Trang chủ Bài viết nổi bật Những phương pháp giáo dục trong nhà Phật

Những phương pháp giáo dục trong nhà Phật

Phương pháp giáo dục truyền thống xưa nay của các trường phật học (kể cả bên ngoài) đều theo hướng một chiều là đọc chép. Nghĩa là chỉ mình người dạy làm việc, còn người học chỉ biết ghi chép những gì giáo viên giảng, dần dần người học trở nên bị động và không phát huy hết khả năng.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Phương pháp giáo dục truyền thống xưa nay của các trường Phật học (kể cả bên ngoài) đều theo hướng một chiều là đọc chép. Nghĩa là chỉ mình người dạy làm việc, còn người học chỉ biết ghi chép những gì giáo viên giảng, dần dần người học trở nên bị động và không phát huy hết khả năng.

Tác giả: Thích Đức Bảo
Học viện PGVN tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

Ở Việt Nam, giáo dục con người sớm được định hình trong nhà chùa thuộc làng xã. Thời Phong kiến, Chùa và Đình làng là nơi đóng vai trò giáo dục cho nhân dân. Quan điểm về nhân tính đã xác định rõ mục tiêu xuất thế của nền giáo dục Phật giáo, giúp con người đạt trí tuệ giác ngộ chân thực, toàn diện và tột cùng. Nền giáo dục trí tuệ này đã sớm xuất hiện nơi thảo am, chùa vắng; phương pháp mà đức Phật hay các Thiền sư đã dạy đệ tử là khẩu giáo, thân giáo và tâm truyền (ý giáo). “Nếp sống chùa” đã un đúc nên nhiều vị cao Tăng thạc đức, dẫn dắt tứ chúng tiến tu trên đường giải thoát. Giáo dục Phật giáo đã đóng góp nhiều cho việc đào tạo con người trở nên trí tuệ, đạo đức. Trong bài viết này, người viết sẽ trình bày dề tài: “Những phương pháp giáo dục trong nhà Phật”.

NỘI DUNG

1. Phương pháp giáo dục dùng lời (khẩu giáo)

Khẩu giáo hay phương pháp giáo dục bằng lời được đức Phật Thích-ca sử dụng nhiều trong việc giáo hóa chúng sanh, qua thời gian phương pháp này càng phát triển phong phú như: thuyết pháp, giảng giải, diễn giảng, giảng thuật, thuyết trình, đàm thoại, tọa đàm, kể chuyện, nêu ví dụ cụ thể, phương pháp học thuật, truyền thông thông tin kỹ thuật số,.v.v..

Thời Phật tại thế, ngài sử dụng lời nói để giảng dạy giáo pháp cho hàng đệ tử. Những bài pháp, ngài giảng cho thính chúng không phải là giáo án hàn lâm như hiện nay. Tất cả những gì đức Phật dạy đều từ thực tế, trải qua quá trình học hỏi đạo, tiếp xúc biện triết với các nhà tư tưởng hiền triết thời bấy giờ. Chính vì lẽ đó, pháp của Phật được mệnh danh là “thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”[1]. Thiết thực hiện tại, nghĩa là chúng ta học thực tế về con người, đạo đức sống, phương pháp sống như thế nào trở nên văn minh, hạnh phúc. Qua quá trình giao tiếp với đủ loại người, Phật đã đúc kết, tiếp thu những điều hay và loại trừ những khuyết điểm của họ, tránh xa hai cực đoan (trung đạo).

Trong những buổi thuyết pháp, đức Phật thường áp dụng những nghệ thuật dẫn dắt và kỹ năng giao tiếp ứng xử hoàn thiện. Trong khi đó, các vị đạo sư của các giáo phái khác đương thời thường dùng những hành vi ma thuật hoặc phép mầu để lôi kéo tín đồ về mình. Khác đó, đức Phật chỉ sử dụng phương pháp giáo huấn. Trong các phương pháp giảng dạy, phương pháp nêu thí dụ cụ thể được đức Thế Tôn sử dụng nhiều nhất, bởi lẽ phương pháp này giúp cho người nghe dễ dàng giác ngộ chân lý.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Giáo Dục Phật Giáo

Phương pháp giáo dục truyền thống xưa nay của các trường Phật học (kể cả bên ngoài) đều theo hướng một chiều là đọc chép. Ảnh minh họa.

Về phương pháp giáo dục đàm thoại, đức Phật không bao giờ đưa ra quan điểm của mình trước mà để đối phương (những đạo sư của giáo phái khác) tranh luận trình bày rõ quan điểm của họ trước. Sau đó, đức Phật mới bắt đầu đặt câu hỏi và những câu hỏi được sắp xếp rất cẩn thận, luôn theo một trình tự nhằm chinh phục đối phương, giúp đối phương nhận ra những lý lẽ ngụy biện của mình. “Điều đáng kính nể là đức Phật không bao giờ chê bai hay bài bác ý tưởng của đối phương, mà luôn bình thản lắng nghe. Đây là điểm khác biệt giữa đức Phật và những người khác trong cuộc tranh luận. Có lẽ, đây là một nghệ thuật để dẫn dắt và thu phục lòng người trong các cuộc tranh luận của đức Phật”[2]. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu Phật học nhận định: “Nét độc đáo nhất của đức Phật là Ngài đã khéo sắp xếp lại tiến trình suy nghĩ của người tranh luận bằng cách đặt câu hỏi nhanh và liên tục. Phép so sánh và loại suy được sử dụng trong việc làm rõ thêm chi tiết và giải thích những câu hỏi này”[3].

Thời trung đại ở Việt Nam, vai trò ngôi chùa là nơi giáo dục theo kiểu Gia giáo. Ở đó, thầy dạy cho trò, giáo dục truyền thụ này sớm hình thành trong từng chùa, biệt lập, đơn lẻ. Phương pháp giáo dục truyền thống xưa nay của các trường Phật học (kể cả bên ngoài) đều theo hướng một chiều là đọc chép. Nghĩa là chỉ mình người dạy làm việc, còn người học chỉ biết ghi chép những gì giáo viên giảng, dần dần người học trở nên bị động và không phát huy hết khả năng. Xuất phát từ giáo dục trong nhà chùa, thời cận đại đã kế thừa nền giáo dục Phật giáo qua những cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỉ XX, nhất là kể từ khi thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981. Trong vòng gần 40 năm qua, nghành giáo dục Phật giáo đã hình thành và phát triển hệ thống giáo dục về mặt tổ chức và chương trình đào tạo các cấp, tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Giáo hội hiện nay.

Ngoài ra, trì tụng kinh cũng được xem là phương pháp giáo dục không có người dạy (thầy giáo) chỉ có đối tượng người học. Người học thông qua những lời Phật dạy mà chiêm nghiệm giáo lý để áp dụng vào đời sống hằng ngày, nuôi dưỡng đạo đức bằng cách lánh ác làm lành. “Người phàm phu ai dám bảo đảm là mình không phạm sai lầm, có lúc phạm sai mà cũng không biết mình phạm sai, và sửa sai. Nhưng đến lúc đối diện với tượng Phật, trong khi miệng đọc tụng kinh điển, cũng giống như đức Phật từ kim khẩu thuyết pháp để nhắc nhở răn dạy chúng ta, khiến cho chúng ta không ngớt lần này sang lần khác, tự mình sách tiến, tinh tiến tu hành cải sửa, nếu đã phạm sai lầm từ trước, thì hãy mau chóng cải sửa, còn nếu như chưa phạm thì quyết tâm không phạm; còn nếu đã làm các việc phúc thiện, thì nỗ lực làm tiếp, chưa làm việc phúc thiện, thì lập tức đi làm”[4].

Trải qua hơn 2500 năm, Phật giáo trải qua biết bao thăng trầm biến đổi có lúc suy nhưng không bao giờ mất. Nhờ vận dụng học thuyết “Tùy duyên bất biến” vào việc hoằng pháp giáo dục mà phát triển thêm nhiều cách thức giáo dục bằng lời. Giáo dục bằng lời trong Phật giáo không chỉ là những buổi thuyết giảng, đọc kinh sách mà còn phát triển rộng về hình thức như băng đĩa, báo chí, truyền thông. Điều đó, chúng ta được biết đến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, văn minh phương Tây đã ảnh hưởng nhiều đến văn hóa Việt Nam, họ bắt bỏ chữ Hán và chữ Nôm để thay thế vào đó là chữ Quốc ngữ. Lúc đó, người Việt dần dần mù chữ Hán-Nôm và không dễ dàng được học chữ Quốc ngữ (nạn giặc dốt). Trước tình hình đó, những phong trào Duy Tân, Bình dân học vụ và trong Phật giáo có phong trào chấn hưng Phật giáo đã ra sức học tập chữ Quốc ngữ, và sau đó những hội này dạy miễn phí để xóa nạn mù chữ cho nhân dân. Từ đây, giáo dục Phật giáo cũng bước sang một trang mới, đó là xuất hiện thêm phương pháp giáo dục thông qua phương tiện báo chí. Tờ báo đầu tiên của Phật giáo là tờ báo “Pháp Âm” được xuất bản ngày 31.8.1929, chủ nhiệm là Hòa thượng Khánh Hòa. Tiếp đó là nhiều tờ báo của Phật giáo ra đời các tờ báo – tạp chí khác ra đời, như: Tạp chí Từ bi âm, tạp chí Viên âm, tuần báo Đuốc tuệ, Duy tâm Phật học, Bồ-đề, Bát nhã âm, tạp chí Giác ngộ, Từ quang, Liên hoa nguyệt san, Giác ngộ… Tất cả đều góp phần vào việc truyền bá giáo lý, đạo đức Phật giáo đến mọi người, đây là nhiệm vụ chính yếu của báo chí phật giáo. Ngoài việc chuyển tải thông tin, báo chí còn giúp độc giả nhận biết thêm về phong trào chấn hưng Phật giáo. Đồng thời hướng độc giả đến những giá trị nhân văn qua việc chuyển tải thông tin lành mạnh, giúp độc giả thăng tiến đời sống nhân bản.

Không dừng lại ở đó, nhóm phương pháp giáo dục bằng lời phát sinh thêm một phương pháp mới để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đó là hoằng pháp truyền thông Phật giáo. Truyền thông đã thực sự trở thành sức mạnh không thể phủ nhận trong đời sống xã hội, thậm chí trong một vài trường hợp, truyền thông còn là quyền lực thứ năm sau các quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp và báo chí ở một quốc gia. Nhận thức được điều đó, năm 2017, chư tôn đức lãnh đạo giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất đẩy “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị Từ bi-Trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng ni, Phật tử của tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.  Song song đó là đẩy lùi các thông tin mang tính chất xuyên tạc, cố ý bôi nhọ đời sống phạm hạnh của Tăng ni với ý đồ làm giảm uy tín của Tăng đoàn, giáo hội và đạo Phật, khiến cho người dân mất niềm tin mà từ bỏ đạo Phật. Như vậy, thông tin truyền thông cũng là một phương pháp hoằng pháp, giáo dục rất cần thiết cho con người xã hội hiện nay.

