thức bí truyền từ những chiếc gậy vũ trụ nào đó. Chỉ đến khi pháp Bụt ngày càng trở thành một tôn giáo (đạo Phật) những luận điệu phô trương như thế mới được gán ghép thêm vào sự tỉnh thức của Ngài. Trong khi mô tả cho năm nhà tu khổ hạnh hiểu rõ sự tỉnh thức của Ngài là gì, Ngài đã nói về việc Ngài tìm ra sự vượt thoát trọn vẹn của tâm trí mình khỏi những thúc ép của lòng thèm muốn như thế nào, Ngài gọi sự vượt thoát (hay sự tự do) ấy là hương vị của pháp (the taste of the Dharma)…

Sự tỉnh thức không phải là có được một quan điểm sáng suốt hơn. Sự tỉnh thức đã mang đến cho cuộc đời Ngài một sự đúng đắn, một giá trị đích thực và một uy lực tư nhiên. Mặc dù năm nhà tu khổ hạnh đã tuyên bố không nhìn nhận người bạn tu trước đây đã bỏ cuộc (bỏ việc tu khổ hạnh) của họ nữa, Khi Ngài bước vào Vườn Nai và đến với họ, họ đã nhận thấy rằng chính họ đã dũng cảm dâng tặng Ngài niềm tôn kính. Bất chấp ý định của chính mình, họ đã không thể cưỡng lại nổi uy lực toả ra từ sự có mặt của Gotama.

Cuộc sống không tỉnh thức – ở đó người ta trôi giạt lang thang trên ngọn sóng của những bốc đồng (hay những thúc giục) theo thói quen – vừa không đàng hoàng, vừa đáng hổ thẹn. Thay vì uy lực tự nhiên, không gò ép, người ta thường áp đặt ý muốn của mình lên người khác thông qua mánh khoé và hù doạ, hoặc bằng cách dựa dẫm vào sự đánh giá của các lực lượng mạnh hơn. Uy lực lúc đó trở thành vấn đề của sức mạnh hơn là của sự đúng đắn.

Thay vì tự thị hiện như một đấng cứu thế, Bụt chỉ coi mình như một người chữa bệnh (thầy thuốc). Ngài trình bày Lẽ Thật (mà Ngài khám phá ra) dưới dạng một việc chẩn định, một sự dự báo và một phương cách chữa bệnh. Nếu bạn đau ở vừng ngực của bạn, trước hết bạn cần nhận ra điều đó. Rồi bạn tìm đến một bác sĩ để thăm bệnh. Việc chẩn định bệnh của bác sĩ sẽ bao gồm hai việc: nhận dạng nguyên nhân gây bệnh và nói cho bạn biết rằng bệnh của bạn có thể chữa khỏi được hay không. Nếu bệnh có thể chữa khỏi được, người bác sĩ sẽ khuyên bạn theo một tiến trình chữa bệnh. Cũng vậy Bụt nhận ra điều kiện có mặt của nỗi đau khổ; bằng sự suy cứu kĩ càng Ngài đã tìm ra nguyên nhân của nỗi đau khổ nằm ngay trong lòng thèm muốn của con người (tham). Ngài nhận ra rằng điều này (nỗi đau khổ) có thể được chấm dứt và Ngài đã vạch ra cách trau dồi và mở mang một lối sống chấp nhận mọi khía cạnh kinh nghiệm của con người như là một phương cách chữa trị hiệu quả.

Như vậy rõ ràng là trong khi ‘đạo Phật’ mang tính tôn giáo nêu lên một hệ thống tín điều, thì ‘việc thực hành pháp Bụt’ lại đưa ra một tiến trình thực tập. Bốn Lẽ Thật Sâu Mầu không phải là những nhận định để tin theo, mà là những hướng dẫn để chúng ta thực hành…

Bài thuyết giảng đầu tiên của Bụt đã làm cho năm nhà tu khổ hạnh nhận thấy rằng Ngài đã đạt tới một điều gì đó. Thế nên họ đã ở lại với Ngài, lắng nghe theo lời khuyên của Ngài, và chính họ cũng đã đạt tới sự tỉnh thức. Họ cũng đã hiểu rõ nỗi đau khổ, đã nhổ bỏ được lòng thèm muốn, đã thực hiện được việc chấm dứt nỗi đau khổ, và đã bắt đầu trau dồi đường lối tu tập. Họ cũng đã hoàn thành việc giải thoát tâm trí mình khỏi sự thúc ép của lòng thèm muốn. Những lời được dùng để mô tả sự tỉnh thức của họ cũng giống như những lời dùng để mô tả sự tỉnh thức của chính Bụt. Từ đó về sau, ở phần kết thúc loạt bài giảng của Bụt thường phản ánh không chỉ ở chỗ bao nhiêu người đã đạt tới tỉnh thức nhờ sự truyền dạy đặc thù đó, mà họ còn đạt tới trình độ (chứng quả) nào.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 5.2017 Nghiep hay dinh luat dao duc Nhan qua 2

Những bài thuyết giảng thời kì đầu của Bụt cho ta thấy rằng sự tỉnh thức là điều ắt phải xảy ra cho tất cả những ai lắng nghe và làm theo những điều Bụt dạy. Sự khác nhau về trình độ giữa những người đã trải nghiệm giây phút ban đầu của sự tỉnh thức và mới bước vào con đường tu tập (nhập lưu) thôi, với những người đã tinh cần tu tập hơn theo đường lối của Bụt và thậm chí đã đạt tới trình độ mà ở đó thói quen thèm muốn đã bị dập tắt hoàn toàn và được công nhận. Nhưng việc tiến sâu vào quá trình tỉnh thức đó tự nó không đến nỗi quá khó khăn và không cần đến bất cứ một mối lo quá mức nào cả.

Ấy vậy mà khi pháp Bụt ngày càng được tỉa tót thành một tôn giáo thì sự tỉnh thức ngày càng khó đến gần. Những người có quyền điều hành các thể chế tôn giáo luôn giữ ý kiến cho rằng sự tỉnh thức cần phải được đề cao đến mức nói chung nó chỉ có thể đạt được với cuộc sống thoát li (xuất gia) và với việc thanh lọc đạt được thông qua kỉ luật của tu viện mà thôi. Rồi ngay cả khi điều đó đã được thực hiện thì sự tỉnh thức cũng thật là hiếm. Để giải thích tình trạng này họ (những người có quyền điều hành trong các thể chế tôn giáo) đã viện dẫn tư tưởng cổ xưa của người Ấn Độ về cái gọi là ‘Sự Suy Thoái Của Thời Gian’ và quan niệm cho rằng tiến trình lịch sử của loài người là một quá trình suy tàn không thể tránh khỏi. Theo quan niệm này, những người sống trong thời Bụt tại thế đơn giản là ít bị suy đồi hơn và cũng ‘thánh thiện’ hơn so với số đông những người đã bị hư hỏng của nhân loại ngày nay.

Tuy vậy những quan niệm kiểu như thế sau từng quãng thời gian đã bị phản đối. Các cánh cửa của tỉnh thức vẫn được rộng mở đối với những ai bị những lời phê phán và những giáo thuyết của những nhân vật có đặc quyền ngăn cản họ đến với sự tỉnh thức. Những người thế tục, những người phụ nữ, những người không được học hành, gọi chung là những người không có quyền lực (trong tôn giáo – ND), đã được mời đến để nếm thử sự giải thoát của pháp Bụt đối với chính họ. Sự tỉnh thức không phải là mục tiêu quá xa vời để họ chỉ có thể đạt tới trong trong một cuộc đời mai sau nào đó. Không phải vậy, Sự Tỉnh Thức ở ngay đây, nó ló bày ra trong lòng của chính bạn ngay lúc này đây.

Để đặt thẳng vấn đề, câu hỏi cốt lõi mà những người theo pháp Bụt đã gặp phải ngay từ lúc ban đầu là như thế này: Sự Tỉnh Thức gần hay xa? Nó có thể với tới được hoặc nắm bắt được trong tầm tay, chỉ cần thông qua sự nỗ lực cao nhất hay không? Nếu nhấn mạnh sự gần gũi và dễ vào của sự tỉnh thức thì sẽ dẫn tới nguy cơ tầm thường hoá sự tỉnh thức, không tương xứng với giá trị và ý nghĩa đáng có của nó. Trái lại, nếu nhấn mạnh về sự xa vời và sự khó vào của nó thì sẽ dẫn tới nguy cơ đặt nó ra ngoài tầm với của chúng ta, biến nó thành một thần tượng toàn mĩ chỉ để tôn thờ và chiêm ngưỡng từ xa mà thôi.

Liệu chính các câu hỏi có đánh lừa chúng ta hay không? Liệu chúng ta có thể bị lừa gạt bởi hai lô gích của cả hai câu hỏi ấy, để đưa tới giả định rằng chỉ có một cách lựa chọn có thể đúng hay không? Có lẽ cái lô gích nhập nhằng của hai câu hỏi đều không thích hợp ở đây! Cần phải tỉnh táo nhận ra rằng: Đúng ra, Sự Tỉnh Thức quả là gần kề và nỗ lực cao nhất là rất cần thiết để thực hiện nó. Sự Tỉnh Thức cũng thật là xa vời và muốn vào được nó chẳng đến nỗi quá khó khăn đâu!

Tác giả: Stephen BATCHELOR
Dịch: Huyền Cương Lê Trọng Cường

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường