Sau khi Tổ sư Nguyên Thiều xiển dương thành công thiền phái Lâm Tế ở Bình Định, tiếng tăm của thiền phái Lâm Tế đã lan tỏa đến kinh thành Huế và được chúa Nguyễn trọng thị, và thỉnh Tổ sư về Thuận Hóa cùng với chúa xây dựng và phát huy truyền thống Phật giáo
Tác giả: Thích Đạt Ma Hồng Đăng Học viên lớp Thạc sĩ Phật học khóa V – 2022 Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở I, đường Nguyễn Kiệm, Tp.HCM
A. DẪN NHẬP
Đối với dân tộc Việt Nam, Phật giáo chính là sự khởi nguồn của lịch sử dân tộc, được thể hiện qua sự kết tinh các thời kỳ phong kiến phong hóa xã hội khác nhau, nhưng đều có sự song hành cùng với các nền tảng triết lý nhân sinh tạo nên một sắc thái hoàn toàn mới tùy theo giai đoạn và hoàn cảnh của đất nước. Các thiền sư Phật giáo luôn mang trong mình tinh thần hoằng pháp lợi sinh, nên các ngài luôn thể hiện tính phổ hóa vào đời sống xã hội với tinh thần tùy duyên theo bản sắc văn hóa của người Việt. Nên sự có mặt của thiền phái Lâm Tế ở Đàng Trong, chứng minh cho sự hình thành một hình thái văn hóa Phật giáo mang tính đậm đà bản sắc truyền thống từ bi hỷ xả của người Việt, cùng với văn hóa dân gian tạo nên sự dung hòa phù hợp với hoàn cảnh dân tộc.
B. NỘI DUNG
Tư tưởng của thiền phái Lâm Tế ở Đại Việt được nhen nhóm hình thành từ thời Tỳ Ni Đa Lưu Chi, được thể hiện qua Kinh Tổng Trì bởi yếu tố Mật giáo phù hợp với tín ngưỡng dân gian của người Việt. Thông qua việc thờ phụng thần linh giúp cho người dân có được niềm tin nơi đấng siêu nhiên, cũng như vận dụng pháp Âm, pháp Vân, Pháp Lôi, pháp Vũ vào đời sống hàng ngày một cách thiết thực. Ngoài ra, đường lối hoằng pháp của Tỳ Ni Đa Lưu Chi còn được thể hiện qua lý Sắc Không nằm trong bộ kinh Tượng Đầu Tinh Xá, đan xen giữa Thiền và Tịnh độ tạo nên sự dung hợp tùy theo căn cơ của người hành giả, và thể nhập nhanh chóng với trí tuệ sẵn có của mình vào công việc tu hành. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi tạo sự khởi đầu cho pháp môn Tịnh độ dễ dàng du nhập vào Đại Việt, bằng các kinh điển Đại thừa Thiền - Tịnh - Mật đã gắn liền với Phật giáo Đại Việt từ những kết tinh cho sự hình thành một bức tranh tổng thể đối với nền Phật giáo dân tộc.
Sự có mặt của thiền phái Vô Ngôn Thông trong bức tranh Phật giáo Đại Việt được hình thành bằng tư tưởng Đại Thừa với hình thức tu tập theo thời khóa của ngài Bách Trượng và sự kết hợp của nhiều bộ kinh của Đại Thừa như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm,… trong đó niệm Phật được xem như là một công cụ tối ưu và đơn giản nhất để hành giả nhận biết được bản tâm Phật tánh nơi mình. Chính những phương án hoằng pháp thiết thực đã giúp cho Phật giáo dễ gần gũi đến với cộng đồng xã hội, bằng chứng tượng Phật Di Đà ở chùa Phật Tích vào khoảng thế kỷ XI. Chứng minh cho sự có mặt của pháp môn Thiền – Tịnh ở Đại Việt vào khoảng thời gian này, đã tạo thành một một nền tảng vững chắc trong đời sống tâm linh của người dân cũng như tín đồ Phật giáo, trong quá trình tiếp biến văn hóa Phật giáo lan tỏa vào đời sống dân sinh.
Sách Thiền Uyển Tập Anh, ngoài việc nhắc đến tượng đồng Adi Đà do Không Lộ thực hiện, còn nói đến thiền sư Tịnh Lự như một người đắc được pháp “Niệm Phật tam muội” tức là một người do công phu niệm Phật mà hoàn thành được thiền định. Ông dạy đệ tử là “Không nên cầu sự chứng ngộ từ bên ngoài” và “nếu muốn diệt trừ các ác nghiệp thì nên áp dụng phương pháp niệm tụng bằng cả tâm lẫn miệng”. Sự phối hợp giữa Thiền và Tịnh độ sau này trở nên qua trọng trong đạo Phật tại Việt Nam. [ 2. Tr 136]
Pháp môn Tịnh độ với chủ trương niệm Phật Adi Đà là phương pháp tối ưu mang đến sự an lạc cho mọi tín đồ Phật giáo, đã được các vua chúa thiền gia sử dụng như là phương thức hành trì do các vị thiền sư như thiền sư Viên Chứng,… truyền dạy cho vua Trần Thái Tông, sau đó vua Trần Thái Tông viết về niệm Phật trong Khóa Hư Lục và giảng dạy cho người dân thời bấy giờ, giúp cho họ tin sâu vào các pháp môn Đại thừa nhằm tìm thấy sự an lạc nơi tự tâm. Mặc dù đây là một sản phẩm đặc trưng của thiền phái Lâm Tế đã len lỏi vào đời sống tu tập của người Việt, trên bình diện đa phương pháp vận dụng nhưng không có sự cố định trong bất kỳ pháp môn nào. Chính vì điều này, người Việt đã dễ dàng tiếp biến các giá trị văn hóa Phật giáo tùy theo sở thích cá nhân và hoàn cảnh của đất nước, đến khi đất nước Đại Việt phân chia thành hai thực thể Đàng Trong và Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn đã trọng thị các thiền sư Trung Hoa thuộc thiền phái Lâm Tế khi họ du nhập vào Đàng Trong như thiền sư Viên Cảnh, thiền sư Viên Khoan là thầy của thiền sư Minh Châu Hương Hải khi ngài còn ở Đàng Trong. Các thiền sư Trung Hoa đã âm thầm quảng bá pháp môn của mình ở một quốc gia ngoài Trung Quốc, trước khi Tổ sư Nguyên Thiều sang Bình Định ươm mầm cho việc xiển dương thiền phái Lâm Tế ở Thuận Hóa, và lan tỏa khắp vùng đất Đàng Trong.
Tại vùng đất Binh Định, từ thế kỷ XV – XVI tầng lớp người Hoa đã di cư sang nơi này trong đó có người Minh Hương sinh sống rất đông, họ chung sống với người Việt và dựng lập phố xá thương cảng tạo thành một đô thị sầm uất, một vài ngôi chùa do các tăng sĩ người Hoa đã được xây dựng lên, để cho người Hoa có điều kiện thể hiện nếp sống truyền thống Phật giáo của mình như chùa Nhạn Sơn,…Sau Khi Tổ sư Nguyên Thiều nhận được truyền thừa từ ngài Bổn Khao Khoáng Viên đời thứ 32, với chủ trương làm mới thiền phái Lâm Tế, cũng như xiển dương đường lối tu tập khác với hình thức tu tập cũ xưa ở đất nước của mình và lan tỏa tầm ảnh hưởng của thiền phái ra khỏi đất nước Trung Hoa. Tổ sư rời đất nước sang vùng đất Bình Định cùng với hàng huynh đệ của mình thuở ban đầu chỉ với ngôi am tranh, sau đó ngài đã xây dựng nên ngôi chùa Thập Tháp Di Đà. Ngôi chùa trở thành cội nguồn của thiền phái Lâm Tế ở Đàng Trong, là cơ sở đào tạo tăng tài của thiền phái Lâm Tế, đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của thiền phái nhiều thế kỷ sau.
Từ ngôi chùa này, là nơi khởi đầu cho sự phát triển thiền phái Lâm Tế ở Bình Định, Tổ sư Nguyên Thiều đã xây dựng và đào tạo đội ngũ tăng sinh rất đông sau này là những bậc Long tượng kế thừa sự nghiệp tổ sư, là một thiền phái có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tinh thần của người dân khắp vùng đất Đàng Trong. Sau khi Tổ sư Nguyên Thiều xiển dương thành công thiền phái Lâm Tế ở Bình Định, tiếng tăm của thiền phái Lâm Tế đã lan tỏa đến kinh thành Huế và được chúa Nguyễn trọng thị, và thỉnh Tổ sư về Thuận Hóa cùng với chúa xây dựng và phát huy truyền thống Phật giáo, giúp cho tinh thần hòa hợp dân tộc được phát huy nhanh chóng, để vùng đất này ngày càng phát triển hưng thịnh về mọi mặt, cũng như tạo nền tảng cho sự nghiệp chấn hưng và xiển dương Phật giáo ở khắp vùng đất Đàng Trong.
Từ mặc cảm về đạo thống của mình, các chúa Nguyễn đã có công hộ trì Phật giáo. Đạo Phật phát triển khá hưng thịnh ở Đàng Trong. Nhưng Phật giáo chỉ làm tốt được sự gắn kết, hòa đồng với các nền văn hóa lưu dân ở vùng đất mới, giúp cho quá trình hòa nhập về nền văn hóa ở Đàng Trong diễn ra thuận lợi. “Phật giáo trở thành một quốc giáo của Đàng Trong, đã không đẩy lùi được đạo Thiên Chúa, và do vậy Phật giáo cũng không vươn lên làm một hệ thống tư tưởng chính trị dùng vào việc tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội” [5. Tr 96]
Ngôi Chùa Vĩnh Ân ở gần núi Bân thuộc phía Tây núi Ngự Bình được chúa Nguyễn cấp đất và kinh phí xây dựng nên ngôi chùa Vĩnh Ân. Sau khi Tổ sư về lại Trung Hoa thỉnh pháp khí phục vụ cho việc hoằng pháp dễ dàng, được chúa Nguyễn ban thưởng và đổi tên chùa thành “Sắc Tứ Quốc Ân”. Từ đây thiền phái Lâm Tế phát triển rộng khắp vùng đất Đàng Trong, với sự lãnh đạo thiền phái của Tổ sư Nguyên Thiều, hàng huynh đệ của Ngài đã cùng với chúa Nguyễn nhận lãnh trách nhiệm Tăng cang ở các ngôi chùa vùng đất Thuận Hóa như chùa Thiên Mụ, chùa Thiền Lâm, chùa Từ Lâm,..Các thiền sư thuộc thiền phái Lâm Tế đi cùng với Tổ sư Nguyên Thiều sang Đàng Trong như Minh Giác Kỳ Phương, Minh Vật Nhất Tri, Minh Hoằng Tử Dung, Liễu Triệt,… là những vị đóng góp rất lớn cho sự nghiệp hoằng pháp của Tổ sư Nguyên Thiều cũng như phụ giúp Tổ sư đào tạo tăng tài, duy trì và phát triển thiền phái Lâm Tế khắp vùng đất Đàng Trong.
Các bản kinh Đại Thừa như Kinh Địa Tạng, kinh Pháp Hoa, kinh Mục Liên Sám Pháp, kinh Hoa Nghiêm,… như là món ăn tinh thần và nhanh chóng trở thành tín đồ Phật giáo của thiền phái Lâm Tế. Ngay từ buổi đầu khi các thiền sư người Trung Hoa đem các bản kinh Đại thừa sang Đàng Trong đều bằng tiếng Hoa, các tu sĩ ở trong các ngôi chùa của thiền phái Lâm Tế và những nhà dịch thuật kinh điển đã dịch các bản kinh từ tiếng Hoa sang tiếng Việt để cho người Việt cũng như các tín đồ dễ dàng tiếp cận tụng đọc và nghiên cứu, các bản kinh này trở thành phương tiện tu tập không thể thiếu trong mỗi thời khóa công phu của tu sĩ cũng như tín đồ Phật tử. Trải qua nhiều chặng đường lịch sử của đất nước, những tinh hoa của Phật giáo Đại thừa vẫn được các nhà sư người Việt bảo tồn và sử dụng vào công tác nghiên cứu giảng dạy một cách có hệ thống, đã tạo tiền đề cho Phật giáo Việt nam từng bước phát triển hưng thịnh cho đến ngày nay.
Tinh thần hoằng pháp của thiền phái Lâm Tế ở Đàng Trong không những xây chùa, thuyết pháp, tụng đọc kinh điển, ngoài ra các hình thức nghi lễ và các tập tục thờ cúng theo truyền thống Lâm Tế cũng được các nhà sư người Trung Hoa tiếp biến thuận theo phong tục tín ngưỡng của người Việt. Sau đó các nhà sư người Việt đã chỉnh sửa dần trở thành loại hình văn hóa Phật giáo của người Việt, từ đó các lễ hội văn hóa tín ngưỡng ở mỗi vùng miền của Đàng Trong khi thực hành các nghi lễ đều có bóng dáng của thiền phái Lâm Tế, bởi vì tinh thần của người Việt “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” đã ăn sâu vào tư tưởng của họ, nên ở đâu có người ở, nơi đó có làng xã, nơi đó có ít nhất một ngôi chùa cùng với đình miếu, và truyền thống “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông” luôn được vun đắp theo chiều dài lịch sử của dân tộc.
Tóm lại, chính sách hòa hiếu thân thiện và hướng Phật của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho Phật giáo du nhập và phát triển một cách nhanh chóng. Phật giáo trở thành chỗ dựa tinh thần cho tư tưởng lập quốc của chúa Nguyễn. Số lượng chùa chiền được xây dựng nhiều, điều này cho thấy Phật giáo có khả năng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân thời bấy giờ”.[4. Tr 290]
Từ khi thiền phái Lâm Tế có mặt ở Đàng Trong đã mang tầm hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, mang lại cho Phật giáo vùng đất này với nhiều kiến trúc chùa tháp hết sức độc dáo trên nền tảng viên dung của các tôn giáo, cũng như làm cho đậm đà tính hòa hợp dân tộc. Điển hình cho sức ảnh hưởng của thiền phái Lâm Tế ở Đàng Trong bằng hình ảnh các nhà sư Trung Hoa đến vùng đất Nam bộ, là đội ngũ chư tăng thuộc hàng huynh đệ của Tổ sư Nguyên Thiều đã khai sơn nhiều ngôi chùa với đường lối kiến trúc mang đậm dấu ấn của thiền phái Lâm Tế như chùa Giác Lâm, Giác Viên ở Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc chùa Châu Thới ở Bình Dương, chùa Đại Giác ở Biên Hòa,…mang nét văn hóa người Việt kết hợp với văn hóa tín ngưỡng dân gian một rất cách hài hòa, thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc giữa các nước trong dòng chảy lịch sử dân tộc, cho nên sự du nhập của thiền phái Lâm Tế vào xứ Đàng Trong một cách có hệ thống và mạch lạc.
“Văn hóa Thiền Việt Nam thể hiện lối sống của người Phật tử Việt Nam, không chỉ tu tập theo Thiền tông Trung Hoa mà có cả sự dung hợp với pháp môn Tịnh độ, Mật giáo, hòa vào văn hóa gốc của người Việt, có những biến đổi phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của người Việt trong từng thời kỳ lịch sử”. [3. Tr 251]
Chính tinh thần này đã tạo nên tinh thần hòa hợp dân tộc trong tiến trình đồng hóa pháp môn tu vào cùng với tư tưởng của người Việt, trên nền tảng Phật giáo làm chủ đạo. Sự có mặt của Tổ sư Nguyên Thiều trùng hợp với hoàn cảnh của Phật giáo và tiến trình lịch sử của vùng đất Đàng Trong, chính uy tín và công trạng của Tổ sư Nguyên Thiều đã tạo niềm tin cho chúa Nguyễn thỉnh mời các vị thiền sư thuộc tông phái khác sang Đàng Trong hoằng pháp như thiền phái Tào Động do thiền sư Thạch Liêm dẫn đoàn đệ tử của mình sang Đàng Trong được chúa Nguyễn trọng thị nghinh đón và thiền sư Thạch Liêm cùng với chúa Nguyễn tổ chức nhiều lễ hội Phật giáo như Giới đàn năm Ất Hợi 1695 đã giúp cho chúa Nguyễn làm sinh động nền Phật giáo nước nhà, tạo cho Phật giáo ở Đàng Trong có thêm nhiều pháp khí và phương tiện để hoạt động hoằng pháp được tốt hơn. Thông qua việc tổ chức Giới đàn, đã tạo nên không khí sinh động cho đời sống sinh hoạt Phật giáo thời bấy giờ.
“Lão tăng là một người ngoại cuộc, vâng tuệ mạng Đức Phật, mở mang đạo pháp, kế người trước, khai hóa kẻ sau. Đại vương là chúa một nước, thống nhất bờ cõi, dùng hiền tài trấn vỗ quân nhân. Việc tuy có khác nhau, nhưng đạo chỉ có một. Nếu đạo kẽ “ra đời” chẳng khá dùng trị đời, thế thì đạo chia hai vậy. “Thiên hạ không hai đạo, Phật Thánh đồng một lòng”. Ôi đạo chỉ có một mà thôi, lời thầy Mạnh Tử, hấ dối người sao”. [5. Tr 51]
Vai trò của thiền sư Thạch Liêm chỉ nhằm phụ giúp chúa Nguyễn Phúc Chu chấn hưng Phật giáo, mở Đại giới đàn và nhiều nghi lễ Phật giáo, nhưng lại cố vấn cho chúa Nguyễn về chính trị, quân sự, kinh tế văn hóa quốc phòng và nhiều chương trình xã hội khác. Thể hiện như tình linh sơn của thiền sư Thạch Liêm và chúa Nguyễn Phúc Chu đối với sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh.
Với chủ trương “Bất tác bất thực” và chuyên tinh giới luật để giữ gìn “Giới thân huệ mạng”, các tăng sĩ thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã đưa pháp môn “Nông thiền” vào đời sống thường nhật, xứng đáng với tinh thần mà Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo đã truyền trong bài kệ “Chúc Thánh thọ thiên cữu, Kỳ quốc tộ địa chưởng” nghĩa là chủ trương “Nông thiền”. Các tăng sĩ sinh sống vào nghề nông nghiệp để giữ gìn đời sống thanh bần, tự mình tạo lập cuộc sống tu hành cho riêng mình, không tham gia vào hoạt động xã hội để mưu cầu danh lợi, thể hiện tinh thần “Thiểu dục tri túc”, nhưng lại sẵn sàng chia sẻ những khó khăn vất vả với những người nghèo khó.
Khi ngài Liễu Quán còn là một cư sĩ học đạo, Ngài vân du tìm thầy thọ học với nhiều vị thiền sư nổi tiếng thời bấy giờ trong đó có thiền sư Tế Viên, Tổ sư Giác Phong. Sau khi Giới Đàn năm Ất Hợi được tổ chức do thiền sư Thạch Liêm làm Đàn đầu, ngài Sa di Liễu Quán được thọ giới, hai năm sau thọ giới đàn ở chùa Từ Lâm, đến năm 1672, ngài bắt đầu thọ giáo nơi thiền sư Minh Hoằng Tử Dung, cho đến năm 1708 ngài được thiền sư ấn chứng, sau đó ngài khai sáng chùa Thuyền Tôn và nhiều ngôi chùa khác. Vào khoảng thế kỷ XVII, khi Phật giáo Đàng Trong đang bị trầm lắng, thiền sư Liễu Quán khai sáng thiền phái Liễu Quán, ngài dùng nhã nhạc cung đình Huế kết hợp với kinh điển, chế tác ra một thể loại nhạc lễ dành cho các nghi thức, nghi lễ trong chùa hoặc các lễ cúng tế mang đậm sắc thái văn hóa của người Việt. lại có thêm một pháp môn tu bằng nghi thức lễ nhạc. Làm cho Phật giáo trở nên sinh động gần gũi với cộng đồng xã hội, thể hiện tinh thần của người Việt trên con đường Việt hóa thiền phái Lâm Tế cũng như các loại hình văn hóa khác đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
“Thiền sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một thiền phái linh động, có gốc rễ ở Đàng Trong. Trước ông, Phật giáo Đàng Trong mang nặng màu sắc Quảng Đông. Ông đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế, và làm cho thiền phái này trở thành thiền phái của đa số Phật tử Đàng Trong. Kiến trúc lễ nhạc bắt đầu trút bỏ màu sắc Trung Quốc và từ từ mang lấy màu sắc dân tộc. Những bài lễ tán như “Cực lạc từ hàng” chẳng hạn, đã hoàn toàn mang màu sắc Việt. Bốn vị đệ tử lớn của ông là Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu đã tạo lập bốn trung tâm hoằng đạo lớn, và hàng chục tổ đình được tạo dựng khắp Đàng Trong trong thế kỷ thứ mười tám đã thuộc về môn phái Liễu Quán. Phong trào Phật giáo phục hưng ở thế kỷ thứ hai mươi đã dựa trên cơ sở của môn phái mang tên ông”. [4. Tr 494]
C. KẾT LUẬN
Phật giáo Việt Nam từ thuở du nhập đã trải qua một chặng đường dài lịch sử với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, cũng như nhiều cuộc thịnh suy bên trong của nội tại Phật giáo. Nhưng Phật giáo Việt Nam vẫn vững vàng tiếp thu và biến hóa tinh hoa của các tông phái khác thành sản phẩm của người Việt. Các thiền sư người Việt từng bước tiếp nhận và sáng tạo thành sản phẩm văn hóa riêng cho người Việt, để người dân dễ dàng hòa nhập với sản phẩm văn hóa đã được lai tạo và điều chỉnh dần cho phù hợp với từng vùng miền, từng thời kỳ phát triển của đất nước. Với những thành tựu trên, không thể không nhắc đến sự đống góp của thiền phái Lâm Tế do các vị thiền sư người Trung Hoa, điển hình Tổ sư Nguyên Thiều đã đóng góp rất lớn vào kho tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ. Các thiền sư thuộc thiền phái Lâm Tế đã mở đường cho sự nghiệp đào tạo và xây dựng đội ngũ tăng tài, giúp cho Phật giáo Việt Nam có được sự lớn mạnh, vững vàng và trường tồn cùng với sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
Tác giả: Thích Đạt Ma Hồng Đăng Học viên lớp Thạc sĩ Phật học khóa V – 2022 Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở I, đường Nguyễn Kiệm, Tp.HCM ***TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. HT. Thích Thanh Từ. Khóa Hư Lục. Nxb TP. Hồ Chí Minh 1996 2. HT. THích Nhất Hạnh. Việt Nam Phật giáo sử luận. Nxb Phương Đông 2012 3. TS. Thích Phước Đạt, TS. Thích Hạnh Tuệ, TS. Thích Nữ Thanh Quế, ThS. Lương Quý Ngọc (2022). Văn hóa Phật giáo Việt Nam. Nxb. Phụ Nữ Việt Nam 4. PGS.TS. Đỗ Bang (2021), Đàng trong thời chúa Nguyễn, Nxb. Hồng Đức 5. Huỳnh Ngọc Đáng (2018), Chính sách của các vương triều Việt Nam đối với người Hoa. Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. 6. Thích Đại Sán. Hải ngoại ký sự. Viện Đại học Huế. Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam 1963.
Bình luận (0)