Phước huệ song tu là phương thức tu tập và hành trì cần phải có đối với mỗi bản thân người phật tử tại gia, ngay trong cuộc sống hiện tại, mục đích là để khai trí, đem lại nhiều an lạc, hạnh phúc, vạn sự hữu duyên và thắng duyên.

Ngộ Minh Chương Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024

Đặt vấn đề

Kể từ khi đạo Phật xuất hiện cho đến nay, dù đã trải qua hai mươi sáu thế kỉ nhưng những giá trị về chân lí mà đạo Phật để lại là vô giá và bất tử với thời gian. Những lời giáo huấn, chỉ dạy của đức Phật vẫn còn nguyên giá trị, cả về mặt lí luận và thực hành ứng dụng. Ngày nay, xã hội phát triển, đời sống con người không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Đây vừa là sự thách thức vừa là điều kiện, cơ hội đối với người tu học Phật, bất luận đó là tu sĩ hay cư sĩ. Đặc biệt, người phật tử tại gia sẽ rất thuận lợi khi áp dụng lời Phật dạy và thực hành vào trong thực tiễn đời sống.

Với những điều kiện của thời đại, người phật tử tại gia sẽ rất năng động trong vấn đề đưa đạo Phật vào cuộc sống một cách khéo léo, hài hòa, mang lại các giá trị và ý nghĩa cao quý.

Để làm được điều đó, hơn ai hết, mỗi Phật tử phải là người tiên phong trong vấn đề tu học, trau dồi kiến thức, sự hiểu biết ở các lĩnh vực, phát triển trí tuệ, giúp đời, cứu người, làm các việc nghĩa việc thiện, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn, mang lại sự an vui cho tha nhân. Đó là phước huệ song tu - hai phương thức cần có ở người tu học Phật.

Từ khóa: Phước huệ, song tu, phật tử, tại gia....

NỘI DUNG

Phước huệ song tu là phương thức tu tập và hành trì cần phải có đối với mỗi bản thân người phật tử tại gia, ngay trong cuộc sống hiện tại, mục đích là để khai trí, đem lại nhiều an lạc, hạnh phúc, vạn sự hữu duyên và thắng duyên. Nhưng ở một số người, do nhận thức sai hoặc chưa có nhận thức đầy đủ, cho nên đã có sự lệch lạc, dẫn đến chỉ chuyên tu một mảng, phước hoặc huệ.

Theo đó, những người chỉ lo gieo trồng ruộng phước thường mong cầu cho cuộc sống ở hiện tại và tương lai được đủ đầy về tài sản, dư dả về của cải vật chất và tận hưởng trọn vẹn sự sung túc đó; cũng có một số người chỉ chăm sóc về tu huệ, như thế cũng chưa đủ bởi vì đời sống con người cần phải có các điều kiện về giá trị vật chất cơ bản và tối thiểu nhất, để mỗi người có thể tự mình gieo phước như bố thí, cúng dường, ủng hộ và quyên góp cho các hoạt động nhân đạo, phật sự, thiện sự, an sinh xã hội,...

Do vậy, người phật tử tại gia cần phải thấy rõ được vai trò và ý nghĩa quan trọng cũng như sự cần thiết phải kết hợp của việc tu phước và tu huệ.

TU HUỆ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ TẠI GIA TRONG THỜI HIỆN ĐẠI

Với sự phát triển của đời sống, con người ngày càng có nhu cầu cao trong vấn đề tiếp cận với tri thức của nhân loại, trau dồi và phát triển trí tuệ.

Đức Phật chủ trương “Y trí bất y thức”, nghĩa là người học Phật cần nương tựa vững chắc vào “trí” (trí tuệ bát nhã) hơn là thức (sự hiểu biết của thế gian); coi trọng và đề cao trí tuệ:“Duy tuệ thị nghiệp”, xem trí tuệ là nền tảng, là yếu tố quan trọng hàng đầu, là “sự nghiệp” của người học Phật và tu Phật. Đức Phật từng sánh ví trí tuệ như ngọn đèn soi sáng, dẫn đường đưa lối đi đến sự giác ngộ và giải thoát.

Trong bài Kinh Chính Tri Kiến, đức Phật đã dạy rằng:

“Thưa các hiền giả, nói tóm lại là, nhờ có chính kiến về thiện, bất thiện, cũng như chính kiến về bốn chân lí, và biết tuệ tri bốn chân lí thánh vào việc ăn uống, cũng như ứng dụng trong từng chi phần của mười hai duyên, hành giả có thể dứt trừ tận gốc khuynh hướng tham dục, khuynh hướng sân hận, khuynh hướng quan điểm - thái độ “tôi là”, nhổ gốc vô minh, hiển hiện tuệ giác, hết mọi khổ đau ngay trong hiện tại. Đây chính là cách các vị thánh đệ tử, người có chính kiến, thấy biết chính trực, tin pháp tuyệt đối, đạt được nhận thức chánh kiến nhiệm màu”. (1)

Đến với đạo Phật, với nhiều con đường, cách thức, phương tiện và lộ trình khác nhau, song giá trị nhận lại là một kho tàng quý báu với một hệ thống triết lí về trí tuệ, đạo đức và các giá trị lợi lạc khác thuộc nhiều khía cạnh của đời sống, dành cho mọi đối tượng tầng lớp, độ tuổi khác nhau.

Tu huệ của người phật tử tại gia được thể hiện qua nhiều cách thức thực hiện khác nhau. Một trong số đó phải kể đến là tầm quan trọng của việc học Phật bài bản. Ngày nay, mặc dù chưa phải là tất cả, nhưng rất nhiều cơ sở tự viện khắp cả nước đã mở các lớp giáo lí, từ căn bản đến nâng cao.

Chính điện chùa Trấn Quốc (Hà Nội) - Ảnh: Minh Khang

Thông qua các khoá học ngắn hạn, trung bình thời gian từ hai đến ba tháng/ khóa, người phật tử sẽ tiếp cận và nắm chắc những kiến thức nền tảng, trang bị cho phật tử hiểu biết một cách chánh kiến, sâu sắc, đầy đủ nhất về đức Phật và đạo Phật.

Việc học Phật, tìm hiểu về giáo lí không chỉ dành cho giới trí thức như một số quan niệm trước kia, mà mọi tầng lớp, kể cả giới bình dân cũng được và cần phải tiếp cận và học hỏi, đặc biệt ở các vùng thôn quê - những nơi mà việc phổ cập và học Phật vốn còn nhiều khó khăn, trở ngại do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ chủ quan cho đến khách quan.

Học Phật và tìm hiểu giáo lí một cách nghiêm túc, có lộ trình, dưới sự hướng dẫn của quý giáo thọ sư, tăng đoàn là cách tốt nhất để xóa bỏ các hoài nghi, tà kiến, mê tín dị đoan,... để mở ra những tia sáng trí tuệ mới cho người phật tử tại gia, góp phần phát huy bản chất giá trị của đạo Phật trong trường hợp này là trị liệu và chữa lành.

Ngoài ra, hiện nay, nhu cầu học Phật của người phật tử tại gia được đẩy lên tầm cao hơn với các trường Phật học thuộc các cấp khác nhau. Tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm cư sĩ nam, nữ phật từ mỗi năm đã đăng kí và theo học chương trình đào tạo Cử nhân Phật học, hệ Từ xa.

Với hình thức học phần lớn thời gian là online, vào cuối tuần nên rất thuận lợi cho đối tượng là phật tử. Sau bốn năm miệt mài học Phật, người học sẽ được cung cấp đầy đủ, sâu sắc và chuyên sâu nhất về kiến thức liên quan đến đạo Phật, để từ đó, người phật tử tại gia sẽ có nhiều cơ hội hơn trong vấn đề đóng góp cho xã hội.

Hiện nay, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở cấp Học viện duy nhất trong bốn Học viện trên cả nước có đào tạo chương trình Cử nhân Phật học hệ từ xa, dành cho đối tượng cư sĩ. Học viện đang đào tạo khóa thứ IX. Trong thời gian đến, như thường niên, Học viện sẽ tiếp tục khai giảng tuyển sinh khóa mới. Đây là cơ hội quý, là cánh cửa tri thức mà người phật tử tại gia nên tiếp cận và khám phá.

Đặc biệt, mới đây, vào ngày 29/01/2024, Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Định và Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Định đã cùng bàn và thảo luận về kế hoạch tổ chức lớp Trung cấp Phật học cho cư sĩ - phật tử. Nếu dự thảo này được thông qua thì đây là một bước ngoặt, khi mà lần đầu tiên trên cả nước có một cơ sở Trung cấp Phật học mở lớp đào tạo giảng dạy về Phật học cho phật tử tại gia.

Đức Phật cũng đã khuyên người có trí phải học Phật, nghe pháp:

“Người có trí thích nghe Phật pháp Gìn an vui, hạnh phúc, thong dong Như hồ sâu thẳm, nước trong Không gì khuấy đục cõi lòng tịnh thanh”. (2)

Như vậy, tu huệ của người phật tử tại gia là nhằm phát triển trí tuệ (tuệ giác, trí tuệ bát nhã), là điều kiện giúp bản thân nhận rõ về bản chất của thế giới và con người. Sự phát triển và nhận thức đó gọi là minh triết. Và sự minh triết với trí tuệ bát nhã đó không phải ngẫu nhiên mà có, cũng chẳng phải được ban tặng, mà đó phải là kết quả của cả một quá trình tu học với tinh thần tự học, nghiền ngẫm và chiêm nghiệm cũng như thực hành, áp dụng. Để có được sự tu về trí huệ, người Phật tử tại gia cần phải có sự tích hợp giữa văn huệ, tư huệ và tu huệ.

TU PHƯỚC CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ TẠI GIA TRONG THỜI HIỆN ĐẠI

Song song với việc tu huệ thông qua trau dồi kiến thức, mở mang hiểu biết, khai phóng trí tuệ, thì người phật tử tại gia cũng cần tu phước. Tu phước là hướng đến tha nhân với những hành động ý nghĩa và cao quý khi mang lại các giá trị lợi lạc cho con người và xã hội, trên nhiều phương diện khác nhau. Để tu phước, đức Phật đã chỉ dạy trong bài Kinh Phước Đức, gồm mười phương pháp, tiêu biểu như:

Phương pháp thứ năm là:

“Sống chân thật, bố thí, Giúp xã hội, người thân, Nhân cách luôn cao thượng, Hành xử như chân nhân”.

Phương pháp thứ sáu là:

“Quyết không làm điều ác, Không ma túy, rượu say. Thích việc lành, đạo đức, Theo đuổi, sống thẳng ngay”.

Phương pháp thứ bảy là:

“Sống lễ độ, khiêm cung, Biết ơn và đền đáp, Không tham và biết đủ, Siêng học pháp cao sâu”. (3)

Ngày nay, tu phước của người phật tử tại gia được thể hiện qua nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Nhưng dù theo cách nào thì cũng nhằm hướng đến vì một mục đích phụng sự cho tha nhân theo tinh thần “Phụng sự nhân sinh - Tốt đời đẹp đạo - Sáng soi Phật pháp - Hộ quốc an dân”, đóng góp dưới nhiều phương diện cho xã hội tùy theo chuyên môn mỗi người như trong lãnh đạo, giáo dục, chính trị, kinh doanh,…

Bên cạnh những đóng góp hùn phước về vật chất, tài thí, cúng dường trong các hoạt động phật sự của các cơ sở tự viện hay các chương trình thiện nguyện, từ thiện khác trong xã hội, thì người phật tử tại gia có có nhiều cách khác trong việc dấn thân phụng sự, mang lại hơi thở của một đạo Phật nhập thế, như đóng góp về thời gian, công sức, chất xám, sự nhiệt huyết không mệt mỏi. Cùng với tu sĩ, người phật tử tại gia được xem là những “hộ pháp” trong việc nối dài cánh tay chánh pháp và những phụng sự mang lại cho con người và xã hội.

Người phật tử tích cực làm các việc nghĩa việc thiện như đăng kí hiến máu, đăng kí hiến mô tạng để cứu người, đăng kí hiến xác cho y học. Đức Phật gọi đây là cách bố thí nội tài đầy nhân văn và cao quý.

Với lòng từ bi và vị tha của người con Phật, người phật tử tại gia luôn san sẻ tình yêu thương, giúp đỡ người khác trong những lúc khó khăn và hoạn nạn trên tinh thần truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam “lá lành đùm lá rách”, đó là những chia sẻ, tình nguyện xông pha chống dịch, với những nguy cơ và rủi ro cao về sức khỏe, thậm chí về tính mạng.

Như vậy, để có phước thì người phật tử phải gieo và chăm sóc, vun vén và bòn phước. Phước không tự sinh ra, do đó, cần nỗ lực tinh tấn hơn nữa. Tuy nhiên, người phật tử tại gia cũng cần lưu tâm một điều, để có phước nào thì ta phải gieo trồng đúng phước đó. Ví như, một người trong kiếp hiện tại sống rất hiền lành, chan hòa với xã hội mọi người, nhưng người đó lại không giàu sang như người khác.

Dễ hiểu, việc chan hòa, gần gũi, yêu thương với mọi người, là đang gieo nhân thiện cảm, quả sẽ trổ là được mọi người yêu quý và tin tưởng, gần gũi. Trong khi đó, để giàu sang về tài sản, buộc chúng ta phải có phước về tài sản ở kiếp trước hoặc hiện tại thông qua bố thí cúng dường, phước có kiến thức về kinh doanh, buôn bán, đầu tư…

Tóm lại, phước của con người có nhiều phương diện. Việc trao đi và nhận lại phước tùy thuộc vào từng suy nghĩ, hành động và việc làm của mỗi chúng ta. Tu phước phải dựa trên quy luật của nhân - quả. Gieo trồng nhân lành thì sẽ gặt được quả ngọt hoa thơm, tất nhiên để có quả ngọt hoa thơm, người phật tử phải gieo đúng với mục tiêu đúng, phương pháp đúng, nỗ lực, kiên trì và tinh tấn, thì tự khắc phước sẽ có:

“Này các đệ tử, nếu có người nào thành tựu đầy đủ các phước thế gian, phước xuất thế gian, thì công đức lớn không thể tính đếm, không thể nghĩ bàn. Cũng như năm sông tuôn về biển cả, gặp nhau ở biển, khoảng giữa của chúng, nước nhiều vô số, không thể đong đếm, không thể hạn lượng, không thể biết hơn. Năm sông lớn đó bao gồm sông Hằng, sông Ya-mu-nā, sông Sa-ra-bhū, sông Ma-hī lớn và sông A-ci-ra-va-tī lớn”. (4).

Ngộ Minh Chương Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024 ***

CHÚ THÍCH:

(1): Thích Nhật Từ (2018), Kinh Phật cho người tại gia, bài Kinh Chánh tri kiến, NXB Hồng Đức, tr. 473 - 474

(2): Thích Nhật Từ (2018), Kinh Phật cho người tại gia, bài Kinh lời vàng Phật dạy, phẩm VI Phẩm Hiền trí, NXB Hồng Đức, tr. 102

(3): Thích Nhật Từ (2018), Kinh Phật cho người tại gia, bài Kinh Phước Đức, NXB Hồng Đức, tr. 260 - 261

(4): Thích Nhật Từ (2018), Kinh Phật cho người tại gia, bài Kinh phước thế gian, NXB Hồng Đức, tr. 245 - 246