Một sự thật của cuộc sống được đức Phật tuyên thuyết đóng một vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng của giáo lý Phật giáo, đó là một sự thật về Bốn Thánh đế, hay con đường đưa đến sự tận diệt của khổ và chứng được thực tại.

Tác giả: TT.TS.Thích Lệ Quang Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM

TÓM TẮT: Con người là một thực thể sinh học, tất yếu tuân thủ đầy đủ các quy luật sinh học và các mối quan hệ trực tiếp với các quy luật tự nhiên và xã hội. Sự tồn tại đó được biểu hiện qua các hoạt động sống của con người trong đời sống xã hội và những nhu cầu sự thật về bản thân, xã hội, thế giới bằng những hành động thông qua quá trình lao động sản xuất của con người.

Do đó, trong các mối quan hệ trực tiếp, con người luôn luôn nhận thức nó như là một sự thật trong đời sống của con người. Tuy nhiên, con người bị tha hoá, bị lôi kéo, từ chối cái thật trong hành trình đi tìm kiếm cái sự thật, cái chân lý bằng biểu hiện, bộc lộ ra hành động của sự giả dối. Cái giả dối đã làm cho con người mất đi lý trí, sự nhạy bén, tính chân thật được che đậy bởi những chuẩn mực trong hành trình tìm cầu sự mưu sinh. Nhưng cái giả dối sẽ bị xoá bỏ bởi những sự thật, chân lý được hiển bày.

Bài viết tập trung trình bày về nhận thức sự thật qua lăng kính của Phật giáo; nhận thức về sự giả dối trong cuộc sống, đó là phạm trù của hai mặt đối lập trong cuộc sống.

Từ khoá: Sự thật, nhận thức giả dối, lăng kính Phật giáo, con người.

Trong đời sống xã hội, sự thật và giả dối là một cặp phạm trù đối lập nhau, mâu thuẫn nhau, nhưng có mối quan hệ không tách rời trong hoạt động sống, nhận thức của con người. Nếu mặt bên này là sự thật, thì mặt bên kia là sự giả dối. Nó làm cho con người đứng về phía này hay đứng về phía kia hoặc những người ảo thuật lấy giá đỡ của bên này che đậy cho bên kia.

Song, nó không loại trừ bất kỳ thành phần nào từ quan chức, chính khách, tôn giáo, cho đến những người cả tin, ngây thơ đều không thoát khỏi những thị phi ấy. Trong thời đại toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, xã hội hoá, giao lưu văn hoá, thì sự giả dối càng trở nên tinh vi hơn, xảo quyệt hơn, bằng những truyền thống, đạo đức, tiền bạc, pháp luật để che đậy cuộc sống bằng những trò ảo thuật, mà con người tưởng chừng như đó là một sự thật.

Con người không còn nhận thức được đâu là bản chất của sự thật, mà thay vào đó sự giả dối đã bị “ảo thuật” để trở thành một cách “sự thật”. Trong hoạt động mưu sinh, con người cảm thấy rằng sự giả dối luôn luôn ngự trị bên cạnh sự thật, mà người ngây thơ không hiểu biết đó là một trò “ảo thuật” của sự giả dối. Vì vậy, con người cảm thấy có sự bất công trong xã hội và tìm cách để triệt tiêu sự bất công ấy bằng cách tìm kiếm một sự công bằng trong xã hội.

Thế nhưng sự bất công dường như không triệt tiêu hết, mà ngược lại nó còn tăng thêm, mâu thuẫn nhau trong cuộc sống và càng tinh vi hơn trong đời sống của con người. Do đó, thay gì đi tìm sự công bằng xoá bỏ sự bất công, chúng ta nên đi tìm sự hiểu biết, nhận thức đúng bản chất của sự thật, hiểu đúng về sự giả dối thì mới mong xoá bỏ được cái giả dối một cái thiết thực.

Tuy nhiên, có nhiều phương pháp, cách tiếp cận đa dạng, phong phú, khoa học về sự nhận thức sự thật và giả dối; song, bài viết chỉ tiếp cận trình bày dưới quan điểm nhận thức qua lăng kính của Phật giáo.

1. Nhận thức sự thật qua lăng kính của Phật giáo

Sự thật là một cái gì đó đúng hoặc nó được chứng minh, được kiểm chứng bằng một bằng chứng xác thật. Sự thật luôn luôn có tính vĩnh cửu, tính chân thật, mặc dù chúng ta cố ý khước từ nó hoặc không muốn chấp nhận nó, thì sự thật là sự thật.

Tác giả Nguyễn Như ý (chủ biên) và nhóm các tác giả của cuốn Đại từ điển tiếng Việt, định nghĩa về sự thật như sau: “Cái có thật, có xảy ra: ước mơ đã thành sự thật, không nói đúng sự thật, bưng bít sự thật” [1].

Do vậy, sự thật thì không ai có thể làm cho sự thật bị khác đi, bị mất đi cái bản chất “thật” của nó. Trong cuộc sống, người ta có thể dùng nhiều cách bóp méo sự thật, xuyên tạc sự thật, như bản chất của sự thật thì không thể tác động thay đổi được.

Chẳng hạn các sự thật trong khoa học được kiểm tra bằng cách quan sát hết sức cẩn thận và nó được lập đi lập lại nhiều lần, thông qua các phương pháp khác nhau, phòng thí nghiệm…để khẳng định nó một cách chính xác nhất, đúng nhất và bằng chứng đó thể hiện kết quả của sự thật đã được kiểm nghiệm.

Sự thật luôn phản ánh cái tất yếu quan hệ trực tiếp giữa con người với xã hội, tự nhiên một cách mật thiết. Con người luôn tìm kiếm sự thật về bản thân mình như thế nào và nó từ đâu xuất hiện, cũng như con người tìm kiếm về những nhu cầu của cuộc sống để phục vụ cho đời sống, nên con người có nhu cầu cần thiết để tìm kiếm nó thì mối quan hệ đó mang đến sự thật đến đó.

Con người luôn luôn tạo ra cho mình những cơ hội tốt để phù hợp với sức sống bằng cách chọn lựa những đối tượng phù hợp với bản thân mình trong quá trình phát triển tạo ra sản phẩm. Con người lấy thân thể mình làm phương tiện trong quá trình lao động để nhận thức ra sự thật về bản thân mình, cho nên con người tìm kiếm, chọn lựa đối tượng phù hợp để sinh sống biểu hiện bằng các phương tiện lao động trong xã hội.

Lao động là tất yếu, bởi lao động là nhu cầu, phương tiện, mục đích hướng đến để con người nhận thức, sáng tạo ra một cách hiện thực. Lao động làm cho các mối quan hệ trực tiếp giữa con người và các đối tượng được bộc lộ cái tất yếu trong việc biến vật này thành vật kia. Do đó, con người không chỉ bộc lộ bản thân mình qua lao động, mà còn bộc lộ trong từng sản phẩm mà con người tạo ra, sản phẩm được tạo ra có chất lượng như thế nào, hình dáng ra sao, thì con người sẽ hiện thực như thế đó.

Con người sẽ hiểu được bản thân mình bằng sự thật thông qua lao động để lại trong sản phẩm mà con người làm ra. Song, con người luôn luôn suy nghĩ sự thật hiện hữu trong tự nhiên, xã hội và bản thân con người là sự thật, nên trong quá trình sản xuất, lao động, con người đã cố gắng xây dựng và phát triển nhằm cải tạo thế giới, cải tạo đời sống xã hội, làm cho sự thật hiện hữu.

Tuy nhiên, sự hiện hữu của vật chất như nhà cửa, đền đài, sinh vật, con người…mà tất cả trong chúng ta tin chắc rằng đó là sự tồn tại có thật trong thế gian, không một ai có thể phủ nhận, hoài nghi về sự tồn tại của nó. Mặc dù vậy, những người theo chủ nghĩa hoài nghi triết học (philosophical skepticism), như Pyrrho người xứ Elis cho rằng người ta chỉ sống trong thế gian hiện tượng không thể khẳng định đâu là chân lý.

Cũng tương tự như Descates nhà toán học, triết học người Pháp thế kỷ 17, ông đã hoài nghi về sự phân biệt giữa đâu là sự thật và đâu là giấc mơ của con người. Sự hoài nghi đó, liệu rằng có giống sự hoài nghi của Trang Chu, một triết gia người Trung Quốc cổ đại, nằm mơ thấy mình hoá thành con bướm hay mình là con bướm nằm mơ thấy hoá thành Trang Chu?

Cho nên cuộc sống đời thường từ vật chất đến tinh thần trong thế giới hiện tượng mà con người còn không phân biệt được giữa sự thật hay giấc mơ đó; nhưng dưới nhận thức của Phật giáo, điều đó đã được đức Phật trình bày qua lăng kính thuyết Thập nhị nhân duyên hết sức sâu sắc.

Sự tương hợp của các vật chất cấu thành thế giới, con người, nhà cửa, đền đài…đều có tính sinh diệt và bản chất của nó là vô thường, con người vẫn nằm trong sự mê lầm mộng tưởng và tưởng đó là một sự thật tuyệt đối, mặc dù họ thấy rằng họ đang hạnh phúc trong vật chất hay tinh thần.

Đức Phật không phê phán mọi thứ ở thế gian, nhưng đức Phật chỉ cho chúng ta nhận thức cuộc đời một cái sâu sắc về cái mà người thế gian gọi nó là sự thật. Đức Phật chỉ nói những sự thật sau khi Ngài cảm nghiệm và quan sát kỹ cuộc đời, đem đến cho con người một thái độ sống như thật, an tịnh, hỷ lạc và giải thoát thật sự, không phải là một sự giả tạo của thế gian hằng suy nghĩ mong đợi.

Một sự thật của cuộc sống được Ngài tuyên thuyết đóng một vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng của giáo lý Phật giáo, đó là một sự thật về Bốn Thánh đế, hay con đường đưa đến sự tận diệt của khổ và chứng được thực tại. Trong kinh Tương Ương V, đức Phật đã khẳng định: “Bốn Thánh đế, này các Tỳ kheo, là như thật, không ly như thật, không khác như thật. Do vậy được gọi là Thánh đế”.

Song, nhiều người lại không chấp nhận một sự thật và có thái độ cho rằng “khổ” theo Phật giáo là tiêu cực, yếm thế, bi quan, nhưng chúng ta phải hiểu rằng, sự tuyên bố về sự thật của nó được cảm nghiệm qua cuộc đời và đó là một nhận thức, chứ không phải là sự bi quan hay lạc quan;

Tích cực hay tiêu cực, chúng ta chỉ có thể phê phán, nhận thức nó đúng hay sai, có phù hợp với cuộc sống hay không, nó thuộc về nhận thức, đánh giá cuộc sống, còn lạc quan hay bi quan là thuộc về thái độ sống của con người.

Chính vì con người không nhận thức được sự thật của cuộc sống, con người lấy cái giả làm cái chân, nên đưa đến những cuộc tranh giành, đấu đá, tàn sát lẫn nhau và tệ hơn nữa là bóp méo sự thật trở thành cái giả dối, cái giả dối không còn là giả dối nữa mà nó ngang nhiên trở thành cái “sự thật” được nguỵ tạo từ cái giả dối bởi những người “ảo thuật” của cuộc sống.

Vì vậy, điều mấu chốt là chúng ta nhận thức được sự thật để giáo dục con người cùng sáng tạo ra những nhu cầu sinh sống hỗ trợ cho nhau trong cuộc sống và đặc biệt là nhận thức được sự giả dối tiềm tàng bên cạnh cái tất yếu của sự thật trong cuộc sống hiện thực.

