Hình thức “phi tăng phi tục” của Shinran trong Phật giáo Nhật Bản đã ảnh hưởng lớn đến tín ngưỡng và văn hóa Phật giáo ở đất nước này. Được xem là một trong những tông phái phật pháp phổ biến nhất ở Nhật Bản, mang lại sự tiếp cận đơn giản và tiện lợi cho nhiều người dân xứ sở mặt trời mọc.
Tác giả: Hoàng Thị Thanh, Pháp danh: Thích nữ Trung Nhân Học viên cao học Khóa V - Học viện PGVN tại Tp.Hồ Chí Minh
Dẫn nhập
Phật giáo Nhật Bản không chỉ là một tôn giáo mà còn là một phần không thể tách rời đối với văn hóa của đất nước mặt trời mọc. Với sự phong phú và đa dạng của các trường phái, đã nêu bật lên nét đặc sắc của Phật giáo nơi đây. Trong nền tảng này, Phật giáo Tịnh độ Chân tông nổi lên như một phong trào đặc biệt, với hình thức “phi tăng phi tục” do Thân Loan chủ trương, có ảnh hưởng lớn đối với tâm linh và cộng đồng Phật giáo.
Với tư tưởng rõ ràng và sâu sắc, Shinran đã khởi xướng một cách tiếp cận mới đối với việc tu học Phật pháp, nhấn mạnh vào niềm tin tuyệt đối vào ơn Phật thay vì sự tu hành cá nhân. Ông tin rằng bằng việc nhận biết và tin tưởng vào sức mạnh của Phật, con người có thể giải thoát khỏi vòng luân hồi và đạt được an lạc tuyệt đối.
Bên cạnh đó, sự tiếp nhận rộng rãi và sâu sắc của triết lý này, Tịnh độ Chân tông đã trở thành một trong những trường phái Phật giáo lớn nhất ở Nhật Bản, thu hút một lượng lớn tín đồ và ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa và xã hội. Ông Shinran đã không chỉ là một nhà sư, mà còn là một nhà tư tưởng và nhà cải cách, mở ra một cánh cửa mới cho những ai tìm kiếm sự an lạc và giải thoát.
Trong bài luận này, chúng ta sẽ khám phá sâu hơn về cuộc đời và tư tưởng của Shinran, cũng như ảnh hưởng của ông đối với Phật giáo Nhật Bản thông qua trường phái Tịnh độ Chân tông.
1. Tiểu sử Thân Loan (Shinran)
Thân Loan (Shinran), sinh vào mùa xuân năm Thừa An (1173), cuối thời kỳ Bình An, ở vùng nông thôn Hino (Nhật Dã), một nhánh nhỏ của gia tộc Fujiwara đã thống trị đời sống chính trị và văn hoá tại triều đình Kyoto trong hai thế kỷ từ XII-XIII.
Thân phụ là Hito Arinori (Hữu Phạm) từng giữ chức Quyền Đại Tiến trong cung Hoàng Thái Hậu. Thân mẫu là Kikko con gái của Minamoto Yoshichika thuộc dòng dõi quý tộc. Thân Loan có 4 người anh em.
Shinran khi mới 9 tuổi được cha nuôi là Phạm Cương đưa đến núi Tỷ Duệ bắt đầu cuộc sống của một nhà sư. Xuất gia làm đệ tử thầy Từ Viên với pháp danh là Phạm Yến, theo học Thiên Thai tông. Năm Kennin thứ nhất 1201(niên hiệu Kiến Nhân), lúc 29 tuổi (1201) ông rời khỏi núi Tỷ Duệ và chuyên tâm cầu nguyện tìm được con đường chân chính hướng đến sự giác ngộ, sau đó làm đệ tử của Honen.
Năm đó Shinran được 34 tuổi và bị đày đến Việt Hậu (Echigo) một tỉnh xa xôi, hẻo lánh, nơi bản thân ông đã lặng lẽ trãi qua những tháng ngày được bao quanh bởi những hiểm nguy. Năm 1214 Shinran và vợ con của mình đã quyết định rời khỏi tỉnh Echigo nơi ông đã bị lưu đày và chuyển đến sống tại làng Inada, thuộc tỉnh Kantou (Đông Quan) vừa làm nông kiếm sống vừa triển khai giáo lý Tịnh Độ và hướng dẫn cho nhiều người dân ở đây tu học pháp môn niệm Phật.
Shinran ở lại vùng Kanto 3 năm sau đó rời từ tỉnh Echigo, Shinran chuyển đến tỉnh Hitachi, và sống ẩn dật ở Inada, ngôi làng nhỏ của vùng Kasama. Năm 1263, Shinran đã để lại một cuộc đời 90 năm với vô vàn biến cố. Một điều đáng khâm phục về cuộc đời của ông là sự kiên nhẫn và trí tuệ trong nghiên cứu, thực hành và giảng dạy về đạo Phật.
2. Chủ tương đời sống tu hành “phi tăng phi tục”
Chủ trương về đời sống tu hành của Thân Loan là “phi tăng phi tục” đã ảnh hưởng rất lớn trong quá trình hoằng pháp của ngài, mở ra một trang sử mới, một sứ mệnh mới đối với cuộc đời ông và cho đạo pháp. Con đường đạo hoà nhập vào đời sống gia đình, mở ra chân lý Phật giáo sống động và độc nhất từ khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Ý nghĩa “phi tăng phi tục”
Phi tăng ở đây có nghĩa là không phải là hàng tăng lữ lệ thuộc vào quốc gia khiến không có tính chủ thể. Còn phi tục có nghĩa không phải là người trần tục vốn chỉ biết tìm cầu tự ngã giống như những hạng người có quyền lực nói chung. Như vậy, phi tăng phi tục có nghĩa là thoát ly khỏi vòng trói buộc của những ngôi chùa dòng họ thuộc Phật giáo vùng Nam Đô Bắc Lĩnh vốn bị chi phối bởi quyền lực thế tục, cũng như thoát ly ra khỏi xã hội của các võ gia, công gia chỉ chuyên nuôi tham vọng vào quyền lực theo cái tôi của mình.(1)
Theo người viết, do ngài bất mãn với cách phân xử của triều đình cũng như bất lực với những mâu thuẫn sóng gió trong cuộc đời mình nên Shinran đã tự nhận là “phi tăng phi tục”. Cũng có thể việc kết hôn của Thân Loan, ông muốn chứng minh rằng, đời sống thế tục của người bình thường không gây chướng ngại cho sự giải thoát. Theo học giả Ishi Da Kazu Yoshi cho rằng:
Việc kết duyên không phải là hành động phạm sắc giới hay có ý tưởng ly đạo hoàn tục, chỉ là hành động mà thiền sư muốn chứng tỏ cho đời rõ thế nào là “thành thực từ tâm can đến hành động của kẻ tu hành”, đừng khoác áo cà sa để che giấu những việc làm tạo nghiệp chướng cho cả mình lẫn người khác.(2)
Đời sống gia đình đối với một tăng sĩ rõ ràng là khó chấp nhận, cũng có thể xem như là một sự suy thoái về giới luật, như trong kinh Tăng Chi đức Phật dạy một vị Tỳ- kheo nếu thích thú, ước muốn, bị kích thích bởi nữ nhân thì vị ấy bị gọi là: “…phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị nhiễm ô, bị điểm chấm…, đấy gọi là phạm hạnh không thanh tịnh, bị liên hệ, bị hệ luy với dâm dục, không giải thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng không giải thoát khỏi khổ.”(3)
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể gọi Thân Loan là kẻ phá giới bởi vì trên phương diện hình thức Thân Loan đã bị ép hoàn tục trong thời gian bị lưu đày.
“Phi tăng phi tục” nghe có vẻ nghịch lý, bởi lẽ, vì bị lưu đày, bị bắt hoàn tục không thể tiếp tục làm tăng sĩ nhưng cũng không hoàn toàn sống cuộc đời phàm tục vì vẫn giữ chí nguyện hành trì pháp môn niệm Phật, bởi thế mà trong giai đoạn này, Shinran bắt đầu sống một cuộc sống nửa tăng nửa tục. Ông lập gia đình với ni sư Eishin (Huệ Tín), có tổng cộng sáu người con.
Như những kẻ lang thang trên đường phố, cuộc sống bình dị gần gũi với dân chúng đã khai mở chân lý tôn giáo trong ông. Là một sự chuyển tiếp từ hình mẫu lý tưởng của bậc xuất trần thượng sĩ, Shinran đã tiến xa hơn bước nữa về chủ trương đời sống tu hành “phi tăng phi tục” cũng có thể nói là “thân không xuất gia mà tâm xuất gia”. Không còn vướng chấp vào hình tướng mà chỉ chú trọng vào việc tu hành thực tiễn, không còn ham thích các thú vui của năm dục và cũng không màn đến những lợi danh.
Hình thức này rất đặc biệt, người phàm phu không thể thực hành được, vì vậy không thể làm mô phạm cho người xuất gia thông thường. Ngài như là bậc “bụi trần hiệp giác” quay về trần lao phiền não mà hợp với tuệ giác, tâm rỗng lặng nơi chính mình, từ đó hiển bày được tính không nơi tự thân, đây là đời sống của bậc thượng sĩ. Theo người viết “phi tăng phi tục” cũng có thể là thể tánh đối lập nhau giữa nhiễm ô và thanh tịnh.
Thân Loan đã vượt lên trên cả giới luật, cũng đánh dấu sự thay đổi tôn giáo cho bản thân ông. Đối với ông, nó không đơn thuần là một tôn giáo chỉ biết giữ gìn trọn vẹn những điều răn cấm mà đức Phật đã chế định. Có lẽ, chính chủ trương này đã hàn gắn Phật giáo với những người dân vùng nông thôn càng thắm thiết hơn, lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản từ khi Phật giáo du nhập có một tông phái, một chủ trương độc đáo vừa phóng khoáng vừa mềm mỏng, không bị gò ép hay bị rào kín trong một không gian của giới luật tự viện.
Trong Phật giáo có giải thích rõ bốn hạng xuất gia như sau:
Thân lìa tâm chẳng lìa: trong trường hợp này, thân đã chọn xuất gia nhưng tâm trí vẫn còn đắm mình trong cuộc sống thế tục. Dù họ ở trong tăng đoàn, tâm hồn vẫn mơ mộng và ái mộ cuộc sống vật chất.
Tâm lìa thân chẳng lìa: ở đây, thân xác vẫn ở trong cuộc sống gia đình nhưng tâm hồn đã chấp nhận và thực hành lối sống xuất gia. Họ không bị mê mãi bởi cám dỗ trần tục mặc dù sống trong môi trường hỷ nộ ái ố.
Thân và tâm đều lìa: cả thân và tâm tách khỏi cuộc sống thế tục. Người này đã xuất gia về cả vật chất và tinh thần, không bị lôi cuốn bởi những danh vọng hay những cám dỗ trong cuộc sống.
Thân và tâm đều không lìa: ở hạng cuối, cả thân và tâm đều bị trôi dạt vào cuộc sống thế tục. Mặc dù có gia đình họ vẫn mãi mê vào nhiều khía cạnh của cuộc sống vật chất và không có ý thức hay nỗ lực để xuất gia.
Đức Phật chỉ ra những hạng người xuất gia khác nhau để thể hiện tâm tánh đa dạng của con người trên con đường đạo. Chúng nhấn mạnh sự quan trọng trong việc cân nhắc, nỗ lực và tập trung của mỗi người trên con đường tìm kiếm sự giác ngộ.
Tương tự như Thân Loan, trong lịch sử Phật giáo tại Việt Nam, cũng có những nhân vật trong môn phái Lục Hoà Tăng, những thập niên 30, 40 của thế kỷ XX, sau này gọi là Cổ Sơn Môn. Tuy nhiên, trong tất cả các nhân vật ở phái Cổ Sơn này, hầu như không có nhân vật nào nổi bật được chú ý đến nhiều như Thân Loan.
Ở đây, không thể chỉ suy xét đến hình thức tổ chức bên ngoài của họ, còn phải tìm hiểu kĩ nội tại bên trong họ đã có những điểm nổi bật nào, những điểm đó đã có tác dụng tích cực gì đến tổ chức Tăng đoàn hiện đại, hoặc lớn hơn là cho sự phát triển của Phật pháp.
Nhìn lại cách thức tổ chức hoạt động, chúng ta dễ dàng nhận thấy chủ trương tinh thần Đại thừa Bồ tát làm chủ đạo. Tinh thần dấn thân vào thế tục được áp dụng rất nhiều, dĩ nhiên những việc làm đó hoàn toàn đúng với Bồ tát giới, nhưng đó là cái khó nhìn và khó chấp nhận đối với Phật giáo nguyên thủy. Thậm chí, có một vài điểm khá dị biệt so với lăng kính giới luật Phật giáo mà người thế gian thường nhìn thấy, điển hình như ngài Thân Loan có gia đình.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Phật giáo luôn thích nghi linh hoạt với tình hình và nhu cầu của thế giới. Phật giáo đã phát triển nhiều môn phái khác nhau để thu hút và phục vụ cho mọi người tuân theo tinh thần tuỳ duyên và uyển chuyển. Những tông phái này có thể có những khía cạnh độc đáo và đặc biệt của riêng họ, nhưng tất cả đều dắt dẫn mọi người đến mục tiêu cuối cùng của giải thoát.
Đức Phật với danh xưng bậc Y Vương, Ngài tùy biết bệnh khổ chúng sinh khác nhau mà hướng dẫn thuốc chữa trị khác nhau. Cho nên, chúng ta không thể bám chấp vào một khía cạnh, hay một pháp môn nào đó mà chê bai phần còn lại vì tất cả đều đóng góp và sự phát triển và lan rộng của giáo pháp và cuối cùng đưa chúng sinh đến giải thoát.
Cũng giống như cùng một con mưa giáo pháp rơi xuống một khu rừng, tùy loại cây lớn nhỏ cao thấp mà hứng nhận lượng nước khác nhau, không thể khẳng định lượng nước mưa ấy có định lượng là cụ thể bao nhiêu dựa trên một cây nhất định. Chúng sinh cũng theo căn cơ mà lĩnh ngộ giáo lý có sự khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn đi đến giải thoát.
Kết luận
Hình thức “phi tăng phi tục” của Shinran trong Phật giáo Nhật Bản đã ảnh hưởng lớn đến tín ngưỡng và văn hóa Phật giáo ở đất nước này. Được xem là một trong những tông phái Phật pháp phổ biến nhất ở Nhật Bản, đã mang lại sự tiếp cận đơn giản và tiện lợi cho nhiều người dân ở Nhật Bản. Điều này đã góp phần vào sự lan rộng của Phật giáo ở Nhật Bản, giúp nó trở thành một phần quan trọng của văn hóa và tín ngưỡng của quốc gia.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến tranh luận về sự đơn giản hóa này có thể làm giảm giá trị của việc tu tập và thực hành trong Phật giáo. hình thức “phi tăng phi tục” của Shinran đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển và lan rộng của Phật giáo ở Nhật Bản. Dù có ý kiến tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận sự ảnh hưởng tích cực của nó đối với văn hóa và tín ngưỡng của đất nước này.
Tác giả: Hoàng Thị Thanh, Pháp danh: Thích Nữ Trung Nhân Học viên cao học khoá V Học viện PGVN Tp.Hồ Chí Minh ***
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Nguyên Tâm (biên dịch) (2011), Tinh hoa Phật giáo Nhật Bản, Tập 2, Phương Đông, TP. HCM.
2. Nguyễn Văn Tần (dịch) (2019), Nhật Bản tư tưởng sử, Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Thích Minh Châu (dịch) (2021), Kinh tăng chi bộ, Hồng Đức, Hà Nội.
Chú thích: 1. Thích Nguyên Tâm (biên dịch) (2011), Tinh hoa Phật giáo Nhật Bản, Tập 2, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, tr. 21-22. 2. Nguyễn Văn Tần (dịch) (2019), Nhật Bản tư tưởng sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 172. 3. Thích Minh Châu (dịch) (2021), Kinh tăng chi bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 866.
Bình luận (0)