Những người phiên dịch đầu tiên thường mắc sai lầm, vì một số người không quen thuộc ý nghĩa của bản gốc, còn những nhà sư ngoại quốc thường không biết rõ tiếng Trung, những người cộng tác ở Trung Quốc không biết nhiều về ngoại ngữ, dẫn đến hiểu lầm và sai sót.
Tác giả: Thích Nữ Huệ Đăng - Học viên Học viện PGVN tại TP.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2020
Phật giáo khởi nguyên từ Ấn Độ, truyền qua các nước Tây Vực rồi sau du nhập vào Trung Quốc. Trung Hoa là một đất nước rất phồn thịnh, sẵn có một nền văn minh, truyền thống lâu đời. Trong thời đại Đông Tấn (317- 420 Tây lịch), Phật giáo phát triển trên cả hai phương diện hình thức tín ngưỡng và tư tưởng triết học. Vì trong thời này có nhiều vị danh Tăng xuất hiện như: Phật Đồ Trừng, Đạo An, Cưu Ma La Thập… đã đóng góp cho công trình phiên dịch và truyền bá chính pháp. Đặc biệt là Ngài Đạo An, một trong những bậc “Ưu kiệt danh tăng” của Phật giáo Trung Quốc nhà Tiền Tần, thời đại Đông Tấn. Ngài đã có công biên soạn, chỉnh lý lại tất cả những kinh luận Phật giáo đã được phiên dịch sang Hán văn, kể từ khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa đến thời Ngài. Ngài Đạo An đã cống hiến cả một cụộc đời mình cho sự nghiệp xiển dương giáo nghĩa Phật pháp ngay trong buổi đầu tại Trung Quốc.
Tóm tắt cuộc đời Ngài Đạo An
Ngài Đạo An họ Vệ, người Thường Sơn, làng Phù Liễu, nay thuộc tỉnh Hà Bắc. Còn năm sinh của Ngài thì theo sử liệu của HT.Thanh Kiểm là năm 312 sau Công nguyên (SCN) và Hoà thượng Thánh Nghiêm là năm 314 SCN. Chênh lệch nhau chỉ hai năm nên cũng không có gì ảnh hưởng nhiều. Riêng về năm mất thì cả hai nguồn sử liệu đều giống nhau là năm 385 SCN.
Ngài Đạo An xuất thân trong một gia đình Nho giáo, sớm mất song thân, được người anh họ nuôi dưỡng. Năm 7 tuổi, Đạo An đi học được mô tả là người thông minh đỉnh ngộ, hết thảy mọi người đều kinh ngạc [6. Tr 9]. Năm 12 tuổi, Đạo An phát tâm xuất gia, do vì hình tướng đen xấu, không được thầy quý mến. Nhưng với tài trí và đức cần mẫn của Đạo An đã làm kinh động đến lòng thầy. Năm 20 tuổi Đạo An được thầy cho thọ giới cụ túc và khuyên nên tha phương cầu học.
Đạo An đi đến Nghiệp Đô gặp Phật Đồ Trừng xin vào nhập chúng và tôn Phật Đồ Trừng làm thầy [1. Tr 189]. Qua một thời gian hun đúc của Phật Đồ Trừng, Đạo An nhanh chóng phát dương quang đại, hoằng dương Phật pháp.
Phiên dịch kinh được Pindola xác chứng ngang qua giấc mộng?
Trong công cuộc hoằng dương Phật pháp, Ngài Đạo An đã để lại nhiều công trình khiến cho giới tri thức đương thời cũng như những học giả thời nay phải nể phục. Công việc đầu tiên của Ngài là hệ thống hoá các kinh điển theo thứ tự. Điều này bao gồm sửa chữa các bản dịch và thuật ngữ sai, cung cấp ý nghĩa thích hợp cho đoạn kinh thông qua các bản chú thích. Những người phiên dịch đầu tiên thường mắc sai lầm, vì một số người không quen thuộc ý nghĩa của bản gốc, còn những nhà sư ngoại quốc thường không biết rõ tiếng Trung, những người cộng tác ở Trung Quốc không biết nhiều về ngoại ngữ, dẫn đến hiểu lầm và sai sót. Theo Ngài Đạo An, những khó khăn của việc phiên dịch kinh ngày càng tăng bởi vì bản chất thông ngôn qua trung gian của ngoại ngữ.
Trong thời gian đầu do vốn ngôn ngữ Phạn văn ít, Ngài Đạo An chuyên dịch thuật những bản kinh được viết từ ngôn ngữ khác sang tiếng Trung Quốc. Trong suốt quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, Ngài Đạo An có thể đã thâm nhập sâu sắc, tinh tế và làm rõ nghĩa thông qua các bản chú giải của Ngài, sau này được Cưu Ma La Thập đánh giá cao. Thế nhưng trong lúc phiên dịch Ngài Đạo An rất cẩn thận tra xét, đối chiếu, chủ trương lối văn chân chất mộc mạc. Tuy nhiên một khi chấp bút, Ngài thường ngần ngại cho chỗ dịch của mình không lột tả hết được bổn ý đức Phật dạy nên Ngài luôn ưu tư bất an. Một hôm, Ngài hướng mặt lên trời nguyện rằng. “Nếu như chỗ phiên dịch của con không sai lệch ý chỉ Phật pháp thì xin chư Hiền Thánh hiển lộ thần tích cho con thấy điềm tướng”. Đến tối hôm đó, Ngài Đạo An nằm mộng thấy một vị Hòa thượng lông mày trắng nói với Ngài rằng: “Ta là Pindola Bharadvaja ở đất Ấn Ðộ, là một trong 18 vị A La Hán sống thời đức Phật đến đây bảo chứng những bản kinh ông phiên dịch đều đúng với ý của đức Phật. Vậy Ta sẽ hộ trợ cho ông trong việc hoằng dương Phật pháp, ông hãy vì Ta mà chuẩn bị cúng dường”[7]. Sau khi tỉnh dậy Ngài Đạo An nhận thấy rằng, vị Tăng già kia là trưởng lão Trường Mi được gọi Pindola là vị A La Hán vì phạm một lỗi nhỏ mà không được nhập Niết Bàn, dặn dò ở lại phò trì Phật pháp tại nhân gian. Chính vì thế Đạo An đã chuẩn bị thức ăn (lễ cúng) như ông ấyyêu cầu, và dâng cúng lên trưởng lão Trường Mi tức Pindola. Từ đây Ngài Đạo An đã đặt hình tượng Pindola ở trước trai đường để chứng minh, làm một đối tượng thờ cúng cho sự tích phước gieo trồng công đức của chúng sinh, chứ không phải là đối tượng nghệ thuật. Tuy nhiên giấc mơ có thể là không thật, nhưng ngang qua giấc mơ đó cho chúng ta nhận ra được một điều. Có phải Ngài Đạo An đã mượn hình ảnh và hạnh nguyện vị Thánh đệ tử của đức Phật cộng với uy tín của Ngài như là một phương tiện tốt nhất để vận động sự cúng dường sự hưởng ứng của quần chúng. Bởi vì lúc bấy giờ số lượng tăng sĩ đã đông và muốn tạo ra vật thực để cung cấp cho một số đông có điều kiện chuyên tâm tu học, cũng như nghiên cứu dịch thuật là rất khó khăn. Hơn nữa hình ảnh người tu sĩ ôm bình bát đi khất thực lại không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Trung Quốc. Nên Ngài chọn cách phương tiện đề cao cúng dường để đưa Phật pháp đến số đông quần chúng, dù đứng ở góc độ nào đi nữa thì cũng không thể phủ nhận việc làm của Ngài Đạo An là không hợp lý, kể từ đây hình tượng của Ngài Pindola đã xuất hiện trong các chùa mà không thấy sự phản bác nào? Về sau này khi Thập tụng truyền đến, Huệ Viễn mới biết vị tăng mà Thầy bổn sư của mình nằm mộng thấy khi xưa chính là Tôn giả Tân Đầu Lô Phả La Đọa [7]. Và kể từ khi Ngài Đạo An nằm chiêm bao, sau này có quá nhiều giấc chiêm bao như: Hám Sơn… đây phải chăng là tiền đề cho những giấc chiêm bao sau này?
Như vậy mục đích của Đạo An đưa Ngài Pindola vào trước tiên là để tạo niềm tin cho chính bản thân ông, thứ hai là để thực hiện sự khiêm cung khi thọ nhận phẩm vật cúng dường và tạo niềm tin cho tín đồ gieo phước điền tại Tam Bảo. Nhờ sự xác chứng của Ngài Pindola đã làm cho Đạo An tự tin hơn, điều đó giúp cho việc phiên dịch kinh điển của Ngài càng thêm hiệu quả. Trong quá trình phiên dịch, qua những kinh nghiệm của chính bản thân với công trình này, Ngài đã đúc kết được một số điều và đưa ra hai quan điểm nổi tiếng đó là: “ngũ thất bổn, tam bất dị” nghĩa là “năm điều mất gốc, ba điều không dễ dịch”. Đầu tiên là 5 trường hợp phiên dịch sẽ khó mà giữ được nguyên vẹn với bản gốc, gồm có: “Thứ nhất, về ngữ pháp kết cấu ngữ pháp theo Trung văn; thứ hai, vì đáp ứng nhu cầu tập quán sử dụng văn chương của người Trung quốc, cho nên câu văn phải trang điểm; thứ ba, lược bớt những tụng văn trùng lặp; thứ tư, lược bỏ những chỗ rườm rà; thứ năm, điều gì đã đề cập, khi nói đến vấn đề khác, nếu lặp lại văn trước thì cắt bỏ”. Còn ba điều khó dịch là: “thứ nhất, kinh điển vốn là lời của Phật dựa vào thời cơ mà nói, xưa và nay không giống nhau, phong tục cũng khác, lại muốn điều xưa phù hợp thời nay, thật không dễ dàng; thứ hai, đem những lời nói vi diệu, ý nghĩa sâu xa của các bậc thánh truyền dịch cho người phàm phu hiểu, thời gian khoảng cách lại xa như vậy, đây cũng là điều không dễ dàng; thứ ba, người biên chép kinh bấy giờ đều là bậc đại trí có thần thông, hiện tại là những người bình thường làm công tác truyền dịch, đây lại là điều không dễ”[2. tr123-124].
Từ góc độ trên cho thấy, Ngài Đạo An khi dịch kinh rất cẩn thận trong việc xét định âm tự, khảo sát rõ ràng ý nghĩa câu văn để bảo đảm cho bản dịch có đầy đủ chất lượng. Không bỏ bớt văn từ nào như là một quan điểm có tác dụng tích cực cho các dịch giả đời sau. Ngang qua đó sẽ thấy được thái độ nghiên cứu nghiêm túc với trình độ Phật học uyên thâm của Ngài, ít nhiều gì cũng ảnh hưởng tới các học giả đương thời và sau này. Thế nên, có nhiều học giả thầm biết ơn và tôn sùng quan điểm “ngũ thất bản, tam bất dị” của Ngài Đạo An như Ngài Tăng Duệ khi tham gia chấp bút cho dịch trường của Ngài Cưu Ma La Thập phải thốt lên rằng: “Tôi nay đã năm mươi tuổi, hân hạnh được gặp bậc chân nhân này, lòng rất chân thành lãnh trách nhiệm phiên dịch. Mỗi khi chấp bút, trong lòng ba lần nghĩ đến lời giáo huấn của vị thầy Đạo An về “Ngũ thất bản, tam bất dị”, bỗng nhiên cảm thấy lo sợ, cho nên phải hết sức cẩn trọng…”[2. Tr 124]. Hơn nữa, sau này đến nhà Tùy, Ngài Ngạn Tôn trong “Biện Chính luận” cũng tán thán Ngài Đạo An và bình luận rằng: “Tôi xem pháp sư Đạo An, là vị có trí tuệ đặc thù, nổi danh thiên tài, lãnh tụ các bậc tiên hiền, khai thông đàn hậu học. Nghiên cứu kinh lục thì pháp tạng càng rõ, thấu rõ các luật nghi thì tăng bảo càng chỉnh đốn”[2. tr.125]. Có thể nói “Ngũ thất bản, tam bất dị” như là phát hiện rất quan trọng, am tường chỗ khó dễ của kinh điển tiếng Phạn, luận về được mất của người dịch, từ đó cho thấy trình độ Phật học đã đến chỗ tinh diệu, thấu đáo những chỗ sâu xa.
Ngoài mặt phiên dịch kinh điển, Đạo An còn viết lời tựa và sớ giải cho các kinh, gồm cả mặt trước tác. Về trước tác Ngài tạo ra “Thật Tướng Luận”, tác phẩm này đã cho thấy sự phản ánh tư tưởng chủ đạo của Ngài nhưng rất tiếc đã không còn, nhưng ít nhiều có thể tìm hiểu được ngang qua đệ tử của ngài là Tăng Duệ với tác phẩm “Đại Phẩm Kinh Tự”(1) có đề cập đến chủ trương của ngài Đạo An.
Vào giai đoạn cuối của Ngài Đạo An bắt đầu dịch “Lục Túc Luận và Phát Trí Luận”, hai luận phẩm này được xem là nền tảng của Nhất Thiết Hữu Bộ, Ngài cùng dịch với hai ngài Buddhabhadra và Shanghadeva(2).
Nếu nói Trung Luận tông, đúng ra phải tôn Ngài Đạo An lên làm sơ tổ ngang qua “Thật Tướng Luận”, với tư tưởng nêu cao tông chỉ tính không đã khơi nguồn cảm hứng và định hướng trong quá trình Trung Quốc hóa Phật giáo sau này.
Lời kết:
Sự cống hiến và ảnh hưởng của ngài Đạo An, chiếm một địa vị tối quan trọng trong nền Phật giáo Trung Quốc nói riêng cũng như Phật giáo thế giới nói chung. Không những người đương thời kính trọng ngang qua trí tuệ và phong cách nghiên cứu nghiêm túc của Ngài Đạo An đã khiến cho oai đức Ngài lan tỏa bốn phương. Tập Tạc Sĩ - bậc học sĩ nổi tiếng đương thời cũng phải quy phục Ngài. Bậc đế vương thường vì tham vọng mở mang lãnh thổ mà dấy binh. Vậy mà Ngài đã khiến vua Phù Kiên vì để có được Ngài đã dấy binh tiến đánh Tương Dương. Chưa dừng lại, những gì được từ Ngài đặt định ra thì không gặp bất cứ sự phản đối nào. Cũng như quan điểm “ngũ thất bản, tam bất dị” và thậm chí rất hoang đường như việc nằm mộng thấy Pindola (Tân Đầu Lô) xác chứng cho việc phiên dịch kinh điển từ Phạn văn ra văn ngữ Trung Quốc. Hai thế hệ cách nhau rất xa về niên đại cũng như về địa lý, vả lại việc nằm mộng là không thật. Ấy vậy mà mọi người đều không ai hồ nghi. Người đến học đạo với Ngài không phải chỉ dân thường có thể nói gì cũng nghe. Mà từ trên vua chúa cho đến những bậc thức giả cũng theo về. Vậy mà Ngài không gặp bất cứ sự chống đối nào. Chính điều đó đã nói lên được tài đức và trí tuệ của Ngài quá lớn. Vì quá lớn nên cũng lấp phủ luôn tướng mạo xấu xí của Ngài. Để rồi mọi người cứ truyền nhau câu xưng tán đầy sự nể phục: “Tất đạo nhân, kinh tứ lân” nghĩa là “Ông đạo đen làm cho bốn phương đều kinh nể”.
Tác giả: Thích Nữ Huệ Đăng - Học viên Học viện PGVN tại TP.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2020 --------------------CHÚ THÍCH: (1) Có lẽ tác phẩm này do cả hai Tăng Triệu và Tăng Duệ trước tác, hoặc có sự lầm lẫn gì ở đây. (2) Hai nhân vật này cùng về Lư Sơn dịch những tác phẩm của Hữu Bộ (Shanghadeva là Luận sư của phái Nhất Thiết Hữu Bộ, Buddhabhadra và Dharmakshema cùng với Ngài Pháp Hiển dịch Đại Bát Nê Hoàn Kinh năm 418.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Thích Nguyên Chơn (2018). “ Hương Hoa Vườn Hoa Giáo Pháp”, Nxb Hồng Đức. 2. Thích Hạnh Bình ( 2013). “Lịch Sử Tư Tưởng Phật Học Trung Quốc”, Nxb Phương Đông. 3. Pháp sư Thánh Nghiêm (2010), “Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc”, Nxb Phương Đông. 4. HT. Thích Thanh Kiểm (2010), “Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc”, Nxb Tôn Giáo. 5. Viên Trí, (2006) “Lược Sử Phật Giáo Trung Quốc”, Nxb Tổng Hợp TP.HCM. 6. Nguyên Tác: Thái Phiên, Trần Nguyên Thảo (dịch) 2014, “Truyền thuyết Cao Tăng truyện Trung Hoa”, Nxb Tôn giáo. 7. “Cao Tăng Truyện” quyển thứ nhất
Bình luận (0)