Phương pháp giáo dục bằng lời qua phương tiện truyền thông là một phương pháp cần thiết trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 này. Bằng chứng là thực trạng chung của xã hội hiện nay đang diễn ra nhiều tệ nạn như: giết người, cướp của, hiếp dâm, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, lừa đảo trên mạng xã hội, tin giả,.v.v. Nguyên nhân là con người tiếp thu quá nhiều những thông tin kích động, những trang báo không có uy tín, những trang wed đồi trụy khiêu dâm, trang quảng cáo hàng thật bán hàng giả, những trang chống phá uy tín nhà nước và tôn giáo…  đã làm cho tình trạng truyền thông bẩn ngày một gia tăng, phát sinh nhiều hành động tiêu cực và vô lương tâm. Theo khảo sát của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội: “hiện tượng tin giả, các phát ngôn thù ghét, nói xấu, phỉ báng, vu khống, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên mạng… đang trở nên đáng báo động, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng”[5]. Chúng ta rất dễ tìm thấy nhiều trang báo điện tử xuất hiện những tiêu đề “giật gân, giật tít” để câu like, câu khách. Họ vô tư dùng chữ cẩu thả, tùy tiện, bóp méo mó sự thật làm nhiễu loạn thông tin. Nói riêng về Phật giáo, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc khủng hoảng truyền thông liên quan đến Phật giáo, một bộ phận kẻ xấu lạm dụng khai thác triệt để để truyền và đăng tải thông tin thiếu tính chân thật, khách quan, nhằm làm tổn hại uy tín và niềm tin của người dân đối với đạo Phật. “Thế giới ảo của truyền thông đã đi vào cuộc sống thường ngày và ảnh hưởng toàn diện đến toàn nhân loại. Mạng xã hội đã chính thức trở thành quyền lực số 5, Phật giáo không thể đứng ngoài”. Vì thế, thông qua phương tiện truyền thông, Phật giáo đã dần dần đẩy lùi những thông tin bẩn, tiêu cực; đồng thời còn đem lợi ích Phật pháp lan rộng khắp quần chúng. Trước tình hình đó, chư tôn đức Tăng ni lãnh đạo Phật giáo Việt Nam đã đẩy mạnh việc giáo dục – hoằng pháp qua phương tiện truyền thông. Điển hình là những bài giảng hay, có ý nghĩa giáo dục cao; hay là những Phật sự, phóng sự, từ thiện… được đăng tải lên Facebook, Youtube; Phật sự Online, Giác Ngộ online… đã nhanh chóng, kịp thời đưa tin chuyển tải những thông điệp tốt đời đẹp đạo, đạo đức để chuyển hóa tâm thức con người luôn nhận thức đúng sẽ đưa đến hành động đúng, và sống an lành, hạnh phúc.

2. Phương pháp giáo dục thân giáo (lấy nhân cách làm gương)

Nhân cách và hình ảnh tốt đẹp người thầy trong giáo dục Phật giáo bao giờ cũng được mọi người quý trọng. Đức Phật của chúng ta là một bậc đạo sư có đại trí tuệ và lòng từ bi vô lượng. Chính nhân cách đó đã làm cho những ai gặp Ngài đều phải tôn kính. “Ngài hiểu rõ hoàn cảnh từng người, biết rõ khả năng trình độ của họ. Ngài tùy theo đó dìu dắt, họ đều được lợi lạc. Nhân cách của Phật đã hoàn thiện một cách tốt đẹp, với trí tuệ thấy đúng xác thực và đạo đức trong sáng không có lỗi lầm”[6]. Thân giáo của Ngài là bài học sống động, biết bao tầng lớp-giai cấp đã đi theo Ngài bởi nhân cách đạo đức và tấm lòng từ bi; cho đến khi họ tu tập và chứng quả vị đều nhờ thân giáo của Ngài. Schumann nhận xét: “Thế đấy, Ngài trở thành một bậc Đạo sư với những phương pháp giáo dục hết sức phong phú. Ngoài những bài pháp thoại, những pháp môn điều phục tâm nhờ đó các đệ tử đạt đến định tĩnh (samadhi), các pháp thiền hướng đến an tâm hay tịnh chỉ, đoạn trừ dục vọng và dễ tiếp nhận các tuệ quán cao hơn. Cách phát triển tâm trí theo lối quán sát (vipassana) nhằm tiêu diệt vọng tưởng và vô minh. Cách này luôn hướng đến một đối tượng: tự thân”[7].

Thân giáo là bài học mà người thầy (người làm chức năng giáo dục) thể hiện bằng hành động của chính mình làm gương cho người khác noi theo. Nghĩa là thay vì ra lệnh, thì chính mình tự làm trước để người khác thấy mà noi theo. Thân giáo là phương pháp giáo dục tốt nhất, có hiệu quả cao nhất mà người người dạy cần lưu ý áp dụng. “Muốn dạy người khác trước phải sửa mình, đã sửa mình rồi, thì từ thân giáo đạt được thông tuệ, đích thân dạy người khác, cho đến dạy nhiều người không còn sai phạm.”[8]

Điều kiện cần đủ của một người thầy đúng nghĩa là phải có tri thức và đạo đức. Có tri thức mới có thể sẻ chia tri thức ấy cho người học, có đạo đức mới có thể làm chỗ dựa cho học trò nương tựa và y cứ. Đạo đức là nền tảng mà mọi hạt giống tri thức được gieo trên đó. Nhân cách và hình ảnh tốt đẹp của người thầy là điều không thể thiếu trong việc giáo dục tha nhân. Nếu giáo dục chỉ cần ngôn từ để giảng giải thì giáo dục đó sẽ không có hiệu quả. Người xưa có nói: nếu chỉ nói đứa bé ba tuổi cũng nói được, nhưng làm thì chưa chắc ông lão tám mươi tuổi đã làm được.

Ngày nay, vai trò thân giáo của người thầy trong Phật giáo là vô cùng cần thiết. Chính vì thế, nhiệm vụ của chư Tăng là thể hiện đầy đủ hình ảnh một vị thầy hướng dẫn đạo đức tâm linh. Có thể nói, thân giáo là nhân cách sống để mọi người noi theo. Từ lâu, hàng Tăng sĩ là tấm gương sáng về đạo đức cho nhân thế; vì thế bất kỳ lời nói, ứng xử, hành vi  (những lời khen, khích lệ động viên, một cử chỉ nghiêm trang mà không xa cách, quý trọng nhưng không thiên vị, phong cách giản dị, gần gũi, biết quan tâm người khác, lịch sự) đều có thể đọng lại trong lòng mọi người. Ngày nay, vai trò thân giáo người Thầy trong Phật giáo vô cùng cần thiết,“thân giáo gần như là điều kiện thiết yếu đòi hỏi sự đồng bộ của giới xuất gia và là yếu tố căn bản quyết định thành quả của mọi Phật sự; được vậy, mới mong tái lập lòng tin nơi quần chúng học Phật”[9]. Phật tử không nhìn người tu sĩ chỉ ở trên pháp tòa giảng pháp mà còn nhìn ở nhiều khía cạnh khác nhau, lời nói của người xuất gia phát ra phải luôn đi đôi với hành động, nói được làm được, thực hành trước rồi mới nói được. Nếu vị pháp sư nói được và làm được thì uy tín có thể tăng lên. Những hành vi và phẩm chất đạo đức của người học sẽ chịu sự ảnh hưởng của vị Thầy của mình thông qua việc giáo dục thân giáo. Theo đó, người học chuyển hóa nội tâm, tức là chuyển hóa những tư tưởng, những quan điểm của vị Thầy mà mình tin tưởng thành của chính họ. Họ bắt đầu có những hành vi đúng đắn, áp dụng những lời pháp vi diệu mà thầy mình đã truyền đạt vào trong đời sống hằng ngày và họ dần dần trở nên thánh thiện.

