Mạng xã hội có rất nhiều người theo dõi, vì vậy khi thuyết giảng, đề nghị giảng sư nên tìm hiểu kỹ, tôn trọng ý nghĩa của kinh điển Phật giáo, không tùy tiện bóp méo những nội dung cơ bản, cốt lõi của kinh điển, cần tôn trọng tính nhất quán của kinh điển giáo lý.
Tác giả: Tuệ Lâm
Trong những ngày qua, trên diễn đàn mạng xã hội có nhiều ý kiến xoay quanh nội dung thuyết giảng của một vị giảng sư về ý nghĩa Mật hạnh La Hầu La. Qua đó, vị giảng sư đã lý giải mật hạnh của Tôn giả La Hầu La chính là “mật vụ”, “tình báo”, “chuyên bảo vệ an ninh cho đức Phật và tăng đoàn”. Tín đồ phật tử của tự viện này cũng đã đăng tải nhiều bài viết trên mạng xã hội có nội dung giống nhau như: “Mật hạnh của tôn giả La hầu la không phải là hạnh tu kín đáo riêng tư, mà đó là công hạnh cao quý âm thầm bảo vệ đức Phật với tăng đoàn trước sự chống phá ác liệt của ngoại đạo thời bấy giờ. Ngài cũng sử dụng cả lực lượng thám tử của Hoàng gia Ca tì la vệ vì Ngài cũng xuất thân là hoàng tử ở đó. Ít ai dám hiểu rõ như thế, cứ nhầm mật hạnh là hạnh tu riêng tư kín đáo. Công hạnh bảo vệ Phật với tăng đoàn mới là cao quý vĩ đại.”
Tuy nhiên, khi tham khảo các tài liệu, chúng ta nhận thấy việc lý giải về Mật hạnh La Hầu La đều có điểm chung là sự mặc định trầm tư, Tôn giả La Hầu La là bậc phẩm hạnh cao quý cả về giới đức và trí tuệ, về tính từ bi và kham nhẫn, Ngài luôn khiêm nhường, biết vâng lời và vô cùng cung kính với các bậc Tỳ kheo, điều này được minh chứng trong Kinh Jātaka 16 (Chuyện tiền thân) “Chuyện con nai có ba cử chỉ”. Mật hạnh của Ngài nói lên một đời sống phạm hạnh, thanh tịnh, người tu học cần lấy đó làm tấm gương để học tập và hành trì. Do huân tập căn lành từ vô lượng kiếp cùng với sự nỗ lực tu tập miên mật, không giải đãi, từ ngày gia nhập Tăng đoàn, qua bài thuyết giảng của Thế Tôn thì Rāhula được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không chấp thủ. Rāhula thành tựu chứng quả vị A La Hán lúc 20 tuổi và trở thành vị A La Hán trẻ nhất trong Giáo hội.
Trong công tác của giáo đoàn, dù không có những hoạt động sôi nổi như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên... nhưng Ngài đã chứng Thánh quả A La Hán, Mật Hạnh đệ nhất, La Hầu La đã có vị thế lâu dài trong hàng Thánh chúng Thập đại đệ tử của đức Phật.
Có thể khi trải qua một gian đoạn rất dài, Kinh điển giáo lý của đức Phật sẽ có một vài chỗ khác biệt trong quá trình diễn dịch, tuy nhiên khi tìm hiểu ý nghĩa của Mật hạnh La Hầu La thông qua những bài thuyết pháp và những tư liệu để lại thì chúng ta đều tìm thấy một điểm chung giống nhau. Thế nên khi vị giảng sư có những lời thuyết giảng khác biệt và trái ngược với kinh điển giáo lý nhà Phật thì cần phải xem xét ở nhiều góc độ như sau:
Thứ nhất: Việc thuyết giảng này dựa trên cơ sở nào? Vì sao lại khác với tính thống nhất trong kinh điển để lại? Nếu như cho rằng kinh điển giáo lý có sự biến đổi hoặc sai lệch thì vì sao chỉ mỗi mình vị giảng sư này giảng khác nghĩa trong khi những bài viết, tư liệu khác đều có sự tương đồng ý nghĩa?
Thứ hai: Nếu cho rằng Mật hạnh La Hầu La mang một ý nghĩa khác biệt thì căn cứ vào tài liệu nào và đã được trao đổi thống nhất trong Ban Hoằng Pháp Trung ương hay chưa?
Thứ ba: Về ngữ nghĩa, mật hạnh và mật vụ là hai khái niệm khác nhau, mật hạnh là phẩm hạnh, là nỗ lực của người tu tập miên mật, biết nhìn sâu vào bên trong nội tâm để tự điều chỉnh bản thân mình sao cho tốt nhất, là sự khiêm nhường, nhẫn nhịn tối tuyệt hơn người khác. Mật hạnh là pháp môn bất nhị tăng thêm phẩm hạnh, viên mãn đạo đức.
Ví như ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh của đức Phật. Trong khi đó, Mật vụ là một hành động cụ thể, là một nhiệm vụ bí mật được thực hiện bởi một người hoặc một nhóm người dưới sự chỉ đạo của một tổ chức nào đó. Người có mật hạnh không có nghĩa là người sẽ làm mật vụ bởi mật vụ đòi hỏi nhiều hơn về sức khỏe, kỹ năng, hành động thiên hướng ngoại vi còn mật hạnh là dành cho người có khuynh hướng “âm đức” tức những đức hạnh sâu bên trong con người.
Thứ tư: Đức Phật từ trước đến nay vẫn được xem là bậc từ bi, Người sẵn sàng hy sinh thân mạng mình cho chúng sinh, trên con đường đi đến giác ngộ và thành Phật, Người đã trải qua vô vàn khó khăn, bĩ cực, chịu nhiều khổ nhục nhưng vẫn kham nhẫn chịu đựng, Người luôn mang lòng từ bi để giáo hóa chúng sinh, Người cũng không cổ vũ cho sự xung đột nào, không tham sống sợ chết, vì vậy việc cho rằng Mật hạnh La Hầu La là tình báo, là xông xáo dẫn lực lượng vào tận hang ổ ngoại đạo để ngăn chặn nhằm bảo vệ cho đức Phật và tăng đoàn. Có thể nói, đây là lời thuyết giảng mang tính suy diễn, trái ngược với phẩm hạnh Đức Thế Tôn, trái với ý nghĩa kinh điển Phật giáo.
Tuy nhiên, bài viết này không phân tích sâu về ý nghĩa Mật hạnh La Hầu La vì đã có nhiều tài liệu, kinh sách diễn giải về ý nghĩa này mà bài viết chỉ muốn tập trung vào việc xem lại việc thuyết giảng kinh điển theo cách tùy tiện như hiện nay, điển hình như bài giảng vừa nêu.
Người thuyết pháp phải có trách nhiệm trong những nội dung truyền đạt đến cho tập thể tín đồ phật tử, mà ngày nay trên mạng xã hội còn có rất nhiều người khác lắng nghe, vì vậy khi thuyết giảng, đề nghị giảng sư nên tìm hiểu kỹ, tôn trọng ý nghĩa của kinh điển Phật giáo, không tùy tiện bóp méo những nội dung cơ bản, cốt lõi của kinh điển, cần tôn trọng tính nhất quán của kinh điển giáo lý. Việc thay đổi hoặc tùy biến nội dung trong quá trình thuyết giảng chỉ mang tính tương đối nhằm giúp cho Kinh điển Phật giáo dễ hiểu và đi gần đến đời sống xã hội hiện nay nhưng không làm thay đổi giá trị và ý nghĩa của kinh điển Phật giáo. Những diễn giải khác biệt cần phải được thông qua Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội để đạt được sự thống nhất, tránh khi thuyết giảng gây nên những bất đồng, tranh cãi và khó hiểu trong tín đồ phật tử.
Việc tín đồ phật tử tự viện khi tuyên truyền một nội dung nào đó phải đảm bảo được tính chính xác, không mang tính đả kích, tô hồng hay bôi đen, “tuyên truyền nhưng không lan truyền” mà phải giữ được tính ôn hòa, tôn trọng người khác trong quá trình truyền tải nội dung giáo pháp, kinh điển nhằm tránh những thành kiến không hay đối với tín đồ phật tử hoặc đại chúng khi chưa có sự am hiểu sâu sắc giáo lý đạo Phật.
Điều này cần được lưu ý khi trong những ngày qua, một nhóm tín đồ tự viện này đã lan truyền thông tin phản bác về một tu sĩ có nội dung thuyết giảng mà theo nhóm tín đồ này là “sai chính pháp”, tuy nhiên, vị tu sĩ này dù là người xuất gia nhưng tham gia chủ yếu trong lĩnh vực “tâm lý học” cho cộng đồng và việc vận dụng những yếu tố cơ bản của Phật giáo vào phương diện tâm lý học, giáo dục, nghệ thuật, sức khỏe, ẩm thực…hiện nay là điều không hiếm và không sai về mặt xã hội, cho nên những tín đồ này đưa ra những bài lan truyền mang tính “bươi móc, bắt lỗi” những câu nói mang tính cảm nhận về mặt tư duy tâm lý, thiết nghĩ đây là quan điểm hết sức cực đoan bởi những suy nghĩ ở góc độ cảm tính sẽ không thể khẳng định “đúng, sai” theo tỷ lệ tuyệt đối, có thể người này thấy đời là khổ nhưng người khác thấy đời không khổ, nó tùy thuộc vào cách đối diện và thấu cảm của mỗi người. Đức Phật cũng đã từng có lời giáo huấn về “10 điều không nên tin” trong Tăng Chi bộ Kinh, để cho thấy rằng: Điều gì hợp với mình, hợp với người; Lợi cho mình, lợi cho người; Không hại mình, không hại người thì đó là điều đúng. Chúng ta không thể lấy câu nói mang tính cảm xúc để áp đặt rằng nó sai hay đúng theo cách nghĩ của mình.
Không những vậy, nhóm tín đồ này còn tùy tiện cho rằng “Giáo hội không lên tiếng phản bác tu sĩ này bởi vì rất nhiều vị trong Giáo hội là đồng bọn của “hắn””. Có thể nói, đây là những lời phát ngôn vô căn cứ, thiếu tôn trọng, mang tính quy chụp, xúc phạm nhằm hạ uy tín của người trong Giáo hội mà Trung ương Giáo hội cần phải xem xét, chấn chỉnh để nhóm tín đồ này chấm dứt hành vi tùy tiện đăng tải thông tin với lời lẽ sai lệch như vậy.
Tín đồ phật tử Tự viện nêu trên cần phải hiểu một điều rằng “Không phải điều gì mình không hài lòng là bắt người khác cũng không hài lòng, mình ghét ai là bắt người ta cũng phải ghét người đó, mình muốn phê phán ai là bắt người ta cũng phải phê phán người đó, khi người ta không làm theo ý mình, mình lại cho rằng người ta là đồng bọn”. Nếu đã là người tu tập, người hướng đến Phật thì không thể mang một cái tâm dính mắc, “bè phái” như vậy bởi ai cũng có tư duy và quan điểm của riêng họ, mỗi người sẽ biết điều gì là đúng, điều gì là sai, người tu hành không mang tâm lý “đám đông” để thao túng hay sai khiến, áp đặt người khác bao giờ.
Người càng tinh tấn tu học, càng thoát bỏ cố chấp, hạn chế tính phán xét bên ngoài để hướng vào sự tu tập, giải thoát bên trong, “không nhìn thấy lỗi người, chỉ nhìn thấy lỗi mình”, từ đó mới có thể điều chỉnh hành vi, nhận thức của mình được dung hòa, đức độ. Còn một khi chúng ta mang danh là tu sĩ, phật tử nhưng tâm luôn vọng niệm dính mắc, còn nặng tính sân si chấp nhặt, còn thích phỉ báng người khác, thích bao biện cho mình, thích tạo bè phái để lôi kéo, điều hướng là chúng ta còn đang lan man bên ngoài, chưa chuyển hóa được thân-khẩu-ý, chưa là người tỉnh tâm tu học.
Từ những vấn đề trên, rất mong Giáo Hội Phật giáo Việt Nam có sự quan tâm, góp ý, chấn chỉnh kịp thời để không còn tình trạng thuyết pháp tùy tiện cũng như hành vi lan truyền thông tin bịa đặt, tự suy diễn của nhóm tín đồ phật tử nêu trên, tránh để cho người khác có cái nhìn sai lệch, gây ảnh hưởng đến tập thể, cá nhân thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sai lệch về ý nghĩa phật pháp.
Tác giả: Tuệ Lâm
>> Hoằng pháp như thế nào để phù hợp với thời đại?
Bình luận (0)