Trang chủ Chuyên đề Phật Đản tỏa sáng trong lòng dân tộc

Phật Đản tỏa sáng trong lòng dân tộc

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Phật Đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hằng năm cho cả hai phái Nam tông và Bắc tông. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn). Lễ tắm tượng Phật vốn đã được xuất hiện từ lâu tại Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước Trung Á khác. Ngày nay, nghi lễ này được duy trì ở hầu hết các cộng đồng Phật giáo trên thế giới. Đây là một nghi lễ thiết yếu của lễ Phật Đản hằng năm vào ngày Rằm tháng Tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày đức Phật ra đời.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Phat dan sinh 123

I. Ý nghĩa ngày Phật Đản và Lễ Tắm tượng Phật

1. Nguồn gốc ngày Phật Đản

Lễ Phật đản là ngày đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời vào ngày trăng tròn tháng Tư Âm lịch năm 624 trước Công Nguyên, tại khu vườn Lâm Tỳ Ni, xứ Ca Tỳ La Vệ thuộc miền bắc Ấn Độ. Lễ Phật đản tiếng Pali gọi là Vesak, tiếng Phạn là Vaisakha, một ngày rất quan trọng trong truyền thống Phật giáo. Đức Phật Thích Ca xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Mada, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca.

Trong quá trình phát triển của Phật giáo, các nước theo Phật giáo Nam truyền ( còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo tiểu thừa) giữ nguyên ngày tháng năm sinh của đức Phật. Theo lịch Ấn Độ cổ ngày trăng tròn tháng Vesak là ngày sinh của đức Phật cũng là ngày đức Phật thành đạo đồng thời là ngày đức Phật nhập niết bàn. Sự hy hữu đó được các nước theo Phật giáo Nam truyền tổ chức ba lễ trong một ngày nên gọi là Đại lễ Tam hợp (ba trong một) hay Đại lễ Vesak (chỉ tháng). Các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam truyền tổ chức Đại lễ Phật Đản vào ngày trăng tròn tháng Vesak thường vào ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch.

Theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền (còn gọi là Phật giáo phát triển hay Phật giáo đại thừa), do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày đức Phật Đản sinh theo lịch cổ của Ấn Độ chuyển sang lịch Trung Hoa là ngày 8 tháng 4 Âm lịch. Vì thế trước đây một số quốc gia với đa số Phật giáo chịu ảnh hưởng của truyền thống Phật giáo Bắc truyền như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,… thường tổ chức Đại lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 Âm lịch. Song từ Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên diễn ra ở Colombo, Tích Lan từ 25/ 5 đến 8/ 6 năm 1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày Rằm tháng Tư Âm lịch. Từ đó các nước có theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền đã kỷ niệm ngày Phật đản vào ngày 15 tháng 4 Âm lịch hàng năm (thường trùng với tháng 5 Dương lịch).

2. Nguồn gốc lễ Tắm tượng Phật

Nguồn gốc của Lễ Tắm tượng Phật xuất phát từ sự kiện Đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Theo đó, các bản kinh thuộc 2 truyền thống Nam Tông và Bắc Tông đều ghi lại rằng, khi Hoàng hậu Ma Da Đản sinh Thái tử thì từ trên không trung có 2 dòng nước của chư thiên, một dòng nước mát, một dòng nước ấm rưới xuống để tắm cho Hoàng hậu cùng Thái tử.

Sự kiện này được ghi lại trong kinh Đại bổn (Trường Bộ II), kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Trung Bộ III). Theo bộ Đại sự (Mahāvastu), khi Thái tử ra đời, hai dòng nước ấm và lạnh thơm dịu, trong lành từ trên không trung rưới xuống để tắm cho Thái tử. Bên cạnh đó, tác phẩm Phật sở hành tán của ngài Mã Minh cũng ghi lại sự kiện quan trọng đó là: “khi thái tử ra đời có bốn vị Thiên vương dùng vải quý của cõi trời nâng thái tử, Thích Đề Hoàn Nhơn mang lọng báu cùng Đại Phạm Thiên đứng hầu hai bên. Lúc đó có hai vị Long vương là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà từ trên hư không phun hai dòng nước ấm và mát để tắm thân Thái tử.

Vậy hai dòng nước ấy có ý nghĩa đạo pháp không phân hai, nhất tâm quy bổn thể. Ấm mát là hai thể mà hợp lại thành một; cũng vậy giáo pháp của Đức Phật là Trung đạo, dung hòa tất cả, một là tất cả và tất cả là một, ý nói bổn thể tự tánh chân tâm. Ngoài ra hai dòng nước ấm mát từ chư thiên tưới xuống Đức Phật là nước ấm thể hiện tình thương, một tình thương ấm áp mà Đức Phật dành cho tất cả trời người không phân biệt. Hai là dòng nước mát thể hiện giáo pháp của Đức Phật thấm nhuần như cơn mưa giữa mùa hạ làm mát tất cả sự nóng hạn khát bức mà chúng sinh đang phải chịu do vô minh tạo nghiệp, nghiệp dẫn tới quả thì phải chịu quả báo.

Y theo kinh Công đức có đề cập đến lễ tắm tượng Phật được Bồ tát Thanh Tịnh Huệ hỏi như sau: Thứ nhất do đâu mà chư Phật thành tựu sắc thân thanh tịnh, đầy đủ tướng tốt? Tiếp theo là những người nào được sinh ra đời, gặp Phật và phát tâm cúng dường thì có vô lượng công đức, con sau khi Đức Phật nhập diệt, thì chúng sinh cúng dường những gì? Tạo công đức gì để mau chứng đạo quả vô thượng Bồ đề?

Đức Phật dạy rằng: “Như Lai thành tựu sắc thân thanh tịnh là do tu tập những diệu pháp cao thượng như: ‘Lục độ, Tứ Vô Lượng Tâm, các Pháp Vô úy…’ Đối với các bậc giác ngộ như thế mà dùng tâm thanh tịnh để cúng dường hương, hoa… hoặc đối trước tôn tượng các Ngài mà trang hoàng, nghiêm sức, dùng hương quý, nước thơm theo nghi thức mà tắm tôn tượng, đánh trống thỉnh chuông, xưng tán công đức của Như Lai, lại phát nguyện thù thắng, hồi hướng chứng đắc trí tuệ vô thượng, thì hành giả sẽ được vô lượng vô biên công đức”. Kể từ đó cứ vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, các chùa làm lễ Phật đản mở đầu bằng một nghi thức tắm tượng Phật, và một bài thi kệ như sau:

“Ngã kim quán mộc chư Như Lai
Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
Ngũ trược chúng sinh linh ly cấu
Đồng chứng như Lai tịnh pháp thân.
Tỳ Gia thành ly bất tằng sinh
Ta La thọ gian bất tằng diệt
Bất sinh bất diệt lão Cù Đàm
Nhãn trung khán kiến trùng thiêm tiết.
Kim triêu chính thị tứ nguyệt bát
Tịnh Phạn Vương cung sinh Tất Đạt
Cửu Long phún thủy thiên ngoại lai
Bỗng túc liên hoa tùng địa phát.
Án mâu ni, tam mâu ni tá phạ ha.”

Dịch nghĩa:

Hôm nay được tắm cho Như Lai
Trí tuệ trang nghiêm công đức lớn
Chúng sinh ba cõi đang chìm đắm
Được thấy trần gian hiện pháp thân.
Trong thành Tỳ Gia chưa từng sinh
Giữa cây Ta La chưa từng diệt
Bất sinh bất diệt đức Cù Đàm
Mắt sáng rạng soi không vẫn đục.
Ngày trăng tròn tháng tư âm lịch
Cung vua Tịnh Phạn sinh Tất Đạt
Chín rồng phun nước tắm kim thân
Mỗi bước hoa sen nâng gót ngọc.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Phat dan sinh 1234444 2

Vậy bốn câu kệ đầu là bài kệ tắm tượng Phật trong Kinh Dục Phật Công Đức, ý nói nay con được rưới nước tắm gội kim thân của chư Phật, thân Phật là khối công đức được trang nghiêm bởi trí tuệ thanh tịnh. Ước nguyện mọi loài chúng sinh ở trong thế giới đầy năm thứ vẫn đục nầy, mong cho mọi người chuyển hóa khổ đau, thoát ly ô trược, cùng chứng được pháp thân thanh tịnh của Như Lai.

Bốn câu kế tiếp là pháp ngữ trong Đại Tuệ Ngữ Lục. ý nói pháp thân của Như Lai là bất sinh bất diệt, chuyện bồ tát Thiện Huệ giáng trần tại vườn Lâm Tỳ Ni thành Ca Tỳ La Vệ miền trung nước Ấn Độ, Vì ngài có lòng từ bi, vì sự an lạc, hạnh phúc cho chúng sinh mà thị hiện ra đời.

Trong kinh Ưu Bà Di Pháp Môn Tịnh Hạnh chép: Thái tử vừa đản sinh liền bước đi bảy bước có bảy đóa sen đở gót. Mỗi bước chân thái tử nhìn về một phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng, Hạ, đến bước thứ bảy thái tử một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất rồi dõng dạt tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết.” Kinh Tăng Chi Bộ chép: “Này các tỳ kheo, một người khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người không có hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tự, không có đối phần, không có người ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc tối thượng của loài người. Người ấy là ai? Chính là Như Lai bậc A La Hán Chính Đẳng Chính Giác.” Đức Phật đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, tâm Ngài thanh tịnh vô nhiễm và nhu nhuyến, pháp thân Ngài thì bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, cho nên việc tắm tượng Phật là một cơ hội để cho chúng ta thực tập nếp sống chính niệm, trau dồi lòng khiêm cung, hướng tâm nhiệt thành đến Đức Phật.

Vì vậy lễ tắm tượng Phật hàm ẩn một ý nghĩa rất cao siêu. Pháp thân thanh tịnh, thí dụ cho Phật tánh vốn tiềm ẩn trong mỗi người, nhưng vì bụi bặm phiền não tham sân… che lấp, nên Phật tánh không hiển lộ ra được. Muốn hiển lộ Phật tánh, phải mượn nước thơm để tẩy rửa bụi trần. Lễ tắm tượng Phật cũng là sự mong cầu được gột rửa thân tâm của chính mình, để tìm lại tự tánh thanh tịnh vốn sẵn có nơi tự tâm.

II. Lễ Phật Đản ngày nay

Mừng ngày Đức Phật ra đời. Đây cũng là dịp để khích lệ truyền thống văn hóa Phật giáo, cũng là dịp tăng ni, Phật tử ôn lại cuộc đời và thông điệp của Đức Phật về hòa bình, hạnh phúc thương yêu, vượt qua cám dỗ và sự chi phối của lòng tham, sân hận của con người…Và ôn lại truyền thống hộ quốc an dân được kết tinh qua chiều dài hơn 2.000 ngàn năm có mặt tại Việt Nam, Phật giáo đã trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử đất nước. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận thời nào Phật giáo cũng có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng ni, Phật tử không ngừng nêu cao truyền thống đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội… những thành tựu Phật sự đạt được trên tất cả các lĩnh vực đã nói lên cho sự xương minh của đạo pháp trong lòng dân tộc, được đồng bào, nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Những lời dạy của Đức Phật về sự đoàn kết, sự đồng thuận xã hội đó được ghi trong Kinh Trường Bộ (Digha Nikaya), phẩm Đại Bát Niết Bàn vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta ngày hôm nay, khi nhân loại đang phải đương đầu với đại dịch COVID-19, đương đầu với virus SARS-CoV-2 hoành hành trên toàn cầu, tác động sâu sắc và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội của tất cả các quốc gia. Dù là vô hình và siêu nhỏ, song SARS-CoV-2 đã làm cho trên hàng triệu người bị nhiễm bệnh và hàng vạn người tử vong. Nó đã thực sự làm cho thế giới lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Nhân loại thực sự phải thức tỉnh trước đại dịch này.

Từ khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, đời sống và nhu cầu tôn giáo cũng có nhiều biến đổi theo hướng đa dạng hóa. Phật giáo vốn là một thực thể xã hội, luôn có sự vận động, biến đổi và thích nghi với xã hội đương đại cũng đã có những biến chuyển trong hoạt động tôn giáo của mình, không chỉ phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa mà Phật giáo còn hướng đến những hoạt động thế tục, thể hiện tinh thần Phật pháp bất ly thế gian pháp. Nối tiếp với truyền thống hộ quốc an dân, Tăng ni, Phật tử đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ em tàn tật, mồ côi, người gặp hoàn cảnh khó khăn; thực hiện xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ. Đây là việc làm thể hiện sự từ bi, độ lượng, tương thân tương ái của con người với con người. Những hành động này chính là thể hiện tình yêu thương, nhân hậu mà Đức Phật vẫn thường truyền bá đến mọi người. Kết quả của những việc làm đó càng khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn gắn đạo với đời, là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với nhân dân trong cả nước phấu đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, một cõi Niết bàn thực sự trong cuộc sống mỗi con người và giữa trần gian này.

Lễ hội Phật Đản là nơi hội tụ văn hóa dân tộc từ xa xưa để lại, mang ý nghĩa tâm linh và nhân văn sâu sắc, mang đậm giá trị đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ, tri ân công đức của các bậc tiền nhân những người có công với quốc gia, dân tộc; thể hiện sự tôn kính Phật và các vị thần, thánh, những anh hùng dân tộc có công với nước, với dân, thể hiện sự tri ân với các bậc tiền nhân, với tổ tiên, ông bà, đã đi vào đời sống tinh thần của Nhân dân. Qua lễ hội người dân hiểu biết thêm về giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp, truyền thống lịch sử của dân tộc.

III. Kết luận

Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời tiêu biểu cho sự trong sạch hoàn toàn như hoa sen mà không một bậc Thánh nhân nào có thể sánh bằng và đức Phật tinh khiết như gương sen nhờ cốt lõi tâm trọn lành của Phật thật.

Vì vậy lễ Phật đản và nghi thức tắm tượng Phật, đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong văn hóa Việt Nam. Tất cả người con Phật với lòng tôn kinh Tam Bảo, với một tâm niệm, nương theo Phật không sinh diệt để tu, để phát huy trí tuệ hiểu biết và đạo hạnh của mình; nguyện quay về nương tựa với giác tánh nơi tự tâm, trang nghiêm cho chính mình bằng hương thơm đức hạnh, bằng cành hoa trí tuệ và bằng nước từ bi nhẫn nhục, để có khả năng tùy thuận thích ứng với mọi duyên thuận, nghịch, chuyển hóa tự thân, trang nghiêm tịnh độ.

TT.Thích Thiện Hạnh
Phó Viện Trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường