Với hơn 65 triệu người sử dụng tại Việt Nam và hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới, từ một không gian ảo, mạng xã hội (MXH) đã tạo ra những tác động thật vào đời sống, thay đổi hàng loạt cách ứng xử truyền thống, làm phát sinh nhiều cơ hội cũng như thách thức, hệ lụy.
Tác động này cũng xảy ra đối với cả các tôn giáo, trong đó có đạo Phật. Cơ hội và phương tiện để truyền bá, hoằng pháp được mở ra; nhưng do những điều chỉnh chưa bắt kịp tốc độ bùng nổ và luôn thay đổi của công nghệ đã kéo theo những xáo trộn, rối loạn trong truyền thông, ngộ nhận về giá trị, đáng quan tâm hơn là tình trạng phân hóa tín đồ theo xu hướng co cụm thành các nhóm nhỏ.
Phật giáo đang hiện diện như thế nào trên mạng xã hội? Năm ngoái, ông Nguyễn Thanh Lâm, lúc bấy giờ là Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Điện tử (nay là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), trong đợt tập huấn về thông tin - truyền thông Phật giáo toàn quốc tại Long An, cho biết một thực tế là thông tin tiêu cực liên quan tới Tăng Ni đang áp đảo các thông tin về thuyết giảng, hoạt động Phật sự của Giáo hội trên hệ sinh thái mạng xã hội.
Qua thăm dò cá nhân của người viết với đối tượng là các Tăng Ni ở một vài trường Phật học, việc tham gia và sử dụng MXH của các Tăng Ni trẻ khá phổ biến, nhằm những mục đích cá nhân, tùy ý thích mỗi người. Cho tới nay, ngoài một vài buổi thuyết trình dụng ý cảnh báo và hướng dẫn, tình trạng ứng xử trên mạng xã hội đang bị thả nổi, phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức cá nhân của Tăng Ni.
Cổng chùa, tu viện đóng và mở theo thanh quy, nhưng với thời đại hôm nay, qua chiếc điện thoại, máy tính có kết nối internet, cánh cửa xã hội mở toang bất kể thời giờ, xóa bỏ mọi ranh giới.
Cũng do thiếu tổ chức, định hướng nên mạng xã hội đã trở thành môi trường cho những người bạo miệng tung hoành, tạo dựng lực lượng “hâm mộ”, đặc biệt trong số đó, có cả những cá nhân giữ vai trò và trọng trách trong tổ chức Giáo hội. Từ đó dẫn đến những cái nhìn tiêu cực về Tăng Ni, rộng ra là Giáo hội và Phật giáo.
Theo nghiên cứu xã hội học, mạng xã hội có khả năng gây nghiện vì nó nuông chiều cảm xúc bản năng của con người. Do đó, đôi khi do hồn nhiên thiếu hiểu biết, không ít Tăng Ni trẻ đã sử dụng mạng xã hội một cách thiếu kiểm soát, để lại hệ lụy không chỉ cho cá nhân ấy mà còn cho cả Tăng đoàn.
Vài năm trở lại đây, đã có những phản ánh, phát biểu từ nhiều phía về tình trạng nêu trên nhưng dường như vấn đề vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức. Giáo hội đã xây dựng và ra mắt mạng xã hội Butta.vn dành cho người Phật tử, nhưng chưa thu hút được người dùng là Tăng Ni và tín đồ Phật giáo.
Cổng chùa, tu viện đóng và mở theo thanh quy, nhưng với thời đại hôm nay, qua chiếc điện thoại, máy tính có kết nối internet, cánh cửa xã hội mở toang bất kể thời giờ, xóa bỏ mọi ranh giới. Trong thế giới ảo mà thực ấy, hết thảy mọi người, kể cả Tăng Ni, có thể tham dự, bộc lộ quan điểm, cảm xúc trước bất cứ điều gì, và nếu thiếu đi ý thức, sự tự kiểm soát, chắc chắn sẽ để lại những hệ lụy khó lường.
Kết luận trong báo cáo tại Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2020 dành cho các tỉnh, thành phố phía Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự đã nhận định, rằng chúng ta cần hết sức nghiêm túc tự nhìn nhận, vượt lên mọi ngụy biện để xây dựng niềm tin và hình ảnh của GHPGVN.
Trong tinh thần đó, mong rằng vấn đề này sẽ được Giáo hội, cụ thể là ngành Tăng sự quan tâm để nhìn nhận thẳng thắn, đề ra bộ quy chuẩn dành cho Tăng Ni, theo đó định hướng cho cách ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với oai nghi của người xuất gia mà giới và luật truyền thống đã có quy định cụ thể, rõ ràng.
Thích Tâm Hải/Báo Giác Ngộ (2020)
Bình luận (0)