Tác giả: Thích Nữ Hạnh Hiếu (Nguyễn Thị Dung) Học viên Cao học Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tóm tắt
Để trở thành thành viên của Tăng đoàn là một trong những khát khao lớn của người nữ có chí nguyện xuất gia học Phật. Vì hạn chế nhiều mặt nên việc tu học đối với nữ giới là một quá trình đầy thử thách. Khi một Cận sự nữ được tiếp cận chư tăng học pháp, ngộ pháp sau đó muốn tiếp tục phát triển đời sống tu tập thì pháp môn tu học phù hợp căn cơ của mình là “chiếc thuyền” chuyên chở hành giả đạt đến bờ giác.
Đối với Ni giới Việt Nam, được sự thương tưởng của chư tăng và Giáo hội nên việc xuất gia, thọ giới của Tu nữ theo Phật giáo Nam tông cũng nhận được sự quan tâm nhất định.
Khi Phật giáo Nam tông du nhập vào Việt Nam, ngoài chư tăng được Giáo hội đón nhận thì chư ni theo hệ phái Nam tông cũng nương các ngài mà có sự phát triển trên nhiều tỉnh thành, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo nên sự đa dạng trong sự tu học của các hệ phái.
1. Mở đầu
Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn phong trào chấn hưng đã có những chuyển biến mang tính cách mạng ở nhiều phương diện, bên ngoài thì đấu tranh bảo vệ bản sắc văn hóa Việt, giữ gìn đạo pháp, bên trong thì chỉnh đốn Tăng già, góp phần mang lại sức mạnh của một tôn giáo dân tộc. Đối với Phật giáo Huế giai đoạn này, ngoài chư tăng và phật tử thì hình ảnh chư ni cũng đồng hành trong nhiều hoạt động phật sự, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong công cuộc dấn thân vào đời sống xã hội hiện đại.
Bước vào những năm đầu của thế kỷ XXI, Ni giới Huế trở nên phong phú hơn khi có sự du nhập và hiện diện của tu nữ Phật giáo Nam tông. Dù có khác nhau về đường lối tu tập hay phương thức hành đạo nhưng điểm chung của Ni giới Huế đều hướng đến một Phật giáo trường lưu, một quốc gia hưng thịnh. Việc này đã thể hiện được tinh thần hòa nhập, uyển chuyển của người con gái đức Phật, đưa hình ảnh Ni giới đến gần hơn với tín chúng, mở ra nhiều cơ hội cho nữ giới đủ nhân duyên muốn xuất gia học Phật.
2. Bối cảnh du nhập hệ phái Nam tông vào Huế
Phật giáo Việt Nam vào những thập niên đầu của thế kế XX là giai đoạn phát triển những luồng sinh khí mới từ hệ phái nội sinh như Hệ phái Khất sĩ, ngoại nhập như Phật giáo Nam tông đã tạo nên một Phật giáo Việt Nam đa màu sắc, thể hiện được sự dung hợp trong các pháp môn tu tập, có nhiều sự lựa chọn cho những người hữu duyên theo tu học.
Năm 1939, chư vị Hòa thượng như ngài Hộ Tông, Thiện Luật, Bửu Chơn, Huệ Nghiêm…, là những vị Hòa thượng đầu tiên đưa Phật giáo Nam tông du nhập vào Việt Nam. Được sự đón nhận của Tăng già, “Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam thành lập tháng 12/1957 đến ngày gia nhập Giáo hội PGVN 1981có tất cả là 11 nhiệm kỳ Tăng thống. Ðức Giới Nghiêm đã đảm nhiệm chức vụ Tăng thống liên tiếp các nhiệm kỳ 4, 5, 6, 7 (1964 – 1971) và nhiệm kỳ cuối, rồi gia nhập Giáo hội PGVN, sau khi nước nhà được thống nhất. Ðây là vị Tăng Thống có uy tín được chư Tăng tín nhiệm lâu nhất trong các vị Tăng Thống của Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.”[1]
Năm 1941 Phật giáo Nam tông nhanh chóng phát triển ra các tỉnh Nam bộ, sau đến các tỉnh miền Trung trong đó có Thừa Thiên Huế “Năm 1959, sơ Tổ khai phái Nam tông là ngài Hộ Tông cùng một số vị Tỳ-kheo từ chùa Theravada Tam Bảo (Đà Nẵng) ra Huế truyền Phật giáo Theravada và xây dựng chùa Tăng Quang ở vùng “Hồ ông Mười”. Năm này chính là niên đại Phật giáo Theravada truyền đến Huế và sinh hoạt từ bấy đến nay.”[2]
Phật giáo Nam tông ở Huế bắt đầu công cuộc hoằng hóa bằng việc thành lập chùa Tăng Quang vào năm 1954 do Hòa thượng Hộ Tông và Hòa thượng Giới Nghiêm đứng ra đảm trách. Lúc đầu, chùa chỉ là một ngôi nhà lá đơn sơ cho chư Tăng tu tập, đến năm 1959, khi đoàn chư Tăng chính thức về hoằng pháp thì chùa Tăng Quang được tiến hành trùng tu chính điện và xây dựng bảo tháp tôn trí Xá lợi Ðức Phật Thích Ca. Từ ngôi chùa đầu tiên này, hệ thống hoạt động của chư Tăng Phật giáo Nam tông dần hình thành và phát triển, các ngôi chùa Nam tông dần được xây dựng trên đất Huế.
Việc truyền bá Phật giáo Nam tông vào Huế là cả một quá trình gian nan đối với chư Tăng hệ phái, nhất là Hòa thượng Giới Nghiêm. Vì cố đô Huế được xem là kinh đô phát triển Phật giáo Bắc tông bởi sự ảnh hưởng theo dòng truyền thừa nhiều đời từ các tổ Trung Hoa trong những giai đoạn đầu Nam tiến của nhà Nguyễn. Với bề dày lịch sử truyền thừa và phát triển, Phật giáo Bắc tông đã bám sâu trong nếp sống, lối tư duy của tín chúng nơi đây, do vậy đối với họ Phật giáo Nam tông là một tông phái mới lạ và có đường lối tu tập khác xa so với Bắc tông, nên để tín đồ nơi đây chấp nhận được quả là một thành công lớn đối chư Tăng Phật giáo Nam tông. Ngày nay, với oai đức tu hành của chư Tăng Phật giáo Nam tông đã tạo được niềm tin kiên cố cho tín chúng xứ Huế.
Đối với Ni giới theo Phật giáo Nam tông cũng là những vấn đề được chư Tôn đức quan tâm, nhưng đến nay việc tu học vẫn chỉ được thọ 8 giới hay 10 giới với tên gọi là Tu nữ, về bản chất vẫn chưa được chấp nhận thọ giới Tỳ kheo ni. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, với sự thương tưởng của một số chư Tăng Phật giáo Nam tông Việt Nam, tiêu biểu là Hòa thượng Viên Minh, Hòa thượng Hộ Nhẫn…, các ngài đã “mở lối” cho các vị Ni tu theo hệ phái Nam tông sang các nước Miến Điện, Srilanka, Ấn Độ…, để thọ giới Tỳ kheo ni như: SC. Liễu Pháp, SC. Như Liên, SC. Tịnh Nguyện, SC. Huệ Minh, SC. Pháp Hỷ.... Từ đó, Việt Nam mới có những vị Tu nữ với giới phẩm Tỳ kheo ni, cũng được mang bát đắp y như chư Tăng. Riêng với Huế, ni giới tu theo Phật giáo Nam tông được sự chấp thuận của Ban Điều Hành Phật giáo Nam tông tại Huế, đại diện trưởng ban là ngài Pháp Tông cho phép chư Ni thọ Tỳ kheo ni và được ôm bát đi khất thực tại Huế. Tại Huế, năm 2022 Hòa thượng Pháp Tông, Hòa thượng Giới Đức cho 6 Tu nữ sang Ấn Độ thọ giới Tỳ kheo ni gồm: Sư cô Từ Nguyên, Sư cô Huyền Đăng, Sư cô Huyền Phương, Sư cô Huyền Tâm, Sư cô Trí Như, Sư cô Niệm Như, đây là sự quan tâm đặc biệt của chư Hòa thượng dành cho Ni giới Phật giáo Nam tông tại Huế. Được sự chấp nhận của Ban Điều Hành tông phái, ngày nay nữ giới theo Phật giáo Nam tông có nhiều cơ hội để thân cận, học pháp và được thọ giới Tỳ kheo ni tu học và phụng sự đạo pháp.
Sau khi du nhập vào Huế, dưới sự lãnh đạo của chư vị cao Tăng, thạc đức như Hòa thượng Giới Nghiêm, Hòa thượng Hộ Nhẫn, Hòa thượng Giới Đức, Hòa thượng Thiện Lực…, Phật giáo Nam tông tại Huế dần phát triển mạnh hơn so với các tỉnh thành khác ở miền Trung, các chùa lần lượt được xây dựng trên đất Huế đến nay gồm: chùa Tăng Quang, Thiền Lâm, Huyền Không, Huyền Không Sơn Thượng, Định Quang, Pháp Luân của chư Tăng và Tịnh thất Gotami là cơ sở hoạt động độc lập duy nhất của Tu nữ Nam tông. Hiện nay, ngoài tịnh thất Gotami thì Tu nữ Phật giáo Nam tông tại Huế còn có tịnh thất Khema (do SC Minh Ngọc làm chúng trưởng) thuộc chùa Huyền Không Sơn Thượng là nơi Hòa thượng Giới Đức đương kim trụ trì và ni xá Huyền Không thuộc chùa Huyền Không do Hòa thượng Pháp Tông trụ trì. Tổng số lượng ni giới Phật giáo Nam tông tại Huế tính đến năm 2022 như sau: Tỳ kheo ni: 7 vị (tại tịnh thất Khema 6 vị, Gotami 1 vị), Sa di ni: 6 vị (tịnh thất Khema 4 vị, Gotami 1 vị, ni xá Huyền Không 1 vị) và 3 vị đang tập sự tại ni xá Huyền Không. Năm 2022, tịnh thất Khema được xây dựng khang trang theo chuỗi am thất và được đổi tên thành Dhammadinna Vihara “Dự kiến, năm 2022 sẽ xây dựng qui mô một ni viện, sẽ sinh hoạt độc lập, và sẽ được đổi tên là Dhammadinna Vihara - vì tên Kema trùng tên Tịnh An Lan Nhã”[3]
3. Lược sử hình thành tịnh thất Gotami
Việc cầu pháp học đạo là khát ngưỡng của nữ giới khi hội đủ duyên lành, đối với Phật giáo Nam tông, việc người nữ được xuất gia đến nay vẫn còn là vấn đề nhiêu khê bởi những quan điểm chưa thống nhất của Tăng già trong hệ phái “Hiện nay việc tái lập Ni đoàn Tỳ kheo ni Nam tông gặp phải sự chống đối từ một số thành viên của Tăng đoàn. Sự chống đối này chủ yếu dựa trên điều luật là việc truyền giới này phải do nhị bộ Tăng đoàn cùng thực hiện, và để cho việc truyền giới là thuần tuý Nguyên Thuỷ, việc truyền giới phải xuất phát từ một Ni đoàn Nguyên Thuỷ hiện hành. Điều này đưa đến một tình trạng khó khăn bế tắc, vì nếu thiếu vắng một Ni đoàn Nguyên Thuỷ hiện hành, thì việc thọ đại giới Tỳ kheo ni không thể được công nhận là đúng theo luật. Vì vậy, theo họ không thể có khả năng phục hồi Ni đoàn Nguyên Thuỷ”[4], khó khăn là vậy nhưng ni giới Phật giáo Nam tông tại Huế vẫn có nhiều cơ hội phát triển, thành quả của sự cố gắng đó là việc ra đời của tịnh thất Gotami.
Năm 1960, sau khi tu học từ Myanmar trở về, Hòa thượng Hộ Nhẫn lên đồi Quảng Tế (Huế) lập một cốc nhỏ để tu tập, được sự quan tâm của chính quyền và Giáo hội tỉnh nhà cùng với đó là sự tu tập của một bậc thượng thủ nên ngôi cốc nhỏ sau này trở thành ngôi chùa tên là Thiền Lâm. Với người giới đức tinh nghiêm, tâm từ lan tỏa, ngài Hộ Nhẫn đã cảm hóa được tín chúng về tu tập, vì ngưỡng mộ đức độ của ngài, năm 1965 có hai nữ Phật tử nữ xuất gia thọ Sa di ni giới trở thành Tu nữ được ngài ban pháp danh là Từ Minh và Từ Niệm. Sau khi tiếp độ người nữ xuất gia, thấy việc tu học trong chùa Thiền Lâm là trú xứ chư Tăng không tiện cho Tu nữ nội trú học pháp, nên ngài đã xây dựng một tịnh thất đơn sơ bên chùa Thiền Lâm lấy tên là Gotami để tiếp độ nữ giới an trú tại đây nương chư Tăng tu học. Khi đã có chỗ để nữ giới tu học, năm 1971 ngài tiếp tục độ một nữ Phật tử xuất gia tên Lê Thị Lang, cho thọ 8 giới và ban pháp danh Từ Nguyên. Vì điều kiện xuất gia tu học của Tu nữ có phần hạn chế nên người muốn theo hệ phái Nam tông cũng đưa ra nhiều cân nhắc. Mãi đến năm 1997 ngài Hộ Nhẫn tiếp độ thêm một ngưỡi nữ xuất gia nữa pháp danh Tâm Huệ và đây cũng là đệ tử nữ cuối cùng đến khi ngài viên tịch năm 2002.
Tính đến năm 1997 tịnh thất Gotami có được bốn vị Tu nữ “Lúc bấy giờ tịnh thất Gotami đã có 4 nữ tu tu tập dưới dẫn dắt của ngài Hộ Nhẫn và Sư cô Từ Niệm làm chúng trưởng” [5]. Năm 1999, cô Hạnh Pháp vào tịnh thất Gotami làm công quả và được sự dẫn dắt của chư vị Tu nữ, cô Hạnh Pháp sang Miến xuất gia và quay về tịnh thất năm 2006 nương chư Ni tịnh thất Gotami tu học. Được sự trợ duyên của Ban Điều Hành và các cấp chính quyền, năm 2002 tịnh thất Gotami chính thức được công nhận là cơ sở hoạt động độc lập của Tu nữ Phật giáo Nam tông được Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế chấp nhận và cấp con dấu tròn, từ đó tịnh thất Gotami chính thức được tiếp độ ni chúng về tu học và sinh hoạt như những ngôi chùa ni khác tại Huế dưới sự quan tâm và quản lý của Giáo hội tỉnh nhà. Năm 2014, Sư cô Từ Niệm viên tịch, Sư cô Từ Nguyên kế thừa dẫn chúng tu học. Do nhu cầu không gian tu học và tịnh xá bị xuống cấp, năm 2015, Sư cô Từ Nguyên được sự hộ trì của cư sĩ Lê Minh Tuấn (Hà Nội) và quý thiện tín xa gần đã trùng tu lại ngôi tịnh thất trang nghiêm, năm 2022 ni chúng thường trú tu tập tại tịnh thất Gotami là 2 vị (1 Tỳ kheo ni, 1 Sa di ni).
4. Hoạt động tu học, hoằng pháp của Tu nữ tại Huế
Khác với Phật giáo Bắc tông, việc tu học của chư Ni Nam tông có những đặc điểm riêng biệt, mặc dù với số lượng ít ỏi, nhưng chư Ni của hệ phái Nam tông tại Huế mỗi sáng đều giữ gìn truyền thống trì bát đi khất thực, đến giờ ngọ trai trở về trú xứ thọ thực. Các thời khóa kinh kệ thực hiện đều đặn mỗi ngày theo âm ngữ Pali và dẫn tín chúng tu học vào mỗi tối theo bản kinh Việt dịch. Vào ngày 14 và 30 âm lịch hằng tháng, chư Ni tập trung về tịnh thất Gotami chính niệm tụng giới Khema. Riêng đối với chư Ni hiện đang nương chùa tăng tu học thì những ngày này được chư Tăng giáo giới và cho học pháp. Việc an cư kiết hạ của Tu nữ là từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch hằng năm, đối với tịnh thất Gotami trước khi vào hạ, tịnh thất thường diễn ra lễ dâng “Y tắm mưa” vào ngày 11 tháng 6 và lễ dâng y Khathina ngày 22 tháng 9 âm lịch hằng năm, được Chư Tôn đức khắp nơi về chứng minh, tham dự.
Nằm chung trong hoạt động của ni giới tỉnh nhà, Tu nữ Phật giáo Nam tông tại Huế tuy không tham gia các công việc hành chính, nhưng để tạo thêm mối liên hệ trong sinh hoạt, chư Ni hệ phái đều có những báo cáo hoạt động về cho ni giới tỉnh nhà để kịp thời quan tâm hỗ trợ. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, để góp phần lan tỏa tinh thần từ bi, hằng năm chư vị Tu nữ cũng thường tổ chức và dẫn dắt tín chúng thực hiện những công tác thiện nguyện hỗ trợ xây dựng nguồn nước sạch cho bà con miền núi, trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn. Với số lượng chư Ni khiêm tốn của hệ phái, việc tu học và phát triển cũng còn nhiều hạn chế, do vậy để ni giới hệ phái Phật giáo Nam tông được phát triển thì cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của Tăng đoàn và Giáo hội, giúp người nữ có cơ hội xuất gia tu học theo tâm nguyện của mình.
5. Kết luận
Việc hình thành và phát triển Tu nữ Nam tông trên đất Huế là một trong những thành công lớn của Phật giáo Nam tông. Hơn 80 năm du nhập và phát triển, Phật giáo Nam tông ngày nay đã có sự hòa nhập theo đường lối chung của Phật giáo Việt Nam, tạo nên sức mạnh đoàn kết của một tôn giáo dân tộc. Đối với Ni giới Việt Nam ngày nay, Tu nữ là một bộ phận không thể tách rời trong các hoạt động phật sự của Ni giới Việt Nam nói chúng, Huế nói riêng.
Bằng sự đức độ, khiêm cung trong sự tu học của mình cùng với sự khéo léo, uyển chuyển trên công cuộc đưa đạo vào đời, chư Ni hệ phái Nam tông tại Huế đã có những sự nỗ lực mang lại sự hài hòa trong quá trình tu tập, thâu nhiếp tín chúng nương về tu học, tạo nên sự gắn kết giữa hệ phái và nhân dân trú xứ. Sự hiện diện và hoạt động của Tu nữ Nam tông tại Huế đến nay còn có phần khiêm tốn, nhưng dưới sự trợ duyên của chư Tăng và Giáo hội tỉnh nhà, chư Ni hệ phái Nam tông đã góp phần tạo nên màu sắc phong phú cho Ni giới Huế, làm lợi ích cho đạo pháp và xã hội.
Tác giả: Thích nữ Hạnh Hiếu (Nguyễn Thị Dung) Học viên Cao học Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM
*** TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn hóa Sài Gòn. 2. Tỳ khưu Giới Đức (2021), Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam Sử lược, Nxb Hồng Đức tập II. 3. Liễu Pháp (2016), Ni đoàn Tỳ kheo ni Nam Tông Việt Nam, Nữ giới Phật giáo Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb. Đại học Quốc gia TP. HCM. 4. Nguyễn Thị Thu Sương (Thích Nữ Trung Phúc) (2021), Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển Ni giới tỉnh Quảng Nam, Luận văn Phật học.CHÚ THÍCH: [1] Nguyễn Thị Thu Sương (Thích Nữ Trung Phúc) (2021), Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển Ni giới tỉnh Quảng Nam, Luận văn Phật học, tr.83. [2] Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr. 477. [3] Tỳ khưu Giới Đức (2021), Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam sử lược, Nxb Hồng Đức tập II, tr.581. [4] Liễu Pháp (2016), Ni đoàn Tỳ kheo ni Nam Tông Việt Nam, Nữ giới Phật giáo Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb. Đại học Quốc gia TP. HCM, tr.649-650. [5] Tỳ khưu Giới Đức (2021), Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam Sử lược, Nxb Hồng Đức tập II, tr.575.
Bình luận (0)