Trang chủ Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer với phong trào chấn hưng Phật giáo từ thế kỷ XIX đến năm 1975

Phật giáo Nam tông Khmer với phong trào chấn hưng Phật giáo từ thế kỷ XIX đến năm 1975

Ngay từ khi thành lập GHPGVN, nhiều giáo phẩm cao cấp Hệ phái Nam tông Khmer được Hội nghị Thống nhất Phật giáo suy tôn, suy cử vào Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, giữ các cương vị Phó Pháp chủ, Phó Chủ tịch,... Số lượng chư Tăng Khmer tham gia các tổ chức Giáo hội các cấp ngày càng tăng qua các nhiệm kỳ.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Ngay từ khi thành lập GHPGVN, nhiều giáo phẩm cao cấp Hệ phái Nam tông Khmer được Hội nghị Thống nhất Phật giáo suy tôn, suy cử vào Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, giữ các cương vị Phó Pháp chủ, Phó Chủ tịch,… Số lượng chư Tăng Khmer tham gia các tổ chức Giáo hội các cấp ngày càng tăng qua các nhiệm kỳ.

TS. Bạch Thanh Sang
Ủy viên UBMTTQVN tỉnh Vĩnh Long.
TS. Cao Nguyên
Giáo viên Trường Cao đẳng Xây dựng Số 1.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt:
Trong phạm vi tham luận, bài viết không thể nêu hết những đóng góp quý báu của chư Tăng và đồng bào Khmer Nam bộ trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc; góp phần chấn hưng Phật giáo từ thế kỷ XIX đến năm 1975. Tuy nhiên, nhằm nâng cao ý thức cách mạng và tinh thần tự hào dân tộc, giải quyết tư tưởng mơ hồ về Tổ quốc, dân tộc, hiểu rõ âm mưu chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch vốn tiềm ẩn trong tiềm thức của một bộ phận đồng bào từ lâu nay nhất là khi Phật giáo Nam tông Khmer sinh hoạt trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ khóa: Phật giáo Nam tông Khmer, chấn hưng Phật giáo.

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ TRÊN VÙNG ĐẤT NAM BỘ TỪ THẾ KỶ XIX ĐẾN NĂM 1975

Từ giữa thế kỷ XVIII chế độ phong kiến nhà Nguyễn đã bắt đầu thực hiện chính sách bóc lột, chiếm đoạt ruộng đất và đàn áp nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà trước đó họ để yên cho nông dân khai khẩn đất hoang. Chính vì vậy, đã có những cuộc nổi dậy của nông dân Khmer – Việt ở Trà Vinh và Vĩnh Long, tiếp theo đó là cuộc tiến công của quân Tây Sơn, nhân dịp đó nông dân Khmer – Việt đã tham gia và ủng hộ tích cực đội quân Tây Sơn. Nhưng sau sự thất bại của quân đội Tây Sơn thì triều đình nhà Nguyễn đã thực hiện chính sách trả thù đối với những người ủng hộ Tây Sơn một cách dã man, đặc biệt là đối với nông dân Khmer. Quân đội nhà Nguyễn đi tới đâu thì xua đuổi và ép buộc người Việt tham gia trừng phạt người Khmer. Đến cuối thế kỷ XVIII, quan hệ giữa hai dân tộc Việt – Khmer đã bị đầu độc thông qua chính sách đàn áp tàn bạo của triều đình nhà Nguyễn gây ra cảnh căm ghét và khinh miệt lẫn nhau giữa hai tộc người đã từng chung lưng đấu cật khai phá vùng đất hoang vu ở vùng cực Nam của Tổ quốc, gây nên mâu thuẫn dân tộc trong lịch sử Việt Nam.

Bước vào đầu thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn tiến hành mở rộng đồn điền ở nhiều vùng, trong đó có vùng núi Đá Dựng – Rạch Giá, bắt nông dân Khmer đào kênh Thoại Hà (1818) và kênh Vĩnh Tế (1819),… với chế độ khắc nghiệt. Cùng với đó là sự cướp bóc, đàn áp tàn bạo đối với nông dân nghèo của các quan lại triều đình nhà Nguyễn đã làm bùng nổ những cuộc nổi dậy lớn của nông dân Việt – Khmer, điển hình như: cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833-1835), cuộc nổi dậy của Lâm Sâm tại vùng Khmer – Trà Vinh (1842), v.v… Thế nhưng những cuộc nổi dậy phần lớn điều bị thất bại làm cho triều đình nhà Nguyễn càng căm hận và trả thù những người chống lại họ, kể cả những người trong thân tộc. Năm 1867, Nam kỳ lục tỉnh rơi vào tay giặc Pháp xâm lược, chúng áp dụng chính sách thuế cao đã làm cho nông dân nghèo mà phần đông là người Khmer ngày càng thêm điêu đứng. “Đứng trước họa mất nước, trước một kẻ thù chung, phong trào yêu nước ở Nam bộ đã hình thành những liên minh Việt – Khmer chống Pháp. Ở miền Đông có liên minh Trương Quyền – Pu Kumpô (1864),… Trong cuộc chiến nhà sư Pu Kumpô bị thương nặng, bị Pháp bắt và đến hôm sau qua đời (3-12-1867) tại Kom pongThom”;1 cũng trong năm này tại Cửu Long có liên minh Lý Rọt – Đề Triều. Ngoài ra, dọc tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia còn có liên minh của Thiện Hộ Dương và Hoàng thân Acha Xoa, liên minh Nguyễn Hữu Huân và Thạch Bướm (Thạch Pút), v.v…

Bước sang thế kỷ XX, thực dân Pháp thực hiện chế độ “duy trì xã hội nguyên trạng”, tiếp tục thực hiện chính sách chia rẽ dân tộc giữa người Việt và người Khmer đề phòng những cuộc nổi dậy của nông dân để họ rảnh tay khai thác vùng ĐBSCL thành trung tâm xuất cảng lúa gạo lớn nhất Đông Nam Á với nhân công rẻ mạt. Thế nhưng trong khoảng thời gian này thực dân Pháp lại đề cao chư Tăng Khmer và nền văn hóa Phật giáo, chúng khuyến khích thỉnh kinh Phật và rước các vị chư Tăng từ Campuchia về làm trụ trì các chùa Khmer vùng ĐBSCL nhưng cũng lại đề cao những vị tướng thời Nguyễn từng có nợ máu với nông dân Khmer để kích động lòng hận thù và khoét sâu tâm lý chia rẽ dân tộc với người Việt. Chính vì thế, Phật giáo Nam tông Khmer (PGNTK) ở giai đoạn này có bước phát triển mạnh.

Sau một thời gian bị các thế lực phong kiến, thực dân Pháp, phát xít Nhật đè đầu cưỡi cổ, bóc lột đến tận xương tủy; dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc Cách Mạng Tháng Tám đã thành công, nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người nắm quyền làm chủ đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam từ hoạt động bí mật trở thành Đảng nắm quyền lãnh đạo. Năm 1946, thực dân Pháp lại phản bội Hiệp định Gienevơ, núp dưới chiêu bài quân đội Anh-Ấn, chúng trở lại cướp đất nước ta một lần nữa. Khi trở lại tái chiếm các tỉnh Nam bộ, chúng cố tình khơi gợi lại chính sách đồng hóa dân tộc Khmer của nhà Nguyễn, đánh đồng Việt Minh với phong kiến nhà Nguyễn, cố để dậy lên lòng hận thù dân tộc trong đồng bào Khmer. Thế rồi, chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi (7-5-1954). Thế chân thực dân Pháp là đế quốc Mỹ, mọi chủ trương liên quan đến vấn đề dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer cho chính quyền Sài Gòn (Ngô Đình Diệm) quyết định, trong giai đoạn 1954-1963 chính quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục sử dụng chính sách cưỡng bức văn hóa như thời kỳ nhà Nguyễn nhưng được thực hiện tinh vi hơn và văn minh hơn.

Có thể nói rằng, đối với người Khmer thì Phật giáo Nam tông chính là nguồn tin cứu thế đối với họ, vì thế họ cư trú tập trung chung quanh ngôi chùa. “Trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, mâu thuẫn xã hội, đàn áp dân tộc ngày càng tăng thì người Khmer lại càng xây nhiều chùa và gắn bó tha thiết với Phật giáo hơn bao giờ hết. Để chống lại chính sách đồng hóa người Khmer của triều đình nhà Nguyễn, các vị sư sãi đã dùng chùa làm trường học chữ Phạn, làm trung tâm truyền bá nếp sống và văn hóa Phật giáo, làm nơi hội tụ mọi sinh hoạt của nông dân Khmer. Do đó, nền văn hóa Phật giáo, chữ Phạn và tầng lớp sư sãi đã trở thành linh hồn của người Khmer và là nền tảng của xã hội Khmer để bảo vệ tộc người Khmer trước sự đe dọa của hai chính sách đồng hóa”.2 Qua các thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cầm quyền ở Nam bộ, đồng bào và Chư tăng Khmer vẫn tiếp tục kiên cường đấu tranh bảo vệ dân tộc, tôn giáo và bảo vệ Tổ quốc góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao Nam tong khmer voi phong trao chan hung Phat giao 1

Chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer. Ảnh: St

II. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TỪ ĐẦU THẾ KỶ THỨ XIX

2.1. Thời Vua Minh Mạng (1820-1840)

Vào thời kỳ này, vua Minh Mạng thực hiện chính sách đồng hóa tôn giáo, triều đình muốn thống nhất việc tu hành của đạo Phật ở Việt Nam, muốn các vị chư Tăng Khmer tu hành theo kiểu Bắc tông nên đã bắt chư Tăng Khmer ở ĐBSCL bỏ áo cà sa mặc áo cổ vuông và tu hành cũng như việc thực hiện chay kỳ như các vị sư phái Bắc tông. Chính sách vừa ban hành đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của các vị Chư tăng Khmer, họ cương quyết đấu tranh để được tu hành theo đúng hệ phái của mình. Lúc bấy giờ nhiều phong trào nổi dậy chống lại chính sách của triều đình, tiêu biểu như phong trào của Chao Vai Cui (1822), Lâm Sâm (1841), Tessa-Sôm (1841- 1842) thuộc tỉnh Trà Vinh. Cuối cùng thì triều đình nhà Nguyễn không thực hiện được chính sách đó, các sư sãi Khmer vẫn duy trì cách sinh hoạt tôn giáo theo hệ phái mình cho đến ngày nay.

2.2. Thời kỳ thực dân Pháp cai trị (1861- 1945)

Vào năm Tân Dậu (1861), thực dân Pháp đã chiếm 03 tỉnh Nam bộ, từ đây Phật giáo nói chung đã lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn và phức tạp. Riêng đối với PGNTK, thực dân Pháp dùng nhiều chính sách nhằm mục đích để truyền bá tôn giáo khác. Thời kỳ này, “Phật giáo Khmer gồm 2 phái: Mahanikai, Thommadut. Cả hai phái của Phật giáo Khmer Nam bộ phụ thuộc nhiều vào triều đình và Phật giáo Campuchia”.3 Pháp chủ trương triệt phá tất cả các chùa. Đặc biệt là các chùa có ảnh hưởng lớn đến đông đảo tín đồ chúng ráo riết tìm mọi cách để xóa bỏ. Sở dĩ họ mạnh tay làm như vậy là vì người Pháp nhận thấy được Phật giáo nói chung và PGNTK nói riêng là tôn giáo gắn liền với dân tộc, nếu tôn giáo này còn thì rất khó thực hiện chính sách đồng hóa dân tộc. Thực dân Pháp không chỉ tìm cách phá chùa chiền, chúng còn gây sức ép đối với vị sư sãi và tín đồ như bắt các vị sư sãi phải đi lính và đóng thuế thân… Tất cả những sinh hoạt tôn giáo thông thường cũng được kiểm soát chặt chẽ, gắt gao làm cho các vị sư sãi và tín đồ chán nản bỏ Phật giáo, một số người đã đi theo Công giáo mà thực dân Pháp tích cực tuyên truyền trong nhân dân.

Khi thực dân Pháp chiếm hoàn toàn miền Nam Việt Nam (1867), Pháp vẫn quyết tâm thực hiện chính sách đồng hóa. Đối với đồng bào Khmer ở Nam bộ, người Pháp mưu đồ thực hiện thâm ý muốn xóa bỏ nền văn hóa truyền thống của dân tộc này nên cấm các chùa không được dạy chữ Khmer, chữ Pali, thay vào đó là bắt buộc chư Tăng Khmer phải học tiếng Pháp. Tuy bị cấm nhưng các chư Tăng vẫn âm thầm dạy chữ Khmer và Pali trong các chùa cho con em người Khmer. Nhận thấy việc ngăn cấm không thành công, thực dân Pháp mở thêm các trường dạy tiếng Pháp nhưng hầu hết chỉ có con em của những gia đình Khmer giàu có mới tham gia học nên mỗi tỉnh chỉ được một vài trường, còn ở các trường dạy tiếng Khmer và Pali do các chư Tăng đảm nhận thì phát triển rất mạnh, điều này đã giúp cho văn hóa Khmer nói chung, PGNTK nói riêng có bước phát triển. Nhận thấy không thể thành công trong chính sách này, năm 1940 thực dân Pháp lại mở thêm chi nhánh của viện Phật học Phnôm Pênh tại Sóc Trăng, thực chất là đào tạo các tay sai để nắm bắt tình hình và quản lý việc tu hành của các chùa Khmer. Trong suốt quá trình cai trị, các chùa Khmer đều đặt dưới quyền của các sư sãi ở Campuchia, tất cả các việc như xuất gia, xây cất, sửa chữa chùa chiền, tấn phong giáo phẩm… đều do vua sãi Campuchia đảm nhận và quyết định.