Phương pháp giáo dục bằng thân giáo không phải chỉ dành riêng cho Tu sĩ, mà còn là trách nhiệm của các vị Cư sĩ. Ví dụ điển hình là Cư sĩ Nguyễn Hữu Tuân (1897-1967), pháp danh là Tâm Thắng. Ông là Hội viên Hội An Nam Phật học, hoạt động ngay từ khi Hội thành lập bên cạnh bác sĩ Lê Đình Thám. Sau đó, Cư sĩ góp phần xây dựng gia đình Phật hóa phổ Sum Đồn ở Dương Biều do Cư sĩ làm Phổ trưởng. Ban đầu do chưa có nơi sinh hoạt, Cư sĩ đã dùng nhà của mình ở Huế làm nơi sinh hoạt cho Sum Đồn. Những người tham gia trong giai đoạn đầu có Cư sĩ Văn Đình Hy và nữ Cư sĩ Đặng Tống Tịnh nhơn. Cư sĩ đã đóng góp cho đạo, cho đời, xây dựng gia đình Phật tử, đào tạo cán bộ cho Phật giáo giai đoạn ban đầu nhất, đúc chuông, tạo tượng để thờ tại các chùa, lập bệnh xá để chữa bệnh cho nhân dân là một việc làm rất đáng trân quý, là tấm gương sáng cho Phật tử và các thế hệ Cư sĩ Phật tử noi theo. Cần lưu ý rằng, giáo dục bằng thân giáo ở đây không những là vai trò của tu sĩ, cư sĩ; mà còn là sự kết hợp từ tập thể trong nhà trường, và nhất là gia đình cụ thể là ông bà, cha mẹ, anh chị và bạn bè phải làm chuẩn mực đạo đức để giáo dục con em. Đây cũng là phương pháp giáo dục nhận thức, giáo dục cảm xúc… trong nghành tâm lí học giáo dục đang chú trọng.

3. Phương pháp giáo dục tự tỉnh (ý giáo)

Giáo dục tự tỉnh hay ý giáo là phương pháp giáo dục đặc biệt của Phật giáo giúp cho người khác tự thức tỉnh bằng những câu nói, hành động hoặc một cử chỉ nào đó. Chính đức Phật là người đã tự giác ngộ, “giác ngộ và giải thoát là một thực nghiệm cá nhân, nghĩa là không ai có thể giác ngộ hay giải thoát thay cho ai được cả. Có những điều mình làm được nhưng người khác không làm được, mình làm dễ nhưng người khác làm khó, trong hoàn cảnh này làm được, nhưng trong hoàn cảnh khác lại không”[10]. Giáo lý của đức Phật dạy chúng ta sự tự giác, phải làm chủ lấy mình, phải tự phản tỉnh lại tâm mình có ham muốn điều gì bất thiện hay không, nếu có thì phải trừ diệt nó. Tự soi lại lòng mình ngày nay có được điều thiện nào không, có nghĩ được điều tốt nào cho ai không? Tự soi lại chính mình được Thiền tông gọi là “Phản quang tự kỷ”. Nếu mỗi ngày, chúng ta phản tỉnh lại mình (tự tỉnh) thì chắc chắn chúng ta sẽ trở thành người sáng suốt, một con người có đạo đức. Nếu thiếu sự tự giác đó, tất nhiên tâm chúng ta sẽ sa đọa khổ đau. Đạo Phật được gọi là đạo giác ngộ cũng bởi vì ba yếu tố: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Chúng ta có thể thấy đức Phật trong vai trò lãnh đạo Tăng đoàn, nhưng Ngài phủ nhận mình là giáo chủ và chưa bao giờ nhận mình là vị thần hay đấng siêu nhân tối thượng cầm quyền giáng họa hay ban phước cho bất cứ ai. “Đức Phật luôn nhấn mạnh rằng ngài là một người chỉ đường, không phải một đấng quyền năng, và rằng mọi sự gợi ý chỉ dẫn đều cần phải được chứng nghiệm, kể cả những chỉ dẫn của chính ngài”[11]. Ngài cũng là một con người bình thường bằng xương bằng thịt như chúng ta, một con người có thật trong lịch sử nhân lọai. Cha là vua Suddhodana, mẹ là hoàng hậu Mayadevi và thái tử Siddhārtha (Sĩ-đạt-ta) đã được sinh ra tại vườn Lumbini. Thái tử đã xót xa trước cảnh đau khổ sanh-già-bệnh-chết của kiếp người khi dạo bốn cửa thành. Chính tự thân ngài xuất gia, tầm đạo trải qua khổ hạnh và sau cùng đúc kết nhận ra chân lý giác ngộ. Trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật một lần nữa khuyên chúng đệ tử “hãy nương tựa chính mình… Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác”[12]. Hãy quay lại với con người và tâm thức của chính mình. Còn tất cả những hình sắc âm thanh của bên ngoài, của núi sông đại địa, của con người… đều là những ảo giác do biến kế sở chấp của ý thức mà phát sanh. Như thời đức Phật tại thế, bà Kisagotami có một đứa con, nhưng không may con bà đã chết khi vừa biết đi. Đó là nỗi bất hạnh lớn lao đã khiến bà đau khổ tột cùng. Trong niềm đau xót ấy, bà chỉ biết ôm đứa con vào lòng và đi đến từng nhà, từng người để xin thuốc “Hãy cho con tôi thuốc”. Nhân duyên đã dẫn dắt, bà đi đến Tinh xá xin đức Phật: “Hãy cho con tôi thuốc”. Đức Phật bảo: “Ngươi hãy vào làng xin một nắm hạt cải về đây ta sẽ cứu đứa trẻ sống lại.” Đức Phật còn dặn thêm: “Nhưng ngươi nhớ xin cho được hạt cải ở gia đình nào xưa nay chưa có người chết.”

Chiều tối người đàn bà mệt lả ôm con trở lại, đức Phật còn chờ ở đấy. Người đàn bà sụt sùi thưa: “Thưa ngài, con đi khắp xóm làng nhưng không có gia đình nào xưa nay chưa hề có người chết.” Phật bảo: “Cả thế gian này có cùng nỗi đau như con.” Ngay sau câu nói đó, người đàn bà đã tỉnh ngộ và đức Thế Tôn dạy thêm:

“Tâm còn bị đắm say,

Con cái và súc vật,

Tử thần bắt người ấy,

Như lụt trôi làng ngủ”. (Pháp cú 287)

Sau khi đức Phật nói xong, bà chứng được Sơ quả, xin được xuất gia và không bao lâu sau chứng quả A-la-hán.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy đức Phật đã dạy cho người phụ nữ đau khổ tự thức tỉnh và nhận ra được sự thật của cuộc đời, đó là “ai cũng phải chết”. Như vậy, khi một đối tượng đang gặp nỗi đau khổ và nỗi đau ấy đến tột độ, thì chúng ta không nên ngồi ở đó giải thích bất kỳ điều gì, vì dù có nói hay đến mấy đi chăng nữa, họ cũng không có tâm trạng để lắng nghe. Lúc này, điều có thể làm là chúng ta nên chỉ bảo cho họ làm một việc gì đó để có thể cứu vớt vấn đề họ đang đau khổ. Như vậy, phương pháp giảng dạy ý giáo của nhà Phật muốn mỗi người hãy tự thân giác ngộ bằng cách sống tỉnh thức và quán chiếu các pháp để thấy rõ sự thật các pháp. “Phật luôn luôn nhấn mạnh con người có đầy đủ bản chất hướng thiện, đồng thời có đầy đủ khả năng tự hoàn thiện mình. Tự mình cố gắng và phấn đấu, thì mình sẽ được giác ngộ và giải thoát. Đó là lời khuyên thường được nhắc đi nhắc lại của Phật Thích Ca”[13]. Về sau, phương pháp này được áp dụng nhiều trong nhà thiền, nhất là thiền tông Trung Hoa, còn được gọi là thiền Công án. Trong các công án thiền, có những câu nói gợi ý ngắn gọn, có những câu hỏi phản vấn, có những câu sử dụng tính mâu thuẫn và cả đến sử dụng cái “vô ngôn” như một cú đánh, một tiếng hét, với gậy hèo…, nhằm thức tỉnh cái khả năng tự chứng tự nội. Đấy là phương pháp hỗ trợ để người học tự phát huy khả năng chứng ngộ của mình, vì khả năng vô hạn ấy có sẵn trong mỗi người, giáo dục không phải áp đặt tri thức từ bên ngoài mà chỉ nhằm khơi dậy cái tri thức vốn có, đánh thức khả năng giác ngộ của mình. Tất cả những công án đó nhằm giúp cho người phản tỉnh, tự nhìn lại mình và tìm ra chân lý.

Tinh thần giáo dục Phật giáo tự tỉnh được đức Phật dạy rõ qua quan thuyết nghiệp:“Các chúng sanh là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là sanh căn của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm họ làm nghiệp gì, thiện hay ác, họ là những kẻ thừa tự của nghiệp ấy”[14]. Đây là thái độ giáo dục mang tính tích cực, sáng tạo, dân chủ trong tinh thần vô ngã, có giá trị xuyên suốt thời gian và không gian, có khả năng hóa giải được các căn bệnh mâu thuẫn xung đột của chính nội tại cá nhân đó, mâu thuẫn xung đột giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với môi trường, gia đình xã hội và thế giới bên ngoài. Đó là bức thông điệp giáo dục vô tiền khoáng hậu của đức Phật mà cách đây hơn 25 thế kỷ.

KẾT LUẬN

Đức Phật là một nhà đại giáo dục toàn diện, Ngài căn cứ trên tinh thần từ bi và trí tuệ để tạo điều kiện tối ưu đưa con người đến với chân lý bằng tinh thần tự giác, hướng con người quay về tự chứng nghiệm với chân lý đó. Nền giáo dục của đức Phật đứng trên lập trường nhân bản, nêu cao tinh thần tự giác của con người, đó là vấn đề chủ yếu giúp con người đánh thức trí tuệ của mình, biết điều hành tâm lý và vật lý của chính mình để đạt đến giải thoát và giác ngộ, biết hướng con người thích ứng với môi trường sống trong xã hội tiến bộ, biết sáng suốt nhìn và biết sống như thế nào để đem lại hạnh phúc cho chính mình và cộng đồng xã hội. Người thầy là “Kỹ sư tâm hồn” cho người học, vai trò người dạy rất quan trọng, nó đánh giá được năng lực của một nhà sư phạm. Dù thế gian hay nhà Phật thì vai trò thân giáo mới là cốt lõi và thực tế của sự truyền đạt kiến thức.

Tác giả: Thích Đức Bảo
Học viện PGVN tại Tp.HCM
***
Chú thích
[1] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VI Sáu Pháp, Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, Trang 127.
[2] Minh Hoa, Giáo dục Phật giáo xây dựng con người hoàn thiện, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr. 100.
[3] Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb Tôn giáo, 2001, tr. 466.
[4] Thích Giác Nghiên (chuyển ngữ), Việc Lớn Nhất Của Đời Người, Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, tr. 107.
[5]https://laodong.vn/thoi-su/ngan-chan-truyen-thong-ban-764696.ldo,  Ngày đăng  09/11/2019 | 18:30.
[6] Thích Trí Quảng, Lược giải Kinh Pháp Hoa,  Nxb.Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 485.
[7] Trần Phương Lan (dịch), Đức Phật lịch sử, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.
[8] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 68 – Bộ Kinh Tập XV, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr. 901- 902.
[9] Ban Giáo Dục Tăng Ni TW, Hội Thảo Khoa Học: Giáo Dục Phật Giáo – Định Hướng & Phát Triển, Giáo Dục & Giáo Dục Phật Giáo, Lưu hành nội bộ, 2012, tr. 88.
[10] Thích Minh Châu, Đức Phật của chúng ta, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 123.
[11] Nguyễn Minh Tiến (dịch và chú giải), Lược sử Phật giáo, Nxb.Tổng hợp, TP.HCM, tr.14.
[12] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 1, 16. Kinh Đại Bát Niết Bàn, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1991, trang 584.
[13] Thích Minh Châu, Đức Phật của chúng ta, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 120.
[14] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 4, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. HCM, 1997, tr. 613.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường