Trong nhịp sống hiện đại, thú cưng không chỉ là bạn đồng hành, mà còn là người lắng nghe thầm lặng, giúp con người được giãi bày những tâm sự thầm kín giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống. Những chú chó hiền lành, trung thành đã trở thành thành viên thân thiết trong nhiều gia đình, mang lại niềm vui giản dị mỗi ngày.
Nhưng đằng sau sự gắn bó ấy, cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm và ý thức của người chủ nuôi, không chỉ với thú cưng của mình, mà còn với cả cộng đồng.
Những năm gần đây, phong trào nuôi chó làm cảnh hay để giữ nhà trong các hộ gia đình tại đô thị ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nuôi chó trong môi trường đô thị vốn không phải điều được khuyến khích, bởi thực tế không khó để bắt gặp cảnh những chú chó chạy rông ngoài đường, phóng uế bừa bãi.
Thêm vào đó, ý thức của một bộ phận người nuôi chó còn khá hạn chế, góp phần không nhỏ vào việc làm mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh.
Không chỉ vậy, đôi khi những "vị khách bốn chân" này còn vô tình trở thành nguyên nhân gây mâu thuẫn với hàng xóm láng giềng, khi chúng để lại "dấu vết" không mấy dễ chịu trước cổng nhà người khác.

Dẫu vậy, giữa số đông người nuôi chó thờ ơ, thiếu quan tâm tới cộng đồng, thì tôi vẫn may mắn được chứng kiến không ít tấm gương đáng quý. Đó là những người chủ nuôi đầy trách nhiệm, luôn nỗ lực rèn luyện cho thú cưng của mình thói quen đi vệ sinh đúng chỗ trong khuôn viên nhà. Và nếu chẳng may trong lúc dạo chơi tại công viên hay vườn hoa, chú chó có nhu cầu "giải quyết nỗi buồn", họ cũng sẽ ngay lập tức thu dọn sạch sẽ.
Tôi đã nhiều lần thấy họ chuẩn bị sẵn túi nilon và giấy, cẩn thận gói gọn chất thải của thú cưng và bỏ vào thùng rác công cộng, giữ cho không gian chung luôn sạch đẹp.
Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh một người phụ nữ trung niên, thường đưa chú chó cảnh nhỏ nhắn của mình đi dạo trong công viên trung tâm thành phố. Mỗi khi chú chó có dấu hiệu "giải quyết nhu cầu", bà luôn nhẹ nhàng ngồi phía sau, hai tay cầm sẵn tờ giấy để hứng, rồi cẩn thận thu dọn sạch sẽ sau đó.
Hay như ngay tại con hẻm nơi tôi sống, trong khi nhiều gia đình vẫn quen thả rông chó vào mỗi sáng sớm, để lại những "bãi mìn" khắp nơi, thì suốt ba năm qua, tôi luôn thấy một bà cụ cần mẫn thu dọn không chỉ chất thải của chú chó nhà mình mà cả của những chú chó hàng xóm "ghé thăm" trước cổng.
Khi tôi hỏi vì sao bà lại làm vậy, trong khi nhiều người khác vẫn phớt lờ, bà chỉ cười hiền hậu và nói: "Phải giữ cho sạch sẽ, không chỉ cho bản thân và gia đình mình, mà còn cho cả khu phố, cho cộng đồng nữa chứ."
Lời nói giản dị ấy của bà cụ, tôi chợt nhận ra thấm đẫm tinh thần từ bi và ý thức cộng đồng trong giáo lý nhà Phật. Bởi trong đạo Phật, không chỉ có lòng từ bi với con người, mà còn là sự trân trọng, gìn giữ môi trường sống, nơi mà tất cả các chúng sinh cùng nương tựa.
Hành động nhỏ bé nhưng bền bỉ của bà cụ chính là biểu hiện của tâm từ, biết chăm sóc không chỉ cho bản thân mà còn cho sự an lành của cộng đồng.

Sâu xa hơn, đó là sự thực hành sống động của việc gieo nhân lành trong Phật giáo, trong đó "không làm ô nhiễm môi trường sống" cũng là một biểu hiện của giữ thân nghiệp thanh tịnh, không gây hại cho người và muôn loài.
Đối với người tu hành thì việc nuôi thú cưng là không nên nhưng trong cuộc sống đời thường, thì nếu bạn muốn nuôi chó cưng, bạn cứ nuôi và bạn cũng có quyền được làm những việc mà pháp luật không cấm.
Vì vậy, nếu nuôi chó, bạn cần nuôi dưỡng lòng từ trong chính mình, là cơ hội để thực hành triết lý nhân quả qua từng hành động cụ thể, từ ý nghĩ thương yêu, lời nói nhẹ nhàng, đến việc làm thiện lành giữ gìn môi trường sống chung.
Trong mỗi bước chân dắt chó đi dạo, trong mỗi lần kiên nhẫn dọn sạch "dấu vết" của chúng, là chúng ta giữ trách nhiệm và có ý thức bảo vệ môi trường sống trong lành.
Tác giả: Nguyễn Gia Long
Địa chỉ: Số 58/24 Đường Tân Lập 1, Phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức(TP.HCM)
Bình luận (0)