Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang

Tóm tắt: Thực tiễn luôn luôn đặt ra vấn đề cuộc sống của con người và giải quyết những vấn đề của cuộc sống con người cho phù hợp với đạo lý làm người; nói khác hơn con người bằng cách này hay cách khác làm cho bản thân và cuộc sống trở nên hoàn thiện hơn, sống đúng với thân phận của chính mình.

Vì vậy, trong các lĩnh vực của đời sống nhân sinh, con người luôn luôn nâng cao, đổi mới, sáng tạo làm cho vấn đề ngày càng tốt hơn về nội dung lẫn hình thức cùng với sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, trong nhịp sống hối hả thời hiện đại đã tác động mạnh mẽ đến lối sống, nhận thức, khiến cho không ít người chạy theo sự trau chuốt hình thức bề ngoài, làm suy yếu bản chất, đã làm cho cuộc sống an lành của con người cho đến nay chỉ còn là một khát vọng. Song, đối với Phật giáo, nhiều người hiện nay cho rằng Phật giáo chỉ là sự phô diễn sức mạnh của hình thức, còn bản chất cốt lõi của Phật giáo là sự khai mở nguồn lực nội tại để giải phóng những tắc nghẽn mãn tính khổ đau của con người vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Điều này có thật sự đúng?

Bài viết tập trung trình bày Phật giáo đề cao bản chất hơn là hình thức. Hình thức chỉ là phương tiện nhằm góp phần bổ trợ, giúp cho quá trình thực hiện sứ mệnh độ sinh của Phật giáo được hoàn thiện tốt hơn về hai mặt hình thức và nội dung hay bản chất của Phật giáo.

Từ khoá: Hình thức, bản chất, nhận thức Phật giáo, lối sống.

Ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu: 

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.”  

Đó là một câu tục ngữ dân gian, nhưng chứa đựng những giá trị sâu sắc đối với con người trong cuộc sống, không chú trọng đến vẻ đẹp hình thức bề ngoài, mà nó đề cao, nhấn mạnh đến tính cách, lối sống, sự suy nghĩ và hành động bên trong của con người. Thực tiễn luôn luôn đặt ra vấn đề cuộc sống của con người và giải quyết những vấn đề của cuộc sống con người cho phù hợp với đạo lý làm người; nói khác hơn con người bằng cách này hay cách khác làm cho bản thân và cuộc sống trở nên hoàn thiện hơn, sống đúng với thân phận của chính mình.

Vì vậy, trong các lĩnh vực của đời sống nhân sinh, con người luôn luôn nâng cao, đổi mới, sáng tạo làm cho vấn đề ngày càng tốt hơn về nội dung lẫn hình thức cùng với sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, trong nhịp sống hối hả thời hiện đại đã tác động mạnh mẽ đến lối sống, nhận thức, khiến cho không ít người chạy theo sự trau chuốt hình thức bề ngoài, làm suy yếu bản chất, đã làm cho cuộc sống an lành của con người cho đến nay chỉ còn là một khát vọng.

Đối với Phật giáo sự khai mở nguồn lực nội tại để giải phóng những tắc nghẽn mãn tính khổ đau của con người, giúp cho con người nhận thức đúng về bản chất của cuộc sống là nhiệm vụ không thể thiếu trong hành trình tìm về chân lý giác ngộ.

Không ít người có quan niệm cho rằng sự phô diễn sức mạnh của hình thức như hiện nay, xem hình thức cúng tế, trai đàn, cầu cúng… như là một giải pháp để mở “cánh cửa” đưa con người đến sự giác ngộ chân lý, điều đó có thực sự đúng với bản chất cốt lõi của Phật giáo? 

1. Phật giáo đề cao bản chất hơn là hình thức

Hình thức là cái bên ngoài và nó chứa đựng cái nội dung bên trong của sự vật, hiện tượng. Thông qua hình thức đó, người ta sẽ nhận biết được nội dung của nó chứa đựng những tính chất, đặc điểm của các sự vật, hiện tượng.

Theo Đại từ điển tiếng Việt, “hình thức” được khái niệm là: “I. dt. 1. Cái bên ngoài, cái chứa đựng nội dung: hình thức phù hợp với nội dung; 2. Cách thức tiến hành: Các hình thức giáo dục, hình thức đấu tranh. II.tt. 1. Chỉ trên danh nghĩa chứ không thực chất: việc làm hình thức, cách đối xử hình thức; 2. Chỉ thiên về hình thức, thích phô trương: bệnh hình thức”. Còn cái thuộc tính căn bản của các sự vật, hiện tượng là cái bên trong của nó, khác với hình tướng bên ngoài của sự vật, hiện tượng.

Trong Đại từ điển tiếng Việt, khái niệm về “bản chất” được định nghĩa như sau: “dt. Thuộc tính căn bản, ổn định, vốn có bên trong của sự vật, hiện tượng: phân biệt bản chất với hiện tượng, bản chất của anh ta là nông dân”. Hình thức và bản chất là hai mặt phản ánh cái bên ngoài và bên trong của bất kỳ một sự vật, hiện tượng, loài, tồn tại trong tự nhiên, xã hội. 

Ảnh: St
Ảnh: St

Trong quá trình hoạt động sinh sống, con người đã sản xuất ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu sinh sống của con người. Trong đó sự tự do sản xuất của con người đã tạo ra đời sống tinh thần để thoả mãn những nhu cầu cần thiết tâm linh, mà con người cảm thấy mất cân bằng trong đời sống vật chất, con người cảm thấy hụt hẫng trước những tác động tiêu cực của xã hội.

Vì vậy, con người cần có một chỗ dựa tinh thần như là một phần của sự sống. Đời sống tinh thần như “Tôn giáo, gia đình, nhà nước, pháp luật, đạo đức, khoa học, nghệ thuật, v.v. chỉ là những hình thức đặc biệt của sản xuất và phục tùng quy luật chung của sản xuất”. Những sản phẩm vật chất hay sản phẩm tinh thần được con người hiện thực hoá nó trong đời sống xã hội, nhằm cải tạo đời sống tốt hơn, xoá bỏ một cách tích cực sự tha hoá trong sinh hoạt của con người.

Vì vậy, những hoạt động sinh sống của con người luôn luôn phụ thuộc vào những điều kiện của xã hội và bị chi phối, nô lệ bởi những sản phẩm của xã hội như: tôn giáo, quyền lực, tiền bạc… Trong môi trường sinh sống khác nhau, con người bộc lộ đầy đủ qua hành vi của cá nhân, tạo ra những hoạt động sống mang tính riêng biệt, nhân cách sống, tạo nên sự sáng tạo phong phú, làm gia tăng nhu cầu và đáp ứng đời sống của con người ngày càng thêm phong phú.

Tuy nhiên, con người không thoả mãn những nhu cầu của cuộc sống chính mình, con người bắt đầu tha hoá trong mọi hoạt động sống của mình từ tôn giáo, quyền lực, sản xuất, tiền bạc…bản chất ban đầu dần dần lu mờ, thay vào đó là sự bộc lộ lối sống hình thức, coi trọng hình thức hơn là chất lượng. Vì mục đích lợi nhuận, người ta sẵn sàng tạo ra sự giả dối để che đậy sự thật bằng những hình thức nguỵ tạo sản phẩm, đánh lừa khách hàng cả tin vào các nhãn mác của sản phẩm bề ngoài đẹp lộng lẫy, màu sắc sặc sỡ…nhưng thật chất bên trong là kém chất lượng, chứa đựng những thứ độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Nó không chỉ tạo ra “hình thức” từ đời sống vật chất, mà còn tạo ra những “sản phẩm hình thức” của đời sống tinh thần.

Lối sống chú trọng về hình thức ngày nay khiến nó tiến xa hơn thành “chủ nghĩa hình thức”, đề cao đến cái vẻ bên ngoài, coi thường nội dung, sống bằng hình thức, dần dần trở thành một “căn bệnh hình thức” trong cuộc sống con người. Trong các tổ chức, tôn giáo, đoàn thể, “bệnh hình thức” ngày càng trở nên phổ biến và không thể thiếu trong các hội nghị, lễ tổng kết, sơ kết, hội thảo…trong đó các danh xưng, ca tụng, đề cao chức danh đã trở thành một phần “không thể thiếu” đối với những người sống bằng hình thức, mà thiếu nó, có thể những người cấp dưới sẽ bị khiển trách, mất chức, mất việc…Bệnh hình thức có mối quan hệ không thể tách rời với sự phô trương, tham danh, lãng phí trong xây dựng, thành tích, muốn chứng minh một tham vọng mà mọi người cần phải “ghi nhớ đến tên tuổi” là người làm tất cả trước khi không còn hiện hữu trên cuộc đời. Do đó, bệnh hình thức sẽ làm hạn chế, tổn hại đến sự phát triển chung của xã hội, tổ chức, tôn giáo, làm ảnh hưởng đến sự phấn đấu đi lên của những người với tâm huyết phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; mặc dù hình thức rất cần thiết, là bộ mặt của đời sống con người, nhưng hình thức phải phù hợp với nội dung, thể hiện được đúng “chất” chứ không phải “lượng”, “hình thức” của vấn đề.

Tuy nhiên, đối với Phật giáo, hình thức là cần thiết cho phương tiện độ sinh, nhưng đó không phải là cốt lõi của Phật giáo, là lối sống của con người Phật giáo. Nếu chú trọng hình thức quá mức sẽ trở thành một “căn bệnh hình thức trong Phật giáo”. Điều đó, không phải là không có trong sinh hoạt hiện nay khi Phật giáo đi sâu vào trong đời sống để thực hiện nhiệm vụ quan trọng của sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh.

Sự dấn thân, hòa nhập cộng đồng, khiến nhiều người quan niệm rằng “hình thức” như một công cụ “bản lề”, là điểm tựa quan trọng để hướng đến những hoạt động vì lợi ích của sứ mệnh hoằng pháp trong cộng đồng. Song, việc đặt nặng hình thức quá mức, khiến cho con người mất đi bản chất thực của nó và trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa hình thức trong Phật giáo”, đi ngược lại với những giá trị cốt lõi ban đầu của Phật giáo. Có những điều mà chúng ta không muốn nó xảy ra, như nó lại xảy ra như một xu hướng tất yếu trong các mối quan hệ giao tiếp của chúng ta. Tính hình thức trở nên quan trọng trong nhiều hình thức, lễ nghi, cung kính, trai tăng thuần tuý của Phật giáo, chức danh là phần không thể thiếu trong lúc giới thiệu trước khi tiến hành buổi lễ, người có chức danh sẽ được giới thiệu trước cùng với đó là vị trí của chỗ ngồi sẽ khác biệt so với những vị “danh chưa chính”. Sự xem trọng các chức danh trong nghi lễ thuần túy của Phật giáo, vô tình khiến cho giới tu sĩ đi vào lối sống nặng về hình thức, tìm kiếm danh lợi, địa vị, nhằm thể hiện một cái gì đó trong giới Tăng lữ Phật giáo, điều đó có thể phá vỡ cấu trúc của giới luật Phật giáo. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, điều này có đi ngược lại với Tổ Quy Sơn trong luật cảnh sách dạy “bất kính thượng trung hạ toạ, như Bà La Môn tụ hội vô thù” hay không? Nhất là thời đại ngày nay khi các chức danh của giới tu sĩ đã trở thành một thứ không thể thiếu trong đoàn thể Tăng già?

Mặc khác, cách tiếp cận về Phật giáo hiện nay đang có xu hướng nặng về hình thức, cúng tế, trai đàn, lễ hội, phong trào… hơn là đi vào chiều sâu của nhận thức nội tâm. Sự chú trọng về hình thức, lễ hội, một phần đáp ứng nhu cầu cần thiết của giới Phật tử về đời sống tâm linh của họ. Song điều đó, không phản ánh được bản chất cốt lõi của Phật giáo, cái mà Phật giáo cần truyền đạt cho Phật tử về một sự sống chân thực nơi nội tâm của chính bản thân họ hơn là một cách tiếp cận về hình thức.

Chính lối sống nặng về hình thức, danh lợi khiến cho một số tu sĩ phải trả giá cho chính mình trong tương lai. Thậm chí còn làm ảnh hưởng đến tổ chức của Giáo hội Phật giáo. Nhiều người đã hốt lên rằng “tại sao Phật giáo lại ra nông nỗi này?” có thể sẽ có nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan tác động, tạo nên một cơn “địa chấn” trong Phật giáo, làm cho những người theo Phật giáo bị “rung lắc tâm lý” là điều không thể tránh khỏi đối với họ.

Vấn đề mấu chốt của nó không phải nằm ở những hoạt động mang tính hình thức, mà nó phải phản ánh được nội dung của vấn đề một cách có chiều sâu. Tuy nhiên, một số người cho rằng “walk and chew gum at the same time” (vừa bước đi và nhai kẹo cùng một lúc), có thể thực hiện tốt đồng thời hai nhiệm vụ cùng một lúc trong một xã hội phức tạp như hiện nay, liệu rằng điều đó có thực sự khả thi chăng?

Câu chuyện về giai thoại giữa hai vị thiền sư Thần Tú và Huệ Năng phác hoạ cho chúng ta thấy về nguồn năng lực nội tại sẽ có giá trị cao hơn là tính hình thức của một lối sống trong Phật giáo. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn muốn xác quyết vấn đề gì trong lối tiếp cận kiến giải về sự chứng ngộ của hai vị đệ tử nổi tiếng ở núi Hoàng Mai? Sự khác biệt đó thể hiện ở hai bài kệ như sau:

Ngài Thần Tú viết: 

“Thân là cây Bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Thường hãy siêng lau chùi
Chớ để bụi dơ bám”.

Bài kệ của ngài Huệ Năng viết: 

“Bồ đề vốn không cây
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Thì bụi bám vào đâu”.

Thật vậy, bài kệ của ngài Thần Tú bộc lộ rõ tính hình thức trong kiến giải về một thực tại còn nằm trong lớp “mây mù” dày đặc cần phải khổ công tu luyện, điều mà Ngũ Tổ không đạt được kỳ vọng giác ngộ ở con người Thần Tú. Đó chỉ hình thức, cách tu thông thường, mà một chuyên gia về thiền học có thể giảng giải cho các thiền sinh, những người mới tu về phương pháp ngồi thiền và rửa sạch bụi trần mà thôi. Ai cũng biết rằng tấm gương đầy bụi thì không thể thấy được hình bóng đối tượng phản chiếu trong gương, đây không phải là chỗ mà Ngũ Tổ muốn hỏi và tìm kiếm một “truyền nhân” Phập pháp.

Cốt lõi của vấn đề là tính thực tại của nó luôn luôn tròn sáng phẳng lặng “xưa nay không một vật, thì bụi bám vào đâu” của ngài Huệ Năng đã chứng minh cho một lối tu không mang tính hình thức, xuất phát từ nội tâm, một tuệ giác tự nhiên vốn có của con người, không phải là thứ tìm cầu bên ngoài mà có được. Thứ mà Ngũ Tổ tìm kiếm ở các đệ tử là nguồn năng lượng nội tại luôn luôn phát sáng, chớ không phải là một thứ được thấp sáng bằng một “mồi lửa” bên ngoài. Do đó, có thể thấy Phật giáo không xem nặng về tính hình thức, sự phô diễn những việc làm hình thức, cúng tế, lễ nghi, trai đàn, mà đề cao về sự tu tập, tự tịnh hoá thân tâm để đạt đến một chân lý thực tại. Chính điều này đã làm nên điểm đặc thù của Phật giáo so với các tôn giáo khác. Bản chất của Phật giáo là “muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri kiến Phật”, hình thức chỉ là một phương tiện hoá độ của Phật giáo.

Tóm lại, Phật giáo không xem hình thức là một giải pháp phát triển bền vững trong sứ mệnh hoằng hóa độ sinh. Phật giáo đề cao bản chất cốt lõi của con đường tu tập đạt đến chân lý giác ngộ nội tâm hơn là một lối sống nặng về hình thức. Hình thức chỉ là một “liệu pháp” tạm thời nhằm tìm kiếm những “nguồn tài nguyên” mới ẩn chứa trong nhân gian còn chưa khai thác, “đánh thức” những người còn do dự, chưa định hướng, chưa quyết định một hướng đi trong tương lai. Do đó, “hình thức” chỉ là một phương pháp nhằm kích hoạt mở ra hy vọng cho những người mới bắt đầu theo con đường hướng về sự giác ngộ. Nhưng đó, không phải là cốt lõi của Phật giáo. Trong Phật giáo hiện nay cũng còn nhiều đối tượng nặng về tính hình thức, xem hình thức như là một công cụ có triển vọng để dẫn dắt, hướng dẫn người phật tử trở về “nguồn cội”, mà bỏ quên bản chất cốt lõi của Phật giáo là một nhận thức còn phiến diện.

Hình thức là cái bề ngoài, nó cũng góp phần trong quá trình hoàn thiện đồ vật hay một con người, tổ chức, tôn giáo. Thông qua hình thức bên ngoài, người ta cũng phần nào biết được nội dung hay bản chất bên trong của một sự vật hay con người, tổ chức, tôn giáo. Song, đối với Phật giáo, lối sống đánh bóng hình thức, khoa trương thân thế, “giả trang thiền tướng, cầu bỉ cung kính”… không phải là lối sống thật của con người Phật giáo, nó làm mất đi tính chân thật, giản dị, tự nhiên, một niềm tin ban đầu mà đức Phật đã xây dựng nên hình tượng, lối sống của một tỳ kheo chân chất, thật thà, mẫu mực trong lòng tín đồ Phật giáo, một đạo Phật trong đời sống nhân sinh.

Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang

***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. C. Mác – Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 42, NXB. Chính trị Quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2000.

2. Hương Giang (sưu tầm), Ca dao và tục ngữ Việt Nam, NXB. Văn học, 2002.

3. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành, Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, 2011.

4. Thích Đạt Dương (biên soạn), Thiền môn trường hàng luật, NXB. Tôn giáo, 2010.

5. Thích Nữ Trí Hải (dịch), kinh Pháp Bảo Đàn, NXB. Tôn giáo, 2004.

6. Thích Trí Tịnh (dịch), kinh Diệu Pháp Liên Hoa, NXB. Tôn giáo, 2019.