Hệ phái Khất Sĩ giữ vững con đường trung đạo kết hợp những tinh hoa của nền giáo lý Nam truyền và Bắc truyền. Với tôn chỉ “Việt Nam Đạo Phật không phân thừa” Tổ sư đã lựa chọn những giáo lý sao cho phù hợp với tâm thức và con người Nam bộ Việt Nam.
Tác giả: SC Thích Nữ Trung Hiếu & TT.TS Thích Hạnh Tuệ
Tóm tắt: Hệ phái khất Sĩ là một Hệ phái không thể thiếu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo chiều dài lịch sử gần 80 năm của hệ phái Khất Sĩ, có thể đây chỉ là một khoảng thời nhất định so với lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nhưng trong khoảng thời gian ấy hệ phái đã đạt được những thành tựu nổi bật ở nhiều phương diện, với sự phát triển nhanh chóng và có những đóng góp không nhỏ cho GHPGVN. Phương pháp truyền bá giáo lý của Hệ phái Khất Sĩ đã vận dụng tính khế cơ, khế thời, khế xứ, khế lý từ đó xây dựng được một hệ phái lớn mạnh như ngày nay. Việc tìm hiểu phương pháp truyền bá giáo lý có hiệu quả của Hệ phái góp phần xây dựng kiến thức bổ ích cho việc hoằng pháp, vì “thay Thế Tôn truyền bá đạo mầu” là sứ mạng thiên liêng của tất cả mọi hành giả không phân biệt Hệ phái nào.
Những phương pháp truyền bá giáo lý của Hệ phái Khất Sĩ là những phương pháp đã qua thực nghiệm có kết quả được chứng nghiệm bằng thời gian nên tìm hiểu và học hỏi các phương cách này thật sự có ích cho hành giả nhất là hành giả đang hoằng pháp trên đất nước Việt Nam. Từ khóa: Khất sĩ, giáo lý, Phật giáo, truyền bá
1. Dẫn nhập
Hệ Phái Khất Sĩ từ những ngày đầu thành lập đến nay đã gần 80 năm, một chặng đường không phải quá dài đối với lịch sử mấy ngàn năm của Phật giáo nói chung hay lịch sử Phật Giáo Việt Nam nói riêng những đối với Hệ phái Khất Sĩ là cả một quá trình định hình, phát triển và tự khẳng định mình.
Trong gần 80 năm ấy, hệ Phái Khất sĩ với tôn chỉ “Y bát chơn truyền; Nối truyền Thích Ca chính pháp”[1] đã hoàn thành tốt sứ mạng của mình. Chứng minh cho sự phát triển đáng kính trọng ấy thể hiện ở số lượng tịnh xá,, tăng chúng và tín đồ của hệ phái từ khi mới thành lập đến hôm nay. Trong Tài liệu Hội nghị (2019), phần báo cáo tổng kết công tác phật sự năm 2019 của GHPGVN, số lượng chứ tăng, ni của hệ phái là 4.984 vị và có 541 ngôi tịnh xá[2]. Song song đó rất nhiều chư tăng, ni của Hệ phái Khất Sĩ hiện đang gánh vác các vai trò quan trọng trong hội đồng trị sự, các ban, ngành, viện trung ương GHPGVN, cũng như trong Ban Thường trực của các BTS GHPGVN tại các tỉnh thành như: Hòa thượng Thích Giác Toàn, HT.TS Thích Minh Thành, TT TS Thích Giác Hoàng, NS TS TN Liên Thiền, TT TS Thích Giác Nhường, TT TS Thích Giác Duyên, NS TS Thích nữ Tuệ Liên, NS TS Thích nữ Nghiêm Liên..v.v... Hệ phái Khất Sĩ đã và đang góp phần, đồng hành xây dựng GHPGVN tốt đẹp và phát triển hơn. Về phương diện lợi nước an dân, hệ phái đã tích cực tham gia nhiều công tác từ thiện khác nhau để góp phần làm vơi bớt những nỗi khổ niềm đau của người dân trên tinh thân từ bi-trí tuệ.
Như vậy, Nhìn tổng quan ta có thể thấy chỉ trong gần 80 năm, hệ phái Khất Sĩ phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ với nhiều giáo đoàn lần lượt định hình và phát triển với các tịnh xá, tịnh thất, tu sĩ, tín đồ. Hệ phái dần tự khẳng định vị trí của mình về số lượng và chất lượng trong lòng dân tộc và trong sự phát triển chung của giáo hội. Tổ sư Minh Đăng Quang và các đức Thầy khi lãnh đạo giáo đoàn đã vận dụng tính khế cơ, khế thời, khế xứ, khế lý của Đức Thế tôn một cách uyển chuyển vào thực tế đời sống xã hội ở Việt Nam. Đây chính là tính chất quan trọng trong Phương pháp truyền bá giáo lý của hệ phái Khất Sĩ.
2. Nguồn gốc Hệ phái Khất Sĩ
Vào những năm 40 của thế kỷ XX, người dân trên đất nước Việt Nam nói chung và miền Nam Việt Nam nói riêng đang phải chịu sự đô hộ của thực dân với những áp bức, khói lửa, đạn bom. Những người dân hiền lành chất phát có đời sống tâm thức đơn thuần ngày ngày chỉ biết ra đồng với con trâu cái cày phải đối diện sự mất mát tang thương do chiến tranh tàn phá. Phật giáo lúc bấy giờ cũng đang bị chính quyền đàn áp để thay thế bằng Thiên Chúa giáo và nhiều khó khăn nội bộ trong Phật giáo khác. Lúc đó, hệ phái Khất Sĩ xuất hiện chỉ có một mục đích là chuyển hóa khổ đau cho chúng sinh bằng lời dạy của Thế Tôn và với phương châm “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Hệ phái khất sĩ chính thức ra đời vào năm 1947 tại vùng Đồng bằng sống Cữu Long[3] theo Hòa thượng Thích Giáo Toàn, còn theo Huyền Phương hệ phái Khất Sĩ xuất hiện vào năm 1945[4]. Theo PGS.TS. Nguyễn Công Lý thì Tổ sư khai sáng hệ phái năm 1944 [5].
