Trang chủ Chuyên đề Phật giáo Nam tông Kinh đóng góp trong sự nghiệp 40 năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Phật giáo Nam tông Kinh đóng góp trong sự nghiệp 40 năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Với tinh thần hòa hợp Tăng-già, sự đoàn kết dân tộc, Phật giáo Nam tông kinh đã có những đóng góp chung cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ lúc thành lập cho đến ngày nay.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Với tinh thần hòa hợp Tăng-già, sự đoàn kết dân tộc, Phật giáo Nam tông kinh đã có những đóng góp chung cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ lúc thành lập cho đến ngày nay.

ĐĐ.ThS. Định Phúc Samādhipuñño
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học khóa 1 tại Học viện Phậtgiáo Việt Namtại TP. Hồ Chí Minh
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt:
Phật giáo Nam tông Kinh được du nhập vào Việt Nam từ sau năm 1930 cho đến nay đã hơn 80 năm hình thành và phát triển. Gia nhập vào ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1981, hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh vẫn luôn song hành và sinh hoạt chung trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam suốt 40 năm qua để đem ánh sáng Phật pháp vào cuộc đời. Sự phát triển và những thành tựu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt 40 năm qua không thể nào không kể đến sự sát cánh của các hệ phái Phật giáo nói chung và của Phật giáo Nam tông Kinh nói riêng. Trong bài viết này, người viết muốn trình bày những đóng góp, sự đồng hành và phát triển của hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh trong sự nghiệp 40 năm hình thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ khóa: Phật giáo Nam tông Kinh, Theravāda.

DẪN NHẬP

Phật giáo trên thế giới có ba trường phái chính là Thượng tọa bộ (Theravāda), Đại thừa (Mahāyāna) và Mật tông (Vajrayāna). Căn cứ vào sự du nhập và sự phát triển của mỗi trường phái tại các quốc gia, lãnh thổ mà hình thành một nền Phật giáo của xứ sở đó. Điển hình là Phật giáo Theravāda phổ biến ở các quốc gia như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia; Phật giáo Mahāyāna phổ biến ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…; và Phật giáo Vajrayāna phát triển ở Trung Quốc, Mông Cổ, Nga… Riêng tại Việt Nam, Phật giáo được du nhập và phát triển đa dạng, kế thừa cả ba truyền thống Phật giáo. Tại nhiều quốc gia khác, Phật giáo cũng có sự đa dạng hệ phái, tông phái nhưng không có sự thống nhất rõ ràng, ví dụ như Phật giáo Thái Lan có hai hệ phái (Dhammayuttikanikāya và Mahānikāya) nhưng chỉ có một vị vua sãi1, Phật giáo Sri Lanka có ba hệ phái (Siam Nikāya, Amarapura Nikāya, Rāmañña Nikāya)2, Phật giáo Campuchia có hai hệ phái (Dhammayuttikanikāya và Mahānikāya) và có cả hai vị vua sãi3. Chỉ duy nhất Việt Nam, cả ba hệ phái Phật giáo được thống nhất, ngồi chung lại trong ngôi nhà của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây chính là một điều đặc biệt của Phật giáo tại Việt Nam, nói lên tinh thần đoàn kết, hòa hợp cùng nhau phát triển Phật giáo. Trong nội dung bài tham luận này, người viết muốn trình bày về những đóng góp của hệ phái Nam tông Kinh (hệ phái Theravāda của người Việt Nam) từ quá trình du nhập cho đến sự phát triển và những đóng góp của hệ phái trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

I. QUÁ TRÌNH DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KINH

Cuối thập kỷ 30 của thế kỷ XX, Phật giáo Theravāda được truyền vào miền Nam Việt Nam, đặc biệt là vùng đất Sài Gòn do công lao đầu tiên của những vị tiền bối hữu công. Tiên phong trong phong trào truyền bá Chánh pháp Theravāda vào Việt Nam thông qua Campuchia là phải kể đến tâm huyết và công sức của các vị hòa thượng tổ sư đời đầu tiên như là ngài Thiện Luật, ngài Huệ Nghiêm, ngài Hộ Tông. Đây là những người Việt sống tại Campuchia và là những vị học giả, tri thức đương thời.4 Cả ba vị trưởng lão là người Việt Nam đầu tiên xuất gia theo truyền thống Phật giáo Theravāda tại Campuchia và có công lao tiên phong trong việc hoằng dương Phật giáo Theravāda tại vùng đất Sài Gòn thời bấy giờ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Buu Quang Phat giao Nam tong kinh 1

Về phía cư sĩ, những tiền bối như ông Nguyễn Văn Hiểu, ông Văng (Văn?) Công Hương, ông Quyến là những vị bỏ công sức ra tìm đất cất chùa để các vị trưởng lão thuyết pháp, giảng đạo. Các vị đến gặp bà Cả, thân mẫu ông Bùi Ngươn Hứa xin thuê lại khu đất có diện tích 2 mẫu tại Gò Dưa (Thủ Đức), bà Cả là người tín tâm với đạo Phật nên dâng cúng phần đất này nhưng trên danh nghĩa bà bán đất với giá trị là 1 đồng tiền. Ngày rằm tháng 10 năm 1938, các vị hòa thượng đã tổ chức lễ an vị tôn tượng Phật tại ngôi chánh điện chùa Bửu Quang (Ratanaraṅsyārāma). Vì thế, ngày này đánh dấu một mốc lịch sử trọng đại, là ngày thành lập chùa Bửu Quang, ngôi tổ đình đầu tiên của hệ phái Nam tông Kinh do HT. Thiện Luật đảm nhiệm chức vị trụ trì đầu tiên từ năm 1939.5

Ngày 15 tháng 4 năm 1940, chánh điện chùa Bửu Quang làm lễ lạc thành và nghi thức kiết giới Sīmā theo truyền thống Theravāda do HT. Thiện Luật, HT. Huệ Nghiêm và nhóm đạo hữu của ông Nguyễn Văn Hiểu đứng ra tổ chức. Dưới sự chứng minh của đức Phó Vua sãi Phật giáo Campuchia, ngài HT. Somdech Choun Nath6 và 30 vị Tỳ-khưu Campuchia tham dự.7 Khi ấy, tại chùa Bửu Quang, HT. Hộ Tông bắt đầu truyền giảng Phật pháp bằng tiếng Việt đến bà con Phật tử xung quanh cùng với chư Tăng. Ngài đã soạn dịch nhiều tác phẩm kinh điển từ tiếng Pāli về kinh tụng, luật của người xuất gia, luật của người cư sĩ để lấy đó làm kim chỉ cho việc hoằng pháp tại vùng đất mới. Và từ đó, Phật giáo Nam tông Kinh hiện diện song hành cùng với Phật giáo Việt Nam.

Năm 1945, chùa Giác Quang (Bình Đông – Chợ Lớn) được thành lập do ngài HT. Giác Quang và ngài đảm nhiệm chức trụ trì. Đây là ngôi chùa thứ hai của Phật giáo Nam tông Kinh.

Năm 1950, ngài Hộ Tông cùng với một số cư sĩ, nhất là ông Nguyễn Văn Hiểu đã chủ trương để xây dựng một cơ sở chính làm trụ sở của hệ phái tại đất Sài Gòn. Vì thế, chùa Kỳ Viên (Bàn Cờ) được thành lập và trở thành một trung tâm sinh hoạt của Phật giáo Nam tông Kinh, và càng ngày càng cuốn hút được nhiều tín đồ nương theo để tu tập.

Ngày 10-06-1956, ông Nguyễn Văn Hiểu đệ đơn lên Chính phủ Việt Nam Cộng hòa xin thành lập Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam và đến ngày 14/05/1957 được Chính phủ phê duyệt.

Ngày 15-01-1957, ông Nguyễn Văn Hiểu cung thỉnh chư Tăng họp tại chùa Kỳ Viên để bầu ra ban Chưởng quản lâm thời và bỏ phiếu kín bầu HT. Bửu Chơn làm Tăng thống. Đến ngày 20-02- 1957, ban Chưởng quản lâm thời nộp đơn để xin được phép thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Ngày 18 tháng 12 năm 1957, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được ký phê duyệt thành lập và hoạt động chính thức.

Vào ngày 12 tháng 07 năm 1958, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam mở đại hội và tiến hành bầu cử các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong nhiệm kỳ đầu tiên (1968-1961). Sau đại hội, HT. Hộ Tông chính thức đắc cử Tăng thống, HT. Bửu Chơn và HT. Thiện Luật đồng phó Tăng thống cho nhiệm kỳ đầu tiên của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.8

Từ giai đoạn hình thành, phát triển và thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, tiền thân của hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh đã hoạt động theo đúng chủ trương điều lệ của Giáo hội. Nhờ sự không ngừng nghỉ của chư vị trưởng lão tiền bối cũng như niềm tín thành của hàng cư sĩ tại gia, số lượng tu sĩ, tu nữ và tín đồ Phật giáo Nam tông Kinh ngày càng phát triển và vững mạnh về chất lượng.

II. ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC VÀ PHẬT GIÁO TRONG PHÁP NẠN 1963

Khi tình hình kỳ thị chống đối Phật giáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa trở nên khốc liệt và căng thẳng, chư Tăng và tín đồ Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đã đồng hành cùng với các tầng lớp nhân dân, Tăng, Ni và tín đồ Phật giáo đứng lên để đấu tranh chống đối vì Đạo pháp và dân tộc.

Ngày 25-05-1963, tại chùa Xá Lợi, Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo gồm 11 tông phái Phật giáo được thành lập. Khi ấy, đại diện Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam là HT. Tăng thống Bửu Chơn, đại diện Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam là ông Hội trưởng Nguyễn Văn Hiểu.9 Đại diện các tông phái đã công bố một bản tuyên ngôn ngắn gọn và bày tỏ quyết tâm đoàn kết tranh đấu bất bạo động, là tiếng nói chung của toàn thể Tăng, Ni và tín đồ Phật giáo tại Việt Nam.

Theo HT. Thích Thiện Nhơn ghi lại: “Trong phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam và Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam đã có những đại diện tham gia vào phong trào này: HT. Bửu Chơn tham gia ban Chứng minh; HT. Giới Nghiêm làm Phó Chủ tịch; HT. Hộ Giác, HT. Bửu Phương, HT. Nhật Thiện tham gian ban Đối ngoại và phát ngôn. Riêng HT. Pháp Tri vượt biên sang Campuchia để vận động Chính phủ, nhân dân và Phật giáo Campuchia cùng lên tiếng để ủng hộ phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam”.10 Ngày 11 tháng 06 năm 1963, sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân đã gây chấn động thế giới và làm suy giảm uy tín của Ngô Đình Diệm. Vài tháng sau, ông Diệm bị lật đổ và ám sát.

Sau pháp nạn 1963, ngày 04-01-1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập. Tham gia vào Giáo hội, HT. Tối Thắng được suy tôn làm Phó Tăng thống. Sau khi ngài viên tịch thì HT. Thiện Luật thay thế chức vụ này. HT. Giới Nghiêm đảm nhiệm vai trò Phó Thư ký Viện Tăng thống, HT. Pháp Tri phụ trách Phó Viện trưởng Tài chánh kiến thiết, HT. Hộ Giác chức vụ Phó Tổng vụ trưởng Tổng vụ cư sĩ…

Đến năm 1969, HT. Giới Nghiêm rút lui khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để quay về vai trò của một vị tu sĩ Phật giáo nỗ lực tu tập, hoằng dương Chánh pháp. Thời bấy giờ, chỉ còn HT. Pháp Tri và HT. Hộ Giác tiếp tục tham gia các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.11 Khi ấy, chư Tăng Phật giáo Nam tông chủ yếu tập trung để phát triển hệ thống tự viện, tu sĩ và tín đồ tu tập theo Giáo pháp của hệ phái Theravāda.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc CHua Tam Bao Da Nang Phat giao Nam Tong kinh 1

Chùa Tam Bảo, Đà Nẵng

Trong thời kỳ này, Phật giáo Nam tông Kinh đã hình thành nên những ngôi tự viện khắp miền Nam và miền Trung như là chùa Thiền Quang 1, chùa Thiền Quang 2, chùa Tam Bảo (Vũng Tàu), chùa Tam Bảo (Đà Nẵng)… Những Phật học viện được thành lập tại chùa Pháp Quang, chùa Giác Quang, chùa Phật Bảo để đào tạo các vị Tăng tài, tiếp nối truyền thống và hoằng dương Chánh pháp.

III. THAM GIA VÀO CÔNG CUỘC HÌNH THÀNH NGÔI NHÀ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Tháng 02 năm 1980, thành lập Ban vận động thống nhất Phật giáo để kêu gọi các hệ phái, truyền thống Phật giáo cùng thống nhất và sinh hoạt dưới một tổ chức Phật giáo duy nhất. Tham gia ban vận động có HT. Giới Nghiêm nhận chức vụ Phó ban, HT. Thiện Tâm làm Ủy viên Thường trực.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoa thuong Gioi Nghiem Phat giao nam tong kinh 1

HT. Giới Nghiêm (1921 – 1984)

Ngày 07-11-1981, đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) để thống nhất 9 Giáo hội Phật giáo tại Việt Nam lúc bấy giờ. Về phía Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam có 7 vị tham dự do HT. Siêu Việt làm trưởng đoàn. Tháp tùng phái đoàn gồm có: HT. Pháp Lạc (phó đoàn), HT. Thiện Tâm (thư ký), HT. Kiểm Tâm, HT. Viên Minh, HT. Hộ Chánh, HT. Ẩn Minh.12 Trong đại hội, thay mặt phái đoàn đại biểu Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, HT. Thiện Tâm đã phát biểu tham luận.13

Như vậy, từ ngày hình thành vào năm 1957 cho đến khi gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam trải qua 24 năm lịch sử với 9 nhiệm kỳ vẻ vang luôn song hành cùng dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam. Từ đây, trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được gọi là hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh.

Cho đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 8 nhiệm kỳ, Phật giáo Nam tông Kinh đã có những đóng góp và tham dự vào Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như là đóng góp vào các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh thành trong cả nước.

• Hội đồng Chứng minh: nhiệm kỳ I (1981-1987) có HT. Ẩn Lâm và HT. Giới Nghiêm; nhiệm kỳ IV (1997-2002) có HT. Kim Minh, HT. Hộ Nhẫn, HT. Pháp Lạc; nhiệm kỳ V (2002-2007) có HT. Kim Minh; nhiệm kỳ VII (2012-2017) và VIII (2017-2022) có HT. Viên Minh.

• Hội đồng Trị sự: nhiệm kỳ I (1981-1987) có HT. Giới Nghiêm, HT. Siêu Việt, HT. Thiện Tâm; nhiệm kỳ II (1987-1992) và nhiệm kỳ III (1992-1997) có HT. Siêu Việt; nhiệm kỳ IV (1997-2002) có HT. Hộ Nhẫn, HT. Thiện Tâm; nhiệm kỳ V (2002-2007) có HT. Vô Hại, HT. Thiện Tâm; nhiệm kỳ VI (2007-2012) có HT. Thiện Tâm, nhiệm kỳ VII (2012-2017) và VIII (2017-2022) có HT. Thiện Tâm, HT. Bửu Chánh.