2. Nhận thức về sự giả dối trong cuộc sống

Sự giả dối là chối bỏ mối quan hệ trực tiếp, là lề trái của sự thật. Nếu sự giả dối không hiện diện trực tiếp trong cuộc sống, thì sự thật con người trở thành đối tượng sinh sống của nhau đã không bị phũ phàng. Tuy nhiên, không phải lúc nào con người cũng phát hiện ra được sự giả dối ngay trong cuộc sống của mình. Bởi sự giả dối được che đậy một cách tinh vi nên con người khó nhận thức được đâu là giả dối, đâu là sự thật.

Vậy, giả dối là gì? giả dối đã được các tác giả cuốn Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (chủ biên) khái niệm như sau: “Nghĩa thứ nhất, tt: không phải thật nhưng làm ra vẻ giống như thật: hàng giả, đạo đức giả, giả cách, giả dạng, giả dối, giả định, giả đi, giả hiệu, giả hình, giả lờ, giả tảng, giả tạo, giả thuyết, giả trá, giả vờ. Nghĩa thứ 2, đgt: Làm như thật để người khác tưởng là thật; …” [2].

Do vậy, sự giả dối là mặt đối lập với cái sự thật, mâu thuẫn nhau, như lại không thể tách rời nhau. Nếu sự giả dối không được phát hiện thì nó sẽ không là giả dối và người ta cho rằng đó là một sự thật, nhưng thực tế nó là một sự giả dối. Nếu sự giả dối không xuất hiện phổ biến đến mức đặt người khác vào tình thế nguy hiểm thì sự giả dối sẽ chưa được nhận thức. Chính sự che đậy bằng những chuẩn mực nên những chuẩn mực làm cho giả dối không ngừng gia tăng.

Những điều giả dối mà ai cũng biết thì nó trở nên thừa nên giả dối chỉ khi nó chưa được nhận thức đầy đủ do bị che đậy bằng chuẩn mực. Sự giả dối chỉ có ở những người có chuẩn mực nhưng người có chuẩn mực có thể không giả dối. Chuẩn mực trở thành đối tượng của sự giả dối.

Theo quan điểm nhận thức của Phật giáo cái “giả” là cái hư vọng và không thật có: “Giả có nghĩa là mượn. Các pháp đều không có thực thể, mượn các vật khác mà có, do vậy gọi là giả. Như mượn các uẩn mà có chúng sinh, mượn cột kèo mà có nhà cửa. Do vậy, giả có nghĩa là hư vọng và không thật” [3].

Còn theo Luận Thành Thực, phẩm Giả danh tướng cho rằng tất cả các pháp đều do nhân duyên sinh, nên tất thảy đều là giả, bao gồm: 1. Nhân thành giả; 2. Tương tục giả; 3. Tương đãi giả. Cho nên, chỉ có cái thực tướng của các pháp tức là cái “không” mới là sự chân thật. Đối với các nhà Luật học thì giả dối là một trong những điều cấm kỵ của giới luật, cụ thể là điều giới thứ tư trong ngũ giới cấm: “Chỉ năm giới cấm: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu” [4].

Giả dối là điều người ta không muốn mong đợi sự hiện diện của nó trong cuộc sống, như nó lại thường hay hiện diện bên cạnh chúng ta và theo chúng ta như hình với bóng, biểu hiện cho những hành động của sự giả dối được bộc lộ qua những hành vi như nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, chuyện không nói có, chuyện có nói không, lộng giả thành chân, biến chân thành giả…sự biến thiên của giả dối đã làm cho con người đảo lộn, thay đổi, hầu như không có lối thoát.

Sự giả dối không còn hiểu trên mặt lý thuyết, mà nó đã trở thành lối sống hằng ngày của những hành động giả dối trong xã hội. Sự giả dối đã làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc sống, kể cả cái sự thật đã bị những người “ảo thuật” cuộc đời làm cho nó không còn là sự thật.