2.3. Thời kỳ Việt Nam Cộng hòa (1954 -1975)

Vừa thoát khỏi sự cai trị của thực dân Pháp, Phật giáo nói chung, PGNTK nói riêng lại tiếp tục gặp phải sự cai trị thâm độc của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và bọn tay sai làm cho việc tu hành của sư sãi Khmer gặp nhiều khó khăn, cũng như thực dân Pháp, chính quyền Việt Nam Cộng hòa không từ bỏ âm mưu đồng hóa dân tộc, tôn giáo hòng xóa bỏ Phật giáo và văn hóa của người Khmer. Để thực hiện chính sách này, chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương xóa bỏ các lớp “Miên ngữ”, cấm tất cả các chùa dạy chữ Pali. Chủ trương này gặp phải sự phản ứng quyết liệt của các vị sư sãi Khmer và họ vẫn âm thầm dạy chữ Khmer và Pali cho con em dân tộc mình. Khi chính sách này thực hiện không thành công, chúng chuyển sang kế hoạch khác. Nếu như trước đây chính quyền thực hiện chiến lược đồng hóa, thì vào năm 1965, chúng thay bằng chiến lược “hòa đồng để tiến” để thực hiện chính sách này, chúng mở ra các trường tiểu học, trung học Pali, giúp đỡ tiền bạc để xây dựng và tu sửa chùa, in ấn kinh sách… thực chất các trường này là những trường đào tạo tay sai cho chúng.

Qua đó, chúng cho người thâm nhập vào các chùa và trong đồng bào dân tộc lôi kéo, kích động gây chia rẽ trong đồng bào Khmer. Nhằm hạn chế sự phát triển của PGNTK, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã dùng nhiều thủ đoạn thâm độc để từng bước làm mất vai trò, ảnh hưởng của tôn giáo này đối với cộng đồng người Khmer, như việc chúng gài mìn xung quanh chùa, kiểm tra chặt chẽ việc ra vào chùa của các vị sư sãi và tín đồ. Chúng còn cho phép quân đội xả súng thẳng vào những đám đông tín đồ và sư sãi. Ngoài ra, họ còn thực hiện chính sách tâm lý chiến trong cộng đồng người Khmer là lợi dụng, lôi kéo, xúi dục những người Khmer nhẹ dạ cả tin chống lại cách mạng. Chúng còn du nhập vào đồng bào những tệ nạn xã hội như: hút cần sa, ma túy, cờ bạc, rượu chè… làm cho thanh thiếu niên sa vào con đường trụy lạc, xa dần các phong tục tập quán của dân tộc mình, chạy theo lối sống cá nhân không còn nghĩ đến lợi ích chung của dân tộc.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao Nam tong khmer voi phong trao chan hung Phat giao 2 chua xiem can

Chùa Xiêm Cán, Bạc Liêu

2.4. Sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975)

Năm 1975, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Hồ Chí Minh ra đời. Đến 1980, Ban vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập và quyết định năm sau là năm thống nhất Phật giáo toàn diện. Ngày 01-11-1981, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) đã khai mạc Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Đại diện Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước khu Tây Nam bộ cũng có mặt tham gia. Kể từ đó đến nay, PGNTK đã trở thành 01 trong 09 tổ chức hội, hệ phái thuộc GHPGVN, cùng sinh hoạt đạo trong “ngôi nhà chung”, cùng đóng góp cho đạo và đời, tất cả vì “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Để tham gia điều hành Phật sự và các hoạt động khác liên quan đến PGNTK, các vị cao tăng, giáo phẩm Khmer lần lượt được cơ cấu vào các tổ chức các cấp trong GHPGVN qua các kỳ Đại hội. Cơ cấu nhân sự đối với PGNTK luôn được GHPGVN quan tâm, hài hòa giữa các hệ phái. Ngay từ khi thành lập GHPGVN, nhiều giáo phẩm cao cấp Hệ phái Nam tông Khmer được Hội nghị Thống nhất Phật giáo suy tôn, suy cử vào Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, giữ các cương vị Phó Pháp chủ, Phó Chủ tịch,… Số lượng chư Tăng Khmer tham gia các tổ chức Giáo hội các cấp ngày càng tăng qua các nhiệm kỳ. Cụ thể, gần đây nhất là nhiệm kỳ VIII (2017-2022) có trên 30 vị được suy tôn và suy cử vào các cương vị: Phó Pháp chủ, thành viên Hội đồng Chứng minh; Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Trị sự; cung cử vào các ban, ngành, viện, cũng như giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống tổ chức của GHPGVN các cấp. GHPGVN được thành lập, đánh dấu một mốc son, bước phát triển mới trên chặng đường lịch sử của Phật giáo Việt Nam (PGVN); hình thành ngôi nhà chung cho PGVN trên nguyên tắc đảm bảo thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chánh pháp. Trải qua 40 năm hội nhập trong ngôi nhà chung GHPGVN, PGNTK đã tự khẳng định vị thế, sự phát triển của mình trong khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đóng góp vai trò không nhỏ của mình vào thành tựu của GHPGVN nói riêng, PGVN nói chung.

III. SỰ ĐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Từ đầu thế kỷ XIX, chế độ phong kiến nhà Nguyễn thực hiện chính sách đồng hóa dân tộc trong đó có PGNTK, nhà Nguyễn cho chư Tăng Khmer sinh hoạt tôn giáo theo kiểu Phật giáo Bắc tông, đặt tên chùa bằng tiếng Việt. Đồng bào và chư Tăng Khmer đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống chính sách đồng hóa dân tộc và PGNTK của triều đình nhà Nguyễn, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của Chao Vai Cui (Sơn Cui) nhưng không thể thắng được quân đội triều đình, “ông đã xin một ân huệ là đổi mạng sống của mình để được triều đình chấp thuận cho dân tộc được giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có Phật giáo Nam tông Khmer vẫn giữ nguyên sắc thái tôn giáo biệt truyền của dân tộc”.4 Chính sách của triều đình nhà Nguyễn không chỉ tạo mâu thuẫn trong PGNTK với quan chức nhà Nguyễn mà còn làm cho mâu thuẫn lang rộng trong cả hai dân tộc anh em Kinh – Khmer gây nên những cảnh đổ máu giữa hai dân tộc.

Bước sang thời kỳ Pháp thuộc, PGNTK được đối đãi ưu ái hơn nghĩa là PGNTK có quyền bất khả xâm phạm; được miễn mọi sắc thuế đối với mọi hoạt động vì lợi ích chân chính của PGNTK. “Từ những năm 1945 về trước tất của hoạt động đạo sự đều xin phép Vua sãi ở Camphuchia, có sự giúp đỡ của Hoàng gia Campuchia, nhất là khi “Liên đoàn cải thiện tinh thần, đức trí và thể lực của người Cao Miên ở Nam kỳ” được thành lập tại Sóc Trăng (1940) và “Phân bổ địa phương của Viện Phật học ở Nam kỳ” được thành lập tại Sóc Trăng (1943)”5. Tuy nhiên, đồng bào Khmer cũng đã thấy rõ ý đồ từ các chính sách ưu đãi của thực dân Pháp nên không thể mua chuộc được hết sư sãi và đồng bào Khmer. Vì vậy, khi được giác ngộ cách mạng, đồng bào và Chư tăng Khmer đã nhanh chóng đi theo ngọn cờ của Đảng đấu tranh để giải phóng cho dân tộc.

Sau thực dân Pháp là đế quốc Mỹ, mọi chính sách đối với PGNTK đều thay đổi dưới sự cầm quyền của Ngô Đình Diệm; chúng đề cao Công giáo, thực hiện chính sách diệt các giáo phái khác trong đó có chính sách cưỡng bức các dân tộc và đồng hóa PGNTK, tất cả các trường chùa Khmer đều phải đóng cửa, cấm không cho dạy chữ Khmer, Pali, giáo lý trong chùa, hạn chế mọi sinh hoạt lễ hội của Phật giáo trong chùa, đổi tên chùa và phum, sóc bằng tiếng Việt nếu ai làm trái thì khép vào tội theo Việt Minh và xử theo luật 10/59. Chúng cấm không cho đem sách báo, kinh kệ từ Campuchia sang Việt Nam, chúng lập ra hệ phái Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) buộc PGNTK phục tùng theo làm cho đồng bào và chư Tăng Khmer càng hướng về cách mạng một cách mạnh mẽ hơn. Đến thời kỳ Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền thì nhiều chùa trong vùng kháng chiến bị bắn phá, sư sãi bị bắt đi lính, lấy một số chùa làm căn cứ quân sự, làm nơi đóng quân và đàn áp các cuộc biểu tình của sư sãi; duy trì hệ phái Theravada và hình thành mới hệ phái Khemaranikai để phục vụ lợi ích chính trị. Thời kỳ này, nhiều vị sư đã hy sinh, bị bắt tù đày…dẫn đến nhiều cuộc biểu tình lớn của đồng bào các dân tộc và sư sãi Khmer. Nhằm xoa dịu tình hình, chúng cho thành lập trường dạy Phạn ngữ cho các vị sư học tập; bồi thường và tặng bằng hiện vật cho một số chùa bị ném bom hoặc bị bắn phá; giúp xây dựng, sửa chữa lại một số chùa tiêu biểu; chấp thuận hoãn dịch cho tu sĩ trong độ tuổi quân dịch, cho truyền đạo trên đài phát thanh Ba Xuyên (sau này là Đài phát thanh Cần Thơ)… đã góp phần cho PGNTK chấn hưng trở lại.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhất là khi có Đảng lãnh đạo thì “Quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng” được chính quyền cách mạng và Nhà nước tôn trọng; một số địa phương được Việt Minh chủ trương thành lập Ban Trị sự Phật giáo Khmer của tỉnh (Mêkon), Ban sãi vận, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước khu Tây Nam bộ và các tỉnh trong khu vực chọn một số vị chư Tăng tiêu biểu, nhân sĩ, trí thức có lòng yêu nước, giác ngộ cách mạng để lãnh đạo các tổ chức này, đồng thời tham gia các chức vụ chủ chốt trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Sau giải phóng chính sách dân tộc, tôn giáo nói chung, đối với dân tộc Khmer nói riêng được thể hiện rõ nét nhất thông qua các chủ trương, chính sách như: Chỉ thị 117-CT/TW ngày 29-9-1981 của Ban Bí thư TW Đảng và để khắc phục hậu quả sai lầm của một số địa phương trong việc thực hiện chính sách dân tộc, ngày 18 tháng 4 năm 1991 Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 68-CT/TW về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer (nay là Chỉ thị 19-CT/TW) cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, Nghị quyết số 25-NQ/ về công tác tôn giáo TW (2003) đã góp phần cho đồng bào dân tộc và PGNTK từng bước phát triển.

Tóm lại, bên cạnh nét đẹp văn hóa – giáo dục, tính đoàn kết hòa hợp, PGNTK còn có những nét đẹp đáng quý, đáng trân trọng đó là “tinh thần yêu nước” được thể hiện rất rõ các cuộc đấu tranh chông chế độ bóc lột, áp bức, đồng hóa dân tộc của triều đình nhà Nguyễn và qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Trong các giai đoạn này, nhiều vị chư Tăng Khmer đã thoát ly ra khỏi vùng giải phóng để lãnh đạo và huy động đoàn kết chư Tăng yêu nước thực hiện trách nhiệm tham gia cứu nước, giải phóng dân tộc. Từ khi có tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thì Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước khu Tây Nam bộ được thành lập (năm 1964), tiếp theo đó Hội Sư sãi yêu nước các tỉnh vùng Tây Nam bộ lần lượt ra đời, đây thực sự là nơi quy tụ chư Tăng và đồng bào Khmer nêu cao tinh thần yêu nước, đấu tranh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Điển hình là HT. Tăng Phố (tức Trần Phố), kế đến là HT. Tăng Hô được tổ chức Việt Minh giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội đồng Kỷ luật Sư sãi khu Tây Nam bộ (tiền thân của Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước khu Tây Nam bộ) và là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ, kế tiếp là HT. Tăng Nê (học trò của HT. Tăng Hô) tiếp tục được tổ chức giao giữ các chức vụ Chủ tịch Hội đồng Kỷ luật Sư sãi khu Tây Nam bộ và Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ. Cùng thời điểm đó, HT. Sơn Vọng, trụ trì chùa Giồng Chuối (Trà Vinh) được bầu vào chức Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới và cố vấn Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng khu Tây Nam bộ, HT. Thạch Som nguyên Hội trưởng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước khu Tây Nam bộ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao Nam tong khmer voi phong trao chan hung Phat giao 2 chua Vam Ray

Chùa Vàm Rây, Trà Vinh

Sau khi quân Pháp rút đi, Mỹ – Diệm nhảy vào cai trị miền Nam, trong bối cảnh thời bấy giờ, nhất là khoảng thời gian sau mùa hè đỏ lửa năm 1972, Miền Nam thực sự là bãi chiến trường, chùa chiền hoang phế, phum, sóc điêu tàn. Trong khi đó, để bổ sung quân số bị hao hụt ở các chiến trường, chính quyền Sài Gòn ráo riết lùng sục bắt lính sung quân, không những con em Phật tử bị bắt mà cả chư Tăng cũng buộc phải cởi y, cầm súng. Trước diễn biến tình hình phức tạp, chư tăng, Phật tử càng nêu cao tinh thần yêu nước, thắt chặt tình đoàn kết, nêu cao tinh thần bất khuất thuộc yếu tố Dũng trong ba thuộc tính Bi – Trí – Dũng của Phật giáo, tất cả đồng loạt đứng lên chống lại tình trạng bắt bớ bừa bãi… Cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày, sau đó lan rộng hầu hết các tỉnh vùng Tây Nam bộ. Nhiều Phật tử và chư Tăng Khmer đã hy sinh như: HT. Hữu Nhem, Thạch Thị Thanh, Danh Thị Tươi, Thạch Ngọc Biên, Kđam, Tỳ kheo Dương Sóc, Tỳ kheo Kim Sum…; nhiều vị bị bắt tù đày như: HT. Tăng Hô, HT. Lui Sarát, Sơn Phi, Thạch Chơi, Thạch Hoa, v.v… “Đỉnh cao là ngày 10-6-1974, tại Rạch Giá (Kiên Giang), dưới sự vận động và dẫn đầu của các vị cao tăng lãnh đạo Hội Sư sãi Yêu nước đã có trên 2.000 sư sãi, Phật tử Khmer và đồng bào Kinh – Hoa tham gia biểu tình. Điều đau xót và cũng rất tự hào là trong cuộc biểu tình bảo vệ Phật pháp, bảo vệ chính nghĩa này đã có bốn vị sư anh dũng hy sinh. Đó là các vị Hòa thượng (Lâm Hùng, Danh Hoi, Danh Tấp, Danh Hom) cùng với 16 vị khác bị trọng thương nặng”.6 Theo tinh thần Phật giáo Đại thừa thì đây là hạnh nguyện Bồ tát, bởi các vị đã hành theo hạnh Bồ tát để đổi lấy sự trường tồn cho Phật pháp, nền hòa bình cho đất nước và nguồn hạnh phúc an lạc cho Nhân dân. Kể từ cột mốc đấu tranh lịch sử đó, hằng năm vào ngày 10-6, chính quyền, nhân dân, và đông đảo bà con Phật tử thành tâm tưởng niệm và ôn lại truyền thống ngày hy sinh bất tử của Phật giáo nói chung và của chư Tăng, Phật tử Khmer nói riêng, trong công cuộc bảo vệ Phật pháp, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Tư tưởng và triết lý Phật giáo đã thấm nhuần trong máu thịt của đồng bào dân tộc Khmer nên họ thích làm những việc thiện, tránh điều ác, làm phước để mong tích đức; sùng bái luật nhân quả của Phật giáo. Họ tin và hành động theo lời của đức Phật. Trước sự đàn áp bóc lột của triều đình nhà Nguyễn, sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào đã biết đoàn kết với các dân tộc đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của thế lực phong kiến và bọn xâm lược; sau khi có Đảng lãnh đạo, với nhiều chính sách “đối với nông dân có chính sách ruộng đất, đối với tôn giáo có chính sách tự do tín ngưỡng, đối với dân tộc có chính sách bình đẳng, đoàn kết dân tộc”; từ đó đồng bào Khmer đã sớm giác ngộ đi theo cách mạng. Sự ra đời của tổ chức Hội ủng hộ Isarắc (một tổ chức yêu nước) nhằm tập hợp các lực lượng tiến bộ trong đồng bào, chư Tăng Khmer vào tổ chức cách mạng phát huy vai trò của họ lên làm chủ đất nước đã minh chứng tinh thần yêu nước của đồng bào. Nhiều ngôi chùa Khmer được mệnh danh là chùa Mặt trận vì đông đảo chư Tăng trẻ tuổi tự nguyện xin lên đường tham gia chiến đấu giải phóng dân tộc. Nhiều vị đã trở thành cán bộ chỉ huy quân sự giỏi hoặc lãnh đạo các cơ quan Dân, Chính Đảng như: Maha Sơn Thông, Sơn Ngọc Minh, Thạch Mẹnre, Thạch Tụm, Trần Lai, Achar Sabút, Lui Sa rát, v.v…

Song song đó, các tổ chức Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tại các địa phương đã công khai kêu gọi tập hợp các tầng lớp chư Tăng, đồng bào Phật tử Khmer có xu hướng chính trị khác nhau kể cả binh lính, công chức ngụy quân, ngụy quyền nêu cao lòng yêu nước, đoàn kết chống xâm phạm tự do tín ngưỡng, xâm phạm chùa chiền, đòi hoà bình trung lập, độc lập dân tộc. Kết quả hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước đã làm chuyển biến, phân hóa nhiều lực lượng địch. Số chư Tăng các chùa vùng tạm chiếm thân chính quyền Mỹ – Ngụy dần chuyển sang trung lập. Một bộ phận khác trung lập đã thay đổi chuyển theo cách mạng tạo thành khối đoàn kết tiến hành các cuộc biểu tình lớn nhỏ khắp các tỉnh chống lại chính quyền Sài Gòn với các hình thức từ thấp đến cao, góp phần tích cực vào chiến thắng 30-4-1975.

IV. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ

Trong thời kỳ hội nhập, dự báo sẽ có nhiều tác động bất ngờ đến đồng bào, chư Tăng Khmer, để thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo thì cần phải có các chính sách mang tính hệ thống, toàn diện đáp ứng yêu cầu của cuộc sống trong đồng bào, phù hợp với quá trình phát triển của đất nước. Nội dung của chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo vùng Tây Nam bộ, cần tập trung vào các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, giữa các tầng lớp nhân dân nhằm củng cố và phát huy hơn nữa chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. Phổ biến sâu rộng truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc vùng Tây Nam bộ trong quần chúng nhân dân, trong đó đề cao và phổ biến nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc đã có sự đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách đối với đội ngũ người có uy tín, chức sắc, chức việc, đội ngũ cốt cán vùng đồng bào dân tộc.

Thứ hai, tộc người Khmer là dân tộc giàu bản sắc văn hóa, thế nhưng do đời sống của phần lớn đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, với những yếu tố, điều kiện còn nhiều bất cập cho nên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chưa được thuận lợi, có nguy cơ bị mai một, lu mờ, pha tạp, tiếp biến phát triển theo hướng tiêu cực. Do đó, cần đẩy mạnh và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển văn hóa, thông tin trong vùng đồng bào dân tộc bằng các hoạt động cụ thể đủ sức để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa khi hòa nhập vào xu thế phát triển.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ dân tộc vừa là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào, vừa là đội ngũ tham gia, tham mưu, đề xuất các chính sách sát hợp với đặc điểm của dân tộc mình. Đồng thời, họ là người tham gia thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Do đó, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và mạnh dạn bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc trong hệ thống chính trị các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong hệ thống chính trị, nhất là đối với cấp uỷ, đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, nhiệm vụ công tác dân tộc trong tình hình mới.

Thứ tư, quan tâm bảo vệ tình đoàn kết hữu nghị Campuchia – Việt Nam, quan hệ đặc biệt giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Campuchia; không để các thế lực thù địch làm tổn hại đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo Campuchia với nhà nước Việt Nam, cũng như quan hệ đoàn kết thống nhất của PGNTK trong GHPGVN, tổ chức luôn gắn bó, đồng hành với Tổ quốc.

TS. Bạch Thanh Sang
Ủy viên UBMTTQVN tỉnh Vĩnh Long.
TS. Cao Nguyên
Giáo viên Trường Cao đẳng Xây dựng Số 1.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

1 Vấn đề dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long (1991), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nôi, tr.244.
2 Sđd (1991), tr. 51.
3 Cơ quan đặc trách công tác dân tộc ở Nam bộ thực hiện (2000-2001), Chuyên đề “Truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào Khmer dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 -1975)”, Cần Thơ, tr. 23.
4 Cơ quan đặc trách công tác dân tộc ở Nam bộ thực hiện (1999-2000), Chuyên đề “Vai trò của chùa đối với đời sống văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ”, Cần Thơ, tr. 38.
5 Tlđd (1999-2000), tr. 15,
6 Ban Dân vận Trung ương (20-05-2014), Tài liệu Tọa đàm “Tổ chức và hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước trong Phật giáo Nam tông Khmer – Thực trạng và giải pháp”, Cần Thơ, tr. 31.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bạch Thanh Sang (2014), Luận văn thạc sĩ “Hội đoàn kết sư sãi yêu nước trong cộng đồng người Khmer vùng Tây Nam Bộ hiện nay”, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Bạch Thanh Sang (2014), “Truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào Khmer Nam bộ trong thời kỳ chống Pháp” in trong sách Chiến thắng Điện Biên Phủ, Những vấn đề lịch sử (tập 3), Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 269-280.
Bạch Thanh Sang, “Thực hiện chính sách đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long sau 30 năm đổi mới” in trong Tạp chí Khoa học Chính trị, Học viện Chính trị khu vực IV (số 2/2016), tr. 67-70.
Ban Dân vận Trung ương (20-05-2014), Tài liệu Tọa đàm “Tổ chức và hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước trong Phật giáo Nam tông Khmer – Thực trạng và giải pháp”, Cần Thơ.
Cơ quan đặc trách công tác dân tộc ở Nam bộ thực hiện (2000- 2001), Chuyên đề “Truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào Khmer dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Vĩnh Long (1930 -1975)”, Cần Thơ.
Cơ quan đặc trách công tác dân tộc ở Nam bộ thực hiện (1999- 2000), Chuyên đề “Vai trò của chùa đối với đời sống văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ”, Cần Thơ.
Nhiều tác giả, “Vấn đề dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long” (1991), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường