Xây chùa to không phải là phỉ báng Phật, cũng chẳng phải tôn vinh Phật, nó cũng không liên quan gì đến việc Giác ngộ hay chưa Giác ngộ mà nó là nhu cầu tự thân của tôn giáo.
Thời Thái Tử tất Đạt Đa xuất gia tu hành, Ngài không chủ trương xây chùa mà dựng am - thất nhỏ, làm nơi ngủ, nghỉ tạm trong hành trình hoằng hóa, khất thực. Nơi đó có khi là vùng hoang địa, lúc là bìa rừng. Hành trình khất thực của Ngài gắn bó với tự nhiên, con người và bối cảnh xã hội.
Đức Phật lại càng không chủ trương chặt cây dựng chùa hay am, thất, vì làm như vậy là tàn phá môi trường sống của con người và của muôn loài. Một triết lý nhân sinh tuyệt vời. Theo đó, giữ gìn giới đức (giới luật) để thanh tĩnh thân tâm, xác lập lộ trình duy nhất đạt tới Giác Ngộ là Giới – Định – Tuệ!
Sự GIÁC NGỘ là tự thân mỗi người, không phụ thuộc vào cơ sở tôn giáo, không phụ thuộc vào tôn giáo.
Đã là tôn giáo phải có cơ sở tôn giáo
Phật giáo khi đã phát triển thành một tôn giáo, tôn giáo đó phải có cơ sở thờ tự, có nơi sinh hoạt tôn giáo, việc xây dựng chùa chiền, thiền viện ra đời là nhu cầu tự thân khách quan của tôn giáo.
Có tín đồ đạo Thiên Chúa nào trích dẫn được câu nào của Chúa Jesu dặn phải xây nhà thờ to lớn, hoành tráng?. Trong suốt hơn 2000 năm lịch sử, ở châu Âu và trên khắp thế giới, rất nhiều cơ sở thờ tự nguy nga – tráng lệ gắn với lịch sử phát triển của đạo Thiên Chúa giáo sau này đã trở thành Di sản thế giới. Tương tự như vậy là các di sản của Hồi giáo, Do Thái giáo…
Ở Việt Nam – khi đến xâm chiếm thuộc địa, thực dân Pháp cũng đã xây dựng những ngôi nhà thờ ở các vị trí trung tâm nhất. Nay, những ngôi nhà thờ đó, cũng là những thắng cảnh đẹp.
Giáo dân ở nước ta chiếm khoảng 7% dân số, nhưng ở nhiều vùng quê nghèo, ai ai cũng thấy những ngôi nhà thờ to lớn, bề thế và hoành tráng.
Phật giáo xây chùa to là phỉ báng Phật chăng?
Thứ nhất, với những hệ phái chủ trương tu hành trong các am, cốc, thất nhỏ. Người tu chứng cứ tu. Với những bậc đang trên lộ trình tu Giới – Định – Tuệ, theo chúng tôi khi họ trích điển tích về các am, cốc thời đức Phật để chỉ trích, phê bình các cơ sở tôn giáo là chưa phù hợp. Đã là tôn giáo, cơ sở thờ tự tuân theo quy luật phát triển của tôn giáo.
Mỗi một tôn giáo, tổ chức tôn giáo… phát triển hay lụi tàn, tất cả đều theo quy luật của nó. Với những ai theo Lời Phật dạy, khi tu hành để Giác Ngộ có khi các vị không cần khoác lên mình danh xưng tôn giáo. Đã tham gia và với danh xưng tôn giáo trong cùng một tổ chức, có tôn giáo nào mà các vị tu hành trong cùng một tổ chức chỉ trích nhau mang tính cá nhân, vai trò của tổ chức ở đâu? Nhìn sâu xa như vậy để thấy ở đây là sự khủng hoảng của một tổ chức đại diện cho tín đồ Phật giáo Việt Nam.
Các cơ sở thờ tự Phật giáo ở Việt Nam như chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính, chùa Ba Vàng, chùa Đồng… đã phải là chùa to hay chưa? Đúng là ở các ngôi chùa đó, có những “kỷ lục” rất vô duyên. Song tổng thể về xây dựng, cảnh quan, kiến trúc nói chung, những cơ sở đó so với nước láng giềng Trung Quốc thì chưa thấm vào đâu.
Thứ hai, các cơ sở thờ tự Phật giáo ở Việt Nam như chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính, chùa Ba Vàng, chùa Đồng… đã phải là chùa to hay chưa? Đúng là ở các ngôi chùa đó, có những “kỷ lục” rất vô duyên. Song tổng thể về xây dựng, cảnh quan, kiến trúc nói chung, những cơ sở đó so với nước láng giềng Trung Quốc thì chưa thấm vào đâu.
So với Trung Quốc có những người cái gì cũng quy cho thể chế chính trị để đục nước béo cò xỉ vả lung tung, chuyện nọ xọ chuyện kia. Trong khi nếu so sánh với các cơ sở thờ tự Phật giáo ở những nước có nền chính trị đa đảng, dân chủ như Đài Loan, Thái Lan, Miến Điện, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì các chùa ở xứ sở của chúng ta còn rất nhỏ và quá khiêm tốn.
Phật giáo Việt Nam chưa có những cơ sở như Kênh, Đài Truyền hình Phật giáo, trường học, bệnh viện, các cơ sở hoạt động xã hội … có tầm vóc và quy mô so với Phật giáo các nước bạn.
Phật Quang Sơn – Đài Loan có quỹ hoạt động tôn giáo lên đến hàng tỷ USD, có hơn 200 chi nhánh hoạt động khắp thế giới, có nhiều trường Đại học, bệnh viện lớn, có đội phi cơ, máy bay riêng để lo toan công việc. Trong hành trình du lịch đến Đài Loan, Phật Quang Sơn luôn nằm trong TOP các địa danh đẹp và hấp dẫn nhất ở xứ này.
Xây chùa to không phải là phỉ báng Phật, cũng chẳng phải tôn vinh Phật, nó cũng không liên quan gì đến việc Giác ngộ hay chưa Giác ngộ mà nó là nhu cầu tự thân của tôn giáo.
Trong các di sản của nhân loại, không ít trong đó là di sản có nguồn gốc của các tôn giáo. Phật giáo cũng có rất nhiều: Đó là ngôi Đền Phật giáo Borobudur lớn nhất Thế giới ở Indonesisa, là Bồ Đề Đào Tràng nơi đức Phật thành đạo ở Ấn Độ, đó là Vườn Lâm Tỳ Ni ở Nepal, đó là hàng chục ngôi chùa ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và nhiều quốc gia khác được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Dư luận những ngày qua, có những điều rất đúng. Nhưng cũng có những điều rất lạ. Nhìn lại lịch sử hơn 4000 năm của dân tộc Việt Nam có di sản nào đồ sộ để lại mang tầm vóc cho sự phát triển cường thịnh của một quốc gia? Đành rằng dù Tây sang Đông các di sản ngày xưa thường được các nhà nước phong kiến, ép buộc biết bao công sức của thần dân đi xây dựng nên những công trình đồ sộ.
Ngày nay, ở hầu hết các nước, không dễ để có chuyện nhà nước bỏ tiền ra để xây dựng các công trình tôn giáo như thời còn nhà nước tôn giáo, nhà nước thần quyền, nhà nước mà một ông Vua làm việc theo “sở thích, tùy hứng”.
Vậy, tôn giáo muốn xây dựng những cơ sở thờ tự, 100% là huy động từ các nhà tài trợ và tín đồ, hoặc tự tạo lập nguồn thu thông các các dịch vụ mà pháp luật không cấm.
Tài sản của Phật giáo Việt Nam lớn lắm sao?
Các nhà kinh tế học thống kê đi, lớn bao nhiêu? Mà kêu gào lên là lãng phí nguồn lực quốc gia cho việc đầu tư phát triển kinh tế? Lãng phí nguồn lực quốc gia bao nhiêu so với tài sản mà Vatican đang cất quản, sánh bao nhiêu với Phật Quang Sơn – Đài Loan, Thiền phái Tào Khê – Hàn Quốc, so với Phật giáo Thái Lan và Nhật Bản?
Nếu không có nhà Nguyễn quan tâm đến việc xây dựng Kinh đô Huế, ngày nay chúng ta có một Quần thể Di tích cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới hay không?
Thứ ba, nếu đồng tiền mà quan chức nào đã “cúng” vào không phải là tiền sạch, thì phải truy vấn các quan chức đó, lấy tiền ở đâu ra, sao lại đi chửi rủa chùa to? Nếu doanh nghiệp kinh doanh du lịch tâm linh làm sai, trốn thuế, câu kết lợi ích nhóm với các chiêu trò “mượn đạo tạo đời” thì phải đưa “lò” vào đó.
Tự thân ngôi chùa không nên là đối tượng để dư luận lên đồng, “giận cá, chém thớt”, xúc phạm tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền bảo vệ tài sản, danh dự và uy tín của tôn giáo đã được pháp luật bảo vệ không phải là một cách suy nghĩ văn minh.
Thứ tư, nếu như chùa nào huy động tiền bất hợp pháp thì phải có đơn kiện, đối tượng kiện nhà chùa theo đúng luật pháp, đối tượng đó chứng minh được việc nhà chùa huy động tiền bất hợp pháp, vi phạm pháp luật. Lúc đó đối tượng vi phạm pháp luật, phải bị truy cứu trách nhiệm theo đúng luật pháp, không có ngoại lệ.
Thứ năm, việc xây chùa, hay các biểu tượng tâm linh, tín ngưỡng đã trở thành truyền thống văn hóa của dân tộc để khai thác du lịch tâm linh là một việc làm tốt đẹp trên rất nhiều phương diện. Kể cả phương diện phát triển kinh tế.
Chỉ có điều doanh nghiệp kinh doanh phải tuân thủ theo các nguyên tắc của kinh doanh, hoạt động tôn giáo phải tuân theo nguyên tắc và các quy định của pháp luật về tôn giáo. Các thiết chế văn hóa phải vận hành theo chuẩn mực của thiết chế văn hóa. Mọi thứ phải minh bạch.
Doanh nghiệp thông qua các mối quan hệ, tạo thành những nhóm lợi ích, điều khiển cả các tôn giáo làm “bình phong” để kinh doanh, đó là kinh doanh không lành mạnh. Đó là “mượn đạo, tạo đời” làm ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp, cao thượng của tôn giáo.
Không cần phải đấu tố, cần cải tổ, chấn hưng
Đấu tố, moi móc, phong trào, chiến dịch. không phải là biểu hiện của đời sống văn minh, tinh thần thượng tôn pháp luật phải là cán cân của mọi vấn đề.
Khi mà não chúng ta để trên ngón tay và bàn phím, không chịu tư duy, thì ở đó trạng thái cảm xúc chuyển từ cực tả sang cực hữu nhanh như một tia chớp, nó ào ào như hội chứng ‘Việt Nam vô địch”.
Có kẻ hôm qua còn ào ào khen lên tận mấy xanh, hý hửng trong việc làm quen, chụp ảnh cùng để thể hiện đẳng cấp, khoe tâm trong lành… thì hôm nay, cũng có kẻ trong số họ ào ào đào xuống tận bùn đen, lôi lên những thứ như một cuộc đấu tố của càn khôn.
Trước một vấn đề, hơn hết những gì liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng cần có những suy xét nguồn cơn. Điều gì cần lên án, lên án đúng. Điều gì cần điều chỉnh, góp ý để điều chỉnh. Điều gì cần phát huy, cổ vũ để phát huy hơn nữa.
Nhưng để làm được điều đó, không có gì khác hơn là Phật giáo Việt Nam các hệ phái, sơn môn, các tổ đình truyền thống… cần được phát huy đúng mạch nguồn. Nếu cùng nhau đứng trong một tổ chức hành chính theo đúng nghĩa thì tổ chức đó phải do Phật giáo tự thành lập, hoạt động thượng tôn và tuân thủ pháp luật, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang “đồng hành cùng dân tộc” của lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam.
Chỉ có thực hiện đúng Hiến pháp, có tự do tôn giáo theo đúng nghĩa mới giải quyết được bài toán gốc rễ, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo trong đời sống xã hội, phát huy tối đa các yếu tố tích cực của tôn giáo.
Tác giả: Cư sĩ Giới Minh
Bình luận (0)