Trang chủ Đời sống Sư Ni Soma: Lòng từ đệ nhất và năng lực thực hành phật pháp của người nữ

Sư Ni Soma: Lòng từ đệ nhất và năng lực thực hành phật pháp của người nữ

Sư ni Soma là đại diện cho nữ giới, họ cũng như nam giới đều có thể khám phá và rèn luyện dòng tâm của mình. Không có gì nơi bản chất của họ có thể ngăn cản họ khởi tâm nguyện giải thoát và thành tựu các sở nguyện cao quý đó của mình. Đây là một tư tưởng cách mạng và vĩ đại trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại coi phụ nữ chỉ có bổn phận sinh con và là món hàng trao đổi thuần túy.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Sư ni Soma là đại diện cho nữ giới, họ cũng như nam giới đều có thể khám phá và rèn luyện dòng tâm của mình. Không có gì nơi bản chất của họ có thể ngăn cản họ khởi tâm nguyện giải thoát và thành tựu các sở nguyện cao quý đó của mình. Đây là một tư tưởng cách mạng và vĩ đại trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại coi phụ nữ chỉ có bổn phận sinh con và là món hàng trao đổi thuần túy.

Dịch và tổng hợp: TS. Anh Vũ & La Sơn Phúc Cường

Trong số chư ni thì sư ni Soma có lòng từ bi đệ nhất. Sư ni luôn khởi từ tâm với những chúng sinh chưa đến được với Đạo[1].

Sư ni Soma không có tên trong danh sách liệt kê về chư ni xuất chúng trong các bản kinh văn ngôn ngữ Pali. Tâm từ bi to lớn của sư ni được mô tả trong các bản kệ trong kinh Tăng nhất A-hàm [Ekottarikāgama]. Ngoài ra trong kinh Tạp A-Hàm [Samyuktāgama] có mô tả lần đối mặt của sư ni với Ma Vương, qua đó làm nổi bật năng lực tu tập Phật pháp và thành tựu các quả vị của người nữ.

Năng lực thực hành Phật pháp của người nữ

Lần đối mặt của sư ni Soma với Ma Vương [Mara] được mô tả như sau:

Ma Vương khởi lên ý nghĩ rằng: “Sư ni Soma … đã vào Rừng Andhavana tọa thiền. Bây giờ ta sẽ tiếp cận và quấy rầy sư ni.” Hắn biến mình thành một thanh niên có ngoại hình hấp dẫn, đến gần sư ni, và hỏi: “Thưa cô, cô muốn đi đâu?” Bà trả lời: “Tôi đang đến một nơi cô tịch”. Ma Vương quỷ quyệt liền nói bài kệ như sau:

“Cảnh giới bậc toàn tri,

Thật chẳng thể tới được.

Trí bằng hai ngón tay

Sao có thể mong cầu”[2].

Bản kinh văn ngôn ngữ Pāli không mở đầu bài kệ trên mà bằng bài kệ mà Ma Vương trực tiếp hạ thấp năng lực tu tập Phật pháp của người nữ. Tuy nhiên, bản kinh văn ngôn ngữ Hán lại bắt đầu bằng bài kệ trên.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Su Ni Soma

Sư ni Soma. Ảnh: St

Lời bình miệt thị của hắn về ‘trí thông minh bằng hai ngón tay của phụ nữ’ là một hình ảnh ẩn dụ cho việc người nữ Ấn Độ thời cổ thường sử dụng hai ngón tay trong khi làm việc nhà. Theo chú giải trong Trưởng lão ni kệ [Therīgāthā], khi nấu cơm, người phụ nữ Ấn Độ thời cổ sẽ dùng thìa lấy một hạt gạo ra, rồi bóp nó giữa hai ngón tay để biết cơm chín hay chưa. Sử dụng hai ngón tay để biết chính xác độ mềm của hạt cơm đã nấu chín. Một cách giải thích khác trong phần bình giải ở Kinh Tương ưng bộ [Samyuttanikāya] mô tả những người phụ nữ cắt một sợi chỉ từ một quả bóng bông bằng cách giữ nó bằng hai ngón tay. Một tay cầm kéo hoặc dao để cắt chỉ, còn tay kia để luồn sợi chỉ vào giữa hai ngón tay và kéo căng chúng ra. Hoặc là một tay giữ trục xoay bằng bông và hai ngón tay của tay kia được sử dụng để đo độ dày của sợi khi nó đang được kéo để giữ cho sợi đồng đều trong quá trình kéo sợi.

Dù thế nào thì việc đề cập đến “trí thông minh của phụ nữ chỉ bằng hai ngón tay” trở thành một hình ảnh phổ biến lặp đi lặp lại ở trong nhiều bối cảnh khác nữa. Theo giải thích của Alice Collett, “nội hàm của thuật ngữ này rất rõ ràng: ‘trí thông minh’ của người nữ chỉ được giới hạn trong phạm vi công việc nội trợ”[3]. Tỳ-kheo-ni Dhammadinnā nói thêm rằng, theo cách này, “Ma Vương sử dụng quan niệm xã hội đương thời về người nữ chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, suy ra bản chất của họ là thiếu năng lực đạt tới các thành tựu tâm linh”[4].

Tiếp tới sư ni Soma suy nghĩ: “Đây là ai mà muốn hù dọa ta? Là người hay là phi nhân? Phải chăng đang có âm mưu quyến rũ ta? Sau khi suy xét kỹ càng, ni sư xác quyết rằng: “Đây chính là Ma vương quỷ quyệt đã đến với âm mưu lừa gạt mình.” Bà trả lời trong câu kệ như sau:

“Khi tâm đã thâm nhập đại định,

Đâu phụ thuộc thân nam hay thân nữ

Nếu trí tuệ được khởi sinh,

Sẽ chứng được Pháp vô thượng”[5].

Câu trả lời của sư ni Soma bác bỏ thách thức của Ma Vương. Những thành tựu thiền định phụ thuộc vào việc trau dồi tâm; không phụ thuộc vào đặc điểm nơi thân một người. Như Susan Jootla đã chỉ ra, khi “một người thực sự thực hành giới – định – tuệ, thì dù là thân nam hay nữ đều bình đẳng như nhau.” Việc đạt được tuệ giác “hoàn toàn không phụ thuộc vào những khác biệt bề ngoài về giới tính, chủng tộc, đẳng cấp, v.v”[6]. Ria Kloppenborg nhấn mạnh rằng câu trả lời của sư ni Soma “làm nổi bật tri kiến trong Phật giáo cho rằng con đường đạt tới giải thoát là một hành trình rèn luyện tâm, không liên quan gì đến địa vị xã hội hay đặc điểm giới tính của một người”[7]. Sau khi minh định rõ ràng, sư ni Soma tiếp tục đập tan những lầm sai phía sau thách thức của Ma Vương:

“Nếu tâm còn bị xích xiềng

Bởi quan kiến phân biệt nam với nữ

Thì một kẻ như Ngươi, hỡi Ma Vương,

Hãy đi tìm kẻ còn vô minh như vậy mà dọa dẫm!”[8]

Nói cách khác, kẻ cho rằng giữa thân nữ và thân nam có khác biệt lớn về tiềm năng giải thoát, là kẻ còn bị vô minh tăm tối che mờ. Những kẻ cho trí thông minh của một người nữ “bằng hai ngón tay” là kẻ đang bị chìm đắm trong tâm nhị nguyên phân biệt. Đây chính là một dòng tâm ma. Nếu Ma vương muốn dọa dẫm họ thì hắn chỉ có thể tìm tới những ai còn định kiến mê mờ trên. Học giả Elizabeth Harris tiếp tục bình giải đoạn kệ này như sau: “Sự tăng trưởng đạo tâm dẫn tới tri kiến vượt trên phân biệt giới tính nam nữ”[9].

“Buông xả mọi khổ đau,

Tận trừ vô minh tăm tối

Chứng đạt tâm tịch tĩnh,

Ta trụ trong an bình,

Diệt trừ các lậu hoặc.

Biết rõ ngươi quỷ quyệt,

Hãy mau chóng rời đi!”

Bấy giờ Ma Vương quỷ quyệt thốt lên: Sư ni Soma đã nhìn thấu tâm địa của ta”[10]. Trong hắn khởi nên một nỗi buồn và sự hối tiếc, hắn biến mất và không dám hiện diện trước ngài.

Những thành tựu trong tu tập của người nữ

Việc sư ni Soma tự tin bác bỏ Ma Vương đã được trích dẫn nhiều lần trong các bài viết về vai trò của phụ nữ trong giai đoạn Phật giáo sơ kỳ. Tuy nhiên, những thách thức của Ma Vương đôi khi được luận giải là những tâm nghi của chính sư ni Soma trong tiến trình được chuyển hóa thành trí tuệ hiểu biết về năng lực tậm linh của người nữ. Nhiều học giả đời sau luận giải như vậy bởi vì dựa trên bản kinh văn ngôn ngữ Pali, đã không nêu bật sự chứng đắc quả vị A-la-hán của sư ni Soma như các bản kinh văn ngôn ngữ Hán. Tuy nhiên hầu hết đều cho rằng những tà kiến đó là của riêng Ma vương, chứ không hàm ý sư ni Soma từng có bất kỳ nghi ngờ nào về khả năng đạt được giác ngộ của một nữ nhân.

Sự xác quyết về năng lực của người nữ có thể thành tựu các quả vị trong tu tập trong một bản kinh văn mà đức Phật đã giảng cho một người du sĩ ngoại đạo. Người du sĩ đã thỉnh cầu đức Phật dạy về năng lực tu tập của một vị tăng, một vị ni, một nam và một nữ cư sĩ. Sau khi được ngài dạy về mức độ chứng ngộ mà các đệ tử có thể đạt được, người du sĩ đã quyết định xin xuất gia trở thành tu sĩ. Đối với trường hợp của chư ni và nữ cư sĩ, lời của Đức Phật được ghi lại trong kinh Tạp A-Hàm [Samyuktāgama] như sau:

“Không những một, hai, ba Tỳ-kheo-ni mà cho đến năm trăm, có rất nhiều Tỳ-kheo-ni, đối với Pháp luật này đã hết các hữu, ‘… cho đến không tái sinh đời sau nữa”[11].

Bản kinh văn ngôn ngữ Pali và ngôn ngữ Hán đều thống nhất ở con số năm trăm chư ni thành tựu quả giác ngộ. Tuy nhiên con số này mang ý nghĩa biểu trưng cho số lượng rất nhiều ni thành tựu. Điều quan trọng là con số năm trăm cũng được diễn đạt cho sự thành tựu của chư tăng. Điều này càng khẳng định quan điểm sự thành tựu các quả vị trong tu tập không phụ thuộc thân nam hay thân nữ.

Đức Phật tiếp tục dạy thêm về khả năng của nữ cư sĩ đệ tử:

“Không những chỉ có một, hai, ba, mà cho đến năm trăm Ưu-bà-di, cho đến có rất nhiều Ưu-bà-di, đối với Pháp luật này, đã đoạn năm hạ phần kết, đối với họ hóa sinh đắc A-na-hàm không tái sinh lại cõi này nữa”[12].

“Ở đó” là “Thiên giới” nơi các vị đắc quả bất lai hóa sinh. Quả vị này đòi hỏi phải đoạn tận năm hạ phần kiết sử là thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham và sân. Thân kiến là tà kiến chấp năm uẩn này thường còn. Nghi là nghi ngờ, phân vân, do dự; giới cấm thủ là chấp giữ một số giới khổ hạnh, coi là phương tiện đưa tới giải thoát. Năm hạ phần kiết sử này trói buộc chúng sinh trong luân hồi sinh tử.

Tâm giải thoát của sư ni Soma

Những nhân tố chính từ cuộc chạm trán giữa Ma Vương và Sư ni Soma được tái hiện nơi những câu kệ của bà trong Trưởng lão ni kệ, bắt đầu với lời thách thức của Ma Vương:

“Cảnh giới của những bậc Toàn tri

Thật là cao vời, khó mà đạt tới;

Với trí khôn chỉ như hai ngón tay,

Những người nữ sao có thể mong cầu.”

Tiếp theo là đoạn kệ với lời đáp trả của sư cô Soma:

“Trong thân một người nữ,

Khi dòng tâm được trau dồi,

Khi trí tuệ được khởi sinh,

Sẽ thấy Pháp bằng đôi mắt tuệ.”

Trong Kinh Tương ưng bộ [Samyuttanikāya], các câu kệ tương ứng tiếp theo là đoạn sư cô hài ước nói Ma vương nên đi tìm những kẻ còn bị tâm nhị nguyên phân biệt mà dọa dẫm. Tuy nhiên đoạn kệ đáp trả trên không có trong Trưởng lão ni kệ, mà thay vào đó là những lời tuyên bố những thành tựu trong tu tập mà mà bản thân đã đạt được:

“Hỷ lạc được đoạn tận,

Đã bị làm tan nát.

Ngươi hãy biết như vậy,

Ngươi đã bị bại trận”[13].

Trong Trưởng lão ni kệ, sư ni Soma và chư ni đã kết thúc mỗi cuộc chạm trán của quý vị với Ma Vương bằng một bài kệ tuyên bố sự thành tựu quả vị của mình. Một bố cục phù hợp bởi chính những thành tựu trong tu tập của chư vị đã tận trừ Ma vương. Nhà nghiên cứu Isaline Horner đã bình giải về những câu kệ của sư cô Soma như sau:

Nữ giới cũng như nam giới đều có thể khám phá và rèn luyện dòng tâm của mình. Không có gì nơi bản chất của họ có thể ngăn cản họ khởi tâm nguyện giải thoát và thành tựu các sở nguyện cao quý đó của mình. Đây là một tư tưởng cách mạng và vĩ đại trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại coi phụ nữ chỉ có bổn phận sinh con và là món hàng trao đổi thuần túy [14].

Dịch và tổng hợp: TS. Anh Vũ & La Sơn Phúc Cường

Nguồn: Bhikkhu Analayo, Daughter of the Buddha, Soma, Wisdom Pub., 2022, P.99-105.

***

Chú thích:

[1]. Ekottarikāgama, 5.4 at T 2.125.559b11 [Tham khảo thêm: Kinh Tăng nhất A-hàm, Phẩm Tỳ Kheo ni, kinh số 4, Thích Đức Thắng dịch tiếng Việt, Thích Tuệ Sỹ hiệu chú, Nxb Đà Nẵng, 2022, tr. 70.
[2]. Saṃyuktāgama 1199 at T 2.99.326a21 [Tham khảo thêm: Kinh tạp A-hàm, mục 1199, Thích Đức Thắng dịch tiếng Việt, hiệu đính và chú thích: Thích Tuệ Sỹ, Nxb Phương Đông, 2008, tr.4713-4714]
[3]. Collett, Alice. 2009b: “Somā the Learned Brahmin.” Religions of South Asia, 3.1: 93–109.
[4]. Dhammadinnā, Bhikkhunī. 2018. “When Womanhood Matters: Sex Essentialization and Pedagogical Dissonance in Buddhist Discourse.” Religions of South Asia, 12.3: 274–313, P.277.
[5]. Saṃyuktāgama 1199 at T 2.99.326a21 [Tham khảo thêm: Kinh tạp A-hàm, mục 1199, Thích Đức Thắng dịch tiếng Việt, hiệu đính và chú thích: Thích Tuệ Sỹ, Nxb Phương Đông, 2008, tr.4715]
[6]. Jootla, Susan Elbaum. 1988. Inspiration From Enlightened Nuns. Kandy: Buddhist Publication Society, P.44.
[7]. Kloppenborg, Ria. 1995. “Female Stereotypes in Early Buddhism: The Women of the Therīgāthā.” In Female Stereotypes in Religious Traditions, edited by Ria Kloppenborg and Wouter J. Hanegraaff, 151–69. Leiden: Brill, P.155.
[8]. Saṃyuktāgama 1199 at T 2.99.326a21 [Tham khảo thêm: Kinh tạp A-hàm, mục 1199, Thích Đức Thắng dịch tiếng Việt, hiệu đính và chú thích: Thích Tuệ Sỹ, Nxb Phương Đông, 2008, tr.4715]
[9]. Harris, Elizabeth J. 1999. “The Female in Buddhism.” In Buddhist Women Across Cultures: Realizations, edited by Karma Lekshe Tsomo, 49–65. New York: State University of New York Press, P.61.
[10]. Saṃyuktāgama 1199 at T 2.99.326a21 [Tham khảo thêm: Kinh tạp A-hàm, mục 1199, Thích Đức Thắng dịch tiếng Việt, hiệu đính và chú thích: Thích Tuệ Sỹ, Nxb Phương Đông, 2008, tr.4716]
[11]. Kinh Tạp A-hàm, Quyển 34, Kinh 964, Xuất gia, Thích Đức Thắng dịch tiếng Việt, Thích Tuệ Sỹ hiệu chú, Nxb Phương Đông, 2008, tr.3613.
[12]. Kinh Tạp A-hàm, Quyển 34, Kinh 964, Xuất gia, Thích Đức Thắng dịch tiếng Việt, Thích Tuệ Sỹ hiệu chú, Nxb Phương Đông, 2008, tr.3614.
[13]. Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Tiểu bộ tập III, Trưởng lão ni kệ, Hòa thượng Thích Minh Châu biên dịch, Phật giáo Việt Nam, 1999, tr.1098.
[14]. Horner, I. B. 1930/1990. Women under Primitive Buddhism: Laywomen and Almswomen. Delhi: Motilal Banarsidass, P.165.

>>Xem thêm: Giáo dục ni giới trẻ thời kỳ hội nhập

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường