Tác giả: TS Nguyễn Văn Anh - Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn - ĐHQGHN
Trần Tâm Như - Sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ
Tóm tắt: Sự kế tục của triều Mạc (1527 – 1592) gợi mở cho vị thế của ba hệ tư tưởng, tôn giáo lớn tồn tại trong xã hội Đại Việt là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Dưới lăng kính di tích, chúng tôi tập trung tái hiện diện mạo của dòng chảy Phật giáo dưới thời Mạc. Qua đó luận bàn về hiện tượng “phục hưng” của Phật giáo dựa trên các chỉ báo được phản ánh từ di tích. Góp phần làm rõ hơn dấu ấn mạnh mẽ của Phật giáo thế kỷ XVI.
Từ khóa: Phật giáo thời Mạc, phục hưng Phật giáo, vị thế, dấu ấn Phật giáo, giá trị, Tam giáo;
Lời mở đầu
Trong quá trình khảo cứu các dữ liệu đầu vào về các di tích trong khung niên đại cai trị của Vương triều Mạc từ năm 1527 – 1592 hay quãng rộng hơn là đến năm 1677, có rất nhiều chùa tháp được trùng tu, xây mới ở giai đoạn này, cụ thể có 133/192 số di tích thống kê được. Xét trong bối cảnh lịch sử - xã hội thời điểm lúc bấy giờ, có một vài nghi vấn đặt ra rằng: Tại sao dưới thời Mạc, chùa lại được trùng tu và xây mới với số lượng lớn như vậy? Đây có phải chăng là những minh chứng phục hưng của Phật giáo sau gần một thế kỷ bị kìm hãm bởi nhà Lê hay không? Nếu phục hưng thì liệu người đương thời đang gây dựng lại điều gì? Bài viết này sẽ tập trung luận bàn về vấn đề trên dưới sự góc nhìn di tích.
1. Khái lược dòng chảy Phật giáo trong tiến trình lịch sử dân tộc
Đạo Phật truyền vào Việt Nam từ khoảng thế kỷ thứ III TCN dưới thời vua Hùng Vương thứ XVIII. Cho tới đầu Công nguyên, thông qua sự viếng thăm của thương gia và nhà sư Ấn Độ tại trung tâm Luy Lâu thuộc vùng Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh, nhờ đó mà nơi đây phát triển trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng.
Thế kỷ X - với những nhà nước quân chủ đầu tiên như nhà Đinh, Tiền Lê cho đến Lý - Trần, Phật giáo đóng vai trò quan trọng. Đại đa số các vua, hoàng tộc ở cả hai thời là Lý và Trần đều tôn sùng đạo Phật như vua Lý Thái Tông - thế hệ thứ 7 của phái Thiền Vô Ngôn Thông, vua Lý Thánh Tông - thế hệ thứ nhất của Thiền phái Thảo Đường (1), vua Trần Thái Tông - tác giả của Khóa hư lục – một nhà Phật học lỗi lạc của thế kỷ XIII (2)… Phật giáo dưới thời Lý - Trần, đặc biệt là dưới sự cai trị của nhà Trần (1226 - 1400) được tạo điều kiện để phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, có sự hình thành của một số thiền phái mới, ví như Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Những chính sách “bảo hộ” của nhà Trần đã biến Phật giáo trở thành một trong những “mảnh ghép” quan trọng của kiến trúc thượng tầng trong xã hội Đại Việt thế kỷ X - XIV.
Cuối thời Trần đầu thời Lê Sơ, Phật giáo có phần suy yếu vì nhiều nguyên do, thực tiễn các giáo lý của đạo Phật mang tính duy tâm chủ quan về mặt nhận thức không còn đủ để giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là phương diện chính trị. Sự thay thế của tư tưởng Nho gia dưới sự cầm quyền của chính quyền Lê Sơ khiến cho những hoạt động của đạo Phật có phần suy giảm về vị thế. Nhưng sự ảnh hưởng của Nho giáo những năm đầu thế kỷ XV là chưa quá sâu, các công trình kiến trúc Phật giáo vẫn được tu sửa, xây mới, ví như dưới đời vua Lê Thái Tông có chùa Thanh Đàm, chùa Chiêu Độ được Đại tư đồ Lê Sát dựng vào năm Minh Tuyên Đức thứ 9 (1435). Tuy nhiên, vào giai đoạn giữa của thế kỷ XV, những chính sách của nhà Lê Sơ đã phần nào kìm hãm sự phát triển của Phật giáo cũng như là Đạo giáo khi một số vị vua triều Lê Sơ cho rằng Phật giáo hay Đạo giáo nói chung là thứ mị dân, là “tà giáo” (3). Dưới sự trị vì của vua Lê Thánh Tông, ông đã ban hành nhiều đạo luật đề cập đến việc xây dựng, tu sửa các ngôi chùa. Ngay từ khi mới lên ngôi, vua Lê Thánh Tông đã ra sắc chỉ cho các xứ, phủ, lộ rằng: "Chùa quán nào không có ngạch cũ thì không được tự tiện làm mới”. Điều 90 trong luật Hồng Đức có quy định “Các chùa chiền quan trong cấm nội nêu tổ chức đàn chay hay cư trú, thì bị biếm một tư. Quan giám đương biết mà dung túng không tâu lên vua thì cũng đồng tội. Không biết thì bị phạt” (4). Điều 289 lại ghi việc tự tiện xây chùa quán, đúc tượng riêng bị xử phạt, điều 301 ghi việc các sư sãi, đạo sĩ đến trú ngụ ở chùa quán hay nhà dân quá 5 ngày mà không trình báo cũng bị xử phạt. Qua một số điều lệ cụ thể trên, có thể thấy được, Phật giáo dưới thời Lê Sơ bị kìm hãm không chỉ trên phương diện vật chất - tức là việc xây dựng, sửa chữa các công trình kiến trúc mà về phương diện tinh thần cũng cho thấy rõ được sự đề cao Nho giáo hơn cả của chính quyền Lê Sơ. Thế kỷ XV chứng kiến sự suy tàn của Phật giáo cung đình và sự “ẩn mình” của Phật giáo dân gian. Tuy nhiên, sự suy yếu của chính quyền Lê Sơ không còn đủ sức để chống đỡ và bảo trợ cho sự phát triển của Nho giáo, tạo điều kiện cho sự trở lại của Phật giáo và Đạo giáo.
Bước sang thế kỷ XVI dưới sự cầm quyền của nhà Mạc (1527 – 1592), dù Nho giáo vẫn được nhà Mạc duy trì và ảnh hưởng tuy nhiên, thực tiễn cho thấy rằng: Sự tranh chấp quyền lực, các cuộc dấy binh liên tục nổ ra ở thế kỷ XVI không ít thì nhiều, đã làm rối loạn những chuẩn mực đạo đức, đảo lộn hệ thống học thuyết của Nho gia trong xã hội, đi kèm với sự điều tiết của chính quyền nhà Mạc trong các hoạt động xây sửa di tích có thể thấy: Nho giáo mất sự “bảo hộ”, “tính chính danh” được tạo dựng bởi nhà Lê Sơ nên có phần suy giảm; Một bộ phận trí thức Nho học và quan lại rơi vào sự bế tắc đương thời đã tìm đến những “bệ đỡ” tinh thần khác, đó có thể là chốn cửa Phật cũng có thể là tư tưởng của Đạo giáo; Cùng với đấy, sức sống âm ỉ của Phật giáo trong đời sống nhân dân trước thực tiễn là cơ hội cho sự quay trở lại và sự hiện diện của các chùa Phật trong làng xã là điều không thể tránh khỏi.
Thế kỷ XVI với những điều kiện khách quan và chủ quan đã kích thích, tạo tiền đề cho sự phát triển, hưng thịnh trở lại của Phật giáo trong xã hội.
2. Hệ thống các di tích thời Mạc (1527 - 1592)
Sau khi xác định vấn đề nghiên cứu và đối chiếu từ các nguồn sử liệu chữ viết. Bài nghiên cứu tiến hành “định vị” các thuật ngữ, tiêu chí liên quan được sử dụng xuyên suốt tạo nên những cơ sở bước đầu cho việc “nhận diện” di tích thời Mạc.
2.1. Loại hình di tích
Di tích thời Mạc được xác định là những di tích đáp ứng các tiêu chí cốt lõi sau: Thứ nhất, các di tích ấy có dấu tích được trùng tu, xây dựng nằm trong khung niên đại tồn tại của nhà Mạc tại Kinh thành Thăng Long (1527 - 1592) và quãng rộng hơn là thời điểm nhà Mạc rút lên Cao Bằng cho đến năm 1677; Thứ hai, các di tích ấy có sự ghi nhận của nguồn sử liệu mang niên hiệu Mạc như tư liệu văn bia; Thứ ba, dựa trên kết quả về các đặc trưng mỹ thuật, đặc trưng di tích, di vật còn lại hiện nay, các nhà nghiên cứu đi trước xác định rằng đấy là những dấu ấn của nhà Mạc còn để lại trên di tích dưới thời đại mình.
Qua đó, chúng tôi tiến hành tổng hợp, thống kê và phân loại được 192 di tích dựa trên các công trình nghiên cứu, các báo cáo của các học giả, các cơ quan liên đới. 192 di tích được xác nhận là di tích thời Mạc phân bố với mật độ khác nhau qua từng giai đoạn với nhiều loại hình. Những thống kê bước đầu của bài nghiên cứu đã tạo điều kiện cho chúng tôi thiết lập nên hệ thống các bản đồ số cùng với các trường thông tin di tích được sắp xếp và quản lý theo từng lớp di tích cụ thể qua đó cung cấp cho các học giả quan tâm một nguồn tư liệu trực quan trong công tác nghiên cứu.
Theo đó, các di tích thời Mạc được phân bổ đa dạng với nhiều loại hình kiến trúc khác nhau như chùa, đạo quán, đình, đền, miếu, thành lũy,…
2.2 Vị trí phân bố của chùa
Dựa trên đối tượng nghiên cứu của bài viết này “Sự phục hưng của Phật giáo thời Mạc (1527 - 1592)”. Chúng tôi sẽ tập trung xem xét loại hình “chùa” là chủ yếu nhằm làm rõ các vấn đề liên quan.
Về vị trí phân bố, chùa thời Mạc không nằm ngoài dòng chảy truyền thống của dân tộc. Các chùa thời Mạc đại đa số nằm trên các vùng đất rộng lớn, có thế phong thủy đẹp như “tựa sơn vọng thủy”, “long chầu hổ phục”,… Từ công tác đánh điểm di tích trên bản đồ, có thể đưa ra một số nhận định sau về sự phân bố của chùa dưới thời Mạc. Chùa dưới thời Mạc tập trung chủ yếu tại một số vùng như sau: Tam giác châu thổ sông Hồng; Dọc lưu vực các dòng sông lớn như sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Đuống…; Một số ít ngôi chùa tọa lạc ở vùng biên giới Đông Bắc.
Về mật độ phân bố thì chùa dưới thời Mạc phân bố dày nhất tại những khu vực nhà Mạc thiết lập sự kiểm soát quyền lực chặt chẽ của mình, đấy chính là khu vực tam giác châu thổ sông Hồng - tức trung tâm Kinh thành Thăng Long cùng với địa bàn xứ Đông xưa - quê hương của nhà Mạc; dọc lưu vực các dòng sông lớn đặc biệt là sông Hồng và sông Đáy - những di tích ở các khu vực này đại đa số là các di tích được trùng tu vì lý do chiến tranh; thưa tại những khu vực ngoài trung tâm, ví như từ Ninh Bình trở xuống bởi sự xác lập của chính quyền Nam triều là vua Lê - chúa Trịnh tại khu vực này hay ở khu vực phía Bắc.
2.3. Quy mô chùa
Các ngôi chùa dưới thời Mạc đại đa số là chùa bé. Tuy vậy, cũng có không ít chùa được trùng tu, xây dựng lớn nhờ sự đóng góp tiền của của các thành viên hoàng tộc nhà Mạc. Những ngôi chùa lớn thường hiện diện tại những nơi có sự kiểm soát mạnh mẽ, tập trung của nhà Mạc như địa bàn xứ Đông - Hải Dương, Hải Phòng - quê hương của nhà Mạc. Một số chùa lớn được trùng tu, xây dựng có thể kể đến như chùa Nhân Trai (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), chùa Trà Phương (huyện
Kiến Thụy, TP Hải Phòng), chùa Du Lễ (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), chùa Cập Nhất (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), chùa Đại Bi (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)…
Điểm qua một số di tích, có thể khẳng định với những giá trị văn hóa – lịch sử chứa đựng, các ngôi chùa không đơn giản là nơi thực hành nghi lễ của Phật giáo mà còn là kênh thông tin chứa đựng các giá trị nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc… đặc trưng cho những giai đoạn lịch sử nhất định. Chính vì vậy, bản thân các di tích chính là sự phản ánh đặc sắc nhất cho sự kết nối giữa tôn giáo và nghệ thuật mà ở đây chính là mối liên kết giữa Phật giáo và nghệ thuật thể hiện của Phật giáo trên bình diện di tích. Những biến cố của lịch sử dưới thời Lê Sơ khiến Phật giáo cùng những ngôi chùa Phật mất đi vị thế trong xã hội. Vậy điều gì đã khiến Phật giáo khôi phục dưới thời Mạc? Đây chính là vấn đề trọng tâm cần luận giải.
3. Vương triều Mạc và Phật giáo
3.1. Chỉ báo của phục hưng
Trong tổng số các di tích kiến trúc có dấu ấn được xây dựng, sửa chữa dưới thời Mạc thì loại hình “chùa” chiếm số lượng áp đảo hơn cả. Hệ thống các chùa Phật được trùng tu, xây dựng dưới thời Mạc chiếm tỉ lệ 69,3% - tổng các chùa xây dựng và tu sửa dưới thờ Mạc gồm 133/192 di tích, chiếm hơn 2/3 tổng số các di tích được thống kê. Các loại hình khác phân bổ trong 59 di tích được thống kê với tỉ lệ đình với 17 di tích, quán đạo với 9 di tích, thành lũy với 7 di tích, các loại hình khác như đền, văn chỉ, văn miếu, … tương ứng với 26 di tích.
Tuy sự thống kê này chưa đầy đủ nhưng với sự phân loại có hệ thống đã bước đầu phác thảo nên diện mạo của Phật giáo dưới thời Mạc. Dựa trên biểu đồ 2, nghi vấn đặt ra cho sự quay trở lại của Phật giáo rất rõ ràng. Sự hiện diện của 133 ngôi chùa Phật dưới thời Mạc ở thế kỷ XVI - sau một thế kỷ độc tôn Nho giáo của chính quyền Lê Sơ (1428 - 1527) chính là chỉ báo rõ ràng nhất cho sự phục hưng của Phật giáo trong làng xã cũng như trong triều đình nhà Mạc.
3.2. Tiền đề Phật giáo “tái sinh”
Sự suy giảm về vị thế của Nho giáo gắn với sự sụp đổ của chính quyền Lê Sơ.
Cuối thế kỷ XV, vương triều Lê có những biến động lớn khi vua Lê Thánh Tông mất, sự kế tục của Lê Hiến Tông đã giữ cho Đại Việt sự thịnh trị cho đến đầu thế kỷ XVI. Tuy nhiên, vào những năm cuối trong thời gian trị vì của mình, Hiến Tông càng ngày càng sa sút, xao nhãng việc triều chính, đến năm 1504 “tháng 5, ngày 23, vua vì ham nữ sắc, bị bệnh nặng” (5) băng hà, sự suy tàn của nhà Lê bắt đầu từ đây. Vua Lê Túc Tông lên ngôi chưa tròn một năm “thọ 17 tuổi thì băng” (6). Lê Uy Mục kế vị, ông ngày đêm “cùng cung nhân vui đùa uống rượu vô độ, khi rượu say liền giết cả cung nhân” (7), đắm chìm trong thói hư loạn lạc, “nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tông thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành” (8) khiến trăm dân trăm họ oán hận. Tính khí hung ác của ông khiến một sứ thần Trung Quốc đã phải gọi ông là “vua quỷ”, điềm nguy của nhà Lê trước sự suy tàn xuất hiện từ đây. Đến năm 1509, Lê Uy Mục bị người trong hoàng tộc hợp sức ám hại, đến ngày mồng 1 tháng 12, “vua uống thuốc độc tự tử” (9). Dưới sự phò tá của nhóm Nguyễn Văn Lang và tôn thất nhà Lê ở Thanh Hóa, Lê Tương Dực lên nắmvương quyền, thuở ban đầu lên ngôi, Lê Tương Dực cũng ban hành giáo hoá, thận trọng hình phạt, quan tâm việc tạo dựng một xã hội thịnh đạt, minh chứng cho điều này là sau khi ông nghe được 14 Kế sách trị bình hay còn gọi là Trị bình Thập tứ sách do Tả thị lang bộ lại Lương Đắc Bằng dâng lên được Lê Tương Dực nghe theo. Ông sắp xếp, gia phong, đặt lại một số chức tước, đặt các ty, các bộ chuyên trách quản lý đất nước, ban sách Trị bình bảo phạm (khuôn phép quý báu về việc trị bình) ban hành trong cả nước, sai Nguyễn Văn Lang trùng tu Quốc tử giám với mục đích muốn phục dựng “quy mô cơ nghiệp của Thái Tổ, mở rộng nền văn giáo thịnh trị của Thánh Tông” (10), làm một vị minh quân đương thời.
Tuy nhiên, càng về giai đoạn sau Lê Tương Dực càng sa đọa, ông dùng quyền lực như là công cụ để thỏa mãn thú tính của bản thân mình, “hoang dâm vô độ”, sai bọn nữ sử trần truồng chèo thuyền cho mình đi du ngoạn Hồ Tây. Lệnh Vũ Như Tô dùng tiền của và sức dân làm điện Cửu Trùng đài trước điện đào hồ thông với sông Tô Lịch dẫn nước vào cho vua dùng thuyền du ngoạn, sở thích quái dị, gây lầm than, khốn khổ, chết chóc cho dân chúng.
Quan lại được thế lại càng ra sức ngược đãi, vơ vét sức và lực của nhân dân. Sự suy đồi của Chính quyền Trung ương càng là tiền đề cho sự thay thế của các thế lực khác, đến năm 1516, quận công Trịnh Duy Sản sau nhiều lần can ngăn trái lệnh vua, bị đánh mới cùng với Lê Quảng Độ và Trình Chí Sâm mưu việc phế vua, phao tin giặc đến rồi sai vũ sĩ tên Hạnh cầm giáo đâm vua ngã ngựa rồi giết chết. Sau đấy, tin Duy Sản thích nghịch giết vua đến tai An Hoà hầu Nguyễn Hoằng Dụ, ông đưa quân về đốt phá kinh thành nhân lúc Trịnh Duy Sản cùng các cựu tông thất, đại thần đang cùng nhau đón con trưởng của Cẩm Giang Vương Sừng tên là Y lập lên làm vua (tức vua Lê Chiêu Tông).
Tình thế rất hỗn loạn nhất là sau khi Trịnh Duy Sản mất, các cuộc tranh chấp giữa Hoằng Dụ, Trịnh Tuy, Trần Chân liên tục diễn ra. Trước tình cảnh loạn lạc Lê Chiêu Tông sau đấy là Lê Cung Hoàng không đủ sức và lực để chống đỡ nổi, sai Nguyễn Công Độ và Mạc Đăng Dung đem quân đi dẹp loạn. Bằng tài năng của mình, Mạc Đăng Dung từng bước xây dựng lực lượng và quyền lực đương thời dần thuộc về Mạc Đăng Dung. Sự suy yếu của nhà Lê và bộ máy chính quyền của nhà Lê đến đây đã bộc lộ rõ, cuộc khủng hoảng chính trị ấy tạo ra một “khoảng trống” quyền lực như một hệ quả tất yếu, cơ hội thiết lập một vương triều mới đã và đang mở ra. Bên cạnh sự khủng hoảng của thiết chế chính trị cuối Lê Sơ và sự tranh chấp quyền lực bao trùm hai thập niên đầu thế kỷ XVI, bộ máy quan lại dựa trên những đặc lợi, chức quyền được nhà Lê Sơ ban cho đã hết sức tập trung chiếm cứ ruộng đất, chia bè lập phái tranh giành ảnh hưởng. Không những vậy, khoảng thời gian này còn là sự nổi dậy của các cuộc khởi nghĩa nông dân và sự tập trung của các tai biến thiên nhiên là tình thế mà nhân dân Đại Việt phải đối diện. Năm 1527 được sự ủng hộ của “thần dân trong kinh” Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào kinh, bắt vua phải nhường ngôi, bảo Đông các Đại học sĩ Đạo Nguyên bá Nguyễn Văn Thái “mượn lời” vua Lê thảo chiếu nhường ngôi, đọc chiếu và nhà Mạc được thành lập. Chính thời điểm chuyển giao quyền lực của lịch sử cùng với khoảng trống vị thế mà Nho giáo đã thất thế ấy đã mở ra những điều kiện bước đầu cho Phật giáo xác lập lại chỗ đứng, sau ngót hơn một thế kỷ “ẩn mình”.
Hoạt động bình ổn đất nước và nền tảng kinh tế nhà Mạc gây dựng nên.
Sau khi xác lập nên vương triều Mạc, Mạc Đăng Dung bắt đầu có những hành động đầu tiên trong công tác tái thiết lại xã hội. Về cơ tầng chính trị, các vị trí quan lại, bộ máy nhà nước nhà Mạc vẫn giữ và áp theo chế độ đã được kiện toàn của thời Lê Sơ. Để nhanh chóng ổn định triều chính Mạc Đăng Dung cho chấn chỉnh “binh chế, điền chế, lộc chế”, cho tổ chức khoa thi Nho học đầu tiên vào năm 1529. Về quân sự, ông cho chấn chỉnh lại quân đội, xây dựng mô hình tập quyền quân sự thường trực, tăng cường lực lượng quan quân để bảo vệ kinh thành Thăng Long cùng các hoàng tộc nhà Mạc, liên tục có những ưu đãi quân sĩ. Còn về phương diện kinh tế, nhằm xây dựng và bảo đảm nguồn an ninh lương thực trong nhân dân, ông truyền lệnh “không được mang gươm giáo, dao nhọn khi đi đường…trộm cướp biệt tăm…mấy năm liền được mùa, nhân dân tứ trấn đều được yên ổn”. Với nhà Minh, Mạc Đăng Dung ông cắt đất hai châu Quy, Thuận cùng nhiều vàng bạc khác để “yên” bờ cõi, tạo điều kiện bang giao. Nội ngoại trong ngoài dần đi vào trạng thái bình ổn. Các chính sách ấy nhanh chóng đi vào thực tiễn và đã thiết lập nên một xã hội ổn định cho việc kích thích, phát triển kinh tế, tạo nên sự ổn định về nền tảng vật chất. Điều này được ghi nhận rất rõ từ nhiều nguồn sử liệu khác nhau từ các nguồn sử liệu chữ viết cho đến các chứng cứ vật thực. Dưới thời Mạc đã từng được ghi nhận về một giai đoạn “… người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên” (11). Mạng lưới giao thương được mở rộng không chỉ phạm vi trong nước mà còn có sự hiện diện của các thương nhân nước ngoài khác ngoài Trung Quốc như Diogo Silves - Bồ Đào Nha, Matsura Takanobu - Nhật Bản,… cùng rất nhiều thương nhân ngoại quốc khác. Chính sự ổn định về kinh tế là tiền đề vật chất quan trọng trong công tác tu sửa, xây dựng chùa nói riêng và các công trình tôn giáo tín ngưỡng khác nói chung.
Sự leo thang của Cục diện chiến tranh Nam - Bắc triều.
Cục diện chiến tranh Nam - Bắc triều hình dung đơn giản là hệ quả tất yếu của chuỗi mâu thuẫn vốn nảy nở từ lúc Mạc Đăng Dung án ngôi nhà Lê, sự thiết lập của vương triều Mạc đã gây phẫn nộ cho một bộ phận quan lại, triều thần và hậu duệ của nhà Lê, đứng đầu là Lê Ý - một quý tộc triều Lê Sơ. Sau sự suy tàn của nhà Lê Sơ ở kinh thành Thăng Long, ông cùng một số quan lại, bề tôi của nhà Lê rút chạy về Thanh Hóa, sau lại hội quân cùng đứng dậy chống lại sự cầm quyền của nhà Mạc vào năm 1530. Sang năm sau thì Lê Ý bị giết trong một trận giao chiến giữa nhà Mạc và nhà Lê, liên tục từ những năm 1532 - 1540 tập đoàn các cựu thần nhà Lê liên tiếp chiêu mộ quân binh, đứng lên kháng lại nhà Mạc, cùng với đó là sự hỗ trợ của vua Ai Lao là vua Sạ Đẩu, đầu năm 1532, Nguyễn Kim cùng các quan thần cũ nhà Lê tôn một trong số những người con của Lê Chiêu Tông lên làm vua, tập hợp các trung thần nhà Lê lập nên một chính quyền mới ở Thanh Hóa. Như vậy, với sự hình thành của chính quyền mới của nhà Lê ở vùng Thanh Hóa tồn tại song song với chính quyền của nhà Mạc ở Thăng Long, sử cũ gọi là Nam triều - tức chính quyền của nhà Lê Trung hưng (hay là thế lực Lê - Trịnh về sau) song hành với đấy là Bắc triều (tức vương triều Mạc) để phân biệt. Chính quyền hai thế lực đã hình thành, mở đầu cho chuỗi những giao tranh từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam suốt từ thế kỷ XVI – XVII. Và sự xung đột này càng ngày càng căng thẳng gây nên sự mất ổn định trong xã hội, chết chóc liên miên, nhà cửa tan hoang trước mồi lửa binh đao, các chùa Phật bị đổ nát, hư hỏng nghiêm trọng, nhân dân thiếu thốn về chỗ dựa tinh thần. Đây chính là “chất xúc tác” quan trọng trong quần chúng nhằm mở đất cho sự nở rộ của Phật giáo.
Sự “bảo trợ” của triều đình nhà Mạc đối với Phật giáo.
Khác với nhà Lê Sơ, nhà Mạc không quá độc tôn Nho giáo và có phần khuyến khích cho sự phát triển của Phật giáo và Đạo giáo hơn. Luận về điều này có nhiều nguyên do cần đề cập. Đầu tiên là xuất thân của nhà Mạc, cụ thể là xuất thân của ông tổ sáng lập nên vương triều Mạc - tức Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung vốn xuất thân từ làng biển Cổ Trai, là dân hàng chài, đánh cá. Vốn dĩ hệ tư tưởng của Nho gia là những triết lý, đạo học chữ phù hợp hơn cho kẻ sĩ Nho học và những đối tượng như dân buôn, dân biển hay dân du mục vốn là những đối tượng “ngoài rìa” khó tiếp nhận được hệ thống triết lý của Nho giáo. Xét về đặc tính thì nhà Mạc là dân biển, ở họ là sự hoạt náo, mạnh mẽ và linh động. Đối lập tương đối với sự nho nhã của kẻ sĩ Nho học. Tiếp đến, xét bối cảnh thực tiễn khi nhà Mạc “tiếp nhận” Đại Việt từ nhà Lê Sơ. Để tiếp tục phát triển bộ máy Nho trị của nhà Lê Sơ đòi hỏi nguồn nhân lực và vật lực với yêu cầu rất cao. Nhà Mạc tuy có kế thừa và duy trì bộ máy được kiện toàn từ thời Lê Sơ nhưng về lâu về dài là một thách thức rất lớn. Chính vì thế, xuyên suốt thời gian cai trị của vương triều mình, nhà Mạc vẫn tiếp tục duy trì những điển chế Nho giáo. Tuy nhiên, càng về giai đoạn sau, cùng với những điều kiện sẵn có, Phật giáo càng được nhà Mạc ưa chuộng và khuyến khích phát triển, nhất là dưới đời vua thứ năm của nhà Mạc - tức Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592) với hơn 112 lượt tu bổ, xây dựng chùa Phật.
Hoạt động trùng tu, xâydựng chùadiễn radưới thời Mạc có sự công đức mạnh mẽ của hoàng tộc nhà Mạc cho đến rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Dựa trên thống kê của nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân, “có hơn 100 thành viên trong hoàng tộc và các đại thần của triều đình nhà Mạc đã tham gia xây dựng và tu bổ chùa Phật” (12), tiêu biểu có thể liệt kê một số vị như bà Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, Hoàng Thái hậu họ Phan, Đà Quốc Công Mạc Ngọc Liễn, công chúa Mạc Ngọc Lâm, quận chúa Mạc Ngọc Lương… qua tư liệu bia ký của một số ngôi chùa như chùa Thiên Phúc (Hải Phòng), chùa Phượng Tường (Vĩnh Phúc), chùa Thiên Hựu (Hải Dương), chùa Bão Phúc (Quảng Ninh),…
Sức sống âm ỉ của Phật giáo trước sự biến thiên của lịch sử cùng với đó là khát vọng tìm về chốn cửa Phật của quần chúng nhân dân.
Hơn bất cứ thành tố nào, để làn sóng phục hưng này diễn ra mạnh mẽ trong dân gian như vậy thì vai trò của quần chúng nhân dân là vô cùng to lớn. Với những điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của thế kỷ XVI cùng với sự quan tâm của nhà Mạc, quần chúng nhân dân đã khởi xướng và “thổi bùng” lên ngọn lửa Phật giáo trong nhân dân. Minh chứng rõ ràng nhất là mật độ chùa được xây dựng, tu sửa hết sức dày đặc trong một không gian địa lý nhất định.
Thế kỷ XI - XIV chứng kiến sự rực rỡ của Phật giáo với vai trò là Quốc giáo trong cơ tầng xã hội thời Lý – Trần. Thế kỷ XV với sự cai trị của chính quyền Lê Sơ, Phật giáo lui về dân gian với sự thống trị của Nho giáo. Đến thế kỷ XVI với sự cai trị của nhà Mạc đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sự hưng thịnh trở lại của Phật giáo: Sự suy yếu của Nho giáo tạo nên sự khuyết thiếu về vị thế đặt ra yêu cầu cần có một thành tố, một bệ đỡ khác bù đắp khoảng trống ấy; trên phương diện vật chất có sự đảm bảo về mặt kinh tế; về chính sách thì Phật giáo lại có sự “bảo trợ” của vương triều Mạc; về tinh thần thì nhân dân có nhu cầu tìm về Phật giáo bởi chính hạt nhân tư tưởng vì con người của giáo lý nhà Phật.
3.3. Dấu ấn của sự phục hưng
Hệ thống chùa tháp Phật giáo được chú trọng sửa chữa. Theo nguồn sử liệu bia ký phản ánh, thời điểm sự cai trị của nhà Mạc đã có rất nhiều chùa tháp Phật giáo được nhân dân và chính quyền quân chủ trùng tu, xây dựng. Vì nhiều lý do, sự hư hại của hàng loạt ngôi chùa diễn ra nhanh chóng. Nhiều chùa được sửa chữa bởi chính nhân dân và hoàng tộc nhà Mạc còn lưu lại vết tích như chùa Trà Phương (Hải Phòng), chùa An Đồng (Thái Bình), chùa Nhân Trai (Hải Phòng), chùa Phúc Linh (Hải Phòng), chùa Trung Hành (Hải Phòng), chùa Nghiêm Khánh (Ninh Bình), chùa Tam Giáo (Hà Nội), chùa Bảo Lâm (Hải Dương),… Các ngôi chùa lớn thời Lý - Trần cũng được xây sửa dưới giai đoạn này ví như chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Bà Đanh (Hải Phòng), … Và rất nhanh chóng hiện tượng trùng tu ấy lan rộng trên khắp địa bàn trung tâm Thăng Long và vùng Dương Kinh, tạo nên những dải di tích có mật độ tập trung cao với sự kiểm soát quyền lực mạnh mẽ của Vương triều Mạc.
Phật giáo giai đoạn này mang âm hưởng dân gian và dung hợp trong không gian của các tư tưởng, tôn giáo khác như Đạo giáo, Nho giáo, tín ngưỡng dân gian. Ở giai đoạn trước khi ẩn mình, Phật giáo chứng kiến những công trình đồ sộ với sự tham gia của chính quyền quân chủ Lý - Trần, đến giai đoạn này, Phật giáo nở rộ trong nhân dân. Sự nở rộ ấy tập trung về mặt số lượng di tích và tỷ lệ các ngôi chùa mang ảnh hưởng làng xã mạnh mẽ hơn. Trong ban thờ của chùa Phật có sự hiện diện của Nho giáo như tượng Khổng Tử, Lão Tử hay Đạo giáo, tín ngường thờ Mẫu với các bộ tượng Tam thánh, tượng Mẫu,…
Các công trình Phật giáo được sửa chữa giai đoạn này chủ yếu được tu sửa bộ phận chứ không phải toàn thể di tích. Vết tích tu sửa tập trung vào các cấu trúc quan trọng bị hư hỏng nặng như Tam quan, Tam bảo, Thượng điện, thiêu hương, gác chuông… Đặc tính trùng tu chùa trong nhân dân – trùng tu từng chi tiết và trên diện rộng nhiều di tích.
Tại các di tích khảo sát, nội dung người dân Đại Việt thế kỷ XVI quan tâm hầu hết trong một công trình Phật giáo ấy chính là sự hiện diện của tượng Phật tại di tích. Việc tô lại các bức tượng và đặt lại tượng mới được đề cập song hành với việc trùng tu các ngôi chùa, nhấn mạnh cho tư tưởng “chư Phật cứu độ chúng sinh” trong nhân dân. Minh chứng ghi nhận cho tư tưởng này thể hiện rất rõ ở các văn khắc bia ký tại các chùa thời Mạc.
Kết luận
Những phác thảo trên cho phép chúng ta hình dung về một Phật giáo thời Mạc với một vị thế rất riêng trong tiến trình lịch sử - văn hóa dân tộc.
Tác giả: TS Nguyễn Văn Anh - Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn - ĐHQGHN
Trần Tâm Như - Sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ
***
CHÚ THÍCH:
(1) Trần Đăng Sinh - Đào Đức Doãn, 2014, Giáo trình Tôn giáo học đại cương, Nxb. Đại học Sư phạm, tr. 65
(2) Nt
(3) Nguyễn Thế Hùng, 2000, Quán Đạo giáo ở Hà Tây, tr. 68.
(4) Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Văn Tài (Phiên dịch, hiệu đính), 1997, Lê triều hình luật (Luật Hồng Đức), Nxb. Văn Hóa, tr. 78
(5) Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 1998, Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 34.
(6) Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 1998, Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, Sđd, tr. 35.
(7) Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 1998, Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, Sđd, tr. 45.
(8) Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 1998, Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, Sđd, tr. 38.
(9) Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 1998, Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, Sđd, tr. 60.
(10) Bài ký của Đỗ Nhạc trong văn bia soạn năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) ghi việc dựng bia Tiến sĩ khoa thi Ất Sửu, Mậu Thìn tại Quốc tử giám.
(11) Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 1998, Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, Sđd, tr. 115.
(12) Đinh Khắc Thuân, 2020, “Đặc trưng Phật giáo thời Mạc qua các văn bia cùng thời” - Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Phật giáo thời Mạc, Nxb. Hải Phòng, tr. 75.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội - Hội Sử học Việt Nam - Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội (2015), Vương triều Mạc với sự nghiệp canh tân đất nước, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Bảo tàng tỉnh Nam Định - Vũ Đại An (2008), Di tích Lịch sử văn hóa tỉnh Nam Định, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
3. Đinh Khắc Thuân (2021), Văn bia Hán Nôm thời Mạc - tư liệu và khảo cứu, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (2013), Chùa cổ Hải Phòng, NXB Hải Phòng, Hải Phòng.
5. Lê Quý Đôn (2007), Đại Việt thông sử (bản dịch), NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
6. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, tập II, Hà Nội.
7. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, tập III, Hà Nội.
8. Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân (1993), Mỹ thuật thời Mạc, NXB Viện Mỹ Thuật, Hà Nội.
9. Nguyễn Thế Hùng (2002), LA - TS Quán Đạo giáo ở Hà Tây, Nguồn: Thư viện khoa Lịch sử, Hà Nội.
10. Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Văn Tài (phiên dịch, hiệu đính), Lê triều Hình luật, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
11. Trần Đăng Sinh - Đào Đức Doãn, 2014, Giáo trình Tôn giáo học đại cương, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
12. Trần Thị Vinh (2016), Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
13. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (2001), Đại cương lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
14. Vũ Minh Giang (2021), Lịch sử Hải Phòng, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, tập III, Hà Nội.
Bình luận (0)