Ngài Minh Đăng Quang sau này được tôn xưng là Tổ sư Minh Đăng Quang là vị sáng lập ra Hệ Phái Khất Sĩ. Thế danh Tổ sư Minh Đăng Quang là Nguyễn Thành Đạt tự Lý Hườn, sinh ngày 26 tháng 9 năm 1923 tại quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, là con út của cụ Nguyễn Tồn Hiếu (1894-1968) và cụ bà Phạm Thị Tỵ tự Nhàn (1982-1924). Từ rất nhỏ, Nguyễn Thành Đạt đã thể hiện những chủng nhân lành với Phật Pháp như chuyên tâm niệm hương cúng Phật hàng ngày, ăn chay mỗi tháng mười ngày, phát nguyện xuất gia từ năm 13 tuổi... Năm 15 tuổi (Năm 1937) Ngài qua Cao Miên thọ giáo Phật Đà với ông Lục Tà Keo. Cuối năm 1941 thì trở về nước (tỉnh Vĩnh Long) và lên Sài Gòn làm việc. Sau một năm Nguyễn Thành Đạt lập gia đình với bà Kim Huệ và có được một người con gái, nhưng cả vợ và con gái đều lâm bệnh và lần lược qua đời. Năm 1944, Ngài đến Mũi Nai ở Hà Tiên nhập định miên mật trong bảy ngày đêm và ngộ đạo lúc Ngài tròn 22 tuổi. Khi Tổ sư 24 tuổi (năm 1946) Ngài được một cư sĩ thỉnh về chùa Linh Bửu ở làng Phú Mỹ - Mỹ Tho tu tập, hóa độ chúng sinh và pháp hiệu Minh Đăng Quang cũng được Tổ sư tự đặt trong khoảng thời gian này. Sau 10 năm tu tập và hoằng pháp độ sinh, vào ngày 1 tháng 2 năm 1954 (Giáp Ngọ), trên đường hành đạo từ Sa Đéc qua Vĩnh Long đến Cần Thơ, Ngài đã thuận theo nhân duyên và vắng bóng[6].
Như vậy, trong vòng 10 năm đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã lập nền móng vững vàng về mọi phương diện cho Hệ phái Khất Sĩ như giáo lý, phương pháp hành trì, kiến trúc xây dựng tịnh xá, cách thức tổ chức giáo đoàn... Với chí nguyện “nối truyền Thích-Ca Chính pháp”, Tổ sư Minh Đăng Quang giữ vững con đường Trung đạo kết hợp khéo léo những tinh hoa của Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền với tiêu chí “Việt Nam đạo Phật không có phân thừa”. Hệ phái Khất Sĩ theo lời dạy Tổ sư với ba pháp yếu quan trọng:
1. Tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia
2. Sự tinh tấn trong tu tập
3. Tinh thần hoằng hóa độ sinh.
Từ nền tảng đó tạo nên một Hệ phái Khất Sĩ vừa kế thừa lại hình ảnh du tăng thời Phật vừa thực hiện tinh thần Bồ tát trong Phật giáo Đại thừa. Những lời dạy của Tổ sư tựu trung ở bộ Chân Lý với 69 bài giảng hàm tàng kinh luật luận của Phật giáo. Sau khi Tổ sư vắng bóng các đức Thầy đã kế thừa và phát huy Hệ phái Khất Sĩ cho đến ngày nay. Có thể tạm chia quá trình tuyền thừa và phát triển của Hệ Phái thành ba giai đoạn là: giai đoạn đầu thành lập (sau khi Hệ phái Khất Sĩ thành lập -1954); Giai đoạn (1953-1981) từ sau khi Tổ Sư vắng bóng đến khi Hệ phái Khất Sĩ gia nhập GHPGVN và Giai đoạn (1981-nay) từ sau khi Hệ phái gia nhập GHPGVN đến nay:
Giai đoạn đầu thành lập (sau khi Hệ phái Khất Sĩ thành lập -1954): trong thời gian 10 năm khi Tổ Sư hành đạo và thành lập Hệ phái Khất Sĩ cho đến lúc Ngài vắng bóng. Năm 1947 Ngài bắt đầu nhận đệ tử đến năm 1953, Tổ sư có 49 đệ tử Tăng (Giác Chánh, Giác Tánh, Giác Như,...) và 53 đệ tử ni (Huỳnh Liên, Bạch Liện, Thanh Liên...) chính những vị Tăng-Già đầu tiên này đã kế thừa, tiếp nối và phát huy mạnh mẽ bước chân truyền đạo của Tổ sư. Giáo đoàn đầu tiên gọi là Giáo đoàn I do Tổ sư Minh Đăng Quang lãnh đạo. Từ năm 1947 đến năm 1953 đã có hơn 20 tịnh xá ở các tỉnh Vĩnh Long, Bình dương, Sa đét, Tây Ninh,...và ở Bình Thuận[7]. Tổ đình Minh Đăng Quang (Vĩnh Long) được chọn làm tổ đình của Giáo Đoàn I. Trong giai đoạn này chư vị tổ thầy vẫn chọn hình thức du tăng khất thực - đây chính là sự tái hiện hình ảnh Tăng đoàn thời đức Phật ngày xưa.
Giai đoạn (1953-1981) từ sau khi Tổ Sư vắng bóng đến khi hệ phái Khất Sĩ gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong giai đoạn này theo lời phó chúc của Tổ sư, các vị Giác Chánh, Giác Tánh và Giác Như điều hành giáo đoàn. Giai đoạn này Tăng đoàn Khất Sĩ vẫn với hình thức du tăng, các Ngài đi ra miền Trung dọc theo duyên hải (1956-1957) rồi sau đó trở lại miền Nam, một số tỉnh ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Dấu chân các bậc giải thoát đoàn du tăng Khất Sĩ đi đến đâu thì các tịnh xá dần dần được hình thành đến đó với số lượng đồ chúng từ xuất gia đến phật tử theo đó cũng dần tăng lên. Các giáo đoàn cũng dần được hình thành như sau:
Giáo đoàn II: Trong khoảng các năm 1957 - 1958, hai vị Trưởng lão Giác Tánh và Giác Tịnh thành lập Giáo đoàn II. Các Ngài hành đạo ở vùng duyên hải miền Trung từ Bình Định ra đến Quảng Trị. Đến nay có khoảng hơn 17 ngôi tịnh xá trải dài từ Sài Gòn, Huế, Đắk Lawk, Đăk Nông.... Giáo đoàn II lấy Tinh xá Ngọc Nhơn (Quy Nhơn) làm tổ đình chính.
Giáo đoàn III: Khoảng năm 1957 Trưởng lão Giác An thành lập Giáo đoàn III. Giáo đoàn này truyền pháp ở một phần duyên hải miền Trung và đi ngược lên Tây Nguyên. Đến năm 1968 Trưởng lão Giác An thông báo cho tiếp nhận đệ tử Ni. Giáo đoàn này lấy Tịnh Xá Ngọc Tòng (Khánh Hòa) làm tổ đình chính.
Giáo đoàn IV: Cũng trong khoảng năm 1957, Trưởng lão Giác Nhiên thành lập Giáo đoàn IV khi trở lại Sài Gòn sau thời gian cùng Tăng đoàn du hóa miền Trung. Pháp Viện Minh Đăng Quang hiện đang là trụ sở chính của giáo đoàn này. Khoảng năm 1967, thành lập Ni giới Phân đoàn 1 và Ni giới Phân đoàn 2 thuộc Giáo đoàn IV đứng đầu là Ni trường Ngân Liên và Ni trưởng Trí Liên [8].
Giáo đoàn V: Trưởng lão Giác Lý thành lập Giáo đoàn V vào khoảng năm 1960. Hiện nay Giáo đoàn này có các ngôi Tịnh xá, Tịnh thất ở miền Trung và miền Nam. Tịnh xá Trung Tâm (Quận 6 – Hồ Chí Minh) hiện là tổ đình của Giáo đoàn này.
Giáo đoàn VI: Do Hòa thượng Giác Huệ, Hòa thượng Giác Đức thành lập vào năm 1962. Giáo đoàn VI chủ yếu giáo hóa ở vùng Đông và Tây Nam Bộ. Giáo đoàn này lấy Tịnh xá Lộc Uyển (quận 6-Hồ Chí Minh) làm tổ đình.
Giáo đoàn Ni: Các vị Ni trưởng đứng đầu là Ni trưởng Huỳnh Liên cũng tích cực hoằng pháp, thành lập Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam lấy Tịnh xá Ngọc Phương ở quận Gò Vấp, làm trụ sở chính.
Tháng 11-1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam chính thức gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đổi thành hệ phái Khất Sĩ và là một phần không thể thiếu trong Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
Giai đoạn (1981-2023) từ sau khi gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay: Như vậy hệ phái Khất Sĩ có 6 giáo đoàn và một giáo đoàn Ni. Một số vị hoằng pháp đến các xứ Âu, Mỹ, Úc để đem hệ phái Khất Sĩ tiếp cận các nước. Hiện nay, trên cả nước, kể cả ở một số tỉnh thành phía Bắc, Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam có 1.395 vị Tăng và 1.863 vị Ni đang tu học. Số lượng tịnh xá khoảng hơn 550 ngôi. Ngoài ra, ở hải ngoại, chủ yếu là tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc… hiện có trên 50 tịnh xá, tịnh thất với khoảng hơn 100 Tăng Ni tu học và hành đạo[9].
Trình độ học vấn của chư Tăng Ni trong hệ phái khá cao. Tính đến năm 2020 có khoảng hơn 49 vị Tiến sĩ, 16 nghiên cứu sinh, 38 thạc sĩ và hơn 3000 Tăng ni. Chư Tăng Ni sinh Khất Sĩ đang theo học nhiều nước trên thế giới, hệ phái còn thành lập “Quỹ pháp học Khất Sĩ”[10].
Chư Tăng-già Khất Sĩ cũng đã và đang tham gia vào các công tác phật sự giáo hội và giảng dạy ở nhiều trường Phật học như: Hòa thường Thích Giác Toàn hiện là Trưởng Ban biên tập và ấn hành TTTĐPGVN; HT.TS Thích Minh Thành hiện là Tổng biên tập TTTĐPGVN, giám đốc trung tâm dịch thuật Trí Tịnh; TT TS Thích Giác Hoàng thư ký ban biên tập và ấn hành TTTĐPGVN, giám đốc trung tâm nghiên cứu Phật giáo Khất Sĩ; ngoài ra còn có các vị khác như NS TS TN Liên Thiền, TT TS Thích Giác Nhường, TT TS Thích Giác Duyên, NS TS Thích nữ Tuệ Liên, NS TS Thích nữ Nghiêm Liên..v.v...
Như vậy, Hệ phái Khất Sĩ không những “Nối truyền Thích Ca Chính Pháp” ở phương diện tự hoàn thiện phát triển về số lượng Tịnh Xá, tu sĩ, tín đồ trong hệ phái mà còn đồng hành cùng giáo hội tham gia vào các công tác phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Song song đó hệ phái Khất Sĩ cũng luôn đồng hành cùng dần tộc từ giai đoạn đầu hệ phái thành lập đến khi đất nước phát triển đi lên bằng sự hoằng hóa độ sinh và các công tác từ thiện của hơn 550 ngôi Tinh xá ở khắp miền đất nước Việt Nam.
