Ban Trị sự xã phải nghiêm chỉnh chấp hành bản Quy chế này. Quy chế này gồm 04 chương, 10 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, có thể tu chỉnh, sửa đổi sau 01 nhiệm kỳ thực hiện.
QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 229/QĐ-BTSTƯ ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo)
Căn cứ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đã được thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo Hòa Hảo cấp toàn đạo lần V, ngày 04, 05 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Công văn số: 736/TGCP-TGK và Công văn số: 737/TGCP-TGK ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc chấp thuận Hiến chương giáo hội và nhân sự suy cử vào Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo nhiệm kỳ V (2019-2024),
Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo ban hành Quy chế làm việc của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã, phường, thị trấn như sau:
CHƯƠNG I - CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã, phường, thị trấn (từ đây gọi tắt là Ban Trị sự xã) là tổ chức cấp cơ sở của đạo, đại diện cho tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tại xã, quan hệ chặt chẽ với chính quyền Mặt trận Tổ quốc địa phương trong việc tổ chức các hoạt động đạo sự; đồng thời hướng dẫn tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong xã sinh hoạt tôn giáo theo đúng giáo lý, giáo luật, Hiến chương và Pháp luật của nhà nước.
Điều 2. Ban Trị sự xã có nhiệm vụ:
1. Hướng dẫn, quan tâm chăm sóc nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của đồng đạo.
2. Tổ chức và động viên tín đồ tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch đạo sự của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương, Văn phòng, các ban chuyên ngành và Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố truyền đến trong phạm vi mình phụ trách.
3. Xin ý kiến và báo cáo với Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố và Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo các hoạt động trong xã.
4. Thống kê tín đồ, lập sổ đạo, nắm số lượng, tình hình sinh hoạt tín ngưỡng và đời sống của tín đồ trong xã, vận động đồng đạo thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực sống theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”.
5. Vận động tín đồ tích cực tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội, các hoạt động công ích, công trình phúc lợi xã hội; tương trợ trong quan, hôn, tang, tế và đời sống, sản xuất do tổ chức của đạo hoặc chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phát động.
Điều 3. Ban Trị sự xã có quyền:
1. Thay mặt tín đồ quan hệ với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể để giải quyết các công việc có liên quan đến hoạt động đạo sự trong xã.
2. Phân công, phân nhiệm cụ thể các Trị sự viên thực hiện đạo sự tại xã theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và những quy định tại bản Quy chế này.
3. Ban Trị sự cấp cơ sở được thành lập mới có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã. Đối với các Ban Trị sự cơ sở đã có thông báo bằng văn bản về danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm rồi, khi phát sinh hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đã thông báo thì người đại diện tổ chức có trách nhiệm thông báo bổ sung theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
4. Trực tiếp quản lý chùa Phật giáo Hòa Hảo đã được Nhà nước công nhận sau khi được Ban Trị sự Trung ương ủy quyền hoặc giáo sản khác của đạo (trừ trường hợp chùa được đặt trụ sở làm việc của Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố thì do Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố quản lý). Duyệt thu - chi tài chính và quản lý tốt tài sản, giáo sản trong phạm vi phụ trách đúng quy định của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.
5. Chọn nhân sự đề nghị Ban Trị sự Trung ương bổ nhiệm Ban Quản tự đối với xã có chùa.
6. Giới thiệu, đề bạt tín đồ có tài đức cho tổ chức đạo để bổ sung, dự nguồn nhân sự; đề nghị Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xét và tuyên dương công đức những người có công hoặc đề xuất kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm luật đạo; Hòa giải tranh chấp trong nội bộ đạo.
7. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp nội bộ, hội nghị và tổ chức các Đại lễ của đạo.
CHƯƠNG II - CƠ CẤU TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA TỪNG TRỊ SỰ VIÊN
Điều 4.
Ban Trị sự xã do Đại hội đại biểu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo xã suy cử, có tư cách pháp nhân và có con dấu riêng, là thành viên của khối Đại đoàn kết dân tộc ở xã. Nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Ban Trị sự Trung ương, có từ 03 đến 09 Trị sự viên, gồm các chức danh: Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Thư ký và Trị sự viên cơ sở; tùy theo điều kiện và xét năng lực, Ban Trị sự xã phân công các Trị sự viên cơ sở phụ trách chuyên ngành như: Từ thiện - xã hội, Phổ truyền giáo lý, Tài chính, Kiểm soát, Tiếp tân, Khánh tiết,…
Điều 5. Các Trị sự viên Ban Trị sự xã được phân công các chức danh có nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Ban Trị sự Trung ương và Ban Trị sự cấp mình; thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 1, Điều 2 và Điều 3 của Quy chế này.
2. Phó Trưởng ban giúp Trưởng ban điều hành các việc chung của đạo và thực hiện các đạo sự chuyên ngành do Ban Trị sự cấp mình phân công.
3. Thư ký chịu trách nhiệm soạn thảo văn bản trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm; phụ trách hành chính, quản trị của Ban và quản lý con dấu.
4. Các Trị sự viên còn lại được phân công phụ trách các phần việc sau (nếu Ban Trị sự không đủ 09 vị thì phân công kiêm nhiệm):
4.1. Trị sự viên phụ trách Phổ truyền giáo lý.
4.1.1. Nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ hiểu biết Tôn chỉ, Sấm giảng, Thi văn giáo lý Phật giáo Hòa Hảo và các chủ trương, chính sách, pháp luật nhà nước có liên quan.
4.1.2. Hướng dẫn tín đồ tu hành đúng giáo lý, giáo luật, lễ nghi theo Tôn chỉ hành đạo của Đức Thầy, đúng theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và phù hợp với pháp luật nhà nước.
4.1.3. Tham mưu với Trưởng ban trong việc phối hợp mở lớp bồi dưỡng giáo lý tại địa phương hoặc chủ động tham dự và tạo mọi điều kiện giúp đỡ để đồng đạo được dự học các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo lý theo đúng kế hoạch của Ban Trị sự Trung ương.
4.1.4. Phổ truyền giáo lý dưới nhiều hình thức phù hợp với chương trình đăng ký của Ban Trị sự xã và theo kế hoạch đạo sự của Ban Trị sự Trung ương như: Ấn tống, phát hành Sấm giảng, Thi văn có nội dung giáo lý, chân dung Đức Huỳnh Giáo chủ, tám điều răn cấm; băng, đĩa tiếng và hình, phát hành Tạp chí Hương sen và đồ dùng việc đạo được nhà nước cho phép.
4.2. Trị sự viên phụ trách Từ thiện - Xã hội.
4.2.1. Thực hiện và vận động tín đồ tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội theo kế hoạch của Ban Từ thiện - Xã hội Ban Trị sự Trung ương và Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố.
4.2.2. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, chính quyền và các ngành, đoàn thể vận động tín đồ tham gia các phong trào do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương phát động nhằm cứu trợ hoặc tương trợ giúp đỡ người nghèo khó, thiên tai, lũ lụt..., góp phần an sinh xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
4.3. Trị sự viên phụ trách Kiểm soát.
4.3.1. Giám sát việc thực hiện Hiến chương, quy chế, nội quy và kế hoạch chương trình đạo sự của Ban Trị sự Trung ương đề ra trong các hoạt động của Ban Trị sự cơ sở và đồng đạo.
4.3.2. Kịp thời uốn nắn nội bộ khi thấy biểu hiện lệch lạc về tôn chỉ, giáo lý, giáo luật, Hiến chương giáo hội và pháp luật Nhà nước.
4.3.3. Đề nghị Ban Trị sự Trung ương tuyên dương công đức các đồng đạo có công với đạo và đề xuất kỷ luật đối với tín đồ vi phạm luật đạo, tham mưu với Trưởng ban và chủ động phối hợp hòa giải tranh chấp nội bộ.
4.4. Trị sự viên phụ trách Tài chính:
4.4.1. Chịu trách nhiệm quản lý giữ gìn giáo sản của đạo trong phạm vi mình phụ trách và có kế hoạch tạo nguồn quỹ tài chính hoạt động.
4.4.2. Chịu trách nhiệm thu – chi tài chính theo đúng quy định của Ban Trị sự Trung ương và đúng nguyên tắc tài chính.
4.5. Trị sự viên phụ trách Tiếp tân:
- Có nhiệm vụ tiếp khách và đồng đạo tại Trụ sở (nơi làm việc) của Ban Trị sự.
- Trực nhật tại Trụ sở, có kế hoạch, thông báo và phối hợp với Hậu cần Ban Trị sự đảm bảo sinh hoạt và ngủ nghỉ của khách và đồng đạo.
4.6. Trị sự viên phụ trách khánh tiết:
Chịu trách nhiệm trang trí Lễ đài, hội trường sinh hoạt của Ban Trị sự trong những ngày Đại lễ, Hội nghị, thuyết giảng, mở lớp và các sinh hoạt khác theo đúng thông bạch hướng dẫn của Ban Trị sự Trung ương.
5. Tùy điều kiện và nhu cầu thực tế từng địa phương, Ban Trị sự xã có thể phân công Trị sự viên hoặc tín đồ tiêu biểu phụ trách địa bàn tại các ấp, khu vực trong phạm vi xã.
CHƯƠNG III - QUY ĐỊNH VỀ NGUYÊN TẮC, LỀ LỐI LÀM VIỆC
Điều 6. Ban Trị sự xã làm việc theo nguyên tắc bàn bạc lấy ý kiến đa số thống nhất trước khi ra quyết định (dân chủ đa số); phân công cá nhân phụ trách các mảng đạo sự, phối hợp hoạt động.
Điều 7. Ban Trị sự xã họp thường kỳ mỗi tháng một lần và họp bất thường khi có yêu cầu do Trưởng ban triệu tập.
Điều 8. Trụ sở của Ban Trị sự xã đặt tại chùa Phật giáo Hòa Hảo được tỉnh công nhận hoặc xây dựng mới trụ sở (có đủ điều kiện theo quy định của Hiến chương giáo hội, pháp luật Nhà nước và theo sự hướng dẫn của Ban Trị sự Trung ương). Nơi không có chùa và chưa xây dựng trụ sở thì mượn hoặc thuê nhà tín đồ được Ủy ban nhân dân xã chấp thuận để đặt nơi làm việc. Trụ sở và nơi làm việc được treo bảng (kích thước, nội dung sẽ được Ban Trị sự Trung ương hướng dẫn), được treo đạo kỳ.
Điều 9. Ban Trị sự xã tuân thủ theo phương pháp điều hành và hoạt động sau:
1. Trực tiếp thông qua các cuộc họp, hội nghị trong Ban Trị sự và với cấp trên. Ý kiến kết luận của lãnh đạo trong các cuộc họp, hội nghị đều có giá trị thực hiện.
2. Ban Trị sự xã ban hành các loại văn bản: các chương trình, kế hoạch đạo sự; các tờ trình, kiến nghị, đề nghị, các thông báo, hướng dẫn thực hiện chương trình, kế hoạch đạo sự trong phạm vi địa phương.
3. Trưởng ban được ký tên và đóng dấu thay mặt Ban Trị sự.
3.1. Phó Trưởng ban được ký thay Trưởng ban khi Trưởng ban vắng mặt.
3.2. Thư ký được ký thừa ủy nhiệm Trưởng ban khi được phân công.
4. Ban Trị sự xã chấp hành sự lãnh, chỉ đạo của Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố. Xin ý kiến và báo cáo trực tiếp với Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố, Văn phòng và các ban chuyên ngành của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo theo từng công việc của bốn đạo sự trọng tâm; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền sở tại nhằm tiến hành các đạo sự đúng pháp luật.
CHƯƠNG IV - TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Ban Trị sự xã phải nghiêm chỉnh chấp hành bản Quy chế này.
Quy chế này gồm 04 chương, 10 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, có thể tu chỉnh, sửa đổi sau 01 nhiệm kỳ thực hiện.
Chỉ có Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo mới có quyền tu chỉnh, sửa đổi Quy chế này.
TM. BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG GH PGHH
TRƯỞNG BAN
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Đạt
Nguồn link: https://phatgiaohoahao.org.vn/news/?ID=2009&CatID=25
Bình luận (0)