GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do- Hạnh phúc An Hòa Tự, ngày 07 tháng 11 năm 2014. |
NỘI QUY HOẠT ĐỘNG CỦA BAN PHỔ TRUYỀN GIÁO LÝ BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 339/2014 /BTSTƯ ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo )
Căn cứ Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo đã được thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo Hoà Hảo cấp toàn Đạo lần IV, ngày 22 tháng 5 năm 2014;
Căn cứ Công văn số: 608/ TGCP-TGK ngày 16 tháng 6 năm 2014 và Công văn số 808/ TGCP-TGK ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc chấp thuận Hiến chương Giáo hội và nhân sự suy cử vào Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo nhiệm kỳ IV (2014- 2019),
Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo ban hành Nội quy hoạt động của Ban Phố truyền Giáo lý Ban Trị sự Trung ương.
CHƯƠNG I - CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1.
1. Ban Phổ truyền Giáo lý trực thuộc Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo là một trong các Ban chuyên ngành giúp việc cho Ban Trị sự Trung ương Giáo hội có chức năng nghiên cứu, phổ truyển Sấm giảng, Thi văn có nội dung giáo lý, sưu tầm bảo vật của Đức Huỳnh Giáo Chủ; in chân dung, phụng tạo trần dà và sản xuất đồ dùng việc Đạo, đồng thời tổ chức biên tập, ấn loát phát hành sách, báo, băng đĩa, các tài liệu học tập giáo lý.
2. Phối hợp với Văn phòng và các Ban chuyên ngành tổ chức mở các lớp đào tạo Giáo lý viên, Trị sự viên Phật giáo Hòa Hảo; các lớp khóa bồi dưỡng giáo lý căn bản, các buổi thuyết giảng giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo trong và ngoài cơ sở thờ tự.
3. Hướng dẫn tín đồ tu hành đúng theo tôn chỉ giáo lý chân truyền của Đức Huỳnh Giáo Chủ, tiếp tục góp phần phát huy giá trị đạo đức và tinh hoa văn hóa dân tộc. Nâng dần nhận thức, tư tưởng, thái độ hành vi; đoàn kết một lòng; qua đó củng cố lòng tin của tín đồ trong toàn đạo vào tiền đồ tươi sáng của đất nước và sự phát triển của nền Đạo.
Điều 2.
Tham mưu, đề xuất ý kiến với Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo những giải pháp thực hiện thích thời nhằm xiển dương chánh pháp của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
CHƯƠNG II - CƠ CẤU TỔ CHỨC, TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA TỪNG THÀNH VIÊN
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Ban Phổ truyền giáo lý gồm:
+ 01 Trưởng ban
+ 04 Phó Trưởng ban phụ trách các tiểu ban cụ thể như sau:
1. Phó Trưởng ban Phổ truyền Giáo lý phụ trách nghiên cứu giáo lý Phật giáo Hòa Hảo ; Trưởng Tiểu ban Nghiên cứu.
-01 Phó Trưởng Tiểu ban Nghiên cứu, Biên tập.
-01 Phó Trưởng Tiểu ban Sưu tầm bảo vật, tư liệu, quản lý tủ sách nghiên cứu.
2. 01 Phó Trưởng ban Phổ truyền Giáo lý, phụ trách truyền bá giáo lý; Trưởng Tiểu ban Truyền bá: thuyết giảng, mở lớp, phổ truyền Sấm giảng, thi văn có nội dung giáo lý.
-01 Phó Trưởng Tiểu ban Truyền bá, phụ trách mở lớp và phân công thuyết giảng.
-01 Phó Trưởng Tiểu ban Truyền bá, giám sát việc thực hành giáo lý và ý thức chấp hành Nội quy của Giáo lý viên (kiểm tra, dự giờ, thăm lớp) phụ trách Độc giảng viên phổ truyền Sấm giảng – Thi văn.
3. Phó Trưởng ban Phổ truyền Giáo lý phụ trách huấn luyện – đào tạo; Trưởng Tiểu ban Huấn luyện – Đào tạo.
-01 Phó Trưởng tiểu ban phụ trách trường đào tạo Giáo lý viên.
-01 Phó Trưởng tiểu ban phụ trách huấn luyện, bồi dưỡng nâng chất Giáo lý viên .
4. Phó Trưởng ban Phổ truyền Giáo lý phụ trách in ấn & phát hành; Trưởng Tiểu ban In ấn, phát hành (sách, báo, tài liệu liên quan giáo lý)
-01 Phó Trưởng Tiểu ban in ấn kinh sách, phụng tạo trần dà và đồ dùng việc đạo.
-01 Phó Trưởng T iểu ban phát hành phụ trách xét chọn đĩa thuyết giảng và dựng phim tư liệu để phổ biến.
+01 Thư ký Ban Phổ truyền Giáo lý.
+ Các thành viên
Điều 4.Trưởng ban Phổ truyền Giáo lý do Ủy viên Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương phụ trách và Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương quyết định bổ nhiệm, là người lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của Ban, chịu trách nhiệm trước Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương về phần công việc của mình; cụ thể là:
1. Xây dựng kế hoạch, chương trình đạo sự chung của toàn Ban và phê duyệt các kế hoạch cụ thể của 04 Tiểu ban: Nghiên cứu, Truyền bá, Huấn luyện và In ấn phát hành.
2. Tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc đạo sự phổ truyền đã được qui định tại Điều 1 của Nội quy.
3. Chỉ đạo, uốn nắn kịp thời quá trình hoạt động đạo sự phổ truyền giáo lý trong từng giai đoạn cụ thể, đảm bảo nguyên tắc hoạt động của Ban để thực thi các Điều 1, Điều 2 và Điều 8 của Nội quy.
4. Kiểm tra, đánh giá, sơ, tổng kết mọi hoạt động của Ban trên cơ sở kế hoạch hằng năm đã đề ra trong nhiệm kỳ, xem xét đề nghị tuyên dương và tuyên dương công đức, kỷ luật các thành viên thuộc Ban Phổ truyền Giáo lý..
5. Báo cáo định kỳ và đột xuất với Ban Thường trực và Ban Trị sự Trung ương về tình hình đạo sự phổ truyền giáo lý trong toàn đạo; đảm bảo kịp thời, chính xác, khách quan.
6. Thay mặt Ban Trị sự Trung ương ký các văn bản do Ban Trị sự Trung ương ủy quyền, các văn bản hành chánh đạo sự chuyên ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Ban.
Điều 5.
Các Phó Trưởng ban Ban Phổ truyền Giáo lý, Phó các Tiểu ban; Thư ký và các thảnh viên khác do Trưởng ban đề nghị, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương xem xét; Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương quyết định bổ nhiệm. Các Phó Trưởng ban giúp việc cho Trưởng ban, khi Trưởng ban vắng ủy quyền cho một Phó Trưởng ban thay mặt.
Điều 6.
1. Phó Trưởng ban Phổ truyền Giáo lý phụ trách nghiên cứu giáo lý; Trưởng Tiểu ban Nghiên cứu giáo lý Phật giáo Hòa Hảo;
a) Chịu trách nhiệm lên kế hoạch, chương trình nghiên cứu giáo lý Phật giáo Hòa Hảo hằng năm trong nhiệm kỳ.
b) Xây dựng mạng lưới nghiên cứu, củng cố hoạt động của Tiểu ban nghiên cứu, biên tập; vận động hỗ trợ hoạt động nghiên cứu.
c) Hoàn chỉnh các tác phấm nghiên cứu để xuất bản phát hành.
d) Vận động cộng tác viên chân tu tâm đạo cùng các nhà nghiên cứu Phật Giáo Hòa Hảo tham gia sưu tầm và tập hợp các công trình nghiên cứu về Phật giáo Hòa Hảo đã và đang phát hành; nghiên cứu giáo lý đặc trưng Phật Giáo Hòa Hảo gắn liền với đời sống, góp phần thực hiện tốt Tôn chỉ hành đạo.
đ) Tổ chức các hội thảo về giá trị giáo dục tích cực của giáo pháp Học Phật – tu Nhân, phản biện để góp phần bảo tồn giá trị văn hóa đạo đức dân tộc.
e) Tiếp tục nghiên cứu, biên soạn chương trình, tài liệu học tập để phục vụ các khóa, lớp bồi dưỡng giáo lý căn bản và giáo trình đào tạo đội ngũ Giáo lý viên.
g) Sắp xếp và bổ sung tủ sách nghiên cứu đặt tại văn phòng Ban Trị sự Trung ương. Khuyến khích mỗi cơ sở thờ tự và trụ sở Ban Trị sự cơ sở có phòng đọc sách, báo để phổ truyền giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, thông tin các hoạt động đạo sự và thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
h) Sưu tầm bảo vật và kỷ vật liên quan đến Đức Huỳnh Giáo Chủ, tham gia bảo quản, điều hành hoạt động của Nhà lưu niệm.
2. Phó Trưởng ban Phổ truyền Giáo lý phụ trách truyền bá giáo lý; Trưởng Tiểu ban Truyền bá:
a) Chịu trách nhiệm phối hợp với Văn phòng và các Ban chuyên ngành tổ chức triển khai các khóa, lớp bồi dưỡng giáo lý căn bản, các buổi thuyết giảng giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo trong và ngoài cơ sở thờ tự.
b) Phối hợp với Phó Trưởng ban Ban Phổ truyền Giáo lý phụ trách huấn luyện – đào tạo mở các lớp đào tạo Giáo lý viên theo kế hoạch của Ban Trị sự Trung ương.
c) Phổ truyền Sấm giảng -Thi văn có nội dung giáo lý, quản lý hoạt động của các Độc giảng viên.
d) Giúp Trưởng ban Ban Phổ truyền Giáo lý trong việc quản lý, điều động phân công hoạt động của Giáo lý viên theo đúng Nội quy. Giám sát việc chấp hành nội quy của Giáo lý viên . Tổ chức kiểm tra, dự giờ, thăm lớp.
đ) Hướng dẫn tín đồ tu hành đúng Tôn chỉ, giáo lý, nghi thức lễ bái và Đường hướng hành đạo của Phật giáo Hòa Hảo; đúng chơn truyền của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Đẩy lùi những biến tướng sai lệch, chống mê tín dị đoan.
3. Phó Trưởng ban Ban Phổ truyền Giáo lý; Trưởng Tiểu ban Huấn luyện – Đào tạo:
a) Chịu trách nhiệm hỗ trợ Ban Trị sự Trung ương thành lập và điều hành hoạt động trường Đào tạo giáo lý viên .
b) Phụ trách huấn luyện, bồi dưỡng; mở các khóa, lớp thường xuyên, giúp Giáo lý viên nâng cao trình độ giáo lý cả hai mặt kiến thức và kỹ năng, nâng cao chất lượng thuyết giảng và tiếp thu của Giáo lý viên và học viên tại các lớp bồi dưỡng giáo lý căn bản.
c) Duyệt các đề tài mới do Giáo lý viên biên soạn theo qui định.
d) Hướng dẫn hoạt động của các cụm Giáo lý viên ở các tỉnh. Cùng Phó Trưởng ban phụ trách truyền bá mở các chuyên đề, hội giảng mẫu rút kinh nghiệm,v.v…
đ) Cụm Trưởng Giáo lý viên có trách nhiệm tiếp cận, nắm trình độ Giáo lý viên trong cụm; lên kế hoạch phối hợp với lãnh đạo Ban Phổ truyền Giáo lý và Ban Đại diện tỉnh, thành phố tổ chức hội giảng chuyên đề, nâng chất lượng thuyết giảng của Giáo lý viên.
Kiểm tra, đánh giá hoạt động Giáo lý viên theo Nội quy; góp ý Giáo lý viên về những hạn chế trong chuyên môn, về nội dung, phương pháp thuyết giảng. Đôn đốc báo cáo quý, viết đề tài mới, nhắc nhở kịp thời; phối hợp với Tiểu ban Truyền bá, dự giờ thăm lớp và Tiểu ban In ấn phát hành, xét chọn đĩa Giáo lý viên thuyết giảng tốt để phát hành.
4. Phó Trưởng ban Ban Phổ truyền Giáo lý phụ trách in ấn, phát hành; Trưởng Tiển ban In ấn, phát hành (sách báo, tài liệu liên quan giáo lý):
a) Biến tập, xuất bản các loại sách, báo, tạp chí, đĩa hình, đĩa tiếng, phù hợp tôn chỉ hành đạo, đúng luật xuất bản hiện hành.
b) Tái bản Sấm giảng, Tôn chỉ hành đạo, Tám điều răn, Thi văn có nội dung giáo lý… và các ấn phẩm Phật Giáo Hòa Hảo có giá trị, hợp giáo lý, giáo luật và luật pháp hiện hành sau khi đã chọn lọc, hiệu đính.
c) Phụ trách xét chọn đĩa thuyết giảng và dựng phim tư liệu để phổ biến, quản lý hoạt động Tổ làm phim tư liệu.
d) Làm thủ tục hợp đồng giúp Trưởng ban Phổ truyền Giáo lý ký hợp đồng với các cơ quan chức năng những xuất bản phẩm liên quan giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo theo kế hoạch.
đ) Phụng tạo trần dà, đồ dùng việc đạo và chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ.
e) Củng cố, công tác phát hành các loại ấn phẩm, nâng chất lượng hoạt động của Tổ phát hành, ấn tống Sấm giảng và chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ.
g) Chịu trách nhiệm hỗ trợ công tác in ấn, phát hành Tạp chí Hương Sen.
Điều 7. Thư ký và các thành viên do Trưởng ban đề nghị, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương thống nhất và Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương quyết định bổ nhiệm, có nhiệm vụ:
1. Thư ký: phụ trách ghi chép biên bản các cuộc họp, hội nghị của Ban; dự thảo báo cáo sơ, tổng kết; báo cáo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu; tiếp nhận, lưu trữ công văn đi và đến các loại có liên quan đến đạo sự phổ truyền giáo lý, quản lý con dấu nội bộ.
Lưu hồ sơ nhân sự Giáo lý viên, hồ sơ tổ chức và hồ sơ các lớp, khóa bồi dưỡng giáo lý căn bản theo phân công của Trưởng ban.
2. Các thành viên khác do Trưởng ban Phổ truyền Giáo lý phân công chuyên trách từng lãnh vực, từng công việc tương ứng ghi ở Điều 1 và Điều 6, đảm bảo phối hợp điều hành đạt hiệu quả mọi hoạt động của Ban.
Số lượng nhân sự các thành viên do Trưởng ban quyết định, đề xuất theo yêu cầu thực tế.
Điều 8. Trưởng ban được ký tên đóng dấu nội bộ của Ban; các Phó Trưởng ban được ký thay Trưởng ban các văn bản lưu hành nội bộ đạo và đóng dấu nội bộ khi được Trưởng ban ủy quyền; thư ký được ký thừa ủy nhiệm Trưởng ban các văn bản được Trưởng ban phân công.
CHƯƠNG III - QUY ĐỊNH VỀ NGUYÊN TẮC, LỀ LỐI LÀM VIỆC
Điều 9. Ban Phổ truyền Giáo lý Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ (thảo luận dân chủ, Trưởng ban quyết định), phân công phụ trách và phối hợp hoạt động.
1. Quan hệ giữa Trưởng ban Phổ truyền Giáo lý và các Phó Trưởng ban, Thư ký cùng các thành viên là quan hệ chỉ đạo - chấp hành.
2. Quan hệ giữa các Phó Trưởng ban với nhau là quan hệ phối hợp.
Điều 10. Họp Ban Phổ truyền Giáo lý thường xuyên hằng quý, do Trưởng ban triệu tập; 06 tháng sơ kết; cuối năm có tổng kết đánh giá, đối chiếu với chương trình đạo sự hằng năm của Ban Trị sự Trung ương. Họp đột xuất khi có yêu cầu.
1. Họp các Tiểu ban thường xuyên mỗi tháng một lần và họp bất thường khi cần thiết.
2. Các Phó Trưởng ban Phổ truyền Giáo lý trực tiếp phân công nhân sự trong Tiểu ban mình phụ trách trực nhật và kiểm tra đôn đốc việc trực nhật hằng tuần đầy đủ, đúng giờ giấc quy định.
Điều 11. Ban Phổ truyền Giáo lý tuân thủ theo phương pháp điều hành và hoạt động sau:
1. Trực tiếp thông qua các cuộc họp, hội nghị trong nội bộ và với cấp trên. Ý kiến kết luận của lãnh đạo trong các cuộc họp, hội nghị đều có giá trị thực hiện.
2. Ban Phổ truyền Giáo lý ban hành các loại văn bản: Các chương trình, kế hoạch đạo sự; các tờ trình, kiến nghị; các thông báo, hướng dẫn thuộc phạm vi đạo sự phổ truyền giáo lý được Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương.
3. Ban Phổ truyền Giáo lý phối hợp chặt chẽ với Văn phòng và các Ban chuyên ngành trực thuộc Ban Trị sự Trung ương; với chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội để thống nhất kế hoạch, các điều kiện, phương tiện tiến hành hoạt động.
4. Trưởng ban và các Phó Trưởng ban Phổ truyền Giáo lý thường xuyên tổ chức và kiểm tra các bộ phận trực thuộc và cơ sở, việc thực hiện các văn bản đã ban hành và ý thức chấp hành bản Nội quy này.
CHƯƠNG IV - TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Các thành viên Ban Phổ truyền Giáo lý phải nghiêm chỉnh chấp hành bản Nội quy nầy.
Nội quy nầy gồm 4 Chương, 12 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và có thể điều chỉnh, sửa đổi sau 01 năm thực hiện.
Chỉ có Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo mới có quyền điều chỉnh và sửa đổi Nội quy nầy.
TM. BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PGHH TRƯỞNG BAN Đã ký tên và đóng dấu Nguyễn Tấn ĐạtNguồn link: https://phatgiaohoahao.org.vn/news/?ID=100&CatID=150
Bình luận (0)