3. Những giáo lý cốt lõi
Giáo lý cốt lõi của hệ phái Khất sĩ không ra ngoài tam tạng kinh điển kinh –luât-luận của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhưng trong hệ tư tưởng giáo lý ấy có những đặc thù riêng như:
Hệ phái Khất Sĩ giữ vững con đường trung đạo kết hợp những tinh hoa của nền giáo lý Nam truyền và Bắc truyền vốn có trước đó ở Việt Nam. Với tôn chỉ “Việt Nam Đạo Phật không phân thừa” Tổ sư đã lựa chọn những giáo lý sao cho phù hợp với tâm thức và con người Nam bộ Việt Nam. Cụ thể như: chọn thực phẩm chay, thu nhận Ni đồ, tiếp thu các kinh điển Đại thừa như A Di Đà, Pháp hoa, tư tưởng Phật tánh và tinh thần Bồ tát đạo,... ở Phật giáo Bắc truyền. Nhưng chọn cách mặc theo truyền thống Phật giáo Ấn Độ thuở xưa, dùng bát, đi khất thực,.. theo Phật giáo Nam truyền.
Hệ phái Khất Sĩ theo lời dạy của Tổ Sư thực hành Tứ y pháp trung đạo: tức là thực hành con đường trung đạo với bốn pháp (ăn, mặc, ngủ, bệnh) cần nên nương vào đó mà hành theo. Bôn điều pháp hành giả cần nên nương theo là: Thứ nhất là dùng thực phẩm khất thực trừ khi ngày hội thuyết pháp thì được ăn tại trú xứ; thứ hai là y phục sử dụng những vải người khác bỏ đi mà may lại trừ khi có người khác cúng thì được dùng. Pháp y cứ thứ ba là ngủ nghỉ dưới gốc cây nhưng có ai cúng am, liều,...thì được sử dụng; pháp nên nương theo thứ tư là thuốc để trị bệnh thì dùng phân bò nếu có người cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng [11].
Nội dung bộ Chơn Lý được chia thành những chủ đề sau:
- Quan niệm về vũ trụ quan (thiên nhiên và con người) có các bài như: Võ trụ quan, Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhơn duyên, Có và không, Sinh và tử, Nam và nữ...
- Chủ đề về các pháp môn tu tập có các quyển như: Bát chánh đạo, Chính đẳng Chính giác, Y bát chơn truyền, Chánh pháp, Nhập định, Thần mật, Số tức quan, Chư Phật, Pháp chánh giác...
- Về các tông phái và tư tưởng Đại thừa phát triển có các quyển: Tam giáo, Tông giáo, Đại thừa giáo, Đạo Phật, Pháp Tạng, Vô Lượng Cam Lộ, Quan Thế Âm, Đại Thái Thức, Địa Tạng, Pháp Hoa, Phật tánh, Chơn như...
- Về hành động và nhân quả chúng ta có các quyển: Công lý võ trụ, Giác ngộ, Khuyến tu, Đi tu, Tu và nghiệp, Ăn và sống, Hột giống, Sợ tội lỗi, Con sư tử, Sám hối...
- Chủ đề về đời sống đạo đức có các quyển: Trường đạo lý, Nguồn đạo lý, Đời đạo đức, Xứ thiên đường...
- Bài học căn bản dành cho cư sĩ có các quyển: Cư sĩ, Bài học cư sĩ, Pháp học cư sĩ...
- Về giới luật và những pháp học căn bản cho Tăng Ni xuất gia Khất sĩ có các quyển: Bài học Khất sĩ, Luật Khất sĩ, Bài học Sa-di, Pháp học Sa-di I (Kệ giới), Pháp học Sa-di II (Diệt lòng ham muốn), Pháp học Sa-di III (Pháp vi tế), Giới Phật tử (Bồ-tát giới), Giới bổn Tăng, Giới bổn Ni [12].
4. Phương pháp truyền bá giáo lý đặc trưng của hệ phái Khất Sĩ
Tất cả những thành quả tu tập của các bậc Tổ Thầy và những số liệu trên mọi phương diện độ sinh của Hệ phái Khất sĩ, chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng hệ phái Khất Sĩ đã làm tròn chí nguyện từ lúc sơ khai thành lập đến nay.
“Sức dầu yếu, mong tát vơi biển khổ,
Tay dầu mềm, toan phá đổ non sầu.
Nức tiếng lành, Đạo thạnh khắp đâu đâu,
Rạng danh Đấng buổi đầu khai Pháp giáo ...”[13]
Vậy những thành tố nào đã xây dựng nên một hệ phái vừa có khả năng tu tập phát triển đời sống tâm linh tự thân, vừa tích cực thực hành Bồ Tát đạo một cách có hiệu quả như vậy?
Về mặt hình thức, Hệ phái Khất Sĩ đã lựa chọn phương pháp du tăng với hình ảnh tăng đoàn khất thực như thời Thế Tôn, bên cạnh đó là nét đặc thù trong kiến trúc xây dựng trú xứ.
Hình ảnh đoàn du Tăng đắp y mang bát ngày ngày đi khất thực trên vạn nẻo đường không những có ý nghĩa về mặt tự lợi với mục đích chuyển hóa bản ngã tìm tàng của tự thân, mà còn có thể giáo hóa mọi người và tái hiện lại hình ảnh đẹp Tăng đoàn thời Thế Tôn còn tại thế. Tuy rằng, thời gian qua mau với sự biến động của thời cuộc và xã hội. Hệ phái Khất Sĩ không còn sống theo hình thức du tăng nữa, nhưng hình ảnh Tăng đoàn thời ấy đã đánh động tâm thức và giáo hóa biết bao người dân Việt Nam lúc bấy giờ.
Một trong những nét tạo nên sức hấp dẫn của Hệ phái Khất Sĩ chính là tên gọi và kiến trúc xây dựng trú xứ. Tịnh xá là tên gọi những trú xứ xưa kia của Thế Tôn và Tăng đoàn cách đây gần 3000 năm trước nơi xứ Ấn Độ như tịnh xá Kỳ hoàn hay tịnh xá Trúc lâm. Do đó, tổ sư Minh Đăng Quang đã lựa chọn danh từ Tịnh xá để chỉ cho trú xứ của Tăng đoàn Hệ phái Khất Sĩ thay vì gọi là Chùa, Tự viện, Thiền viện…
Kiến trúc xây dựng Chánh điện ở Tịnh xá cũng có phần đặc trưng riêng. Nếu như trong các tự viện, chùa, thiền viện... ở Việt nam thì mỗi trú xứ có lối thiết kế riêng. Hầu như các trú xứ thuộc cơ sở tôn giáo của Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền đều tùy nghi mà thiết kế xây dựng. Thì các tịnh xá lại xây dựng chánh điện trên một kiến trúc chung do Tổ sư Minh Đăng Quang thiết kế. Đây cũng là một trong những phương pháp xây dựng hình ảnh cho hệ phái. Song song đó cách thiết kế chính điện của Hệ phái cũng tạo nên nét đặc thù riêng biệt. Mô hình kiến trúc chánh điện của Hệ phái mang đầy ý nghĩa biểu tượng như:
Chính điện được xây theo hình bát giác: tám cạnh biểu tượng cho Bát chánh đạo - con đường giải thoát nền tảng của đạo Phật gồm tám chi phần.
Trên nóc của Chánh điện có hình tượng ngọn đuốc đặt trên búp sen đây chính là hình ảnh của ngọn đèn trí tuệ.
Trong Chính điện có 4 trụ cột lớn tượng trưng cho tứ chúng là Tỳ-kheo, Tỳ- kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.
Chính giữa Chính điện là ngôi bảo tháp tam cấp biểu trưng cho Giới, Định, Tuệ. Thiết kế các mặt của Chính điện đều có cửa và tháp 13 tầng là Tổ sư đã căn cứ theo kinh Đại bát Niết bàn, phẩm Di giáo thứ 26 [14].
Dõi theo bước chân của bậc Thiện Thệ trong gần 50 năm thuyết pháp độ sinh. Ngài luôn quán sát đối tượng nghe pháp trên các phương diện như căn, nơi chốn, hoàn cảnh. Trong kinh Pháp Hoa có nói trước khi thuyết pháp, đức Phật “xem xét các căn lợi độn, tinh tấn hay giải đãi của chúng sinh đó, thuận theo sức kham được mà vì chúng nói pháp...[15]” Đó chính là một trong những yếu tố giúp cho những bài giảng pháp của đức Thế Gian Giải đều có được kết quả lớn. Tổ sư Minh Đăng Quang đã thực hành theo phương pháp ấy, Ngài dựa trên trình độ nhận thức của người dân miền Nam Việt Nam, hoàn cảnh xã hội, thời cuộc bấy giờ để xây dựng Hệ phái Khất Sĩ.
Phật giáo Việt Nam ngàn đời nay luôn đồng hành cùng dân tộc, nên nền Phật giáo Việt Nam đã được bản địa hóa và ngược lại Phật giáo cũng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần người dân Việt. Tổ sư đã kết hợp tinh hoa giữa hai tư tưởng Phật giáo Việt Nam là Phật giáo Nam truyền Việt Nam và Phật Giáo Bắc truyền Việt Nam để xây dựng Hệ phái Phật giáo không phân thừa. Sự lựa chọn ấy không chỉ trên nền tảng chính kiến, chính tư duy về hệ thống giáo lý mà Tổ sư cũng rất chú trọng đến quan điểm, sự nhận thức của người dân đất Việt. Do đó, Hệ phái khất sĩ dễ dàng nhận được sự quan tâm, chấp nhận và ủng hộ của tín đồ và người dân nơi đây.
Đơn cử như: Phật giáo Nam truyền sử dụng tam tịnh nhục lại khó tương thích với tư tưởng nhận thức của người dân miền Nam Việt Nam. Nên Hệ phái Khất Sĩ sử dụng thực phẩm chay theo Phật giáo Bắc truyền. Nhưng lựa chọn sắc phục và hình thức y bát như Thế Tôn để tái hiện lại hình ảnh tăng đoàn thời Phật lại giống Phật giáo Nam truyền.v.v..
Về phương diện ngôn ngữ truyền bá giáo lý, đây có thể được xem là thế mạnh của Hệ phái so với Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền. Tác giả Lý Tùng Hiếu nhận định “chữ viết là công cụ truyền giáo”[16]. Hệ phái Khất Sĩ đã sử dụng ngôn ngữ địa phương thay cho Pali ngữ hay Hán ngữ. Lịch sử gần 50 năm giảng dạy giáo lý của Thế Tôn cho thấy, xứ Ấn Độ thời Thế Tôn tại thế không phải là một nước lớn với một ngôn ngữ nhất định. Mà thời ấy có nhiều đất nước lớn nhỏ khác nhau và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nên khi đến nơi nào thì đức Thiên Nhân Sư sử dụng ngôn ngữ nơi ấy để giảng dạy giáo pháp. Hệ phái Khất Sĩ đã sớm sử dụng ngôn ngữ địa phương để đem chính pháp đến mọi người. Qua những bài giảng trong bộ Chơn lý và các bài kinh được thi hóa sau này của các đức Thầy. Rõ ràng, Hệ phái Khất Sĩ đã sử dụng được sức mạnh ngôn ngữ bình dân để đem chân lý vào lòng dân tộc một cách phổ quát. Nhưng không phải vì thế mà hệ thống chơn lý của Hệ phái không bảo đảm tính chánh lý sâu mầu của đức Phật, mà trái lại những giáo lý cơ bản cần thiết cho sự giải thoát của Thế Tôn đã được các bậc tổ thầy của Hệ phái chuyển ngữ để truyền dạy một cách dễ hiểu, rõ ràng và cụ thể. Không những thế Hệ phái Khất Sĩ còn thi hóa các bản kinh văn, đây là thứ khí giới thanh cao và đắc lực giúp sự truyền bá giáo lý Thế Tôn đến mọi chúng sinh một cách có hiệu quả nhất. Vì ngôn ngữ trong thơ văn không những có tính hàm xúc mà còn giàu hình ảnh và có nhịp điệu. Từ đó, tăng sự hứng thú và dễ ghi nhớ đến người nghe.
Đơn cử 69 bài pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang được kết tập thành bộ Chơn lý. Khi tổ sư dạy về ngũ uẩn như sau:
“Bởi có sắc thân lâu ngày mới sinh thọ cảm.
Bởi có thọ cảm lâu ngày mới sinh hành vi
Bởi có hành vi lâu ngày mới sinh thức trí
Bởi có thức trí lâu ngày mới sinh giác chơn”[17].
Hay trong bài Chơn lý 44 Tu và nghiệp có đoạn:
“Thân trong sạch ấy là xứ Phật
Miệng trong sạch ấy là pháp Phật
Ý trong sạch ấy là con Phật
Tâm trong sạch tức là đức Phật”[18]
Hay có lần Tổ sư khuyến dạy sách tấn hàng đệ tử nên buông bỏ dục lạc mà ráng tu như sau: “kẻ nào nắm lấy lưỡi gươm, ôm siết bó chặt vào mình, thì sao chẳng bị thương chết thảm, tự mình giết mình, đau khổ lấy mình...”[19].
Những lời dạy của Tổ sư không những gần gũi dễ hiểu mà còn đầy chất thi ca và giàu hình ảnh. Những lời dạy ấy đã đáp ứng được nhu cầu cho hàng đệ tử, tín đồ từ hàng bình dân không biết chữ cho đến hàng tri thức cũng đều có thể trực nhận mà tu hành và đạt lợi ích thiết thực.
Cố Ni trưởng Huỳnh Liên đã dày công biên phiên dịch một số kinh thường tụng của Phật thuộc hệ Hán tạng ra tiếng Việt. Với năng khiếu văn chương của mình, Ni Trưởng còn thi hóa kinh Phật có vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc nhằm phổ cập kinh Phật vào đại đa số quần chúng phật tử.
Bài kệ khai kinh phiên âm Hán Việt:
“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ,
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,
Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”[20].
Ni Trưởng giữ nguyên thể thơ Tứ tuyệt:
“Huyền diệu trên đời pháp rộng sâu,
Trăm ngàn muôn kiếp dễ chi cầu,
Nay con nghe thấy chuyên trì tụng,
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu”.
Một đoạn trong kinh kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn:
“Nhĩ thời, Vô Tận Ý Bồ tát tức tùng tọa khởi, thiên đản hữu kiên, hiệp chưởng hướng Phật, nhi tác thị ngôn: Thế Tôn, Quán Thế Âm Bồ tát dĩ hà nhơn duyên danh Quán Thế Âm? Phật cáo Quán Thế Âm Bồ tát: Thiện nam tử, nhược hữu vô lượng bá thiên vạn ức chúng sinh, thọ chư khổ não, văn thị Quán Thế Âm Bồ tát nhứt tâm xưng danh, Quán Thế Âm Bồ tát, tức thời quán kỳ âm thinh giai đắc giải thoát”[21].
Ni Trưởng Huỳnh Liên thi hóa:
“Có Bồ tát là Vô Tận Ý,
Từ chỗ ngồi đứng dậy khoan thai.
Kính thành trịch áo bày vai,
Hướng về Đức Phật chắp tay bạch rằng:
“Bạch Đức Phật, Quán Âm Bồ tát,
Nhân duyên gì tên đặt Quán Âm?”
Phật rằng: Này gã thiện nam,
Nếu như muôn ức trăm ngàn chúng sinh,
Bị khổ não điêu linh tai ách,
Nghe Quán Âm Bồ tát oai linh.
Một lòng khẩn thiết xưng danh”[22]
Có thể nói, thực tế đã chứng minh những di sản tinh thần mà cố Ni Trưởng đã để lại, trong đó có những kinh văn được thi hóa đã trở thành niềm tự hào, một tài sản quý giá góp phần vào sự ổn định và phát triển Hệ phái Khất Sĩ Phật giáo Việt Nam nói chung, Ni giới Khất Sĩ Việt Nam nói riêng.
Hòa thượng Thích Giác Toàn cũng đã và đang tiếp tục thi hóa các kinh văn theo thể song thất lục bát các bản kinh như: kinh Pháp cú, kinh Nhất dạ hiền giả,..
Kinh Pháp cú được Hòa Thượng Giác Toàn thi hóa:
“Người kia lăng mạ chửi tôi
Đánh đập, phá hoại, cướp hôi gian trần
Ai còn ôm ấp khổ thân
Oán oán tương báo khó phần thoát ra.” [23].
Thi hóa kinh Nhất dạ hiền giả có đoạn như sau:
“Quá khứ không muộn không sầu
Quá khứ đoạn tận nhịp cầu đong đưa
Tương lai không ước, không mơ
Tương lai chưa đến mong chờ uổng công!
Hiện tại như mặt trời hồng
Tuệ quán soi chiếu, thanh lòng tịnh an”[24].
Hòa thượng Thích Giác Toàn còn rất nhiều bài thơ khuyến tu khác:
“Dòng đời lặng lẽ qua mau
Một năm thắm thoát mai đào mờ phai
Ba trăm sáu mươi lăm ngày
Sáng chiều khuya sớm miệt mài tròn xoay”[25]....
Như vậy, Phương pháp truyền bá giáo lý đặc trưng của Hệ phái Khất Sĩ không những kết hợp tinh hoa của hai hệ phái Phật giáo hiện tại ở Việt Nam để tạo nên sự gần gũi quen thuộc. Song Song đó hệ phái còn lựa chọn kế thừa và tái hiện hình ảnh Tăng đoàn khất thực thời Phật với “Y bát chơn truyền”. Tức là giữ lại hình thức đắp ý mang bát và du tăng khất thực như thời Phật tại xứ Ấn Độ. Hơn nữa Hệ phái Khất Sĩ với kiến trúc chính điện tinh xá đã tự xây dựng những nét đặc thù riêng. Đặc biệt, Tổ Sư và các đức Thầy đã Việt hóa ngôn ngữ các kinh để mọi người đều có thể tiếp xúc được lời dạy của đức Phật, việc thi hóa các bản kinh văn theo thể song thất lục bát giúp hàng tín đồ phật tử dễ tụng đọc, dễ nhớ và thực hành theo, sử dụng sức mạnh ngôn ngữ là cái đẹp có sức cảm hóa giáo dục cao. Vì sức mạnh của những vần thơ có tác dụng khơi dậy trạng thái cảm xúc khác nhau của con người giúp tăng sự hứng thú và tập trung.
“Pháp thi thơ tải đạo nhập đời,
Đời tải đạo theo thời độ thế;
Kinh Tam Bảo nương văn truyền đạo,
Đạo nương văn trụ thế đạo hành”[26]
Về nghi thức tụng niệm: hiện tại, trong quyển “Nghi thức tụng niệm” của Hệ phái Khất Sĩ chứa các bài kinh đều được thi hóa theo thể song thất lục bát. Phương pháp dùng sức mạnh ngôn ngữ bản địa mang tính phổ quát chính là một trong những phương tiện mạnh mẽ giúp hệ phái khất sĩ có thể hoàn thành tốt sứ mạng của mình “nối truyền Thích Ca chính pháp”. Hệ phái khất sĩ không những quan tâm đến hệ thông giáo lý mà còn luôn đồng hành và quan tâm đời sống tâm thức của hàng tín đồ phật tử. Nên trong quyển “Nghi thức tụng niệm” của hệ phái có những bài kinh như: kinh Cúng cửu huyền, kinh Cầu phước cầu lộc, kinh Cầu thọ..vv..
Trong kinh Cúng cữu huyền có đoạn:
“Thành tâm kính lạy cửu huyền thất tổ
Ngõ đáp ơn báo bổ sinh thành
Con quy y Phật tu hành
Cửu huyền thất tổ lòng thành chứng tri”[27]
Tác giả Nguyễn Văn Khang khẳng định “nếu có câu hỏi đặt ra là, nhân tố nào ảnh hưởng sâu sắc đối với lịch sử ngôn ngữ thì câu trả lời là tôn giáo và nếu có câu hỏi ngược lại thì câu trả lời là ngôn ngữ”[28]. Như vầy, theo Tác giả nhân tố ảnh hưởng sâu sắc đối với lịch sử tôn giáo chính là ngôn ngữ. Hệ phái Khất sĩ từ giai đoạn đầu thành lập đã vận dụng rất tốt vấn đề khai thác ngôn ngữ trong hoằng pháp lợi sinh và thời gian lịch sử đã chứng minh được tác dụng rất lớn của khí giới thanh cao đắc lực này.
Thay lời kết
Những năm 40 của thế kỷ XX, đất nước Việt Nam ta còn bị đô hộ, những người dân đơn thuần lại chịu những áp bức, bóc lột, cơ cực, khổ sở... Khi ấy, những lời dạy lưu xuất từ tấm lòng từ bi, trí tuệ của Tổ sư Hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang đã phần nào vơi bớt nỗi khổ niềm đau của người dân Nam bộ Việt Nam lúc bấy giờ. Những giáo lý ấy được kế thừa tiếp thu cả Nam truyền và Bắc truyền dựa trên nền tảng thể nghiệm chân lý từ lời dạy của đức Thế Tôn, Tổ sư Minh Đăng Quang đã hành đạo giảng dạy trong vòng 10 năm và được kết tập lại thành bộ Chơn lý.
Bộ Chơn lý trở thành giáo lý cốt lõi của hệ phái Khất Sĩ hiện nay với 69 bài pháp chứa đựng những giáo lý nhiệm mầu của Phật giáo, được thể hiện một cách rất gần gũi bình dân và dễ hiểu, dễ thực hành theo. Cho đến nay những năm 20 của thế kỷ XXI, Hệ phái Khất Sĩ đã trở thành một hệ phái lớn mạnh trên nhiều phương diện không những trong nước mà còn nêu cao ngọn đèn chơn lý đến các nước khác trên thế giới. Đây là kết quả của quá trình khai đạo, định hình, và phát triển của toàn bộ tứ chúng trong hệ phái. Căn cứ trên nền giáo lý trung đạo dung hòa vận dụng khéo léo các tư tưởng Phật giáo và tín ngưỡng bản địa theo tinh thần khế cơ, khế thời, khế xứ, khế lý hệ phái đã khẳng định mình và trở thành một phần quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Phương pháp truyền bá giáo lý của hệ phái Khất Sĩ rõ ràng đạt được hiệu quả rất tốt. Một trong những nét đặc thù và là sức mạnh để đạt được những kết quả ấy chính là phương điện nghệ thuật ngôn ngữ trong truyền bá giáo lý. Những bản kinh quan trọng được Việt hóa và thi hóa giúp kéo gần khoảng cách giữa giáo lý và tín đồ, từ đó giúp hành giả dễ dàng tiếp xúc với giáo lý một cách hiệu quả nhất. Những ngôn ngữ bình dị dễ hiểu lại chứa đựng giáo lý sâu mầu không những giúp tín đồ có thể dễ tiếp cận mà còn có giá trị khi thực hành đạt được an lạc hiện tại và mai sau. Những thể thơ với ngôn ngữ hàm súc đầy hình ảnh và âm thanh không những giúp tín đồ có hứng thú, dễ đọc, dễ học thuộc mà còn có giá trị văn chương làm phong phú thêm nên văn học nước nhà. Qua đây, ta có thể thấy được những nét nổi bật, đã xây dựng nên hệ phái Khất sĩ và cũng thấy được sức mạnh của ngôn ngữ nghệ thuật ngôn ngữ văn chương ,trong việc truyền bá giáo lý, hoằng dương chính pháp của đức Thế Tôn.
Tác giả: Sư cô Thích nữ Trung Hiếu & TT.TS Thích Hạnh Tuệ ***TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh. 2. Hệ phái Khất Sĩ (2008), Nghi thức tụng niệm, NXB Tôn Giáo. 3. NT Thích nữ Huỳnh Liên (2012), Đóa sen thiên, NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh. 4. Hòa thượng Thích Trí Tịnh (2018), kinh Diệu pháp liên hoa, NXB Hồng Đức. 5. Thích Quang Đăng (2008), Kinh nhật tụng, NXB Tôn Giáo. 6. Thích Minh Thời (2008), Kinh nhật tụng, NXB Tôn Giáo. 7. Nguyễn Văn Khang (2012), Ngôn ngữ học xã hội, NXB Giáo Dục. 8. Lý Tùng Hiếu (2019), Văn hóa Việt Nam trong ngôn ngữ, NXB Tri Thức. 9. Nguyễn Hồ Anh Tú (2021), Luận văn Thạc Sĩ: Đạo Phật Khất Sĩ từ góc nhìn Việt hóa Phật giáo. 10. Sức hấp dẫn của đạo Phật Khất sĩ Việt Nam (phatgiao.org.vn) 11. Quá trình hình thành và phát triển Ni giới hệ phái Khất Sĩ (nigioikhatsi.net) 12. Vài nét về Đạo Phật Khất Sĩ (phatgiao.org.vn) 13. Vài nét về Đạo Phật Khất Sĩ – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo (tapchivanhoaphatgiao.com) 14. https://nigioikhatsi.net/su-he-phai/dao-phat-khat-si-viet-nam-qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien.html 15. http://daophatkhatsi.vn/tim-hieu-ve-he-phai-khat-si--nhung-diem-can-ban-trong-bo-chon-ly.html 16. https://www.daitangkinhvietnam.org/diendan/viewtopic.php?p=61482 17. http://daophatkhatsi.vn/van-hoc-phat-giao/thi-hoa/kinh-nhat-da-hien-gia-thi-hoa.html 18. Như là mây bay (thơ Trần Quê Hương)| Giác Ngộ Online (giacngo.vn)
CHÚ THÍCH: [1] Sức hấp dẫn của đạo Phật Khất sĩ Việt Nam (phatgiao.org.vn) [2] http://daophatkhatsi.vn/giao-phap-khat-si/nghien-cuu/khao-sat-so-lieu-cua-he-phai-khat-si-trong-nhung-van-kien-chinh-quy.html [3] Vài nét về Đạo Phật Khất Sĩ (phatgiao.org.vn) [4] Quá trình hình thành và phát triển Ni giới hệ phái Khất Sĩ (nigioikhatsi.net) [5] Sức Hấp Dẫn Của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam (thuvienhoasen.org) [6] Khi đến phà Cái Vồn, lúc xe dừng lại chờ qua Cần Thơ thì một đại úy dẫn một tiểu đội lính Hòa Hảo đến mời Ngài về dinh Trung tướng Trần Văn Soái có việc, từ đó Tổ sư Minh Đăng Quang “vắng bóng” đến nay. [7] Vài nét về Đạo Phật Khất Sĩ – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo (tapchivanhoaphatgiao.com) [8] Nguyễn Hồ Anh Tú, Luận văn Thạc Sĩ: Đạo Phật Khất Sĩ từ góc nhìn Việt hóa Phật giáo, 2021, tr 43-44. [9] https://nigioikhatsi.net/su-he-phai/dao-phat-khat-si-viet-nam-qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien.html [10] Nguyễn Hồ Anh Tú, Luận văn Thạc Sĩ: Đạo Phật Khất Sĩ từ góc nhìn Việt hóa Phật giáo, năm 2021, tr 46. [11] http://daophatkhatsi.vn/tim-hieu-ve-he-phai-khat-si--nhung-diem-can-ban-trong-bo-chon-ly.html [12] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 2016, tr 10-11. [13] NT Thích nữ Huỳnh Liên, Đóa sen thiên, NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 2012, tr 227. [14] Sức Hấp Dẫn Của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam (thuvienhoasen.org) [15] Hòa thượng Thích Trí Tịnh, kinh Diệu pháp liên hoa, NXB Hồng Đức, 2018, tr 160. [16] Lý Tùng Hiếu, Văn hóa Việt Nam trong ngôn ngữ, NXB Tri Thức, 2019, tr 438. [17] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 2016, tr 26. [18] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 2016, tr 566. [19] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 2016, tr 356. [20] Thích Quang Đăng, Kinh nhật tụng, NXB Tôn Giáo, 2008, tr 35. [21] Thích Minh Thời, Kinh nhật tụng, NXB Tôn Giáo, 2008, tr 186. [22] Hệ phái Khất Sĩ, Nghi thức tụng niệm, NXB Tôn Giáo, 2008, tr 55. [23] https://www.daitangkinhvietnam.org/diendan/viewtopic.php?p=61482 [24] http://daophatkhatsi.vn/van-hoc-phat-giao/thi-hoa/kinh-nhat-da-hien-gia-thi-hoa.html [25] Như là mây bay (thơ Trần Quê Hương)| Giác Ngộ Online (giacngo.vn) [26] NT Thích nữ Huỳnh Liên, Đóa sen thiên, NXB Tông Hợp TP Hồ Chí Minh, 2012, tr 7. [27] Hệ phái Khất Sĩ, Nghi thức tụng niệm, NXB Tôn Giáo, 2008, tr 6. [28] Nguyễn Văn Khang, Ngôn ngữ học xã hội, NXB Giáo Dục, 2012, tr 290.
Bình luận (0)