Điều đó, càng được nhận thấy rõ qua các hiện tượng xuất hiện trên không gian mạng, trong đó cho thấy rõ sự giả dối của mạng truyền thông bẩn hiện nay đã có xu hướng tấn công Phật giáo với những ý đồ làm cho cái sự thật thành cái giả dối, nhằm mục đích thu lợi, chống phá, gây chia rẽ nội bộ Phật giáo, làm mất đi sự đoàn kết của Tăng già Phật giáo, sự tôn nghiêm của Giáo hội, sâu xa hơn nữa là ảnh hưởng đến đời sống xã hội của quần chúng nhân dân.

Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập hiện nay nó diễn ra hết sức phức tạp, khốc liệt, đến độ mà con người không còn nhận thức được sự thật bởi chính cái giả dối tạo ra. Nếu mục đích không mang đến cái lợi sở hữu, thì mục đích trở thành vô nghĩa nên nó chỉ có ý nghĩa khi kiếm được lợi lộc bằng những mục đích mà họ tạo ra. Khi đó nó trở thành là đối tượng của sự giả dối để được hưởng lợi từ những mục đích đó.

Do vậy, khi có một “hiện tượng lạ” xuất hiện, nó đã tạo ra một sự nhầm lẫn, phao tin nhảm để gieo rắc sự hoang mang giữa cái thật và cái giả, làm cho nó trở nên phức tạp và ngày càng lún sâu vào tranh luận, phê phán, phỉ báng lẫn nhau, bất đồng quan điểm giữa tư tưởng những người theo Phật giáo, giữa chính và tà.

Chất xúc tác đó được tạo ra bởi những kẻ “ảo thuật” của cuộc sống, làm cho sự giả dối bùng phát, mà theo sau nó là tranh đấu giữa hai luồng quan điểm cũ và mới, đặc biệt là Phật giáo đã trở thành nạn nhân của sự công kích lẫn nhau.

Chính vì vậy, chúng ta nên nhận thức rằng các tổ chức Phật giáo, cốt lõi của nó đều xây dựng trên nền tảng của đạo Phật, lấy những giá trị cốt lõi của sự giác ngộ, giải thoát làm chân lý, làm sự thật cho quá trình truyền bá chính pháp. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta lại biến cái sự thật, cái chân lý của Phật giáo trở thành cái giả dối được tạo dựng bằng bàn tay của những kẻ có ý đồ giả dối?

Tại sao chúng ta lại biến giá trị giác ngộ của đạo Phật trở thành mục tiêu chính trị? Bởi chính chúng ta làm cho sự đoàn kết hoà hợp Tăng già không còn là giá trị thiêng liêng của Phật giáo đồ, mà lẽ ra chính chúng ta ngày nay cần phải ra sức bảo vệ những giá trị thiêng liêng của Phật giáo trước sự công kích, phá hoại, làm xấu đi hình ảnh Phật giáo. Phải chăng đó là một cái “tội”, tội với dân tộc, với đất nước, với chính Phật giáo? Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ - Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ I đã từng phát biểu:

“…Vì sự xương minh Đạo pháp và lợi ích của dân tộc, mọi người chúng ta phải một lòng đoàn kết hoà hợp, đừng vì những dị biệt mà quên đi hoài bão thống nhất Phật giáo của các bậc tiền bối, làm như thế sẽ có tội với lịch sử và dân tộc” [5].

Do đó, sự nhận thức về sự thật và sự giả dối, chính và tà lẫn lộn như hiện nay là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với người Phật tử. Đứng trước những luồng thông tin trái chiều, hướng dư luận đến một khoảng không gian tối của Phật giáo, được dàn dựng, cắt ghép, chỉnh sửa, chao chuốt hình ảnh…, nhằm tạo ra một chiều kích công phá để bôi nhọ Phật giáo, chúng ta nên hết sức bình tĩnh và nhận thức một cách sáng suốt trên tinh thần giáo lý của đức Phật đã dạy để nhận thức được đâu là sự thật và đâu là giả dối.

Mặc dù, sự giả dối, nguỵ tạo có tinh vi đến đâu và nó thay đổi sắc thái muôn màu, nhưng bản chất của nó cũng chỉ là sự giả dối và cũng sẽ bị loại trừ. Vấn đề được đặt ra ở đây, đó chính là tinh thần đoàn kết của Phật giáo, tình yêu của người Phật tử đối với Phật giáo có thiết tha hay không?

Có thể hiện một “tình yêu” mãnh liệt, chắc chắn vào con đường lý tưởng chân thật của đức Phật hay không? Có tình yêu bất tử vào người “sứ giả Như Lai” hay không? Một người có tình yêu bất tử với con đường lý tưởng đã chọn, thì không thể lay chuyển trước những làn sóng xuyên tạc, bôi nhọ, phá hoại của những kẻ “ảo thuật” cuộc sống, làm cho sự thật, niềm tin trở thành sự giả dối.

Do vậy, mỗi người chúng ta phải có nhiệm vụ, trách nhiệm, vai trò trong sứ mệnh bảo vệ chính pháp trước những tác động tiêu cực hiện nay, đặc biệt là nhận thức được bản chất của sự thật, xoá bỏ cái giả dối, cái tà kiến, mà những người “ảo thuật” cuộc sống, những kẻ theo “chủ nghĩa cơ hội” đã tạo ra trong xã hội.

Tóm lại, trong cuộc sống con người cái tất yếu của sự thật vì chưa nhận thức được đầy đủ nên sự giả dối vẫn xuất hiện, chi phối đến mọi hoạt động sống của con người. Nếu tất cả chúng ta, không phân biệt là tôn giáo, nhà nước, gia đình, xã hội sống bằng sự thật, chân chính thì tất yếu sẽ tồn tại, còn những tổ chức nào nuôi dưỡng, dung túng cho sự giả dối tất yếu cũng bị xoá bỏ.

Người sống bằng sự thật, thì sẽ trân quý những giá trị trong từng sản phẩm của họ làm ra giúp ích cho xã hội, bằng tất cả trách nhiệm, tình yêu của một con người với sự đoàn kết, yêu chuộng hoà bình, thì ngược lại kẻ giả dối sẽ cảm thấy tội lỗi, cắn rứt lương tâm, đau khổ, vì sống không trung thực mang đến cho nhân loại sự đau khổ, phiền não, đấu tranh.

Sự nhận thức đúng đắn đâu là sự thật và đâu là sự giả dối, nguỵ tạo sẽ giúp cho chúng ta có một cái nhìn chính xác về cuộc sống và sống như thế nào để không bị cái giả dối đánh lừa, khiến chúng ta trở thành nạn nhân của sự giả dối.

Đặc biệt là nhận thức dưới góc độ của Phật giáo trong giai đoạn hiện nay, để phân biệt rõ chính – tà, thật – giả, đúng chính pháp và không đúng chính pháp trong thế gian trần tục. Con người được sinh ra không mang thân phận của kẻ nô lệ nhưng sự hèn nhát làm cho bản thân trở thành nô lệ của tất cả.

Tác giả: TT.TS.Thích Lệ Quang Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. HT. TS. Thích Trí Quảng, PGS.TS. Võ Văn Sen và TT. TS. Thích Nhật Từ (chủ biên), Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 35 năm hình thành và phát triển, NXB. Hồng Đức, 2016.

2. Nguyễn Như ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành, Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, 2011.

3. Phân viện Nghiên cứu Phật học, Từ điển Phật học Hán – Việt, NXB. Khoa học xã hội, 2012.

4. Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận, NXB. Thành phố. Hồ Chí Minh, 1999.

5. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Tương ương bộ, tập 2, NXB. Tôn giáo, 2013.

CHÚ THÍCH:

[1] Nguyễn Như ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành (2011), Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, tr. 1406.

[2] Nguyễn Như ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành (2011), Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, tr. 614.

[3] Phân viện Nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán – Việt, NXB. Khoa học xã hội, tr.442.

[4] Phân viện Nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán – Việt, NXB. Khoa học xã hội, tr.792.

[5] Trích lời phát biểu của cố HT Thích Trí Thủ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 35 năm hình thành và phát triển, NXB. Hồng Đức, 2016.