Ngoài ra, còn rất nhiều vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh tham gia trong các ban viện thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh thành, Viện nghiên cứu Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam…

IV. SỰ PHÁT TRIỂN VÀ NHỮNG THÀNH TỰU CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KINH

Tính đến thời điểm này, Phật giáo Nam tông Kinh đã hiện diện tại 24 tỉnh thành trên mảnh đất hình chữ S thân thương với số lượng tự viện là 106 cơ sở tôn giáo, 1.754 tu sĩ gồm cả Tỳ-khưu, Sa-di và Tu nữ Phật giáo Nam tông Kinh.14

Theo thống kê về số lượng chư Tăng – tu nữ của hệ phái Nam tông Kinh, tỷ lệ tu sĩ là 3,2% trên tổng số tu sĩ cả nước, số lượng chùa chiền thuộc hệ phái chiếm khoảng 0,57% tự viện cả nước. Tuy số lượng nhỏ nhoi so với tỷ lệ Tăng, Ni và tự viện các hệ phái khác nhưng dù sao đó cũng đánh giá một quá trình phát triển của một hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh hình thành trên đất nước Việt Nam vốn đã in đậm dấu ấn của văn hóa Trung Hoa từ rất nhiều thế kỷ.

Trên tinh thần trung đạo mà đức Thế Tôn lấy làm cốt lõi trong sự nghiệp hoằng pháp và giảng dạy, hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh đã thừa kế, truyền thừa và phát huy để trở thành một đặc điểm biệt truyền của hệ phái. Từ đó, chư Tăng, tu nữ, các thiện tín đã góp phần chung cùng với các hệ phái Phật giáo để tạo nên sự hài hòa, đoàn kết cùng nhau phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như của nội bộ hệ phái. Chúng tôi xin được kể ra một số thành tựu nổi bật của hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh trong những năm qua như sau:

• Kinh tạng (Suttapiṭaka) bằng tiếng Pāli được chuyển ngữ sang tiếng Việt một cách hoàn thiện với công lao đầu tiên phải kể đến là đức HT. Thích Minh Châu. Năm bộ kinh Nikāya của Tạng kinh (Suttantanikāya) do hòa thượng chuyển ngữ và Viện nghiên cứu Phật học ấn hành năm 2012-2015. Ngài đã đặt nền móng cho việc chuyển ngữ và nghiên cứu kinh điển bằng tiếng Pāli và tiếng Việt cho biết bao thế hệ Tăng, Ni và Phật tử. Ngoài ra, những tập kinh thuộc Tiểu bộ kinh (Khuddakanikāya) chưa được hòa thượng phiên dịch thì được TT. Indacanda ở Tích Lan đã chuyển ngữ đầy đủ. Như vậy, trọn bộ Kinh tạng đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt hoàn chỉnh. TT. Indacanda cũng đã chuyển ngữ trọn bộ Luật tạng (Vinayapiṭaka) và xuất bản song ngữ Pāli – Việt. Về Thắng pháp tạng (Abhidhammapiṭaka) do HT. Tịnh Sự chuyển ngữ cũng đã được ấn hành. Như vậy, có thể nói là Tam tạng Thánh điển Pāli của Phật giáo Nam tông đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt hoàn thiện và phổ biến rộng rãi đến các vị tu sĩ và cư sĩ, các nhà nghiên cứu Phật học.

• Vấn đề tu học của chư Tăng, tu nữ và cư sĩ cũng được phát triển theo xu hướng tích cực. Một số vị theo học các chương trình đào tạo của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM từ những khóa đầu tiên cho đến nay. Sau này, còn có một số vị tiếp tục theo học các chương trình Cao học, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM. Chư Tăng, tu nữ được tiếp cận và tham gia chương trình giảng dạy tại các nước Phật giáo như Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan. Sau khi đã có nền tảng Phật học căn bản, nhiều vị đã tiếp tục con đường tu học của mình bằng cách sang các nước Phật giáo khác để theo học tại các trường đại học Phật giáo hoặc là các ngôi chùa để học giáo lý Phật pháp bằng tiếng bản xứ. Không những vậy, nhiều vị đã dấn thân vào con đường tu tập thực hành thiền định, thiền quán tại các trường thiền ở Miến Điện, Thái Lan. Sau đó các vị đã về Việt Nam và các khóa tu thiền Tứ niệm xứ cũng được tổ chức do các thiền sư quốc tế về giảng dạy…

– Về việc tham gia các cấp Giáo hội, có nhiều vị hòa thượng, thượng tọa của hệ phái đã tham gia vào các ban ngành, Giáo hội Phật giáo các cấp từ Trung ương cho đến địa phương. Với sự hiện diện của các ngài trong các cấp lãnh đạo của Giáo hội đã đóng góp nhiều ý kiến, quan điểm và tiếng nói chung của hệ phái. Từ đó, góp phần tạo nên mối quan hệ đoàn kết trong tinh thần “linh sơn pháp lữ” của người đệ tử Phật.

LỜI KẾT

Với tinh thần hòa hợp Tăng-già, sự đoàn kết dân tộc, Phật giáo Nam tông kinh đã có những đóng góp chung cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ lúc thành lập cho đến ngày nay. Với tinh thần “tốt đạo đẹp đời” và châm ngôn “Đạo pháp – Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa” chư Tăng, tu nữ và tín đồ Phật giáo Nam tông Kinh luôn song hành cùng với các thời kỳ của dân tộc để cùng nhau hoằng dương Chính pháp, đem ánh sáng Phật pháp vào cuộc đời để xây dựng nên một đất nước giàu mạnh vật chất, vững mạnh tinh thần. Từ đó, để giúp cho mỗi người, mỗi nhà, mỗi chúng sanh thấm nhuần giáo lý của bậc Giác ngộ từ chính cuộc đời này, ngõ hầu đem đến sự an lạc hiện tiền và an lạc về sau.

ĐĐ.ThS. Định Phúc Samādhipuñño
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học khóa 1 tại Học viện Phậtgiáo Việt Namtại TP. Hồ Chí Minh
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

1 Vua sãi của Phật giáo Thái Lan là Hòa thượng SomdetPhra Saṅgharāja Saka- lamahāsaṅghapariṇāyaka Somdet Phra Ariyavongsagatanana IX.
2 Trần Quang Thuận (2008), Phật giáo Tích Lan, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 368.
3 Vua sãi của hệ phái Dhammayuttika Nikāya là ngài Hòa thượng Samdech Preah Abhisirī Sugandhā Mahāsangharājādhipati; Vua sãi của hệ phái Mahānikāya là ngài Hòa thượng Samdech Preah Maha Sumedhādhipati.
4 Thiện Minh (2017), Giáo trình lược sử Phật giáo Nam tông Việt Nam, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 54.
5 Thiện Hậu (2017), Phật giáo Nam tông Kinh Việt Nam (1938-1963), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 20-23.
6 Vua sãi Somdech Choun Nath (1883 – 1969) là đức vua sãi thứ IV của hệ phái Mahānikāya Phật giáo Campuchia. Đến năm 1963, ngài được Quốc trưởng Sihanouk suy tôn làm đức Vua sãi Saṅgharāja IV.
7 Thiện Minh (2019), Nam tông ký sự, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 5.
8 Biên bản Đại hội của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Thiện Minh (chủ biên, 2017), Toàn tập Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 48-51.
9 Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 802.
10 Thích Thiện Nhơn (2014), Sự đóng góp của Phật giáo Nam tông Kinh trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, tr. 784.
11 Thiện Minh (2017), Sđd, tr. 74.
12 Thiện Minh (2017), Sđd, tr. 75.
13 Thích Thiện Nhơn (2014), Sđd, tr. 785.
14 Báo cáo của Hội đồng Trị sự tại Hội nghị kỳ 5 – Nhiệm kỳ VIII của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Thiện Hậu (2017), Phật giáo Namtông Kinh Việt Nam(1938-1963), Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội.
Thiện Minh (2017), Giáo trình lược sử Phật giáo Nam tông Việt Nam, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
Thiện Minh (2019), Nam tông ký sự, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. Thiện Minh (chủ biên, 2017), Toàn tập Trưởng lão Hòa thượng Hộ
Tông, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
Thích Thiện Nhơn (2014), Sự đóng góp của Phật giáo Nam tông Kinh trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
Trần Quang Thuận (2008), Phật giáo Tích Lan, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường